Tại Sao Không Là Evans

Chương 6



Ngày hôm sau, Bobby nhận được một lá thư viết với những lời lẽ chân tình của một người bạn cũ.

“Này anh bạn, mọi việc đã sắp đặt đâu vào đấy. (Badger viết cho Bobby với lời lẽ thân mật giống như ngày nào còn là bạn học của nhau cùng học một trường nơi mà cậu ta đã trau dồi được một trình độ học vấn khá xuất sắc). Hôm qua tớ đã mua được năm cái xe cũ với giá tất cả là mười lăm bảng. Hiện giờ, những cái xe tồi này chưa chạy được, nhưng chúng ta có thể mông má nó để đưa vào sử dụng. Đồ xe chết tiệt ấy mà! Nhưng ôtô là ôtô! Cải tử hoàn sinh cho nó để khách mua về sử dụng không còn những hỏng hóc lớn là chuyện mua bán coi như xong. Tớ tính mở xưởng vào thứ hai ngày tám tới và tớ trông cậy vào cậu. Đừng có để tớ bị “pan” nghe!

Chắc chắn chúng ta sẽ thành công! Ôtô vẫn là ôtô mà, nghề của chúng mình là như thế! Mua vào chẳng bao nhiêu, “mông” lại, “phất’ một lượt sơn bóng… rồi “phẩy” đĩ là xong. Mọi việc sẽ thông đồng bén giọt Bob ạ. Chú ý nhé! Thứ hai ngày tám. Tớ trông vào cậu.

Bạn cũ của cậu

Badger”

Bobby báo trước cho cha mình biết ngày thứ hai tới anh đi làm ăn ở Londres. Công việc làm ăn của anh chẳng làm cho mục sư được hài lòng cho lắm. Ông đã nói với Bobby khá nhiều lời, dặn dò cặn kẽ, cảnh báo nhiều điều nào là đừng có ký hợp đồng hoặc cam kết, đừng có nhận trách nhiệm điều hành công việc làm ăn…

Vào ngày thứ sáu cũng trong tuần lễ ấy, Bobby nhận được một lá thư làm cho chính anh cũng phải ngạc nhiên. Nội dung lá thư liên quan đến công việc làm ăn: Một công ty khai thác ở Buenos – Ayres có tên là Henriquez&Dallo muốn tuyển Robert Jones vào làm với mức lương một ngàn bảng Anh một năm. Anh sững sờ tới vài phút trước một sự thực trong như mơ. Một ngàn bảng một năm! Anh đọc lại lá thư một cách chăm chú. Người ta muốn tuyển một cựu thủy thủ (Thư không nói tên người giới thiệu). Trong trường hợp anh nhận làm phải viết thư gửi tới thương điếm của Công ty và chuẩn bị sẵn sàng để sau tám ngày có thể sẵn sàng lên đường đi Buenos – Ayres.

Bobby biểu lộ tình cảm của mình bằng một lời rủa tục tằn.

– Gì thế Bobby?

– Con xin lỗi cha. Con quên mất là đang có cha ở đây. Chả là người ta gọi con đến làm việc ở một công ty với tiền lương một ngàn bảng một năm.

Nghe tin, chính mục sư cũng sững sờ mất một lúc.

– Thật ư con, có phải ta nghe không lầm đấy chứ? Người ta tuyển con đi làm với mức lương một ngàn bảng một năm? Một ngàn bảng?

– Con nói có thực tế, cha ạ.

– Ta chẳng tin! – Mục sư thốt lên.

Bobby không hề mếch lòng về sự hoài nghi của cha mình chẳng cho sự tuyển dụng là thực. Nhưng anh cũng giống như cha mình, luôn có một niềm tự tin vào năng lực của mình. Anh lại đưa cho mục sư lá thư. Ông xem đi, xem lại.

– Thật là đáng kể! Thật là lớn lao! Người Anh chúng ta được người ta coi trọng cũng là xứng đáng. Đó là niềm tự hào chính đáng của chúng ta! Qua việc này chúng ta mới đo được sự đánh giá của các dân tộc khác đối với dân tộc ta. Chẳng phải là ngẫu nhiên mà một công ty ở Nam Mỹ chọn một chàng trai người Anh đã từng qua nhiều thử thách trong Hải quân! Còn ta thì cũng phải giữ gìn đừng phụ tấm lòng của người ta tin cậy vào lòng trung thực của mình.

– Còn hiểu điều đó thưa cha. Nhưng con thắc mắc là có nhiều người Anh có năng lực xin việc mà tại sao họ lại chọn con?

– Có thể là vị thiếu tá chỉ huy đơn vị cũ của con giới thiệu chăng?

