Mỗi đứa trẻ một cách học
CHƯƠNG IX. CHÚNG TA HIỂU THEO CÁCH NÀO?
“Anh có thể cho tôi biết thư viện ở đâu không?”
“Chắc chắn rồi! Cứ đi thẳng qua hai tòa nhà tới khu công viên có bức tượng ở chính giữa, anh biết đấy, chỗ mà người ta đào đường năm ngoái ấy. Rẽ phải và đi cho tới trạm cứu hỏa, đi qua thêm ba tòa nhà nữa, anh sẽ nhìn thấy một ngôi nhà lớn màu trắng có hàng rào màu xanh lá cây bao quanh. Thư viện ở ngay bên đường.”
“Xin lỗi anh, tôi hơi lẫn lộn một chút. Anh nói cho tôi tên đường được không? Anh có thể cho tôi địa chỉ của thư viện không?”
“Hả? Ờ. Không được rồi. Thật sự xin lỗi anh, tôi chỉ biết cách đi từ đây tới đó thôi!”
Ở các phần trên, chúng ta đã biết được một số cách phân biệt các phong cách học. Phần này sẽ tiếp tục cung cấp thêm cho bạn kiến thức về cách bạn hoặc con bạn xử lý thông tin ngay từ lúc tiếp nhận. Như ta có thể thấy từ câu chuyện trên, khi chúng ta học, có một sự khác nhau cơ bản trong cách mỗi người tiếp nhận thông tin và truyền tải thông tin. Trong đó, cách chúng ta tiếp nhận thông tin ảnh hưởng đến việc truyền tải chúng đến người khác. Mô hình nghiên cứu Witkin về các phong cách học sẽ giúp chúng ta nhận biết và hiểu rõ hơn điều này.
Chương này giúp bạn hiểu rằng người học dù ở lứa tuổi nào cũng đều có thể đạt được kết quả tốt nếu biết và vận dụng tốt các thế mạnh bẩm sinh để xử lý mọi việc, từ bài tập đến các bài kiểm tra. Nếu chú ý quan sát mối quan hệ giữa phụ huynh-học sinh và giáo viên-học sinh, chúng ta sẽ hiểu lý do tại sao con mình lại thành công hay không thành công trong học tập. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Hải quân Mỹ đã có một phát hiện giật mình về các phi công máy bay chiến đấu của họ. Tất cả các phi công này đều đặc biệt thông minh, cực kì tài năng, đầy nhiệt huyết, nghiêm túc, và được huấn luyện kĩ càng. Tuy nhiên, khi bay qua sương mù, một vài người trong số họ có xu hướng lộn ngược máy bay. Điều này làm cho Hải quân lo lắng. Họ không chi bạc tỉ để mang về các phi công hoàn toàn mất phương hướng mỗi khi tầm nhìn bị che phủ như thế.
Hải quân Mỹ liền cho mời nhà nghiên cứu tâm lý Herman Witkin tiến hành một số bài kiểm tra các phi công để quyết định ai vẫn được tiếp tục lái và ai cần huấn luyện thêm trên mặt đất trước khi có thể cầm lái trong điều kiện thời tiết nhiều mây hơn.
Witkin thiết kế một căn phòng đặc biệt cho thử nghiệm của mình. ông để mỗi phi công ngồi trên những chiếc ghế nghiêng ngả trong một căn phòng cũng nghiêng ngả. Khi nào phi công chắc chắn rằng anh ta ngồi thẳng hay đang lộn ngược, anh ta sẽ phải nói với Witkin. Nhiều phi công nhận rằng mình đang ngồi thẳng, nhưng khi Witkin kiểm tra, họ và căn phòng đang nghiêng, đôi khi đến 30 độ! Họ cần căn phòng vuông góc với mình thì mới cảm thấy là đang ngồi thẳng.
Cảm giác này rất giống khi bạn ngồi trong rạp chiếu phim và cố nắm lấy tay ghế để không rơi khỏi chiếc xe tải bạn thấy trên màn hình. Nếu đèn trong rạp bỗng dưng bật sáng, bạn sẽ thấy hành động của mình thật ngớ ngẩn. Chẳng có gì đang chuyển động cả. Bạn vẫn đang đứng im và thứ duy nhất thay đổi là tầm nhìn của bạn.
Một số phi công khác tham gia bài kiểm tra của Witkin lại luôn luôn biết khi nào họ đang ngồi thẳng, dù căn phòng có nghiêng đến mức nào. Rõ ràng là họ không bị ảnh hưởng bởi tầm nhìn nhiều như các phi công trước. Thử nghiệm này ban đầu chỉ đơn giản là bài kiểm tra về thể chất. Nhưng ngẫu nhiên, Witkin và các trợ lý của ông để ý
thấy rằng đặc điểm tính cách và cách xử lý của hai nhóm phi công này khi họ mất tầm nhìn, và cách họ tiếp cận với thử nghiệm này là khá nhất quán.
Những phi công luôn biết mình đang ngồi thẳng bất kể ngoại cảnh ra sao có xu hướng độc lập hơn, hoặc có tính phân tích hơn khi tiếp nhận thông tin mới. Với bất cứ thông tin nào nhận được, họ đều tự động phân tích thành từng phần rồi tập trung vào chi tiết. Những phi công khác, những người cần có tầm nhìn để biết rằng mình có đang ngồi thẳng hay không, lại thường có xu hướng tiếp cận thông tin một cách phụ thuộc hơn hay tổng thể hơn. Nghĩa là, những người này có một bức tranh toàn cảnh, hay “bản chất” cốt lõi của sự vật, nhưng chỉ thế thôi, họ không để tâm đến chi tiết. Hãy nhớ rằng cả hai nhóm phi công đều rất thông minh, tài năng và hăng hái. Điểm khác nhau không nằm ở chỗ liệu họ có học được hay không, mà là làm thế nào họ có thể học hiệu quả nhất, theo cách phù hợp với tính cách tự nhiên của mình.
Do mỗi người đều có cách nhìn thế giới khác nhau (tổng thể hay phân tích), nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cùng chứng kiến một sự việc nhưng mỗi người lại có một phiên bản riêng về chuyện thực sự diễn ra.
Khi còn là một sĩ quan cảnh sát, tôi từng tham gia điều tra nhiều vụ tai nạn ô tô. Tôi tới hiện trường, gặp các nhân chứng và bắt đầu cuộc thử thách tìm hiểu chính xác chuyện đã xảy ra. Nhân chứng đầu tiên có thể sẽ cung cấp cho tôi nhận dạng chi tiết chiếc xe gây tai nạn – năm sản xuất, hãng xe, mẫu xe, màu xe. Nhân chứng tiếp theo có thể chẳng nhớ gì về chiếc xe nhưng lại có thể mô tả tỉ mỉ người lái. Nhân chứng thứ ba có thể bối rối khi không nhớ được hình dáng chiếc xe hay đặc điểm lái xe, nhưng lại rất nóng lòng tường thuật lại vụ tai nạn đã xảy ra như thế nào.
