NGƯỜI TRONG ẢNH
Chương 31 : Câu chuyện của Frankie
Suốt ngày mệt nhọc sáng hôm sau Frankie dậy muộn. Mười giờ ba mươi thì cô xuống nhà để ăn sáng. Bobby đang đợi cô.
– Cuối cùng thì cô đây rồi, Frankie. – Bobby nói.
– Xin chào, anh bạn – Frankie nói và đi lấy một chiếc ghế – Sáng nay anh gọi món ăn đấy.
– Cô dùng gì? Trứng hay là thịt nguội?
– Tôi muốn có trà và vịt quay… Nhưng anh làm sao vậy?
– Đó là hậu quả của cú đánh vào gáy… chắc chắn nó ảnh hưởng đến não. Tôi cảm thấy như mình là một con người mới, suy nghĩ nhanh chóng, sáng suốt mọi vấn đề.
– Chúng tôi muốn biết kết quả suy nghĩ của anh.
– Có đây. Tôi vừa làm việc trong nửa tiếng đồng hồ với thanh tra Hammond. Lúc này, Frankie, đến lượt cô đùa giỡn đấy.
– Bobby, anh không nên nghĩ…
– Tôi nói lúc này kia mà. Chúng ta phải tìm ra cái bí mật căn bản của vụ này. Chúng ta không tóm cổ Roger Bassington-ffrench về tội bắt cóc… Tôi muốn người ta bắt hắn về tội giết người.
– Chúng ta sẽ không đạt được cái đó đâu. – Frankie tuyên bố.
– Đây là điều tôi nói – Bobby xác nhận – Cô dùng trà nữa đi.
– Moira ra sao rồi?
– Tình hình xấu. Cô ta sợ chết khiếp khi tới trạm cấp cứu. Người ta đã gửi cô đi Londres để vào một trại điều dưỡng ở Queen’s Gate. Ở đấy cô ta sẽ được an toàn.
– Chị ta vốn thiếu can đảm.
– Ai cũng phải sợ kẻ giết người như loại Roger Bassington-ffrench.
– Hắn không tìm cách giết chị ta đâu. Hắn muốn sát hại chúng ta kia.
– Bây giờ, Frankie, chúng ta bắt tay vào việc. Việc trước tiên là điều tra về cái chết và bản di chúc của ông John Savage…
– Nếu thủ phạm là Roger Bassington-ffrench thì đó là một bản di chúc giả… vì hắn có tài bắt chước nét chữ.
– Hắn vừa phạm tội giả mạo, vừa phạm tội giết người.
Frankie gật đầu.
– Tôi đã được xem bản di chúc. Những người làm chứng là Rose Cludleigh, người nấu bếp và Albert Mere, người làm vườn. Chúng ta dễ dàng tìm ra những người này. Cũng có cả các ông Elford và Leigh là các công chứng viên xác nhận bản di chúc. Ông Spragge nói hai ông này là những người đứng đắn.
– Tốt. Chúng ta bắt đầu từ đây. Frankie, cô đi gặp các ông ấy. Cô biết rõ loại việc này hơn tôi; tôi, tôi sẽ đi tim bà Rose Cludleigh và ông Albert Mere.
– Badger ra sao rồi?
– Anh chàng không dậy trước buổi trưa được đâu.
– Chúng ta phải giúp anh ấy về mặt công ăn việc làm – Frankie nói – Anh ấy đã cứu chúng ta thoát chết.
– Khốn thay, anh chàng không giỏi về tính toán kinh doanh, sẽ lại lúng túng thôi… Bây giờ, Frankie, cô nghĩ thế nào về cái này?
Anh đưa cho bạn một mẩu giấy dày hơi nhem nhuốc… một tấm ảnh.
– Lão Cayman – Frankie nói ngay – Anh thấy nó ở đâu?
– Tôi nhặt được nó dưới máy điện thoại đêm hôm qua.
