Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)
Chương – 35
Trung đoàn của công tước Andrey thuộc đạo quân hậu bị, mãi đến hai giờ chiều vẫn đứng sau làng Xemenovxkoye dưới hoả lực gay gắt của pháo địch, và không làm gì cả. Đến hai giờ chiều, sau khi đã thương vong mất hơn trăm người, trung đoàn được đưa lên phía trước, đến một cánh đồng yến mạch bị xéo nát, khoảng giữa Xemenovxkoye và trận địa pháo trên ngọn đồi, nơi mà ngày hôm ấy có hàng ngàn người bị tàn sát và đến một giờ trưa thì bị mấy trăm khẩu pháo của địch tập trung hoả lực nã vào dữ dội.
Không rời khỏi vị trí này mà cũng không bắn một viên đạn, ở đây trung đoàn đã mất thêm một phần ba quân số nữa. Ở phía trước và nhất là ở phía bên phải, các khẩu pháo gầm lên trong lớp khói dày đặc, và từ cái vòng đai khói lửa huyền bí kia, che kín tất cả khoảng đất phía trước, bay vút ra những quả pháo đạn với tiếng rít khét lẹt và những quả tạc đạn với tiếng huýt kéo dài tiếp theo nhau không ngớt. Đôi khi trong khoảng mười lăm phút yên lặng như để cho mọi người nghỉ ngơi, tạc đạn vào pháo đạn đều bay vượt qua đầu trái lại đôi khi chỉ trong một phút đã có mấy người bị đạn gục xuống, và người ta luôn luôn phải khiêng những người bị thương và những xác chết đi.
Cứ thêm một quả tạc đạn rơi xuống thì những người chưa chết lại càng ít hy vọng sống sót. Trung đoàn dàn thành những tiểu đoàn cách nhau chỉ ba trăm thước, tuy vậy binh sĩ trong trung đoàn đều có một tâm trạng giống nhau. Ai nấy đều im lặng và trầm ngâm như nhau.
Nếu thỉnh thoảng trong hàng quân cũng có tiếng nói chuyện, thì tiếng nói chuyện này lại im bặt mỗi khi có tiếng tạc đạn rơi xuống và có tiếng kêu: “Cáng đâu!” phần lớn thời gian theo lệnh của trung đoàn trưởng, binh sĩ ngồi xuống đất. Có người lấy mũ sa-cô cẩn thận tháo lớp da lót rồi lại cẩn thận lắp lại. Có người lấy đất sét khô bóp vụn ra thành bột để chùi lưỡi lê: có người ngồi uốn quai súng cho nhuyễn và cài các dây nịt lại. Có người tẩn mẩn tháo những cuộn vải quấn chân. Cuốn lại cách khác rồi lại đi giày vào. Một vài người lấy những viên sỏi ở trên đống xếp thành những cái nhà con con, hay lấy rơm đan thành tấm. Ai nấy đều có vẻ say sưa mê mải với những công việc này.
Những khi có người chết và bị thương, khi đoàn người khiêng cáng kéo đến, khi quân ta lùi, hoặc khi qua lớp khói thấy lô nhô những đám quân địch đông nghịt, thì không ai chú ý đến. Trái lại, khi pháo binh hay kỵ binh ta chuyển lên phía trước, hoặc bộ binh ta dàn trận, thì khắp nơi có những lời trầm trồ tán thưởng. Nhưng được họ chú ý nhiều nhất vẫn là những sự việc hoàn toàn xa lạ, không liên quan gì đến việc chiến đấu, dường như sức chú ý của những người đã quá mệt mỏi về tinh thần này tìm chỗ nghỉ ngơi trong những sự việc thông thường của cuộc sống hàng ngày. Một đội pháo binh tiến qua trước mặt trung đoàn Một con ngựa kéo chiếc xe chở đạn vướng chân vào dây thắng.
