Tại Sao Không Là Evans
Chương 24
Bobby đang khó chịu khi thủ vai tài xế thì thấy một mình Frankie xuất hiện.
– Hawkins! – Frankie nói to – Chúng ta quay về Staverley thôi.
Đến một đoạn đường ngắn, Bobby cho dừng xe lại.
– Thế nào, Frankie?
– Bobby, tình hình phức tạp rồi. Moira đã đi rồi.
– Đi rồi ư? Ngay sáng hôm nay ư?
– Phải. Từ sáng sớm.
– Không để lại cho chúng ta một chữ ư?
– Tôi không tin là có chuyện này. Ông chồng nói dối… tôi tin chắc là như vậy.
Bobby tái mặt lẩm bẩm:
– Muộn mất rồi! Chúng ta ngốc quá. Đáng lẽ hôm qua chúng ta không nên để cô ta trở về ngôi nhà ấy. Không… – Bobby nói to như để trấn an mình.
Cả hai cùng yên lặng một lúc, sau đó Bobby bình tĩnh phán đoán:
– Chắc chắn cô ấy còn sống vì người ta chưa phát hiện ra xác chết. Người chồng sẽ tạo ra một cái chết hoặc tự nhiên hoặc do tại nạn. Theo tôi, cô ấy hoặc đang bị săn đuổi, việc này là có khả năng, hoặc vẫn còn trong lâu đài La Grauge. Bây giờ chúng ta phải làm gì?
Bobby suy nghĩ một lúc.
– Tôi cho rằng sự có mặt của cô ở đây không ích lợi gì nữa. Cô sẽ trở về Londers chứ? Cô đã nói cần tìm những dấu vết của nhà Cayman. Cô nên bắt tay vào việc này.
– Ô! Bo bby?
– Bạn thân mến, cô không nên ở lại đây. Mọi người đã biết cô, biết rất rõ nữa là khác. Có đã nói mình sẽ về Londres, cô không thể ở lâu đài Merroway mãi được cũng không thể đến trọ ở quán ” Pêcheur à la Ligne” được. Trong làng sẽ có những lời đàm tiếu. Không, hãy tin tôi, cô nên đi khỏi nơi này. Chắc chắn là Nicholson đã ngờ vực, nhưng hẳn là ông ta tin rằng cô chưa biết gì nhiều. Cô về Londres còn tôi thì ở lại đây.
– Vẫn ở quán “Pêcheur à la Ligne” ư?
– Không, người lái xe cho cô đã biến mất rồi. Tôi sẽ tới Ambledever cách đây mười lăm ki-lô-mét và nếu Morita vẫn còn ở trong ngôi nhà khủng khiếp ấy thì thể nào tôi cũng có dịp gặp cô ta.
– Bobby, anh hãy thận trọng.
– Tôi sẽ thận trọng như một con rắn ấy.
Frankie đành phải đồng ý với anh. Lập luận của Bobby khá khôn ngoan. Cô hiểu vai trò của mình ở lâu đài Merroway đã kết thúc. Bobby đưa cô về Londres và Frankie trở về ngôi nhà của gia đình ở phố Brook Street. Cô cảm thấy mình quá đơn độc.
* * *
Nhưng vào ba giờ chiều hôm ấy, một cô gái ăn vận sang trọng, mang kính kẹp mũi, tay cặp sách đi vào phố Saint Leonard’s Gardens thuộc quận Paddington.
Frankie, vì chính cô gái ấy là Frankie, đi dọc trước những ngôi nhà tồi tàn trên phố Saint Leonard’s Gardens, hầu hết đã đổ nát sau những ngày tươi đẹp trước kia.
Tới nhà số mười bảy, cô thất vọng khi nhìn thấy tấm bảng “Nhà bán hoặc cho thuê” treo trước cửa.
Ngay lập tức Frankie nhấc kính kẹp mũi ra rồi đi thẳng. Người tuyên truyền cho Đảng bảo thủ không có lý do gì ở lại đây nữa.
Cô đã kịp nhìn trên tấm bảng tên hai nhà môi giới về nhà cửa và ghi vào sổ tay. Cô đã lập xong kế hoạch tác chiến là bắt tay vào công việc thực hiện.
Trước hết Frankie đến Công ty Gordon và Porter ở phố Praed Sreet.
– Chào ông, ông có thể cho chúng tôi địa chỉ mới của ông Cayman trước kia ở số nhà mười bảy, phố Saint-Leonard’s Gradens, quận Paddington không ạ?
