Mỗi đứa trẻ một cách học

Gặp thầy cô giáo, con phải cúi chào trước



Kết thúc nghỉ hè, mẹ đưa bé Yadi 5 tuổi đi học, do thời gian gấp gáp, Yadi chào tạm biết mẹ rồi vội vàng chạy vào lớp.

Lúc đó, mẹ nhìn thấy cô giáo của Yadi đang bước vào lớp chuẩn bị dạy học, nhưng con trai của chị nhìn thấy cô giáo lại chẳng chào hỏi gì, chỉ vội chạy vào lớp. Buổi chiều hôm ấy, sau khi tan học về, mẹ gọi Yadi đến, nghiêm túc nói với con: “Mẹ luôn dạy con rằng khi gặp thầy cô giáo cần phải khom lưng cúi chào, nhưng buổi sáng hôm nay mẹ thấy con không làm như vậy”.

Yadi nghe thấy mẹ nói vậy, xấu hổ nói: “Vâng, thưa mẹ, sau này con nhất định sẽ tôn trọng thầy cô giáo, sẽ là một học sinh lễ phép ạ”.

Nghe Yadi nói vậy, mẹ liền bảo: “Người Do Thái chúng ta luôn biết tôn trọng người lớn, mẹ hi vọng con hãy giữ vững truyền thống tốt đẹp của ông cha mình”.

“Vâng ạ, mẹ yên tâm, con sẽ không làm mẹ thất vọng đâu”. Yadi tự tin hứa với mẹ. Kết quả là ở trường, cậu bé đã trở thành học sinh lễ phép, biết kính trọng thầy cô giáo nhất.

Cha mẹ và thầy cô Do Thái luôn coi trọng việc dạy dỗ phẩm chất đạo đức cho trẻ, đặc biệt là phẩm chất kính trọng thầy cô giáo. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ thường dạy trẻ: “Giáo dục trẻ là một công việc kỳ diệu, mỗi người đều cần tôn trọng thầy cô giống như tôn trọng Thượng Đế”. Trẻ em Do Thái thường nghe bố mẹ hỏi: Nếu cha và thầy cô của con cùng rơi xuống nước, con sẽ cứu ai trước? Đáp án sẽ là cứu thầy cô trước, vì họ sẽ dạy con trí tuệ. Trong mắt người Do Thái, thầy cô giáo là người bảo vệ trí tuệ của dân tộc, họ là người gieo mầm cho sự phát triển của dân tộc trong tương lai, vì thế ngay khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã dạy trẻ cần biết tôn trọng thầy cô giáo.

Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Do Thái. Thầy cô giáo không chỉ giải đáp những vấn đề trong học tập của học sinh, mà còn giúp trẻ rất nhiều điều trong cuộc sống. Trong quan niệm cha mẹ Do Thái, thầy cô giáo là hóa thân của trí tuệ và danh tiếng.

Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, tôn trọng thầy cô giáo cũng chính là tôn trọng thành quả lao động của họ. Cho dù thầy cô giáo không thể đảm bảo truyền thụ tất cả kiến thức của mình cho học sinh, nhưng học sinh cũng nên cố gắng tiếp thu tất cả những kiến thức được truyền dạy. Trong văn hóa người Do Thái, có rất nhiều câu chuyện dạy trẻ cần biết kính thầy trọng đạo. Cha mẹ thường dùng những câu chuyện này truyền đạt cho trẻ quan niệm tôn trọng thầy cô. Trong văn hóa Do Thái, kính thầy là một phẩm chất căn bản của con người. Cha mẹ Do Thái thường dùng một vài biện pháp sau để trẻ có thói quen tôn trọng thầy cô giáo:

❃ Thái độ nghiêm chỉnh của trẻ

Cha mẹ Do Thái dạy con khi giao tiếp với thầy cô giáo cần có thái độ nghiêm chỉnh. Đầu tiên, trẻ cần biết rằng mối quan hệ giữa thầy cô giáo và học sinh là quan hệ bình đẳng. Khi đối diện với thầy cô giáo, trẻ không nên tự ti, mà cần lễ phép tôn trọng. Thứ hai, cần đối xử với thầy cô giáo một cách khách quan và toàn diện. Thầy cô cũng là người bình thường, có ưu điểm và khuyết điểm, cũng có thể phạm sai lầm. Trẻ không nên nghĩ rằng thầy cô giáo là người hoàn mĩ, không có điểm xấu nào. Cuối cùng, giúp trẻ tự ý thức được bản thân, hiểu được sở trường và sở đoản của chính mình, tích cực nói chuyện, giao lưu với thầy cô giáo để có được sự hướng dẫn và giúp đỡ của họ, từ đó trẻ trưởng thành và hiểu biết hơn.

❃ Bồi dưỡng tình cảm chân thành của trẻ

Cha mẹ khi dạy trẻ biết tôn trọng thầy cô giáo, cần chú ý bồi dưỡng tình cảm chân thành của trẻ. Nếu cha mẹ luôn coi thầy cô là sứ giả truyền hạt giống trí tuệ, đảm nhận trách nhiệm bồi dưỡng và giáo dục thế hệ sau, thì từ nhỏ trẻ sẽ luôn tôn trọng thầy cô giáo. Trong quá trình trưởng thành, trẻ thấy mọi người xung quanh đều tôn trọng thầy cô giáo, thì trẻ cũng bị cảm hóa và dần dần thật sự kính trọng thầy cô.

❃ Hiểu và tin tưởng thầy cô giáo

Chỉ khi trẻ thật sự hiểu và tin tưởng thầy cô giáo, khoảng cách giữa thầy trò mới được rút ngắn, trẻ mới có thể trò chuyện thân thiết với thầy cô. Để giúp trẻ hiểu và tin tưởng thầy cô, cha mẹ Do Thái không chỉ kể những câu chuyện có liên quan đến thầy cô giáo cho trẻ, mà còn cổ vũ trẻ bày tỏ tấm lòng của mình với thầy cô trong học tập và cuộc sống. Ví dụ, cha mẹ giáo dục trẻ không đi học muộn, nghiêm túc nghe giảng, tích cực ôn bài, nghiêm túc làm bài tập, gặp thầy cô lễ phép chào hỏi, hoặc được sự giúp đỡ của cha mẹ quan tâm và hỏi han đến tình hình thầy cô giáo. Cách làm này sẽ bồi dưỡng tình yêu thương, sự quan tâm, tin tưởng của trẻ đối với thầy cô giáo.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, ngoài sự giáo dục của cha mẹ, phần nhiều trẻ được giáo dục, dạy dỗ bởi thầy cô giáo, sự thành công của trẻ không tách khỏi sự giúp đỡ của thầy cô. Vì thế, thầy cô giáo chính là cha mẹ thứ hai của trẻ, mỗi người đều cần tôn trọng và biết ơn thầy cô.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.