Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

Không tay nhưng không chiến bại



Lần gây lộn đầu tiên và duy nhất của tôi ở sân chơi là vụ tôi đánh nhau với Chucky, kẻ hay bắt nạt người khác nhất ở trường tiểu học. Tên thật của cậu ta không phải là Chucky, nhưng cậu ta có mái tóc vàng như lửa, những vết tàn nhang, và đôi tai to giống như nhân vật Chucky trong bộ phim kinh dị Chucky, vậy nên tôi gọi cậu ta như vậy cho bõ ghét.

Chucky là người đầu tiên gieo nỗi sợ hãi trong trái tim tôi. Suốt cuộc đời mình chúng ta ai cũng phải đương đầu với nỗi sợ, nỗi sợ có thực và cả những nỗi sợ mà chúng ta tưởng tượng ra. Nelson Mandela nói rằng người dũng cảm không phải là người cảm nhận được nỗi sợ hãi mà là người chiến thắng nỗi sợ hãi. Tất nhiên tôi cảm thấy sợ hãi khi Chucky cứ cố tình bắt nạt, nhưng chiến thắng nỗi sợ hãi đó lại là một chuyện khác.

Khi đó có lẽ bạn không thể thuyết phục được tôi rằng những nỗi sợ hãi của tôi và của bạn thực sự là một món quà. Đúng, khi đó tôi sẽ không tin đâu. Hầu hết những nỗi sợ lớn nhất của chúng ta, chẳng hạn như nỗi sợ gặp hỏa hoạn, sợ ngã, sợ những con vật gầm rống, đều có tác dụng như công cụ giúp ta tồn tại. Vậy nên hãy lấy làm mừng vì sự tồn tại của những nỗi sợ đó và hãy làm chủ chúng, nhưng đừng để chúng điều khiển bạn.

Quá sợ hãi không tốt chút nào. Lúc nào cũng sợ gặp thất bại hoặc sợ bị thất vọng, sợ bị từ chối sẽ làm chúng ta tê liệt. Thay vì đương đầu với những nỗi sợ đó, chúng ta đầu hàng chúng và tự hạn chế bản thân.

Đừng để sợ hãi ngăn cản bạn theo đuổi những ước mơ. Hãy đương đầu với nỗi sợ hãi theo cách bạn đương đầu với một cái máy dò khói. Hãy chú ý khi nó báo động – hãy quan sát xung quanh và xem xét liệu có sự nguy hiểm thực sự hay không, hay chỉ đơn thuần là báo động thôi. Nếu không có đe dọa thực sự thì hãy loại bỏ nỗi sợ hãi ra khỏi đầu mình và tiếp tục sống.

Chucky, kẻ hành hạ tôi ở trường tiểu học, đã dạy cho tôi biết chiến thắng nỗi sợ hãi và tiến lên phía trước, nhưng điều đó chỉ xảy đến sau lần đánh nhau đầu tiên và cuối cùng trong tuổi thơ tôi. Tôi kết bạn với hầu hết mọi người ở trường tiểu học, thậm chí cả những học sinh khó chơi nhất. Dẫu vậy, đối với tôi, Chucky thực sự là một kẻ hay bắt nạt. Cậu ta là một đứa con trai không lúc nào chịu yên, luôn đi loanh quanh tìm ai đó để bắt nạt. Cậu ta to lớn hơn tôi, và hơn tất cả mọi học sinh khác.

Bản thân tôi không phải là một mối đe dọa đối với bất cứ ai. Tôi chỉ là một cậu học sinh lớp một, nặng hai mươi cân, phải dùng xe lăn. Chucky lớn hơn tôi vài tuổi và đối với tôi cậu ta chẳng khác nào một người khổng lồ.

“Tao cược rằng mày không thể đánh nhau”, một hôm, vào giờ ra chơi, cậu ta nói với tôi.

Các bạn của tôi cũng có mặt ở đó, vậy nên tôi cố làm ra vẻ dũng cảm, nhưng khi đó trong đầu tôi nghĩ: Mình phải ngồi xe lăn, còn cậu ta thì to cao gấp đôi mình. Đây không phải là một tình huống đầy hứa hẹn đâu.

“Tôi cược với câu là tôi biết đánh nhau đấy”, đó là phản ứng khả dĩ nhất của tôi trong tình huống đó.

Tôi không có nhiều kinh nghiệm đánh nhau. Xuất thân từ một gia đình theo đạo Cơ Đốc, tôi được dạy rằng bạo lực không phải là giải pháp cho bất cứ vấn đề gì, nhưng tôi không phải là một kẻ yếu ớt. Tôi thường đấu vật với em trai và các anh họ. Em trai tôi vẫn thường nói về thành tích đấu vật ấn tượng nhất của tôi. Trước khi Aaron trở nên cao lớn hơn tôi, tôi có thể vật ngoéo nó xuống sàn rồi khóa chặt cánh tay nó bằng cằm của mình.

“Cái cằm quá khỏe của anh suýt bẻ gãy tay em đấy”, em tôi nói. “Nhưng đến lúc lớn hơn anh, em chỉ cần dí tay vào trán anh thì đố anh đến gần em được”.

Đó là vấn đề mà tôi phải đương đầu với Chucky. Tôi không ngại đánh nhau với cậu ta, chỉ không biết làm thế nào để chiến thắng cậu ta. Mọi vụ đánh nhau mà tôi xem trên ti vi hoặc trong phim đều có màn đấm hoặc đá đối thủ. Tôi thiếu mất các bộ phận để có thể thực hiện các cú đấm, cú đá. Làm sao tôi đánh lại được cậu ta đây?

Dường như không gì có thể cản trở Chucky lấn tới.

“Nếu mày biết đánh nhau thì mày hãy chứng minh đi!”, cậu ta nói.

“Được thôi, hãy gặp tao ở sân Bầu dục vào giờ ăn trưa”, tôi gầm gừ.

“Được”, Chucky nói. “Mày nhớ đến đấy!”.