Những người này có chứng kiến cùng một vụ tai nạn không? Có, nhưng những gì họ thấy lại hoàn toàn khác nhau; điều này cũng giống hệt như trường hợp các phi công. Những người cùng chứng kiến một vụ tai nạn nhìn sự kiện từ những “cửa sổ” khác nhau. Những người có tính phân tích sẽ tự động ghi các chi tiết vào bộ nhớ; còn những người có tính tổng thể thường quan tâm đến bức tranh tổng quát xem cái gì đã xảy ra.
Là học sinh/sinh viên, cách chúng ta học, kết quả học tập và cách chúng ta làm bài kiểm tra cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi xu hướng tổng thể hay phân tích. Thông thường, không ai chỉ thuần túy thuộc một kiểu. Nhưng nếu xác định được điểm nổi trội và các khuynh hướng tự nhiên của mình, chúng ta sẽ tìm ra được cách học tập hiệu quả hơn.
Bảng điều tra dưới đây sẽ giúp bạn xác định được mình thuộc thế mạnh tổng quát hay phân tích. Sau đó bạn nên đưa bảng điều tra này cho con bạn làm hoặc điền hộ con nếu nó còn quá nhỏ. Hãy trả lời càng thành thật càng tốt, và kể cả khi bạn thấy cả hai phương án đều đúng, hãy cố gắng chọn ra thứ bạn hay làm hơn.
Chúng ta nghe nhớ thông tin theo cách nào?
Hãy đánh dấu vào câu mô tả sở thích của bạn trong lúc học.
Khi học, bạn thường
A B
1._— Thích học một mình hơn là học cùng một người khác hoặc học nhóm?
— Thích học với một người khác hay học nhóm hơn là phải học một mình? 2._— Hoàn thành lần lượt từng công việc một?
— Bắt tay vào việc khác ngay cả khi bạn chưa hoàn thành việc trước?
3._ — Bắt đầu làm việc mà không cần chờ xem người khác làm công việc đó như thế nào?
— Muốn ai đó bắt đầu trước khi bạn bắt tay vào làm?
4._ — Thấy việc ghi nhớ chi tiết dễ hơn việc ghi nhớ ý chính khi đọc?
__Thấy việc ghi nhớ ý chính dễ hơn việc ghi nhớ chi tiết khi đọc?
5._ — Thích kiểu bài kiểm trắc nghiệm hơn?
— Thích kiểu bài tự luận hơn?
6._ — Cần bàn ghế và nơi làm việc ngăn nắp mới tập trung được?
— Thấy rằng mình hoàn toàn có thể làm tốt công việc giữa một đống bừa bộn?
7._ — Thấy thật phí công làm bài khi thầy cô không chấm điểm?
___ Không quan tâm có chấm điểm hay không, chỉ cần thầy cô biết mình đã làm bài? 8._ — Thích cạnh tranh giữa các cá nhân hơn là cạnh tranh giữa các nhóm?
— Thích cạnh tranh giữa các nhóm hơn là cạnh tranh giữa các cá nhân?
9._ — Thích được tự do lựa chọn cách làm bài tập?
— Muốn thầy cô giáo nói chính xác cách hoàn thành bài tập?
10. — Muốn xem lại bài kiểm tra đã chấm để chữa lại những lỗi sai?
— Muốn xem lại điểm bài kiểm tra nhưng không muốn chữa câu sai?
11. — Không bị sao nhãng khi đang học hoặc làm việc?
— Rất dễ sao nhãng khi đang học hoặc làm việc?
12. — Thích chia nhỏ bài tập ra và làm từng phần một?
— Muốn biết toàn bộ bài tập trước khi bắt tay vào làm từng phần?
13. — Muốn tự đưa ra quyết định và tự mình làm việc?
— Hỏi ý kiến của người khác nếu bạn không chắc chắn về quyết định của mình?
14. — Không tự ái khi ai đó nói bạn làm sai điều gì?
— Tự ái khi ai đó nói bạn làm sai điều gì?
15. — Đổ tội cho bài kiểm tra nếu bạn làm bài không tốt dù đã học theo đúng lời cô bảo?
— Tự trách mình nếu bạn làm bài không tốt dù đã học đúng như cô dạy? Tổng cộng: ______
Hãy tính tổng các dấu tích ở mỗi cột. Nếu số dấu tích ở cột A nhiều hơn, bạn có thiên hướng phân tích hơn. Nếu số dấu tích ở cột B nhiều hơn, bạn có thiên hướng tổng thể hơn.
Cho dù điểm bên cột này của bạn cao hơn hẳn cột kia, hãy nhớ rằng không ai chỉ thuần túy theo một phong cách cả. Tất cả chúng ta đều là sự kết hợp, pha trộn của nhiều đặc điểm phong cách khác nhau. Hai định nghĩa “phân tích” và “tổng thể” đều là cực điểm, và hầu hết chúng ta sẽ thấy mình nằm ở khoảng giữa hai khái niệm đó. Và bạn cũng nên nhớ rằng, các phong cách theo nghiên cứu Gregorc sẽ ảnh hưởng đến phong cách phân tích hay tổng thể. Ví dụ như, một người phân tích thuộc phong cách trừu tượng-ngẫu nhiên sẽ hoàn toàn khác với kiểu phân tích của một người cụ thể-theo trình tự.
Chồng tôi, John, thiên hẳn về phong cách phân tích. Khi chúng tôi xem phim cùng nhau, anh ấy phải xem chi tiết từng tên nhân vật, đạo diễn và toàn bộ đoàn làm phim. Anh đọc từng cái tên một và ghi chép lại các thông tin. Nếu sau đó bạn hỏi John bộ phim có nội dung như thế nào, anh ấy sẽ kể vanh vách toàn bộ câu chuyện, tỉ mỉ đến từng chi tiết, thậm chí còn có cả các đoạn hội thoại. Tôi cũng xem cùng bộ phim đó. Nhưng vì tôi mang phong cách tổng thể, nên nếu bạn hỏi tôi nội dung phim thế nào, tôi sẽ chỉ tóm tắt ngắn gọn diễn biến chính. Ai thủ vai chính trong bộ phim đó? Tôi không biết – một anh chàng cao to tóc nâu nào đó đã từng tham gia một chương trình truyền hình nào đó. Bộ phim được quay ở đâu? Tôi không biết – một thành phố lớn,
với những tòa nhà chọc trời, vào mùa tuyết rơi. Xét cho cùng, bạn có bảo tôi là cần một bản mô tả chi tiết sau khi tôi xem xong đâu? Bạn thấy đấy, tôi chỉ trải nghiệm bộ phim thôi. Tôi không chú ý đến chi tiết trừ khi bạn bảo trước tôi cần chú ý tới cái đó.