– Vâng, có thể là như vậy. Nhưng cho dù ai giới thiệu đi nữa, con lấy làm tiếc là chẳng thể nhận lời…

– Con không thể nhận lời ư? Con từ chối sao, con của ta?

– Con đã nhận lời cộng tác mở xưởng với Badger!

– Badger! Badger Beadon! Con thật là ngu ngốc Bobby ạ! Cái tổ hợp kỳ cục này đã ám ảnh chẳng buông rời con lấy một lúc.

– Với con công việc ấy được coi trọng.

– Beadon là một chàng trai trẻ gàn dở. Anh ta đã làm hao tổn nhiều tiền bạc và gây nên nhiều chuyện buồn cho gia đình. Cái dự định mở xưởng ôtô của các con chăng mở ra một triển vọng nào tốt. Dù chỉ là sự tính toán điên rồ. Đừng nghĩ đến nữa!

– Chẳng sao thay đổi được nữa. Con đã hứa lời.

Sự tranh cãi giữa hai cha con vẫn còn tiếp tục. Mực sư chẳng thể chấp nhận khi thấy con trai mình nhận lời cộng tác với một người mà ông đánh giá là còn khờ dại, Về phía Bobby thì anh không ngừng nói với cha là anh “Chẳng thể để mặc anh bạn Badger bị suy sụp”

Kết thúc lại, mục sự giận dỗi, rời khỏi phòng, còn Bobby thì không còn do dự gì nữa, ngồi vào bàn, viết thư phức đáp cho công ty Henriquez&Dallo khước từ sự tuyển dụng của họ.

Trong lúc ngồi viết thư, anh thỉnh thoảng lại thở dài. Đúng là anh đã bỏ lỡ một cơ hội hiếm có.

* * *

Hôm sau, trên sân chơi bóng gôn, anh kể lại cho cô bạn Frankie nghe mọi tình tiết. Cô chăm chú nghe anh kể.

– Nếu anh nhận lời công ty ấy thì anh sẽ phải đĩ Nam Mỹ?

– Chứ sao?

– Và anh lấy làm thích thú?

– Đi nơi này nơi khác thì cũng thích.

Frankie thở dài:

– Nhưng tôi cho rằng anh đã hành động đúng khi từ chối họ.

– Vì tôi chẳng thể bỏ mặc một người bạn cũ một khi tôi đã nhận lời cộng tác với anh ta.

– Nhưng anh phải hết sức thận trọng, kẻo người bạn của anh lại đẩy anh vào tình cảnh lúng túng.

– Ôi! Trong sự hợp tác này tôi không có vốn để góp vào mà chỉ có tay nghề bởi vậy tôi chẳng lâm phải mối nguy cơ nào cả.

– Như vậy cũng khá là kỳ cục!

– Sao vậy?

– Là bởi vì trong sự lập nghiệp khi mà người ta chẳng đầu tư vốn liếng của mình vào thì người ta được hoàn toàn tự do và vô tư trước sự thành bại. Chứng tỏ bạn anh đã tin tưởng ở anh nhiều lắm, coi anh như người ruột thịt. Như tôi chẳng hạn, được cha tôi tin cậy giao cho điều hành, quản lý mọi thứ. Tôi được giữ tiền bạc, nhà ở, gia nhân, đầy tớ, đồ trang sức quí giá và cả các tài khoản kinh doanh trong các cửa hàng… Được tin cậy giao phó, tôi đã coi mọi tài sản của cha tôi như tài sản của chính tôi vậy.

– Trường hợp của tôi gần giống như thế…

Họ cùng im lặng.

– Ngày mai tôi đi Londres – Frankie báo cho Bobby biết tin khi tính chuẩn bị vụt quả bóng.

– Ngày mai ư? Ồ, tôi có ý định mời cô đến dự bữa tiệc quê mùa ở nhà tôi vào ngày mai.

– Anh mời thì tôi vui vẻ nhận lời ngay nhưng lần này tôi bận việc. Cha tôi cần tôi trong việc quản lý kinh doanh.

– Và cô luôn phải ở gần ông để trông nom giúp đỡ ông sao?

– Tôi quản lý mọi việc nhưng chẳng ở cùng một chỗ với cha tôi. Sự có mặt tôi bên cạnh làm cha tôi bực mình. Cha tôi thích có ở bên cạnh mình những người giúp việc bảo sao nghe vậy và không được cãi lại, cho dù bị mắng mỏ tàn tệ.

Bobby đánh quả bóng văng vào trong một bụi cây.

– Đánh trệch rồi! – Frankie nói – Dịp này cùng ở Londres, chúng ta sẽ cùng đi thăm thành phố. Anh sắp đi Londres chứ?

