Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

Hãy yêu con người như vốn có của bạn



Trong một chuyến đi đến Đông Nam Á, tôi đã có buổi diễn thuyết trước 300 doanh nhân hàng đầu ở Singapore. Khi kết thúc bài diễn thuyết và khi khán phòng đã bớt đông, một người đàn ông trông rất đĩnh đạc bước vội về phía tôi. Ông trông có vẻ rất thành đạt và đầy tự tin như tất cả những khán thính giả khác trong khán phòng này, nên những lời đầu tiên ông nói đã khiến tôi ngạc nhiên.

“Nick, hãy giúp tôi với”, ông van vỉ.

Thế rồi tôi được biết câu chuyện của ông, biết rằng người đàn ông thành đạt đó sở hữu tới ba ngân hàng, nhưng ông đến nhờ tôi giúp đỡ bởi vì sự giàu có về vật chất không thể bảo vệ ông khỏi nỗi muộn phiền.

“Tôi có một đứa con gái tuyệt vời mới mười bốn tuổi, và vì một lý do khủng khiếp nào đó cứ mỗi lần con tôi nhìn mình trong gương nó lại nói nó cảm thấy mình rất xấu xí”, ông nói. “Tôi buồn lắm bởi vì con bé không thể nhận ra rằng nó thực sự đẹp. Làm thế nào tôi có thể khiến con bé thấy được những gì tôi thấy đây?”.

Nỗi phiền muộn của ông cũng dễ hiểu thôi, bởi vì điều khó chịu đựng nhất đối với cha mẹ chính là sự đau khổ của con. Ông ấy đang cố gắng giúp con gái vượt qua sự ghét bỏ bản thân, một điều cực kỳ quan trọng, bởi vì nếu chúng ta không thể chấp nhận bản thân mình khi chúng ta còn khỏe mạnh và trẻ trung, thì chúng ta sẽ cảm thấy như thế nào về chính mình khi chúng ta về già, khi phải trải qua bệnh tật, ốm đau? Và nếu chúng ta ghét bỏ bản thân vì một lý do vớ vẩn nào đó, thì chúng ta dễ dàng thay thế nó bằng hàng trăm cách phủ nhận bản thân vô căn cứ và tùy tiện khác. Tâm lý chênh chao của tuổi trẻ có thể khiến bạn lún sâu vào thất vọng và chán nản nếu bạn cho phép mình chăm chăm nghĩ về những khiếm khuyết mà không nhìn thấy những điểm mạnh, những điều đáng quý ở bản thân mình.

Kinh Thánh nói rằng chúng ta “là tạo vật tuyệt vời của Đấng Sáng Tạo”. Vậy thì tại sao yêu thương bản thân mình lại khó khăn đến thế? Tại sao chúng ta lại thường tự tạo gánh nặng cho mình bằng cái cảm giác rằng mình không đủ đẹp, không đủ cao, không đủ thon thả, không đủ tốt? Tôi chắc chắn rằng người cha mà tôi gặp ở Singapore rất yêu thương và hãnh diện về con gái, luôn cố gắng để khiến cô tự tin và quý trọng bản thân mình. Cha mẹ và những người thân của chúng ta có thể luôn cố gắng không biết mệt mỏi để xây dựng cho chúng ta lòng quý trọng bản thân, nhưng chỉ cần một lời bình luận vớ vẩn từ một người bạn học hoặc lời nhận xét ác ý từ ông chủ hoặc đồng nghiệp cũng đủ làm tiêu tan những nỗ lực của họ.

Chúng ta trở nên dễ bị tổn thương và rơi vào trạng thái chán nản, chán ghét bản thân khi chúng ta để cho cảm giác của mình phụ thuộc vào ý kiến của người khác hoặc vào sự so sánh bản thân mình với người khác. Khi không sẵn sàng chấp nhận bản thân, bạn càng không thể sẵn sàng chấp nhận người khác, và điều đó có thể dẫn đến sự cô đơn và tách biệt. Một hôm tôi đang diễn thuyết trước một nhóm khán thính giả tuổi mới lớn về việc khao khát được nổi tiếng thường khiến người ta xa lánh những người bạn ít hấp dẫn ở trường. Để diễn giải ý kiến của mình, tôi đưa ra một câu hỏi rất thẳng thắn: “Bao nhiêu người trong số các bạn muốn trở thành bạn của tôi?”.

Thật may, hầu hết những người có mặt trong phòng đều giơ tay.

Nhưng sau đó tôi hỏi một câu khiến họ lúng túng: “Vậy việc tôi trông như thế nào là không quan trọng, đúng không?”.

Tôi để cho không khí chùng xuống trong vài phút. Chúng tôi đang nói về cố gắng hòa nhập chỉ bằng cách mặc những bộ đồ đúng mốt, có kiểu tóc hợp thời trang, không quá béo, không quá gầy, không đen quá hoặc trắng quá.

“Làm sao bạn có thể muốn kết bạn với một gã không tay chân – một gã khác biệt nhất so với mọi người mà bạn từng biết – nhưng làm sao bạn có thể tẩy chay những người bạn học của mình chỉ vì họ không diện quần áo đúng mốt, hoặc không có làn da đẹp, hoặc không có một cơ thể thích hợp với xu hướng thời trang thịnh hành?”

Khi bạn tự phán xét bản thân một cách khắt khe hoặc tạo sức ép căng thẳng lên chính mình, bạn trở nên hay phán xét người khác. Việc yêu thương và chấp nhận bản thân mình như Chúa yêu thương bạn có thể mở ra cho bạn một cánh cửa dẫn đến cảm giác thanh thản và mãn nguyện hơn.

Những sức ép mà các bạn trẻ sắp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời cảm thấy dường như rất phổ biến. Tôi đã được mời đến nói chuyện với các khán thính giả trẻ ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc bởi vì ở những nước đang phát triển một cách nhanh chóng đó trong những năm gần đây đã nảy sinh những quan ngại về tỉ lệ trầm cảm và tự tử cao.

Tôi đến Hàn Quốc đúng vào thời gian Thế vận hội mùa đông 2010 đang diễn ra tại Vancouver. Thật thú vị khi được thấy niềm tự hào dân tộc và sự phấn khởi ngời lên trên khuôn mặt của những người dân ở khắp Seoul khi Kim Yu-Na, “nữ hoàng” trượt băng nghệ thuật của Hàn Quốc giành được huy chương vàng Olympic đầu tiên của đất nước ở môn này. Sự quan tâm dành cho cô lớn đến nỗi vào thời điểm cô bước vào buổi thi đấu chung kết, lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán cả nước giảm xuống còn một nửa so với mức bính thường.

