Cuộc Sống Không Giới Hạn – Câu Chuyện Diệu Kỳ Của Chàng Trai Đặc Biệt Nhất Hành Tinh

Không tay, không chân, không giới hạn



Nhiều lần trong cuộc đời và trong những chuyến đi của mình, tôi đã tận mắt chứng kiến sức mạnh kỳ diệu của tinh thần con người. Tôi biết chắc chắn điều kỳ diệu có xảy ra trong cuộc đời này, nhưng chỉ xảy ra với những ai biết nắm giữ và nuôi dưỡng hy vọng. Hy vọng là gì? Hy vọng là nơi khởi đầu của ước mơ. Hy vọng là tiếng nói của mục đích sống. Hy vọng nói với bạn và khẳng định với bạn rằng cho dù điều gì xảy ra chăng nữa, bạn cũng không thể sống mà không có hy vọng. Bạn không thể kiểm soát được tất cả mọi điều xảy đến với mình, nhưng bạn có thể kiểm soát được cách bạn phản ứng trong mọi hoàn cảnh.

Sinh thời, mục sư Martin Luther King từng nói: ”Mọi việc trên thế giới này đi đến được thành công là nhờ hy vọng”. Tôi biết chắc chắn rằng chừng nào bạn còn thở thì chừng ấy cuộc sống của bạn vẫn còn hy vọng. Bạn và tôi chỉ là người trần mắt thịt. Chúng ta không thể nhìn thấu tương lai, nhưng chúng ta có thể hình dung ra khả năng ở những ngày phía trước. Hy vọng là món quà Thượng Đế dành cho chúng ta, là ô cửa sổ để chúng ta nhìn tới tương lai. Chúng ta không thể biết được tương lai mà Người đã sắp đặt cho chúng ta. Hãy tin tưởng ở Người, hãy luôn giữ hy vọng trong tim. Ngay cả khi bạn phải đối mặt với điều tồi tệ nhất, hãy làm hết khả năng để sẵn sàng đón đợi điều tốt đẹp nhất!

Tất nhiên, đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lại. Những bi kịch, thảm họa vẫn cứ xảy ra cho dù chúng ta không ngừng cầu nguyện và kiên tâm giữ niềm tin. Ngay cả những người có trái tim trong sáng, thánh thiện nhất đôi khi cũng phải chịu đựng mất mát khủng khiếp. Những trận động đất kinh hoàng xảy ra cách đây không lâu ở Haiti, Chilê, Mexicô và Trung Quốc chỉ là những ví dụ gần đây nhất cho thấy bi kịch và đau thương ghê gớm có thể xảy ra hằng ngày, vào bất cứ lúc nào. Hàng nghìn người thiệt mạng trong những thảm hoạ thiên nhiên đó. Những con người ấy đã ra đi cùng với hy vọng và ước mơ của mình. Nhiều bà mẹ bị mất con. Nhiều đứa con mất mẹ.

Làm thế nào bạn có thể giữ được niềm hy vọng giữa những tai ương và khổ đau? Một điều đã giúp tôi không sụp đổ khi nghe về những thảm hoạ đau thương ghê gớm đó chính là: những đau thương mất mát luôn cho chúng ta thấy sự quan tâm vượt ngoài sức tưởng tượng giữa con người với con người. Giữa những đau thương mất mát tưởng như khôn cùng ấy, bạn tự hỏi tại sao con người ta vẫn có được niềm hy vọng, tại sao hàng trăm người tình nguyện đã đổ đến nơi vừa chịu thảm họa. Các sinh viên, bác sĩ, kỹ sư và nhân viên cứu hộ, những người làm công việc tái thiết đã không tiếc công sức và tài năng, thậm chí hy sinh cả mạng sống để giúp đỡ những người còn sống sót.

Hy vọng thậm chí xuất hiện trong những thời điểm tồi tệ nhất để chứng minh cho chúng ta thấy bằng chứng về sự hiện diện của Chúa. Thiệt thòi của riêng tôi dường như chẳng thấm vào đâu so với những khổ đau của nhiều người mà tôi đã gặp, nhưng tôi cũng từng trải qua nỗi đau mất người thân. Roy, người anh họ của tôi qua đời ở tuổi 27 vì ung thư, mặc dù gia đình, cả giáo đoàn và cộng đồng đã cầu nguyện không biết mệt mỏi cho anh ấy. Mất một người thân là điều vô cùng đau đớn và khó có thể chấp nhận được, và đó là lý do tại sao duy trì niềm hy vọng lại quan trọng với tôi đến thế. Bạn biết không, niềm hy vọng của tôi nằm ngoài sự tồn tại của chúng ta nơi trần thế. Niềm hy vọng tột bậc của tôi được gửi gắm nơi thiên đường. Gia đình tôi được an ủi phần nào khi hy vọng rằng anh họ của tôi, người tin ở Chúa Jesus, giờ đây đang ở trên thiên đường cùng với Người và không còn phải chịu những đau đớn và buồn sầu nữa.

Ngay cả trong những hoàn cảnh tồi tệ nhất, khi tình thế dường như vượt ngoài mọi khả năng của chúng ta, Chúa cũng biết trái tim chúng ta có thể chịu đựng được đến mức nào. Tôi tin tưởng sâu sắc rằng cuộc sống trên cõi đời này chỉ là tạm thời, bởi vì chúng ta đang được chuẩn bị cho sự vĩnh hằng. Cho dù cuộc sống của chúng ta ở trên đời này tốt đẹp hay tồi tệ, sự hứa hẹn của thiên đường vẫn đang chờ đợi chúng ta. Trong lúc khó khăn nhất, tôi luôn hy vọng rằng Chúa sẽ cho tôi sức mạnh đủ để chịu đựng và vượt qua những thách thức, khổ đau và rằng những ngày tốt đẹp hơn đang chờ đợi tôi ở phía trước, nếu không phải là ở trên trái đất này thì sẽ là ở trên thiên đường.

Một trong những cách tốt nhất mà tôi khám phá ra để giữ hy vọng ngay cả khi lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lại là hãy tìm đến với những người khác để an ủi và sẻ chia. Nếu nỗi đau đớn, khổ sở của bạn là một gánh nặng, thì bạn hãy tìm đến để chia sẻ và xoa dịu nỗi đau tương tự ở người khác và mang đến cho họ niềm hy vọng. Hãy làm cho họ nhẹ lòng để có thể cảm thấy mình được an ủi khi biết rằng họ không đơn độc trong sự chịu đựng của riêng họ. Hãy đến với họ bằng sự cảm thông và trắc ẩn, khi mà hơn ai hết bạn biết rõ bản thân mình cần sự cảm thông và lòng trắc ẩn đến nhường nào. Hãy trở thành một người bạn khi mà bạn biết rõ tình bạn quý giá và có thể an ủi bạn ra sao. Hãy mang đến hy vọng cho người khác khi mà bạn cần hy vọng hơn bao giờ hết.

Tôi còn trẻ và tôi không làm ra vẻ mình có tất cả các câu trả lời, nhưng càng ngày thôi càng hiểu ra rằng trong những lúc hy vọng dường như mong manh nhất, khi lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp lại, khi nỗi sợ ghê gớm nhất bủa vây chúng ta, sự cứu rỗi mà chúng ta có được nằm ở các mối quan hệ giữa chúng ta và những người xung quanh, và – nhất là đối với tôi và những người theo đạo Cơ Đốc – nằm ở mối quan hệ của chúng ta với Chúa cũng như sự tin tưởng của chúng ta vào tình yêu và sự sáng suốt của Người.