Những người mang phong cách tổng thể luôn nhìn thấy một bức tranh lớn, nói cách khác, có một cái nhìn tổng quát, trong khi những người mang phong cách phân tích lại chú ý vào các chi tiết tạo nên bức tranh đó. Nếu là một người có thiên hướng phân tích, bạn sẽ phải hiểu tường tận từng phần nhỏ trước khi hiểu được toàn bộ bức tranh lớn. Còn nếu có thiên hướng tổng thể, bạn sẽ thấy rằng chẳng việc gì phải cố làm sáng tỏ chi tiết nào đó nếu trông nó chẳng có vẻ gì là phù hợp với bức tranh tổng quát. Những người có thiên hướng tổng thể luôn thấy các phần nhỏ liên kết với nhau, và họ gặp rắc rối khi phải phân tích bức tranh lớn thành các phần nhỏ.
Việc đó rất giống với trò ghép hình. Là một người mang thiên hướng tổng thể, tôi luôn phải nhìn vào bức tranh trên vỏ hộp để có thể xếp các mảnh ghép vào đúng chỗ. Người chồng phân tích của tôi lại thường thích dò xem các mảnh ghép có vừa nhau hay không. Có khi anh ấy đã xếp được một số phần riêng lẻ trước khi nghĩ đến việc ghép lại thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Hãy xem xét bản liệt kê các đặc điểm của phong cách phân tích và tổng thể dưới đây. Chắc chắn bạn sẽ thấy các đặc tính của mình rải đều trong cả hai danh sách, nhưng bạn vẫn hoàn toàn có thể xác định được phong cách của mình dựa vào cách tiếp cận thông tin và cách xử lý chúng. Hãy nhớ rằng, thiên hướng tổng thể hay phân tích chỉ liên quan đến cách bạn xử lý thông tin, chứ không quyết định cách bạn cư xử với người khác.
MỨC ĐỘ PHâN TíCH CỦA BẠN ĐẾN ĐâU?
Các thế mạnh của thiên hướng phân tích
• Chi tiết
• Có tiêu điểm
• Có tổ chức
• Ghi nhớ chi tiết
• Các câu trả lời trực tiếp
• Nhất quán
• Công bằng, tin vào công lý
• Khách quan
• Cạnh tranh cá nhân
• Hoàn thành lần lượt từng việc một
Những điều bạn cần biết về thiên hướng phân tích
• Thích những thứ được sắp xếp có trật tự
• Ghi nhớ chi tiết dễ dàng
• Cần được chuẩn bị trước
• Cần biết trước mục tiêu hướng tới
• Thường đánh giá sự việc cao hơn cảm xúc
• Thích hoàn thành lần lượt từng việc một
• Hiếm khi bị ảnh hưởng bởi tình cảm cá nhân
• Có logic
• Tự thân vận động
• Ghi nhớ tốt các sự kiện nhưng đôi khi lại bỏ qua ý chính Những khó khăn của người có thiên hướng phân tích
• Phải bày tỏ ý kiến bằng các sự việc thật
• Không hiểu mục đích của việc phải làm
• Không hiểu cách đánh giá và cho điểm của giáo viên
• Phải nghe một bản tổng kết mà không hiểu các bước đã thực hiện
• Phải nghe một lời giải thích dài dòng khi tất cả những gì họ cần chỉ đơn giản là khẳng định “có” hoặc “không”
• Phải xử lý các thông tin khái quát
• Phải rút ra bài học cá nhân từ những gì được học
• Phải bắt tay vào làm một việc khác khi vẫn chưa hoàn thành công việc trước.
• Nhìn thấy được bức tranh tổng thể
• Dễ dàng nhận ra mối liên hệ, tương quan giữa các sự vật, sự việc
• Làm việc nhóm
• Công tâm
• Nhìn ra được nhiều giải pháp
• Khả năng diễn đạt
• Làm nhiều việc cùng một lúc
• Cho và nhận những lời khen
• Đọc được ngôn ngữ cơ thể
• Lôi cuốn được người khác
Những điều bạn cần biết về thiên hướng tổng thể
• Nhạy cảm với cảm xúc của người khác
• Linh hoạt
• Học bằng cách tranh luận và làm việc với người khác
• Cần sự cam đoan và khẳng định chắc chắn
• Làm việc chăm chỉ để làm hài lòng người khác
• Tự ái khi bị phê bình
• Ngại cạnh tranh cá nhân
• Luôn cố tránh gây xung đột
• Có thể bỏ qua các bước hay các chi tiết
Những khó khăn của người có thiên hướng tổng thể
• Phải tự giải thích theo cách phân tích
• Không có cơ hội thanh minh
• Không hiểu ý nghĩa của việc mình đang làm
• Phải làm việc lần lượt theo từng bước một mà không biết nó dẫn đến đâu
• Không thấy được liên hệ của những gì đang học với thực tế
• Cố gắng mà không được ghi nhận
• Phải giải thích các bước đã làm để ra được đáp án cuối cùng
• Phải chấp nhận lời phê bình mà không được tự ái
• Phải tiếp xúc với những người không nhạy cảm với cảm xúc của người khác
Dù có thiên hướng phân tích hay tổng thể, chúng ta đều có xu hướng nghĩ rằng người khác muốn ta truyền đạt cho họ thông tin theo như cách chính chúng ta tiếp nhận.
Ở nhà, John mang tính phân tích rõ ràng hơn tôi, và tôi thường xuyên cảm thấy tội lỗi khi không để ý tới nhu cầu thông tin chi tiết của anh. Một trong những tình huống phổ biến nhất là khi anh hỏi tôi tìm một đồ vật nào đó ở đâu. “Nó ở phòng khác ấy.” Tôi trả lời.
Anh chỉ nhìn tôi và hỏi: “Phòng khác nào?”
“Ở phòng ăn.”
“Ở chỗ nào của phòng ăn?”
“Chỗ cái bàn cuốn ấy.”
“Trong ngăn bàn cuốn hay trên mặt bàn?”
“Em nghĩ là ở trong ngăn bàn.”
“Đằng trước hay đằng sau?”
“Đằng sau.”
“Ở bên phải hay bên trái?”
“Bên trái.”
Câu chuyện trên xảy ra đã khá lâu, và tôi đã học được thêm nhiều điều về cách mà một bộ não phân tích muốn tiếp nhận thông tin. Bây giờ khi John hỏi tôi một thứ nào đó ở đâu, tôi sẽ nghĩ giây lát. Và rồi tôi sẽ nói những câu như: “Nó ở trong bếp, trong tủ chén bên trái bếp lò và ngăn giữa phía bên phải nhìn từ trong ra.” John sẽ nhìn tôi với một nụ cười biết ơn và nói: “Cảm ơn em vì đã nói chi tiết như thế!”
Tôi có thể không biết chính xác vị trí của đồ vật đó, nhưng tôi biết là nó gần chỗ tôi nói. Tôi cũng biết rằng nếu tôi đưa ra một chỉ dẫn chi tiết, anh ấy sẽ không ngại tìm kiếm tiếp.
Mô hình nghiên cứu Witkin tập trung nghiên cứu cách mà chúng ta tiếp nhận và xử lý thông tin. Chúng ta hãy xem xét sự khác nhau giữa những người có thiên hướng tổng thể và phân tích khi học các kĩ năng.
