Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương -10



Ngày ba mươi tháng tám, Piotr về đến Moskva. Gần trạm gác, chàng gặp một viên sĩ quan phụ tá của bá tước Raxtovsin. Viên sĩ quan nói:

– Thế mà chúng tôi cứ tìm ngài khắp nơi. Bá tước đang cần gặp ngài lắm. Bá tước mời ngài đến ngay có việc rất quan trọng.

Piotr không ghé về nhà, gọi một chiếc xe thuê đi đến nhà vị tư lệnh thành phố.

Bá tước Raxtovsin sáng hôm ấy vừa mới ở ngôi biệt thự ngoại thành của ông ta ở Xokolniki trở về thành phố. Phòng đợi và phòng khách của bá tước chật ních những viên chức được ông ta triệu đến hoặc tự đến để xin lệnh. Vaxilsikov và Platov đã có gặp bá tước và ông cho biết rằng không còn cách gì phòng thủ Moskva được nữa, đành phải bỏ kinh thành cho giặc vào. Tuy họ giấu giếm không cho dân cư biết tin này, nhưng các viên chức, các thủ trưởng các cơ quan hành chính đều biết rõ không kém gì Raxtovsin rằng Moskva sẽ lọt vào tay quân địch: và để trút bỏ trách nhiệm, tất cả những người đó đều đến hỏi quan tư lệnh thành phố xem họ nên xử trí như thế nào đối với những cơ quan được giao cho họ.

Trong khi Piotr bước vào phòng tiếp tân, viên tín sứ của quân đội từ phòng bá tước đi ra. Viên tín sứ khoát tay có vẻ tuyệt vọng đáp lại các câu hỏi và bước ngang qua gian phòng.

Trong khi ngồi đợi ở phòng tiếp khách, Piotr đưa mắt mệt mỏi nhìn qua những viên chức hiện đang ở trong phòng, già có, trẻ con, quan võ có, thượng cấp cũng có mạ hạ cấp cũng có. Mọi người có vể bất mãn và lo lắng. Piotr lại gần một nhóm trong đó có một người quen của chàng.

– Cho tản cư đi rồi gọi về cũng chẳng sao: nhưng trong tình hình này thì chẳng biết đằng nào mà nói nữa.

Một người khác chỉ vào một tờ giấy chữ in đang cầm trong tay nói:

– Thì đây ông ấy viết thế này đây…

– Đó là chuyện khác. Đối với dân chúng cần phải thế, – Người thứ nhất đáp lại.

– Giấy gì thế? – Piotr hỏi.

Một bản tuyên cáo mới.

Piotr cầm lấy một bản tuyên cáo và bắt đầu đọc:

“Để sớm có thể bắt liên lạc với đại quân, đang tiến về phía ngài, Điện hạ Tối quang minh đã rút về phía sau Mozaisk và đóng ở một địa thế vững mạnh, một nơi mà quân địch khó lòng có thể tấn công ngay được. Bốn mươi tám khẩu đại bác có đủ đạn đã được chuyển về đây cho ngài, và công tước điện hạ có nói rằng ngài sẽ bảo vệ Moskva cho đến giọt máu cuối cùng và dù có phải giao chiến với địch ngay giữa các đường phố cũng không từ. Anh em không nên hoang mang về việc các công sở đóng cửa, cần phải thu xếp công việc, còn chúng tôi thì chúng tôi sẽ xét tội quân gian. Đến khi động dụng, tôi sẽ cần đến những người trai tráng ở thành thị và thôn quê. Tôi sẽ có lởi hiệu triệu trước hai ngày, còn bây giờ thì chưa cần, cho nén tôi im lặng. Dùng rìu cũng tốt, dùng gây nhọn cũng hay, nhưng tốt hơn cả là dùng nạng chĩa đinh ba: một tên giặc Pháp không nặng hơn một bó lúa mì đen đâu. Ngày mai, sau bữa ăn chiều, tôi sẽ cho rước ảnh Đức Bà Iverya đến nhà thương Ekaterina.

Ta sẽ làm phép cho nước ở đây linh thiêng đặng các thương binh chóng lành. Bản thân tôi thì nay vẫn khoẻ mạnh: vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều trông rõ”.

Piotr nói:

– Tôi có nghe mấy vị nhà binh nói rằng trong thành phố không thể nào chiến đấu được và các vị trí…

– Ừ thì chính chúng ta đang bàn chuyện ấy đó thôi, – Người viên chức lúc nãy nói.

Thế còn, “vừa rồi có bị đau một bên mắt, nhưng nay cả hai đều thông rõ” nghĩa là thế nào? – Piotr hỏi.

– Bá tước vừa bị một cái mụn lẹo, – viên sĩ quan phụ tá mỉm cười nói. – và ngài rất lo khi tôi thưa với ngài là dân chúng đến hỏi thăm ngài mắc bệnh gì. – Rồi bỗng dưng ông ta mỉm cười nói thêm với Piotr – À, bá tước này, chúng tôi có nghe nói ngài có chuyện rầy rà trong gia đình thì phải? Hình như bá tước phu nhân…

– Tôi thì chẳng nghe gì cả, – Piotr dửng dưng đáp. – Các ngài nghe nói thế nào?

– Thì ngài cũng biết rằng thiên hạ hay bày đặt… lắm chuyện. Tôi nghe thế nào thì cứ nói thế thôi.