Một bộ phim tài liệu về tôi đã được chiếu rộng rãi khắp các cộng đồng Cơ Đốc ở Hàn Quốc, vậy nên tôi nhận được một số lời mời diễn thuyết. Sự nở rộ của niềm tin ở những cộng đồng ấy quả là rất ấn tượng. Những người tổ chức buổi diễn thuyết ở nhà thờ Onnuri nói với tôi rằng người Cơ Đốc giáo ở Hàn Quốc rất nhiệt tình với công việc truyền giáo. Họ dự đoán trong vòng một hoặc hai thập kỷ nữa, những hội truyền giáo ở Hàn Quốc sẽ đông hơn cả hội truyền giáo ở Bắc Mỹ và điều đó quả là rất ngạc nhiên bởi Hàn Quốc là một quốc gia nhỏ hơn.

Khi đi ô tô ở Seoul, tôi đã rất ngạc nhiên trước số lượng lớn các nhà thờ ở đó. Người ta nói rằng thành phố thủ đô ấy có ba nhà thờ Cơ Đốc giáo lớn nhất thế giới. Cách đây 100 năm, số người theo đạo Cơ Đốc ở Hàn Quốc còn rất ít ỏi, thế những giờ đây gần một phần ba trong tổng dân 48 triệu người ở nước này là người theo đạo Cơ Đốc. Một trong những giáo hội mà tôi đến diễn thuyết, giáo hội Yoido Full Gospel, có tới hơn 800.000 thành viên tham gia các hoạt động tôn giáo tại hại mươi mốt nhà thờ.

Nhiều người bạn của tôi đến Hàn Quốc chỉ để thăm các nhà thờ. Những buổi cầu nguyện rất ấn tượng với âm thanh cầu kinh vang vang cùng tiếng chuông ngân báo hiệu chương trình mới. Tuy nhiên, dù có phát triển mạnh mẽ về tinh thân, con người ở xứ này vẫn phải chịu đựng căng thẳng ở mức cao do áp lực từ tình trạng làm việc nhiều giờ. Sức ép tại các trường học cũng rất lớn bởi luôn có sự cạnh tranh khốc liệt để giành thứ hạng cao. Nhiều học sinh Hàn Quốc bị căng thẳng bởi họ cảm thấy rằng chỉ vị trí cao nhất mới là vị trí có giá trị. Nếu không đạt được vị trí cao nhất, họ cảm thấy mình thất bại. Tôi khuyến khích những người trẻ tuổi ấy nhận biết rằng thi trượt trong một kỳ thi không có nghĩa là họ thất bại. Trong mắt Chúa, tất cả chúng ta đều có giá trị, và chúng ta nên yêu bản thân mình như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Sự yêu thương và chấp nhận bản thân mà tôi khuyến khích không phải là cái kiểu tự phụ và kiêu ngạo, chỉ nghĩ đến mình. Yêu thương bản thân ở đây là yêu không vị kỷ. Bạn cho nhiều hơn nhận. Bạn làm những gì có thể vì người khác mà không đòi hỏi được đáp lại. Bạn sẻ chia với mọi người ngay cả khi bạn không có nhiều. Bạn tìm thấy niềm hạnh phúc qua việc làm người khác mỉm cười. Bạn yêu bản thân mình bởi vì bạn không chỉ quan tâm đến bản thân mình. Bạn hài lòng về chính bản thân vì bạn làm cho người khác hạnh phúc khi được ở bên bạn.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn không thể yêu bản thân mình bời vì người khác không yêu bạn? Tôi e rằng không thể xảy ra điều đó được. Bạn thấy đấy, bạn và tôi đều là những đứa con của Chúa. Mỗi người chúng ta đều có thể tin tưởng vào tình yêu, lòng nhân từ và sự bao dung của Người. Nên yêu thương bản thân mình, cảm thông với sự không hoàn hảo của mình, và bao dung trước những lỗi lầm của chính chúng ta bởi vì Chúa đối xử với chúng ta theo cách đó.

Trong một chuyến đi tới Nam Mỹ, tôi đã có buổi diễn thuyết tại một trung tâm cai nghiện ma túy ở Colombia. Những người nghiện và từng nghiện ma túy có mặt tại buổi diễn thuyết hôm đó ít trân trọng giá trị con người của họ đến nỗi họ gần như tự hủy hoại mình bằng ma túy. Tôi nói với họ rằng cho dù họ nghiện ngập, Chúa vẫn yêu thương họ. Khuôn mặt họ ngời lên khi tôi quả quyết với họ rằng Chúa yêu thương họ vô điều kiện. Nếu Chúa sẵn lòng tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và yêu thương chúng ta như thế, thì tại sao chúng ta lại không thể tha thứ và chấp nhận bản thân mình? Giống như cô con gái của ông chủ ngân hàng ở Singapore, những người sử dụng ma túy ở Colombia mà tôi gặp lầm lạc bởi vì bất cứ lí do gì chăng nữa, họ tự hạ thấp giá trị cuộc sống của mình. Họ cảm thấy không xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp nhất của cuộc đời. Tôi đã nói với họ rằng tất cả chúng ta đều xứng đáng với tình yêu của Chúa. Nếu Người tha thứ và yêu thương chúng ta, thì chúng ta nên tha thứ và yêu thương chính bản thân mình để phấn đấu vươn tới một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể.

Khi được yêu cầu nêu ra mười điều răn quan trọng nhất, Chúa Jesus đã nói điều răn thứ nhất là yêu Chúa bằng cả trái tim, tâm hồn, tâm trí, sức mạnh, và điều răn thứ hai là yêu láng giềng như yêu chính bản thân mình. Yêu bản thân mình không phải là vị kỷ, tự mãn, hay tự cho mình là trung tâm; yêu bản thân mình là chấp nhận cuộc sống của mình như một món quà để nâng niu, nuôi dưỡng và sẻ chia điều tốt đẹp, hữu ích của cuộc sống ấy với người khác.

Thay vì chỉ chú ý đến khuyết điểm, thất bại, sai lầm của mình, hãy tập trung chú ý đến những món quà, những điều tốt đẹp, những điểm mạnh của bạn và những gì bạn có thể đóng góp cho cuộc đời này, cho dù đó là tài năng, sự hiểu biết, sự sang suốt, sự sáng tạo, sự chăm chỉ, hay một phần tâm hồn phong phú. Bạn không cần phải sống theo mong đợi của người khác. Bạn có thể tự định nghĩa sự hoàn hảo theo cách riêng của bạn.

