Tại Sao Không Là Evans
Chương 13
Một việc khá lạ lùng, mà Frankie, trong quá trình điều tra những điều bí ẩn trong vụ án, đã nghe được do chính mồm của Roger nói ra vào ngày hôm sau.
Hai người vừa chơi xong một hiệp tennis. Họ nghỉ giải lao và cùng uống đồ ướp lạnh.
Họ chuyện trò với nhau về nhiều vấn đề và Frankie bị cuốn hút bởi sự từng trải của một con người đã từng đi nhiều, hiểu rộng, hầu như gần khắp cả thế giới. Cô gái thừa nhận rằng cái người mà Sylvia cho là ‘vô tích sự’ cho lợi ích gia đình ấy đã đối lập và hơn hẳn người anh trên nhiều mặt.
Một phút yên lặng giữa hai người. Roger lại tiếp tục nói và lần này giọng nói của anh có vẻ trang nghiêm:
– Tiểu thư Frances này, có thể là cô sẽ cười tôi. Tôi vừa quen biết cô chưa đầy bốn mười tám tiếng đồng hồ mà cô đã là người duy nhất mà tôi muốn xin một lời khuyên về một chuyện bối rối trong gia đình chúng tôi.
– Một lời khuyên?
– Đúng vậy. Tôi chẳng biết nên giải quyết thế nào.
Roger ngừng lời một lát. Người hơi cúi xuống phía trước, lắc lư chiếc rakét giữa hai đầu gối của mình, trán nhăn lại, anh ta có vẻ như đang suy nghĩ điều gì khiến cho anh ta xúc động lắm.
– Đó là chuyện người anh của tôi…
– Chuyện ra sao?
– Anh tôi đã nghiện ma túy. Tôi không nói sai…
– Căn cứ vào đâu mà anh khẳng định như vậy?
– Nhiều biểu hiện của cơn nghiện đã bộc lộ ra ngoài. Dáng vẻ phờ phạc, ánh mắt đờ dại, sự thay đổi tính khí. Tiểu thư cứ quan sát đôi mắt của anh ta sẽ thấy. Đồng tử thu nhỏ chẳng còn thần.
– Tôi công nhận ở con người anh ta có những biểu hiện như anh vừa nói. Theo anh thì anh ta nghiện loại ma túy gì?
– Moóc phin, hoặc cũng có thể là thuốc phiện.
– Nghiện ngập đã lâu chưa?
– Khoảng sáu tháng rồi. Tôi nhớ lại là có một dạo anh ấy kêu mất ngủ. Tôi cho rằng anh ấy mắc nghiện từ ngày ấy.
– Anh ta mua chất ma tuý ở đâu?
– Tôi cho rằng qua đường bưu điện. Cô có nhận thấy thái độ nôn nóng chờ đợi của anh ấy vào những lúc uống trà?
– Đúng như thế.
– Tình trạng thẫn thờ như người mất hồn chắc chắn là do hết thuốc. Khi buổi phát thư lúc sáu giờ qua đi, anh ấy vào phòng riêng đóng cửa lại và ở đo cho đến bữa ăn tối mới ló mặt ra.
Frankie gật đầu công nhận đều Roger nói là đúng.
– Những những gói ma tuý đó đã từ đâu gửi đến cho anh ta nhỉ?
– Tôi cũng chẳng rõ. Có điều chắc chắn là những người thầy thuốc thận trọng chẳng dám cung cấp cho anh ta kiểu ấy. Có thể là từ các cửa hàng thuốc làm ăn phi pháp hoặc những kẻ buôn bán chất ma tuý gửi đến cho anh ta sau khi đã nhận được tiền đặt mua trả trước.
Frankie trở nên nghĩ ngợi. Như vậy rõ ràng là ngay từ lúc khởi đầu cuộc điều tra, mang tính cách cá nhân, cô đã đặt chân lên lối mòn của bọn buôn bán chất ma tuý. Chính là người mà cô và Bobby nghi là tội phạm giết người đã cuốn hút sự chú ý của cô vào hành động phạm pháp khác ít liên quan đến mục đích điều tra của cô. Vậy Roger Bassington-ffrench là kẻ phạm tội hay vô tội?