– Thế ngài nghe họ nói thế sao?

– Thì họ bảo là… – viên sĩ quan phụ tá mỉm cười y như lúc nãy, – Là bá tước phu nhân sắp ra nước ngoài. Chắc là chuyện nhảm nhí…

– Cũng có thể đúng, – Piotr nói, mắt lơ đễnh nhìn quanh, rồi chỉ một ông già thấp bé mặc chiếc áo dài xanh sạch sẽ, da mặt đỏ hồng, có bộ râu đen và rậm bạc trắng như tuyết, bộ lông mày cũng bạc chẳng kém, hỏi. – Thế còn ai đây?

– Ông kia ấy à? Ông ta là một ông lái buôn, nghĩa là một ông chủ quán rượu, tên là Veressaghin. Chắc ngài có nghe câu chuyện bản tuyên cáo rồi chứ?

– À thế ra đây là Veressaghin à? – Piotr nói, mắt nhìn khuôn mặt cương quyết và điềm tĩnh của ông lái buôn, tìm xem có vẻ gì là một kẻ gian tặc không. Viên sĩ quan phụ tá nói:

– Không phải ông này đâu. Ông này là cha của người đã viết ra bản tuyên cáo. Con ông ta đang ở trong ngục, có lẽ bị xử nặng lắm.

Một ông già nhỏ bé đeo huân chương bội tinh, và một viên quan người Đức cổ đeo huân chương chữ thập lại gần nhóm người đang nói chuyện. Viên sĩ quan phụ tá kể:

– Câu chuyện rắc rối lắm các vị ạ. Bản tuyên cáo ấy xuất hiện cách đây hai tháng. Người ta báo cho bá tước biết. Bá tước liền ra lệnh điều tra. Thế là Gavrilo Ivanyts đi điều tra: thì ra bản tuyên cáo đã chuyển qua đúng sáu mươi ba bàn tay. Hễ tìm ra một người, ông ta lại hỏi: ai đưa cho anh? Người này người nọ. Ông ta lại hỏi đến người ấy: ai đưa cho anh? Và cứ thế mãi cho đến Veressaghin, một anh lái buôn chưa thành nghề, một anh lái buôn rất dễ thương, – viên sĩ quan phụ tá vừa nói vừa mỉm cười. – Người ta hỏi hắn: ai đưa cho anh tờ giấy này? Cái chính là chúng ta muốn biết rõ ai đưa cho hắn: chẳng có ai khác ngoài ông giám đốc bưu vụ cả: Nhưng tình hình như giữa hai người đã có thoả thuận trước với nhau thế nào đấy. Anh lái buôn nói: “Chẳng có ai cả, chính tôi viết lấy”. Người ta cứ thế mà báo cáo với bá tước ra lệnh gọi anh lái buôn lại. “Ai trao cho anh tờ tuyên cáo?” – “Chính tôi viết ra”. Thì các vị cũng biết rõ bá tước rồi đấy. – Viên sĩ quan phụ tá mở một nụ cười kiêu hãnh và vui tươi nói tiếp. – Ngài nổi giận đùng dùng; các ngài cứ thử nghĩ xem: có đời ai lại xấc xược, dối trá và lì lợm đến thế…

– À! Trong khi đó bá tước lại đang cần anh ta vạch mặt chỉ tên Klutsarev kia, tôi hiểu rồi! – Piotr nói.

– Đâu có! Có cần gì đâu, – viên sĩ quan phụ tá hốt hoảng nói, – Klutsarev thì không có việc này cũng đã lắm tội rơi, chính vì thế cho nên mới bị đày. Nhưng có điều là bá tước rất công phẫn. “Mày làm thế nào mà viết ra được? – Bá tước nói xong lấy một tờ báo Hamburg để trên bàn. – Đây này. Không phải là mày viết ra, mà là mày dịch ra, mà dịch rất tồi, vì ngu dốt, dốt như mày, tiếng Pháp cũng chẳng biết”. Thế mà các ngài có biết hắn trả lời thế nào không? Hắn nói: “Không, tôi chẳng đọc báo chí gì cả, chính tôi viết ra” – À nếu thế thì mày là một tên gian tặc, tao sẽ đưa mày ra toà án và mày sẽ bị treo cổ. Nói đi, ai đưa cho mày? – “Tôi không trông thấy báo trí gì cả, tôi tự vìết ra”. Cứ như thế. Bá tước cho gọi cả ông bố hắn lên: hắn vẫn khăng khăng một mực như cũ. Thế là người ta đưa ra toà và hắn bị đày khổ sai thì phải. Bây giờ ông bố đến xin cho hắn đấy. Cái thằng thật bất trị! Các ngài biết không, cái thằng con cái nhà buôn ấy là một gã ăn diện, hay ve gái, có theo học dăm ba chữ ở đâu ấy rồi cứ tưởng mình là ghê gớm lắm. Thằng cha thế có lạ không chứ? Bố hắn có một quán rượu ở cầu đá gần đây trong quán có một bức tượng ĐứcThánh Chúa Trời, tay phải cầm một quyển trượng và tay trái cầm quả địa cầu; thế là hắn đem bức ảnh về nhà mấy ngày và cũng làm một bức như thế! Hắn kiếm đâu ra được một thằng thợ vẽ chó chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.