NGƯỜI TRONG ẢNH

Chương ba : CHUYẾN ĐI BẰNG XE LỬA



Bobby không thể trực tiếp theo dõi diễn biến của vụ tai nạn ấy được. Sáng sớm hôm sau anh phải đi Londres để gặp một người bạn đang thành lập một xưởng sửa chữa xe hơi và yêu cầu anh cùng cộng tác trong dịch vụ này.

Sau khi hai bạn đã vui vẻ thỏa thuận về mọi việc, hai ngày sau, Bobby đi chuyến tàu mười một giờ để trở về nhà. Đến ga Paddington thì biết đã bị muộn giờ, anh đi đường ngầm để đến đường sắt số ba đúng vào lúc tàu bắt đầu chuyển bánh. Không thèm nghe những lời phản đối của người soát vé, anh nhảy vội lên toa trước mặt.

Mở tay nắm cánh cửa toa bằng một động tác khá mạnh nên cửa vừa mở thì anh ngã quỵ xuống sàn xe. Bobby đứng lên và phủi xong quần áo thì thấy mình đang trong toa hạng nhất.

Trong toa có một cô gái tóc nâu, người mảnh khảnh, đang ngồi hút thuốc lá. Cô mặc một chiếc váy màu đỏ, khoác một chiếc áo Ja-két màu xanh. Mặc dù ăn mặc có phần sặc sỡ nhưng rõ ràng cô cố giấu vẻ sang trọng và khuôn mặt cô đầy đặn trông rất đáng mến.

– Này! Frankie đấy ư? – Bobby kêu lên – Đã một thế kỷ nay chúng ta chưa gặp nhau.

– Xin chào – Cô gái nói – Anh lại đây, ngồi ghế trước mặt tôi.

Bobby nhăn nhó:

– Vé của tôi là toa hạng ba.

– Không sao, sẽ giải quyết được thôi.

– Tôi sẽ trả tiền.

Ngay sau đó một người to béo, mặc đồng phục xanh, hiện ra trước cửa toa xe.

– Anh để mặc tôi – Frankie nói.

Cô cười một nụ cười duyên dáng với người soát vé vừa đưa tay lên mũ kê-pi và bấm vé của cô.

– Ông Jones vừa vào đây để trao đổi với tôi một vài công việc. Ông không thấy có gì là trở ngại, đúng không?

– Được thôi, thưa tiểu thư. Tôi hi vọng là ông khách không ở lại đây lâu – Ông ta húng hắng ho – Khi tàu tới ga Bristol thì tôi sẽ quay lại.

Khi người nhân viên đi khỏi. Bobby nói:

– Đây là cái mà một cô gái xinh đẹp đạt được chỉ bằng một nụ cười.

Tiểu thư Frances Denvent lắc đầu.

– Tôi không cho rằng đây không phải do tác dụng của nụ cười. Tôi thừa hưởng được ở cha tôi cái tác phong hào hiệp với những người giúp việc ông.

– Tôi cứ tưởng cô đi khỏi xứ Wales này rồi, Frankie?

Cô gái thở dài:

– A! Bạn thân mến, anh biết rõ các bậc cha mẹ thường bảo thủ như thế nào rồi! Ở nông thôn buồn chết người… nhưng làm thế nào được? Mỗi khi trở về Londres, tôi thường tự hỏi mình còn thích nông thôn nữa không?

– Cô thường làm gì trong những buổi tối ở Londres?

– Ô! Chẳng có gì là đặc biệt. Tối nào cũng như tối nào. Hẹn hò gặp nhau ở Savoy vào lúc tám rưỡi. Chúng tôi có một nhóm. Ăn xong chúng tôi đến Nhà hát múa rối… cũng chẳng vui vẻ gì. Rồi chúng tôi đến vũ trường Bullring… lại buồn hơn! Rồi chúng tôi dừng chân ở một quán cà phê lưu động, ăn một vài thứ. Cuối cùng ai về nhà nấy, mặt mày ngây dại. Bobby, cuộc sống như vậy chẳng có gì là thích thú cả.

– Tôi cũng thấy như vậy.

Tuy nhiên, cả trong thời gian nhàn rỗi thì anh cũng chẳng bao giờ có điều kiện đến Nhà hát múa rối hoặc vũ trường Bullring cả.

Quan hệ của Frankie và Bobby cũng khá đặc biệt.

Ngày xưa, Bobby và các anh trai mình thường đến lâu đài chơi với bọn trẻ ở đấy. Bây giờ tất cả đã lớn, họa hoằn họ mới gặp lại nhau. Trong những trường hợp như vậy, họ gọi nhau bằng tên tục. Khi cô Frankie sống với cha thì Bobby thường đến chơi quần vợt nhưng bao giờ cũng thiếu người cùng đánh thuộc phái nam.

Một sự khó chịu thoảng qua giữa những người trẻ tuổi. Gia đình nhà Derwent tỏ ra thân mật để tỏ ra hai bên không có sự cách biệt nào. Gia đình nhà Jones có phần lạnh nhạt để tỏ ra mình không thiếu thốn gì cả. Thời ấy Bobby rất mến Frankie, hai người thường vui chơi mỗi khi hoàn cảnh cho phép.

