Jabba vẫn nhìn trân trân vào tờ giấy mà Soshi vừa đưa. Mặt tái đi lấy tay áo lau mồ hôi vã ra trên trán.
– Ngài giám đốc, chúng ta không còn cách nào khác. Phải ngắt nguồn ngân hàng dữ liệu ngay – Jabba nói.
– Không thể được, hậu quả sẽ rất thảm khốc…- Fontaine nói.
Jabba biết ngài giám đốc nói đúng. Có đến ba nghìn trạm kết nối ISDN trên toàn thế giới gắn với ngân hàng dữ liệu của NSA.
Hàng ngày các sỹ quan quân đội vẫn tải các hình ảnh liên tục về động thái của kẻ thù từ các vệ tinh. Các kỹ sư quân sự vẫn tải về các bản thiết kế các loại vũ khí tối tân. Các nhân viên điều phối của các ngành đang theo dõi tiến trình thực hiện nhiệm vụ. Ngân hàng dữ liệu của NSA là xương sống của hàng ngàn cơ quan chính phủ Hoa Kỳ. Tắt nguồn mà không báo trước sẽ ngừng toàn bộ hệ thống tình báo có tầm quan trọng sống còn trên toàn thế giới.
– Tôi biết hậu quả của nó, thưa ngài, nhưng chúng ta không còn lựa chọn nào khác!
– Hãy giải thích đi – Fontaine ra lệnh. Ông ta liếc nhìn Susan đứng bên cạnh trên bục chỉ huy. Trông cô như đang ở xa hàng dặm.
Jabba hít một hơi thật sâu và lại đưa tay lên lau trán. Cứ nhìn vào khuôn mặt ông ta lúc đó, mọi người trong phòng đều hiểu rằng những gì ông ta sắp nói ra sẽ thật khủng khiếp.
– Con sâu này không phải là một vòng suy diễn thông thường. Nó có khả năng lựa chọn, nói cách khác nó cũng có sở thích riêng.
Brinkerhoff định nói điều gì đó nhưng lại bị Fontaine chặn lại.
– Hầu hết các kiểu ứng dụng có tính năng huỷ diệt sẽ xoá sạch dữ liệu trong ngân hàng dữ liệu – Jabba nói tiếp – Nhưng trường hợp này phức tạp hơn. Nó chỉ xoá một số tệp nằm trong một phạm vi nào đó.
– Có nghĩa là nó sẽ không tấn công toàn bộ ngân hàng dữ liệu? – Brinkerhoff hỏi, đầy hy vọng – Đó là tin tốt phải không?
– Không hề! – Jabba như muốn nổ tung. – Là tin xấu, rất xấu là khác mẹ kiếp!
– Bình tĩnh! – Fontaine ra lệnh và ông hỏi tiếp – Nó sẽ tấn công vào lĩnh vực nào? Quân sự? Hay tình báo?
Jabba lắc đầu. Rồi nhìn Susan, trông cô vẫn như đang ở tận đẩu tận đâu, và ngước nhìn lên, bắt gặp ánh mắt của ngài giám đốc:
– Ngài biết đấy, bất kỳ ai muốn truy nhập ngân hàng này từ bên ngoài phải đi qua một loạt các cổng an ninh trước khi được cho phép.
Fontaine gật đầu. Hệ thống cấp bậc cho phép truy cập ngân hàng dữ liệu cực kỳ chặt chẽ. Những người có nhiệm vụ sẽ truy cập thông qua mạng Internet trên toàn thế giới, tuỳ thuộc vào cấp bậc của người đó mà họ sẽ được phép truy nhập vào vùng của mình.
– Chính vì chúng ta gắn với hệ thống Internet toàn cầu – Jabba giải thích – Nên bọn tin tặc, chính phủ nước khác và EFF lúc nào cũng lởn vởn như lũ cá mập sẵn sàng thâm nhập ngân hàng này 24/24.
– Đúng thế! – Fontaine đáp – Và hệ thống lọc bảo vệ của chúng ta cũng làm việc 24/24 để ngăn chặn chúng. Anh định nói gì?