– Xin sẵn sàng. thưa cô – Người nhân viên trẻ tuổi trả lời – Nhưng ông ấy chỉ ở đây trong một thời gian ngắn thôi, cô hiểu cho. Ông Cayman chỉ ký một hợp đồng thuê nhà trong ba tháng, hết thời hạn, ông ấy đã ra nước ngoài rồi.
– Vậy ông có địa chỉ mới của ông ta không?
– Không, thưa cô.
– Nhưng trước khi thuê ngôi nhà ấy, ông ta sống ở đâu?
– Ở khách sạn… hình như đó là khách sạn Great Western Railway ở gần ga Paddington thì phải.
– Ông còn giữ lại những giấy tờ gì của ông ta không?
– Ông ấy đã thanh toán đủ tiền nhà cùng tiền điện nước một lần cho ba tháng rồi, không có giấy tờ gì khác.
– Ô! – Frankie thở dài thất vọng.
Chàng trai nhìn cô với vẻ ái ngại.
– Ông ấy nợ tôi một số tiền lớn – Cô giải thích.
Ngay lập tức anh ta tỏ vẻ bất bình. Anh bèn lục thêm trong các tập hồ sơ nhưng vẫn không thấy địa chỉ mới của Cayman.
Công ty cho Cayman thuê nhà chưa nghĩ đến việc tìm người thuê mới. Frankie yêu cầu được thăm ngôi nhà vì cô muốn có một ngôi nhà nhỏ để tiếp tục việc học hành. Cô ra khỏi văn phòng Công ty với chiếc chìa khoá trong tay và đến thẳng số nhà mười bảy, phố Saint-Leonard’s Gardens, quận Paddington.
Đó là một ngôi nhà ít được giữ gìn, tường dán loại giấy rẻ tiền, những lớp sơn bị tróc vảy, bẩn thỉu. Đầu tiên Frankie xuống xem tầng trệt. Căn phòng không được quét dọn từ ngày chủ cũ dọn đi; những đoạn giây thừng, những tập báo cũ, những mẩu gỗ vụn, những chiếc đinh… nằm rải rác trên mặt đất… nhưng không có lấy một tài liệu, một lá thư cá nhân nào.
Chỉ có một thứ có thể có giá trị đó là tấm bản đồ đường sắt A.B.C để mở trước cửa sổ. Trên tấm bản đồ có ghi một số tên người. Frankie chép những tên đó vào một cuốn sổ tay nhỏ tuy chưa biết ý nghĩa của chúng ra sao.
Cô tự nhủ nếu chưa tìm ra vợ chồng nhà Cayman thì chưa thể làm một việc gì khác được. Nếu phạm pháp thì họ đã có những sự đề phòng cần thiết để không bị tóm cổ. Sự vắng mặt của họ cũng có thể nói là một chứng cứ phạm tội.
Cô trả lại chìa khoá cho người nhân viên và hứa sẽ gọi điện để trả lời sau đó đi ra công viên mà chưa biết mình phải làm tiếp việc gì nữa. Sự suy nghĩ của cô bị cắt đứt bởi một trận mưa rào. Xung quanh không có một chiếc tắc-xi nào. Gần đó có một ga xe lửa ngầm, cô tới và mua một vé để đi Piccadilly Circus và lấy thêm hai tờ báo.
Vào giờ này xe lửa vắng khách, trong toa chỉ có một mình Frankie. Cô có điều kiện suy nghĩ và đọc báo.
Cô đọc được những tin vặt: những tai nạn xe hơi, những học sinh gái mất tích… dư luận xã hội, buổi tiếp khách của phu nhân Petehampton ở Claridge, việc ngài John Milkington đã bình phục sau tai nạn trên sông khi đang đi trên chiếc du thuyền nổi tiếng của ông John Savage, một nhà tỉ phú quá cố. Chiếc thuyền đó đã mang tai hoạ đến cho ông này ư? Người đóng thuyền đã bị giết một cách bi thảm; ông Savage đã tự sát; bây giờ chủ nhân hiện tại của nó là ngài John Milkington suýt bị chết đuối.
Frankie đặt tờ báo xuống và cau mày nghĩ ngợi. Đã hai lần cô nghe nói đến cái tên Savage: lần thứ nhất do bà Sylvia Bassington-ffrench khi nói về ông Alan Carstairs và lần thứ hai trong cuộc nói chuyện giữa bà Rivington với Bobby.
