NGƯỜI TRONG ẢNH
Chương mười bốn : BÁC SĨ NICHOLSON
Sáng hôm sau Frankie đi thăm dò bà Sylvia.
Cô bắt đầu bằng cách hỏi với một giọng lơ đãng:
– Cái ông mà bà đã nói tới chiều hôm qua tên là gì nhỉ? Alan Carstairs phải không? Hình như tôi đã nghe nói đến cái tên này ở đâu thì phải.
– Tôi cho là như vậy. Ông Alan Carstairs là người nổi tiếng trong giới của mình… Đó là một người Canada… Nhà vạn vật học, nhà thám hiểm và nhà săn bắn ác thú. Tôi không quen biết ông này, nhưng một hôm ông bà Rivington, những người bạn của chúng tôi đã dẫn ông ấy tới đây để ăn trưa. Ông ấy là một người đàn ông rất đẹp… cao lớn, lực lưỡng, da rám nắng, cặp mắt màu xanh và rất linh lợi.
– Tôi cũng đã nghe nói như vậy.
– Từ bấy đến nay ông ấy chưa trở lại đây lần nào. Năm ngoái ông ấy cùng ông Jones Savage, một nhà tỉ phú sang châu Phi. Sau này ông Savage cho mình mắc chứng ung thư và đã chết một cách bi thảm. Ông Carstairs là người nổi tiếng ở Đông Phi và Nam Mỹ, tôi nghe nói như vậy.
– Ít nhất thì đây là con người ưa phiêu lưu, mạo hiểm.
– Đúng thế, và là một người đáng mến, sống rất đơn giản.
– Thật là lạ lùng khi ông Carstairs lại rất giống với người chết vì ngã từ vách đá xuống vực sâu ngày nọ – Frankie lưu ý bà Sylvia.
– Chúng ta phải tự hỏi tại sao lại có hai người giống hệt nhau như vậy.
Lúc này Frankie tin chắc nạn nhân của tấn thảm kịch ở Marchbolt không phải ai khác mà chính là ông Alan Carstairs. Người chết có tất cả những đặc điểm trên. Không người thân thích, không bạn bè, người ta không thể nhận ra ngay lập tức sự biến mất của ông. Cái chết của một người Canada thường công tác ở châu Phi, ở Nam Mỹ đã không được ai chú ý… Mặt khác, tuy bà Sylvia có nhận xét về sự giống nhau giữa ông Alan Carstairs và tấm ảnh của người qua đời đăng trên báo, nhưng bà cũng không khẳng định đây chỉ là một người. Ai đã đưa ông Alan Carstairs tới lâu đài này nhỉ?… A! Nhớ ra rồi, vợ chồng nhà Rivington!
Thấy rõ đây là một mục tiêu quan trọng, Frankie tự nhủ phải điều tra cho rõ về ông Alan Carstairs.
Suy nghĩ của cô lại trở lại câu nói bí hiểm. Đây là điểm xuất phát của mọi việc. Tại sao không là Evans?
Evans ư? Ai là Evans? Nhân vật này có vai trò gì trong tấn thảm kịch?
Kẻ giết người có phải là Roger Bassington-ffrench không? Frankie cho rằng đây là điều không thể. Cô cho rằng tác giả của vụ này chính là vợ chồng người em gái của nạn nhân – Leo Cayman.
Nhưng còn tấm ảnh?
Lúc này vợ chồng bác sĩ Nicholson đã tới dự bữa chiều với gia đình nhà Bassington-ffrench. Vừa thay quần áo xong thì Frankie nghe thấy tiếng còi ôtô ngoài cổng. Nhìn ra cửa sổ hướng về phía ấy cô thấy một người đàn ông cao lớn vừa ra khỏi chiếc xe hơi nhãn hiệu Talbot sơn màu xanh xậm.
Frankie vội vàng rụt đầu vào.
Một ý nghĩ vừa xuất hiện trong óc cô. Alan Carstairs là người Canada, bác sĩ Nicholson cũng vậy, và ông bác sĩ cũng lái chiếc Talbot màu xanh xậm… Một sự trùng hợp kì lạ.
Frankie xuống nhà để dùng bữa.