TỎA SÁNG TỪ TÂM HỒN

Nhà tâm lý học, tác giả Elisabeth Kubler – Ross đã nói rằng con người giống như những cửa sổ bằng kính màu: “Những cánh cửa sáng lấp lánh khi ánh mặt trời chiếu vào, nhưng khi bóng tối kéo đến, vẻ đẹp của chúng chỉ bộc lộ khi có ánh sáng từ ngọn đèn ở bên trong”. Để sống một cuộc sống không giới hạn, đặc biệt để vươn ra khỏi bóng tối của sự chán nản, nghiện ngập, hoặc bất cứ thách thức lớn nào, bạn phải thắp ngọn đèn từ bên trong lên. Bạn phải tin vào vẻ đẹp và giá trị của chính mình bởi vì người nào có thể tạo ra ảnh hưởng thì người đó trở nên quan trọng.

Tìm ra mục đích sống của bạn là bước quan trọng đầu tiên để sống một cuộc sống không giới hạn. Luôn nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn và luôn có niềm tin vào các khả năng dành cho mình ngay cả trong những lúc khó khăn nhất sẽ giúp bạn đạt được mục đích đó. Nhưng để có được cảm giác mãn nguyện, từ sâu thẳm lòng mình bạn phải biết rằng bạn đáng được hưởng sự thành công và hạnh phúc.

Tôi có một người bạn rất yên tâm về chính mình, rất hòa nhã và nhiệt tình phát triển những món quà mà anh có được đến nỗi dường như lúc nào con người anh cũng toát lên những tình cảm tốt đẹp. Tôi thích ở bên anh. Mọi người đều thích ở bên anh. Tại sao? Bởi vì anh tỏa sáng từ bên trong. Anh yêu bản thân mình, nhưng không phải là cái kiểu yêu mình mà phủ nhận người khác; anh chấp nhận bản thân như một người may mắn ngay cả khi sự đời không diễn ra như ý muốn của anh, mặc dù anh cũng phải vật lộn trong cuộc sống giống như bạn và tôi.

Tôi dám chắc rằng bạn cũng biết những người toát lên sự thư thái như người bạn của tôi, và có lẽ bạn cũng biết những người trái ngược hẳn với kiểu người như anh bạn ấy, những người luôn chán ghét bản thân khiến người khác không muốn tiếp xúc. Nếu bạn không chấp nhận bản thân, thì thái độ đó không chỉ dẫn đến sự tự hủy hoại mình mà còn dẫn đến sự cô lập.

Nếu bạn không tỏa sáng từ bên trong, thì đó có thể là do bạn phụ thuộc vào người khác trong việc công nhận giá trị của bạn, mang đến cho bạn sự tự tin, làm cho bạn được đánh giá đúng. Nhưng đó là một con đường chắc chắn sẽ dẫn tới thất vọng bởi vì bạn phải chấp nhận bản thân mình thì mới mong người khác chấp nhận bạn được. Thước đo vẻ đẹp và giá trị của con người quan trọng nhất nên là thước đo về những gì từ bên trong.

Bạn biết đấy, nói thì dễ, làm thì khó. Chính tôi cũng đã phải rất cố gắng mới có thể chấp nhận và yêu quý bản thân. Được sinh ra trong một gia đình theo đạo Cơ Đốc, tôi luôn được dạy rằng Chúa Jesus yêu thương tôi và rằng tôi được tạo ra một cách hoàn hảo theo kế hoạch của Người. Tất nhiên, tất cả những bài giảng Kinh Thánh của cha mẹ và những nỗ lực của cả gia đình tôi nhằm khích lệ tinh thần tôi tan thành mây khói khi một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch chạy đến chỗ tôi, gào lên: “Mày là quái vật!”.

Cuộc sống có thể rất tàn nhẫn. Trong cuộc sống có những người thiếu suy nghĩ hoặc tầm thường. Vậy nên bạn cần phải có khả năng tìm kiếm sức mạnh từ nội tâm, và khi sức mạnh bên trong đó không có tác dụng, bạn luôn luôn có thể nhìn lên cao, hướng tới Chúa, nguồn sức mạnh và tình yêu vô tận.

Chấp nhận và yêu thương bản thân là những điều quan trọng , nhưng ngày nay những khái niệm này lại bị hiểu sai. Bạn nên yêu bản thân như sự phản ánh tình yêu của Chúa và như một con người được sinh ra trên trái đất để tạo ra sự đóng góp đặc biệt cho cuộc đời. Có quá nhiều bạn trẻ đang ở tuổi mới lớn và không ít người trưởng thành tìm kiếm ý nghĩ hời hợt khi chìm đắm vào sự tự thần tượng bản thân và sự đam mê lạc thú. Thực trạng này xảy ra một phần là do sự sùng bái sắc đẹp và sự nổi danh được cổ súy bởi các chương trình truyền hình, những bộ phim, những đĩa nhạc. Khi xem các sản phẩm nói trên, bạn sẽ thấy thật dễ để quên rằng cuộc sống còn có một mục đích lớn lao hơn mục đích làm đẹp, sống trong cảnh xa hoa, cặp đôi với người này, người kia. Không ngạc nhiên khi chúng ta thấy có nhiều người nổi tiếng tại các trung tâm phục hồi chức năng, trung tâm làm đẹp hơn là trong các nhà thờ. Quá nhiều người trong số họ tôn thờ những vị thần không có thật của sự phù hoa, sự tự cao tự đại và sự ham muốn thiếu lành mạnh.

Tôi không thể hình dung ra bất cứ một thế hệ đi trước nào lại dễ bị cám dỗ như những thế hệ hiện tại. Chúng ta liên tục bị tấn công dồn dập bởi những thông điệp rằng chúng ta cần có một vẻ bền ngoài như thế này, như thế kia, cần một chiếc xe hơi hiệu này, hiệu nọ, và một phong cách sống nào đó để được mãn nguyện, để được yêu thương, được đánh giá cao hoặc trở nên thành đạt. Chúng ta đã chạm đến cái điểm đáng báo động trong văn hóa của mình khi việc tham gia vào một cảnh phim gợi dục được coi như một con đường dẫn đến sự nổi tiếng, giàu có và thỏa mãn.

Bạn không nghĩ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu mấy tay săn ảnh bám theo những người tốt nghiệp đại học hạng ưu, hay các nhà truyền giáo mang thuốc men và hy vọng đến cho người nghèo và người cần giúp đỡ, thay vì săn những kẻ bỏ học lông bông lang bang có lệnh truy nã và những vết sẹo chằng chịt ư? Nhưng không phải chúng ta đã mất tất cả. Tôi đã nhìn thấy những đám đông gồm người già, người trẻ tham dự các buổi họp mặt theo tôn giáo, những nhạc hội thánh ca, tìm kiếm hạnh phúc thông qua việc học cách yêu thương đồng loại. Tôi đã chứng kiến những bạn ở tuổi mới lớn và người trưởng thành dành kỳ nghỉ của mình để xây dựng nhà ở cho người dân ở các nước thuộc thế giới thứ ba và giúp đỡ các mảnh đời kém may mắn ở những vùng đất nghèo thuộc Bắc Mỹ. không phải tất cả mọi người đều bị ám ảnh bởi phẫu thuật thẩm mỹ, phẫu thuật hút mỡ bụng, và những chiếc túi xách thời trang hiệu Louis Vuitton.