MÓN QUÀ ĐẦY SỨC MẠNH

Niềm tin vào sức mạnh của hy vọng, nguồn sức mạnh chiến thắng sự thất vọng, đã được củng cố trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Trung Quốc vào năm 2008. Trong chuyến thăm ấy, tôi đã tận mắt nhìn thấy Vạn Lý Trường Thành và không khỏi kinh ngạc trước sự hùng vĩ của một trong những kỳ quan nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng giây phút ấn tượng nhất trong chuyến đi không phải là khoảnh khắc tôi đứng trước công trình vĩ đại đó mà là lúc tôi được thấy niềm vui lấp lánh trong ánh mắt một em bé Trung Quốc. Em bé đó biểu diễn cùng những trẻ em khác trong tiết mục nghệ thuật thuộc chương trình của Olympic. Vẻ mặt hân hoan, rạng ngời của em đã thu hút sự chú ý của tôi và tôi không thể rời mắt khỏi em được. Em giữ cân bằng một chiếc đĩa xoay trên đầu trong khi thực hiện các động tác múa nhịp nhàng cùng với các vũ công khác. Em hết sức tập trung vào các động tác. Mặc dù có biết bao điều khiến em buồn lòng, đứng trên sân khấu em vẫn toát lên niềm hạnh phúc mãnh liệt khiến tôi xúc động đến rớm lệ.

Bạn biết không, em bé đó và tất cả những em bé biểu diễn tiết mục văn nghệ ấy nằm trong số hơn bốn nghìn trẻ em bị mồ côi trong trận động đất ở Tứ Xuyên cách đó chỉ vài tháng. Người trợ giúp, người điều phối của tôi và tôi đến trại trẻ mồ côi đó trợ cấp chút nhu yếu phẩm cho các em, và tôi đã được mời nói chuyện để khích lệ tinh thần cho các em.

Khi tới trại trẻ mồ côi, tôi sững sờ trước những thiệt hại và mất mát mà trận động đất đã gây ra cho người dân địa phương. Chứng kiến cảnh đau thương đó, tôi lo lắng không biết mình sẽ nói gì với các em nhỏ mồ côi đây. Mặt đất há hoác ra, nuốt chửng tất cả những gì thân thương và quen thuộc của các em. Tôi chưa bao giờ phải chịu đựng cảnh tượng nào khủng khiếp đến mức ấy. Tôi có thể nói gì với các em đây? Chúng tôi mang đến những chiếc áo ấm cho các em, nhưng làm thể nào tôi có thể mang đến cho các em niềm hy vọng giữa những mất mát đau thương tột cùng này?

Khi tôi đến trại trẻ mồ côi đó, các em nhỏ ùa ra đón. Hết em này đến em khác chạy đến ôm hôn tôi. Tôi không biết nói ngôn ngữ của các em, nhưng điều đó không quan trọng. Khuôn mặt của các em đã nói lên mọi điều các em muốn nói. Mặc dù ở trong hoàn cảnh đau thương, các em vẫn rạng ngời niềm vui. Tôi đáng lẽ không nên lo lắng về việc mình sẽ phải nói gì để động viên các em. Tôi không cần phải khích lệ những em nhỏ mồ côi ấy. Ngược lại, các em đã khích lệ tôi bằng tinh thần bay bổng của chương trình ca múa. Các em bị mất cha mẹ, mất nhà cửa, và mất tất cả những gì thân thuộc, nhưng vẫn thể hiện niềm vui sống vượt lên mọi đau thương, mất mát.

Tôi nói với các em rằng tôi khâm phục tinh thần dũng cảm của các em và thôi thúc các em tiếp tục nhìn về tương lai, dám ước ao một cuộc sống tốt đẹp hơn và theo đuổi những mơ ước bằng tất cả khả năng của mình.

DÁM ƯỚC MƠ

Hãy can đảm theo đuổi ước mơ của bạn và đừng bao giờ nghi ngờ khả năng đương đầu với khó khăn thử thách trên đường đời. Tôi đã từng thấy khả năng vượt lên nghịch cảnh đáng kinh ngạc của con người, không chỉ trong những trại trẻ mồ côi ở Trung Quốc mà cả giữa những khu ổ chuột của Mumbai, trong những nhà tù ở Romania. Cách đây không lâu, tôi đã có buổi nói chuyện tại trung tâm bảo trợ xã hội ở Hàn Quốc, nơi có những người khuyết tật và những bà mẹ đơn thân. Sức mạnh tinh thần của những con người kém may mắn đó khiến tôi không khỏi kinh ngac. Tôi đã từng đến thăm một nhà tù ở Nam Phi với những bức tường xi măng và song sắt rỉ sét. Những tù nhân phạm tội nghiêm trọng nhất không được phép dự buổi cầu nguyện của chúng tôi, nhưng tôi có thể nghe thấy những người khác ở bên ngoài, ở khắp các ngóc ngách của nhà tù đó, hát thánh ca hòa cùng chúng tôi. Đó là giây phút xúc động không tả. Cứ như thể Chúa Thánh Linh đã làm cho niềm vui của Người tràn ngập mọi trái tim trong nhà tù này. Những người tù ấy, họ bị giam cầm về mặt thể xác nhưng vẫn tự do về tinh thần bởi vì họ có đức tin và niềm hy vọng. Ngày hôm đó, khi tôi bước ra khỏi cổng nhà tù, tôi cảm thấy rằng những đồng loại đang ở tù của tôi dường như tự do hơn bất cứ ai ở ngoài cánh cổng của nhà tù. Bạn à, chính bạn cũng có thể cho phép hy vọng sống trong trái tim mình.

Hãy nhớ rằng nỗi buồn cũng có mục đích của nó. Trải nghiệm cảm xúc buồn cũng là lẽ tự nhiên thôi, nhưng bạn đừng bao giờ để nó thường xuyên thống trị ý nghĩ của bạn. Bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình trước nỗi buồn bằng cách hướng tâm trí tới những ý nghĩ tích cực, tươi sáng và những hành động có thể giúp cho tinh thần bạn phấn chấn.

Bởi tôi là một người sống đời sống tinh thần, tôi trông cậy vào niềm tin của mình trong những thời khắc đau khổ. Nhưng (có lẽ khá ngạc nhiên) chính thời gian được huấn luyện về nghiệp vụ kế toán đã cho tôi có được một cách tiếp cận thực tế hơn. Nếu bạn nói rằng bạn không còn hy vọng, thì có nghĩa là bạn không có bất cứ cơ hội nào cho bất cứ điều gì tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống của bạn nữa.

Một con số không tròn trĩnh? Bạn không nghĩ như thế là cực đoan sao? Đối với tôi, sức mạnh của niềm tin vào những ngày tốt đẹp hơn là điều không có gì phải bàn cãi. Nó chắc chắn đến mức dường như rất có thể ngày mai của bạn sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Cùng với niềm tin và tình yêu, hy vọng là một trong những trụ cột của tinh thần, giúp tinh thần đứng vững trong mọi hoàn cảnh. Cho dù niềm tin của bạn là gì đi nữa, bạn cũng đừng bao giờ từ bỏ hy vọng bởi vì bất cứ điều gì và mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống này đều bắt đầu bằng hy vọng. Nếu không có hy vọng liệu bạn có bao giờ dám học hỏi một điều gì mới mẻ hay không? Hy vọng là sức bật cho gần như mọi bước tiến mà chúng ta thực hiện. Bản thân tôi khi viết cuốn sách này luôn hy vọng bạn sẽ tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn, một cuộc sống không có bất kỳ giới hạn hoặc rào cản nào hết.

Kinh Thánh có đoạn: “Ai trông đợi nơi Chúa sẽ được tái tạo sức mạnh, cất cánh bay cao như chim ưng, chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi”. Lần đầu tiên đọc câu kinh này tôi đã hiểu rằng tôi nhất thiết phải có tay, có chân mới sống hạnh phúc. Chớ quên rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi bạn. Hãy tiếp tục tiến lên phía trước bởi vì hành động sẽ tạo ra động lực và tiếp đó sẽ tạo ra những cơ hội bất ngờ.

GỢN SÓNG TẠO NÊN THUỶ TRIỀU

Tất cả mọi người trên khắp hành tinh này đều đau buồn sâu sắc sau trận động đất ở Haiti vào năm 2009. Tuy nhiên, trong tận cùng thảm hoạ, ta vẫn thấy ngời lên những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người, khi những người sống sót kiên quyết không đầu hàng cho dù khó khăn, đau thương cứ chồng chất lên cuộc sống của họ.