– Thứ hai tới… nhưng suốt ngày tôi bận sữa chữa máy móc… vậy thì…

– Vậy thì ai ngăn cấm anh đến tôi chơi vào những lúc nghỉ ngơi để cùng với các bạn tôi uống rượu cốc tây và trò chuyện?

Bobby gật đầu đồng ý.

– Frankie này… cô cứ tự nhiên tiếp đón bạn bè của cô. Giới thượng lưu thường khác với tầng lớp lao động chúng tôi!

– Nếu anh muốn, mong anh dẫn cả anh Badger tới, mọi người sẽ lấy làm hân hạnh đón tiếp các anh.

– Badger không hợp với bạn bè của cô đâu.

– Anh ấy có tật nói lắp… tất nhiên cũng trở ngại trong giao tiếp.

– Hãy nghe tôi Frankie, cứ cho tự nhiên đi. Tôi còn ở đây, quan hệ còn lâu dài. Có một số trò vui chơi giải trí tôi chưa quen, thà vắng mặt còn hay hơn là có mặt. Đối với tôi, cô đã luôn tỏ ra rất tử tế, rất đáng yêu. Cảm ơn Frankie. Nhưg tôi thì luôn tự biết mình chẳng sánh được với cô…

– Chừng nào mà anh xoá bỏ được mọi mặc cảm thì anh sẽ chơi bóng hay hơn Bobby ạ. Tôi đã thắng cuộc.

– Ta chơi nữa đi Frankie.

– Thôi cảm ơn. Tôi có nhiều việc phải làm.

Họ im lặng đi bên nhau tới chỗ lều vải nơi mà có đông thành viên của câu lạc bộ đang ngồi nghỉ.

– Chào tạm biệt tất cả các bạn nhé – Frankie cất tiếng chào và bắt tay mọi người – Thời gian về sống ở quê tôi rất hân hạnh được giao tiếp và chơi bóng với mọi người. Chúng ta sẽ có nhiều dịp gặp lại nhau.

– Chào Frankie…

– Xin có lời mời tất cả bà con dành thời gian đến thành phố dự một trong các buổi dạ hội của chúng tôi tổ chức vào tuần tới. Ở đó các bạn sẽ mua được các sản phẩm mỹ nghệ chế biến từ xà cừ với giá khuyến mại.

– Frankie…

Tiếng động cơ của chiếc ôtô Bentley mà Frankie khởi động đã làm cho mọi người chẳng còn nghe rõ những lời cô vừa nói.

Với điệu bộ vẫy tay tạm biệt kiêu hãnh của con nhà quyền quí, cô lái xe rời khỏi sân bóng.

– Chà! – Bobby thốt lên.

Cuộc truyện trò trao đổi tâm tình với Frankie vừa rồi đã làm cho Bobby cảm thấy lòng tự trọng của mình bị xúc phạm. Anh vốn là một thanh niên thật thà: vụng về trong giao tiếp, không hề biết nói những lời dối trá.

* * *

Ba ngày tiếp theo đối với anh sao mà dài thế.

Mục sư bị viêm phế quản và tiếng nói của ông khàn khàn nhỏ nhẹ. Bất lực chẳng khuyên bảo nổi người con trai thứ tư của mình khăng khăng chọn nghề theo ý riêng, mục sư đành giữ thái độ chịu đựng giống như một con chiên ngoan đạo vâng theo ý Chúa.

Thứ bẩy đó, không chịu đựng nổi không khí nặng nề của gia đình, Bobby khẩn khoản đề nghị với bà Robert cùng với chồng chăm lo công việc trong nhà xứ và chuẩn bị giúp cho anh đồ hành lý, bánh săng uých để anh kịp lên đường đi Londres. Vào làng Marchbolt anh mua một chai bia rồi đi bộ ra bến xe.

Trong lúc chờ xe, anh nằm dài trên một sườn dốc dưới bóng những cây dương xỉ và tự hỏi có nên ăn trước rồi nằm nghỉ hoặc ngược lại. Đang phân vân thì mắt anh đã díu lại vì buồn ngủ và anh đã chợp đi lúc nào không biết.

Khi tỉnh tỉnh dậy thì đã ba rưỡi chiều! Anh lấy bánh săng uých ra và ăn ngon lành. Thở mạnh khoan khoái, anh mở nút chai bia để uống. Bia có vị đắng khác thường nhưng mát lạnh vì ướp đá…

Ném mạnh vỏ chai vào bụi rậm, anh lại ngả lưng lên nệm cỏ.

Anh cảm thấy hạnh phúc, lòng đầy tin tưởng, tự hào vì đã vượt qua được mọi thử thách. Những dự định tươi đẹp hiện ra rực rỡ trong óc anh.

Rồi một cơn buồn ngủ tràn tới, anh chẳng sao cưỡng nổi… Anh ngủ lịm đi…

Anh ngủ như chết…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.