– Rõ ràng là vợ chồng nhà Cayman còn có tên là Templeton nữa.
Cùng lúc ấy người hầu gái mang thức ăn tới. Frankie cho cô ta xem tấm ảnh.
– Cô có biết ai đây không? – Cô hỏi.
Cái đầu nhỏ bé cúi xuống, cô ngưòi hầu nhìn tấm ảnh.
– Tôi đã nhìn thấy người này, nhưng tôi không nhớ đây là ai… A! đúng rồi, đây là người sống ở Tudor Cottage… Ông Templeton. Ông ta và vợ đã ra nước ngoài rồi.
– Cô biết những gì về ông này?
– Không nhiều lắm. Ít khi họ tới đây… chỉ một vài lần vào dịp cuối tuần thôi. Bà Templeton là một phụ nữ xinh đẹp. Họ ở Tudor Cottage khoảng sáu tháng… cho đến khi một ông giàu có chết đi để lại toàn bộ gia tài cho bà Templeton. Sau đó họ rời khỏi làng. Nhưng họ chưa bán nhà. Hình như họ cho bạn bè mượn lại để nghỉ cuối tuần. Có bạc triệu thì không ai sống ở đây.
– Gia đình họ có một bà nấu bếp tên là Rose Coudleigh, đúng không?
Nhưng cô hầu bàn không biết. Cô bỏ đi sau khi trả lời mình không biết ai là người nấu bếp trong ngôi nhà ấy.
Điều đó rõ ràng là vợ chồng nhà Cayman đã rời khỏi đây, nhưng chúng còn để lại chỗ ở cho bè lũ.
Theo sự phân công của Bobby. Frankie đi mua bán một vài thứ về tắm giặt sau đó lên chiếc Bentley và phóng đi còn Bobby thì đi tìm ông Albert Mere, người làm vườn.
Hai người trở về khách sạn vào giữa trưa.
– Thế nào? – Bobby hỏi.
Frankie lắc đầu.
– Có lẽ đây không phải là di chúc giả. Tôi đã nói chuyện với ông Elford, một ông già đáng mến. Ông ấy đã hỏi thăm chúng ta sau sự việc đêm hôm qua. Sau đó tôi hỏi ông về ông Savage. Tôi nói rằng mình đã gặp thân nhân của ông này, họ cho rằng đây là di chúc giả. Ngay lập tức, ông già nổi giận. Ông nói không thể như vậy được. Chính ông đã ngồi nói chuyện với ông Savage… Ông Elford còn yêu cầu ông Savage đến văn phòng của mình để hoàn chỉnh lại bản di chúc nữa.. Anh biết rõ, đây là công việc phải viết nhiều trang giấy chứ không nói đến việc…
– Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ viết di chúc.
– Còn tôi thì đã hai lần rồi. Lần cuối cùng là sáng hôm nay. Tôi phải kiếm cớ để gặp một ông chưởng khế.
– Cô để lại gia tài của mình cho ai?
– Cho anh…
– Thật là dại dột! Nếu Roger Bassington-ffrench cho cô về chầu với tiên tổ thì tôi cũng bị hắn treo cổ.
– Tôi không nghĩ như vậy. Như đã nói, sốt ruột muốn cho chóng xong việc này, ông Savage đã gọi người nấu bếp và người làm vườn đến làm chứng. Sau đó ông Elford mang bản di chúc về bảo quản cẩn thận trong két sắt của mình.
– Tố cáo việc làm di chúc giả không đứng vững nữa.
– Không thể tố cáo làm giả khi chính mắt thấy người ta ký tên vào văn bản. Cũng rất khó tố cáo tội giết người vì ông bác sĩ chứng kiến giây phút cuối cùng của ông Savage cũng đã qua đời. Những người mà chúng ta quen biết thì mới đây chừng hai tháng thôi.
– Danh sách những người chết ngày càng dài thêm. – Bobby nhận xét.
– Còn ai nữa?
– Ông Albert Mere.