Sân Bầu dục là một cái sân xi măng hình quả trứng nằm ở giữa bãi cỏ và khoảng sân đất của trường tôi. Đánh nhau ở đó tựa như ở giữa vòng tròn trung tâm của rạp xiếc ở trường. Đây là sân khấu chính của trường. Những gì xảy ra ở sân Bầu dục không chỉ dừng lại ở trong phạm vi của sân đó. Nếu bị đánh bại ở đây thì tôi sẽ không bao giờ vượt qua được cảm giác xấu hổ.

Trong suốt các tiết học chính tả, địa lý và toán, tôi luôn cảm thấy bứt rứt bởi lời hẹn đánh nhau với kẻ bắt nạt đáng sợ nhất trường. Chẳng có gì ngăn được cái tin tôi nhận lời thách đố của Chucky lan ra khắp trường. Tất cả các học sinh đều muốn biết kế hoạch tấn công của tôi. Tôi chẳng có kế hoạch nào hết.

Tôi cứ mường tượng ra cảnh Chucky đấm tôi ngã gục. Tôi cầu mong sao một giáo viên phát hiện ra chuyện của chúng tôi và ngăn chặn vụ đánh nhau trước khi nó xảy ra. Nhưng tôi không có được cái may mắn đó.

Thời điểm đáng sợ đã đến. Chuông báo hiệu giờ ăn trưa vang lên. Bạn bè tụ tập quanh xe lăn của tôi, và cùng đi đến sân Bầu dục trong im lặng. Đến một nửa học sinh của trường có mặt ở đó. Một số mang theo cả bữa trưa đến đó ăn. Một số khác cá cược cho vụ đánh nhau sắp xảy ra.

Như bạn có thể đoán ra, ai cũng cược rằng tôi sẽ thua.

“Mày đã sẵn sàng đánh nhau chưa?”, Chucky hỏi.

Tôi gật đầu, nhưng tôi không biết phải bắt đầu thế nào.

Chucky cũng không biết chắc phải làm gì. “Ừ, chúng ta đánh nhau như thế nào đây?”, cậu ta hỏi.

“Tao không biết”, tôi đáp.

“Mày ra khỏi xe lăn đi”, cậu ta yêu cầu. “Nếu mày cứ ngồi trên xe lăn như thế thì thật không công bằng”.

Có vẻ như Chucky cũng sợ. Điều này khiến tôi có được cơ hội điều đình. Đánh nhau không phải là sở trường, nhưng tôi là một người đàm phán giỏi.

“Nếu tao ra khỏi chiếc xe này, thì mày phải quỳ”, tôi nói.

Chucky lúc đó đang bị các học sinh khác chế giễu vì bắt nạt một đứa phải ngồi xe lăn. Cậu ta chấp nhận đề nghị. Tôi di chuyển ra khỏi xe lăn, sẵn sàng cho cuộc đấu quan trọng của mình – giá mà tôi biết được làm cách nào để đánh nhau mà không cần có nắm đấm thì tốt biết bao.

Tôi muốn nói rằng, có ai lại gọi một cuộc đánh nhau là “một cuộc đấu vai” bao giờ đâu, các bạn nhi?

Đám đông học sinh đứng thành vòng tròn xung quanh khi Chucky và tôi di chuyển xoay quanh nhau. Tôi vẫn đang nghĩ rằng cậu ta sẽ không thể thực hiện vụ đánh nhau đó. Ai lại thấp hèn đến mức đánh một thằng bé không có tay chân?

Những dứa con gái trong lớp tôi kêu lên: “Nicky, đừng đánh nhau. Nó sẽ làm cậu đau đấy”.

Bọn con gái nói thế càng khiến tôi bị kích động. Tôi không muốn bị bọn con gái thương hại. Niềm kiêu hãnh của đấng nam nhi nổi lên trong tôi. Tôi tiến thẳng tới Chucky như thể tôi có thể đánh gục cậu ta.

Cậu ta huých khuỷu tay vào ngực tôi và tôi bật về phía sau, ngã chỏng xuống mặt sân láng xi măng hệt như một bao tải khoai tây.

Chucky đã khiến tôi vô cùng choáng váng! Tôi chưa từng bị ai đánh ngã theo cái cách đó. Đau khỏi phải nói! Nhưng cảm giác ngượng còn tệ hơn. Các bạn học xúm lại quanh tôi, hoảng hốt. Đám con gái rú lên, lấy tay che mắt để khỏi thấy cái cảnh mà chúng cho là thật thương tâm.

Tôi đã hiểu ra rằng kẻ chuyên bắt nạt người khác này thực sự cố tình làm tôi đau đớn. Tôi bật người, tì trán xuống nền sân. Sau đó tôi tựa một bên vai vào xe lăn để dựng người dậy. Kỹ thuật này khiến trán tôi thành chai, và khiến tôi có một cái cổ rất khỏe, những đặc điểm chẳng bao lâu sau đó đem đến sự thất bại cho Chucky.

Tôi không nghi ngờ gì: Chucky không hề ngại đánh gục tôi. Tôi chỉ có thể hoặc là đánh nhau với cậu ta hoặc là bỏ chạy, mà bỏ chạy thì không phải là một sự lựa chọn khả thi.

Tôi lại tấn công Chucky, và lần này tôi tấn công với tốc độ nhanh hơn lần trước. Ba bước nhảy lò cò, và tôi đã đến trước mặt cậu ta. Nhưng tôi chưa kịp nghĩ mình sẽ làm gì tiếp theo thì Chucky đã ghì chặt tôi bằng một cánh tay. Chỉ một cánh tay kẹp chặt ngực đối thủ, và tôi bị vật đánh uỵch một cái xuống đất. Tôi thậm chí nảy người lên một cái. Được thôi, hai lần.

Đầu tôi đập xuống nền sân Bầu dục cứng như đá. Thế giới nhòa đi chỉ còn là một màu đen. Tiếng rú của một đứa con gái khiến tôi tỉnh lại. Tôi cầu mong có giáo viên nào đó đến giải cứu. Tại sao khi bạn cần một người hiệu phó thì bạn lại chẳng bao giờ thấy mặt người đó nhỉ?

