Hôm đó trời không sáng sủa lắm. Căn phòng của bà Lorrimer có vẻ hơi tối và buồn tẻ. Còn chính bà trông xám xịt và già nua hơn hẳn so với lần gặp Poirot mới đây.
Bà chào đón ông với thái độ quả quyết, niềm nở thường lệ.
– Ông đến ngay thật là tốt quá, ngài Poirot. Tôi biết ông rất bận.
– Xin phục vụ bà, thưa madame – Poirot đáp, khẽ nghiêng mình.
Bà Lorrimer ấn chuông đặt bên lò sưởi.
– Ta sẽ cùng nhau uống trà nhé! Tôi không biết ông có cảm giác như thế nào về chuyện này nhưng tôi luôn cho rằng thật sai lầm nếu đi kể lể tâm tình với ai đó ngay lập tức mà không có cơ sở nghiêm chỉnh.
– Thế bây giờ bà có chuyện kể rồi ư, madame?
Bà Lorrimer không đáp vì lúc đó bà hầu phòng đi vào theo lệnh chuông gọi. Sau khi bà ta nghe lệnh truyền và đi ra, bà Lorrimer khô khan đáp:
– Chắc ông còn nhớ, lần trước ở đây ông đã nói rằng ông sẽ tới nếu tôi gọi cho ông. Tôi nghĩ chắc chắn ông có ý gì đó về lý do buộc tôi phải gọi cho ông, đúng không ạ?
Poirot không kịp trả lời thì trà đã được đem vào. Bà Lorrimer bỏ lửng câu chuyện một cách khéo léo bằng cách quay ra nói về các chủ đề đang thịnh hành.
Tranh thủ lúc bà ngừng lời, Poirot nhận xét:
– Tôi nghe nói hôm nọ bà và cô bé Meredith đã dùng trà với nhau?
– Vâng. Ông mới gặp cô bé à?
– Đúng đấy. Chiều nay.
– Thế ra cô bé đang ở London hay ông vừa xuống Wallingford?
– Không, tôi có đi đâu. Cô gái và cô bạn đã đến chỗ tôi chơi.
– À, cô bạn gái. Tôi vẫn chưa gặp cô ta.
Poirot hơi mỉm cười.
– Vụ giết người này lại thiết lập quan hệ hữu nghị. Bà và cô Meredith uống trà với nhau. Thiếu tá Despard cũng tận dụng dịp này để làm quen với cô Meredith. Có lẽ chỉ bác sĩ Robert là không liên quan mấy thôi.
– Hôm nọ tôi gặp ông ấy tại nơi chơi bài Brit – bà Lorrimer đáp – Trông vẫn hoàn toàn vui vẻ như mọi khi.
– Và vẫn khoái chơi Brit như cũ chứ?
– Vâng, vẫn là người xuống bài cao nhất và hay bị thua.
Bà im lặng một lát rồi nói:
– Gần đây ông có gặp ông sĩ quan cảnh sát Battle không?
– Vừa xong. Ông ấy đang nói chuyện cùng tôi thì bà gọi điện tới.
Lấy tay che bớt ánh sáng hắt ra từ lò sưởi, bà Lorrimer hỏi:
– Tình hình thế nào rồi?
Poirot nghiêm chỉnh đáp:
– Công việc của ông ấy không chạy lắm. Mọi thứ tiến triển chậm nhưng thế nào ông ấy cũng đạt kết quả.
– Tôi nghi ngờ chuyện đó – môi bà hơi mím lại thành nụ cười chế giễu – Ông ấy đã chú ý tới tôi nhiều lắm đấy. Đã lục lọi tiền sử của tôi từ khi tôi còn là một con nhóc. Ông ấy hỏi han bạn bè tôi, gợi chuyện đám người làm, những người hiện nay và đã từng phục vụ tôi ấy mà. Tôi chẳng biết ông ấy hy vọng tìm thấy gì nhưng chắc chắn ông ta không thể tìm nổi. Có khi ông ấy đã chấp nhận cả điều tôi nói với ông ấy. Đó là sự thực mà. Tôi biết rất ít về ông Shaitana. Như tôi đã kể, tôi gặp ông ấy ở Luxor và mối quen biết của chúng tôi không bao giờ đi xa hơn thế. Chắc ngài sĩ quan cảnh sát Battle không thể rút ra được mấy thông tin từ những sự việc này?
– Có lẽ không – Poirot đáp.
– Còn ông, ông Poirot? Ông vẫn chưa hỏi gì cả?
– Về bà ấy à?
– Tất nhiên.
Ông chậm rãi lắc đầu:
– Khó mà đạt được gì!
