Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 5



Trong vô số những cách phân loại có thể dùng cho các hiện tượng của cuộc sống, ta có thể phân biệt những cách sống mà nội dung chiếm ưu thế với những cách sống mà hình thức chiếm ưu thế.

Trái với cuộc sống ở thôn quê. Ở thị trấn. Ở các tỉnh, ngay cả ở Moskva nữa, cuộc sống ở Petersburg, nhất là ở các phòng khách thính, có thể xếp vào loại thứ hai.

Từ năm 1805, nước ta có hoà hiếu rồi lại xung đột với Bonaparte, chúng ta có lập ra những hiến pháp rồi lại bỏ đi, nhưng phòng khách của Anna Pavlovna và phòng khách của Elen y nguyên như cũ: phòng khách của Anna Pavlovna vẫn hệt như cách đây bảy năm và phòng khách của Elen cũng như dăm năm trước. Ở nhà Anna Pavlovna, bao giờ người ta cũng sửng sốt khi nói đến những thành công của Bonaparte và thái độ ân cần của các vị vua ở châu Âu đối với một âm mưu quỷ quyệt nhằm mục đích duy nhất là làm cho nhóm triều thần mà Anna Pavlovna là đại biểu phải bực bội lo âu. Trái lại, ở nhà Elen, người mà bản thân Rumiansev cũng hạ cố tới thăm và cho là một người đàn bà thông minh lỗi lạc, thì năm 1808 cũng như năm 1812, người ta bao giờ cũng say sưa nói đến cái dân tộc vĩ đại và con người vĩ đại, người ta than phiền về việc nước Nga đã đoạn tuyệt với Pháp, và theo ý kiến những người tụ họp ở nhà Elen thì việc này phải chấm dứt bằng một hoà ước.

Trong thời gian gần đây, sau khi hoàng đế đã rời quân đội về Petersburg, thì trong hai phòng khách thính đối lập này đã xảy ra một vài sự náo động, và cả hai bên đều có những hành động biểu lộ thái độ chống đối nhau, nhưng xu hướng chính trị của hai nhóm vẫn không thay đổi. Trong nhóm giao tế của Anna Pavlovna, người ta chỉ tiếp những người Pháp thuộc phái quân chủ chính thống sâu sắc, và biểu lộ tư tưởng ái quốc bằng cách nói rằng không nên đi xem kịch Pháp và việc chi phí cho một đoàn kịch như thế là tốn kém bằng nuôi cả một quân đoàn. Người ta háo hức theo dõi những tin tức chiến sự và phao những tin tức đáng mừng nhất cho quân đội ta.

Trong nhóm của Elen, tức là nhóm Rumiansev, nhóm thân Pháp, người ta phủ nhận những tin đồn đại về hành động tàn ác của quân địch và về tính chất khốc liệt của chiến tranh; người ta bàn bạc về tất cả những cố gắng của Napoléon để đi đến thương thuyết. Trong nhóm này, người ta công kích những kẻ đã quá vội vàng khuyên nhà vua dời triều đình và những trường nữ học ở dưới quyên bảo trợ của hoàng thái hậu đến Kazan. Nói chung, trong phòng khách của Elen tất cả chiến sự chỉ là những cuộc thị uy vô nghĩa chẳng bao lâu sẽ đưa đến hoà bình, và ý kiến chiếm ưu thể ở đây là ý kiến của Bilibin, lúc này đang ở Petersburg và là một vị khách năng lui tới phòng khách của Elen (hễ ai đã là người thông minh đều phải đến đây). Ý kiến ấy cho rằng cái quyết định vấn đề không phải thuốc súng mà là những con người chế ra thuốc súng. Trong nhóm này người ta chế nhạo một cách hóm hỉnh và rất thông minh, tuy vẫn rất thận trọng, cái nhiệt tình yêu nước của Moskva (tin này cùng đến Petersburg một lúc với việc hoàng đế trở về Petersburg).

Trong nhóm của Anna Pavlovna thì trái lại, người ta ca ngợi nhiệt tình ấy và nói đến nó như Pavlovna nói về các cổ nhân. Công tước Vaxili vẫn giữ chức vụ quan trọng như trước, là cái khâu nốỉ liền hai nhóm. Ông ta thường lui tới nhà bà bạn quý tôn tức Anna Pavlovna, đến thăm phòng khách thích ngoại giao của con gái, và nhiều khi, vì cứ luôn đi lại giữa hai phe, ông đâm ra lẫn lộn nói với nhà Elen những điều đáng lý phải nói ở nhà Anna Pavlovna, và ngược lại cũng thế.