Cuối cùng mắt tôi đã nhìn rõ, và tôi nhìn thấy Chucky đáng ghét đang lượn quanh. Kẻ bắt nạt có cái mặt béo bự đang nhảy điệu chiến thắng.

Đủ rồi. Mình sẽ giết chết thằng khốn này!

Tôi cong người, cố tựa trán xuống nền sân, và dựng người dậy cho đợt tấn công cuối cùng. Tôi giận sôi máu. Lần này tôi xông vào cậu ta với tốc độ nhanh nhất có thể, khiến Chucky bị bất ngờ.

Cậu ta bắt đầu di chuyển giật lùi bằng đầu gối. Tôi thực hiện một bước nhảy như bay, lao mình về phía cậu ta như một tên lửa bằng xương bằng thịt. Cái đầu rắn như đá của tôi húc mạnh vào mũi Chucky. Cậu ta ngã lăn ra. Tôi đè lên người cậu ta, và cứ thế lăn tiếp.

Khi tôi nhìn lên, tôi thấy Chucky đang nằm sóng soài trên mặt sân, vừa lấy tay bưng mũi vừa kêu oai oái.

Thay vì cảm nhận niềm vui chiến thắng, cảm giác có lỗi tràn ngập trong lòng tôi. Tôi, con trai của một mục sư, cầu xin sự tha thứ: “Tớ xin lỗi, cậu không sao chứ?”.

“Nhìn kìa, Chucky bị chảy máu rồi!”, một đứa con gái kêu lên.

Làm gì tệ đến mức ấy, tôi nghĩ.

Nhưng quả đúng thế thật, máu từ mũi Chucky đang chảy qua các kẽ ngón tay của cậu ta. Cậu ta bỏ tay ra khỏi mũi, và lập tức máu chảy xuống mặt, nhuộm áo sơ mi thành màu đỏ tươi.

Một nửa đám đông reo hò. Một nửa còn lại cảm thấy hổ thẹn – thay cho Chucky. Kể ra thì cũng tệ thật đấy, cậu ta đã bị đánh bại bởi một thằng bé không chân tay. Cậu ta sẽ không bao giờ rũ bỏ được nỗi hổ thẹn này. Những ngày chuyên bắt nạt kẻ khác của Chucky đã chấm hết. Cậu ta dùng ngón tay bưng mũi, chạy vội vào phòng vệ sinh.

Quả thực tôi không bao giờ còn gặp lại cậu ta nữa. Chắc cậu ta đã chuyển trường vì xấu hổ. Chucky, nếu cậu đọc được những dòng này, thì hãy tha lỗi cho mình nhé, vàmình hy vọng cậu đã có một cuộc sống tốt đẹp sau khi từ bỏ thói bắt nạt người khác.

Tôi tự hào vì đã tự bảo vệ được bản thân mình, nhưng lòng lại nặng trĩu cảm giác có lỗi. Hôm đó, sau khi tan học tôi về nhà, thú nhận mọi chuyện với cha mẹ ngay khi tôi bước vào cửa. Tôi sợ mình sẽ bị phạt nặng. Nhưng tôi không cần phải lo sợ. Cha mẹ tôi đã không tin! Họ đơn giản không nghĩ lại có chuyện tôi đánh bại một đứa lớn hơn, có đầy đủ chân tay!

Tôi đã không cố gắng thuyết phục họ tin những gì tôi kể.

Càng có nhiều người thích nghe câu chuyện này và chuyện càng buồn cười bao nhiêu, thì tôi lại càng ngại không muốn kể nó ra bởi vì tôi không tán thành bạo lực. Tôi tin rằng tính hiền lành là nguồn sức mạnh tiềm ẩn. Tôi sẽ luôn nhớ vụ đánh nhau đầu tiên – và duy nhất trong đời mình bởi tôi đã khám phá ra rằng khi không còn cách nào khác, tôi vẫn có thể chiến thắng nỗi sợ hãi. Đặc biệt ở cái tuổi đó, tôi cảm thấy thật tốt khi biết rằng mình có đủ sức mạnh để tự vệ. Tôi đã hiểu mình có thể trở nên hiền lành bởi đã biết huy động sức mạnh ở bên trong, bạn có thể đoán như vậy.

KHÔNG TAY, KHÔNG CHÂN – KHÔNG SỢ HÃI

Bạn có thể có ý thức sâu sắc về mục đích sống, niềm hy vọng lớn lao về những khả năng sẽ xảy ra trong cuộc sống, niềm tin vào tương lai, nhận thức về giá trị bản thân, thậm chí có thái độ tích cực, nhưng nỗi sợ hãi vẫn có thể cản trở bạn đạt được ước mơ. Trên đời này có nhiều khuyết tật còn tồi tệ hơn cả sự khuyết thiếu chân tay – nỗi sợ hãi có thể làm suy yếu tinh thần những người phải chịu khuyết tật đó. Bạn không thể sống cuộc sống hạnh phúc và mãn nguyện, một cuộc sống có thể phát huy được đầy đủ những tài năng, khả năng, và phẩm chất trong con người bạn nếu như nỗi sợ hãi điều khiển mọi quyết định của bạn.

Sợ hãi sẽ kìm hãm, ngăn cản bạn trở thành con người mà bạn mong muốn. Nhưng sợ hãi chỉ là một tâm trạng, một cảm xúc – nó không có thật! Bao nhiêu lần trong cuộc sống bạn thường xuyên sợ điều này điều nọ – sợ phải đi đến bác sĩ nha khoa, sợ phải trải qua một cuộc phỏng vấn xin việc làm, một cuộc phẫu thuật, hoặc một kỳ thi sát hạch ở trường – để rồi bạn chợt nhận ra rằng trải nghiệm thực không đến nỗi đáng sợ như bạn đã tưởng tượng?

Tôi cứ nghĩ mình sẽ thất bại thảm hại trong vụ đánh nhau với Chucky, nhưng bạn biết thực tế sự việc đó đã xảy ra như thế nào rồi đấy! Thường thì người lớn hay quay trở lại với những nỗi sợ rất trẻ con. Họ hành động như trẻ con trong nỗi sợ hãi xảy ra vào ban đêm bởi họ tưởng rằng cành cây cọ vào cửa sổ thực sự là một con quái vật đang cố ăn thịt họ.

