Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 14



Được tin Natasa ốm, bá tước phu nhân bấy giờ vẫn chưa khỏi bệnh hẳn, người hãy còn yếu, đã đem Petya và cả nhà lên Moskva, và gia đình Roxtov rời khỏi nhà bà Maria Dmitrevna dọn sang toà nhà của họ và ở hẳn Moskva.

Bệnh tình của Natasa trầm trọng đến nỗi, thực may cho nàng và cũng thực may cho cha mẹ nàng, ý nghĩ về những nguyên nhân đã khiến nàng lâm bệnh, hành động của nàng đoạn tuyệt với vị hôn phu đều lùi ra phía sau. Nàng ốm nặng đến nỗi không thể nào nghĩ em mình có lỗi đến chừng nào trong tất cả những việc đã xảy ra, trong khi nàng không ăn, không ngủ, gầy mòn đi trông thấy, ho sù sụ và như các bác sĩ đã để lộ, bệnh tình khá nguy kịch. Bây giờ phải nghĩ cách cứu nàng. Các bác sĩ đến thăm Natasa khi thì từng người một, khi thì họp thành một hội đồng, nói nhiều bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng La-tinh, phản bác nhau, kê đơn vô số thuốc chữa đủ các thứ bệnh mà họ biết; nhưng trong bọn họ không ai thoáng có ý nghĩ đơn giản rằng họ không thể biết được căn bệnh của Natasa, cũng như không thể biết được một bệnh nào mà một con người sống có thể mắc phải: vì mỗi con người sống đều có những đặc tính của mình, và bao giờ cũng có một thứ bệnh riêng của mình, một bệnh mới mẻ phức tạp, mà y học chưa từng biết, đó không phải là bệnh phổi, bệnh gan, bệnh tim, bệnh thần kinh, bệnh ngoài da, v.v…, là những thứ bệnh có ghi trong sách y học, vì bệnh ấy là một trong vô số những cách kết hợp những bệnh tật của các tạng phủ này. Các bác sĩ không thể thoáng có cái ý nghĩ rằng mình không biết làm phù phép, bởi vì sự nghiệp của đời họ là chữa bệnh; bởi vì họ được trả tiền để làm việc đó, và bởi vì họ đã tiêu phí những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời họ vào việc ấy. Nhưng cái chính khiến cho các bác vĩ không thể có ý nghĩ ấy được là vì họ thấy mình chắc chắn là có ích, và quả nhiên họ rất có ích cho tất cả những người trong gia đình Roxtov. Họ có ích không phải vì họ bắt người ốm nuốt những chất phần lớn là có hại (cái hại này cũng khó thấy, vì những chất có hại thường cho uống với một liều lượng rất ít) nhưng họ có ích, họ thấy là cần thiết, không thể nào thiếu được (chính vì thế cho nên trước đây cũng như sau này bao giờ cũng có những ông lang băm, những ông thầy màn và nhưng người chữa bệnh tương tự); bởi vì họ thoả mãn nhu cầu tinh thần của người ốm và của những người yêu thương người ốm. Họ thoả mãn cái nhu cầu muôn thủa của con người là mong được khỏi ốm, được người khac xót thương và ân cần săn sóc. Họ thoả mãn một nhu cầu muôn thủa mà con người ta có thể nhận thấy hình thức nguyên thuỷ nhất ở đứa trẻ, là cái những cầu xoa chỗ đau. Đứa trẻ va phải cái gì thì lập tức chạy đến mẹ, đến u già để người ta xoa chỗ đau cho nó, vấu khi đã được vỗ về như vậy thì nó đỡ đau.Đứa trẻ không hình dung được rằng những người mạnh hơn và khôn ngoan hơn nó không làm gì cho nó thấy đỡ đau. Và lòng nó được an ủt vì nó hy vọng được khỏi đau, vì mẹ nói thương xót nó và xoa chỗ đau cho nó. Nếu các bác sĩ có ích cho Natasa thì cũng là vì họ quả quyết rằng nàng sẽ khỏi nếu anh xà ích đánh xe ra hiệu thuốc phố Arbatxkaya mua một đồng bảy thuốc bột và thuốc viên đựng trong chiếc hộp xinh xắn, và nếu người ốm uống các thứ thuốc này pha nước đun sôi đúng hai giờ một lần, không hơn không kém.

