Tại Sao Không Là Evans

Chương 12



“Thế là ta đang nằm ngay tại hang ổ của tên giết người. Phải hết sức cảnh giác!”. Frankie tự nhủ. Có tiếng gõ nhẹ ngoài cửa và bà Bassington-ffrench bước vào.

Frankie nhổm dậy khỏi gối một cách khó nhọc.

– Xin phu nhân thứ lỗi cho tôi – Frankie nói bằng giọng yếu ớt – tôi lấy làm quấy quả phu nhân nhiều quá.

– Tiểu thư chẳng hề quấy quả gì cả.

Frankie, lại một lần nữa nghe giọng nói dịu dàng thản nhiên với những âm nhấn kiểu Mỹ, chợt nhớ là huân tước Marchington đã kể với cô là Bassington-ffrench ở Hampshire đã cưới một cô gái Mỹ được thừa hưởng một gia tài lớn.

– Bác sỹ Arbuthnot có nói cho tôi biết là tiểu thư sẽ bình phục mau chóng nếu như chịu nằm bất động và tĩnh tại.

Trong lúc truyện trò, đã vài lần Frankie định nói đến những “sai lầm” hoặc “sự chết” để gây ấn tượng về “cái tai nạn thực” nhưng rồi sau đó lại thôi vì e rằng lỡ mồm thốt ra những lời dại dột.

– Hình như có một thầy thuốc nào đó đã cứu chữa cho tôi?

– Đúng vậy – phu nhân Bassington-ffrench trả lời – tiểu thư đã gặp may. Có một bác sĩ tình cờ đã lái xe qua và đã kịp thời sơ cứu, khám thương tích và giúp đỡ hết lòng. Nhưng… tiểu thư chẳng nên nói nhiều kẻo mệt. Tôi sẽ cho một người hầu phòng của tôi đến đây ở bên cạnh giúp đỡ tiểu thư.

– Phu nhân đã tốt với tôi quá!

Còn lại một mình, Frankie chợt thấy lương tâm cắn rứt. Đây có lẽ là lần đầu cô cảm thấy mình đã có những hành động và lời nói giả dối đối với người chủ nhà, một phụ nữ hiền lành tử tế, khó mà có thể nghĩ rằng bà ta có thể lừa dối ai.

Cho đến lúc này vẫn còn bị ám ảnh bởi ý nghĩ Bassington-ffrench là kẻ giết người, Frankie không thể mau chóng gạt bỏ cảnh giác đối với những người thân ông ta.

“Chẳng cần suy nghĩ gì nhiều – cô thầm nghĩ – ta sẽ điều tra đến cùng. Nhưng giờ đây có lẽ ta cũng không cần tỏ ra quá vồn vã với bà ta”.

Cả một buổi chiều hôm đó dài như bất tận, Frankie nằm dài trong căn phòng mà người ta cố ýlàm dịu ánh sáng. Bà Bassington-ffrench có hai lần đến thăm hỏi, nhưng lại đi ngay.

Ngày hôm sau, Frankie chẳng thể chịu thêm thứ ánh sáng mờ tối nên đề nghị đừng để cô nằm một mình. Bà chủ liền đến ngồi bên chuyện trò với cô khá lâu. Hai người đàn bà làm quen với nhau và trở nên thân thiện dần trong quá trình chuyện trò và cuối cùng Frankie, cho dù tình cảm có đôi lúc giả tạo, nhưng thấy giữa mình và bà ta đã nảy sinh một mối thiện cảm bạn bè.

Bà Bassington-ffrench nói nhiều về chồng và đứa con trai của bà tên là Tommy. Frankie nhận xét và thấy bộc lộ ở người đàn bà này những tình cảm gắn bó với gia đình, nhưng cũng nhận ra là hạnh phúc gia đình của bà ta dường như có điều gì đó bất hạnh mà Frankie chưa thể biết ngay được ở lúc này.

Ngày thứ ba, Frankie đã có thể đi lại nhẹ nhàng được và cô đã đến chào ông Bassington-ffrench. Đó là một người đàn ông khoẻ mạnh, mặt to vẻ duyên dáng nhưng lại có vẻ đãng trí. Suốt ngày ông ta giam mình trong phòng làm việc. Frankie nhận xét là ông ta rất yêu vợ, nhưng lại ít dành thời gian chăm sóc đến vợ mình để cho bà ta làm đẹp một mình chẳng được chồng khích lệ.

Tommy, cậu con trai lên chín tuổi của họ, là một cậu bé khoẻ mạnh, nghịch ngợm. Sylvia Bassington-ffrench rất yêu quí con.

