Bởi Vì Yêu

CHƯƠNG 8 – TRẠM CUỐI



Mơ giấc mơ bất khả
Mang nỗi buồn ra đi
Nóng ran vì cơn sốt
Đến nơi không ai đến.
NGÀY HÔM NAY
25 THÁNG BA 2007 – TÁM GIỜ SÁNG
SÂN BAY LOS ANGELES LAX
MARK
Chiếc taxi dừng trước nhà ga số 2, nhưng Mark không xuống xe ngay lập tức. Trên đường đến sân bay, Layla thiếp ngủ trên vai anh và anh không muốn đánh thức con bé đột ngột. Sau khi rời bệnh viện, hai bố con đã qua đêm tại khách sạn ở khu phố thương mại downtown. Layla vẫn không nói một lời, nhưng con bé có vẻ bình tâm và vui sướng khi gặp lại anh.
– Con sẽ nói lại được, anh hứa với cô con gái nhỏ đang thiu thiu ngủ.
Anh chắc chắn về điều đó. Chỉ cần con bé cảm thấy được bao bọc và được bảo vệ. Và Mark sẽ làm tất cả để con bé lấy lại niềm tin.
Qua lớp cửa kính ám đầy khói bụi xe ô tô, anh lo lắng nhìn sự náo động bao trùm khu vực quanh sân bay. Anh ghét Los Angeles, mức độ ô nhiễm, vẻ hời hợt cũng như tình trạng bạo lực của thành phố này. Thành phố khổng lồ này luôn tạo cho anh cảm giác rằng nó cuốn trôi tất cả trên đường đi của mình: cả thiên nhiên lẫn con người.
Ngồi trong tổ kén bảo vệ của chiếc ô tô, anh cảm thấy an toàn trong vài giây còn lại, được an ủi nhờ sự thanh khiết của âm điệu bản nhạc violon phát ra từ radio.
Bản nhạc này… mình biết bản nhạc này.
– Bản nhạc này thật hay, đó là bản gì vậy?
– Vũ điệu Sacon của Bach, người tài xế yêu nhạc vừa trả lời vừa đưa cho anh vỏ đĩa CD.
Mark xem xét bìa đĩa được minh họa bằng một bức ảnh đầy sức mê hoặc: nữ nghệ sĩ violon, ăn mặc nhẹ nhàng, khuôn mặt dựa vào mặt gương, tạo ra hình ảnh một người có hai mặt, trông vừa gợi cảm vừa đáng lo ngại. Trên chiếc nhãn vàng của thương hiệu nổi tiếng có đề tên nữ nghệ sĩ và Chương trình độc tấu:
Nicole Hathaway plays Bach
Partitas for solo violin[1]
Mark không kịp có thời gian để bối rối. Layla vừa mở choàng mắt. Cô bé vừa cười vừa nhìn bố rồi ngáp.
– Con mặc áo khoác vào đi, Mark nói, chúng ta sẽ lên máy bay.
Layla ngoan ngoãn vâng lời rồi cả hai rời taxi để bước vào sân bay.
Tại nhà ga, tình hình căng thẳng đến cực điểm. Ngay một tuần vừa rồi, việc phát hiện ra một âm mưu khủng bố mới ở Anh đã gieo rắc kinh hoàng lên cả hai bờ Đại Tây Dương, kéo theo hàng loạt báo động giả. Mức độ cảnh báo chống khủng bố được tăng từ cấp “nguy hiểm” lên tới “nghiêm trọng” và mỗi ngày có rất nhiều chuyến bay bị hoãn lại. Mark kiểm tra chắc chắn chuyến bay của mình không bị hoãn và vội vàng đến quầy check-in được chỉ định. Anh biết việc tăng cường lục soát hành khách và kiểm tra hành lý sẽ kéo dài thời gian làm thủ tục lên máy bay và anh muốn hoàn thành thủ tục này càng nhanh càng tốt.
Ở giữa đám đông, anh nắm chặt tay Layla, như thể anh có nguy cơ bị mất con bé thêm lần nữa.
– Bác sĩ Hathaway! Bác sĩ Hathaway!
Mark quay đầu lại, ngạc nhiên vì có người gọi mình.
Cách anh vài mét, một người đàn ông không quen đang chạy đến chỗ anh.
– Mickaël Philips, tôi làm việc cho nhật báo Herald, anh ta tự giới thiệu.
Mark chau mày.
– Tôi muốn anh phát biểu vài lời về con gái mình, vừa nói tay phóng viên vừa rút máy ghi âm trong túi ra.
– Chúng tôi chẳng có gì để nói với anh cả, vừa trả lời Mark vừa ôm chặt Layla, chân rảo bước.
Nhưng tay phóng viên vẫn theo sát anh và muốn tỏ ra có tài thuyết phục:
– Chúng tôi muốn đề nghị với anh một hợp đồng bảy mươi lăm nghìn đô la cho một cuộc phỏng vấn đi kèm loạt ảnh…
– Anh hãy biến đi! Mark nổi giận.
Khi quay lại nhìn, anh nhận thấy tay phóng viên rút điện thoại di động ra và định chụp trộm một bức ảnh.
Bằng tất cả nỗ lực bảo vệ Layla, Mark túm lấy cổ họng Philips, siết chặt khí quản cho đến khi tay phóng viên phải buông điện thoại ra.
Chiếc điện thoại di động rơi xuống đất và mark nghiền nát theo đúng phương pháp bằng gót giày của mình.
– Anh sẽ phải trả giá vì điều đó! tay nhà báo vừa xoa cổ vừa đe dọa.
Mark nhìn chằm chằm tay phóng viên trong vài giây, ngạc nhiên vì thái độ hung hăng của mình và diễn biến ngắn ngủi của cuộc cãi vã.
Trong khi Mark quay gót để đến khu vực đăng ký, anh nghe tiếng Philips cảnh báo:
– Ngươi đang dính vào rắc rối lớn đấy, Hathaway, và thậm chí ngươi cũng chẳng ý thức được đâu! Ta đã làm một cuộc điều tra của riêng mình: ta có những thông tin lẽ ra có thể chia sẻ với ngươi. Ngươi không biết rõ sự thật đâu! Cả về vợ ngươi lẫn con gái ngươi!
 