Khi bạn bị ám ảnh bởi giá trị vật chất, vẻ đẹp bề ngoài và khi bạn để cho người khác xác định giá trị của bạn, bạn đã từ bỏ phần lớn bản thân mình và có nguy cơ để cho những món quà của bạn trở thành uổng phí. Sau khi xem DVD về tơi, Kristy đã viết cho tôi: “Bạn đã làm cho tôi hiểu ra rằng nếu chúng ta không yêu thương và trân trọng bản thân thì làm sao mong người khác sẽ yêu thương và trân trọng chúng ta. Tôi đã xem những hình ảnh về bạn một năm trước và giờ đây tôi lại xem lại. Tôi hiểu rằng mình cần phải nói để bạn biết về những gì bạn đã làm cho tôi. Bạn đã dạy tôi tự bảo vệ bản thân, yêu thương bản thân cho dù mình có như thế nào, và sống cuộc sống mà mình mong muốn… Tôi muốn nói với bạn rằng giờ đây khi tôi đã thay đổi cái cách cảm nhận về bản thân mình, bạn trai tôi đã nhận ra sự khác biệt ở tôi, và anh ấy rất biết ơn bạn vì bạn đã khích lệ tôi đi đến sự thay đổi này. Anh ấy luôn lo sợ cho tôi, sợ rằng một ngày nào đó tôi sẽ làm điều dại dột, sẽ tự hủy hoại mình. Nhưng bây giờ tôi đã thay đổi, và cuộc sống của tôi hạnh phúc hơn trước rất nhiều!”.

Thông điệp của tôi tác động đến Kristy bởi vì tôi từng ở vào hoàn cảnh của cô ấy. Lúc bảy tuổi, một hôm tôi về nhà sau một ngày bị chối bỏ và đầy thất vọng ở trường và tôi cứ nhìn mình hàng giờ trong gương. Hầu hết những bạn học ở tuổi mới lớn của tôi lo lắng về những cái mụn trên mặt và lo giữ cho mái tóc không rối bù. Ngoài những thách thức về sự khuyết thiếu chân tay, tôi có tất cả những thách thức thông thường đó.

Mình thực sự là một đứa trẻ có vẻ ngoài dị dạng, tôi nghĩ.

Cảm giác đau khổ tràn ngập trong tôi. Tôi cho phép mình gặm nhấm cảm giác tủi thân trong năm phút. Nhưng rồi một giọng nói vang lên từ sâu thẳm trong lòng: Thôi mà, như mẹ của mình vẫn nói, mình chỉ bị khuyết thiếu chút ít về hình thể thôi, nhưng mình cũng có những nét đẹp mà.

Tôi nghĩ, thử kể tên một nét xem nào. Ta thích mi đấy. Hãy tìm ra một nét thôi, như thế là đủ.

Tôi ngắm kỹ hình ảnh phản chiếu của mình lâu hơn nữa và cuối cùng tôi cũng thấy được điều gì đó tích cực.

Mình có đôi mắt đẹp. Bọn con gái nói với mình rằng mình có đôi mắt đẹp. Nếu không có gì khác thì mình cũng có nét đẹp đó! Và không ai có thể thay đổi nét đẹp đó ở mình. Mắt mình sẽ không bao giờ thay đổi, vậy nên mình sẽ luôn có đôi mắt đẹp.

Khi bạn cảm thấy tinh thần suy sụp bởi vì bạn bị người khác làm tổn thương hoặc bị bắt nạt, bị miệt thị, hãy nhìn vào gương và tìm một nét đáng yêu ở bạn. Đó không nhất thiết phải là một nét đẹp về hình thức. Đó có thể là một tài năng, một đặc điểm, hoặc một điều gì khác khiến bạn cảm thấy tự tin về bản thân. Hãy chú ý đến điều đặc biệt đó trong một thời gian. Hãy cảm thấy mình may mắn vì có điều đặc biệt đó, và hãy ý thức rằng vẻ đẹp và giá trị của bạn bắt nguồn từ chính bạn, con người có một không hai mà Thượng Đế tạo ra.

Đừng lảng tránh và tuyên bố rằng “Mình chẳng có gì đặc biệt hết”.

Chúng ta quá khắt khe với bản thân, nhất là khi chúng ta so sánh mình với người khác một cách thiếu tích cực. Tôi nhận ra điều này khi tôi nói chuyện với các bạn trẻ. Nhiều người trong số họ đấu tranh với những cảm giác về sự thiếu hụt, không hoàn thiện của mình, hoặc với cảm giác rằng sẽ không có ai yêu họ.

Đó là lý do tại sao tôi lại nhấn mạnh với họ: “Tôi yêu con người của các bạn. Đối với tôi các bạn ai cũng đẹp”.

Đây là những lời đơn giản xuất phát từ tấm lòng của tôi, một con người có vẻ ngoài trông thật kỳ cục. Trong hầu hết các cuộc diễn thuyết tại các trường học và trước các nhóm bạn trẻ, tôi đều nói những lời ấy với các khán thính giả của mình. Dường như những lời đơn giản ấy luôn làm lay động lòng người. Quả thực phản ứng tôi nhận được thường rất đáng kinh ngạc.

Kiểu phản ứng thường thấy bắt đầu bằng những tiếng thì thầm hoặc những nụ cười được che giấu. Tôi nhìn xuống đám đông khán thính giả và thấy một cô bé cúi đầu hoặc một cậu bé lấy tay che mặt. Rồi những cảm xúc mạnh mẽ lan tỏa khắp khán phòng. Những giọt nước mắt lăn trên những đôi má trẻ trung. Những đôi vai rung lên theo những tiếng nấc. Những cô bé ngồi chụm lại với nhau. Những cậu bé rời khỏi phòng để giấu khuôn mặt tràn ngập niềm xúc động.

Trong những lần đầu khi phản ứng đó xảy ra, tôi rất kinh ngạc. Chuyện gì xảy ra thế này? Tại sao họ lại phản ứng một cách dữ dội như thế?

