Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 3)

Chương -11



Đang dở chừng câu chuyện mới này thì có người ra gọi Piotr vào gặp quan tư lệnh Piotr vào phòng làm việc của bá tước Raxtovsin. Lúc ấy Raxtovsin đang cau mặt lấy tay xoa trán và dụi mắt. Một người thấp bé đang nói một câu gì, vừa thấy Piotr vào thì im bặt và bỏ ra ngoài.

– À! Chào anh chiến sĩ vĩ đại. – Raxtovsin nói khi người kia đã ra ngoài. – Chúng tôi có nghe nói đến những chiên công oanh liệt của anh! Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Anh bạn ạ, cái này ta nói riêng với anh nhé, anh là hội viên Tam điểm phải không? – Bá tước Raxtovsin nói với giọng điệu nghiêm khắc, tưởng chừng đó là một việc xấu xa, nhưng ông ta vẫn sẵn lòng tha thứ, Piotr lặng thinh. – Anh bạn ạ, tôi biết rõ lắm, nhưng tôi biết rằng anh không ở trong số những kẻ lấy cớ muốn cứu toàn nhân loại để làm hại nước Nga.

– Phải, tôi là hội viên Tam điểm, – Piotr nói.

– Ấy thế, anh bạn nghe tôi nói nhé. Tôi thiết tưởng anh cũng biết rằng ông Xepenranxki và Marvixki, đã được đưa đi một nơi xứng đáng với họ, Klutsarev và tất cả những kẻ nào lấy cớ muốn xây ngôi đền Salomon để cố phá hoại ngôi đền của tổ quốc mình đều được xử trí như thế. Anh có thể hiểu rằng sở dĩ tôi phải làm như vậy là có lý do và giả sử viên giám đốc bưu vụ ở đây không phải là một con người nguy hiểm thì tôi đã không thể nào đưa hắn đi đày được Hiện nay tôi đã được biết rằng anh đã cho hắn mượn xe để ra khỏi thành phố và thậm chí lại còn giữ hộ giấy tờ cho hắn nữa. Tôi vốn mến anh và không hề có ý muốn làm hại anh, và bởi vì tuổi anh chỉ bằng nửa tuổi tôi, cho nên tôi xin khuyên anh như một người cha là hãy chấm dứt quan hệ với hạng người đó và bản thân anh thì hãy ra khỏi chỗ này càng sơm càng tốt.

– Thưa bá tước, Klutsarev có tội gì? – Piotr hỏi.

– Đó là việc của tôi, anh không bận gì phải hỏi, – Raxtovsin quát.

– Họ buộc tội cho ông ta là đã truyền bá những tờ tuyên cáo cho Napoléon nhưng đã có chứng cớ vì đâu, – Piotr nói, không nhìn Raxtovsin, – Còn Veressaghin.

– Ấy đấy! – Raxtovsin bỗng cau mặt mày và ngắt lời Piotr, quát to hơn cả lúc nãy, – Veressnghin là một tên gian tặc và một thằng bán nước, đã đền tội một cách xứng đáng, – Raxtovsin nói với cái giọng điệu hằn học cay cú như người ta thường nói khi nhớ lại một điều sỉ nhục, – Nhưng tôi mời anh đến đây không phải để bàn đến những việc làm của tôi, mà để khuyên răn anh, hay ra lệnh cho anh, anh muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tôi yêu cầu anh cắt đứt quan hệ với những người như Klutsarev, và đi khỏi nơi này. Tôi thì tôi sẽ cho họ một bài học, ai cũng thế, – Rồi có lẽ vì chợt nhận thấy mình đã to tiếng với Bezukhov tuy anh ta chẳng có tội tình gì, Raxtovsin thân mật cầm tay Piotr nói thêm: – Chúng ta đang sắp trải qua một quốc nạn, nên tôi không có thì giờ ăn nói nhã nhặn với tất cả những người nào có việc giao dich. Nhiều khi đấu tôi cứ váng lên ấy? Thế nào, anh bạn, riêng bản thân anh thì hiện nay đang làm gì?

– Có làm gì đâu, – Piotr đáp, mắt vẫn không nhìn lên và vẻ mặt đăm chiêu vẫn không thay đổi.

Bá tước cau mặt.

– Anh bạn ạ, tôi xin lấy chỗ tình thân mà khuyên anh: anh nên chuồn đi cho sớm, tôi chỉ nói với anh thế thôi. Khôn thì sống, mống thì chết. Thôi chào anh, à, quên, – Ông ta gọi với theo khi Piotr đã ra khỏi phòng, – Có đúng là bá tước phu nhân đã lọt vào nanh vuốt các thanh cha hội Gia-tô không thế hả?

Piotr lặng thinh không đáp. Chàng ra khỏi nhà Raxtovsin với vẻ mặt cau có, bực tức mà xưa nay chưa ai từng thấy chàng có.

Chàng về đến nhà thì trời đã xẩm tối. Ở nhà tối hôm ấy có tám người đến tìm chàng: viên thư ký uỷ ban, viên đại tá ở tiểu đoàn chàng, viên quản lý, viên quản gia và mấy người đến xin xỏ việc này việc nọ.

Người nào cũng có việc cần chàng giải quyết. Piotr chẳng hiểu đầu đuôi thế nào, chàng không hề quan tâm đến các công việc đó, và họ hỏi gì chàng cũng chỉ trả lời cốt làm sao tống họ đi nhanh cho rảnh. Cuối cùng khi đã ngồi lại một mình, chàng bóc thư của vợ ra đọc.

“Họ – Những người lính trên vị trí pháo; công tước Andrey đã tử trận… Ông già… Giản dị là phục tùng Thượng đế. Cần phải đau khổ ý nghĩa của mọi sự… cần phải liên kết… vợ ta đi lấy chồng… Cần phải quên đi và hiểu rõ”.

Chàng đến cạnh giường, và không cởi áo ngoài, chàng gieo mình xuống giường, và lập tức ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, khi chàng thức dậy, người quản gia vào báo cáo là có một nhân viên cảnh sát do bá tước Raxtovsin phái đến hỏi xem bá tước Bezukhov đã đi chưa, hoặc có ý định đi không.

Khoảng mười người đủ các hạng có việc cần gặp Piotr đang dợi chàng trong phòng khách. Piotr vội vào mặc áo ngoài, và đáng lẽ ra gặp những người đợi, chàng lại đi ra cửa sau rồi từ dó bước ra cổng.

Kể từ đấy, mãi cho đến sau khi Moskva bị tàn phá, người nhà của Piotr đã ra sức tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Piotr đâu và không biết chàng ở chỗ nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.