Tôi đã đọc được câu chuyện về bà Marie, người có cậu con trai Emmanuel bị vùi lấp trong đống đổ nát. Khi trận động đất xảy ra, chàng thợ may 21 tuổi đang ở cùng mẹ cậu trong căn hộ. Bà thoát được, nhưng sau đó không tìm thấy con trai, mà toà nhà nơi họ sống thì chỉ còn là một đống gạch vụn. Marie đi tìm con trai tại một trạm cứu hộ được dựng lên để cứu giúp những người mất nhà cửa, nhưng bà không tìm thấy cậu giữa những người sống sót. Bà chờ đợi, hy vọng rằng con trai vẫn còn sống.

Vài ngày sau, bà đi qua đống đổ nát ấy để tìm con trai. Máy móc xung quanh đấy gây ra khá nhiều tiếng ồn khiến bà không nghe rõ lắm, nhưng vào khoảnh khắc đó, Marie nghĩ bà đã nghe thấy tiếng Emmanuel đang gọi.

“Lúc đó”, bà nói với phóng viên, “tôi biết rằng con tôi có thể được cứu sống”.

Marie lập tức nói cho những người đang có mặt ở đó biết rằng con trai bà đã gọi bà từ đống đổ nát, nhưng không có một ai có thể giúp bà. Thế rồi một nhóm nhân viên cứu hộ quốc tế đến và bà đã có thể tìm được một đội kỹ sư giàu kinh nghiệm. Bà thuyết phục họ rằng con trai bà vẫn còn sống. Sử dụng những thiết bị và kiến thức cần thiết, họ cắt sắt thép, xi măng và vôi gạch ở đúng cái chỗ mà Marie đã nghe thấy tiếng con trai gọi.

Họ tiếp tục đào bới và tìm kiếm cho đến khi phát hiện ra một bàn tay của Emmanuel. Cậu đang đưa tay ra. Họ tiếp tục đào bới cho đến khi một bên vai của Emmanuel lộ ra hẳn và họ kéo cậu ra khỏi đống đổ nát. Cậu thanh niên ấy bị vùi đá mười ngày. Cậu bị mất nước trầm trọng, khắp người phủ đầy bụi đất, và bị đói lả, nhưng cậu vẫn sống.

Đôi khi tất cả những gì bạn có được là niềm tin sâu sắc rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, rằng những điều kỳ diệu rồi sẽ đến. Cũng giống như bà mẹ của Emmanuel, thế giới xung quanh bạn có thể hỗn loạn, nhưng bạn không nên rơi vào tuyệt vọng. Thay vì thế, bạn hãy tin rằng bất cứ điều gì bạn thiếu, Chúa sẽ mang đến cho bạn! Niềm tin đó đã thôi thúc Marie hành động. Hành động tìm kiếm được thúc đẩy bởi niềm tin mạnh mẽ đã đưa bà tới nơi bà có thể nghe được tiếng kêu cứu của con trai mình. Cũng chẳng khó khăn lắm khi thừa nhận rằng niềm tin và hy vọng của Marie đã giúp Emmanuel thoát chết, đúng

Hiện giờ cuộc sống đối với bạn có thể không được êm đẹp, nhưng chừng nào bạn còn sống trên cõi đời này, chừng nào bạn còn tiếp tục hướng về phía trước, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, trong đó có những điều kì diệu mà bạn không thể ngờ tới.

NUÔI HY VỌNG TRONG TIM

Có thể bạn nghi ngờ lời tôi vừa nói, rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra nếu chúng ta không ngừng hy vọng. Hoặc có lẽ bạn tin rằng tìm được sức mạnh để thoát ra khỏi nỗ tuyệt vọng của bạn là điều không thể. Tôi đã từng cảm thấy y như thế. Tôi đã từng hoàn toàn tin rằng cuộc sống của tôi sẽ không bao giờ có một giá trị gì hết và rằng tôi sẽ chỉ là gánh nặng cho những người tôi yêu mà thôi.

Khi tôi chào đời, cha mẹ tôi không hề được chuẩn bị để đương đầu với việc có một đứa con không chân không tay, và kết quả là họ rất thất vọng. Ai có thể trách họ được chứ? Tất cả những ai làm cha làm mẹ đều cố hình dung ra tương lai cho những đứa con mà họ sinh ra trên đời này. Ngày ấy cha mẹ tôi khó mà tưởng tượng ra bất cứ tương lai nào đang chờ tôi, và khi tôi lớn hơn, ý thức được những thiệt thòi của mình, tôi cũng thấy đường đời phía trước thật mờ mịt.

Tất cả chúng ta đều có những lúc cảm thấy viễn cảnh về cuộc sống tương lai của mình bị thực tế phũ phàng chặn lại giống như chiếc xe đang chạy với tốc độ cao bỗng nhiên đâm phải bức tường. Những trải nghiệm đặc biệt của bạn có thể là quý giá, nhưng trạng thái tuyệt vọng cũng như tự nhiên thôi. Nhiều bạn đang ở tuổi mới lớn gửi thư điện tử cho tôi kể chuyện bị ngược đãi, bị bỏ mặc, phải chia lìa gia đình. Nhiều người trưởng thành chia sẻ với tôi những chuyên cuộc đời họ, những mảnh đời tàn tạ và thui chột vì ma tuý, rượu và sách báo khiêu dâm. Có khi dường như một nửa số thính giả của tôi là những bệnh ung thư hoặc bị những căn bệnh hiểm nghèo khác.

Ở vào hoàn cảnh ấy, làm thế nào bạn vẫn giữ được niềm hy vọng? Bạn hãy tin tưởng ở Đấng Sáng Tạo của chúng ta, hãy nhớ rằng bạn có mặt trên đời náy là có lý do, rằng bạn sinh ra trên đời này để thực hiện một mục đích nào đó và hãy tận hiến cho điều ấy. Cho dù thách thức mà bàn đang phải đối mặt có là gì đi nữa, bạn cũng được ban phước theo cách này hay cách khác để giúp tìm ra một lối thoát cho tình trạng bế tắc của mình. Hãy nghĩ đến cha mẹ của tôi, nghĩ đến sự tuyệt vọng mà họ phải đương đầu khi tôi chào đời không có chân tay mà xem.

TIN VÀO ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT

Rõ ràng là thật khó để giữ được tinh thần tích cực và động lực vươn lên khi bạn cảm thấy gánh nặng của mình vượt quá sức chịu đựng. Khi đã đủ lớn để hiểu được những thách thức đang đợi mình ở phía trước, tôi thường bị ám ảnh bởi nỗi tuyệt vọng và không thể nào hình dung được bất cứ điều gì tích cực ở tương lai. Ký ức của tôi về những ngày đen tối trong những năm đầu đời không được rõ ràng lắm. Tôi đã trải qua một trong những giai đoạn tuyệt vọng khi cảm thấy làm một người khác biệt với mọi người thật là khổ sở. Tôi chắc rằng bạn cũng đã trải qua cái cảm giác tự ti này. Tất cả chúng ta đều mong muốn được hoà nhập với mọi người, nhưng nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình là người bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống.

Cảm giác bất an và sự tự ti của tôi chủ yếu nảy sinh từ những thách thức của tình trạng không có chân tay. Tôi không thể biết được những lo lắng của bạn hiện nay là gì, nhưng tôi xin khẳng định rằng nhờ luôn giữ niềm hy vọng mà tôi đã vượt lên nghịch cảnh. Tôi xin kể một trải nghiệm của những năm thơ ấu để chứng minh cho bạn thấy hy vọng đã giúp ích cho tôi như thế nào:

Khi tôi mới chập chững biết đi, bác sĩ khuyên cha mẹ tôi nên để tôi chơi chung với những đứa trẻ bị gắn mác “trẻ khuyết tật”. Khó khăn thách thức của những đứa trẻ ấy đa dạng lắm; đứa thì mất chân tay do bệnh xơ nang hoá, đứa thì bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Cha mẹ tôi rất thương và thông cảm cho những đứa trẻ thiệt thòi cũng như những gia đình của chúng, nhưng họ không nghĩ trên đời này có bất kỳ đứa trẻ nào lại nên bị giới hạn trong một nhóm bạn riêng biệt. Họ tiếp túc nuôi niềm tin không gì lay chuyển nói rằng, cuộc sống của tôi sẽ không có giới hạn, không có bất cứ rào cản nào hết và họ sẽ cố gắng hết sức để nuôi dưỡng ước mơ đó.