o O o
 
EVIE
Chiếc xe bus từ Union Station[2] tới thả hành khách xuống trước nhà ga số 2. Lẫn trong số hành khách đó có một cô gái trẻ khoảng mười lăm tuổi ăn mặc theo phong cách gô tíc[3]. Evie là người cuối cùng bước xuống xe. Vẫn còn chưa tỉnh ngủ hẳn, cô tự động bước vào nhà ga đi, và mắt nhắm mắt mở, cô chăm chú nhìn màn hình để kiểm tra giờ cất cánh chuyến bay của mình. Đêm qua cô đã ngủ trên một băng ghế và mình mẩy đau nhức. Bụng sôi òng ọc. Các khớp xương kêu răng rắc và xương cốt dường như muốn vỡ vụn ra. Cô thèm thuồng nhìn gian hàng Starbucks ở đó bán cà phê cùng bánh ngọt, nhưng cô không còn một đồng xu dính túi. Đói bụng, cô kín đáo nhặt cốc nước cam còn thừa và mẩu bánh xốp còn sót lại trung thùng rác của coffee-shop.
Trong vài tiếng nữa thôi, cô sẽ có mặt tại New York. Sau một sự việc đột xuất đáng buồn buộc cô phải đến Los Angeles, giờ đây cô có thể bắt kịp gã đàn ông mà cô đang theo đuổi. Cô đã có địa chỉ của hắn ta: một tòa nhà ở mạn Bắc Manhattan. Ngay khi tìm ra hắn ta, cô sẽ giết chết hắn.
Cô sẽ giết chết hắn.
Cô sẽ giết chết hắn.
Và có thể sau đó, đau đớn sẽ giảm bớt.
 
