NGƯỜI TRONG ẢNH

Chương tám : BÍ MẬT CỦA TẤM ẢNH



Sáng hôm sau, khi tới nơi Frankie hỏi:

– Thế nào? Hôm nay anh ra sao rồi?

Bobby như đang trong trạng thái bị kích thích mạnh.

– Đây là tấm ảnh mà cô nói, cũng có thể nó bị sửa lại đôi chút nhưng nó lại giống hệt bà Cayman – Anh nói mà không trả lời Frankie.

Anh lấy tay chỉ lên tấm ảnh in trong tờ Tuần báo Marchbolt với dòng ghi chú bên dưới: ảnh tìm thấy trong túi áo nạn nhân trong vụ tai nạn bi thảm, nhờ đó cảnh sát tìm ra bà Amelia Cayman là em gái của người qua đời.

– Phải, và tôi thấy bà ta chẳng có gì là hấp dẫn cả.

– Tôi cũng thấy như vậy.

– Nhưng anh muốn nói gì?

– Nghe đây, Frankie – Bobby nói một cách long trọng – Đây không phải là tấm ảnh tôi lấy trong túi người chết ra…

Hai người im lặng nhìn nhau một lúc.

Sau đó Frankie nói:

– Trong trường hợp như vậy…

– Hay là có hai tấm ảnh?

– Rất có thể.

– Hay là…

Suy nghĩ một lát rồi Frankie kêu lên:

– Người ấy!… Người canh giữ xác chết thay cho anh tên là gì?

– Bassington-ffrench.

Hai người nhìn nhau, cố gỡ cho ra cái mớ bòng bong này.

– Có thể là ông ấy – Bobby nhận xét – Ngoài tôi ra chỉ có ông ấy có điều kiện động đến tấm ảnh.

– Hoặc ít nhất, như chúng ta đã nói, là có hai tấm ảnh.

– Ít có khả năng ấy. Nếu có hai tấm thì cảnh sát phải đi tìm cả hai người… nhưng đây chỉ có một.

– Có thể biết rõ điều đó bằng cách đi hỏi cảnh sát.

– Trước mắt, chúng ta không có tấm ảnh trong túi người qua đời. Nó còn trong lúc anh ở đấy, nó biến mất khi cảnh sát tới nơi. Người duy nhất có thể đánh cắp nó là Bassington-ffrench. Ông ta ra sao?

Bobby cau mày cố nhớ lại.

– Một người rất khó mô tả. Giọng nói trong trẻo. Đi đứng đàng hoàng. Ông ấy nói là mình không ở vùng này và muốn tới đây để thuê một ngôi nhà.

– Rất dễ kiểm tra lại. Các ông Whecler và Owen là những người môi giới về nhà đất ở Marchbolt… Bobby, anh có nghĩ rằng nếu ông Alexandre Pritchard bị đẩy xuống vực sâu thì đó có thể chỉ là Bassington-ffrench không?

– Không thể như vậy được. Ông ấy là một con người đáng mến! Xem nào, Frankie, cái gì làm cho cô nghĩ rằng ông Alexandre Pritchard đã bị giết hại?

– Tôi tin chắc là như vậy!

– Cô đã nói như vậy ngay từ khi được tin này rồi.

– Phải, nhưng lúc ấy tôi chưa tin chắc lắm. Bây giờ, một vụ giết người đó là chắc chắn. Tất cả đều phù hợp: sự có mặt của anh tại nơi xảy ra án mạng làm đảo lộn kế hoạch của kẻ giết người, việc anh tìm thấy tấm ảnh làm cho hắn quyết định thủ tiêu anh.

– Tôi thấy có một lỗ hổng trong lập luận của cô.

– Điểm nào? Anh là người duy nhất nhìn thấy tấm ảnh. Khi một mình Bassington-ffrench ngồi với người chết, hắn đánh tráo tấm ảnh đó.

Nhưng Bobby lắc đầu.

– Nhưng tại sao hắn không thủ tiêu tôi ngay mà phải đợi đến khi tôi đi Londres, chưa được nhìn tờ Tuần báo Marchbolt hắn mới ra tay? Chắc chắn khi xem tấm ảnh trên báo tôi sẽ kêu lớn: “Không phải người này!” Vậy thì tại sao hắn không thủ tiêu tôi trước khi phiên tòa nhóm họp?

– Có thể là anh có lý.

– Tôi tin chắc vì tôi biết rõ Bassington-ffrench không nhìn thấy tôi trả lại tấm ảnh vào túi người chết vì chừng mươi phút sau ông ấy mới xuất hiện.