Tuy nhiên việc đánh tráo tấm ảnh vẫn chưa thể giải thích. Một mặt Roger bộc lộ những dấu hiệu phạm tội, mặt khác hắn cũng có một nhân cách chững chạc…
Tạm gác những điều suy nghĩ, Frankie ngước mắt nhìn Roger rồi hỏi:
– Tại sao anh lại cần đến lời khuyên của tôi?
– Để tìm ra cách khuyên bảo Sylvia thế nào cho hợp.
– Nhưng giả thử Sylvia không biết gì cả về chồng mình mắc nghiện?
– Tất nhiên là chị dâu tôi chưa biết gì về chuyện đó. Vậy tôi có nên cho chị ấy biết không?
– Phải rất tế nhị trong chuyện này!
– Chính bởi vậy mà tôi muốn nhờ cô giúp đỡ. Sylvia đã coi cô như một người tâm tình. Chẳng phải là ai cũng có thể kết bạn được với chị dâu tôi một cách dễ dàng. Nhưng cô thì lại được chị ấy rất quí mến. Vậy theo ý cô, tôi có nên nói sự thực để Sylvia biết?
– Cũng nên cho chị ấy biết sự thực để chị ấy khuyên bảo chồng.
– Tôi chẳng tin là chị Sylvia có thể làm nổi việc ấy. Một người đã sa vào nghiện ngập thường chẳng còn chịu nghe ai… Đành là thế, nhưng nếu Henry bằng lòng cai nghiện thì ở vùng này có một trung tâm cai nghiện…
– Nhưng liệu anh ta có chịu đến đó?
– Cũng có thể. Nhưng tôi nghĩ rằng ta sẽ dễ dàng thuyết phục anh ta hơn nếu như anh ta cho rằng Sylvia không biết là anh ta mắc nghiện. Trung tâm cai nghiện ở cách đây khoảng năm cây số, phía bên kia làng. Cơ sở cai nghiện này được điều hành bởi một bác sỹ người Canađa tên là Nicholson. Ông ta là một người có năng lực. Và điều may mắn là giữa Henry và ông ta có tình bè bạn từ lâu… Suỵt! Sylvia tới…
Phu nhân Bassington-ffrench đi tới chỗ họ.
– Hai người chơi tennis tốt chứ? – Bà ta hỏi
– Ba séc – Frankie trả lời – tôi thua bốn quả.
– Còn tôi thì lại rất lười chơi tennis. Có lẽ hôm nào phải mời gia đình Nicholson. Moira rất yêu thích môn thể thao này. Thế nào? Có chuyện gì vậy?
Sylvia chợt thấy hai người đưa mắt nhìn nhau.
– Có gì đâu… tôi vừa nói chuyện với tiểu thư Frances về Nicholson.
– Hãy gọi cô ấy bằng cái tên Frankie thân mật như tôi thường gọi. Thật là buồn cười mỗi khi ta vừa nói đến ai xong mà lại có người nào khác tình cờ lại nhắc đến chính người ấy.
– Họ ở Canađa tới đúng không? – Frankie hỏi.
– Người chồng là dân Canada, nhưng vợ là người Anh. Bà ta nhan sắc khá xinh đẹp, với đôi mắt to quyến rũ. Nhưng tôi nghi là họ sống với nhau chẳng được hạnh phúc. Cuộc sống của bà ta chẳng được vui lắm.
– Người chồng điều khiển một trung tâm điều dưỡng phải không?
– Đúng vậy… ông ta điều trị cho những người bị căng thẳng thần kinh, những con nghiện ma túy, và có tiếng là một bác sỹ điều trị giỏi. Đó là một giám đốc nhà điều dưỡng oai nghiêm. Nhưng tính nết chẳng phải là dễ chịu.
Lát sau, tại phòng khách, Sylvia chỉ cho họ một tấm ảnh đặt trên cây đàn dương cầm; đó là ảnh một phụ nữ trẻ.
