Tại Sao Không Là Evans
Chương 8
-Ồ ! Chào anh bạn! Hôm nay anh có khoẻ không? – Frankie, hôm sau y hẹn, lại đến thăm Bobby.
Bobby biểu lộ một thái độ nôn nóng cao độ:
– Đây là tấm ảnh mà hôm vừa rồi cô nhắc tới. Cô nói với tôi là họ đã sửa lại, nhưng tôi thấy nó hoàn toàn giống bà Cayman.
Anh chỉ vào tấm ảnh khá rõ in trên tờ tạp chí “Thời báo hàng tuần” vùng Marchbolt với đoạn tin vắn: Tấm ảnh tìm thấy trong túi người bị nạn thảm khốc ở vách đã và nhờ có tấm ảnh đó mà người ta tìm được bà Amélia Cayman, chị gái của nạn nhân.
– Đúng thế! Và tôi vẫn giữ ý kiến của tôi là người đàn bà trong tấm ảnh chẳng có gì là hấp dẫn như anh đã chẳng ngớt lời ca ngợi.
– Tôi cũng thấy là như vậy.
– Thế thì tại sao hôm ở toà án về anh nói là…?
– Vì đấy chính là điều chẳng được rõ ràng. Hãy nghe tôi nói, Frankie – và anh nói với giọng nghiêm túc – đó chẳng phải là tấm ảnh mà tôi thấy và để lại trong túi người chết…
Hai người nhìn nhau im lặng chẳng nói điều gì.
Một lát sau Frankie nói:
– Trong trường hợp này thì…
– Hay là có hai tấm ảnh?
– Điều này… cũng chưa chắc lắm…
– Hay là…
Ngừng một lát, Frankie chợt kêu lên:
– Còn người đàn ông ấy! Tên ông ta là gì nhỉ?
– Bassington-ffrench – Bobby trả lời .
Cả hai, người nọ nhìn người kia, cố suy đoán để gỡ rối mớ bòng bong.
– Có thể là Bassington-ffrench không nhỉ – Bobby nói – ngoài tôi là nhân chứng, còn có người đàn ông này có cơ hội nhìn thấy tấm ảnh.
– Hoặc giả, như vừa rồi chúng ta nói, có hai tấm ảnh chăng?
– Giả thiết này cũng khó đứng vững. Giả sử là có hai tấm ảnh đi nữa thì muốn tìm lai lịch nạn nhân, cảnh sát phải căn cứ vào cả hai tấm ảnh đó… chứ chẳng phải là một.
– Xác định xem là mấy tấm ảnh thì cũng dễ thôi, cứ hỏi cảnh sát là biết. Nhưng lúc này tôi muốn nói đến trường hợp chỉ có một tấm ảnh thôi, tấm ảnh mà anh để lại vào túi nạn nhân. Khi anh rời khỏi vực sâu thì tấm ảnh vẫn còn, nhưng khi cảnh sát tới nơi thì nó đã biến mất: người duy nhất có thể thừa cơ đánh tráo tấm ảnh khác, chỉ có thể là Bassington-ffrench. Người đàn ông ấy ra sao Bobby?
Bobbu chau mày cố gợi nhớ lại hình dáng người đàn ông mà anh đã gặp.
– Cũng khó mà tả nổi về con người mà tôi gặp trong thời gian ít ỏi đó. Tiếng nói dễ nghe. Cách cư xử xem ra lịch thiệp. Hình dáng không có nét gì đặc biệt. Ông ta nói với tôi là mới từ nước ngoài về, muốn tìm thuê một ngôi nhà ở vùng này.
– Xác minh việc người ấy tìm nhà để thuê thì chẳng khó chút nào. Hai cơ sở địa chính ở địa phương Wecler và Owen quản lý công việc này ở Marchbolt, ta đến hỏi là biết ngay. Nhưng Bobby này… – Frankie nói với người bạn trai sự xét đoán của mình – Anh có cho rằng trong trường hợp Pritchard bị đẩy từ trên vách đá xuống thì… chính Bassington-ffrench là kẻ phạm tội…
– Không thể như thế được! Một người đáng yêu như thế. Thử xem lại đi Frankie! Căn cứ vào đâu mà cô cho rằng Pritchard đã bị ai đó giết hại?
– Tôi chắc chắn là như thế!
– Thì ngay từ lúc đầu cô đã xét đoán như thế, nhưng đó mới chỉ là giả thiết…
– Còn giờ đây hành động giết người của tên sát nhân đã lộ ra những bằng chứng bắt hắn phải nhận tội: Sự có mặt của anh ở nơi xảy ra tai nạn đã làm cho mưu toan của chúng bị đảo lộn, nếu anh biết cả tấm ảnh trong túi nạn nhân nữa thì mưu gian của chúng càng bị lộ tẩy bởi vậy chúng cần phải loại trừ anh.