– Và anh nghĩ rằng bọn chúng đã giết những người này ư?
– Đúng thế. Riêng về ông Albert Mere thì không dám khẳng định. Đó là ông già bảy mươi hai tuổi rồi.
– Có thể đây là cái chết tự nhiên. Thế còn bà Rose Cludleigh thì sao?
– Phải, sau khi thôi việc ở nhà Templeton, bà ta đã lên phía bắc nước Anh để lấy chồng, người chồng chưa cưới sau bảy năm chờ đợi. Nhưng bà đã bị mọi người quên lãng. Có lẽ cô thử tìm cách hỏi chuyện bà ta xem sao.
– Tôi sẽ cố gắng… Badger đâu nhỉ?
– Trời! Tôi hoàn toàn quên mất anh ấy.
Bobby đứng lên và chạy ra khỏi phòng. Một vài phút sau, anh trở lại.
– Anh chàng vẫn còn ngủ nhưng sắp dậy bây giờ.
– Nào chúng ta đi thăm bà nấu bếp.
Bà Rose Cludleigh nay tên là bà Pratt sống trong một ngôi nhà nhỏ có đồ gỗ chắp vá và những con chó bằng sứ. Bà Pratt là một phụ nữ to béo.
– Bà thấy không, tôi đã trở lại. – Bobby báo tin.
Bà Pratt thở mạnh, nhìn hai người mà không nói gì.
– Chúng tôi quan tâm đến việc bà đã giúp việc gia đình bà Templeton một thời gian. – Frankie giải thích.
– Đúng thế, thưa cô.
– Bây giờ họ đang sống ở nước ngoài. – Frankie nói tiếp cố gắng tỏ ra mình là người bạn của gia đình.
– Người ta nói như vậy.
– Bà đã làm việc với gia đình này lâu chưa?
– Gia đình nào, thưa cô?
– Gia đình bà Templeton.
– Ồ! Không… chỉ có hai tháng thôi.
– Tôi tưởng rằng bà ở đấy lâu hơn.
– Có lẽ cô nói về Gladys, bà hầu phòng. Bà ta đã làm việc ở đấy sáu tháng.
– Hai người cùng chung sống với nhau ư?
– Vâng, bà ấy làm hầu phòng, tôi nấu bếp.
– Bà ấy ở đâu khi ông Savage qua đời?
– Cô nói gì?
– Bà có ở Tudor Cottage khi ông Savage qua đời không?
– Ông Templeton không chết… đó là điều tôi biết. Ông ấy đi ra nước ngoài.
– Không phải là ông Templeton mà là ông Savage kia.
Bà Pratt ngơ ngác nhìn họ.
– Người để lại toàn bộ tài sản cho bà Templeton ấy.
Một tia chớp thoáng qua óc bà Pratt.
– A! Vâng thưa cô… Cái ông mà người ta đến làm biên bản sau khi chết ấy ư?
– Đúng là ông ấy. Ông ta thường đến Tudor Cottage, đúng không?
– Tôi không biết. Tôi mới tới đây làm việc. Bà Gladys thì biết đấy.
– Nhưng bà đã ký làm chứng vào bản di chúc kia mà?
Bà Pratt có vẻ không hiểu gì.
– Bà có nhìn thấy ông Savage ký vào một tờ giấy và sau đó thì bà ký tiếp không?
Lại một tia chớp nữa.
– Vâng, thưa cô. Tôi và ông Albert. Chưa bao giờ tôi làm việc này nên tôi không muốn, nhưng bà Gladys đã bảo tôi không sao cả khi ông Elfort có mặt ở đấy. Đó là ông chưởng khế đứng đắn.
– Ai yêu cầu bà ký tên? – Bobby hỏi.