Các khán thính giả của tôi có câu trả lời. Sau các buổi diễn thuyết, những người già, người trẻ, xếp hang để ôm hôn tôi và để chia sẻ cảm xúc của họ. Một lần nữa, niềm xúc động lại trào dâng trong tôi và trong họ. Thường thì họ đứng xếp hàng hàng giờ để được bày tỏ cảm xúc và tình cảm.

Tôi là một anh chàng đẹp trai đấy chứ, nhưng mọi người không đứng xếp hàng hàng giờ chỉ để ôm hôn tôi bởi vì tôi có vẻ ngoài bảnh bao. Điều thực sự thu hút họ là, tôi đã giải phóng hai nguồn sức mạnh mà nhiều người còn thiếu trong cuộc sống của họ: tình yêu vô điều kiện và sự chấp nhận bản thân.

Bức thư của Kristy chỉ là một trong nhiều bức thư mà tôi nhận được và là một trong nhiều cuộc tâm sự giữa tôi với các bạn trẻ cũng như với người trưởng thành, những người đã nghĩ tới việc tự tử bởi vì họ đánh mất khả năng yêu thương bản thân. Khi bạn bị tổn thương, bạn dựng lên quanh mình những bức tường để giúp cho mình khỏi bị tổn thương thêm nữa, nhưng bạn không thể dựng một bức tường bên trong xung quanh trái tim bạn. Và nếu bạn yêu thương bản thân mình vì tất cả những vẻ đẹp bên trong và bên ngoài, thì người khác sẽ bị bạn cuốn hút, và họ cũng sẽ thấy được vẻ đẹp của bạn.

Hài lòng với bản thân để tỏa sáng nụ cười

Bạn bè và những người thân của chúng ta có thể nói với chúng ta cả trăm lần một ngày rằng chúng ta đẹp, chúng ta được yêu thương, và rằng khó khăn rồi sẽ qua đi, nhưng thường thì chúng ta rũ bỏ những lời động viên đó và cứ để cho cảm giác bị tổn thương đeo bám. Tôi từng làm như thế trong một thời gian dài đến khó tin. Cha mẹ tôi đã dành nhiều tuần cố gắng cởi bỏ tác động nguy hại mà một vài đứa trẻ đã gây ra cho tôi qua những hành động và lời lẽ có tính chế giễu. Nhưng cuối cùng, khi một người cùng trang lứa với tôi tìm đến để sẻ chia, thì tôi đã thay đổi. Khi một bạn gái trong lớp nói rằng tôi “trông dễ coi”, cả tháng tôi cảm thấy lâng lâng như ở trên mây.

Một thời gian ngắn sau đó, tôi thức dậy ở cái tuổi 13 với một cái mụn ở trên mũi. Nó không dễ coi chút nào. Đó là một cái mụn to tướng, đỏ ửng như một quả cà chua chín.

“Nhìn này, điên thật”, tôi nói với mẹ.

“Chớ có cào cái mụn đó ra”, mẹ tôi nói.

Làm thế nào mình cào nó đi được cơ chứ? Tôi tự hỏi.

Tôi đến trường và cảm thấy mình là một gã xấu xí nhất trên đời. Mỗi lần đi qua một phòng học và nhìn hình ảnh của mình hiện ra trên cửa kính là tôi chỉ muốn chạy trố. Những đứa trẻ khác nhìn chằm chằm vào cái mụn của tôi. Tôi cứ hy vọng cái mụn đáng ghét ấy sẽ tự biến mất, nhưng hay ngày sau nó thậm chí còn mọc to hơn, lớn hơn và nó khiến cả vùng mặt xung quanh đỏ lựng lên. Tôi bắt dầu nghĩ nó cứ phát triển như thế thì rồi một ngày nào đó nó sẽ nặng hơn cả phần còn lại của cơ thể tôi.

Cái mụn gớm ghiếc ấy không biến mất! Cái mụn to tướng ấy cứ lồ lộ trên mặt tôi suốt tám tháng. Tôi cảm thấy mình như chú tuần lộc mũi đỏ Rudolph. Cuối cùng mẹ cũng đưa tôi tới một bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tôi nói với ông ấy rằng tôi muốn cái mụn đó bị loại bỏ cho dù tôi phải chịu một cuộc phẫu thuật lớn. Ông ấy kiểm tra cái mụn bằng một chiếu kính phóng đại to tướng – như thể ông ấy không nhìn thấy cái mụn – rồi nói: “Hừm, Nó không phải là một cái mụn đâu”.

Dù nó là cái gì đi nữa, tôi nghĩ, chúng ta hãy loại bỏ nó đi, được không?

“Đó là một tuyến dầu bị sưng tấy”, ông ấy nói. “Tôi có thể cắt bỏ nó hoặc đốt nó, nhưng dù làm cách nào đi nữa thì nó vẫn để lại một cái sẹo lớn hơn cả cái nốt đỏ bé xíu này”.

Cái nốt đỏ bé xíu ư?

“Cái mụn đó to đến nỗi cháu không thể nhìn bao quát được nó”, tôi cãi lại.

“Cháu muốn mang sẹo cả đời sao?”, ông ấy hỏi.

Thế là cái mụn khổng lồ đó cứ nằm chễm chệ trên mũi tôi. Tôi cầu nguyện và buồn bực vì nó trong một thời gian, nhưng cuối cùng tôi cũng hiểu ra rằng cái mụn to như một cái bóng đèn đỏ ửng ấy không khiến người ta chú hơn hơn là sự khuyết thiếu chân tay của tôi. Nếu mọi người không sẵn lòng nói chuyện với tôi, thì đó là sự mất mát của họ, tôi nghĩ.

Nếu tôi bắt gặp ai nhìn chằm chằm vào cái mụn đó, thì tôi lại làm trò cho người đó cười. Tôi nói rằng tôi đang mọc thêm một cái mũi mới để đem bán ở chợ đen. Khi mọi người thấy tôi lạc quan như vậy, họ cười và tỏ ra thông cảm. Xét cho cùng, ai mà chẳng từng bị mụn nhọt nhỉ? Ngay cả Brad Pitt cũng có mụn nữa là.

Đôi khi, chúng ta tự làm cho những vấn đề nhỏ nhặt trở thành việc lớn bằng cách coi chúng là quá nghiêm trọng. Có một cái mụn là chuyện thường. Tất cả chúng ta đều không hoàn hảo, vài người trong chúng ta đẹp hơn những người khác, nhưng đã là con người thì ai mà chẳng có những khiếm khuyết và thiếu sót. Điều quan trọng là đừng coi mỗi một nếp nhăn hoặc mỗi một cái mụn là vấn đề quá nghiêm trọng bởi vì một ngày nào đó bạn sẽ gặp phải những vấn đề thực sự nghiêm trọng, và khi đó bạn sẽ đương đầu với nó như thế nào? Vậy hãy luôn chuẩn bị lạc quan trước những cú đánh nhẹ vào đầu và những cú va chạm nhỏ ở mũi.