“Kìa! Xem con ngựa lê! Sửa lại đi chứ! Nó ngã mất… Hừ, họ không trông thấy!…” – Khắp các hàng ngũ trong trung đoàn đều có những tiếng kêu lên như vậy. Một lần khác, mọi người chú ý đến một con chó nhỏ màu nâu nhạt có cái đuôi vênh cao lên, không hiểu từ xó xỉnh nào ra lại chạy trước hàng quân có vẻ lo âu như thế. Đột nhiên, một quả tạc đạn rơi bên cạnh, nó kêu oăng oẳng, cúp đuôi chạy vụt sang một bên.
Khắp trung đoàn vang lên những tiếng cười reo ầm ĩ. Nhưng những dịp giải trí như vậy chỉ kéo dài vài phút trong khi họ đang ngồi đợi hơn tám tiếng đồng hồ, không ăn và không có việc gì làm, dưới sự đe doạ thường xuyên của cái chết, và những gương mặt tái xanh và cau có ngày tái đi và cau lại.
Công tước Andrey, mặt cũng tái xanh và cau có như tất cả những người khác trong trung đoàn, đi đi lại lại trên bãi cỏ cạnh một cánh đồng yến mạch. Chàng đi từ bờ này sang bờ kia, tay chắp sau lưng, đầu cúi xuống. Chàng không có vệc gì làm và không có mệnh lệnh gì phải ban bố. Mọi việc cứ tự động tiến hành. Các thương binh được đưa ra phía sau, các xác chết được khiêng đi và các hàng ngũ lại xiết chặt lại. Nếu có những người lính bỏ chạy, thì sau đó họ lại vội vã quay về ngay. Lúc đầu, công tước Andrey, cho rằng nhiệm vụ của mình là cổ vũ lòng can đảm của binh sĩ và nêu gương cho họ, nên cứ đi đi lại lại giữa hàng quân. Nhưng rồi chẳng thấy rõ là không có cái gì phải dạy mà cũng không có cách gì dạy cho họ. Tất cả sức mạnh tinh thần của chàng cũng như của mỗi người lính đều bất giác tập trung lại để làm sao không nghĩ đến cái tình cảnh khủng khiếp của họ lúc này. Chàng đi trên bãi cỏ, kéo lê đôi chân, chà lên cỏ và ngắm nghía lớp bụi phủ trên đôi ủng của chàng. Đôi khi chàng bước những bước dài, cố gắng bước đúng vào các dấu chân do những người cắt cỏ để lại trên bãi, đôi khi chàng đếm những bước chân của mình, tính xem đi từ bờ ruộng này đến bờ ruộng kia bao nhiêu lần thì được một dặm Nga, có khi chàng lại bứt những bông hoa nở trên bờ ruộng, bóp nát trong lòng bàn tay và hít mùi thơm hăng hắc của nó.
Cả cái quá trình suy nghĩ lao lung của chàng hôm qua không còn để lại dấu vết gì nữa. Chàng không nghĩ cái gì hết. Chàng uể oải để tai nghe tất cả những tiếng động kia cứ mãi mãi một điệu đều không hề thay đổi, phân biệt tiếng đạn gầm gừ bắn ra và tiếng đạn rít lên lúc đến gần, nhìn những gương mặt quen thuộc của những binh sĩ ở tiểu đoàn một và chờ đợi. “Đấy là một quả nữa về phía chúng ta!” – Chàng nghĩ thầm, lắng tai nghe tiếng rít mỗi lúc một gần của cái vật gì bay ra từ khu vực phủ khói: “Một, hai,… Lại một quả nữa! Trúng rồi!…”. Chàng dừng lại đưa mắt nhìn các hàng quân. “Không, đạn đã bay qua. Nhưng quả này thì nhằm đúng vào chúng ta rồi!” và chàng lại tiếp tục bước, có gắng bước cho thật dài để có thể đến bờ ruộng bên kia trong mười sáu bước.