Tôi từng chứng kiến nỗi sợ hãi khiến những người bình thường tê liệt hoàn toàn. Không phải tôi đang nói tới phim kinh dị hoặc nỗi sợ tiếng động trong đêm của trẻ con. Nhiều người chúng ta bị nỗi sợ thất bại, nỗi sợ phạm sai lầm, nỗi sợ phải thực hiện một cam kết, thậm chí nỗi sợ sự thành công làm cho khuyết tật. Những nỗi sợ hãi sẽ tìm đến bạn, điều đó là không thể tránh khỏi. Bạn không nhất thiết phải để cho nỗi sợ hãi can dự vào cuộc sống. Bạn hãy để chúng đi đường của chúng, và bạn cứ tiếp tục đi đường của bạn. Bạn hoàn toàn có khả năng lựa chọn.

Các nhà tâm lý học nói rằng hầu hết nỗi sợ hãi đều không phải do bẩm sinh mà do chúng ta tự nạp vào mình trong quá trình sống. Con người sinh ra chỉ có hai nỗi sợ thuộc bản năng: sợ những âm thanh quá lớn và sợ bị rơi ngã. Hồi học lớp một tôi cứ nơm nớp lo sợ mình sẽ bị Chucky hành hạ, nhưng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi đó. Tôi đã quyết định sẽ không đợi đến khi cảm thấy mình đủ dũng cảm – tôi cứ tập thể hiện lòng dũng cảm ngay lúc bấy giờ, và cuối cùng tôi đã trở nên thực sự dũng cảm!

Ngay cả khi đã là người lớn chúng ta vẫn tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ không phù hợp với thực tế. Điều này giải thích tại sao sợ hãi lại thường được miêu tả là “những dấu hiệu giả có vẻ như thật”. Chúng ta hay quá chú ý đến nỗi sợ của mình đến mức chúng trở nên có thật đối với chúng ta – và kết quả là, chúng ta để cho những nỗi sợ điều khiển mình.

Thật khó mà tưởng tượng được một người nào to lớn và thành công như Michael Jordan lại mang trong lòng nỗi sợ hãi. Ấy thế mà trong lễ ghi danh anh vào NBA Hall of Fame(*), Jordan đã nói một cách cởi mở về việc anh thường sử dụng những nỗi sợ hãi mà anh cảm thấy để thôi thúc lập thành tích cao hơn trong thi đấu. Trong đoạn kết của bài phát biểu, anh nói: “Một ngày nào đó bạn nhìn lên và thấy tôi chơi bóng rổ ở tuổi năm mươi. Ồ, đừng cười, đừng cười bạn ạ. Đừng bao giờ nói không bao giờ. Bởi vì cũng giống như những nỗi sợ hãi, các giới hạn thường chỉ là một ảo tưởng mà thôi”.

Có thể Jordan làm cầu thủ bóng rổ giỏi hơn làm người dạy kỹ năng sống, nhưng anh ấy nói có lý đấy. Các quy tắc của Jordan như sau: thừa nhận rằng những nỗi sợ hãi là không có thực và chiến thắng chúng, hoặc sử dụng chúng cho mục đích tích cực. Chìa khóa giúp bạn đương đầu với nỗi sợ hãi lớn nhất của mình, cho dù là sợ bay, sợ ngã, sợ các mối quan hệ, là thừa nhận rằng sợ hãi là không có thực. Sợ hãi chỉ là cảm xúc, và bạn có thể điều khiển được phản ứng của mình trước các cảm xúc.

Tôi đã phải học bài học này từ khi khởi đầu sự nghiệp của một diễn giả. Khi ấy tôi đã rất sợ hãi và lo lắng. Tôi không biết mọi người sẽ phản ứng thế nào trước những gì tôi nói. Tôi không chắc chắn mọi người sẽ lắng nghe tôi nói. May mắn thay, những buổi diễn thuyết đầu tiên của tôi là trước các học sinh cùng trang lứa. Họ biết tôi, và chúng tôi rất thoải mái, cởi mở với nhau. Về sau tôi bắt đầu diễn thuyết trước những đám đông gồm nhiều bạn trẻ hơn, trước những giáo đoàn lớn trong đó chỉ có vài người tôi quen biết. Dần dần tôi đã chiến thắng được nỗi sợ hãi và lo lắng.

Giờ đây khi được mời đi diễn thuyết trước đám đông hàng nghìn người, đôi khi gồm mười nghìn hoặc hàng trăm nghìn người, tôi vẫn cảm thấy sợ. Tôi đã từng đến những vùng đất xa xôi ở Trung Quốc, Nam Mỹ, châu Phi, và nhiều vùng khác của thế giới, nơi tôi không biết những người dân ở đó sẽ đón nhận tôi như thế nào. Tôi sợ rằng các khán thính giả sẽ hiểu câu nói đùa của tôi một cách hoàn toàn khác theo văn hoá của họ, và sợ họ sẽ hiểu lầm, sẽ nghĩ họ đang bị xúc phạm. Tôi sử dụng nỗi sợ đó để nhắc nhở mình phải luôn nói qua về những bài diễn thuyết của mình với những người phiên dịch và những người tổ chức để khi bước vào buổi diễn thuyết tôi có thể tránh được những tình huống bẽ bàng.

Tôi đã học được cách đón nhận nỗi sợ hãi của mình như một nguồn sức mạnh, như một công cụ để tập trung chú ý vào khâu chuẩn bị. Nếu tôi sợ mình sẽ quên mất những gì định nói hoặc sợ sẽ nói lộn xộn thì chính nỗi sợ ấy lại giúp tôi tập trung cao độ trong quá trình tôi duyệt lại và tập luyện cho bài diễn thuyết.

Nhiều nỗi sợ hãi trở nên hữu ích theo cách đó. Chẳng hạn, nỗi sợ hãi có ích khi nó thúc đẩy bạn cài dây an toàn bởi vì bạn không muốn bị thương trong một vụ tai nạn xe hơi. Nếu nỗi sợ bị cảm lạnh hoặc bị cảm cúm khiến bạn rửa tay và uống vitamin đều đặn thì đó cũng là một nỗi sợ có ích.

