Mỗi đứa trẻ một cách học

Cha mẹ Do Thái: CƠ THỂ MẠNH KHỎE MỚI LÀ TIỀN ĐỀ CỦA HẠNH PHÚC – Con yêu, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nhé!



Khi mẹ gọi Methwick vào ăn cơm, cậu đang ở trong phòng dùng đất màu nặn một chú chó con. “Mẹ ơi, đợi con một lát, con xong ngay đây”. Methwick nói với mẹ.

Lúc Methwick nặn xong chú chó con, cậu phát hiện mẹ đã dọn đồ ăn ra bàn. “Oa, có nhiều món ăn con thích này!”. Methwick lập tức ngồi xuống bàn
ăn và cầm thìa lên.

“Đợi một lát”, mẹ vội vàng ngăn hành động của cậu lại, “Con rửa tay trước, sau đó hãy ăn”.

“Mẹ, tay con không bẩn mà”. Methwick xòe hai bàn tay ra cho mẹ xem.

“Đợi mẹ một lát”. Nói xong, mẹ đi vào phòng của Methwick, khi mẹ bước ra, trong tay dính một ít đất nặn. Mẹ bước đến trước mặt Methwick, rồi quệt đất nặn lên bánh mì của Methwick và nói: “Được rồi đấy, con ăn đi”.

“Mẹ ơi, bánh mì dính đất nặn bẩn lắm, không ăn được ạ”. Methwick tủi thân nhìn mẹ.

“Con à, nếu bây giờ con không rửa tay mà ăn bánh, thì có gì khác việc con ăn cánh bánh mì mà bị bôi đất nặn lên”. Mẹ nghiêm giọng nói.

Nghe mẹ nói vậy, Methwick nhanh chóng đi rửa tay. Lúc quay lại, cậu giơ hai bàn tay lên cho mẹ kiểm tra và nói: “Mẹ ơi, lần này thì tay con sạch rồi nhé”.

“Lần sau, mỗi lần trước khi ăn cơm con đều cần rửa tay, con nhớ chưa?”. Mẹ nghiêm túc dạy con trai.

Người mẹ trong ví dụ trên đã dùng hành động thực tế để giáo dục con trai, cầm chiếc bánh mì bằng bàn tay bẩn cũng giống như việc ăn chiếc bánh mì không sạch, đều không hợp vệ sinh. Người Do Thái cho rằng không vệ sinh là biểu hiện của việc phạm lỗi, vì việc rửa tay và rửa mặt đối với người Do Thái được coi là một nghĩa vụ tôn giáo bắt buộc. Người Do Thái cho rằng, thân thể là tác phẩm của Thượng Đế, cần được tôn trọng. Vì thế, người Do Thái coi sự sạch sẽ của cơ thể là một trách nhiệm tôn giáo, nó thể hiện sự chân thành với Thượng Đế.

Cha mẹ Do Thái thường lấy lịch sử dân tộc mình làm dẫn chứng để dạy con cái hiểu tầm quan trọng của việc giữ gìn thân thể sạch sẽ. Trải qua hơn hai nghìn năm phiêu bạt và nhiều lần bị sát hại, dân tộc Do Thái vẫn không bị hủy diệt, ngoài ý chí sinh tồn kiên cường và trí tuệ uyên bác, còn có một nguyên nhân không thể thiếu đó là sự coi trọng đối với sức khỏe. Từ xa xưa, người Do Thái đã có thói quen giữ gìn cơ thể sạch sẽ và khỏe mạnh. Chính vì có thể chất khỏe mạnh nên họ mới có thể chống lại mọi bệnh tật và tiếp tục sinh tồn, phát triển cho đến ngày nay.

Giữ cơ thể luôn sạch sẽ là biểu hiện của việc giữ gìn vệ sinh. Cha mẹ khi dạy con cái giữ gìn vệ sinh, nên dựa vào ba phương pháp sau:

❃ Giữ môi trường sống sạch sẽ

Có thể thấy người Do Thái rất coi trọng môi trường sống lành mạnh, sạch sẽ. Cha mẹ Do Thái dạy con cái rằng, môi trường sạch đẹp có thể bồi dưỡng thói quen sống văn minh và tình cảm cao đẹp của con người, nó ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành tố chất con người. Ngoài ra, môi trường sạch đẹp, thoáng mát còn giúp cho mọi người có sức khỏe tốt, tinh thần thoải mái, minh mẫn. Vì thế, trong gia đình người Do Thái, mỗi đứa trẻ đều có thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ.

❃ Giữ cơ thể sạch sẽ

Cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc giữ gìn vệ sinh cá nhân. Họ cho rằng, thân thể là do Thượng Đế tạo ra, giữ cơ thể sạch sẽ chính là kính trọng Thượng Đế. Vì thế, họ luôn dạy con cái chăm tắm gội, rửa tay, rửa mặt… Chẳng hạn, người Do Thái đặc biệt coi trọng vệ sinh móng tay, từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen cắt móng tay, sau khi cắt xong còn cẩn thận rửa sạch ngón tay của mình. Đối với cha mẹ Do Thái, đôi tay bẩn cầm vào đồ ăn, không chỉ mất vệ sinh, mà còn là sự coi thường, không kính trọng Thượng Đế. Giữ cho cơ thể sạch sẽ là nền tảng của sự khỏe mạnh, là điều căn bản để đạt được thành công.

Do vậy, giữ cơ thể sạch sẽ là trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân mỗi người.

❃ Giữ quần áo sạch sẽ

Người Do Thái thường xuyên khuyên bảo con cái giữ quần áo sạch sẽ giống như giữ cơ thể sạch sẽ. Họ không yêu cầu quần áo luôn óng ả, lượt là, nhưng mỗi bộ quần áo đều cần sạch sẽ. Cha mẹ Do Thái sẽ nói với con cái rằng, việc giữ cho quần áo sạch sẽ là biểu hiện của người biết tu dưỡng và có giáo dục. Đối với một học giả, nếu quần áo của anh ta không tử tế, đó sẽ là sự bất kính và khinh miệt với học thức. Ngoài ra, cha mẹ Do Thái còn chú ý giữ sạch sẽ quần áo của con, mục đích là để từ nhỏ trẻ đã hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh.

Dân tộc Do Thái có thể nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác trong môi trường sống khó khăn là nhờ họ có một thể chất khỏe mạnh và khả năng sinh tồn mạnh mẽ. Vì thế, cha mẹ Do Thái rất coi trọng việc bồi dưỡng thói quen vệ sinh cho con cái. Mỗi bậc cha mẹ chúng ta đều nên giúp con cái mình có thói quen vệ sinh tốt như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.