– Ở đây thật là tuyệt! – Frankie nằm dài trên một ghế dựa dài ở trong vườn, nói lên cảm tưởng của mình với phu nhân Bassington-ffrench.

– Nếu tiểu thư cảm thấy dễ chịu – Sylvia trả lời giọng đều đều – mời tiểu thư ở lại thêm một thời gian. Chẳng có gì phiền hà đối với chúng tôi cả. Chắc tiểu thư cũng không có việc gì gấp phải trở lại Londres ngay. Cô thật vui tính và đáng yêu! Sự có mặt của cô làm cho tôi vui thêm nhiều. Tôi tin rằng chúng ta trở thành bạn bè của nhau.

Những đối với Frankie, thì trong thâm tâm lại cảm thấy ngượng ngùng. Cô đang có mặt ở đây để dò xét điều tra họ… thật chẳng thiện ý chút nào! Cô nghĩ đến chuyện trở lại Londres.

Bà chủ nhà nói tiếp:

– Những ngày sống ở Merroway với chúng tôi, đối với tiểu thư có lẽ là tẻ nhạt. Ngày mai người em chồng tôi sẽ trở về đây: Roger là một con người thiệp đời biết cư xử, chắc chắn sẽ làm cho cô hài lòng.

– Ông ta cùng ở đây sao?

– Chỉ thảng hoặc thôi. Chú ấy chẳng ở một nơi nào lâu bao giờ. Chú ấy thường nói thích sống nay đây mai đó; nói như vậy thì cũng chẳng phải là hoàn toàn vô lí, nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ chú ấy chẳng làm được việc gì có ích cho đời. Sự giao du của chú ấy cũng khác người, thường là chơi bời thân với những người giàu có ở tầng lớp trên. Thường là những người cừ khôi, cả Roger cũng vậy… Thời gian thằng bé Tommy nhà tôi bị ốm, nếu không có chú ấy thì tôi cũng chẳng biết xoay sở ra sao nữa.

– Cháu bị ốm ra sao?

– Nó bị ngã khi chơi đu. Cọc đu bị ải mục nên bị gẫy. Roger đã rất bối rối trong vụ này vì chính chú ấy đẩy đu và đã đẩy quá cao để làm cho đứa bé thích. Lúc đầu chúng tôi lo lắm vì đứa bé bị chấn thương nặng ở cột sống; may làm sao, không đến nỗi bị trầm trọng và bây giờ Tommy đã bình phục và khoẻ mạnh.

– Đúng vậy, chú bé thật khoẻ mạnh và đáng yêu – Frankie nhận xét khi nghe thấy tiếng cậu bé chơi đùa từ xa.

– Chúng tôi rất vui sướng thấy cháu vẫn khoẻ mạnh sau hai lần bị tai nạn. Mùa đông năm ngoái nó suýt bị chết đuối.

– Thật vậy sao? – Frankie hỏi.

Frankie nghe qua đã đánh giá được ngay những hành động giết người nham hiểm của Roger Bassington-ffrench. Hắn quả là một “chuyên gia” gây nên các vụ tai nạn? Cô thấy bất bình và chẳng nghĩ tới việc trở về Londres ngay nữa.

– Nếu sự có mặt của tôi chẳng làm cho phu nhân khó chịu thì tôi có thể ở lui lại ít ngày nữa… nhưng chẳng rõ ông nhà ta có coi điều ấy là bất tiện?

Bà Bassington-ffrench thoáng lộ vẻ buồn bã khá lạ lùng.

– Henry ư? Không đâu! Anh ta chẳng quan tâm đến những việc như thế! Anh ta thờ ơ với mọi thứ.

Frankie cảm thấy lạ lùng khi nghe bà ta nói. Cô nhận ra thái độ chân thành của người chủ nhà. Cô nghĩ thầm: “Người phụ nữ này đã thật thà tâm sự với ta cả những chuyện kín đáo trong gia đình”.

Henry Bassington-ffrench đến gặp hai người đàn bà trẻ vào giờ uống trà. Frankie có dịp quan sát ông ta ở nơi gần nhất. Ông thuộc tầng lớp quí tộc cũ vùng quê hâm mộ thể thao và ưa chuộng cuộc sống lành mạnh. Nhưng dường như con người này chẳng còn giữ được nguyên cái phong cách của giai cấp mình, đôi khi biểu lộ ra nét mặt những trạng thái bị kích thích, có lúc cau mày giận dữ, có lúc trả lời người hỏi mình bằng những câu trả lời nhát gừng đầy vẻ cay đắng; có lúc thì lại thần ra như người đang mơ mộng.