Mặc dù vậy, chúng ta thường cho phép những nỗi sợ hãi không có thực đó trở nên nghiêm trọng đến mức điên rồ. Thay vì cứ thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh bị cảm cúm hoặc cảm lạnh, một số người phản ứng một cách thái quá bằng cách tự nhốt mình trong nhà. Khi nỗi sợ ngăn cản chúng ta làm tất cả những gì chúng ta có thể làm hoặc cản trở chúng ta trở thành con người chúng ta muốn, những nỗi sợ đó là không thể chấp nhận được.

ĐỪNG ĐỂ NỖI SỢ ÁM ẢNH BẠN

Tôi có người bạn có bố mẹ đã ly hôn khi cô ấy còn bé. Bố mẹ cô lúc nào cũng cãi nhau, thậm chí cả sau khi đã chia tay. Giờ đây bạn tôi đã là một phụ nữ trưởng thành, nhưng cô ấy vẫn sợ lấy chồng. “Tớ không muốn kết thúc giống bố mẹ tớ”, cô tâm sự.

Bạn có thể tưởng tượng mình không bao giờ có được một mối quan hệ lâu dài bởi vì bạn sợ rằng mối quan hệ đó sẽ chẳng đi đến đâu cả không? Đó là nỗi sợ tiêu cực! Bạn chẳng thể nghĩ hôn nhân là gì khác hơn là bước đầu tiên dẫn đến việc ly dị. Hãy nhớ đến bài thơ của Tennyson “Thà yêu rồi mất mát còn hơn là chẳng yêu bao giờ”, bạn nhé!

Có lẽ bạn chẳng thể có được một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc nếu bị nỗi sợ về những điều có thể sẽ xảy ra vào một ngày nào đó, ở một nơi nào đó, bằng cách nào đó làm cho bạn tê liệt. Nếu ai trong chúng ta ngày nào cũng nằm lì trên giường bởi vì sợ bị sét đánh hoặc sợ bị muỗi gây sốt rét đốt, thì thế giới này sẽ trở thành một nơi buồn tẻ biết bao, đúng không bạn?

Rất nhiều người bị ám ảnh bởi những nỗi sợ hãi luôn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nếu khi mà họ nên nói tại sao không?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình thất bại?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không đủ tốt?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu họ cười mình?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình bị gạt bỏ?

– Điều gì sẽ xảy ra nếu mình không thể duy trì những thành công?

Tôi hiểu cách nghĩ đó. Khi lớn lên tôi đã phải đương đầu với nỗi sợ khủng khiếp – sợ bị loại bỏ, sợ bản thân mình khiếm khuyết, sợ bị phụ thuộc. Đó không chỉ là sự tưởng tượng của tôi: thân thể tôi thiếu các bộ phận mà ai cũng có. Nhưng cha mẹ đã bảo rằng tôi không nên lúc nào cũng nghĩ đến những khuyết tật của mình mà hãy nghĩ đến những gì tôi có thể tạo ra nếu dám theo đuổi mơ ước.

“Hãy mơ những giấc mơ lớn, Nicky ạ, và đừng bao giờ để nỗi sợ hãi ngăn cản con thực hiện ước mơ của mình”, cha mẹ tôi nói. “Con không thể để cho sợ hãi định đoạt tương lai của con. Hãy chọn cuộc sống mà con mong muốn và cố gắng vươn tới cuộc sống đó”.

Cho đến nay tôi đã nói chuyện với rất nhiều khán, thính giả ở gần hai mươi nước trên thế giới. Tôi đã mang thông điệp của hy vọng và niềm tin truyền cho những đám đông hàng nghìn người tại các sân vận động, diễn đàn, trường học, nhà thờ, nhà tù. Tôi không bao giờ có thể làm được điều đó nếu như cha mẹ không khuyến khích tôi nhận thức được những nỗi sợ hãi của mình để rồi chiến thắng chúng.

BIẾN NỖI SỢ THÀNH ĐỘNG LỰC

Có thể bạn và tôi sẽ không bao giờ trở nên nổi bật ở một môn thể thao như Michael Jordan đã toả sáng trong thế giới bóng rổ, nhưng bạn có thể giống anh ấy trong việc sử dụng nỗi sợ hãi như một động cơ để giúp bạn theo đuổi ước mơ và để xây dựng cuộc sống mà bạn mong muốn.

Laura Gregory là một người bạn học rất thông minh của tôi. Tôi tin rằng cô ấy luôn nói thẳng ý nghĩ của mình. Cô không phải người xấu. Hồi chúng tôi học lớp một, một hôm Laura hỏi: “Ở trường thì bạn có giáo viên trợ giúp rồi, nhưng ở nhà thì ai chăm sóc bạn?”.

“Tớ có cha mẹ giúp mà”, tôi nói, mặc dù không hoàn toàn chắc chắn bạn ấy hỏi thế là có ý gì.

“Bạn thấy hài lòng chứ?”

“Hài lòng với sự giúp đỡ của cha mẹ tớ ư? Tất nhiên, chẳng lẽ lại không hài lòng?”

“Tớ muốn nói là cậu hài lòng với việc được bố mẹ giúp thay quần áo, tắm gội, và các việc vệ sinh cá nhân khác ư?”, Laura nói. “Thế còn lòng tự trọng của cậu? Cậu không nghĩ việc mình không thể tự làm được những việc đó là kỳ cục sao?”.

Laura không muốn làm tổn thương tôi. Bạn ấy chỉ là một người thích tìm kiếm sự thật, và thực sự muốn biết tôi cảm thấy thế nào về mọi khía cạnh trong cuộc sống của tôi mà thôi. Nhưng bạn ấy đã chạm đến chủ đề nhạy cảm. Một trong những nỗi sợ lớn nhất của tôi khi lớn lên là sợ mình sẽ trở thành gánh nặng cho những người mình yêu thương. Ngày ấy nỗi sợ phải sống phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, vào em trai và em gái không lúc nào buông tha tôi. Nhiều khi tôi tỉnh giấc giữa đêm khuya trong tình trạng sợ toát mồ hôi khi nghĩ đến cái ngày cha mẹ không còn trên cõi đời này, bỏ lại tôi phụ thuộc hoàn toàn vào Aaron hoặc Michelle.