o O o
 
ALYSON
Chiếc xe hơi khổng lồ với trục xe hầm hố cùng hình dạng to bè khó khăn lắm mới đỗ được ở tầng thứ ba của khu đỗ xe ngầm trong nhà ga số 2.
Trong khoang lái của chiếc Porsche Cayenne, một bản nhạc hỗn tạp chán ngấy pha trộn giữa rap và R&B được vặn ở mức to nhất. Bên tay lái, một thiếu phụ trẻ hai mươi sáu tuổi, Alyson Harrison: mái tóc bạch kim cắt ngắn, quần jean bó của hãng Notify, thắt lưng buông thõng như thòng lọng, áo vest da bó sát.
Alyson tắt máy và đổ sụp xuống tay lái. Toàn thân cô run rẩy. Cô cần phải trấn tĩnh lại nếu muốn người ta cho cô lên máy bay. Để làm được điều đó, cô chẳng có đến ba mươi sáu kế. Cô lục trong chiếc túi hiệu Hermes để lấy hộp phấn bằng ngà. Bồn chồn lo lắng, cô hít liền hai liều ma túy rồi xoa xoa hai hàm răng bằng chút bột trắng. Đó là cách duy nhất để không bị sup sụp hoàn toàn. Không có cocaine, cô cảm thấy mình thật thảm hại, không đủ khả năng để đương đầu. Từ nhiều năm nay, cô đã mất khả năng kiểm soát việc sử dụng ma túy của mình, nhưng chất bột trắng luôn phát huy tác dụng.
Quả thực trong vòng chưa đến một phút, Alyson đã lấy lại được chút niềm tin và một lần nữa cảm thấy khỏe khoắn trở lại và có khả năng kiểm soát mọi chuyện. Cảm giác thoải mái này sẽ nhanh chóng chuyển thành trạng thái kiêu ngạo và quá nhạy cảm. Trong khi chờ đợi, cô chỉ cần tìm ra đủ sức lực để đặt mông vào chiếc máy bay này rồi bay trở lại New York.
Cô thay cặp kính cận áp tròng bằng những thấu kính mà: một chiếc màu hồng, một chiếc khác màu xanh da trời. Qua gương chiếu hậu, cô chỉnh sửa lại tóc mái, cố định nó bằng một chiếc kẹp tóc hình con bướm. Sau khi đã trang điểm xong xuôi, cô loạng choạng rời khỏi xe, vắt vẻo trên đôi giày cao gót và kéo chiếc túi du lịch có bánh xe tiến về phía trước.
Khi ánh đèn flash của đám thợ săn ảnh lóe lên, Alyson thấy hình ảnh phản chiếu của mình hiện lên bất động trong kính chắn gió của chiếc xe đang đỗ gần đó. Tấm kính phản chiếu lại cho cô một hình ảnh khiến người ta xót xa nhưng chính xác.
Hình ảnh một ả điếm nghiện cocaine có giá cả tỷ đô la.
 
o O o
 
Vậy là, họ đã ở đó, cả ba người, mỗi người cách nhau vài mét, trên một sân khấu nhỏ là đại sảnh của sân bay.
Mark, Evie, Alyson. Họ không hề quen biết nhau, chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ, nhưng họ đã có một vài điểm chung.
Cả ba đều đang ở điểm có tính chất bước ngoặt của cuộc đời,
căng thẳng tột độ,
gần với sự sụp đổ.
Cả ba đều có một quá khứ đau buồn.
Cả ba đều thấy cuộc sống bị đảo lộn bởi sự mất tích hay cái chết.
Cả ba đều cảm thấy mình vừa là nạn nhân vừa là tội phạm.
Nhưng chỉ trong vài phút nữa, họ sẽ đi cùng trên một chiếc máy bay.
Và cuộc đời họ sẽ thay đổi.
 