Hoàng đế về Petersburg được ít lâu thì ở nhà Anna Pavlovna, khi nói đến tình hình chiến tranh, công tước Vaxili đã phê phán nghiêm khắc Barclay de Tolly và băn khoăn tự hỏi không biết ai sẽ được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh. Một người khách ở đây mà người ta thường gọi là một người rất có giá trị kể lại rằng hôm nay ông ta thấy quan tư lệnh dân quân Petersburg là Kutuzov vừa mới được bầu lên, chủ toạ việc đón tiếp dân quân ở điện tài chính, và đánh bạo dự đoán rằng Kutuzov sẽ có thể là con người đáp ứng mọi yêu cầu.

Anna Pavlovna buồn rầu mỉm cười và nhận xét rằng từ trước đến nay Kutuzov chỉ làm hoàng đếg bực mình. Công tước Vaxili ngắt lời Anna Pavlovna như thế này:

– Thì tôi đã nói đi nói lại mãi với hội nghị quý tộc nhưng người ta không nghe. Tôi đã bảo việc cử ông ta làm tư lệnh dân quân không làm hoàng đế đẹp lòng. Nhưng họ không nghe lời tôi. Vẫn cái thói chống đối ấy. – Ông ta nói tiếp. – Chống đối ai mới được chứ? Chẳng qua chỉ vì chúng ta muốn bắt chước cái thứ nhiệt tình ngu ngốc của dân Moskva… – Công tước Vaxili nói, lúng túng trong một phút vì quên rằng đáng lý phải chế nhạo nhiệt tình của dân Moskva ở nhà Elen, còn ở nhà Anna Pavlovna thì phải ca ngợi kia. Nhưng ông ta lại chữa lại ngay. – Bá tước Kutuzov, vị tướng già nhất của nước Nga mà ngồi trong viện quốc vụ thì thử hỏi có hợp hay không, chẳng qua rồi ông ta cũng uổng công mà thôi. Làm sao lại có thể cử làm tổng tư lệnh một con người không thể cưỡi ngựa, ngồi trong hội nghị thì ngủ gật, đã thế đạo đức lại hết sức tồi. Ở Bucarest ông ta đã nổi tiếng lắm đấy. Tôi không nói đến năng lực của ông ta nhưng làm thế nào lại có thể cử một ông già lụ khụ và đui mù, phải, đúng là mù làm tổng tư lệnh trong tình hình như thế này. Ông tưởng mù! Đẹp mặt nhỉ! Ông ta không thấy gì hết! Ông ta chỉ giỏi chơi bịt mắt bắt dê!… Quả thật ông ta chẳng thấy gì hết.

Không ai cãi lại.

Ngày hai mươi bốn tháng Bảy những điều đó là hoàn toàn có lý Nhưng ngày hai mươi chín tháng Bảy, Kutuzov được phong tước công. Ông ta được phong tước công có nghĩa là người ta muốn gạt ông ta ra, cho nên ý kiến của công tước Vaxili vẫn tỏ ra đúng đắn, tuy bây giờ ông không phát biểu nó ra sốt sắng như trước. Nhưng ngày mồng tám tháng Tám một hội đồng gồm có thống chế Xaltykov, Arakseyev, Vyazmitinov, Lopukhin và Kochubey họp lại đề bàn về việc quân. Hội đồng kết luận rằng sở dĩ vừa qua quân ta thất bại và vì quyền chỉ huy không thống nhất và mặc dầu biết rằng Kutuzov không được hoàng đế ưa thích, sau khi thảo luận một lát, hội đồng vẫn đề nghị cử Kutuzov làm tổng tư lệnh. Và cũng trong ngày hôm ấy, Kutuzov được bổ nhiệm làm tổng tư lệnh quân đội và thống đốc tất cả các đất đai do quân đội chiếm đóng.

Ngày mồng chín tháng tám, công tước Vaxili lại gặp “con người rất có giá trị” ở nhà Anna Pavlovna. “con người rất có giá trị” đang ve vãn Anna Pavlovna vì ông ta muốn được bổ nhiệm làm giám đốc một trường nữ học… Công tước Vaxili bước vào phòng, với vẻ đắc thắng của một người đã đạt được điều mà mình mong muốn.