– Bà chủ, thưa ông. Bà chủ vào bếp bảo tôi đi tìm ông Albert lên một căn phòng rất đẹp trên lầu với bà ấy (bà ta đã nhường phòng này cho khách). Ông khách đang nằm… ông ta từ Londres đến và đến nơi thì ông ta nằm ngay. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông ta. Ông Elfort cũng đứng trong phòng. Ông chưởng khế bảo tôi không nên sợ hãi gì, chỉ việc ký tên vào dưới chữ ký của ông khách… Ký xong tôi còn ghi thêm địa chỉ nữa. Ông Abert cũng là như vậy. Trở về tôi nói với bà Gladys là trông ông ta quá ốm yếu. Bà Gladys bảo trước kia ông ta rất mạnh khỏe, sau bị một tai nạn gì đó ở Londres.
– Và ông Savage, cái ông ký vào tờ giấy như bà nói, chết khi nào?
– Ngay sáng hôm sau, thưa cô. Đêm trước ngày chết ông ta vào phòng và yêu cầu không ai làm phiền ông. Sáng hôm sau, Bà Gladys vào trong phòng để quét dọn thì ông ta đã tất thở, trên giường có bì thư đề: “Kính gửi ông Chánh án”. Ô! Bà Gladys bị một phen hú vía. Sau đó thì điều tra, biên bản và mọi việc khác. Hai tháng sau, bà Templeton bảo tôi bà ấy đi ra nước ngoài và đã sắp xếp cho tôi một việc ở miền bắc nước Anh. Trước khi đi bà ta còn tặng tôi một kỷ niệm rất đẹp.
Đến đây bà Pratt tỏ ra thích nói chuyện.
Frankie đứng lên.
– Tôi xin cảm ơn bà về những tin tức ấy. Xin phép bà… (Frankie nhét vào tay bà một tờ giấy bạc). Chúng tôi đã làm mất thì giờ của bà.
– Cảm ơn cô. Chúc cô và chồng cô may mắn.
Frankie đỏ mặt và vội vàng đi ra. Bobby ở lại hỏi thêm bà nấu bếp một vài câu gì đó rồi đi theo Frankie.
– Tôi tin rằng cô đã làm cho bà Pratt nói tất cả những gì bà ta biết.
– Phải, tất cả đều đã rõ ràng. Không nghi ngờ gì nữa, ông Savage đã tự tay ký vào bản di chúc và nỗi lo sợ mắc chứng ung thư là thực tế. Người bác sĩ giỏi ở Harley Street có thể bị mua chuộc. Vì ông Savage đã ký bản di chúc rồi nên chúng đã nhanh chóng loại bỏ ông ta, sợ rằng ông thay đổi ý kiến.
– Nhưng làm thế nào chứng minh được điều này?
– Chúng ta có thể giả thiết mụ Templeton đã cho ông Savage “uống một cái gì đó”, nhưng chúng ta không có chứng cứ. Có thể Roger Bassington-ffrench là người đã viết bức thư gửi ông chánh án. Một lần nữa, làm thế nào để chứng minh được? Đã lâu như vậy thì bức thư ấy có thể bị hủy đi sau khi đã đưa ra trước tòa.
– Và chúng ta cùng đi đến một câu hỏi hóc búa: Roger Bassington-ffrench quỷ quyệt cùng bè lũ đang giấu diếm chúng ta điều gì?
– Cái đó làm cô đặc biệt quan tâm ư, Frankie?
– Không… Nhưng dù sao có một chi tiết làm tôi băn khoăn mãi. Vì lý do nào mà mụ Templeton lại đi tìm người làm vườn để ký vào bản di chúc trong khi bà hầu phòng vẫn ở trong nhà? Tại sao không là bà hầu phòng?
– Không ai cho cô câu trả lời ư, Frankie?
Bobby hỏi câu đó bằng một giọng rất lạ lùng khiến Frankie quá đỗi ngạc nhiên.
– Khi cô ra khỏi nhà tôi ở lại hỏi bà Pratt về tên họ của bà Gladys.
– Rồi sao nữa?
– Bà hầu phòng tên là Evans!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.