– Ông ta nấp rình xem anh làm gì trong suốt thời gian ấy thì sao?

– Ở đấy tiếng động thường vang xa. Trước khi Bassington-ffrench tới nơi tôi đã nghe thấy tiếng bước chân ông ấy. Vậy khi ông ấy đến chỗ nấp tôi cũng phải nghe thấy tiếng chân chứ?

– Anh cho rằng ông ta không biết việc anh nhìn thấy tấm ảnh ư?

– Làm thế nào mà ông ấy biết được?

– Còn việc ông ta cho rằng anh nhìn thấy ông Alexandre Pritchard bị đẩy xuống vực thì sao? Không, cũng không có khả năng ấy vì nếu có thì anh đã nói trước tòa rồi. Chúng ta phải tìm hiểu thêm.

– Tìm gì nữa?

– Tìm cái gì mà chúng chưa biết. Không hiểu tại sao tôi lại dùng chữ “chúng”?

– Sao lại không? Có vợ chồng nhà Cayman trong vụ này. Nếu vậy càng tốt.

– Ý thích gì mà lạ lùng vậy, Bobby? Nhưng trước khi tắt thở ông Alexandre Pritchard đã nói gì nhỉ? Một câu hỏi ngớ ngẩn ư?

– Tại sao không là Evans? Nhưng câu đó chẳng có nghĩa lí gì cả.

– Nó có thể có tầm quan trọng đặc biệt. Anh không nói chuyện này với vợ chồng nhà Cayman đấy chứ?

– Tôi có nói. Tôi đã viết thư cho họ ngay hôm ấy.

– Rồi sao nữa?

– Hôm sau tôi nhận được thư của người chồng. Ông ta cũng đồng ý với tôi rằng câu nói đó không có nghĩa lí gì nhưng dù sao cũng cảm ơn tôi đã cho ông ta biết chuyện này. Tôi có cảm giác là ông ta đã chế giễu tôi.

– Và hai ngày sau anh nhận được giấy mời đến làm việc với số tiền công hậu hĩnh của một hãng ở Buenos-Ayres ư? Và anh đã viết thư từ chối việc này nên sau đó chúng tìm cơ hội để đầu độc anh, đúng không?

– Vợ chồng nhà Cayman ư?

– Chắc chắn là như vậy!

– Nếu thế thì vụ này đã diễn biến như sau: X… nạn nhân, bị B… F… (xin lỗi vì đã dùng chữ tắt) đẩy từ vách đá xuống. Để mọi người không biết X… là ai, hắn nhét vào túi người chết tấm ảnh của C… Vậy người trong ảnh mà tôi nhìn thấy trước đó là ai?

– Anh đừng tách rời từng việc ra như vậy – Frankie nghiêm khắc nói.

– C… đợi khi người ta công bố tấm ảnh bèn xuất hiện dưới danh nghĩa là em gái người bị nạn là X… người mới ở các xứ thuộc địa về.

– Anh cho rằng ông Alexandre Pritchard là anh ruột bà ta ư?

– Không. Tôi nghi ngờ cái quan hệ đó ngay từ đầu. Vợ chồng nhà Cayman thuộc tầng lớp khác hẳn với người chết. Ông này, theo tôi, là một người lịch thiệp kia…

– Còn vợ chồng nhà Cayman là loại người tầm thường. Theo cách nghĩ của chúng thì tất cả đều ổn: người ấy, được coi là người anh ruột của người phụ nữ ấy, chết vì tai nạn, được tòa án công nhận. Chúng thấy anh từ đâu đến bới tung lên…

– Tại sao không là Evans? – Bobby trầm ngâm nhắc lại – Có gì phải suy nghĩ về năm tiếng ấy nữa nhỉ?

– Vì anh không biết những chuyện đã diễn ra sau đó. Tại sao không là Evans? Đối với bọn chúng có một ý nghĩa cụ thể và chúng không tin là anh không chú ý.

– Đó là hai kẻ khốn nạn.

– Có thể… Nhưng có thể chúng còn cho rằng người hấp hối còn nói nhiều hơn nữa mà sau này anh sẽ nhớ ra. Để tránh những chuyện bất ngờ có thể xảy ra chúng tìm cách loại bỏ anh trước để trừ hậu họa.

– Tại sao việc hại tôi chúng không nguỵ trang bằng một vụ tai nạn?

– Chúng không thể làm như vậy được. Hai vụ tai nạn trong một tuần lễ ư? Người ta sẽ đánh hơi thấy có một chuyện gì đó và người ta sẽ tiến hành điều tra bắt đầu từ vụ thứ nhất. Tôi thấy chúng muốn dùng một giải pháp đơn giản nhưng không kém phần táo bạo.