Ngay trong giai đoạn đầu của tôi, mẹ đã đi đến một quyết định quan trọng : “Nicolas, con cần phải chơi với những đứa trẻ bình thường bởi vì con là một đứa trẻ bình thường. Con chỉ khiếm khuyết về thân thể tí chút thôi, chỉ thế thôi”, mẹ nói tiếp và tiếp tục giữ niềm tin ấy trong những năm tiếp theo. Mẹ không muốn tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ không bình thường hoặc bị giam hãm bởi các giới hạn. Mẹ không muốn tôi trở thành một con người sống lủi thủi, thu mình trong cái kén cô đơn, nhút nhát hoặc luôn bất an chỉ vì tôi khác biệt về mặt hình thể so với mọi người.

Từ bé tôi đã hiểu rằng cha mẹ đang kiên nhẫn truyền cho tôi niềm tin sắt đá rằng tôi có mọi quyền giải phóng mình khỏi những cái mác được gán cho con người cũng như những rào cản. Bạn cũng có cái quyền đó đấy. Bạn nên mơ ước cuộc sống của mình hoàn toàn không bị bó buộc bởi bất kỳ sự phân loại, phân biệt hoặc bất cứ giới hạn nào mà người khác cố áp đặt. Bởi vì khiếm khuyết một phần cơ thể, tôi rất nhạy cảm trước thưc tế rằng một số người chấp nhận những gì người khác nói về mình, thậm chỉ tự giới hạn bàn thân mình một cách vô thức. Dĩ nhiên đã có những lúc tôi cảm thấy mệt mỏi hoặc dao động. Có những lúc tôi thấy rằng việc đến trường hoặc tới bác sĩ thật quá mệt mỏi, nhưng cha mẹ tôi đã kiên quyết không để cho tôi đầu hàng số phận.

Những cái mác có thể cung cấp cho chúng ta một nơi trú ẩn hấp dẫn. Một số người sử dụng chúng như những cái cớ đế biện hộ cho sự đầu hàng. Những người khác cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Rất nhiều, rất nhiều người dã bị gán mác “tàn tật” hoặc “khuyết tật”, nhưng rồi họ đã vươn lên, tận hưởng cuộc sống tích cực đầy ý nghía, làm được những điều quan trọng. Tôi khuyến khích bạn chiến thắng bất kỳ nỗ lực nào nhằm hạn chế bạn trong việc khám phá và phát triển những quà tặng cuộc sống.

Là một đứa con của Chúa, tôi biết rằng Người luôn luôn ờ bên tôi, và tôi thấy được an ủi khi biết rằng Người hiểu con người chúng ta có thể chịu đựng đến mức nào. Khi những người khác chia sẻ cảu chuyện cuộc đời đầy gian nan thử thách của họ với tôi, tôi thường xúc động đến rơi lệ. Tôi muốn nhắn nhủ những ai đang phải chịu đựng khổ đau và mất mát rằng cánh tay của Chúa không bao giờ là quá ngắn. Người có thể chạm tới bất cứ ai.

Hãy tìm sức mạnh từ chính niềm tin đó. Háy dám dấn thân và vươn tới những tầm cao mà ước mơ và trí tưởng tượng có thể đưa bạn tới. Bạn hoàn toàn có thể mong đợi, đón nhận những thách thức. Đón chào chúng như “những trải nghiệm giúp hình thành tính cách”. Hãy học lấy những bài học từ chính những thách thức và hãy nỗ lực vượt lên mọi thách thức. Có thể bạn đang ấp ủ một giấc mơ tuyệt vời. Vì vậy mở lòng để chấp nhận rằng Chúa có thể có một con đường khác dành cho bạn, một con đường nằm ngoài sự hình dung của bạn về tương lai. Có nhiều cách để vươn tới ước mơ, vậy nên đừng nản chí nếu như ngay lúc này bạn chưa thể tìm ra con đường cho riêng mình.

CẬU BÉ DÙNG CHÂN TAY GIẢ

Hy vọng là một chất xúc tác. Nó có thể đẩy lùi những trở ngại khó đẩy lùi nhất. Khi không ngừng đấu tranh, bạn tạo ra động lực để thúc đẩy bàn thân mình tiến về phía trước. Hy vọng tạo ra các cơ hội mà bạn khống thể ngờ được. Những người có thể giúp đỡ sẽ tìm đến bạn. Những cánh cửa sẽ mở ra. Những lộ trình được phát quang.

Hãy nhớ rằng hành động tạo ra phản ứng. Khi đứng trước nguy cơ muốn từ bỏ ước mơ, bạn hãy cố gắng thôi thúc bản thân tiếp tục đấu tranh thêm dù chỉ một ngày, một tuần, một tháng, một năm nữa. Bạn sẽ kinh ngạc trước những gì sẽ xảy ra khi bạn kiên quyết không chịu đầu hàng.

Khi tôi vào tiểu học, cha mẹ lại phải cố gắng vận động để tôi được học trường bình thường, thay vì học tại một trường dành cho trẻ đặc biệt. Niềm tin không gì lay chuyển nổi của họ đã đem lại kết quả như mong đợi. Tôi trở thành một trong những trẻ em khuyết tật đầu tiên ở Australia được “hòa nhập” vào hệ thống trường bình thường. Tôi học ở đó tốt đến mức báo địa phương cho đăng một bài viết nhan đề “Hòa nhập giúp cậu bé khuyết tật toả sáng”. Bài báo được đăng kèm theo một bức ảnh chụp em gái Michelle cùng tôi đến trường trên chiếc xe lăn chạy điện, khơi mào cho một cuộc đột kích của giới truyền thông quốc gia, dẫn đến những chuyến thăm của các quan chức chính quyền, khiến tôi nhận được cơ man nào là thiệp, thư, quà tặng và những lời mời đến từ khắp cả nước.

Những khoản tài trợ nhận được sau khi bài báo đó được đăng tải đã giúp bố mẹ có điều kiện đưa tôi đi lắp chân tay giả. Từ khi tôi mới 18 tháng tuổi họ đã cố gắng lắp chân tay giả cho tôi. Bộ phận nhân tạo đầu tiên được lắp cho tôi chỉ là một cánh tay giả chẳng phát huy nhiều tác dụng. Cánh tay đó và bàn tay hoạt động được là nhờ những chiếc ròng rọc và đòn bẩy, và nó nặng gấp hai lần cơ thể tôi!

Giữ được thăng bằng với cánh tay giá nặng trịch đó quả là một thách thức không nhỏ. Tôi đã cố đeo nó một thời gian. Trước đó tôi đã trờ nên thành thạo trong việc cầm các đồ vật bằng bàn chân nhỏ xíu, bằng cằm, bằng răng, vậy nên cánh tay giả ấy dường như chỉ làm cho những hoạt động hàng ngày của tôi trở nên khó khăn hơn. Thoạt đầu cha mẹ rất thất vọng, nhưng càng ngày tôi càng thêm tự tin bởi tôi cảm thấy thoải mái khi mình tự làm được các việc mà không cần chân tay giả.

Tôi động viên cha mẹ, cảm ơn họ và tiếp tục hướng tới những ngày tốt đẹp hơn đang đón đợi phía trước.