Nỗi sợ đó là một nỗi sợ có thực. Đôi khi tôi gần như bị lấn át bởi những viễn cảnh của sự phụ thuộc đáng buồn. Những câu hỏi thẳng thừng của Laura về lòng tự trọng đã giúp tôi đấu tranh để thoát ra khỏi sự hành hạ của nỗi sợ đó rồi sử dụng chính nỗi sợ làm động cơ thúc đẩy mình sống độc lập. Những câu hỏi về sự phụ thuộc luôn lởn vởn trong tâm trí tôi, nhưng sau ngày hôm ấy tôi đã để những câu hỏi này lên vị trí hàng đầu trong suy nghĩ, và luôn tập trung ngẫm nghĩ về chúng.

Nếu điều đó thực sự khiến mình phải nghĩ ngợi, vậy thì mình có thể trở nên độc lập bằng cách nào? Được thúc đẩy bởi nỗi sợ trở thành gánh nặng cho người thân, tôi đã tạo ra cái tuyên bố sứ mệnh ấy – mặc dù vào thời điểm đó tôi chưa hề biết một tuyên bố sứ mệnh nghĩa là gì. Nỗi sợ đó đã tạo ra cho tôi sự hăng hái có tính thúc đẩy và sức mạnh để thôi thúc mình vượt lên hoàn cảnh. Mình cần phải làm nhiều hơn nữa cho bản thân. Nhưng bằng cách nào đây?

Cha mẹ luôn quả quyết rằng họ luôn ở bên tôi để giúp đỡ và rằng họ không cảm thấy phiền khi bế tôi, nhấc tôi lên, giúp tôi thay quần áo hoặc làm bất cứ việc gì tôi cần. Nhưng tôi rất buồn khi thậm chí không thể tự lấy một ly nước để uống, và luôn phải nhờ một ai đó nhấc lên bệ bồn cầu. Khi lớn hơn, đương nhiên tôi muốn trở nên tự lập hơn, và muốn tự lo việc cá nhân của mình nhiều hơn. Nỗi sợ hãi đã mang đến cho tôi lòng quyết tâm để hành động dựa trên những mong muốn đó.

Một trong những ý nghĩ thực sự thúc đẩy tôi hành động là hình ảnh tôi trở thành gánh nặng cho em trai Aaron, khi cha mẹ tôi không còn nữa. Tôi thường lo lắng về điều đó bởi vì nếu ai đó xứng đáng có được một cuộc sống bình thường, thì người đó phải là đứa em trai bé nhỏ tội nghiệp này. Tôi cảm thấy như thể Chúa Trời nợ em tôi một cuộc sống bình thường bởi vì trong phần lớn cuộc đời em sẽ phải quanh quẩn bên tôi, giúp đỡ tôi, sống với tôi, và phải quan tâm nhiều đến tôi. Aaron có đầy đủ tay chân, nhưng xét theo góc độ nào đó thì em là người phải chịu thiệt thòi bởi vì nó luôn cảm thấy phải chăm sóc tôi.

Quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào người khác của tôi chính là vấn đề tự duy trì cuộc sống. Laura đã nhắc nhở rằng tôi vẫn phụ thuộc vào lòng tốt và sự kiên nhẫn của người khác. Tôi biết rằng mình không thể lúc nào cũng dựa vào lòng tốt và sự giúp đỡ từ bên ngoài được. Vả lại, tôi cũng có lòng tự trọng chứ.

Một ngày nào đó tôi hoàn toàn có khả năng có được một mái ấm gia đình của riêng mình, và khi đó tôi không muốn vợ phải luôn giúp tôi những việc cá nhân. Tôi muốn có những đứa con và muốn trở thành một người cha tốt, một trụ cột của gia đình, vậy nên tôi nghĩ, mình cần phải thoát ra khỏi chiếc xe lăn này.

Nỗi sợ hãi có thể là kẻ thù của bạn, nhưng trong trường hợp này tôi đã biến nó thành bạn. Tôi đã thông báo với cha mẹ rằng tôi muốn tìm ra những cách tự chăm lo cho bản thân. Tất nhiên thoạt nghe nói thế, cha mẹ không khỏi lo lắng.

“Con không cần phải làm như vậy đâu. Cha mẹ đảm bảo rằng con luôn được chăm sóc và quan tâm”, cha mẹ tôi nói.

“Mẹ, cha, con phải làm điều đó vì cha mẹ và vì chính bản thân con, vậy nên hãy cùng nhau suy nghĩ và tìm cách để con có thể tự lo cho mình”, tôi nói.

Và chúng tôi đã cùng nhau nghĩ cách. Xét về một số khía cạnh, những nỗ lực sáng tạo của chúng tôi nhắc tôi nhớ đến bộ phim Gia đình Robinson trên hoang đảo (Swiss Family Robinson). Bị đắm thuyền và bị lạc vào một hoang đảo, gia đình Robinson đã đào sâu suy nghĩ và sáng chế ra những vật dụng để tắm rửa, nấu ăn và sinh tồn. Tôi biết không một con người nào lại là một hoang đảo, đặc biệt là một người không chân tay. Có lẽ tôi giống một bán đảo hơn, hoặc một eo biển.

Ban đầu người mẹ là y tá và người cha quen làm những công việc lặt vặt của tôi nghĩ ra một cách để tôi có thể tự tắm gội. Cha tôi thay những cái núm vặn hình tròn ở vòi tắm bằng những chốt khóa, mở vòi nước kiểu đòn bẩy để tôi có thể điều khiển chúng bằng vai. Sau đó mẹ mang về nhà một bình bơm xà bông được sử dụng cho các bác sĩ phẫu thuật. Chúng tôi cải tiến cái bình bơm đó để tôi có thể dùng bàn chân trái của mình bơm xà bông và dầu gội khi cần.