Người ta đã chứng minh được rằng tiếng cười có tác dụng làm giảm căng thẳng bởi nó sản sinh ra hooc môn endorphin, giúp làm giảm sự căng thẳng cho cơ thể, tăng cường hệ thống miễn dịch và cải thiện sự lưu thông máu, đồng thời tăng lượng oxy lên não. Không tồi, phải không bạn? Các cuộc nghiên cứu còn cho thấy rằng cười làm cho bạn trở nên hấp dẫn hơn. Quả là nhiều mối lợi!

Vẻ đẹp không nhìn thấy được

Bạn có biết điều gì thực sự nực cười không? Sự phù phiếm thật nực cười, bởi vì khi bạn nghĩ mình gợi cảm và đáng được xuất hiện trên trang bìa tạp chí People, thì bạn cũng sẽ nhận được một bài học của cuộc sống khiến bạn hiểu rằng sắc đẹp thật ra là cái đẹp trong con mắt của người ngắm nhìn, và rằng cái đẹp bề ngoài không quan trọng bằng vẻ đẹp bên trong.

Cách đây không lâu tôi gặp một cô bé người Australia bị mù. Khi đó chúng tôi thực hiện một cuộc đi bộ thiện nguyện để quyên góp tiền cho trẻ em đang cần trợ giúp y tế. Cô bé đó khoảng năm tuổi. Sau cuộc đi bộ, người mẹ giới thiệu bé với tôi. Bà giải thích cho con biết rằng từ khi lọt lòng mẹ, tôi đã không có chân tay.

Những người mù thỉnh thoảng đề nghị được sờ vào người tôi để họ có thể nhận biết được một người không có tay chân là như thế nào. Tôi không thấy phiền khi đáp ứng đề nghị đó, vậy nên khi cô bé mù ấy hỏi mẹ cô rằng cô có thể “nhìn” tôi theo cách của cô được không, tôi đã đông ý. Mẹ cô cầm tay cô, hướng dẫn sờ vai và bàn chân bé xíu của tôi. Phản ứng của cô bé khá thú vị. Cô rất điềm tĩnh khi sờ đôi vai không có cánh tay và bàn chân trái bất thường của tôi. Sau đó, cô đặt tay lên mặt tôi và hét lên.

Quả là buồn cười.

“Gì thế? Khuôn mặt đẹp của tôi làm em sợ ư?”, tôi vừa cười thành tiếng vừa hỏi.

“Không! Đó là vì khắp mặt anh có lông! Anh là một con sói ư?”

Từ bé cho đến lúc đó cô chưa từng sợ một bộ râu. Khi chạm vào râu tôi, cô bé hoảng sợ. Cô nói với mẹ rằng thật là buồn cười vì tôi lại lông lá như thế ! Cô bé đó có quan niệm riêng về sự hấp dẫn và rõ ràng bộ râu của tôi không thuộc danh sách những thứ cô cho là hấp dẫn. Tôi không phật lòng. Tôi vui khi được nhắc cho nhớ rằng đẹp là đẹp trong con mắt – và sự cảm nhận – của người cảm nhận.

Sự độc đáo của bản thân

Con người chúng ta khá ngốc nghếch. Chúng ta dành nửa đời cố gắng làm cho mình phù hợp với đám đông và dành một nửa thời gian còn lại để trở nên nổi bật giữa đám đông. Tôi cảm thấy hối hận vì điều đó, và toi chắc chắn rằng bạn cũng vậy. Tại sao vậy ? Bởi vì đó dường như là tình trạng chung, một phần của bản chất con người. Tại sao chúng ta lại không thể thoải mái với bản thân, tại sao chúng ta lại không ý thức được rằng chúng ta là sản phẩm của Đấng Sáng Tạo, được tạo ra để phản ánh vẻ đẹp của Người?

Khi còn là một cậu học trò, tôi cố gắng đến tuyệt vọng để khiến mình hợp với đám đông, giống như hầu hết bạn bè ở tuổi mới lớn. Bạn đã bao giờ nhận thấy rằng ngay cả những bạn tuổi mới lớn muốn trở nên“khác người” cũng thường giao du với những đứa trẻ có cách ăn mặc, nói năng và hành động giống mình? Có gì không ổn đây? Làm sao bạn lại có thể là người ngoài cuộc được nếu tất cả những người bạn giao du đều mặc quần áo đen, nhuộm móng tay đen, tô son môi đen, kẻ mắt đen? Và nếu bạn ăn mặc giống y như họ, thì làm như thế cũng đâu có khiến bạn trở thành người trong cuộc được, đúng không?

Những hình xăm và những chiếu khoen được sử dụng như một tuyên bố của chủ nhân cá nhân thô kệch. Thời nay các bà mẹ mẫu mực xuất hiện ở quầy thực phẩm cũng đeo khoen và xăm mình. Chắc chắn phải có một cách tốt hơn để tôn vinh cá tính của bạn ngoài việc chạy theo mốt xu hướng thời trang, đúng không bạn?

Tôi đã trang bị cho mình một thái độ mà tôi nghĩ có thể cũng giúp ích cho bạn. Tôi đã xác định rằng vẻ đẹp nằm ở chính sự khác biệt, rằng tôi đẹp chính là vì tôi không giống bất cứ ai. Tôi là tôi, độc nhất vô nhị. Không ai gọi tôi là “trung bình” hoặc “chỉ làm một đứa con trai khác thôi”. Tôi có thể không nổi trội giữa đám đông, nhưng tôi thực sự khác biệt.

Thái độ đó giúp ích rất nhiều bởi vì tôi thường khiến cho trẻ em cũng như người lớn phản ứng một cách lạ lùng khi họ nhìn thấy tôi lần đầu. Trẻ con thường nghĩ tôi đến từ hành tinh khác hoặc là một quái vật. Những bạn trẻ đang ở tuổi mới lớn lại thường có sự tưởng tượng khủng khiếp đến mức bạn cho rằng tôi bị một kẻ giết người dùng rìu chặt đứt chân tay hoặc tưởng tượng ra chuyện án mạng rùng rợn khác. Người lớn cũng thường nhanh chóng đi đến những kết luận lạ lùng. Thường thì họ ngờ rằng toi là một hình nộm hoặc một con rối.

