Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương – 19



Sáng ngày hai mươi lăm, Piotr rời Mozaisk. Khi xe đi xuống con đường dốc đứng quanh co dẫn ra khỏi thành phố, ở bên phải có một ngôi nhà thờ trong đó người ta đang cầu nguyện và đánh chuông, Piotr xuống xe đi bộ. Phía sau chàng là một trung đoàn kỵ binh có một tốp ca sĩ đi đầu đang xuống đồi. Một đoàn xe chở những người bị thương trong trận chiến đấu hôm qua đang lên dốc đi về phía chàng. Mấy người nông dân đánh xe, miệng quát mấy con ngựa, tay quất roi đen đét cứ chạy từ bên này sang bên kia đường. Những chiếc xe tải chở dăm ba thương binh, người ngồi, người nằm, đang lăn lạch cạch trên đoạn đường dốc lổn nhổn những đá rải đường.

Mấy người thương binh mình quấn dầy giẻ, da mặt xanh xao, mím môi và cau mày bám lấy thành xe, người cứ chồm lên và va vào nhau ở trong xe. Hầu hết đều nhìn cái mũ trắng và bộ thường phục màu xanh lá cây của Piotr với vẻ tò mò ngây thơ của trẻ con.

Người đánh xe của Piotr giận dữ quát những người đánh xe trở thương binh bảo họ đẹp ra một bên. Một đoàn kỵ binh ở trên đồi xuống, vừa đi vừa hát, chẳng bao lâu đã đến gần xe của Piotr và làm cho con đường tắc nghẽn. Piotr dừng lại nép mình vào phía mé đường đào lõm vào trong sườn đồi. Vì sườn dốc đứng, ánh nắng không thể chiếu vào con đường lõm sâu xuống; nên ở đấy lạnh và ẩm ướt. Trên đầu Piotr là buổi sáng tháng tám rực rỡ và tiếng chuông nhà thờ ngân nga vui vẻ. Một chiếc xe chở thương binh dừng lại ở bên đường, sát chỗ Piotr đứng. Người đánh xe đi giày bằng thứ vỏ cây thớ hổn hển chạy đến chiếc xe của mình, chèn một hòn đá dưới chiếc bánh sau không có dai sắt và bắt đầu sửa lại đây thăng trên mình con ngựa nhỏ bé.

Một thương binh già, cánh tay treo băng, đi theo chiếc xe vận tái đưa bàn tay còn lành lặn bám vào xe, quay lại nhìn Piotr nói:

– Này ông hành xứ ơi, họ bỏ chúng tôi lại đây phải không? Hay là đưa đến tận Moskva đấy?

Piotr đang suy nghĩ đăm chiêu đến nỗi không nghe thấy câu hỏi này. Chàng hết nhìn trung đoàn kỵ binh lúc này đã bắt gặp đoàn xe chở thương binh, lại nhìn cỗ xe ở cạnh chàng trong đó có hai thương binh đang ngồi và một thương binh nữa đang nằm. Trong số những người ngồi trên xe, có một người chắc là bị thương ở má. Đầu anh ta quấn giẻ kín mít, và một bên má anh ta vẹo hẳn sang một bên. Người lính này nhìn ngôi nhà thờ và làm dấu thánh giá. Người kia là một tân binh trẻ người nhỏ nhắn, tóc vàng, nước da trắng bệch, khuôn mặt thanh tú trông như không còn lấy một chút máu nào. Anh ta nhìn Piotr với một nụ cười hiền hậu ngưng lại trên môi; người thứ ba nằm úp sấp không trông thấy mặt. Ca sĩ của trung đoàn kỵ binh tiến qua chiếc xe.

Ôi, thế là mất toi, cái đầu lông nhím(1)…

Sống ở nơi đất khách quê người.

Họ đang hát theo điệu một vũ khúc của binh sĩ. Như để hoạ lại tiếng hát của họ, nhưng với một niềm vui khác hẳn, những tiếng kim lanh lảnh của hồi chuông nguyện quyện vào nhau ngân vọng trên không trung. Vả lại thêm một niềm vui khác vừa sảng bừng trong những tia nắng nóng ran rót xuống đỉnh đồi đối diện. Nhưng ở chỗ Piotr đứng dưới sườn đồi, cạnh cỗ xe chở thương binh, cạnh con ngựa đang thở phì phì, thì lại ẩm ướt, âm u và rầu rĩ.

Người lính có cái má sưng vù liếc nhìn những kỵ binh đang hát, lộ vẻ cáu kỉnh.

– Ô! Cái bọn công tử bột. – Anh ta nói, giọng trách móc. – Bây giờ không những thấy lính tráng mà còn thấy cả nông dân nữa.

Nông dân họ cũng lùa đi, – Người lính đứng sau xe nói với Piotr với một nụ cười buồn buồn. – Lúc này, họ không phân biệt gì nữa… Toàn dân ai ai cũng muốn đánh giặc, một lời thôi: Moskva. Mọi người chỉ muốn một kết cục.

Tuy lời lẽ người lính không rõ nghĩa, Piotr cũng hiểu anh ta muốn nói gì, và chàng gật đầu tán thành.

Con đường đã quang. Piotr đi xuống dốc rồi lại lên xe tiếp tục đi chàng ngồi trên xe đưa mắt nhìn hai bên đường, tìm những khuôn mặt quen thuộc, nhưng ở đâu chàng cũng chỉ thấy những khuôn mặt xa lạ của những quân nhân thuộc nhiều binh chủng khác nhau, ai cũng nhìn cái mũ trắng và bộ thường phục màu xanh lá cây của chàng, một cách bỡ ngỡ như nhau.