Đột nhiên, nghe vèo một tiếng. Cách chừng năm bước, một quả pháo đạn cày lớp đất khô lên và mắt hút dưới mặt đất. Chàng bất giác thấy lạnh cả xương sống. Chàng đưa mắt nhìn đội ngũ. Chắc hẳn có nhiều người trúng đạn; một đám khói lớn đã bốc lên ở tiểu đoàn hai.
– Ông sĩ quan phụ tá! – Chàng quát lên. – Bảo họ không được đứng lại một chỗ! – Viên sĩ quan phụ tá thi hành mệnh lệnh xong bước đến cạnh công tước Andrey. Từ phía bên kia, một viên tiểu đoàn trưởng cưỡi ngựa tới.
– Coi chừng! – Có tiếng kêu kinh hãi của một số binh sĩ, và giống như một con chim nhỏ hót lên trong khi sà nhanh cái gì xuống đất, một quả tạc đạn rơi cách công tước Andrey hai bước, nghe đánh phịch một tiếng khe khẽ cạnh con ngựa của viên tiểu đoàn trưởng. Con ngựa, không tự hỏi xem tỏ ra sợ hãi là tốt hay là xấu hí lên một tiếng, lồng lên làm viên tiểu đoàn trưởng suýt ngã xuống và hảy vụt sang một bên. Nỗi khiếp sợ của con ngựa truyền sang mọi người.
– Nằm xuống! – Bên sĩ quan phụ tá vừa nằm rạp xuống đất vừa thét lên.
Công tước Andrey vẫn đứng yên vẻ lưỡng lự. Quả tạc đạn như một con quay vừa bốc khói vừa quay tít ở khoảng giữa chàng và viên sĩ quan phụ tá đang nằm rạp ở chỗ bờ ruộng tiếp giáp với bãi cỏ cạnh một bụi ngải.
“Cái chết đấy ư?” – Công tước Andrey nghĩ thầm, đưa mắt ngắm nhìn những ngọn cỏ, bụi ngải và những tia khói phụt ra từ quả tạc đạn đen ngòm đang xoay tít, trong lòng thèm thuồng số phận của những vật ấy. – Một cảm xúc hoàn toàn mới mẻ đối với chàng.
“Ta không thể nào chết, ta không muốn chết, ta yêu cuộc sống, yêu đám cỏ này, mảnh đất này, bầu không khí này,…”. Chàng suy nghĩ, va đồng thời vẫn nhớ rằng quân sĩ đang nhìn mình.
– Thật xấu hổ, ngài sĩ quan ạ. – Chàng nói với viên sĩ quan phụ tá- Cái gì…
Chàng không kịp nói hết câu. Ngay lúc ấy có tiếng nổ, các mảnh đạn rung lên kêu rè rè như tiếng mảnh kính vỡ, mùi thuốc súng xông lên khét lẹt, và công tước Andrey nhào sang một bên giơ một cánh tay lên trời và ngã sấp xuống đất.
Mấy viên sĩ quan chạy lại. Từ phía bên phải bụng chàng máu chảy xuống đổ thành một vệt lớn.
Những người dân quân khiêng cáng được gọi đến đứng lại sau lưng các sĩ quan. Công tước Andrey nằm sấp mặt úp xuống cỏ và thở dốc ra một cách khó nhọc.
– Thế nào? Còn đợi cái gì nữa? Lại đây.
Mấy người nông dân chạy lại, nhấc vai và chân chàng lên, nhưng thấy chàng rên rỉ đau đớn, họ lại đưa mắt nhìn nhau và buông ra.
– Khiêng đặt lên cáng đi đằng nào cũng thế thôi. – Có tiếng quát và một lần nữa người ta lại nắm lấy vai chàng và đặt chàng lên cáng.
– Trời ơi! Trơi ơi!… Làm sao? Vào bụng à? Thế thì chết! Trời ơi! – Trong đám sĩ quan có tiếng lao xao. – Nó bay sát qua vai tôi. – viên sĩ quan phụ tá nói.
Tốp nông dân đặt cáng lên vai, vội vã quay về trạm cứu thương, theo con đường mòn do vết chân của họ vạch ra.
