Mỗi đứa trẻ một cách học

Con hãy luôn dành dụm tiền để cho người ăn xin



“Mẹ ơi, mẹ ơi, đây là cái gì vậy ạ? Đẹp quá!”. Sagal cầm chiếc ống hình con cá mà mẹ tặng vui mừng reo lên.

“Đây là ống đựng tiền, còn đây là chỗ nhét tiền”. Mẹ chỉ vào một lỗ nhỏ dài phía sau lưng con cá nói. “Đợi khi nào dành dụm được nhiều tiền, con sẽ lấy tiền từ trong đó ra”. Mẹ kiên nhẫn giảng giải cho Sagal biết cách dùng chiếc ống.

“Tốt quá, sau này con có thể tiết kiệm tiền mua kẹo ăn rồi”. Sagal ôm chặt ống đựng tiền vào lòng.

“Không, con yêu, ống đựng tiền này không phải là để con dành tiền mua kẹo”. Mẹ nhẹ nhàng nói với Sagal. “Ống đựng tiền này để con dành dụm tiền cho những người ăn xin nghèo khổ trên đường, giúp họ mua đồ ăn hoặc quần áo”.

“Nhưng tại sao con lại phải giúp họ ạ?” Sagal cúi đầu hỏi nhỏ.

“Con yêu, con đừng nên coi thường người ăn xin. Trong số họ có rất nhiều người thông minh, có trí tuệ, có thể dạy cho con rất nhiều điều”. Mẹ nói với Sagal.

“Vậy ạ, thưa mẹ. Con nên giúp đỡ những người có trí tuệ, con sẽ cố gắng dành dụm tiền vì họ”. Sagal hứa với mẹ.

Dành dụm tiền cho người ăn xin là truyền thống của người Do Thái. Giống như Sagal trong ví dụ trên, trẻ em Do Thái từ khi còn rất nhỏ đã hình thành thói quen này. Trong quan niệm của người Do Thái, người giàu chưa chắc đã sống vui vẻ, người nghèo cũng chưa chắc đã là ngu dốt, ngốc nghếch. Vì thế, dân tộc Do Thái luôn có thái độ tôn trọng người nghèo, không chê nghèo tham giàu, không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Đồng thời, họ còn biết tôn trọng người nghèo, giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ. Cha mẹ Do Thái dạy con, không được coi thường người nghèo, vì nhiều người nghèo là người thông minh, có trí tuệ.

Trong gia đình Do Thái, cha mẹ thường nói với con cái rằng, cho dù làm việc gì cũng không nên chỉ biết nghĩ cho bản thân, cần nghĩ cho người khác. Muốn giao tiếp với mọi người chân thành, thân ái, cần cố gắng hiểu và quan tâm đến người đó. Như vậy, cha mẹ Do Thái rất coi trọng giáo dục phẩm chất đạo đức cho con cái. Họ thường nhắc nhở con không được coi thường bất cứ ai, mà phải biết đối xử lương thiện, thân ái, giúp đỡ mọi người và có một trái tim chân thành, đẹp đẽ.

❃ Đối xử thân thiện với người khác

Cha mẹ Do Thái thường nói với con cái khi chúng còn rất nhỏ rằng: “Đối xử thân thiện chính là đối xử tốt với bản thân mình”. Đối xử thân thiện với người khác là chân thành đối đãi, chân thành chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người, kịp thời giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn và có được sự tin tưởng của họ. Người Do Thái thường nói, lương thiện là ánh sáng trong cuộc đời con người, nó giúp an ủi tâm hồn, giúp con người cảm nhận được sự ấm áp và hi vọng. Một người lương thiện sẽ được người khác kính trọng và yêu mến. Cổ nhân có câu: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Mỗi người sinh ra đều có một trái tim lương thiện. Vì thế trong cuộc sống cần là một người sống tốt, như vậy mới khiến bản thân thoải mái và vui vẻ.

❃ Không coi thường bất cứ ai

Nhân vô thập toàn, bất cứ người nào cũng có ưu điểm và nhược điểm, chúng ta không nên vì sở đoản của người khác mà coi thường họ. Người Do Thái không bao giờ coi thường người khác, vì họ cho rằng, ăn xin cũng là một nghề, họ được Thượng Đế cho phép chấp nhận sự chia sẻ của người khác. Truyền thống của dân tộc Do Thái là tôn sư trọng đạo, vì thế đối với những người ăn xin hoặc tàn tật có trí tuệ, họ cũng rất kính trọng. Có những người ăn mày rất thích đọc sách, thậm chí đọc thông hiểu cả cuốn “Luật pháp Do Thái”, những người này đều đáng nhận được sự tôn trọng của mọi người.

❃ Dựa vào năng lực của mình để giúp đỡ người khác

Mỗi trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được giáo dục rằng: Nên giúp đỡ người khác theo năng lực của mình. Trong Kinh Thánh của người Do Thái có câu: “Có thể cho đi tình yêu của mình, quan tâm đến người khác, giúp đỡ người khác, như vậy mới có cuộc sống tốt đẹp”. Trong văn hóa của người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện và bài kinh dạy trẻ giúp đỡ người khác, cha mẹ cũng thường xuyên kể cho con cái nghe những câu chuyện này để giúp trẻ bồi dưỡng phẩm chất đạo đức lấy việc giúp đỡ người khác làm niềm vui cho mình. Hơn nữa, trẻ em Do Thái từ nhỏ đã được giáo dục rằng “cho đi hạnh phúc hơn nhận lại”. Chính vì có sự đoàn kết như vậy nên dân tộc Do Thái đã trải qua bao nhiêu gian khổ và tồn tại mạnh mẽ như ngày nay.

Trên đường đời của mỗi người đều có lúc cần sự giúp đỡ của người khác. Lúc khó khăn, hoang mang nhất, bản thân bạn luôn mong muốn có người hướng dẫn, giúp đỡ mình; Lúc thành công bản thân bạn cũng mong có người khen ngợi, tán thưởng; Lúc thất bại, bản thân bạn cũng mong có người làm chỗ dựa cho mình sức mạnh… Khi bản thân bạn mong mỏi sự giúp đỡ, đầu tiên cần nghĩ đến việc giúp đỡ người khác. Vì thế, cha mẹ Do Thái mới nói rằng, đối xử thân thiện với người khác chính là đối xử tốt với bản thân. Mỗi bậc cha mẹ đều có trách nhiệm dạy con cái có tấm lòng bao dung, giúp đỡ mọi người. Có như vậy, khi con trưởng thành con mới luôn có những người bạn đồng hành.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.