LƯU ý
Phong cách học chủ đạo sẽ ảnh hưởng đến cách bạn nghe, thông tin bạn chú ý và quyết định những gì bạn nhớ.
Khi một người có thiên hướng tổng thể nghe một thông tin mới, họ chỉ nghe thấy “cốt lõi” của vấn đề. Họ có thể nhanh chóng nắm bắt được chủ đề hoặc ý chính và đôi khi thấy mình đi trước cả người đang diễn thuyết. Vì họ không có thói quen lắng nghe các chi tiết, nên đôi khi người ta cho rằng họ không tập trung. Nhưng thật ra, họ đã nắm được những điều cơ bản và khái quát được vấn đề đang nói đến. Trừ phi đã khổ công rèn luyện cách lắng nghe các chi tiết, nếu không họ rất dễ bỏ qua những phần quan trọng của bài giảng.
Một bà mẹ hỏi đứa con có thiên hướng tổng thể đặc trưng: “Hôm nay ở trường con đã làm gì nào?”
Đứa con gái hào hứng trả lời: “Mẹ ơi, hôm nay vui lắm! Chúng con học về phân số. Cô giáo vẽ một chiếc pizza có hình nhãn hiệu Mercedes, và rồi chúng con đều được ăn pizza!”
Bà mẹ hài lòng hỏi: “Thế con có bài tập gì không?”
Đứa con gái ngạc nhiên: “Bài tập ấy ạ? Con không nghĩ là có. Con không nghe thấy cô giáo nói gì về bài tập về nhà cả.”
Đứa trẻ mang thiên hướng tổng thể này đã quá chú ý tới việc trải nghiệm lớp học mà không để tâm tới những chi tiết nhàm chán như bài tập về nhà.
Còn những người có thiên hướng phân tích, khi nghe thông tin, thường chỉ để ý các chi tiết. Họ thậm chí còn có thể nhắc lại chính xác lời lẽ của người vừa nói. Nhưng với họ, nắm được ý khái quát mà các chi tiết này nhắm đến lại là việc khó khăn. Ví dụ, một người mang thiên hướng phân tích có thể kể vanh vách diễn biến, sự kiện của một câu chuyện nhưng lại không thể giải thích chủ đề của câu chuyện đó. Người mang thiên hướng phân tích cần tập cách thấy được và thấu hiểu bức tranh toàn cảnh.
LàM THEO CHỈ DẪN
Sự khác biệt giữa những người có thiên hướng tổng thể chủ đạo và những người phân tích chủ đạo thể hiện rất rõ qua cách nghe và làm theo chỉ dẫn. Ví dụ, khi cha mẹ hay giáo viên đưa ra một chỉ dẫn, một người có thiên hướng phân tích sẽ nghe rất chăm chú, và bắt tay vào việc ngay lập tức. Còn một người có thiên hướng tổng thể cũng có thể lắng nghe, nhưng sẽ liên tục yêu cầu nhắc lại chỉ dẫn. Họ sẽ chỉ lắng nghe những gì cần làm, không nhất thiết là cách làm được việc đó. Thêm vào đó, họ dễ bị mất tập trung vì mải băn khoăn xem còn những gì không được nói đến.
Trong một lớp chiến lược dạy học gần đây, tôi chia các giáo viên thành hai nhóm – tổng thể và phân tích. Cả hai nhóm phải thiết kế một bài giảng về Thuyết tương đối của Einstein sao cho phù hợp nhất với những học sinh mang đặc tính tổng thể. Do một số giáo viên vẫn mơ hồ về thuyết này, nên một giáo viên vật lý đã tổng quát lại
vấn đề trong 10 phút.
Sau khi nhóm phân tích đã chia sẻ xong kế hoạch dạy học chi tiết, đến lượt nhóm tổng thể đứng lên trình bày. Họ tỏ ra có phần lúng túng. Cuối cùng người đại diện nhóm nói rằng: “Chúng tôi phải thú nhận là đã không chú ý lắng nghe bài giảng về lý thuyết này. Khi giáo viên vật lý giải thích, chúng tôi lại mải nghĩ đến những điều như: Làm sao Einstein lại nghĩ ra được những điều này? Phòng thí nghiệm của ông ấy ở đâu − ở gara à? Einstein có vợ không? Khi chúng tôi quay trở lại bài giảng thì giáo viên đã nói xong mất rồi. Chúng tôi đều có chung cảm giác là trông mình thật ngốc nghếch.”
Những người có thiên hướng phân tích luôn luôn lắng nghe đến từng chi tiết và rất dễ bực mình nếu cứ bị nhắc đi nhắc lại chỉ dẫn. Họ luôn sẵn sàng tiến hành công việc và không muốn nghe lại những gì đã biết. Ngược lại, nếu ta nói với những người có thiên hướng tổng thể rằng chỉ dẫn sẽ không được nhắc lại và họ buộc phải chú ý nghe ngay từ lần đầu, họ sẽ trở nên căng thẳng và nhiều khả năng là không thể làm được.
Vậy nếu bạn là phụ huynh hay giáo viên, làm thế nào để dung hòa được nhu cầu của cả hai nhóm này? Cho dù trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản, và dường như không có câu trả lời thỏa mãn hoàn toàn, nhưng nếu làm rõ được mục đích khái quát trước khi đi vào chi tiết, bạn sẽ có thể đưa ra các chỉ dẫn mà không cần phải nhắc lại nhiều lần. Trước hết, hãy nói rõ hôm nay chúng ta sẽ học gì, rồi sau đó mới đề cập đến cách tiếp cận. Ví dụ, bạn có thể nói những câu như: “Chúng ta sẽ học về ba nguyên nhân chính của cuộc nội chiến. Các em sẽ phải tìm hai ví dụ cho mỗi nguyên nhân mà chúng ta thảo luận. Bây giờ cô sẽ chỉ cho các em thấy phải tìm các ví dụ đó ở đâu.”
Trong một số trường hợp, nếu quá trình hay khái niệm được đề cập đến quá phức tạp, bạn nên động viên những học sinh có thiên hướng phân tích tỏ ra khoan dung một chút đối với những học sinh có thiên hướng tổng thể. Xét cho cùng, nếu những học sinh có thiên hướng tổng thể không hiểu được ngay lần đầu tiên và thầy cô không nhắc lại, thì chính những học sinh có thiên hướng phân tích ngồi cạnh sẽ là những
người phải giải thích lại.
TỔ CHỨC Và QUẢN Lý THỜI GIAN
Nếu phải suy đoán về phong cách của một người dạy quản lý thời gian, thì bạn đoán là phong cách nào? Đúng đấy, là phân tích. Còn những người định tham gia các khóa học này? Lại đúng, là những người có thiên hướng tổng thể! Cho dù cả hai phong cách này đều có thể tự tổ chức bản thân thành công, nhưng họ luôn có các quan điểm về tổ chức và quản lý thời gian khác nhau. Giờ thì bạn đã hiểu tại sao thời khóa biểu được dùng ở trường học và công sở thường không hiệu quả rồi chứ?