Sau khi đi bộ được bốn dặm, chàng gặp người quen đầu tiên và vui vẻ gọi ông ta. Người này là một bác sĩ quân y trưởng trong quân đội ông ta ngồi trên chiếc xe có điềm, cạnh một bác vĩ trẻ tuổi, đi ngược chiều với Piotr. Nhận ra Piotr, ông ta bảo người cô-dắc làm xà ích cho ông ta cho xe dừng lại.

– Bá tước! Làm sao bá tước lại ở đây?

– Tôi muốn xem xem…

– Phải, phải, muốn xem thì tha hồ mà xem…

Piotr xuống xe và dừng lại nói với bác sĩ rằng chàng muốn dự trận đánh. Bác sĩ khuyên chàng nên nói thẳng với Điện hạ Tối quang minh.

– Tội gì phải lang thang đây đó trong khi chiến đấu: chẳng ai biết đến mình cả. – Ông ta vừa nói vừa nói vừa đưa mắt sang người bạn đồng nghiệp trẻ tuổi. – ít nhất thì Điện hạ cũng biết ông và sẽ ân cần tiếp ông. Ông nên theo lời khuuyên của tôi. – Bác sĩ nói.

Bác sĩ có vẻ mệt mỏi và vội vàng.

– Thế theo ông… Tôi còn muốn hỏi ông một câu nữa, trận địa quân ta ở đâu”? – Piotr nói.

– Trận địa ấy à? – Bác sĩ nói. – Cái đó không phải phần việc của tôi Khi nào qua Tatarinovo ông sẽ thấy mọi người đào đất dữ lắm. Ông cứ trèo lên ngọn đồi, đứng đó ông sẽ thấy. – Bác sĩ nói. – Tôi cũng muốn đưa ông đi, nhưng mà nói có trời đất tôi ngấy lên đến đây rồi. – Bác sĩ chỉ lên cổ. – Tôi đến gặp chỉ huy lữ đoàn đây. Tình hình chúng tôi gay quá, bá tước ạ, đến mai là đánh nhau rồi. Trong số mười vạn người chiến đấu thì tính xoàng đi cũng phải đến hai vạn người bị thương. Ấy thế mà chúng tôi không có đủ cáng; không đủ giường bệnh; không đủ y tá; y sĩ cho sáu nghìn người. Chúng ta có một vạn xe vận tải; nhưng có phải chỉ cần có thế đâu! Thôi muốn xoay xở thế nào thì xoay xở.

Trong óc Piotr nảy ra một ý nghĩ kỳ quặc. Trong số hàng vạn những con người kia: hoạt bát, mạnh khoẻ, trẻ cũng như già, vừa nhìn cái mũ của chàng với vẻ ngỡ ngàng và vui vẻ, thì ít nhất sẽ có hai vạn người bị thương và tử trận (và có thể họ chính là những người mà chàng vừa nhìn thấy). “Có thể đến mai là họ sẽ chết. Làm sao họ có thể nghĩ đến những điều gì khác ngoài cái chết nhỉ?”

Thế rồi đột nhiên, do một sự liên tưởng huyền bí, chàng hình dung rõ rệt con đường đi xuống dốc Mozaisk với những xe vận tải đầy thương binh, tiếng chuông ngựa ngân nga, ánh nắng chênh chếch và bài hát của kỵ binh.

“Những người kỵ binh này sắp ra trận, họ gặp những thương binh trở về, thế mà họ không nghĩ gì đến những điều đang chờ đón họ, họ vẫn đi qua lại nháy mắt với thương binh nữa. Trong số này có hai vạn người phải chết, thế mà cái mũ của ta lại làm cho họ ngạc nhiên! Lạ thật!” – Piotr thầm nghĩ trong khi tiếp tục đi về phía Tatarinovo.

Cạnh một ngôi nhà của trang chủ, ở bên trái đường cái là những cỗ xe kiệu: xe vận tải, những đoàn tuỳ tùng của lính canh Điện hạ đang ở đấy;nhưng lúc Piotr đến thì Điện hạ cũng như hầu hết các sĩ quan tham mưu đều đi vắng. Họ đang dự lễ cầu nguyện. Piotr tiếp tục đi xe về phía Gorki.

Sau khi lên dốc và đi vào một con đường làng nhỏ; lần đầu tiên Piotr nhìn thấy những người nông dân làm dân quân mặc áo sơ mi trắng, ở trên mũ chụp có dính một chữ thập, mồ hôi nhễ nhại, nói cười bô bô, đang làm việc ở bên phải con đường trên một ngọn đồi lớn cỏ mọc um tùm. Người thì đào đất bằng thuổng, người thì chở đất trên những miếng ván đặt trên xe cút-kít, người thì đứng không.

Hai sĩ quan đứng trên đồi đang chỉ huy. Trông thấy những người nông dân này, xem ra đang vui với cái nhiệm vụ quân sự mới mẻ của mình, Piotr lại sực nhớ đến những thương binh ở Mozaisk và bắt đầu hiểu người lính ngụ ý gì khi anh ta nói rằng: “Toàn dân ai ai cũng muốn đánh giặc”. Cảnh tượng những người nông dân râu ria xồm xoàm kia đang làm việc trên bãi chiến trường; vụng về trong những đôi ủng kỳ quặc, mồ hôi nhễ nhại sau gáy, có người mặc áo phanh cổ, dưới làn vải áo có thể trông rõ hai cái xương bả vai rám nắng, chứng tỏ cho Piotr hiểu, tất cả những điều chàng đã thấy và đã nghe từ trước đến nay, tính nghiêm trọng của giờ phút sắp tới.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.