– Đây là Moira Nicholson. Bà ta đẹp đấy chứ? Có một người khách của gia đình chúng tôi đến đây hết sức ngưỡng mộ nhan sắc của bà ta, cứ đòi được gặp. Ngày mai chúng tôi sẽ mời ông bà Nicholson tới ăn tối và chúng ta sẽ cùng gặp họ ở đây. Các vị sẽ cho tôi những lời nhận xét về ông ta… Như tôi đã nói… chẳng có cảm tình chút nào, nhưng ông ta khá đẹp.
Frankie nghe Sylvia nói về Nicholson, thoáng nhận ra có một điều gì đó không được bình thường. Cô ngẩng lên nhìn vào gương mặt bà ta, thì Sylvia Bassington-ffrench đã ra ngoài phòng lấy hoa cắm vào bình.
* * *
Ta phải xác định lại cho mình các mục tiêu cần tiến tới – Frankie tự nhắc nhở trong lúc cô chải chuốt mái tóc sẫm màu của mình trước khi xuống ăn tối.
Roger Bassington-ffrench có phải là tội phạm hay không?
Một kẻ lạ mặt nào đó định thủ tiêu Bobby bằng moóc phin, tất phải có điều kiện dễ dàng tìm ra moóc phin. Roger Bassington-ffrench có đầy đủ điều kiện đó. Nếu người anh hắn dễ dàng mua moóc phin qua đường dây bưu điện, thì hắn có thể dễ dàng bớt lại một gói.
Frankie lấy lại một mảnh giấy và ghi:
1. Phải dò hỏi xem ngày 16 – tức là ngày Bobby bị đầu độc thì Roger ở đâu?
2 . Đưa cho hắn xem tấm ảnh người bị chết ở vách đá để thăm dò phản ứng của hắn. Liệu hắn có dám nhận là đã có mặt ở Marchbolt đúng vào ngày xảy ra “tai nạn”?
Cô lường trước mọi tình huống khó khăn khi đối thoại điều tra. Về điểm thứ nhất thì đơn giản thôi, nhưng ở điểm thứ hai thì điều khó khăn là tìm cách nào dẫn hắn vào được câu chuyện cho thật tự nhiên.
Sau đó cô nghĩ ra là “tai nạn” xảy ra ngay ở làng mình, có nhắc đến trong dịp này cũng chẳng làm cho ai ngạc nhiên.
Ngay ở đầu bữa ăn Frankie mở đầu trận đánh, xông thẳng “giáp lá cà” với Roger:
– Hình như chúng ta đã gặp nhau một lần… cách đây không lâu. Có phải chúng ta đã cùng ăn trưa ở nhà tiểu thư Shane ở Claridge… ngày 16 tháng này?
– Nếu vậy thì tiểu thư nhớ lầm rồi – Sylvia vội trả lời thay cho Roger – ngày 16 Roger ở đây cả ngày. Tôi nhớ được chính xác vì hôm đó gia đình tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi cho các cháu. Nếu chẳng có chú Roger giúp đỡ thì ngày vui của các cháu hôm đó chẳng thể tổ chức nổi.
Sylvia nhìn người em rể bằng cặp mắt biết ơn và người em mỉm cười đáp lại.
– Tôi chẳng tin là chúng ta gặp nhau trước đây, nhưng chắc chắn là từ nay tôi chẳng thể quên cô được nữa – Roger vừa nói vừa đưa mắt nhìn Frankie một cách tình tứ.
“Thế là điểm một đã được xác minh – Frankie tự nhủ – Roger Bassington-ffrench đã không đến xứ Galles vào hôm mà Bobby bị đầu độc”.
Điểm thứ hai, như đã chuẩn bị từ trước, Frankie cũng lái được câu chuyện sang một cách tự nhiên. Cô nói về phong cảnh xứ Galles, trong đó nhắc đến cái vách đá và vực sâu, nơi mà bình thường ra chẳng mấy ai chú ý: nhưng từ khi xảy ra cái tai nạn chết người, sự tò mò của mọi người khách đến tham quan đã được kích thích cao độ.
– Tháng trước – Frankie kể chi tiết vụ tai nạn – có một người đàn ông bị ngã từ trên cao vách đá rớt xuống vực. Cả một vùng xôn xao dư luận. Tôi có đến dự phiên họp đầu Hội đồng bồi thẩm của toà án nhưng đó chỉ là do tai nạn trong sương mù.