– Này, ông có biết cái tin quan trọng vừa rồi không, công tước Kutuzov nay là nguyên soái rồi. Thôi thế là mọi sự bất đồng ý kiến đều chấm dứt. Tôi thật hả dạ, vui lòng. Bây giờ mới có được một con người xứng đáng. – Ông ta vừa nói vừa đưa mắt nhìn cử toạ, vẻ quan trọng và nghiêm nghị. Tuy đang mong muốn leo lên cái địa vị mà ông đang chạy chọt, ” con người rất có giá trị” vẫn không thể nào cưỡng lại ý muốn lưu ý công tước Vaxili rằng trước kia công tước nghĩ khác. Làm như thế là thiếu lịch sự đối với công tước Vaxili, cũng như đối với Anna Pavlovna là người đã đón cái tin ấy một cách niềm nở, nhưng ông không sao nén nổi.

– Nhưng thưa công tước, người ta bảo ông ta mù kia mà? – “con người rất có giá trị”, ý muốn nhắc cho công tước Vaxili nhớ đến những lời mà bản thân công tước đã nói.

– Thôi đi, ông ta thấy rõ ra phết đấy! – Công tước Vaxili nói nhanh, giọng trầm trầm, vừa nói vừa ho húng hắng như thường lệ mỗi khi ông giải quyết một việc khó khăn. – Ồ, ông ta nhìn rõ ra phết! – Công tước Vaxili nhắc lại. – Có một điều làm tôi bằng lòng nhất. – Ông ta nói tiếp. – Đó là chính hoàng đế đã cho ông ta nằm toàn quyền chỉ huy tất cả các đạo quân, thống đốc tất cả các lãnh thổ, một quyền mà xưa nay không có vị tổng tư lệnh nào có được. Bây giờ ông ta là một ông vua thứ hai, – Công tước Vaxili kết luận, miệng nở một nụ cười đắc thắng.

– Xin Chúa phù hộ, xin Chúa phù hộ. – Anna Pavlovna nói-.

“Con người rất có giá trị” còn non nớt ngây thơ trong xâ hội cung đình, muốn lấy lòng Anna Pavlovna, liền nói lại ý kiến trước đây của bà ta về vấn đề này:

“Nghe nói hoàng đế giao quyền lực ấy cho ông ta một cách miễn cưỡng. Nghe nói Người đỏ mặt như một cô con gái nghe đọc truyện tiếu lâm khi Người nói với Kutuzov: “Hoàng đế và tổ quốc trao cho khanh vinh dự này” có lẽ trong thâm tâm người không tán thành lắm!”

– Ồ, không phải đâu, không phải đâu. – Công tước Vaxili hăm hở nói chen vào. Bây giờ ông ta yêu quý Kutuzov hơn ai hết.

Theo ý công tước Vaxili thì không những Kutuzov là một người hoàn toàn, mà mọi người còn sùng bái ông ta nữa là khác.

– Không, không thể nào làm như thế bởi vì hoàng đế trước đây đã biết giá trị ông ta rất rõ.

Anna Pavlovna nói:

– Mong sao Chúa để cho Kutuzov nắm lấy thực quyền một mình không để cho bất kì ai thọc gậy vào bánh xe, phải, thọc gậy bánh xe!

Công tước Vaxili hiểu ngay mấy chữ “bất kì ai” ở đây ám chỉ người nào. Ông thì thào:

– Tôi biết đích xác Kutuzov đã đưa ra một điều kiện nhất quyết là thái tử sẽ không ở trong quân đội. Phu nhân có biết tướng quân nói gì với hoàng đế không?

Và công tước Vaxili nhắc lại những lời nghe đâu chính Kutuzov đã nói gì với nhà vua: “Tôi không thể trừng phạt thái tử làm sai, cũng không thể nào khen thưởng nếu thái tử đúng”. Ô, công tước Kutuzov là con người thông minh tuyệt trần. Tôi đã biết rõ công tước từ lâu.

– Thậm chí người ta còn nói rằng. – “Con người rất có giá trị” đệm thêm (ông ta vốn thiếu cái lịch duyệt của những bậc triều thần) – Điện hạ đã nêu lên một điều kiện tuyệt đối là hoàng đế sẽ không thân hành đến với quân đội.

Ông ta vừa nói điều đó thì công tước Vaxili và Anna Pavlovna đều quay mặt đi và đưa mắt nhìn nhau, buồn rầu thở dài về chỗ ông này ngây thơ quá!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.