– Tôi thấy cách lập luận của cô vẫn còn kẽ hở.
– Kẽ hở nào? Anh là người duy nhất đã nhìn thấy tấm ảnh. Và khi Bassington-ffrench ở lại trông thi hài người chết thay anh thì hắn đã tráo tấm ảnh mà ta thấy trên báo đây.
Nhưng Bobby lắc đầu:
– Tôi nói có kẽ hở tức là không chặt chẽ. Không chặt chẽ ở chỗ: nếu vì sợ lộ tấm ảnh đánh tráo mà phải loại trừ tôi, thì chúng phải làm ngay trước hôm có phiên họp bồi thẩm ở toà. Vì rằng khi nhìn thấy tấm hình in trên tuần báo Marchbolt (cũng là tình cờ tôi bận việc phải đi Londres nên không đọc báo) tất nhiên tôi sẽ kêu lên: Không phải tấm ảnh tôi nhìn thấy! Nhưng tại sao sau khi hội đồng bồi thẩm không hề nhắc tới tấm ảnh và kết luận của phiên toà cũng không có gì là nguy hại đến chúng mà chúng vẫn tiến hành mưu sát tôi?
– Những lời anh nói thật có lí!
– Một điều khác nữa tôi chẳng thể khẳng định hoàn toàn nhưng tôi cho rằng Bassington không hề nghi ngờ gì tôi biết chuyện hắn đánh tráo tấm ảnh. Tôi nhớ lại là chỉ khoảng mười phút sau lúc xảy ra tai nạn, anh ta đã xuất hiện.
– Hắn đã dõi theo anh suốt chăng?
– Chẳng thể như thế được! Nơi vách đá tai nạn chỉ có một chỗ có thể nhìn xuống vực được mà thôi. Vả lại vách đá lởm chởm và ở dưới sâu thì nghiêng dần. Khi Bassington đến tôi nghe thấy tiếng chân anh ta dội từ trên xuống. Cũng có thể lúc đó hắn ta đi dạo quanh gần đấy nhưng chẳng thể nhìn thấy tôi… Điều ấy tôi có thể cam đoan là đúng.
– Vậy thì anh cho rằng hắn không nghĩ là anh biết tấm ảnh.
– Làm sao mà hắn biết được.
– Anh có cho rằng hắn sợ anh chứng kiến hành động giết người của hắn? – Nói đến đây Frankie như chợt nghĩ ra điều phi lí của mình nên cô tự giải đáp tiếp – À, mà không! Nếu anh chứng kiến thì anh đã chẳng để yên… Chúng ta phải suy nghĩ thêm…
– Sự việc diễn biến ra sao nhỉ…?
– Vậy còn có điều gì làm “chúng” lo ngại sau buổi họp hội đồng bồi thẩm.
– Cố nói “chúng” chứ chẳng phải chỉ là “hắn”.
– “Chúng” lo là cái chắc. Vợ chồng Cayman là đồng bọn bởi vậy “chúng” lo sợ người ta phát hiện ra sự gian trá của chúng. Chắc chắn là chúng hoạt động theo băng nhóm.
– Lập luận của cô nghe có lý.
Nhưng Bobbv này! Còn một điều nữa…
– Điều gì?
– Pritchard đã nói gì… trước lúc chết? Câu hỏi cuối cùng của anh ta thật là lạ lùng có phải không?
– Tại sao không là Evans? Câu hỏi đã chẳng làm cho ta hiểu được điều gì cả.
– Với anh thì đúng là câu nói chẳng có ý nghĩa gì, nhưng với bọn tội phạm thì có thể tiết lộ một điều gì đó rất là quan trọng đối với chúng. Anh không nói gì với vợ chồng Cayman đấy chứ?
– Có, ngay buổi tối hôm đó tôi viết thư cho họ và nói thêm là câu nói đó thật vô nghĩa.
– Rồi sau đó…?
– Cayman trả lời thư rằng: cũng như tôi nhận định, câu nói chẳng có một ý nghĩa gì đặc biệt nhưng dù sao họ cũng cám ơn tôi đã có lòng tốt viết thư báo cho họ biết. Lời lẽ lá thư ngụ ý chế diễu tôi.