o O o
 
– Nào, bố sẽ đi trước còn con theo sau, được chứ Layla?
Mark cởi áo vest và thắt lưng ra để lên băng chuyền rồi bước qua cổng kiểm tra an ninh.
Không có tiếng kêu báo hiệu.
– Đi nào, đến lượt con đó! Mark vừa nói với con gái vừa thu dọn tư trang của mình.
Lặng lẽ, cô bé tiến lại gần bố, nhưng khi bước qua, cô đã làm còi của hệ thống an ninh kêu váng lên.
– Bỏ hết đồ trong túi và cởi giày ra!
Nhã nhặn hơn một chút khiến mày khó chịu à, Mark vừa nghĩ vừa nhìn xoáy vào tay nhân viên an ninh.
Bác sĩ Mark liền quỳ xuống trước con gái để giúp cô bé cởi giày. Anh kiểm tra tất cả túi áo túi quần của con gái nhưng chúng đều rỗng không.
– Sẽ ổn thôi, con yêu.
Layla kéo tất xuống tận gót chân và một lần nữa, chiếc còi báo động lại kêu lên. Thật kỳ cục: Layla chỉ mặc một chiếc quần jean, áo phông và áo khoác.
Mark nhíu mày.
– Cái máy này của ông bị hỏng rồi!
Không thèm trả lời anh, tay nhân viên an ninh lại gần cô bé.
– Quay lưng lại, cô bé, và giơ tay lên!
Layla ngoan ngoãn thực hiện trong khi một nhân viên khác đưa máy dò tìm dọc theo cơ thể cô bé.
Chiếc máy đột nhiên kêu váng lên khi đến gần gáy cô bé.
– Thế nghĩa là thế nào? Mark cáu kỉnh hỏi.
Tay nhân viên rõ ràng không đủ khả năng để trả lời anh. Trước khi quyết định gọi cho đồng nghiệp thay máy dò tìm khác, anh ta thử lại lần nữa và kết quả thu được vẫn tương tự. Nhưng chiếc máy mới cũng không giúp tình hình sáng sủa thêm: tất cả đều khiến người ta nghĩ đến một thiết bị kim loại được gắn dưới da Layla.
Sửng sốt, tay nhân viên an ninh dùng tay ấn sát chiếc tai nghe vào tai và ngước mắt nhìn về phía camera an ninh để nói với một người đối thoại vô hình:
– Thưa bà, chúng ta có vấn đề…
 