Kiên trì hàm chứa sức mạnh. Lần thử nghiệm dùng bộ phận giả đầu tiên đã thất bại, nhưng tôi vẫn tiếp tục giữ niềm tin rằng cuộc sống luôn hướng tới điều tốt đẹp nhất. Niềm lạc quan và tinh thần phấn đấu vươn lên của tôi đã khích lệ cộng đồng câu lạc bộ “Những chú sư tử của chúng tôi”, một tổ chức từ thiện quốc tế, quyên góp được hơn 200.000 USD để giúp tôi thanh toán hoá đơn y tế và mua một chiếc xe lăn mới. Một phần số tiền đó giúp chúng tôi thực hiện chuyến đi đến Toronto, Canada, để lắp một bộ tay giả chạy điện tiên tiến hơn được sản xuất riêng cho một bệnh viện nhi đồng. Tuy nhiên, cuối cùng, ngay cả các chuyến gia y tế cũng quyết định rằng tôi có thể tự thực hiện mọi việc một cách hiệu quả hơn là sử dụng sự hỗ trợ của chân tay giả.

Tôi cảm thấy háo hức khi nghĩ rằng một ngày nào đó các nhà khoa học sẽ tạo được chân tay cho tôi. Nhưng càng hy vọng vào điều đó tôi càng quyết tâm làm tất cả những gì có thể mà không trông chờ người khác tìm ra thứ gì đó giúp cải thiện cuộc sống của mình – chính tôi phải tự tìm ra câu trả lời. Chúng ta cần phải chịu trách nhiệm về hạnh phúc và sự thành công của mình. Bạn bè va gia đình của bạn có thể giúp đỡ bạn trong lúc khó khăn. Thậm chí, giờ đây tôi hoan nghênh bất cứ ai giúp tôi, cho dù là mở một cánh cửa để tôi có thể năng xe đi hoặc cầm ly nước cho tôi uống. Hãy biết ơn họ vì điều đó. Hãy hoan nghênh những nỗ lực của họ, nhưng bạn hãy cứ tiếp tục thúc đẩy chính bản thân mình để có thể tự lực cánh sinh. Càng tự thân vận động, bạn càng tạo ra được nhiều cơ hội cho mình. Có lẽ đôi lúc bạn cảm thấy như thể mình sắp sửa đạt được mục tiêu để rồi lại thấy thất bại. Đó không phải là lý do để bỏ cuộc đâu. Thất bại chỉ xảy ra với những ai vấp ngã mà không quyết tâm đứng dậy. Tôi vẫn tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ có thể bước đi, có thể nâng và cầm được các vật dụng như một người bình thường. Sẽ thật kỳ diệu khi điều đó xảy ra, cho dù Chúa mang nó đến cho tôi hay làm cho nó xảy ra thông qua những sứ giả của Người ở trái đất. Kỹ thuật chân tay giả đang tiến bộ từng ngày. Một ngày nào đó tôi sẽ có thể mang những bộ chân tay giả hoạt động hiệu quả, còn bây giờ tôi hài lòng với bản thân mình và những gì mình đang có.

Thường thì những thách thức lớn mà ta nghĩ đang cản trở ta, thực ra lại khiến ta trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn nên tin rằng khuyết tật của hôm nay có thể sẽ trở thành lợi thế của ngày mai. Tôi luôn coi sự khiếm khuyết chân tay của mình là một tài sản, là vốn quý. Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em không nói ngôn ngữ của tôi chỉ cần nhìn tôi cũng có thể biết được rằng tôi đã vượt qua vô số khó khăn và thách thức. Họ biết rằng, đối với tôi, có được những bài học quý giá trên đường đời không phải là chuyện dễ dàng.

SÁNG SUỐT NHỜ TRẢI NGHIỆM

Khi nhắn nhủ khán thính giá của mình không ngừng nuôi hy vọng vào những ngày tốt đẹp hơn sẽ đến, tôi nói từ trải nghiệm của bản thân mình. Bạn có thể tin vào những gì tôi nói bởi vì chính tôi đã thấy được tính chân lý của nó qua những gì tôi đã sống.

Trong đời mình đã có lúc tôi từ bỏ hy vọng. Thời kỳ u ám trong quãng đời tuổi thơ khá hạnh phúc của tôi xảy đến khi tôi khoảng mười tuổi, khi mà những ý nghĩ tiêu cực tấn công và lấn át tôi. Cho dù đã cố gắng để trở nên lạc quan, quyết tâm và sáng tạo đến mức nào, tôi vẫn cảm thấy có những việc mình không thể nào thực hiện được. Có những hoạt động đơn giản, thế mà tôi đành bó tay. Tôi buồn vì sự bất lực của mình trước những việc nhỏ, chẳng hạn như lấy một ly sôđa từ tủ lạnh, cái việc mà mọi đứa trẻ khác đều có thể làm được. Tôi không thể tự ăn uống được, và ghét phải nhờ người khác bón thức ăn cho mình. Tôi cảm thẩy rất tệ khi người khác đang ăn mà cứ phải ngừng lại để giúp tôi.

Những vấn đề lớn hơn cứ ám ảnh tôi trong giai đoạn này: Liệu tôi có bao giờ tìm được một người vợ thực sự yêu tôi hay không? Làm sao có thể cho cô ấy những đứa con? Làm sao tôi có thể bảo vệ được con mình nếu như chúng bị đe dọa?

Hầu hết mọi người đều có ý nghĩ như thế. Một lúc nào đó có thể bạn đã tự hỏi liệu bạn sẽ có được một mối quan hệ lâu dài, một công việc ổn định, một nơi an toàn để sống hay không. Suy nghĩ về tương lai là điều bình thường và lành mạnh, bởi vì đó là cách chúng ta phát triển tầm nhìn cho cuộc sống. Vấn đề là những ý nghĩ tiêu cực có thể che khuất tầm nhìn về tương lai và làm đầu óc bạn thiếu sáng suốt. Tôi cầu nguyện và tôi nhắc mình nhớ lời Chúa, người đã giúp tôi biết được rằng Người luôn ở bên tôi. Người chưa bao giờ bỏ tôi. Người chưa bao giờ quên tôi. Nguời sẽ tạo ra những điều thậm chí tồi tệ nhất để rồi mọi điều hợp lại thành kết quả tốt đẹp. Tôi luôn nhắc mình dù tôi có phải chứng kiến chuyện gì ở ngoài đời, tôi vẫn phải hy vọng vào những lời hứa của Chúa.

Tôi biết rằng Chúa đầy lòng nhân từ. Tôi có thể biết chắc chắn liệu Người cho phép điều gì đó tồi tệ xảy ra hay không, nhưng tôi có thể tin tưởng và hy vọng vào lòng nhân từ của Người.

KIỂM SOÁT Ý NGHĨ

Khi sắp tròn mười một tuổi, tôi bước vào giai đoạn của tuổi mới lớn đầy nhạy cảm, cái giai đoạn mà não của chúng ta tạo ra các kết nối và các chất hóa học lạ lùng lan tỏa khắp cơ thể. Những đứa con trai, con gái khác ở tuổi tôi đã bắt đầu cặp đôi, khiến cho cảm giác lẻ loi trong tôi càng tăng lên. Liệu trên đã này có cô gái nào lại cần một người bạn trai không thể cầm tay minh hoặc khiêu vũ với mình không?

Dù không ý thức, tôi cũng đã cho phép những ý nghĩ u ám vã cảm giác tiêu cực ấy đè nặng lên tinh thần của mình và để cho gánh nặng đó ngày càng tăng. Thường thì những ý nghĩ đó len lén đi vào tâm trí tôi trong những đêm tôi không tài nào chợp mắt, hoặc khi tôi cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài ở trường. Chắc hẳn bạn biết cái cảm giác đó; chắc hẳn cũng có lúc bạn mệt mỏi, cảm thấy như thể gánh nặng của cả thế giới đang đè lên vai bạn. Ai trong chúng ta cùng đều trải qua những lúc tâm trạng chùng xuống như vậy, đặc biệt khi chúng ta mất ngủ, ốm yếu, hoặc khi những thách thức khác làm chúng ta cảm thấy bị tổn thương.