– Và rồi hai ngày sau anh nhận được giấy báo của một công ty nước ngoài mời anh nhận một việc làm ở Nam Mỹ với đống tiền lương hậu hĩnh? Thế rồi việc gì lại xảy ra tiếp? Anh đã từ chối lời đề nghị đó khiến bọn chúng bố trí người theo dõi anh, tranh thủ cơ hội thuận lợi để đầu độc anh.
– Cô cho rằng vợ chồng Cayman cũng nhúng tay vào vụ này?
– Tất nhiên!
– Có thể sơ bộ tóm tắt các việc đã xảy ra như sau: X… nạn nhân đã bị đẩy từ mép vách đá xuống vực bởi B… F… (tôi nói tắt cho tiện). Điều đó chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Để đánh lạc cuộc điều tra của cảnh sát, chúng đã tráo tấm ảnh của bà C. thay cho tấm ảnh một người phụ nữ xinh đẹp có trong túi áo người chết. Người phụ nữ ấy là ai?
– Anh chớ có lan man xa đề! – Frankie nghiêm nghị trách bạn.
– Bà C… chờ cho đến lúc cảnh sát phát hiện ra tấm ảnh của mình, liền ra mắt đóng vai người chị khóc sướt mướt của X… người em của bà ta vừa ở các nước thuộc địa về.
– Anh cũng không tin nạn nhân là em bà ta sao?
– Tôi chẳng tin một chút nào. Quan hệ ruột thịt mà họ khai ở toà làm tôi khó chịu và hoài nghi ngay từ lúc đầu. Người đàn bà nhận là chị và có chồng tên là Cayman đó thuộc về một tầng lớp xã hội khác biệt với người chết. Tôi có ấn tượng là người chết thuộc tầng lớp trên…
– Và vợ chồng Cayman thì chỉ là bọn vô lại tầm thường. Mưu toan của chúng nhằm làm lẫn lộn thật giả: người chết là em của bà Cayman, được toà án xác nhận là chết vì tai nạn. Sự gian trá của chúng đã làm rối tung mọi việc.
– “Tại sao không là Evans?” nói lên điều gì nhỉ. Tôi chịu chẳng sao hiểu nổi điều bí ẩn của câu nói đó – Bobby thú nhận với bạn.
– Bởi vì anh chẳng nắm hết mọi diễn biến của những việc xảy ra từ trước nên tất nhiên anh không hiểu được. Nhưng với những tên tội phạm thì câu nói này có một ý nghĩa xác định có nguy cơ phanh phui hành động phạm pháp của chúng. Chúng thừa hiểu là anh không nắm được gì qua câu nói.
– Hai tên khốn kiếp…!
– Có thể như thế… và cũng có thể chúng lo rằng Pritchard còn kịp tiết lộ điều gì khác nữa với anh và rồi tới một lúc nào đó anh suy đoán ra, bởi vậy chúng thấy cần thiết phải loại trừ anh bằng mọi giá.
– Tại sao chúng không đạo biển thêm một “tai nạn” nữa nhỉ?
– Chúng làm sao mà thực hiện nổi hai “tai nạn” trong cùng một tuần lễ. Cảnh sát rất dễ suy đoán mối liên quan giữa hai vụ và sẽ lục lại vụ đầu tiên. Càng đi sâu vào vụ án càng thấy bọn tội phạm cực kỳ liều lĩnh và nham hiểm.
– Cô có cho rằng chẳng phải là dễ dàng gì để có một lượng moóc phin như lượng thuốc chúng đã sử dụng?
– Đúng thế, để có một lượng moóc phin như vậy, phải có đơn của bác sỹ, và phải ký vào sổ sách của một cửa hàng thuốc. Rõ ràng đây cũng là một dấu hiệu phạm thêm một tội khác, không chừng tên tội phạm đã có thể tự cấp chất ma túy.
– Một thầy thuốc, một y tá bệnh viện hay là một chủ hiệu thuốc tây?
– Theo nhận xét của riêng tôi, chúng có thể cấu kết hoặc chính chúng là những tên buôn bán chất ma túy. Cứ xem như việc chúng mưu sát anh mới thấy thủ đoạn giết người của chúng tin vi biết chừng nào. Chẳng ai khám phá ra nổi động cơ nào khiến chúng giết anh, có lẽ cả cảnh sát cũng khó mà điều tra ra.
– Có lẽ cảnh sát sẽ qui cho một thằng điên nào đó định giết tôi. Và việc mưu sát tôi không thành thì…
Bobby cười ròn rã.
– Anh cười gì vậy?
– Tôi cho rằng bọn chúng tức đến chết mất. Cô thử nghĩ xem: lãng phí một lượng moóc phin đủ để giết năm, sáu người… để giết mình tôi cho nhanh, vậy mà tôi cứ sống tốt, lại mạnh khoẻ là khác!… Giờ đây chúng ta phải làm gì nhỉ?