– Hội đồng bồi thẩm của toà án họp ở Marchbolt có phải không? – Sylvia hỏi.
– Đúng vậy. Lâu đài của chúng tôi chỉ cách Marchbolt mười cây số – Frankie nói.
– Roger! Đúng là vụ tai nạn mà chú đã chứng kiến! – Sylvia góp vào câu chuyện.
– Hôm đó tôi vừa đi qua tới đó – Roger xác nhận – tôi đã trông nom người bị nạn cho đến lúc cảnh sát tới.
– Này! Tôi tưởng là con trai mục sư trông nom xác chết chứ? – Frankie hỏi.
– Vì bận công việc nên anh ta phải rời đi, tôi đã trông nom thay cho anh ta.
– Đúng rồi, anh ta có kể với tôi là có một người đi dạo qua đã giúp đỡ. Vậy ra là anh?
– Có thể là cô đã trông thấy tôi ở Marchbolt? – Roger hỏi.
– Hôm có tai nạn xảy ra tôi đang ở Londres, hai ngày sau tôi mới về Marchbolt. Vậy anh có mặt ở buổi thẩm vấn không?
– Không, tôi về Londres ngày hôm sau vụ tai nạn.
– Roger cũng đang muốn mua một ngôi nhà ở xứ Galles! – Sylvia nói.
– Một ý định nghe thật chối tai! – Henry Bassington-ffrench lầu bầu.
– Chẳng hề vô lý chút nào! – Roger bác lại ý kiến của anh mình với một thái độ tươi cười.
– Ai mà chẳng biết tính nết của chú. Chú mua nhà xong rồi đến một lúc nào đó cái tính thích đi đó đi đây lại nổi dậy và chú lại rời đi với cuộc sống phiêu bạt.
– Không đâu chị Sylvia, cuối cùng thì tôi cũng sẽ an cư như mọi người thôi mà. –
– Chú nên mua nhà ở gần chỗ chúng tôi ở thì hơn là tìm mua ở xứ Galles.
Roger cười. Rồi quay sang nói với Frankie:
– Thế rồi cái tai nạn ấy ra sao, tiểu thư? Nó chẳng biến thành vụ tự sát cũng chẳng thành vụ án hình sự đấy chứ?
– Hoàn toàn không. Kết luận của phiên toà hết sức bình thường. Người thân của nạn nhân đến nhận diện. Hình như anh ta đến vùng này để du lịch và đã bước hụt vì không trông rõ đường trong sương mù, nên đã lăn xuống vực. Thật là buồn thảm khi được biết anh ta còn trẻ và diện mạo cũng dễ thương. Các vị có trông thấy ảnh của anh ta đăng trên báo?
– Hình như có – Sylvia nói – nhưng tôi chẳng nhớ rõ. Tôi có hình của anh ta cắt từ tờ báo địa phương.
Rồi Frankie rảo bước về phòng mình lấy mảnh báo cắt đó. Cô chìa ra cho Sylvia xem. Roger đứng sau người chị dâu nhìn tấm ảnh qua vai người chị.
– Ồ thật là lạ! Tấm ảnh này trông giống Alan Carstairs phải không Roger? Tôi nhớ là đã nói nhận xét này của tôi với chú.
– Tấm ảnh này đúng là cũng có những nét hao hao giống anh ta – Roger không phản đối ý kiến của Sylvia – nhưng rõ ràng là hai người có những nét khác nhau.
– Chẳng thể căn cứ vào những tấm ảnh trên báo chí – Sylvia kết luận và đưa lại mảnh báo cắt cho Frankie.
Frankie dừng lại không nói gì thêm về chuyện tấm ảnh và mọi người nói sang chuyện khác.
Sau lần gặp gỡ hôm đó Frankie cảm thấy bối rối. Những người chủ nhà dường như đã chuyện trò tự nhiên chẳng hề có sự sắp đặt hoặc dối trá gì cả. Roger đã tới vùng Marchbolt đúng là có ý định mua nhà thật và khi chuyện trò chẳng hề dấu giếm điều gì.
Chỉ có một đều mới mẻ mà Frankie thu lượm được ở tối hôm ấy. Đó là một cái tên: Alan Carstairs.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.