– Tôi đã mỏi mệt với tất cả – Frankie tuyên bố với giọng ảo não – Còn Bobby, anh thế nào?

– Cô có nhiều may mắn hơn tôi.

– Ô! Như vậy không có nghĩa là tôi được vui vẻ.

Họ nhìn nhau đầy thiện cảm.

– A! Cầu chuyện người đàn ông ngã từ vách đá xuống vực là thế nào?

– Tôi và bác sĩ Thomas phát hiện ra. Tại sao cô biết?

– Tôi đọc tin đó trong báo. Đây! Frankie lấy tay chỉ vào bài báo:

CÚ NGÃ CHẾT NGƯỜI TRONG SƯƠNG MÙ.

Nạn nhân của tấm thảm kịch ở quận Marchbolt được xác định căn cước vào đêm hôm qua nhờ vào tấm ảnh để ở trong túi. Đây là ảnh của bà Leo Cayman. Ngay lập tức bà này tới quận Marchbolt và nhận ra người chết là anh ruột của mình, ông Alexandre Pritchard. Ông Pritchard đã xa nhà mười năm, nay mới từ Thái Lan trở về. Phiên tòa điều tra sẽ mở vào ngày mai ở làng Marchbolt.

Tư tưởng của Bobby trở lại khuôn mặt quyến rũ của người trong ảnh.

– Có thể tôi sẽ được gọi đến làm nhân chứng của phiên tòa.

– Ô! Thật là thú vị. Tôi sẽ đến để nghe.

– Tôi có rất ít chuyện để nói. Đơn giản chúng tôi chỉ phát hiện ra người ấy.

– Lúc đó ông ta đã chết rồi ư?

– Chưa. Ông ấy mới chỉ ngất đi thôi. Mười lăm phút sau mới qua đời, trong khi đó tôi ngồi bên ông ấy.

Anh ngừng nói.

– Thật là kinh khủng, giống như ông mục sư – Frankie nói.

– Phải… một người lực lưỡng, khỏe mạnh… đầy sức sống… một bước hụt trong sương mù trên bờ vực thẳm… thế là hết!

– Anh có trông thấy người em gái ông ta không?

– Không. Sau đó tôi đi Londres hai ngày. Tôi đến thăm một người bạn vừa mới mở một xưởng sửa chữa ô tô. Cô có nhớ Badger Beadon không?

– Tôi không… A! Tôi nhớ ra rồi! Anh nhắc tôi mới nhớ ra. Anh ta nói lắp.

– Bây giờ anh ấy vẫn thế – Bobby xác nhận.

– Có phải lúc đầu anh ta chăn nuôi gia súc, sau đó đi Úc rồi vài năm sau thì trở về không?

– Đúng thế!… Trở về nhưng không có công ăn việc làm.

– Bobby, tôi hi vọng là anh không chung vốn để mở xưởng sửa chữa ô tô, đúng không?

– Tôi không có tiền, tôi sẽ không gặp nguy cơ gì cả. Lúc đầu Badger muốn tôi cùng hợp tác, nhưng kiếm ra tiền không phải là dễ.

– Không phải ai cũng ngốc nghếch.

– Nghe đây, Frankie, Badger là một người thật thà.

– Ồ! Đúng thế… Anh ta kiếm đâu ra tiền để lập xưởng?

– Anh ấy được thừa kế của một bà cô một xưởng sửa chữa nhỏ cùng với sáu chiếc xe hơi. Cha mẹ anh cho thêm một trăm livrơ nữa để mua xe cũ…

– Tại sao anh lại rời khỏi hải quân?

Bobby đỏ mặt.

– Tôi phải xuất ngũ vì mắt kém.

– Anh vẫn có bệnh về mắt, phải không?

– Tôi đã nhiều lần đi khám… nhưng tôi không thể chịu được cái nóng ở các thuộc địa… Tuy nhiên các nhà chuyên môn đã cam đoan mắt tôi không thể xấu hơn nữa. Tôi có thể tiếp tục làm việc…

– Đúng thế, mắt anh đã lành rồi – Frankie nói và nhìn thẳng vào cặp mắt màu hạt dẻ của Bobby thật thà.

Một nhân viên trên tàu báo tin từ ngoài hành lang:

– Bữa phục vụ lần thứ nhất!

– Thế nào? Anh đi cùng tôi chứ? Hai người cùng đến toa ăn uống.

Bobby tạm thời vắng mặt khi người soát vé quay trở lại.

Đến năm giờ chiều thì xe lửa đỗ lại trên sân ga Sileham, một ga nhỏ trên đường tới quận Marchbolt.

– Tôi có xe đến đón – Frankie báo tin. – Anh đi cùng tôi chứ?

– Cảm ơn. Cái đó tránh cho tôi phải mang theo chiếc vali khốn khổ này trên đoạn đường ba kilômét.

– Phải nói là năm kilômét!

– Không. Nếu đi theo con đường trên vách đá thì chỉ có ba kilômét thôi.

– Đó là con đường…

– Phải, đó là con đường mà người đàn ông ấy gặp nạn.

– Anh có cho rằng ông ta bị đẩy ngã không?

– Có người đẩy ngã ông ấy ư? Trời! Tại sao?

– Cái đó sẽ làm cho câu chuyện thêm đậm đà thôi – Frankie trả lời một cách vô tư.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.