– Trước hết phải xác minh thật chính xác xem là một hay hai tấm ảnh. Mặt khác tìm hỏi kĩ lai lịch của Bassington-ffrench. Việc hắn tìm mua nhà có chính xác hay không?
– Nếu B… F… không có điều gì đáng ngờ, không có quan hệ gì với người bị nạn và có lý do rõ ràng khi về cư trú ở vùng này thì cũng phải xem kỹ cái lý do đó có phải là cái cớ giả tạo mà hắn viện ra để che đậy những mục đích khác của hắn. Nhưng chưa điều tra kỹ, ta chẳng nên sớm quy cho sự xuất hiện của “một người nước ngoài đáng nghi có mặt ở trong vùng gần nơi xảy ra tai nạn”. Tôi cho rằng Bassington-ffrench là tên thật của hắn và có lẽ anh ta chẳng dính dáng gì đến vụ án.
– Anh nói có lý, ta chẳng nên sớm giả thiết về mối quan hệ giữa Bassington-ffrench và Alex Pritchard… chừng nào mà ta chưa rõ về lai lịch người chết…
– À nếu chúng ta biết rõ lai lịch người chết thì lại khác.
– Và điều mắc mứu khó khăn nhất là làm sao biết được lai lịch người chết… từ đó mới có thể hiểu rõ vợ chồng Cayman mạo nhận là người thân của nạn nhân nhằm mục đích gì. Cho in ảnh giả mạo lên báo chí, bọn chúng quả thật là liều lĩnh.
– Chắc bọn chúng nắm vững là ngoài người chết ra chẳng có ai phát hiện nổi sự mạo nhậ này.
– Bởi vậy ta suy ra một điều nữa là nạn nhân phải là một người mà cho dù có chết hay mất tích cũng chẳng ai quan tâm đến. Chắc chắn là anh ta chẳng có gia đình, nếu không thì vợ anh ta hoặc người thân phải đến trình báo với cảnh sát về sự mất tích của anh ta.
– Giỏi lắm Frankie! Người đàn ông đó sống ở nước ngoài, trong một xứ thuộc địa. Lớp da sạm nắng của anh ta làm tôi nghĩ tới các nhà khai khẩn ở các vùng đất mới. Hình như anh ta chẳng có họ hàng thân thích ở trong nước.
– Sự suy đoán của chúng ta cứ sáng rõ dần. Tôi hy vọng là mọi giả thiết của chúng ta về cơ bản chẳng đến nỗi có sai lầm gì lớn… Giờ đây tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiến hành làm ba việc cần thiết.
– Tôi nghe đây!
– Thứ nhất anh phải tự đề phòng. Chúng mưu giết anh chưa được, chắc chắn chúng còn tiếp diễn, anh là miếng mồi ngon của chúng
– Cảm ơn Frankie! Lần này tôi đã gặp may mắn thoát chết, còn tiếp theo… Không, tôi chẳng chịu phơi mình cho chúng giết tôi đâu.
– Tôi cũng tin như vậy. Thời đại chúng ta, bọn tội phạm chẳng còn tính người!
– Cô cứ tiếp tục đi, công việc thứ hai?
– Là tìm lời đáp cho câu nói bí ẩn của người chết: Tại sao không là Evans? Chúng ta phải tìm hiểu cho bằng được ai là Evans. Vì rằng có thể là nạn nhận chỉ đến vùng này để tìm gặp người có tên Evans. Anh có cho rằng có một Evans nào đó ở vùng ta?
– Hàng trăm… có vô số Evans… và đó chính là khó khăn.
– Khi chúng ta đi sâu vào cuộc điều tra, chúng ta sẽ tìm ra phương án thích hợp. Tôi nói luôn công việc thứ ba: đó là phải biết rõ về Bassington-ffrench. Muốn biết, ta phải căn cứ vào danh bạ các dòng họ. Tôi sẽ hỏi thêm cha tôi về việc này. Cha tôi biết hết về những gia đình bề thế trong vùng.
– Tôi tán thành các ý kiến của cô, và ta sẽ tiến hành làm không chậm trễ. Tôi chẳng muốn để yên những kẻ đã đầu độc tôi một cách cực kỳ dã man, bắt tôi phải trải qua những phút chịu đựng như khổ hình khi bệnh viện bơm nước vào để tẩy rửa ruột cho tôi.
– Thôi khỏi phải nói, Bobby. Việc đã qua rồi, nhắc lại chỉ thêm rầu lòng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.