Một lần khi đến thăm họ hàng ở Canada, tôi được đưa đi chơi trò hóa trang để xin kẹo lần đầu tiên. Họ kiếm được một chiếc mặt nạ to tướng có thể che cả người tôi, sau đó dẫn tôi đi gõ cửa từng nhà. Thoạt đầu phản ứng của chủ nhân các ngôi nhà không có gì khác biệt, cho đến khi chúng tôi đoán rằng mọi người nghĩ tôi không phải là người thật. Cuối cùng chúng tôi hiểu ra điều đó khi một người phụ nữ bỏ mấy cái kẹo vào túi của tôi và tôi nói: “Cảm ơn! Trick or treat”.

Người phụ nữ đó giật bắn người và rú lên. “Một đứa trẻ ư?”, bà kêu lên. “Tôi cứ nghĩ các anh mang theo một hình nộm cơ!”.

Ô, mình dễ thương đấy chứ, tôi nghĩ.

Khi tôi cảm thấy muốn vui đùa, trong con mắt của mọi người tôi là người biết tận dụng đầy đủ lợi thế từ sự độc đáo của mình. Tôi thích dạo chơi quanh các khu mua sắm cùng với cách anh chị em họ và bạn bè. Cách đây mấy năm, một hôm chúng tôi tới một khu mua sắm ở Australia và phát hiện một cửa hàng bán đồ lót của hãng Bonds trưng bày các bộ đồ bó sát người.

Mà nơ canh nam của cửa hiệu đó mặc trên người một chiếc quần lót màu trắng mờ của hãng Bonds. Chàng ma nơ canh đó có thân hình giống hệt tôi: không có tay, không có chân. Thật tình cờ, hôm đó tôi cũng mặc một chiếc quần hiệu Bonds, vậy nên các anh chị em họ và tôi quả quyết rằng tôi có thể làm một ma-nơ-canh của của hiệu thời trang. Chúng tôi vào trong cửa hiệu. Các anh chị em họ đẩy tôi đến gian trưng bày sản phẩm. Và thế là tôi điềm nhiên đứng bên cạnh anh chàng ma nơ canh.

Trong năm phút tiếp theo, tôi đã thu hút được sự chú ý của người qua lại. Bất cứ khi nào có người đi mua sắm dừng lại nhìn mình, tôi lại làm điệu bộ giật giật cơ mặt, mỉm cười, nhăn mặt, hoặc cúi đầu chào khiến họ vô cùng sửng sốt và hàng hoàng! Tất nhiên trò chơi đó gây ra những trận cười rũ rượi cho mấy kẻ đồng mưu với tôi ở bên người cửa hàng. Sau sự việc đó, các anh chị em họ bảo rằng nếu như công việc diễn thuyết của tôi không được thuận lợi thì bất cứ lúc nào tôi cũng có thể tìm được việc làm tại một cửa hàng thời trang với vai trò của một ma nơ canh.

Tỏa sáng bí mật của hạnh phúc

Tôi đã học để cười, bất chấp khuyết tật của mình và những phản ứng lạ lùng xuất phát từ những khuyết điểm ấy, nhưng có một phương pháp tốt hơn để vượt qua mối hoài nghi về giá trị bản thân hoặc sự thiếu khả năng yêu và trân trọng bản thân mình. Thay vì chìm trong đau khổ, bạn hãy tìm đến để chia sẻ và xoa dịu nỗi đau của người khác. Hãy hướng sự chú ý và quan tâm của mình vào những người đang cần sự giúp đỡ.

Hãy làm tình nguyện viên tại một quán ăn phục vụ miễn phí những người nghèo cơ nhỡ. Hãy quyên tiền để giúp đỡ trẻ mồ côi. Hãy tổ chức một buổi biểu diễn từ thiện để gây quỹ giúp nạn nhân động đất. Hãy tìm các nhà tài trợ có thể tăng tiền nếu như bạn tham gia vào đi bộ, đua xe đạp hoặc buổi khiêu vũ từ thiện. Hãy thoát ra khỏi sầu muộn và tìm đến những người khó khăn để chia sẻ.

Khi tôi làm điều đó, tôi phát hiện ra giải pháp tốt nhất cho bất cứ ai không thể bật lên ánh sánh tình yêu từ bên trong con người mình.

Nếu bạn không thể tự giải quyết được các vấn đề của cá nhân, thì hãy trở thành giải pháp cho vấn đề của người khác. Suy cho cùng, cho vẫn tốt hơn là nhận, đúng không bạn? Nếu bạn không yêu bản thân mình, thì hãy tận hiến nhé. Nếu làm điều đó, bạn chắc chắn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra mình có giá trị như thế nào.

Làm điều đó bằng cách nào? Bạn ạ, hãy nhìn tôi mà xem. Hãy nhìn vào cuộc sống của tôi. Trong mắt bạn tôi có hạnh phúc và mãn nguyện không?

Một cuộc phẫu thuật nâng mũi không thể mạng lại cho bạn niềm vui của cả cuộc đời. Một chiếc xe hiệu Ferrari không thể khiến bạn được hàng triệu người khâm phục. Bạn đã có sẵn những gì cần thiết để được yêu thương và coi trọng; vấn đề chỉ là giải phóng và tối ưu hóa tất cả những vốn quý đó trong con người bạn mà thôi. Không phải bạn lúc nào cũng hoàn hảo. Sự chưa hoàn hảo không có nghĩa là không hay, mà ngược lại, là cực kỳ tốt. Đạt được lý tưởng không phải là đạt được sự hoàn hảo trong suốt cuộc đời bạn, mà là tìm kiếm sự hoàn hảo. Luôn vươn tới hoàn hảo nghĩa là luôn thôi thúc mình trên con đường tự hoàn thiện bản thân.

Bạn hãy không ngừng vươn lên, không ngừng cống hiến tất cả những gì bạn cần phải cống hiến để, cuối cùng, khi nhìn lại những gì mình đã làm bạn có thể nói, mình đã cố gắng hết sức.

Ngày lúc này đây bạn hãy nhìn vào gương và nói: “Đây là chính mình, và mình chấp nhận mọi thách thức để trở thành người tốt nhất có thể”. Bạn đẹp bởi vì Đấng Sáng Tạo tạo ra bạn để phục vụ mục đích của Người. Thách thức của bạn là tìm ra mục đích đó, làm cho nó ngập tràn hy vọng, thúc đẩy nó bằng niềm tin, sử dụng sự độc đáo của bạn ở mức cao nhất có thể.

Yêu thương và chấp nhận bản thân là phương thuốc duy nhất chắc chắn sẽ mang lại kết quả trong việc loại bỏ cảm giác tự ti và cảm giác tự coi mình là nạn nhân của bất hạnh. Ma túy, rượu, sống buông thả chỉ mang đến cho bạn sự tạm quên, để rồi cuối cùng lại khiến bạn đau khổ và buồn rầu hơn. Khi tôi coi mình là một đứa con của Chúa và là một phần kế hoạch của Người, cuộc sống của tôi đã thay đổi vĩnh viễn. Có thể bạn không theo đạo Cơ Đốc, nhưng bạn vẫn có thể tin vào giá trị và mục đích của sự tồn tại của bạn trên hành tinh này.