Bác sĩ Nicholson lực lưỡng như một vận động viên điền kinh, nói năng một cách chậm chạp và có phần khoa trương. Đằng sau cặp kính dày là đôi mắt màu xanh nhạt đang lấp lánh.
Vợ ông là một phụ nữ xinh đẹp, dong dỏng cao, trạc hai mươi bảy tuổi. Cô ta nói nhiều nhưng thường tỏ ra bồn chồn như đang che giấu một chuyện gì đó, đây là cảm tưởng của Frankie.
– Cô là nạn nhân của một vụ tai nạn ư, tiểu thư Frances? – Bác sĩ Nicholson hỏi và ngồi xuống bên Frankie.
Cô gái có phần bối rối khi nhắc lại chuyện này. Có thể nói rằng cô sợ người ta tố cáo việc làm này của mình.
– May mà cô đã thoát nạn! – Ông bác sĩ kêu lên khi nghe cô kể một cách qua loa cho xong – Dù sao cô cũng đã bình phục rất nhanh.
– Ô! Cô ấy chưa khỏe hẳn đâu – Bà Sylvia can thiệp – Chúng tôi còn phải giữ cô ấy lại đây.
Một nụ cười nhạt nhẽo trên môi người bác sĩ.
– Tôi muốn bà giữ tiểu thư Frances ở lại đây càng lâu càng tốt.
Frankie ngồi giữa bác sĩ Nicholson và ông chủ nhà. Chiều nay ông Henry Bassington-ffrench tỏ ra ít nói; ông ăn rất ít và không tham gia vào câu chuyện nào.
Người vợ của bác sĩ Nicholson ngồi bên, nhưng cũng không thể làm cho ông ta vui lên được, đành quay sang nói chuyện với Roger. Frankie chú ý thấy cô ta thường nhìn trộm chồng. Ông bác sĩ đang nói về cuộc sống ở nông thôn.
– Tiểu thư Frances, cô có biết thế nào là trồng cây không?
– Ông muốn hỏi tôi về lí thuyết ư? – Bị hỏi một cách bất ngờ Frankie hỏi lại.
– Không, không! Tôi muốn nói về những mầm cây được nuôi trong huyết thanh kia. Điều kiện sống, thời gian và không gian cũng như sự nhàn rỗi ở nông thôn có thể cho chúng ta những mầm mống về đạo đức.
– Ông muốn nói những thói xấu ư? – Frankie bực mình hỏi lại.
– Cái đó còn tùy vào việc người ta nuôi những mầm mống nào.
“Một câu chuyện kì cục – Frankie nghĩ – Ông ta muốn hăm dọa mình ư?”
Cô nói một cách dửng dưng:
– Tôi đang nuôi dưỡng mọi tật xấu ư?
Người bác sĩ nhìn cô và bình tĩnh trả lời:
– Ô! Tôi không tin là như vậy, tiểu thư Frances. Theo tôi thì cô là người vẫn đứng trong sự trật tự và pháp luật.
Bất chợt người vợ của ông Nicholson lên tiếng:
– Chồng tôi vẫn thường hay phân tích tâm lí của con người như vậy đấy.
Ông bác sĩ gật đầu.
– Em có lý. Moria. Hơn nữa anh thường chú ý đến mọi chi tiết. (Ông ta quay sang phía Frankie). Trong vụ tai nạn của cô, tôi chưa rõ một điểm…
– Điểm gì vậy?
Tim của Frankie đập mạnh.
– Đó là người bác sĩ đi qua và đã mang cô vào đây. Tại sao ông ta lại quay xe lại để cấp cứu cho cô?
– Tôi không biết.
– Cô không biết là phải vì lúc ấy cô đang bị ngất đi; nhưng Reeves, anh chàng đưa thư, đi xe đạp từ làng Staverley tới nói rằng không có một chiếc xe hơi nào chạy vượt anh ta. Khi đi tới khúc quành, anh ta thấy cô bị tai nạn và chiếc xe hơi của ông bác sĩ đã quay đầu lại, chạy ngược hướng xe vừa đi tới, tức là từ Londres tới. Cô nắm chắc lập luận của tôi chứ? Ông bác sĩ ấy không từ làng Staverley đi tới mà đang trên đường từ Londres tới Staverley… Chưa hết, chiếc xe đã quay ngược hẳn lại với hướng trước kia nó đã đi.