o O o
 
Mark và con gái hiện đang ở trong một văn phòng bài trí cực kỳ đơn giản, giống như phòng hỏi cung tội phạm. Trước mặt họ, trong bộ vest công sở, một phụ nữ người Mỹ Latin với vẻ nghiêm khắc tự coi mình là COndoleezza Rice đang xem xét hộ chiếu của cả hai.
– Hãy giải thích cho tôi một điều, ngài Hathaway: Có phải con gái ông vừa mới trải qua một ca phẫu thuật.
– Tôi… tôi không biết, Mark khẳng định.
– Có phải người ta đã tiêm thứ gì đó vào gáy con gái ông: một con chíp điện tử hay một miếng cấy nào đó?
– Tôi không biết.
Người phụ trách an ninh ném cho Mark ánh nhìn khinh miệt.
– Vậy sao, ông không biết! Đó là con gái ông, đúng không?
– Đó là một câu chuyện dài, anh nói với giọng mệt mỏi.
Lúc bấy giờ Condoleezza quay về phía Layla.
– Cháu có đau ở phía sau đầu không?
Cô bé chịu đựng ánh nhìn không chớp mắt của bà Condoleezza đồng thời vẫn kiên quyết không nói.
– Nào, cháu bị mất lưỡi rồi à?
Tức giận, Mark bật dậy khỏi ghế.
– Chúng ta đi thôi! Mark quyết định, đồng thời nắm tay Layla. Thây kệ máy bay, chúng ta sẽ thuê xe ô tô.
– Ông sẽ không được rời khỏi đây đâu, người đối thoại với anh vừa khẳng định vừa chỉ vào đội quân đang đứng gác trước cửa văn phòng.
– Chuyện ấy còn phải xem! Mark nổi nóng. Và trước tiên, hãy trả lại tôi hộ chiếu! Tôi chẳng có tội gì cả.
Cuộc tranh luận đạt đến đỉnh điểm xung đột khi chuông điện thoại reo.
– Vâng, tôi nghe! Condoleezza vừa ấn vào phím loa ngoài vừa nói.
– FBI đây, thưa bà, cô thư ký thông báo, đó là đặc vụ Frank Marshall.
– Bảo anh ta gọi lại sau.
– Anh ta nói việc rất khẩn cấp.
– Thôi được, nối máy cho tôi, bà ta nói rồi tắt hệ thống loa ngoài.
Mark ngồi lại xuống ghế, ngạc nhiên vì sự can thiệp này của Frank và tự hỏi rồi nó sẽ đi đến đâu.
Cuộc trao đổi điện thoại diễn ra chóng vánh, đánh dấu bằng hai từ “vâng” và một lần nữa “rõ thưa ngài” do Condoleezza nói trước khi gác máy.
Vẻ phật ý, bà ta ngước mắt nhìn về phía Mark và tỏ ra hối lỗi:
– Mọi việc đã ổn, bác sĩ Hathaway, vừa nói bà ta vừa trả lại hộ chiếu cho anh. Xin thứ lỗi cho chúng tôi vì đã làm phiền ông. Tôi chúc ông và con gái ông có một chuyến bay thoải mái dễ chịu.
 
o O o
 
Bối rối vì vụ kiểm tra làm mất thể diện này, Mark quyết định hai bố con có quyền được thưởng thức một bữa sáng ngon lành. Tại quầy bar của Bon Café, hệ thống coffee-shop do một người Pháp sáng lập, anh gọi hai đĩa thức ăn đầy tú hụ rồi cùng Layla đến ngồi ở chiếc bàn nhỏ gần một chậu cảnh. Anh cảm thấy hài lòng khi thấy cô con gái đang ăn ngon lành và cô bé cắn ngập răng chiếc bánh sừng bò “theo kiểu Paris” của mình, vừa ăn vừa uống cốc nước cam. Anh cũng tự hài lòng với tách cà phê và vừa uống, anh vừa lơ đễnh nhìn tờ USA Today được phát tặng miễn phí cho khách hàng.
 