Một giáo viên tiếng Anh mang đặc phong cách phân tích cố gắng thuyết phục các học sinh trung học của cô xếp giấy tờ vào các cặp tài liệu chia theo chủ đề. Cho dù tất cả học sinh đều răm rắp làm theo, vẫn có một cậu bé, mang đặc tính cách tổng thể, không mang theo cặp tài liệu bao giờ. Cậu ta luôn mặc một chiếc áo khoác quân đội có rất nhiều túi và luôn chuẩn bị sẵn bút giấy. Cuối cùng, buồn phiền vì cậu bé nhất định không chịu nghe lời, cô giáo tiếng Anh quyết định phải làm một điều gì đó.
Một hôm, cuối giờ cô bảo cả lớp trước khi về để lại tập tài liệu trên bàn. Cô sẽ chấm điểm dựa theo việc học sinh có sắp xếp giấy tờ của mình đúng chỗ hay không.
Trong khi các học sinh khác đặt ngay ngắn tập tài liệu trên bàn, cậu bé kia cởi chiếc áo của mình ra, treo lên ghế và đi về. Cô giáo thận trọng kiểm tra chiếc áo. Và đúng như cô đoán, mỗi túi là một chủ đề, và trong đó không thiếu một tờ giấy nào.
Đối với những người có thiên hướng phân tích, ngăn nắp là mỗi đồ vật đều có một chỗ để riêng và đồ nào phải vào đúng chỗ nấy. Còn những người có thiên hướng tổng thể lại thường cho là mình ngăn nắp khi họ có thể tìm được đồ vật bất cứ khi nào mình cần, cho dù có khi phải lục tung cả đống lộn xộn lên. Mặc dù những người có thiên hướng tổng thể thường trông chẳng có vẻ gì là có tổ chức, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên về tốc độ tìm đồ vật cần thiết của họ.
Vì hệ thống trường học truyền thống mang đặc trưng phong cách phân tích, nên cách
quản lý thời gian và sắp xếp dụng cụ học tập của những học sinh có thiên hướng này được đánh giá cao. Trong khi đó, đây đúng là vấn đề nan giải đối với những học sinh có thiên hướng tổng thể. Phong cách tổng thể thường không phù hợp với trường học truyền thống.
Nếu bạn là phụ huynh của một đứa trẻ có thiên hướng tổng thể, lúc nào trông cũng có vẻ luộm thuộm, bừa bộn, hãy cố gắng giúp nó hiểu sự cần thiết của việc ngăn nắp. Nếu mục đích của việc ngăn nắp là để có thể tìm thấy giấy tờ và dụng cụ học tập dễ dàng, thì con bạn cần phải đảm bảo được rằng hệ thống của nó (dù có vẻ bừa bộn và thiếu ngăn nắp đối với bạn) có hiệu quả. Hãy kiểm tra xem con bạn có thể tìm thấy giấy tờ nó cần trong vòng một phút hay không. Nếu nó làm được, thì hiển nhiên là hệ thống đó có hiệu quả. Còn nếu không, hệ thống của nó cần phải cải tiến.
Những người có thiên hướng phân tích và những người có thiên hướng tổng thể gặp phải những rắc rối khác nhau trong khả năng tổ chức và quản lý thời gian. Trong những trang tiếp theo, bạn sẽ tìm thấy vấn đề gặp phải của cả hai phương pháp và cách giải quyết các vấn đề đó.
CHâN DUNG NGƯỜI Có THIêN HƯỚNG PHâN TíCH
Thật khó làm việc khi cứ bị ngắt quãng liên tục. Do xu hướng bẩm sinh của những người có thiên hướng phân tích là chỉ nghĩ về duy nhất một thứ một lúc, và họ sẽ cảm thấy bị gián đoạn khi đang tập trung vào thứ này mà lại đột nhiên phải nghĩ về thứ khác. Vì thế, những người có thiên hướng phân tích thường làm việc tốt hơn khi ở một mình, và chỉ tham gia vào hoạt động tập thể sau khi công việc đã được hoàn thành. Nếu bạn là giáo viên hay phụ huynh của một học sinh có thiên hướng này, thì khi bạn muốn bảo chúng làm cái gì hoặc có gì cần nói ngay giữa lúc chúng vẫn chưa hoàn thành bài tập, tốt nhất là đừng cắt ngang làm chúng mất tập trung. Hãy viết việc đó ra và nói chuyện khi chúng đã hoàn thành công việc.
Có quá nhiều công việc phải sắp xếp một lúc. Những người có thiên hướng phân tích luôn luôn làm việc tốt hơn nếu bài tập hay công việc được chia ra thành nhiều phần
hoặc nhiều giai đoạn nhỏ. Đối với họ, tạo nên khác biệt lớn ở một lĩnh vực nhỏ có nhiều ý nghĩa hơn là tạo nên khác biệt nhỏ cho một lĩnh vực lớn.
Ngay trước đám cưới của chúng tôi, đặc tính tổng thể của tôi nổi lên khi phải đối mặt với những công việc phút chót và những điều “chợt nhớ ra”. Tôi cứ liên tục nhắc John, chú rể có thiên hướng phân tích của mình, những thứ như: “Anh đã hứa là sẽ cắt cỏ trước khi mẹ anh đến rồi đấy” và “Anh gọi cho ông ta để đàm phán hợp đồng chưa?” và “Khi anh tới Bắc Seatle, anh nhớ lấy nhẫn cưới nhé.” Cuối cùng, John nói: “Cindy, em nên làm cho anh một cái danh sách đi.” Tôi ngồi viết nắn nót danh sách những việc cần làm. Tôi trình bày rõ ràng từng thứ một, đánh số thứ tự và để một khoảng trống trước mỗi số để John có thể đánh dấu những việc đã làm xong. Tôi tự hào đưa danh sách cho John, và anh lịch sự cảm ơn tôi. Vài phút sau khi đi ngang qua phòng ăn, tôi thấy John đang viết lại danh sách của mình. “Danh sách của em có vấn đề gì vậy?” Tôi ngạc nhiên.
Anh giơ tờ giấy vừa viết lại lên. Danh sách được chia rõ ràng thành bốn mục: “Cá nhân”, “Đám cưới”, “Công việc” và “Những việc khác”. “Em trộn mọi thứ vào với nhau,” anh trả lời, vẻ hoài nghi. “Em không nên để đàm phán hợp đồng (một công việc cần thiết) với cắt cỏ (một việc nên làm khi có thời gian) vào cùng một danh sách!” Khi John sắp xếp xong danh sách của tôi, anh bắt tay vào làm việc miệt mài để hoàn thành từng việc một.
Cần một hệ thống có tổ chức. Những người có thiên hướng phân tích thường làm việc có hiệu quả nhất khi nắm được phương pháp tiến hành công việc, nhất là khi họ tự mình sáng tạo ra phương pháp đó. Tuân thủ thời gian biểu hàng ngày hay danh sách những việc cần làm là cách hiệu quả giúp những người có thiên hướng phân tích giữ được phong độ làm việc. Những người có thiên hướng phân tích thường thấy thoải mái nhất khi họ có thể tự đặt ra và đạt được mục đích cụ thể.