Không một ai trên đời này lúc nào cũng được hạnh phúc, lúc nào cũng phấn khởi. Nếu như có lúc tâm trạng của bạn trở nên chán nản thì điều đó cũng tự nhiên thôi. Sự chán nản cũng có mục đích của nó đấy. Theo các nghiên cứu tâm lý gần đây, tâm trạng chán nản có thề khiến bạn đánh giá công việc của mình bằng con mắt nghiêm khắc hơn, giàu tính phân tích hơn. Cách nhìn đó là hữu ích khi bạn thực hiện các việc như cân đối thu chi, tính thuế, hay biên tập một bài báo. Ý nghĩ tiêu cực có thể sản sinh ra kết quả tích cực, miễn là bạn nhận thức một cách rõ ràng về chúng và kiểm soát được chúng. Chỉ khi bạn để cho cảm xúc điều khiển hành động của mình thì bạn mới phải đối mặt với nguy cơ rơi vào tình trạng trầm cảm và có hành vi tự hủy hoại bản thân.

Điều then chốt là hãy kiên quyết không để cho cảm xúc tiêu cực hoặc cảm giác chán nản, tuyệt vọng điều khiển chúng ta. May mắn thay, bạn cũng như tôi, chúng ta hoàn toàn có đủ khả năng để điều chỉnh thái độ. Khi bạn phát hiện thấy ý nghĩ tiêu cực đang lan tràn trong tâm trí mình, bạn có thể chọn nhấn nút “tắt”. Hãy nhận biết các cảm xúc, những ý nghĩ tiêu cực và xác định rõ nguyên nhân gây ra chúng, nhưng hãy tập trung tâm trí vào các giải pháp thay vì vào các vấn đề. Tôi nhớ khi học Kinh Thánh, tôi được xem một bức tranh mang tên “Khí giới của Chúa Trời” trong đó có chiếc giáp che ngực tượng trưng cho sự ngay thẳng, chiếc thắt lưng tượng trưng cho sự thật, chiếc khiên tượng trưng cho đức tin, thanh kiếm tượng trưng cho tinh thần và chiếc mũ giáp tượng trưng cho sự cứu rỗi. Tôi biết rằng tất cả những thứ đó là Vũ khí mà một cậu bé theo đạo Cơ Đốc sẽ cần đến. Tôi hiểu Chúa nhắn nhủ các con chiên của Người hãy dùng thanh kiếm đề đấu tranh với những ý nghĩ tiêu cực. Thanh kiếm đó là Kinh Thánh. Và trong cuộc sống bạn cũng thường giơ chiếc khiên của đức tin lên để bảo vệ bản thân.

VÙNG XOÁY CỦA THẤT VỌNG

Ở cái tuổi mới lớn ấy, khi mà tinh thần tự tôn và sự tự ý thức về hình ảnh của bản thân trở nên rất quan trọng, tôi đã để cho nỗi lo lắng và sợ hãi lấn át mình. Tất cả những ý nghĩ tiêu cực về bản thân áp đảo mọi ý nghĩ tích cực.

Mình thật thiệt thòi, kém may mắn. Mình sẽ chẳng bao giờ có được một cuộc sống bình thường, một công việc bình thường, chẳng bao giờ có vợ, có con được! Mình sẽ luôn là gánh nặng cho những người xung quanh.

Tôi chưa bao giờ thực sự tàn tật cho đến khi tôi mất hy vọng. Hãy tin tôi đi, mất hy vọng còn tồi tệ hơn cả mất chân tay. Nếu bạn đã từng trải nghiệm cảm giác đau khổ và suy sụp tinh thần, thì bạn chắc hẳn biết rõ sự thất vọng tồi tệ đến mức nào. Khi ấy tôi cảm thấy tức giận, bị tổn thương và bối rối hơn bao giờ hết.

Tôi cầu nguyện và hỏi Chúa rằng, tại sao Người lại không thể cho tôi những gì mà Người có thể cho những người khác. Tôi đã làm gì sai chăng? Và vì thể mà Người không đáp lại lời cầu nguyện của cha mẹ tôi, lời cầu xin có chân, có tay mà tôi đau đầu thực hiện mỗi ngày? Tại sao Người không cứu giúp chúng tôi? Tại sao Người lại bắt tôi phải chịu đựng buồn tủi như thế này?

Cả Chúa lẫn các bác sĩ đều không thể giải thích được tại sao tôi lại sinh ra không có chân tay. Không có bất cứ lời giải thích nào cả, thậm chí cả một lời giải thích về mặt khoa học cũng không và điều đó chỉ càng khiến tôi cảm thấy tồi tệ hơn. Tôi cứ tiếp tục nghĩ rằng nếu có một lý do nào đấy, liên quan đến tâm linh, khoa học hay bất cứ gì khác, thì có lẽ tôi sẽ đương đầu với hoàn cảnh dễ dàng hơn. Nếu có một lý do nào đó giải thích cho việc tôi không có chân tay, có lẽ nỗi đau của tôi không ghê gớm đến thế.

Nhiều lúc chán nản đến mức tôi không chịu đến trường. Trước đó, cảm giác tủi thân không phải là một vấn đề đối với tôi. Tôi đã không ngừng cố gắng để vượt lên khuyết tật, để sống và sinh hoạt bình thường như bao người, để vui chơi như những đứa trẻ khác. Hầu như lúc nào tôi cũng tạo được ấn tượng với cha mẹ, với thầy cô giáo và bạn học bằng chính lòng quyết tâm và tinh thần tự lực. Tuy nhiên, tôi giấu kín một nỗi buồn ở trong lòng.

Tôi được nuôi nấng như một đứa trẻ thiên về đời sống tinh thần. Tôi chăm chỉ đi lễ nhà thờ và tin vào sự cầu nguyện cũng như sức mạnh của Chúa. Tôi tin vào sự hiện diện của Chúa Jesus đến mức khi ăn tối, tôi mỉm cười, nghĩ rằng Chúa đang ở bên chúng tôi ngay tại bàn ăn, đang ngồi ở chiếc ghế trống trong khi chúng tôi ăn. Tôi cầu nguyện để có được chân tay như bao người. Trong một thời gian, tôi cứ mong

Một buổi sáng nào đó, khi thức dậy, tôi thấy mình có chân có tay. Mỗi lần cầu nguyện tôi chỉ cầu mình có được một tay hoặc một chân thôi. Tôi mong mãi mà chẳng thấy mình có chân tay, và thế là tôi đâm ra giận Chúa.

Tôi nghĩ rằng tôi hiểu Chúa sáng tạo ra tôi với mục đích gì. Người tạo ra tôi như một cộng sự của người để tạo ra điều kỳ diệu, để thế giới thừa nhận rằng có Chúa trên đời này. Tôi thường cầu nguyện: “ Lạy Chúa, nếu Người cho con tay và chân, con sẽ đi vòng quanh thế giới và chia sẻ điều kỳ diệu đó với mọi người. Con sẽ lên truyền hình và kể cho tất cả mọi người biết điều gì đã xảy ra , và qua câu chuyện của con thế giới sẽ thấy được sức mạnh của Người”. Tôi nới với Chúa rằng tôi đã hiểu mục đích của Người và tôi sẵn sàng phụng sự múc đích đó. Tôi nhớ mình đã cầu nguyện: “ Lạy Chúa, con biết Người tạo ra con như thế này để Người có thể cho con chân tay và điều kỳ diệu đó sẽ chứng minh cho mọi người thấy sức mạnh và tình yêu của Người”.

Khi còn nhỏ, tôi đã biết Chúa nói với chúng ta bằng nhiều cách. Tôi cảm thấy Người có thể trả lời tôi bằng cách đặt một cảm xúc vào trái tim tôi. Nhưng tôi chỉ thấy sự im lặng mà thôi. Tôi chẳng thấy gì hết.

Cha mẹ tôi thường nói: “Chỉ có Chúa mới biết tại sao con sinh ra như thế này”. Khi đó tôi đã hỏi Chúa, và Người không nói gì cho tôi biết hết. Những lời cầu xin khẩn khoản không được thoã mãn và những câu hỏi không được trả lời khiến tôi buông lòng lắm bởi vì trước đó tôi cảm thấy mình rất gần gũi với Chúa.