Sonya, bá tước và phu nhân sẽ làm gì bây giờ, họ làm sao có thể khoanh tay đứng nhìn; nếu không có những viên thuốc uống đúng giờ đúng giấc ấy, nếu không có những thứ nước uống hâm nóng, những miếng gà hầm và tất cả những điều mà họ phải tuân theo và cũng làm cho họ có công việc được an ủi? Bá tước làm sao chịu đựng nổi bệnh tình của cô con gái yêu, nếu như ông không biết rằng bệnh của Natasa tốn hết hàng nghìn rúp, và dù có phải tiêu thêm hàng nghìn nữa để nàng khỏi bệnh ông cũng không tiếc, nếu như thế nàng vẫn không khỏi thì ông sẽ không ngần ngại tiêu thêm hàng nghìn nữa và vẫn sẽ đưa nàng ra nước ngoài rồi triệu tập một hội đồng danh y; nếu ông không có dịp để kể tỉ mỉ rằng Metivie và Feller không hiểu, nhưng Friz hiểu rõ, mà Mudrov còn chẩn đoán được rõ ràng hơn? Bá tước phu nhân còn biết làm gì, nếu bà ta không có dịp gây gổ với Natasa vì nàng không theo cho thật đúng những lời dặn của bác sĩ?

– Cứ thế này thì còn phải làm sao được, – Bá tước phu nhân nói, và nỗi bực mình làm cho phu nhân quên lãng nỗi buồn, – Nếu con không chịu nghe lời bác sĩ và uống thuốc không đúng giờ giấc! Có phải chuyện đùa đâu, nó có thể biến chứng thành bệnh viêm phổi đấy, – Bá tước phu nhân nói thêm, và ngay trong khi nói ra cái danh từ mà bà không hiểu (mà cũng chẳng phải một mình bà là không hiểu), bà cũng được an ủi rất nhiều rồi. Sonya còn biết làm gì, nếu nàng không vui mừng nhận thấy nàng đã không cởi áo ngoài suốt ba đêm đầu để sẵn sàng làm tròn tất cả những lời dặn dò của bác sĩ, và bây giờ đây đêm đêm nàng không ngủ để khỏi nhỡ giờ cho Natasa uống những viên thuốc chẳng có hại gì mấy đựng trong hộp mạ vàng? Mà ngay cả Natasa cũng vậy, tuy nàng nói rằng không có thuốc nào có thể chữa cho nàng khỏi bệnh và tất cả những thứ kia đều là nhảm nhí, nàng cũng không hài lòng khi thấy người ta hy sinh vì mình nhiều như vậy, và phải uống thuốc đúng giờ giấc. Thậm chí nàng còn thấy vui khi không chịu làm theo lời dặn của bác sĩ để tỏ ra rằng mình không tin là bệnh có thể khỏi và không có ý tiếc rẻ đời mình.

Bác sĩ đến hàng ngày, bắt mạch, xem lưỡi, không hề để ý đến vẻ mặt ủ dột của nàng, và cứ đùa với nàng. Nhưng khi ông sang phòng bên bá tước phu nhân hấp tấp đi theo ông, ông làm ra vẻ nghiêm nghị và lắc đầu ra dáng tư lự, nói rằng liều thước vừa rồi sẽ có tác dụng, rằng cần phải chờ xem; rằng bệnh này chủ yếu là bệnh tinh thần, song…

Bá tước phu nhân, cố giấu giếm hành động này với bản thân mình và với cả thầy thuốc nữa, dúi cho ông ta một đồng tiền vàng, và mỗi lần như vậy phu nhân trở vào phòng con, lòng yên tĩnh hơn.

Những chứng bệnh của Natasa là ăn kém, ngủ kém, thường hay ho và lúc nào cũng ủ ê, phờ phạc. Thầy thuốc nói rằng thế nào cũng phải để Natasa ở một nơi có thể chạy chữa khi cần thiết, cho nên họ giữ nàng ở lại trong một không khí ngột ngạt của thành phố. Thế là mùa hè năm 1812 gia đình Roxtov không về quê nữa.

Tuy đã uống rất nhiều thuốc viên, thuốc bột đựng trong những chiếc lọ và những chiếc hộp con con mà bà Schoss, một người rất thích các thứ này, đã gom góp lại được thành một bộ sưu tập đầy đủ, tuy nàng bị tước mất cảnh sống hương thôn mà nàng đã quen thuộc, nhưng cuối cùng tuổi trẻ vẫn thắng: nỗi buồn của Natasa bắt đầu bị những ấn tượng của cuộc sống hằng ngày che mờ, nó không còn đè nặng lên lòng nàng nữa, nó bắt đầu lùi về quá khứ, và thể lực Natasa bắt đầu bình phục.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.