o O o
 
Ga đi ngập tràn trong làn ánh sáng trắng dịu dàng.
Khi Mark và Layla vừa rời khỏi chỗ ngồi, một cô gái trẻ liền bước đến ngay sau họ và không hề gây chú ý, cô ngồi xuống bàn của họ để uống nốt chỗ nước cam còn thừa và hộp sữa chua thậm chí còn chưa bóc.
Evie cũng tranh thủ cơ hội để liếc nhanh các tiêu đề trên báo. Một bài báo có ảnh minh họa lớn chiếm trọn nửa trang nhất:
Tỷ phú Richard Harrison tự sát
Người sáng lập tập đoàn Green Cross, một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về hệ thống bán lẻ, đã từ trần ngày hôm qua tại New York, thọ bảy mươi hai tuổi. Thi thể vị tỷ phú đã được phát hiện trên tàu thuộc sở hữu riêng, ngập trong vũng máu sau khi tự bắn một phát súng săn vào hộp so. Theo thông tin chúng tôi nhận được, Richard Harrisond đã để lại cho người thân một lá thư giải thích lý do ông hành động như vậy. Ông chủ tập đoàn, người cách đây hai năm từng tiết lộ mình mắc bệnh Alzheimer, không thể chịu đựng được tình trạng suy sút tinh thần do căn bệnh gây ra nữa.
Tang lễ sẽ được cử hành vào chiều mai tại Manhattan.
Năm 1966, tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Nebraska, Richard Harrison đã đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng đế chế của mình khi mở một cửa hàng bán thực phẩm khô với giá chiết khấu, thành công đến ngay lập tức, và ông nhanh chóng mở thêm nhiều điểm bán hàng khác, ban đầu là ở trong vùng rồi mở rộng ra phạm vi cả nước. Số lượng cửa hàng của Green Cross không ngừng tăng lên trên đất Mỹ và hiện nay, con số này đã lên tới hơn sáu trăm đại siêu thị.
Là người ý tứ, nổi tiếng vì cung cách sinh hoạt chừng mực, Richard Harrison vẫn chỉ sống trong một ngôi nhà từ ba mươi năm nay. Tiền bạc dường như không làm thay đổi chút gì trong cuộc sống hàng ngày của người lãnh đạo tập đoàn luôn chú trọng xây dựng hình ảnh “Quý ông Bình Dân” không bao giờ phô trương sự giàu sang này.
Sự kín đáo và đời sống khổ hạnh của ông đối lập hoàn toàn với cô con gái duy nhất của mình, Alyson, người luôn có những hành động ngông cuồng thường xuyên được đưa trên mặt báo lá cải.
Evie ngừng đọc, mất tập trung bởi tiếng la hét đang nổi lên ở gần khu vực cửa tự động.
Bị một đại đội thợ săn ảnh bao vây, lóa mắt vì ánh đèn flash, Alyson Harrison vừa mới bước vào nhà ga sân bay. Yếu ớt như một cành cây non, gương mặt được cặp kính râm khổng lồ che đi một nửa, Alyson vất vả chịu đựng đám chó săn hiện đang bao quanh cô và vây dồn cô bằng hàng loạt câu hỏi.
FLASH – FLASH – FLASH Alyson! Phía bên này, Alyson! FLASH FLASH Cô đã phải chịu đựng nhiều, đúng không Alyson? FLASH Mối quan hệ của với BỐ MÌNH như thế nào? Hình như cô hối hận? Và MA TÚY, cô đã ngừng sử dụng rồi phải không? Alyson! FLASH – FLASH được thừa kế MỘT TỶ ĐÔ LA có ý nghĩa như thế nào với cô? Alyson! Có anh chàng nào trong cuộc sống hiện tại của cô không? FLASH – FLASH Cô sẽ quay trở lại bệnh viện chứ? Và ma túy, Alyson? Cô không trả lời, CÔ THỰC SỰ NGỪNG SỬ DỤNG RỒI CHỨ? FLASH
Bao nhiêu câu hỏi đổ ập xuống Alyson như bấy nhiêu nhục nhã.
Thuở ban đầu, khi các phương tiện truyền thông bắt đầu chú ý đến mình, Alyson cảm thấy rất vui thích. Sau đó, cô nghĩ mình đã nắm quyền kiểm soát và sử dụng báo chí phục vụ lợi ích của mình. Rồi cô ngày càng nổi tiếng hơn và chiếc bẫy càng ngày càng khép chặt. Đến hôm nay, không ngày nào không có một tay săn ảnh hay một gã nào đó có trang bị điện thoại di động mưu toan lấy đi chút riêng tư của cô.
FLASH – FLASH
Alyson đưa một tay lên che mặt để tự vệ. Lúc ấy những kỷ niệm trỗi dậy từ quá khứ với vận tốc của một chiếc boomerang.
FLASH…
… BACK
Chú thích
[1] Tiếng Anh trong nguyên bản: Nicole Hathaway trình bày nhạc Bach. Tổ khúc cho vĩ cầm độc tấu.
[2] Ga chính lớn nhất thành phố Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ.
[3] Phong cách thời trang chú trọng màu đen trong trang phục và trang điểm, tạo cho người mặc vẻ bí hiểm, u sầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.