Tuy nhiên chẳng phải là ông ta đã hoàn toàn mất gốc. Buổi tối hôm đó trong bữa ăn, thái độ của ông ta hoàn toàn khác. Ông vui vẻ, hoạt bát kể những câu chuyện dí dỏm, nét mặt đầy vẻ cởi mở. Nhưng thật là la lùng đối với Frankie khi cô nhận ra vẻ sầu não lo lắng trong ánh mắt của phu nhân Sylvia.

Với sự xét đoán nhạy bén của mình, Frankie cho rằng chẳng phải con người này, Henry Bassington-ffrench đã nhúng tay vào tội ác mà chính là người em ông ta. Roger Bassington-ffrench đã có mặt ở Marchbolt và đẩy người lạ mặt xuống vực sâu.

Frankie đang nóng lòng mong đợi để gặp mặt người em của chủ nhân toà lâu đài. Cứ mỗi khi nghĩ đến hắn, cô lại cảm thấy khó chịu vì linh tính cũng như mọi xét đoán đã mách bảo cô rằng hắn chính là tên giết người.

Để chuẩn bị cho cuộc đối mặt khỏi rơi vào những sai lầm quá khích, cô đã phải tự xác định cho mình thái độ kiềm chế.

* * *

Roger Bassington-ffrench đến lâu đài vào chiều hôm sau.

Frankie chỉ gặp ông ta vào lúc uống trà, vì tiểu thư vẫn còn phải “nghỉ ngơi” tĩnh tại ở phòng riêng.

Khi nhìn thấy cô trên nền cỏ nơi có các bàn trà, Sylvia tươi cười giới thiệu:

– Đây là người bị tai nạn, tiểu thư Frances Derwent, xin giới thiệu đây là Roger, em rể tôi.

Frankie nhìn thấy một người đàn ông còn trẻ khoảng ba mươi tuổi, to con, hoàn toàn khớp với mô tả của Bobby trước đây. Cô cũng nhận ra anh ta có đôi mắt xanh khá đẹp.

Họ bắt tay nhau rất tình cảm.

– Rất hân hạnh… dường như tiểu thư muốn san bằng tường lũy của trang viên? – Người đàn ông mới đến tươi cười hỏi.

– Tôi lái xe thật là tồi… nhưng cũng phải nói là tôi đã gặp phải một cái “xe già nua”, hôm đó xe của tôi đang sửa chữa.

– May mắn làm sao, một thầy thuốc tình cờ lái xe qua đó, đã tới cứu và điều bị cho tiểu thư Frances – Sylvia nói.

– Vâng, ông ta thật là tốt – Frankie tán thưởng lời của Sylvia.

Cậu bé Tommy đến vào lúc mọi người đang uống trà, reo lên rồi nhảy đu lên cổ chú Roger.

– Chú đã đem đến cho cháu đòan tầu Hornby chưa? Chú đã hứa với cháu rồi mà!

– Ngoan nào, Tommy, thật là xấu khi lúc nào cũng xin xỏ! – Sylvia mắng yêu con.

– Điều đã hứa là điều phải làm. Chú đã mang đoàn tầu về cho cháu rồi… Henry sao không tới uống trà với chúng ta?

Sylvia trả lời với giọng nói buồn rầu:

– Tôi cũng chẳng rõ. Có thể là hôm nay anh Henry không được khoẻ… Ồ! Roger, tôi rất vui khi thấy chú về thăm nhà!

Roger đặt tay lên cánh tay người chị dâu:

– Chị cứ lo lắng nhiều làm gì, chị Sylvia. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả!

Sau lúc uống trà, Roger chơi đùa với đứa cháu.

Frankie quan sát họ, tư tưởng cô nảy sinh nhiều ý nghĩ mâu thuẫn với nhau.

Một con người hiền lành, dễ mến như vậy thì có thể là một tên giết người được không nhỉ?

Qua cuộc tiếp xúc này, dường như cô cũng thấy phải xem lại sự xét đoán của mình. Chưa chắc Roger Bassington-ffrench đã đẩy Pritchard xuống vực. Vậy thì ai nhỉ?

Chẳng còn ai khác nữa… nhưng cuối cùng cô gái vẫn không chịu từ bỏ giả thiết người chết đã bị ai đó giết chết. Nhưng kẻ nào đã gây ra tội ác ban đầu và sau đó kẻ nào đã bỏ moóc phin vào chai bia của Bobby?

Vì có liên quan đến moóc phin, ý nghĩ của Frankie chợt lại loé lên điều nghi hoặc về đôi mắt đờ dại khác thường của Henry Bassington-ffrench, chồng của Sylvia. Liệu người đàn ông này có mắc nghiện ma túy không?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.