Jabba nhìn xuống tờ giấy và nói:
– Ý tôi là, Tankado không nhằm vào dữ liệu. – Ông nuốt nước bọt rồi nói tiếp – Mà nhằm vào hệ thống lọc bảo vệ của chúng ta.
Fontaine tái mặt. Dĩ nhiên là ông hiểu tác động của điều này rằng con sâu này đang nhằm vào hệ thống bảo mật của NSA.
Không có hệ thống này, tất cả các thông tin mật trong ngân hàng dữ liệư này sẽ trở thành thông tin miễn phí, ai cũng có thể truy cập và xem.
– Chúng ta phải tắt nguồn – Jabba nhắc lại – Trong khoảng một giờ nữa toàn bộ những người truy cập mạng nếu có một modem sẽ có được toàn bộ tin tối mật của chính phủ Mỹ.
Fontaine đứng chết lặng không nói được lời nào.
Jabba nóng lòng chờ đợi một hồi và cuối cùng quay lại ra lệnh cho Soshi.
– Soshi! VỀ NGAY BÂY GIỜ!
Soshi lao đi.
Jabba thường sử dụng VR. Trong hầu hết các hệ thống máy tính, VR có nghĩa là “thực tế ảo”, nhưng ở NSA nó có nghĩa là trước khi được nhìn thấy trực tiếp. Trong một thế giới toàn các kỹ thuật viên, các chính trị gia với những trình độ kỹ thuật khác nhau, đôi khi chỉ có một biểu đồ như vậy mới có thể khiến tất cả mọi người cùng hiểu; một biểu đồ đơn giản gồm một đường đi xuống cũng thường tạo ra phản ứng thậm chí còn gấp 10 lần khả năng các con số trên bảng tính có thể tạo ra cho những người nhìn thấy chúng. Jabba biết rõ một lệnh VR trong trường hợp này sẽ rất hiệu quả.
– VR! – Soshi hét lên từ một khoang ở phía cuối phòng.
Một biểu đồ do máy tính tạo ra được quét lên màn hình trên tường phía sau họ. Susan nhìn lên một cách lơ đãng, như không hề biết đến sự nhốn nháo xung quanh cô. Mọi người trong phòng đều cùng nhìn về hướng Jabba đang nhìn.
Biểu đồ trước mặt họ có hình mắt bò. Tại giữa nó là một vòng tròn đỏ đánh dấu dữ liệu. Quanh tâm đỏ đó là năm vòng tròn đồng tâm khác có màu và độ dày khác nhau. Vòng tròn ngoài cùng gần như đã bị mờ gần như là trong suốt.
– Chúng ta còn năm lớp bảo vệ nữa, Jabba giải thích, gồm một máy chủ pháo đài phòng thủ chính, hai bộ lọc bảo vệ cho FTP và X-11 một khối đường ngầm và cuối cùng là một cửa sổ PEM (tiêu chuẩn cho việc bảo mật thư điện tử) ngay ở bên phải máy chiếu ấy. Vòng ngoài cùng đã biến mất, đó là các máy trạm đã bị xâm nhập. Chúng ta đã hoàn toàn mất chúng. Trong vòng một giờ nữa toàn bộ năm vòng còn lại cũng sẽ chung số phận. Khi đó cả thế giới sẽ đổ xô vào và toàn bộ thông tin của NSA sẽ bị biến thành của chung.
Fontaine nhìn biểu đồ VR, mắt ông đỏ vằn lên.
Brinkerhoff rên rỉ yếu ớt:
– Con sâu này có thể mở ngân hàng dữ liệu của chúng ta cho cả thế giới xem ư?
– Đây chỉ là một trò trẻ con thôi – Jabba ngắt lời – Gauntlet hoàn toàn có thể phát hiện ra, nhưng Strathmore đã tắt bộ lọc.
– Một hành động khiêu chiến – Fontaine thì thầm với giọng sắc lạnh. Jabba lắc đầu:
– Tôi cho rằng Tankado không chủ tâm đẩy sự việc đến nước này. Tôi cho rằng hắn định sẽ xuất hiện đúng lúc và chặn đứng con sâu lại.