– Ý ông định nói gì vậy, ông Poirot?
– Tôi xin nói thẳng với bà. Ngay từ đầu, tôi đã nhận thấy rằng trong số bốn người có mặt ở phòng ông Shaitana hôm đó, người sáng suốt nhất, tỉnh táo nhất, chính là bà. Nếu tôi phải đặt cuộc tiền cho một trong bốn người về việc vạch kế hoạch giết người rồi đi thoát, không bị buộc tội gì, thì người đó cũng là bà.
Bà Lorrimer nhướng đôi mày:
– Liệu tôi có phải phổng mũi lên không? – Bà hỏi cộc lốc.
Poirot tiếp tục mà không để ý đến câu nói đó:
– Để thực hiện có kết quả một tội ác thì thường phải chuẩn bị mọi chi tiết từ trước. Phải lường được mọi chuyện bất ngờ có thể xảy ra. Thời điểm phải chính xác. Vị trí phải hết sức chuẩn. Bác sĩ Robert có thể sẽ không thực hiện được tội ác vì hấp tấp và quá tự tin. Thiếu tá Despard quá cẩn thận, không thể phạm tội ác theo kiểu ấy. Cô Meredith thì có lẽ sẽ tự tố giác mình vì mất bình tĩnh. Còn bà, bà không bị ảnh hưởng bởi những đức tính đó. Bà sáng suốt và tỉnh táo, kiên quyết và luôn cẩn thận. Bà không phải là loại phụ nữ dễ mất bình tĩnh.
Bà Lorrimer ngồi im một lúc với nụ cười kỳ lạ trên môi. Cuối cùng bà ta nói:
– Đấy là ý nghĩ của ông về tôi đấy, rằng tôi là loại người chỉ phạm tội trong điều kiện lý tưởng?
– Ít nhất bà cũng rất nhã nhặn để không bực mình vì nhận xét này.
– Tôi thấy nó rất thú vị. Như vậy ý ông tức là tôi – người duy nhất có thể giết chết ông Shaitana một cách có hiệu quả?
Poirot chậm rãi:
– Còn một chỗ thắc mắc, bà Lorrimer ạ!
– Thật ư? Nói tôi nghe xem nào!
– Có lẽ bà đã nhận thấy tôi vừa nói thế này. Để thực hiện có kết quả một tội ác thì thường phải chuẩn bị kỹ lưỡng mọi chi tiết từ trước. Cái từ tôi muốn lưu ý bà ở đây là “thường”. Bởi vì còn có một loại tội ác có kết quả khác. Đã bao giờ bà nói với ai rằng: “Ném hòn đá xem anh có thể ném trúng cây kia không”? Thế là người đó liền nghe ngay mà chẳng nghĩ ngợi gì. Đều kinh ngạc là anh ta ném trúng cái cây. Nhưng khi anh ta lặp lại hành động đó thì không còn dễ dàng như thế nữa và anh ta đã bắt đầu nghĩ: “Khó thật nhỉ, ném mạnh hơn chút nữa, sang bên phải một tí, ôi, bên trái chứ”. Hành động đầu tiên hầu như là vô ý thức, thể xác tuân theo mệnh lệnh trí óc một cách rất bản năng, như của một con vật vậy. Eh bien (thế đấy), có loại tội ác như vậy đấy, nó được tiến hành chớp nhoáng, do sự khích lệ của tình thế, do một ý nghĩ chợt thoáng qua trong óc, một mong muốn mãnh liệt bất ngờ, mà thủ phạm không có thời gian dừng lại hoặc nghĩ ngợi gì cả. Bà ạ, đó chính là loại tội ác đã xảy ra cho ông Shaitana. Đột nhiên, thủ phạm cảm thấy cực kỳ cần thiết, chợt lóe ra ý đồ phạm tội và đã hành động hết sức mau lẹ.
Ông lắc đầu:
– Chính vì vậy, đó không phải là kiểu của bà. Nếu bà là người giết chết Shaitana thì đấy phải là việc được bà xếp đặt, tính toán trước cơ.
– Tôi hiểu – bà chủ nhà khẽ khàng phẩy phẩy tay để mặt khỏi bị nóng quá vì lò sưởi – Dĩ nhiên là vì đó không phải là tội ác được tính toán trước, nên tôi không thể là thủ phạm giết chết ông ấy, phải không ông?
– Chính thế, thưa bà – Poirot nghiêng đầu.
– Nhưng dù sao thì – bà ta chúi người về đằng trước, cánh tay đang vung vẩy chợt dừng lại – Chính tôi đã giết Shaitana, ông Poirot ạ.