CHâN DUNG NGƯỜI Có THIêN HƯỚNG TỔNG THỂ
Xây dựng được một hệ thống có tổ chức dễ hơn nhiều việc duy trì nó. Những người
có thiên hướng tổng thể thường sở hữu một hệ thống sắp xếp giấy tờ và đồ dùng được gọi là “chồng chất và miễn cưỡng”. Ban đầu, họ luôn hào hứng sắp xếp mọi thứ, nhưng sau vài bận lấy thứ này, thứ nọ, dùng xong họ lại ném tuốt vào chiếc hộp những-thứ-cần-sắp xếp, định bụng sẽ sắp xếp lại sau. Kết quả là trước khi họ kịp hiểu chuyện gì xảy ra, thì đã có cả một chồng giấy tờ lộn xộn lù lù xuất hiện và cần sắp-xếp-một-cách-miễn-cưỡng. Với những ca này, bạn có thể áp dụng một mẹo nhỏ hữu ích, đó là sử dụng hệ thống sắp xếp càng đơn giản càng tốt, như vậy khi sử dụng xong họ sẽ đỡ ngại xếp lại mọi thứ. Chẳng hạn như có thể dùng những chiếc rổ to hay những cặp tài liệu sặc sỡ chia theo các mục cơ bản nhất, như thế ít nhất cũng sẽ khuyến khích bạn đặt giấy tờ trở lại đúng nơi quy định.
Đôi khi, kể cả những người có thiên hướng tổng thể cũng không chấp nhận được việc bừa bộn, sắp xếp thiếu khoa học. Khi tôi cuối cùng cũng nhận ra mình phải lau dọn và sắp xếp phòng làm việc, điều đầu tiên tôi làm là đi tới cửa hàng. Tôi say sưa mua đủ thứ đồ từ những rổ đựng đồ đủ màu sắc, tủ nhựa đến những cặp tài liệu xách tay. Và khi trở về cùng với đống chiến lợi phẩm, tôi lại chẳng còn hứng nào bắt tay vào sắp xếp, và thế là tôi lại quay về làm việc – trong đống bừa bộn.
Quá dễ mất tập trung. Những người có thiên hướng tổng thể thường quan tâm nhiều thứ một lúc. Khi họ đang tập trung vào một việc nào đó, mà có một việc khác cần phải hoàn thành xen vào, kiểu gì thì kiểu, thay vì làm cho xong việc đầu tiên, họ lại bắt đầu ngay công việc mới và cứ thế làm song song cả hai việc cho đến khi có thứ gì khác làm họ sao nhãng hẳn việc đầu tiên. Một trong những cách hiệu quả nhất hạn chế được xu hướng dễ mất tập trung này là làm việc cùng với người khác. Bạn có thể hứa với người kia sẽ làm xong việc này mới bắt tay vào làm việc khác. Và bạn sẽ phải ngạc nhiên khi thấy làm việc với người khác, bạn sẽ tập trung dễ dàng đến như thế nào.
“Em sẽ làm” không phải lúc nào cũng có nghĩa là “Em sẽ làm ngay bây giờ”. Thường thì những học sinh có thiên hướng tổng thể có rất nhiều ý tưởng hay, nhưng theo đánh giá của phụ huynh và thầy cô thì chúng không tích cực theo đuổi những ý
tưởng đó đến cùng và họ thường phải ép chúng làm cho xong. Trì hoãn luôn có sức cám dỗ ghê gớm đối với những người có thiên hướng tổng thể, và đây chính là nguồn gốc của nhiều xung đột giữa họ và những người có thiên hướng phân tích. Nếu bạn muốn một người có thiên hướng tổng thể làm một việc gì đó ngay, hãy cố gắng cùng làm với họ để ít nhất cũng buộc họ bắt tay vào việc. Ví dụ, là một người có thiên hướng tổng thể điển hình, tôi thường cần đến một thứ gọi là “cú hích”. Tức là, chỉ cần bạn chịu khó thúc ép tôi làm việc trong vài phút đầu, thì ngay sau đó tôi sẽ có thể tự mình tiến hành và hoàn thành công việc.
MỖI THIêN HƯỚNG MỘT MẸO LàM BàI KIỂM TRA
Cho dù cả hai nhóm đều chẳng mặn mà gì với những bài kiểm tra, thì nói chung học sinh có thiên hướng phân tích vẫn không tỏ ra lo lắng bằng nhóm có thiên hướng tổng thể. Nhóm này luôn có cảm giác rằng các bài kiểm tra đều mang tính cá nhân. Và rằng thầy cô chỉ muốn chơi khó mình và cốt sao làm mình cảm thấy ngu ngốc. Đối với những học sinh này, bài kiểm tra thường quá trang trọng và cứng nhắc, và đôi khi chúng bị kết quả kém chỉ vì không tin mình qua được.
Ngược lại, những học sinh có thiên hướng phân tích dường như đối mặt với bài thi tự tin hơn. Do bản năng của nhóm này là phân tách thông tin ra thành nhiều phần nhỏ, nên chúng dễ dàng chia bài kiểm tra thành nhiều phần và giải quyết lần lượt. Nếu một học sinh có thiên hướng phân tích trượt một bài thi, thường thì lý do là đã không được chuẩn bị kĩ chứ không phải do cậu ta nghĩ rằng giáo viên cố tình đánh trượt mình.
Một trong những khó khăn lớn nhất của học sinh có thiên hướng tổng thể là dù có thể dễ dàng hiểu khái quát vấn đề nhưng các em lại gặp rắc rối với những bài kiểm tra đi vào chi tiết và cụ thể mà dường như chỉ sinh ra để dành cho nhóm có thiên hướng phân tích. Nếu những em có thiên hướng tổng thể tự tin hơn về kĩ năng làm bài kiểm tra cơ bản, chúng sẽ thấy rằng mình thông minh hơn rất nhiều so với điểm số trên bài kiểm tra kia.
Cả tôi và chị Sandee của tôi đều có thiên hướng tổng thể. Chúng tôi đang nói chuyện
với một giáo viên vật lý thì Sandee có một câu hỏi thú vị: “Nếu một cái lò vi sóng có thể nhanh chóng làm nóng, tại sao người ta lại không nghĩ ra một thứ có thể làm lạnh ngay?” Giáo viên đó cười khoan dung và nói rằng đó là một điều đi ngược lại các nguyên lý tự nhiên. Rồi ông kiên nhẫn nêu ra và giải thích các nguyên lý đó. Khi ông ấy nói xong, những gì còn đọng lại trong đầu tôi chỉ là câu hỏi của chị Sandee. “Đồng ý, nhưng nếu một cái lò vi sóng có thể nhanh chóng làm nóng…” Những nguyên lý mà người giáo viên đó giải thích chỉ thoáng qua đầu hai chúng tôi mà thôi.