Ông Alan Carstairs là bạn thân của ông John Savage. Bà Rivington cũng nói đến sự có mặt ở nước Anh của ông Alan Carstairs có quan hệ đến cái chết của ông John Savage. Nhà tỷ phú đã tự sát vì cho rằng mình đã mắc bệnh ung thư. Nhưng nếu không tin vào lời giải thích ấy, ông Carstairs trở về nước Anh để điều tra về cái chết của bạn mình thì sao?… Tấn thảm kịch mà Frankie và Bobby chứng kiến có phải là khúc dạo đầu trong câu chuyện về cái chết bí ẩn của ông Savage không?
Không có điều gì bác bỏ giả thiết này. Frankie tự hỏi phải làm gì để có những chứng cứ. Cô không có thông tin gì về người bạn của ông Savage cả. Bất chợt một tia sáng loé lên trong óc cô: bản di chúc! Nếu cái chết của ông Savage có nghi vấn thì trước hết phải nghiên cứu những mong muốn cuối cùng của nhà tỷ phú ấy.
Frankie đã nghe nói đến một văn phòng ở Londres phục vụ cho việc nghiên cứu các bản di chúc miễn là người đọc trả cho văn phòng một đồng xi-linh (tiền Anh) một lần đọc. Nhưng cô không nhớ địa chỉ của văn phòng này.
Xe lửa đỗ lại và Frankie thấy mình đang đứng trước nhà Bảo tàng của nước Anh. Cô xuống xe và sau năm phút đi bộ cô đến văn phòng luật sư Jenkin và Spragge.
Cô được ông Spragge, người cổ đông chính của văn phòng, đón tiếp một cách niềm nở.
Ông Spragge là một người đáng mến, có giọng nói dịu dàng khuyến khích khách hàng nói rõ những điều tế nhị. Ông biết rất nhiều chuyện bí mật của Londres và nhất là những chuyện trong các gia đình quí phái.
– Tiểu thư Frances, tôi rất lấy làm hân hạnh được đón tiếp cô. Xin mời cô ngồi xuống. Ngài quận công Marchington có được mạnh khoẻ không?
Frankie trả lời và ông Spragge bỏ chiếc kính kẹp mũi ra, từ lúc này ông là cố vấn pháp lý cho thân chủ của mình.
– Thế nào, tiểu thư Frances, cô có việc gì mà tới văn phòng nghèo nàn của chúng tôi?
– Tôi muốn xem qua một bản di chúc – Frankie nói – Nhưng không biết hỏi ai. Tôi nghe nói có một văn phòng mà khách hàng chỉ cần mất một đồng xi-ling thì có thể đọc được mọi tài liệu.
– Phải, ở Somerset House – ông Spragge trả lời – Bản di chúc nào vậy? Tôi có thể cho cô biết nội dung mọi bản di chúc của gia đình cô.
– Đây không phải là di chúc của gia đình.
– A! – ông Spragge nói.
Nhưng con người này rất mánh khoé trong việc moi các bí mật của người khác khiến Frankie đã quyết định phải giữ bí mật việc này cũng phải nói:
– Tôi muốn xem bản di chúc của ông Savage… John Savage.
– Thế ư? – Vẻ tò mò thể hiện trên mặt ông Spragge trước khi ông nói tiếp – Thật là lạ lùng… rất lạ lùng.
Frankie ngạc nhiên nhìn ông.
– Tôi không biết nói sao nữa – ông Spragge nói – Tiểu thư Frances, cô có thể cho tôi biết lý do của việc này không?
– Xin lỗi, thưa ông Spragge, cái đó là không thể được.
Ông Spragge nhìn Frankie một cách khác thường.
– Tôi thấy – ông Spragge nói tiếp – Cô phải đề phòng cẩn thận.
– Tôi phải đề phòng ư?
– Phải. Tôi có nhiều tin tức chưa rõ ràng… tôi không muốn cô dính líu vào một công việc đang có nhiều nghi vấn.
Cô rất muốn trả lời rằng mình đã chìm sâu, ngập tới cổ vào việc này rồi, nhưng cô chỉ nhìn ông một cách dò hỏi.
– Theo tôi, đây là một sự trùng hợp khác thường, ông Spragge. Tuy nhiên tôi thấy có một cái gì đó gian dối ở trong bản di chúc đó. Lúc này thì tôi không thể nói gì hơn.
Frankie vẫn đưa mắt thăm dò ông.
– Tôi có trong tay một tài liệu rất quan trọng – ông Spragge nói tiếp với vẻ bất bình – Người ta đã đội tên tôi, thưa tiểu thư Frances. Cô nghĩ thế nào về hành động bỉ ổi ấy?
Ngạc nhiên, Frankie đứng lặng một lúc, không trả lời.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.