Tôi cũng phải đương đầu với những thách thức khác. Dạo đó gia đình tôi chuyển lên vùng duyên hải Queensland ở phía bắc, cách xa chỗ ở cũ tới 1.000 dặm, xa họ hàng thân thuộc. Cái kén bảo vệ của các cô dì chú bác và hai mươi sáu anh chị em họ bị tháo bỏ. Sự căng thẳng của việc chuyển nơi ở bao trùm lên cha mẹ tôi. Mặc dù có sự quả quyết, tình yêu và sự hỗ trợ, nâng đỡ của cha mẹ, tôi vẫn không thể nào rũ bỏ được cái cảm giác mình là một gánh nặng lớn.

Cứ như thế tôi đã phủ tấm khăn màu đen lên cuộc đời mình để ngăn không cho mình nhìn thấy một chút ánh sáng nào. Tôi không thể thấy được mình còn có ích cho một ai. Tôi cảm thấy tôi chỉ là một lỗi sai, một sản phẩm dị dạng của tạo hóa, một đứa con bị lãng quên của Chúa. Cha mẹ đã cố gắng hết sức để nói với tôi điều ngược lại. Họ đọc Kinh Thánh cho tôi nghe. Họ đưa tôi đến nhà thờ. Những giảng viên giảng đạo dạy tôi rằng Chúa yêu tất cả mọi người. Nhưng tôi không thể vượt ra ngoài nỗi đau khổ và tức giận được.

Hồi ấy tâm trạng tôi cũng có những lúc tươi sáng hơn. Ở trường học giáo lý, tôi cảm nhận được niềm vui khi cùng bạn học hát vang những ca khúc thánh ca, “ Chúa Jesus yêu hết thảy thiếu nhi trên thế gian; không phân biệt em da vàng, da nâu, da trắng, da đen, trong mắt Người, các con đều đáng yêu. Chúa yêu thương tất thảy đàn con thiếu nhi trên thế gian”.

Sống giữa những người luôn yêu thương và giúp đỡ, tôi ghi sâu bài thánh ca đó trong tim. Nó an ủi tôi nhiều lắm. nhưng khi cảm thấy mệt mỏi hoặc ốm yếu, những ý nghĩ u ám lại xâm chiếm tâm trí tôi. Tôi ngồi trên xe lăn trong sân chơi, tự hỏi: Nếu Chúa thực sư yêu tôi như những đứa trẻ khác, tại sao Người lại không cho tôi có chân tay?

Thầy dạy giáo lý dạy tôi rằng Chúa yêu tất cả mọi người. Người rất quan tâm tới chúng ta. Tôi muốn tin vào điều đó, nhưng rồi vào thời ấy, trong tôi lại hiện lên câu hỏi: Nếu Chúa thực sự yêu tôi như yêu những đứa trẻ khác, tại sao Người lại tạo ra tôi khác với những đứa trẻ khác?

Những ý nghĩ đó bắt đầu xâm nhập vào đầu óc tôi ngay cả ban ngày, cả trong lúc tôi có chút niềm vui. Một hôm tôi đang ngồi trên một chiếc bàn quầy rất cao ở trong bếp nhìn mẹ nấu bữa tối – một thói quen giúp tôi tìm thấy sự an ủi và thư giãn – thì những ý nghĩ tiêu cực bỗng ập đến, tôi muốn ném mình xuống khỏi mặt bàn. Tôi nhìn xuống bên dưới, nghĩ rằng mình sẽ lao xuống, nhưng rồi nỗi sợ hãi lấn át sự tuyệt vọng nên tôi ngừng lại. Lúc bấy giờ tôi đang vật lộn với cảm giác tuyệt vọng, rằng cuộc đời tôi rồi đây sẽ vô cùng khó khăn. Chúa dường như không đáp lại lời cầu nguyện của tôi. Nhìn mẹ tôi làm việc trong nhà bếp, tôi bỗng nhiên không muốn trở thành gánh nặng của bà. Thế là ý định quăng mình xuống lại tiếp tục tấn công tôi. Tôi loay hoay tính toán xem mình nên lao xuống phía nào, để đảm bảo rằng tôi sẽ gãy cổ và chết ngay tức thì. Nhưng rồi tôi tự bảo mình rằng tôi không nên làm thế, chủ yếu bởi vì nếu ném mình xuống mà không chết thì tôi sẽ phải giải thích tại sao tôi lại thất vọng đến nhường ấy. Cái lần tôi suýt nữa tự hủy hoại mình đó quả là đáng sợ. Đáng lẽ nên nói cho mẹ biết tôi đang nghĩ gì, nhưng tôi ngại. Tôi không muốn làm mẹ hoảng sợ.

Khi ấy tôi còn nhỏ, và mặc dù được sống giữa những người yêu thương mình, tôi đã không tìm đến họ để tâm sự về nỗi lòng của mình. Tôi có những nguồn giúp đỡ và sẻ chia, nhưng tôi đã không sử dụng những người ấy, và đó là một sai lầm.

Nếu bạn cảm thấy mình bị lấn át bởi tâm trạng thất vọng, thì bạn không phải đương đầu với nó một mình đâu bạn ạ. Những người yêu thương bạn sẽ không cảm thấy bạn là gánh nặng đâu. Họ muốn giúp bạn. nếu bạn cảm thấy không thể tâm sự với người thân, thì hãy tìm đến những chuyên gia tư vấn tại trường, ở nơi làm việc, ở cộng đồng. Bạn không hề đơn độc. Tôi không đơn độc. giờ đây tôi đã hiểu được điều đó và tôi không muốn bạn cũng giống tôi trước kia đã từng suýt phạm phải sai lầm chết người.

Nhưng lúc đó trong lòng tôi tràn ngập tuyệt vọng. Khi ấy tôi đã quyết định rằng để chấm dứt mọi nỗi đau khổ, tôi nhất định phải kết thúc cuộc sống của mình.

TIẾNG GỌI THÂN THƯƠNG

Một buổi chiều sau khi tan học, tôi hỏi mẹ rằng liệu bà có thể giúp đưa tôi vào bồn tắm để tôi dầm nước một lúc không. Khi mẹ ra khỏi phòng tắm, tôi bảo mẹ đóng cửa lại. Sau đó tôi ngâm mình xuống nước, ngâm đến tận tai. Trong im lặng, những ý nghĩ rất nặng nề, u ám lan tràn. Tôi đã lên kế hoạch cho việc tôi muốn làm từ trước.

Nếu Chúa không mang nỗi khổ đau của tôi đi và nếu không có mục đích nào dành cho tôi trong cuộc đời này… nếu tôi tồn tại trên đời này chỉ để chịu đựng sự xa lánh và cô đơn… nếu tôi là gánh nặng cho mọi người và tôi không có tương lai… thì tôi nên kết thúc cuộc sống của minh ngay bây giờ.

Như tôi đã kể về quá trình học bơi của mình, tôi có thể làm cho người mình nổi trên mặt nước trên tư thế nằm ngửa bằng cách hít đầy không khí vào phổi. Ở trong bồn tắm, tôi cố gắng tính xem có thể giữ được bao nhiêu không khí trong phổi trước khi tôi lật úp người xuống. Mình có thể nín thở trước khi mình lật úp người xuống không? Mình sẽ hít vào một hơi thật sâu, hay chỉ hít vào nửa chúng thôi? Mình có nên thở ra rồi hãy lật người không?

Cuối cùng tôi cứ lật người và úp mặt mình xuống nước. Theo bản năng, tôi giữ hơi.

Bởi vì phổi của tôi rất khỏe, nên tôi giữ được người mình nổi được một lúc lâu.

Khi trong phổi tôi đã cạn không khí, tôi lại lật người lên.

Mình có thể làm được việc đó rồi.

Nhưng nhứng ý nghĩ u ám vẫn bám lấy tôi: Mình muốn thoát khỏi cuộc đời này. Mình chỉ muốn biến mất khỏi thế gian này.

Tôi trút hết không khí trong phổi ra và lại lật úp người xuống một lần nữa. Tôi biết mình có thể giữ hơi được ít nhất mười giây, vậy nên tôi đếm… 10… 9… 8…7 …6… 5… 4… 3

Trong khi tôi đếm, một hình ảnh vụt hiện trong đầu tôi: hình ảnh cha mẹ tôi đang đứng trước mộ tôi khóc trong đớn đau. Tôi nhìn thấy đứa em trai bảy tuổi, Aeron, cũng đang khóc. Tất cả những người thân yêu nhất của tôi đều đang khóc và nói rằng đó là lỗi của họ, rằng lẽ ra họ phải làm được nhiều hơn cho tôi.