Sau đó cha tôi và tôi nghĩ ra mô hình một chiếc tay cầm bằng nhựa để đóng vào tường cho chiếc bàn chải răng chạy điện. Tôi có thể khởi động cái bàn chải bằng cách ấn nút và đánh răng bằng cách lắc đầu qua lại.

Tôi nói với cha mẹ rằng mình muốn có thể tự thay quần áo, vậy nên mẹ may những chiếc quần soóc có khóa dán Velcro để tôi có thể tự mặc vào hoặc cởi ra. Những chiếc cúc áo luôn là một thách thức lớn bởi tôi không có tay để cài hoặc mở, vậy nên chúng tôi tìm mua những chiếc sơ mi mà tôi có thế mặc bằng cách chui đầu vào áo rồi lắc lắc người để áo tụt xuống.

Nỗi sợ canh cánh trong lòng đã đưa chúng tôi vào một sứ mệnh vừa khó khăn lại vừa thú vị nhằm phát minh ra những cách để tôi trở nên tự lập hơn. Những chiếc điều khiển từ xa, điện thoại di động, bàn phím máy tính, và dụng cụ mở cửa từ xa là những món quà bởi vì tôi có thể điều khiển chúng bằng chân.

Một số giải pháp chúng tôi nghĩ ra không thuộc công nghệ cao. Tôi tập sử dụng hệ thống báo động trong nhà bằng cách dùng mũi để ấn nút, và tôi đã sử dụng một chiếc gậy đánh gôn được kẹp giữa cằm và cổ để bật đèn và mở các cửa sổ.

Tôi sẽ không kể chi tiết những việc đó, vì vài lý do hiển nhiên, nhưng chúng tôi quả thực cũng đã phát minh ra một số phương pháp rất tinh vi cho phép tôi sử dụng phòng vệ sinh mà không cần người trợ giúp. Bạn có thể tìm hiểu một số phương pháp đó qua đoạn video được phổ biến trên trang YouTube qua đường dẫn: http://www.youtube.com/watch?v=0DxlJWJ_WfA

Tôi biết ơn Laura vì cuộc nói chuyện giữa tôi và bạn ấy về chủ đề lòng tự trọng, và biết ơn nỗi sợ bị phụ thuộc và sợ trở thành gánh nặng của người thân, nỗi sợ đã ám ảnh suốt những năm thơ ấu bởi chúng đã thúc đẩy tôi trở nên tự lập hơn. Thực hiện một cách thuần thục các việc hàng ngày mà người khác cho là bình thường đã tạo ra điều kỳ diệu cho sự tự tin của tôi, nhưng có thể tôi sẽ chẳng bao giờ có đủ quyết tâm để thực hiện được những điều đó nếu không biến những cảm xúc tiêu cực tiềm ẩn thành sức mạnh tích cực.

Bạn cũng có thể làm như thế. Hãy huy động sức mạnh được tạo ra từ nỗi sợ thất bại, nỗi sợ bị gạt bỏ, hoặc những nỗi sợ tương tự, và sử dụng nó để thúc đẩy hành động tích cực, những hành động sẽ đưa bạn đến gần hơn với ước mơ.

VƯỢT LÊN NỖI SỢ HÃI

Bạn cũng có thể đương đầu với những nỗi sợ có thể khiến bạn tê liệt bằng cách đấu tranh với chúng bằng chính nỗi sợ hãi. Hãy nghĩ đến nỗi sợ lớn nhất của bạn. Cứ cho rằng bạn sợ phải đứng trước một đám đông khán giả mà lại quên mất bài diễn thuyết, không biết phải nói gì. Đó là nỗi sợ luôn ám ảnh tôi. Nào, hãy mường tượng điều tồi tệ nhất đang xảy ra: bạn quên mất bài diễn thuyết và mọi người la ó đòi bạn phải rời sân khấu. Bạn có thể hình dung ra tình cảnh đó không? Vậy nhé. Tiếp theo, hãy hình dung bạn thực hiện bài diễn thuyết đó một mình một cách ấn tượng đến nỗi các khán giả hoan hô rầm rầm.

Nào, bây giờ hãy lựa chọn theo đuổi tình huống thứ hai và khiến nó in vào trong não để mỗi lần chuẩn bị diễn thuyết, bạn lại vượt qua nỗi sợ của những tiếng la ó phản đối để tiến thẳng đến bục vinh quang. Suy nghĩ theo cách đó rất có ích đối với tôi, và nó cũng có thể giúp ích cho bạn.

Một cách tương tự để vượt qua một nỗi sợ hãi là quay trở lại với ký ức của những trải nghiệm vượt qua thách thức trong đời thực mà bạn lưu giữ trong trí nhớ. Chẳng hạn, khi cảm thấy sợ hãi và lo lắng về việc gặp một nhân vật quan trọng như Oprah Winfrey, tôi chỉ việc khai thác sự can đảm trong ngân hàng ký ức.

Mi sợ gặp Oprah ư? Bà ấy sẽ làm gì chứ, sẽ cắt chân, cắt tay mi ư? Khoan đã, mi đã sống trên đời này 25 năm trong tình trạng không chân tay. Không có chân, không có tay mi vẫn đi khắp thế giới còn gì. Oprah, tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để gặp bà! Hãy ôm hôn tôi nhé!

NỖI SỢ ÁM ẢNH

Hồi bé tôi dường như đã mang trong mình một nỗi sợ rất tự nhiên: tôi sợ những vị bác sĩ cầm kim tiêm. Bất cứ khi nào phải tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, rubella hoặc cúm, là y như rằng tôi nấp sau lưng mẹ. Sở dĩ tôi sợ như vậy một phần vì các bác sĩ chỉ có một số chỗ nhất định trên cơ thể tôi để chọc mũi kim tiêm vào mà thôi. Với những đứa trẻ khác, họ có thể tiêm vào cánh tay hoặc vào đùi. Cơ thể khuyết thiếu của tôi chỉ cung cấp cho họ mỗi một chỗ tiêm duy nhất, và vì mông của tôi sát dưới mặt đất, nên khi bị tiêm tôi đau lắm, ngay cả khi họ tiêm ở gần hông, tôi vẫn rất đau. Mỗi lần bị tiêm là tôi không thể đi lại được trong một ngày.