– Có thể là xe đã tới làng Staverley trước đó thì sao?
– Như vậy khi cho xe xuống dốc cô đã nhìn thấy nó.
Đôi mắt màu xanh qua cặp kính đang nhìn Frankie.
– Tôi không nhớ gì cả – Cô trả lời.
– Anh nói như một nhà thám tử – Moria Nicholson bảo chồng – Đó là những chi tiết chẳng có gì là quan trọng.
– Như đã nói, tôi thường chú ý đến mọi chi tiết kia mà – Ông bác sĩ nhấn mạnh.
Sau đó ông ta quay sang phía bà Sylvia để nói về cậu con trai của bà.
Frankie yên tâm. Tại sao ông ta lại hỏi cô như vậy? Ai đã cho ông ta biết những chi tiết ấy của vụ tai nạn? Ông ta đã nói hai lần câu “tôi thường chú ý đến mọi chi tiết”. Sự nhấn mạnh ấy có nghĩa như thế nào?
Frankie nhớ lại chiếc Talbot và chi tiết Alan Carstaris là người Canada. Nhưng rõ ràng bác sĩ Nicholson đã để lại cho cô một ấn tượng xấu.
Sau bữa ăn, Frankie tránh mặt người chồng và nói chuyện vói người vợ. Trong khi trò chuyện cô thấy cô Moira vẫn thường nhìn trộm chồng.
Bác sĩ Nicholson nói chuyện với bà Sylvia cho đến lúc mười rưỡi thì ông ta quay sang nhìn vợ: với dấu hiệu ấy hai người cáo từ ra về.
– Thế nào – Khi khách mời ra về, Roger hỏi – Cô thấy bác sĩ Nicholson ra sao?
– Tôi đồng ý với bà Sylvia. Tôi không thích người chồng: tôi ưa người vợ hơn.
– Cô ta rất đẹp, nhưng phải cái hơi ngốc nghếch. Người ta không biết bà vợ kính trọng hay là sợ chồng…
– Đây đúng là câu hỏi tôi muốn đặt ra.
– Tôi không thích ông chồng – Bà Sylvia nói – Nhưng tôi biết ông ta là một bác sĩ có tài. Ông ta đã chữa thành công một cách kì diệu cho những người nghiện ma túy mà các bác sĩ khác đã chịu bó tay.
Bất chợt ông Henry Bassington-ffrench kêu lên:
– Không nói chuyện ấy nữa! Các vị có biết đã có những gì xảy ra trong cái trại cai nghiện ấy không? Các vị có biết những nỗi đớn đau khủng khiếp của những người bệnh khốn khổ bị bắt buộc tới đó không? Người ta không cho họ dùng ma túy nữa… và họ đã trở thành những người điên! Đấy là cách chữa trị cho những người bệnh không có khả năng tự vệ của ông bác sĩ nổi tiếng của các người đấy!
Ông Henry bỏ đi sau khi nói xong.
Bà Sylvia hốt hoảng:
– Có chuyện gì đến với anh Henry vậy? Anh ấy có vẻ giận dữ.
Frankie và Roger không dám nhìn nhau nữa.
– Ông ấy có vẻ lơ đãng trong suốt chiều nay – Frankie nhận xét.
– Phải, tôi cũng thấy như vậy. Gần đây anh ấy hay cáu gắt. Tôi rất tiếc là anh ấy không thể cưỡi ngựa được nữa. Bác sĩ Nicholson lại mời Tommy đến chơi vào ngày mai nữa chứ… Tôi lo ngại khi cháu lui tới chỗ ấy… với những bệnh nhân điên dại ấy…
– Tôi hi vọng là ông ta không cho cháu gặp những người ấy – Roger nói – Hơn nữa ông ta rất quý trẻ con.
– Phải ông ấy đã tiếc rằng mình không thể có con. Có thể là bà vợ cũng vậy…
– Nếu bác sĩ Nicholson thích trẻ con chắc hẳn ông ta có mặt trong ngày hội Thiếu nhi, đúng không? – Frankie hỏi bằng một giọng tự nhiên.
– Không may là hôm ấy ông bác sĩ không ở nhà. Ông ấy được triệu tập trở về Londres gấp.
Mọi người trở về phòng của mình. Trước khi đi nằm, Frankie viết thư cho Bobby.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.