– Cô cho rằng không dễ gì mà có được moóc-phin ư?

– Đúng thế. Muốn mua được, phải có đơn thuốc, phải ghi tên vào sổ của cửa hàng bào chế. Tất nhiên cái đó chỉ là một cách. Kẻ thủ phạm có thể có những cách khác nữa. Có thể đây là một bác sĩ, một dược sĩ hoặc một y tá trong bệnh viện.

– Tôi ngả về việc chúng có cái đó một cách bất hợp pháp. Nhưng trong việc sát hại anh thiếu hẳn một động cơ. Không ai có lợi về cái chết của anh cả, vậy thì cảnh sát sẽ nghĩ như thế nào?

– Họ nói đây là do một người điên. Đã có trường hợp…

Bobby bật cười.

– Cái gì làm anh thích chí như vậy?

– Cô nghĩ xem: lãng phí một lượng moóc-phin có thể giết được một chục người… mà tôi vẫn còn sống trơ trơ!… Bây giờ chúng ta phải làm gì?

– Trước hết phải nghiên cứu về tấm ảnh xem có một hay hai tấm. Đồng thời chúng ta phải tìm hiểu về Bassington-ffrench. Câu chuyện đi tìm nhà để thuê thế nào nhỉ?

– Không thể nghi ngờ B… F… được, ông ta và nạn nhân không có quan hệ gì với nhau. Ông ta có lí do cá nhân là đi tìm nhà để thuê. Nếu đây là lí do giả tạo thì đó là vì một lí do khác. Theo tôi Bassington- ffrench là tên thật và ông ấy không dính líu vào vụ này.

– Anh có lý, chúng ta không nghiên cứu quan hệ của Bassington-ffrench với Alexandre Pritchard nữa chừng nào thân thế của nạn nhân chưa được làm rõ…

– Nếu biết được thì không nên chuyện.

– Cái quan trọng là người ta không rõ nguyên nhân của cái chết ấy… từ đó cũng không biết được lí do che đậy của vợ chồng nhà Cayman. Nhưng chúng đang đứng trước một nguy cơ to lớn.

– Mụ Cayman đã nói rõ người chết là ai rồi. Mụ chỉ gặp nguy cơ khi báo chí đăng ảnh người qua đời; mọi người sẽ nói: Này nhìn xem ông Pritchard rơi xuống vực sâu trông rất giống ông X…

– Tôi còn thấy một điều nữa. Ông X… phải là người mà việc mất tích không làm ai suy nghĩ đến. Ông ta không chung sống với gia đình để vợ con đi báo cảnh sát.

– Hoan hô Frankie! Ông ta sống ở nước ngoài, ở các thuộc địa. Nước da rám nắng nói lên ông ta là một người thăm dò, khảo sát khoáng sản. Ông ta không có cha mẹ, vợ con…

– Chúng ta đã tiến lên được một bước, hi vọng trong lập luận của chúng ta không có những chi tiết sai lầm… Bây giờ tôi thấy có ba phương hướng điều tra.

– Tôi nghe cô đây.

– Trước hết là anh. Chúng đã mưu sát anh một lần. Không thành công chúng sẽ làm lại một lần nữa. Anh sẽ được dùng làm con mồi.

– Cảm ơn nhiều, Frankie. Lần này tôi gặp may, nhưng lần sau… Không, tôi từ chối đóng vai con mồi.

– Tôi biết! Tuổi trẻ thời nay biến chất cả rồi! Một thời đại thoái hóa!…

– Chúng ta hãy nghiên cứu kế hoạch tác chiến thứ hai của cô xem nào.

– Trước khi chết nạn nhân đã nói: Tại sao không là Evans? – Chúng ta phải đi tìm người có tên là Evans ấy. Có thể ông ta tới đây là để tìm người đó.

– Cô có biết ở làng Marchbolt này có bao nhiêu người mang tên Evans không?

– Khoảng một trăm người là cùng chứ gì. Đây là một khó khăn ư?

– Khi bắt tay vào việc mới rõ được. Còn phương hướng thứ ba thì sao?

– Là Bassington-ffrench. Cái tên này cũng nhiều. Tôi sẽ hỏi cha tôi. Ông già biết những dòng họ lớn trong vùng này.

– Cái đó cần làm ngay. Tôi không muốn bị đầu độc để phải rửa ruột một lần nữa.

– Thôi đi, Bobby, tôi xin anh đấy, anh làm tôi sợ.

– Cô thiếu tính dịu dàng của phụ nữ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.