Tôi không thể nào chịu đựng nổi cái ý nghĩ bỏ lại những người thân của mình, để họ đau khổ và tự dằn vặt bản thân về cái chết của tôi trong suốt phần đời còn lại.

Mình ích kỷ quá.

Tôi vội lật người lên và hít vào một hơi thật sâu. Tôi không thể làm điều đó. Tôi không thể để lại cho gia đình mình gánh nặng của sự mất mát và cảm giác có lỗi.

Nhưng nỗi đau của tôi là quá sức chịu đựng. Đêm hôm đó trong phòng của hai anh em, tôi bảo Aeron: “ Khi anh 21 tuổi, anh sẽ lên kế hoạch tư vấn”.

Tôi đã nghĩ mình có thể theo hết bậc trung học và vào đại học, nhưng không thể nhìn thấy bất kỳ tương lai nào cho mình sau chặng đường đó. Tôi không dám chắc mình có thể kiếm được việc làm, có thể lập gia đình giống như những người đàn ông khác. Cô gái nào muốn cưới tôi chứ? Vậy nên, tuổi 21 dường như là điểm kết thúc của cuộc đời tôi. Tất nhiên, còn phải đi cả một đoạn đường dài nữa tôi mới chạm đến tuổi đó.

“Em sẽ mách bố là anh đã nói như thế”, em trai tôi phản ứng.

Tôi bảo nó đừng nói với bất cứ ai và nhắm mắt ngủ. điều tiếp theo tôi biết được là, tôi thấy cha tôi ngồi xuống giường, cạnh tôi.

“ Con nói về chuyện con muốn tự vẫn cho cha nghe, được không?”, ông hỏi.

Giọng ông ấm áp và quả quyết. Ông đã nói với tôi về tất cả những điều tốt đẹp ở phía trước. Vừa nói ông vừa vuốt tóc tôi. Tôi luôn thích được cha vuốt tóc như thế.

“ Chúng ta sẽ luôn bên con, con yêu ạ”, ông quả quyết. “ Mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Cha hứa rằng cha mẹ luôn bên con, giúp đỡ con. Con sẽ ổn, con trai ạ”.

Đôi khi chỉ một cử chỉ vuốt ve đầy yêu thương, một cái nhìn đầy ân cần cũng có thể xoa dịu trái tim đau đớn, chán nản và làm dịu cái đầu lộn xộn của một đứa trẻ. Vào lúc đó, việc cam đoan rằng mọi chuyện sẽ ổn cũng đã đủ để giúp tôi an lòng. Bằng giọng nói và cử chỉ đầy ân cần, ông đã thuyết phục tôi rằng ông tin chúng tôi sẽ tìm ra một con đường cho bản thân tôi. Đứa con trai nào cũng muốn tin ở cha mình, và đêm hôm đó ông đã mang đến cho tôi điều gì đó để hy vọng. Đối với một đứa trẻ, không có sự bảo đảm nào giống như lời bảo đảm của một người cha. Cha tôi rất hào phóng trong những việc như thế và rất giỏi thể hiện tình yêu và sự ủng hộ, động viên với tất cả mọi người trong gia đình. Tôi vẫn không hình dung ra làm thế nào mà mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp được, nhưng bởi vì cha tôi đã nói rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp nên tôi tin.

Sau cuộc nói chuyện của hai cha con, tôi ngủ một giấc thật ngon. Thỉnh thoảng tôi vẫn phải đương đầu với những ngày đêm tồi tệ. Nhưng tôi tin tưởng ở cha mẹ mình và tiếp tục nuôi hy vọng trong một thời gian dài trước khi tôi thực sự có thể hình dung được cuộc sống tương lai của mình sẽ như thế nào. Thậm chí cho đến bây giờ, giống như bất cứ người nào khác, tôi vẫn có những lúc buồn, nhưng tôi không bao giờ nghĩ đến việc tự vẫn nữa. Khi tôi nhìn lại thời điểm đó và ngẫm nghĩ về cuộc sống của mình từ bấy đến nay, tôi chỉ có thể cảm ơn Chúa vì đã cứu tôi thoát khỏi tuyệt vọng.

HÃY HY VỌNG

Qua các buổi diễn thuyết ở 24 quốc gia, qua những DVD, và những hình ảnh thu hút hàng triệu lượt người xem trên YouTube, tôi đã có được cái diễm phúc mang thông điệp hy vọng đến với rất nhiều người trên thế giới. Bạn thử nghĩ mà xem, tôi sẽ bỏ lỡ mất bao nhiêu niềm vui nếu như tôi tự kết thúc cuộc đời mình ở tuổi lên mười. Tôi sẽ không có cơ hội tuyệt vời để gặp gỡ và chia sẻ câu chuyện của đời mình với hơn 120.000 người ở Ấn Độ, 18.000 người tại sân vận động ở Colombia, và 9.000 người sau một trận bão lớn ở Ukraine.

Qua thời gian tôi hiểu được rằng, mặc dù tôi đã ruồng bỏ cuộc sống của mình vào cái ngày đen tối đó, Chúa đã tiếp nhận nó.

Người đã nhận lấy cuộc sống của tôi và mang đến cho nó ý nghĩa, mục đích, niềm vui trên mức mà một đứa bé mười tuổi có thể hiểu được.

Bạn đừng bao giờ phạm phải cái sai lầm như tôi đã suýt phạm phải, bạn nhé.

Vào năm 1993, nếu tôi cứ tiếp tục để mặc mình chìm dưới nước sáu phân, thì có thể tôi đã chấm dứt được nỗi đau khổ trước mắt, nhưng cái giá phải trả cho việc đó là gì? Khi ấy tôi, một đứa trẻ đang ở trong tâm trạng thất vọng, có lẽ không thể biết trước được hình ảnh của chính nó trong tương lai, hình ảnh một chàng thanh niên vui vẻ đang bơi với những chú rùa biển ở Hawaii, lướt sóng ở California, hoặc lặn dưới biển ở Colombia. Quan trọng hơn, đứa trẻ đó cũng chẳng thể biết trước được rằng về sau nó lại có thể đến để sẻ chia niềm tin và hy vọng với nhiều mảnh đời như thế.

Tôi chỉ là một ví dụ nhỏ. Bạn hãy chọn cho mình một anh hùng của đời thực tế để noi theo. Đó là mẹ Teresa, người anh hùng giải phóng dân tộc Mahatma Gandhi, hay mục sư Martin Luther King. Bạn sẽ tìm được một người nào đó phải đương đầu với nghịch cảnh – nghịch cảnh của tù đày, bạo lực, thậm chí bị cái chết đe dọa – nhưng luôn giữ niềm tin sắt son rằng mơ ước của họ có thể chiến thắng tất thảy.

Khi ý nghĩa tiêu cực và tâm trạng chán nản tấn công bạn, hãy nhớ rằng bạn vẫn có sự lựa chọn của mình. Nếu bạn cần giúp đỡ, thì hãy tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn không hề đơn độc. Bạn có thể lựa chọn mơ ước về những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước và lựa chọn thực hiện những hành động sẽ biến mơ ước ấy thành hiện thực.

Bạn thử nghĩ về những gì tôi đã phải đối mặt khi còn là một đứa trẻ và hãy thử nhìn cuộc sống của tôi bây giờ. Ai biết được những ngày tốt đẹp và những thành công tuyệt vời nào đang đợi bạn ở phía trước? Ai biết được có bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu số phận mà chúng ta có thể giúp làm cho trở nên tốt đẹp hơn bằng cách tìm đến với họ như một điều kỳ diệu của cuộc sống? Vậy nên hãy sánh bước cùng tôi, người đàn ông không có chân, không có tay để đi tới một tương lai tràn đầy hy vọng!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.