Chồng tôi, một người phiên dịch hoàn hảo cho những tình huống như thế này, can thiệp. “Nó là như thế này này,” anh giải thích. “Giả sử em có 1000 quả bóng bàn trong một túi lưới treo trên trần nhà. Nếu em mở túi ra, những quả bóng sẽ nhanh chóng tràn ra khắp phòng. Đó là nguyên lý đằng sau chiếc lò vi sóng. Và để đảo ngược quy trình đó, em sẽ phải nhặt lại từng quả bóng bàn, đặt chúng trở lại túi lưới, và treo lên trần nhà.”
Giờ thì tôi đã hiểu. Tôi vẫn chưa thể đọc tên nguyên lý đó và làm một bài kiểm tra nghiêm túc, nhưng tôi đã hiểu được cách nó vận hành ra làm sao. Thật không may cho những người có thiên hướng tổng thể chúng ta, một khi đã không qua được bài kiểm tra về các chi tiết mang tính phân tích thì dù có hiểu được nguyên lý tổng thể, chúng ta cũng khó lòng đạt được kết quả cao ở trường học.
Gần đây, tôi đã yêu cầu một số nhóm học sinh trung học thử đưa ra các mẹo để làm một bài kiểm tra xuất sắc. Trong khi nhóm thiên hướng phân tích ngay lập tức cân nhắc, và suy nghĩ nghiêm túc, thì nhóm thiên hướng tổng thể lại ào ào liệt kê ra những thứ như: “Đánh mất kính áp tròng để khỏi phải làm bài”, “Báo cháy giả”, và “Dùng dao nhíp cứa máu nhỏ giọt lên bài kiểm tra để giáo viên cảm thấy thương hại.”
Sau khi bàn bạc một hồi, những học sinh có thiên hướng phân tích và tổng thể có kinh nghiệm đối phó và đối phó thành công với các loại bài kiểm tra đã chia sẻ một số bí quyết. Thật không hề khó để có thể nhận ra sự khác biệt giữa hai danh sách này.
Mẹo làm bài kiểm tra cho học sinh có thiên thướng phân tích
• Đọc lướt qua đề một lượt để biết có bao nhiêu câu hỏi tự luận, bao nhiêu câu trắc nghiệm hay bao nhiêu câu trả lời đúng-sai. Sau đó phân chia hợp lý thời gian làm bài.
• Trả lời các câu hỏi dễ trước; để lại những câu có vẻ khó và phức tạp sau.
• Giữ bàn hoặc nơi làm việc ngăn nắp; như vậy sẽ khiến bạn tập trung hơn khi làm bài.
• Luôn mang dự trữ thêm bút cho bài kiểm tra.
Mẹo làm bài kiểm tra cho học sinh có thiên thướng tổng thể
• Giờ kiểm tra nên ăn mặc thoải mái.
• Ăn một thứ gì đó trước khi làm bài để không bị đói.
• Sau khi tự ôn tập, tập trung thành từng nhóm nhỏ để kiểm tra lẫn nhau.
• Không nên đến lớp quá sớm trong ngày thi để khỏi bị việc nhồi nhét kiến thức làm hoang mang thêm.
Trong một bài phát biểu ngắn ở hội thảo thanh niên, tôi để ý thấy một cô bé lớp bảy lắng nghe rất chăm chú và hào hứng những điều tôi nói về phong cách và kĩ năng học. Khi bài phát biểu kết thúc, cô bé phóng ra cửa và hét lên với cô bạn: “Này, Stacy! Mình không ngốc – mình là tổng thể!”
NHẬN DIỆN PHONG CáCH GIáO VIêN
Không giáo viên nào chỉ thuần túy có thiên hướng tổng thể hay phân tích. Nhưng việc quan sát các biểu hiện và sở thích của thầy cô giáo cũng rất có ích đối với học sinh. Việc đó sẽ giúp các em hiểu tại sao với một số giáo viên, chúng lại cảm thấy giờ học khó khăn đến thế.
Có thể các bậc phụ huynh và học sinh sẽ nghĩ rằng tốt nhất là giáo viên và học sinh
nên có cùng phong cách học. Tuy nhiên, không nhất thiết phải vậy. Đôi khi, tốt nhất lại là để một học sinh có thiên hướng tổng thể điển hình ở trong lớp học của một giáo viên có thiên hướng phân tích. Giáo viên có thiên hướng phân tích sẽ đưa ra cho học sinh có thiên hướng tổng thể cấu trúc bài rõ ràng hơn, và đôi khi một học sinh có thiên hướng phân tích lại đạt kết quả tốt nhất trong lớp học của một giáo viên có thiên hướng tổng thể bởi vì ở đó, cậu ta học được cách nhìn ra bức tranh tổng quát thay vì chỉ chăm chăm chú ý vào các chi tiết.
Do hầu như tất cả các giáo viên đều là sự kết hợp giữa hai phương pháp, nên quan trọng là phải thấy được giáo viên đòi hỏi học sinh có phong cách học nào. Nhìn ra được giáo viên trông đợi gì ở học sinh còn quan trọng hơn việc tìm hiểu phong cách của giáo viên đó. Để giúp bạn nhận diện được phong cách học tập mà giáo viên của con mình đòi hỏi, tôi sẽ liệt kê ra những biểu hiện rõ rệt nhất.
Môi trường lớp học
Bạn hoàn toàn có thể xác định được giáo viên là một người có thiên hướng tổng thể hay phân tích chỉ bằng cách quan sát lớp học của giáo viên đó. Một giáo viên có thiên hướng tổng thể thường sắp xếp phòng học gần như nhà của mình. Phòng học sẽ có những bức tranh treo tường, cây cảnh, thảm, và ghế bành. Dưới mắt của những người có thiên hướng phân tích, nơi này trông hệt như một bãi rác. Nhưng đối với những người có thiên hướng tổng thể, đây đúng là môi trường học lý tưởng.
Ngược lại, phòng học của một giáo viên có thiên hướng phân tích trông lại có vẻ đơn điệu. Bước vào căn phòng đó, bạn có thể tìm thấy hướng dẫn khi có hỏa hoạn, bảng thông báo hàng ngày, những biểu đồ liên quan đến bài học hôm đó. Những thứ khác đều bị cho là làm mất tập trung. Những giáo viên có thiên hướng phân tích thường giữ phòng học của mình càng sạch, càng ngăn nắp càng tốt để học sinh hoàn toàn tập trung vào bài học chứ không bị sao nhãng bởi môi trường xung quanh.
Trong một khóa học hè tổ chức cho các giáo viên, một giáo viên có thiên hướng phân tích nói rằng cô đã chuẩn bị rất kĩ cho kì học tới. Cô đã viết sẵn các kế hoạch cho
từng tháng một lên bảng thông báo. Và cô đã bị các giáo viên có thiên hướng tổng thể phản đối kịch liệt.
Cách tổ chức lớp học
Những giáo viên có thiên hướng phân tích gần như luôn luôn in sẵn bản nội quy lớp học và phát cho cả lớp từ đầu năm. Các luật lệ và hình phạt đều được nêu rõ để tránh thắc mắc hay nhầm lẫn.