Fontaine nhìn lên màn hình và nhận thấy vòng tròn hàng rào lửa ngoài cùng đã hoàn toàn biến mất.
– Vòng Bastion Host ngoài cùng đã bị nuốt chửng rồi! – một kỹ thuật viên từ phía cuối phòng thốt lên.
– Vòng tiếp theo đang bị tấn công kìa!
– Chúng ta phải tắt nguồn ngay – Jabba thúc giục – Theo biểu đồ VR thì chúng ta còn khoảng bốn mươi phút nữa. Tắt nguồn cũng là một quy trình phức tạp.
Đúng vậy. Hệ thống ngân hàng dữ liệu của NSA đã được thiết kế sao cho đảm bảo không bao giờ bị mất điện một cách vô tình hay khi bị tấn công. Các nút dự phòng phức tạp cho hệ thống điện thoại và điện được chôn trong các hộp thép chắc chắn sâu dưới lòng đất, và ngoài các đường dẫn trong khu tổ hợp của NSA, còn có các chốt dự phòng phức tạp khác tách khỏi hệ thống dây chính.
Ngắt nguồn sẽ bao gồm nhiều quá trình khẳng định phức tạp và nghi thức khác, còn phức tạp hơn nhiều so với việc lắp đặt một trạm do thám nguyên tử ngầm dưới đại dương.
– Chúng ta còn thời gian – Jabba nói – Nếu chúng ta khẩn trương, có thể thực hiện tắt nguồn thủ công trong vòng khoảng 30 phút.
Fontaine tiếp tục nhìn lên biểu đồ VR, cân nhắc quyết định của mình.
– Ngài giám đốc! – Jabba hét lên – Khi những bức tường bảo vệ này bị tấn công, toàn bộ người sử dụng Internet trên thế giới sẽ tha hồ truy cập tin mật của ta. Và, tôi đang nói xa hơn nữa, tất cả những thông tin hoạt động tình báo của chúng ta, điệp viên đang ở nước ngoài, tất cả các tên địa chỉ của các nhân chứng trong chương trình bảo vệ nhân chứng liên bang, mã kiểm duyệt, tất cả, sẽ lộ hết. Chúng ta phải tắt nguồn ngay bây giờ, ngay lập tức!
Ông giám đốc dường như không hề lay chuyển:
– Phải có cách khác chứ? – ông thì thầm.
– Có đấy! – Jabba gắt – Cái mật mã hoá giải đó! Nhưng cái thằng khốn duy nhất có nó đã chẳng may chết rồi còn gì!
– Thế còn nguyên tắc brute-force (1) thì sao? – Brinkerhoff đột nhiên thốt lên – Liệu chúng ta có thể đoán được đoạn mã này không?
Jabba khoát tay.
– Lạy chúa! Đoạn mã giống như việc mật mã hoá các phím ngẫu nhiên! Làm sao mà đoán được! Nếu cậu nghĩ có thể đánh 600 tỉ tỉ lần trong vòng 40 phút tới thì cứ đi mà đoán!
– Đoạn mã đang ở Tây Ban Nha – Susan yếu ớt cất tiếng.
Tất cả mọi người trong bục chỉ huy quay lại. Đó là câu đầu tiên của cô sau một hồi lâu im lặng.
Susan ngước nhìn lên, mắt nhoè đi. Cô nói:
– Tankado đã đem cho không đoạn mã ấy trước khi chết.
Tất cả đều thất vọng.
– Cái mật khẩu ấy… – Người Susan run lên khi cô cố gắng nói – Ngài chỉ huy Strathmore đã cho một người đi tìm nó.
– Và sao nữa – Jabba gặng hỏi – Người của Strathmore có tìm thấy không?
Susan cố kìm nén nhưng nước mắt cứ giàn giụa:
– Có, cô nghẹn ngào, tôi nghĩ là có.
Chú thích:
(1) Brute-force: phương pháp đoán mã bằng cách so sánh lần lượt tới khi tìm ra mã.