HÃY LÀ MỘT NGƯỜI BẠN CHÂN THÀNH VÀ HÃY CHIA SẺ

Lời khuyên tốt nhất của tôi giành cho việc tìm kiếm hạnh phúc từ bên trong là hãy vượt lên chính bản thân mình, sử dụng tài năng, bộ óc và tính cách của bạn để làm cho cuộc sống của người khác trở nên tốt đẹp hơn. Tôi đã bị tác động bở điều đó và tôi không cường điệu khi nói rằng nó đã làm thay đổi cuộc đời tôi.

Năm đó tôi 16 tuổi và đang là học sinh trường trung học Rucorn ở Queensland. Mỗi khi tan học, tôi thường phải đợi xe buýt cả tiếng đồng hồ để về nhà. Trong lúc chờ đợi, tôi nói chuyện với các học sinh khác hoặc với một người đàn ông tên là Arnold. Ông không phải là hiệu trưởng, cũng không phải là giáo viên trường. Ông chỉ là người trong nom trường sở. Nhưng ông là một trong những người tỏa sáng từ bên trong. Ông thanh thản và yên tâm với bản thân, thoải mái trong bộ đồng phục của người lao dộng đến mức mọi người đều kính trọng và muốn được gần gũi ông.

Ông Arnold có thể trò chuyện về bất cứ chủ đề gì. Ông là người có tâm hồn và rất sáng suốt. Có những hôm, trong bữa ăn trưa, ông giữ vai trò chủ đạo trong cuộc thảo luận của những học sinh theo đạo Cơ Đốc. Ông mời tôi tham gia, mặc dù tôi nói với ông rằng tôi không phải là nhân vật quan trọng. Nhưng tôi thích ông nên quyết định tham gia các buổi thảo luận.

Trong các cuộc trao đổi đó, ông Arnold khuyến khích các bạn trẻ nói về cuộc sống của họ, nhưng tôi luôn từ chối đề nghị của ông. “Thôi nào, Nick, chúng tôi muốn nghe chuyện của cậu”, ông nói. “Chúng tôi muốn biết thêm về cậu và những suy nghĩ của cậu”.

Tôi từ chối trong suốt ba tháng. “Cháu chẳng có chuyện gì để kể cả”, tôi nói.

Cuối cùng ông Arnold cũng thuyết phục được tôi. Các bạn học của tôi rất cởi mở và thoải mái trong việc chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm của họ, vậy nên cuối cùng tôi cũng vui vẻ nói về bản thân. Tôi căng thẳng đến mức đã chuẩn bị sẵn những tấm thẻ ghi những điểm chính mà tôi sẽ nói.

Tôi không mong mình sẽ gây ấn tượng cho bất cứ ai. Tôi chỉ muốn vượt qua chuyện đó và thoát khỏi nó, tôi tự nhủ như vậy. Tôi phần nào cũng muốn cho các bạn học thấy rằng tôi cũng có tâm tư, tình cảm, có nỗi đau, nỗi sợ hãi giống họ.

Hôm ấy, trong mười phút tôi đã nói về cuộc sống và cảm giác của tôi khi lớn lên mà không có tay chân. Tôi kể chuyện buồn và cả chuyện vui của cuộc đời mình. Tôi không muốn giống một nạn nhân, vậy nên tôi đã nói về những thành tích của tôi. Vì đó là nhóm các học sinh theo đạo Cơ Đốc, nên tôi nói rằng có những lúc tôi cảm thấy Chúa đã bỏ quên tôi, rằng tôi là một trong những sai lầm của người. Sau đó tôi giải thích quá trình tôi dần dần hiểu ra rằng có thể trên đời này có một kế hoạch dành cho tôi mà hiện tại tôi chưa thể khám phá ra.

“Dần dần tôi học được cách để tin rằng tôi không phải là một sai lầm của Chúa”, tôi nói, cố cười vui vẻ.

Nói thực, khi mở lòng được như vậy tôi cảm thấy nhẹ nhõm đến mức muốn khóc.

Thật ngạc nhiên, hầu hết các bạn học có mặt ở trong phòng đều khóc.

“Cháu nói dở lắm phải ko?”, tôi hỏi ông Arnold.

“Không đâu Nick”, ông nói. “Cháu tuyệt lắm”.

Thoạt đầu tôi cứ nghĩ ông ấy chỉ tỏ ra lịch sự và tử tế còn những học sinh khác trong nhóm thì giả vờ cảm động. Họ là những người theo đạo Cơ Đốc mà, đương nhiên họ phải tỏ ra lịch sự và tử tế.

Nhưng rồi một cậu con trai trong nhóm mời tôi đến nói chuyện với nhóm thiếu niên ở giáo xứ của cậu. Sau đó tôi lại nhận được lời mời đến nói chuyện tại một lớp học giáo lý. Trong hai năm tiếp theo, tôi nhận được hàng chục lời mời đến chia sẻ câu chuyện đời mình với các nhóm giáo dân trẻ, các tổ chức thanh thiếu niên, và các câu lạc bộ phục vụ cộng đồng.

Trước đó tôi đã lãng tránh các nhóm bạn Cơ Đốc ở trường bởi tôi không muốn bị gán mác là con của nhà truyền giáo và là nhà cải cách hăng hái chỉ biết đến tôn giáo. Tôi hành động một cách cứng rắn, gan góc và đôi khi đáng ghét để có thể được chấp nhận như một người bình thường. Sự thật là chính tôi cũng chưa chấp nhận bản thân mình.

Tất nhiên, Chúa có khiếu hài hước. Người đã lôi cuốn tôi vào cái việc nói chuyện với chính nhóm người mà tôi đã lẩn tránh, và thông qua việc đó Người đã tiết lộ mục đích sống của tôi trên đời này. Người đã chỉ cho tôi thấy rằng cho dù không hoàn hảo, tôi vẫn có những điều quý giá để chia sẻ, để làm vơi bớt những gánh nặng của người khác.

Bạn cũng có những điều quý giá để chia sẻ với người khác đấy. Chúng ta chia sẻ với nhau sự chưa hoàn hảo của mình. Chúng ta cần chia sẻ những món quà đẹp đẽ mà tạo hóa và cuộc đời đã ban cho. Hãy nhìn vào bên trong tâm hồn bạn. Có một ngọn đèn ở trong đó, một ngọn đèn đang ở để tỏa sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.