Những giáo viên có thiên hướng tổng thể sẽ chỉ có một hay hai nội quy cơ bản. Ví dụ như: “Cư xử tốt và lịch sự với người khác” hay “Tôn trọng người khác”. Sau đó, tùy từng tình huống mà chính giáo viên sẽ trực tiếp đứng ra giải quyết.
Thái độ đối với học sinh
Những giáo viên có thiên hướng tổng thể coi tự tin là yếu tố cơ bản tạo nên thành công và họ sẽ bồi dưỡng cho học sinh phẩm chất này trước khi đi vào giảng dạy chuyên môn. Họ tin rằng người ta sẽ không thể thành công trừ phi đủ tự tin vào bản thân mình.
Những giáo viên có thiên hướng phân tích cũng đánh giá cao sự tự tin, nhưng họ lại tin rằng người ta sẽ chỉ tự tin khi đã có được thành công. Vậy nên hầu hết các giáo viên có thiên hướng phân tích sẽ đặt ra những tiêu chuẩn cao và có vẻ khó thực hiện cho các học sinh, vì họ mong muốn chúng sẽ gặt hái được thành công, nhờ đó sẽ tự tin hơn vào bản thân.
Vì thế, đôi khi thật khó cho những học sinh có thiên hướng tổng thể để hiểu được là những giáo viên có thiên hướng phân tích rất quan tâm đến chúng. Trong thực tế, cả hai nhóm giáo viên đều thương học sinh như nhau, họ chỉ thể hiện theo cách khác nhau mà thôi.
Giả sử một buổi họp ban giám hiệu được xếp vào lúc 3 giờ chiều. 2 giờ 55 phút, một giáo viên phong cách phân tích đang đi trên hành lang để tiến về phòng họp. Một học
sinh gặp khó khăn tới gặp giáo viên đó và xin giúp đỡ. Điều dễ xảy ra nhất là giáo viên đó sẽ dừng lại, trấn tĩnh học sinh đó và hẹn gặp sau, có thể là ngay khi buổi họp kết thúc hay trước giờ học sáng hôm sau.
Còn nếu học sinh đó gặp một giáo viên có thiên hướng tổng thể thì sao? Khả năng lớn là giáo viên đó sẽ không tới được buổi họp. Có ai trong số hai giáo viên này quan tâm nhiều hơn đến học sinh không? Không. Cả hai người đều thương học sinh của mình như nhau, chỉ có điều họ thể hiện khác nhau mà thôi.
Cách truyền đạt bài học
Khi cần truyền đạt nội dung bài học, những giáo viên có thiên hướng phân tích thường thuyết giảng rất nhiều, chú trọng các hoạt động cá nhân, và các bài đọc. Họ khuyến khích học sinh làm việc độc lập và đối với những học sinh có thiên hướng tổng thể, họ có vẻ không mấy thiện cảm.
Một giáo viên có thiên hướng tổng thể lại thường ưu tiên tổ chức những buổi tranh luận, các hoạt động nhóm và phong cách học hỗ trợ lẫn nhau. Vì các giáo viên này thường muốn học sinh tự nhận thấy môn học đó quan trọng với bản thân chúng, nên họ có xu hướng chia sẻ kinh nghiệm của mình và muốn học sinh làm theo tương tự. Điều này có thể khiến những học sinh có thiên hướng phân tích cảm thấy khó chịu và mất kiên nhẫn.
Cách chấm điểm
Các giáo viên có thiên hướng phân tích gần như luôn luôn có một thang điểm cố định. Nếu quy định từ 92 đến 100 là thang điểm A và một học sinh đạt 91.8 điểm, giáo viên có thiên hướng phân tích sẽ cho học sinh đó điểm B. Họ luôn có những tiêu chuẩn cho điểm rõ ràng, và học sinh có thể tin tưởng là điểm số này là hoàn toàn chính xác. Các giáo viên có thiên hướng phân tích có vẻ kiệm lời khen, nhưng một khi họ nói “Tốt”, đó đúng là lời khen tốt nhất mà bạn có thể nhận được.
Các giáo viên có thiên hướng tổng thể lại không thích quá rạch ròi, chi li trong chấm
điểm. Nếu 92 là được một điểm A và một học sinh được 91.8, giáo viên đó có thể cho rằng đó là một điểm “đủ tiêu chuẩn nâng”, dựa vào sự chăm chỉ của học sinh đó. Những giáo viên này đề cao sự tham gia vào tiết học và có thể cho điểm dựa trên đóng góp vào giờ học trên lớp hay sự năng nổ trong các hoạt động nhóm. Họ thường hào phóng dành cho học sinh của mình những nhận xét tích cực, khen ngợi chúng về những thứ có thể chẳng liên quan gì đến lớp học.
Phụ huynh và học sinh cần phải hiểu là phương pháp của giáo viên đóng góp rất lớn vào thành công của học sinh. Chìa khóa tới thành công là học sinh đó phải hiểu được những gì giáo viên đang làm và những gì giáo viên đang đòi hỏi ở chúng.
Chúng ta không thể cố phân loại tất thảy mọi người vào những chiếc hộp và nói cứ có phong cách học giống nhau là giống nhau tất. Sẽ thật không hợp lý nếu cứ cố gắng phân loại từng người. Đúng là một người cụ thể-theo trình tự, một người trừu tượng-theo trình tự, một người trừu tượng-ngẫu nhiên hay một người cụ thể-ngẫu nhiên có thể mang tất cả các tính cách đặc trưng chúng ta gán cho nhóm của họ nhưng họ không thể chỉ mang tính tổng thể hay chỉ phân tích được.
Điều này có thể gây bối rối và khó hiểu. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng việc một người cụ thể-theo trình tự có thiên hướng tổng thể là điều không thể. Thế mà có đấy. Và một người trừu tượng-ngẫu nhiên cũng có thể mang đậm tính phân tích như thường.
Vì bạn không thể hoàn toàn thuộc về một phương pháp duy nhất, hãy thêm vào bức tranh tnhững thứ mà bạn cho là thể hiện tính chất phân tích hay tổng thể. Hãy xem ví dụ sau của một cậu bé trừu tượng-ngẫu nhiên có thiên hướng tổng thể để có ý tưởng cho riêng mình.
KẾT LUẬN
Xử lý thông tin là điều cơ bản trong gần như tất cả mọi việc ta làm hàng ngày. Xác định được cách tiếp nhận thông tin của mình, tổng thể hay phân tích, có thể giúp chúng ta thoát ra khỏi phong cách học của chính mình và khai thác được phương pháp học hoàn toàn khác. Mà thậm chí chỉ riêng việc biết được rằng ta có thể thay đổi này đã rất có giá trị, không chỉ trong môi trường học tập nói riêng mà còn trong môi trường làm việc và giao tiếp nói chung. Nếu không hiểu những gì bạn muốn nói, làm sao tôi biết được bạn đang nói cái gì?
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.