– Đi cho đều chân!… Ê, bọn kia! – Một viên sĩ quan vừa quát vừa nắm lấy vai những người nông dân giữ họ lại, vì bước chân của họ đi không đều làm cho cái cáng cứ xóc lên.
– Cậu bước theo tớ, nghe chưa! Khviodor – Người nông dân đi trước nói.
– Được rồi! Tốt đấy. – Người đi sau vui vẻ nói khi bắt đầu bước được đều chân.
– Đại nhân!… Công tước ơi! – Timokhin chạy đến nhìn vào cáng nói, giọng run run.
Công tước Andrey mở mắt ra, đầu chàng lọt sâu xuống lòng cáng; chàng ngước mắt lên nhìn qua thành cáng rồi nhắm lại.
Dân quân khiêng công tước Andrey vào trong rừng, nơi để xe tải và đặt trạm cứu thương. Trạm này gồm ba cái lều để ngỏ bón phía dựng cách quãng ở ven một khu rừng bạch dương. Xe vận tải và ngựa đều ở trong khu rừng. Ngựa đang ăn thóc yến mạch để ở trong bị, và mấy con chim sẻ bay đến mỏ những hạt thóc vương vãi. Quạ đánh hơi thấy mùi máu bay liệng trên những ngọn bạch dương, cất tiếng kêu thèm thuồng. Quanh lều, trên một khoản trống hơn hai mẫu, những người mặc nhiều thứ y phục khác nhau nhưng đều vấy máu, đang nằm, ngồi hay đứng. Xung quanh những người bị thương, một tốp lính khiêng cáng chen nhau, vẻ mật đăm chiêu và buồn bã. Các sĩ quan giữ trật tự ra sức đuổi họ đi, nhưng họ không nghe lời các sĩ quan, vẫn đứng dựa vào cáng, mặt nhìn chăm chú vào quang cảnh trước mặt như đang cố tìm hiểu cái ý nghĩa bí hiểm của cảnh tượng này. Từ các lều đưa ra khi thì những tiếng kêu thất thanh tiếng rê rỉ ai oán. Chốc chốc lại có những người y tá chạy ra đi lấy nước và chỉ định những người đến lượt khiêng vào trong lều. Những người bị thương chờ đến lượt ở cạnh lều cứ kêu khóc, rên rỉ, nguyền rủa, xin vodka uống. Một vài người mê sảng. Công tước Andrey với tư cách trung đoàn trưởng được khiêng qua những người bị thương chưa băng bó đến cạnh một trong ba cái lều và mấy người khiêng cáng dừng lại đấy để chờ lệnh. Chàng mở mắt ra và một hồi lâu và không thể hiểu có những việc gì xảy ra quanh mình. Chàng nhớ đến cánh đồng cỏ, cây ngải, cánh đồng yến mạch, quả cầu đen xoay tít và cái giây phút mà tình yêu của chàng đối với cuộc sống bỗng dâng vút lên hư gọi chào. Cách chàng hai bước, một hạ sĩ quan tuấn tú, người cao lớn, tóc đen đang đứng dựa vào một cành cây nói oang oang làm mọi người chú ý. Anh ta bị đạn ở đầu và chân. Xung quanh anh ta có một tốp thương binh và lính khiêng cáng xúm lại háo hức nghe anh ta nói.
– Quân ta xông vào đánh bật chúng nó ra, chúng nó vứt hết, ngay cả vua của chúng cũng bị tóm cổ – Người hạ sĩ quan nói oang oang, đưa cặp mắt đen láy nẩy lửa nhìn xung quanh. – Giá mà quân cứu viện đến kịp thì, các cậu ạ, chúng chẳng còn thằng nào sống sót đâu tớ nói thực đấy…
Cũng như tất cả những người đứng chung quanh người kể chuyện, công tước Andrey nhìn anh ta với cặp mắt sáng long lanh và thấy nguôi lòng. “Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa. – Chàng nghĩ. – Bên kia sẽ có gì, à ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng vẫn chưa hiểu”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.