Do khuyết tật của mình, khi còn bé rất nhiều lần tôi trở thành một cái gối để các bác sĩ cắm mũi kim tiêm vào. Trong tôi hình thành một nỗi sợ hãi ghê gớm. Chỉ cần nhìn thấy cảnh tiêm chọc, thậm chí cảnh bơm thuốc vào ống tiêm thôi là tôi có thể sợ ngất đi.

Hồi tôi học tiểu học, một lần hai cô y tá của trường, những người không hiểu về tiền sử sức khỏe của tôi và cũng không hiểu biết nhiều về giải phẫu, tiến đến chỗ tôi, mỗi người một bên, kẹp chặt tôi trên xe lăn và cắm kim tiêm vào cả hai bên vai tôi – nơi có chút cơ bắp. Đau quá là đau. Tôi đau đến mức phải nhờ bạn Jerry đi bên cạnh điều khiển xe lăn giúp bởi tôi cảm thấy như muốn ngất. Jerry đảm nhận nhiệm vụ còn tôi thì thoáng ngất đi. Jerry không biết phải làm gì, vậy nên cậu ấy cứ để tôi ngồi ngoẹo trên xe lăn mà đẩy vào lớp học khoa học, tìm kiếm sự giúp đỡ của thầy giáo.

Biết tôi sợ tiêm, mẹ thường không nói cho tôi và em trai, em gái tôi biết rằng sẽ có tiêm chủng ở trường. Năm tôi khoảng 12 tuổi, chúng tôi đã có một chuyến tiêm chủng kinh hoàng và việc đó đã trở thành một phần truyền thuyết của gia đình. Mẹ chỉ thông báo rằng anh em tôi sẽ trải qua “cuộc kiểm tra sức khoẻ toàn diện” ở trường. Ngay tại phòng đợi, tôi nhận được sự cảnh báo đầu tiên. Một cô bé tầm tuổi tôi đi vào phòng kiểm tra sức khỏe, và ít phút sau chúng tôi nghe thấy tiếng cô khóc thét lên khi phải nhận một mũi tiêm.

“Các em có nghe thấy không?”, tôi hỏi Aaron và Michelle. “Họ cũng sẽ tiêm chúng ta đấy!”.

Cảm giác sợ hãi dâng lên, và tôi trở nên hoảng hốt. Tôi kêu khóc, nói với mẹ rằng tôi không muốn bị tiêm, rằng tiêm đau lắm và tôi muốn về nhà. Vì tôi là anh cả, nên các em noi theo gương dũng cảm của tôi. Chúng cũng bắt đầu gào khóc ầm lên và van xin mẹ cho về nhà.

Người mẹ là y tá tất nhiên không có sự cảm thông trong trường hợp đó. Bà là một người từng trải trong các cuộc chiến liên quan đến chứng sợ tiêm. Bà lôi xềnh xệch mấy đứa con đang gào thét, giãy đạp vào phòng kiểm tra sức khoẻ hệt như một viên cảnh sát biển lôi những tay thuỷ thủ say khướt lên tàu.

Nhận thấy rằng có biểu lộ nỗi hoảng sợ tột cùng và sự cầu xin đáng thương cũng chẳng ăn thua, tôi cố thương lượng với người mẹ kiêm thầy thuốc của gia đình.

Mẹ bảo họ cho con thuốc uống thay vì tiêm được không?”, tôi nói oang oang.

“Mẹ e là không thể, con trai ạ.”

Đã đến lúc phải có kệ hoạch thay thế. Tôi quay sang Aaron nhờ nó giúp tôi trốn. Lập tức có một lối thoát được lên kế hoạch. Aaron sẽ phân tán sự chú ý của các bác sĩ bằng cách ngã khỏi bàn khám bệnh để tôi có thể ra khỏi xe lăn trốn đi. Nhưng mẹ tôi đã chặn lại. Rất ranh mãnh, đứa em gái nhỏ của tôi nhảy bổ ra cửa. Một cô y tá đi ngang qua tóm được nó ở hành lang, nhưng Michelle cứ bám chặt tay vào cửa và đu ra ngoài khiến họ không thể đưa nổi nó vào phòng khám được. Nó là người anh hùng của tôi!

Cả khu vực đều nghe thấy tiếng kêu khóc điên loạn của anh em tôi. Các nhân viên y tế chạy bổ đến phòng khám bởi vì những tiếng kêu gào phát ra nghe như thể chúng tôi đang bị tra tấn dã man. Thật không may, đội tiếp viện nhanh chóng có mặt để dẹp trật tự. Hai người trong số họ ghì chặt tôi xuống để các bác sĩ tiêm. Tôi thét lên như một nữ thần báo thù.

Tôi tiếp tục quần quại trong khi họ chọc mũi kim tiêm vào mông. Tôi giãy giụa điên cuồng khiến cho kim tiêm bị chệch. Vậy nên các bác sĩ lại phải tiêm lại! Những tiếng kêu gào của tôi khiến cho còi báo động ở bãi đỗ xe rú lên.

Không biết bao nhiêu người trong số chúng tôi – em trai và em gái, mẹ tôi, hoặc các nhân viên y tế của bệnh viên – sống sót được qua cái ngày kinh hoàng đó. Trên đường về nhà ba anh em tôi cứ rên rỉ khóc lóc không ngừng.

Nếu cứ để cho họ tiêm một cách bình thường thì tôi đã chẳng cảm thấy đau đến thế: do sợ quá nên tôi càng cảm thấy đau hơn. Quá thực, tôi đã tự nhân cảm giác đau của mình lên gấp đôi do không kiểm soát được nỗi sợ hãi. Tôi đã không thể đi lại được trong suốt hai ngày liền thay vì chỉ phải ở yên một chỗ trong một ngày thôi!

Vậy nên bạn hãy nhớ câu chuyện nhỏ của tôi nhé: khi để cho nỗi sợ hãi điều khiển hành động, bạn chẳng giải quyết được gì đâu, chỉ làm tăng thêm đau đơn cho chính mình mà thôi!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.