Suy nghĩ và làm giàu
Chương 07 phần 3
TỰ RÈN LUYỆN – ĐÓ LÀ CÔNG VIỆC NẶNG NỀ NHẤT TRONG TẤT CẢ CÁC LOẠI CÔNG VIỆC.
Bạn không chiến thắng được chính mình – thì sẽ bị bản thân mình khuất phục. Khi đứng trước gương, bạn có thể thấy mình đồng thời vừa là người bạn tốt nhất, vừa là kẻ thù đáng sợ nhất của chính mình.
Ốm đau bệnh tật. Không có sức khỏe thì đừng hy vọng có được thành công vượt bậc. Tuy nhiên, nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tật có thể kiểm soát được. Chủ yếu là:
Ăn uống không đúng;
Không biết cách điều khiển nhận thức, quen nghĩ về điều xấu, tình cảm luôn tiêu cực;
Quá say mê hoạt động tình dục, hoặc ngược lại, yếu kém về sinh lý;
Ít vận động, cơ thể thiếu rèn luyện;
Thiếu không khí trong lành, gây khó thở.
Tác động của những người xung quanh, đặc biệt khi còn ấu thơ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta vẫn nói: Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng. Đa số những người thiên về hoạt động tội phạm quen với điều này từ nhỏ. Thông thường những quen biết có hại hay diễn ra từ thuở thiếu thời.
Lần lữa, hẹn rày hẹn mai. Đây là một trong những nguyên nhân thất bại phổ biến nhất. Sự lần lữa có ở mỗi người, và nó chỉ đợi dịp để chiếm lĩnh con người, cướp đi cơ hội cuối cùng trong cuộc đời của anh ta. Nhiều người trong số chúng ta tay trắng vẫn hoàn tay trắng cũng chỉ vì suốt đời chờ đợi: sẽ đến lúc ta bắt đầu làm công việc đáng giá. Đừng bao giờ chờ đợi, dịp may có thể không đến. Hãy hành động ngay, sử dụng tất cả các phương tiện mà bạn có trong tay; những khả năng và phương tiện tốt nhất chỉ hé mở cho bạn khi bạn hơi bắt đầu thành đạt.
Thiếu quyết tâm đạt mục tiêu. Nhiều người bắt đầu rất hay nhưng không đủ sức đi đến cùng. Hơn nữa, mọi người có xu hướng đánh giá cao những dấu hiệu thất bại đầu tiên. Không gì có thể thay thế nổi quyết tâm. Ai lấy quyết tâm làm phương châm của mình thì sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng Gã thất bại trở nên mệt mỏi và bỏ đi. Quyết tâm cũng giống như trí tuệ, không thể ra chợ để mua được.
Tính xấu. Người có tính xấu, gây cho người khác sự ghê tởm và tránh xa, sẽ không có hy vọng thành công. Thành công chỉ đến với những người có nghị lực, biết hợp tác với người khác. Có ai thích làm việc chung với người khó chịu?
Không kiểm soát được ham muốn tình dục. Năng lượng tính dục là một trong những động lực thúc đẩy con người. Vì nó thường điều khiển tình cảm nên phải kiểm soát cẩn thận, chuyển hóa nó thành năng lượng tinh thần và tâm hồn, và giải phóng nó một cách êm thấm nhất.
Ham mê đỏ đen quá trớn. Thích phiêu lưu và mạo hiểm đã gây thất bại cho hàng triệu người. Thí dụ điển hình của điều này là số nhà 29 phố Wall-street, nơi bao nhiêu người đang cố kiếm tiền bằng trò chơi cổ phiếu mạo hiểm. Nhiều người trong số họ vỡ nợ hoàn toàn.
Thiếu tự tin vào những quyết định của chính mình. Ai quyết định đúng nhưng mau chóng từ bỏ quyết định đó – là người yếu. Ai không đi đến được quyết định gì – thì còn yếu hơn. Anh ta còn hay thay đổi quyết định hơn. Thiếu quyết tâm và chần chừ là hai anh em sinh đôi. Nơi nào có chỗ cho một tên thì sẽ có chỗ cho cả tên thứ hai. Hãy tiêu diệt cặp sinh đôi này trước khi chúng kéo bạn tới bãi chiến trường của những kẻ thất bại.
Một trong số sáu triệu chứng sợ hãi (xem chương cuối của quyển sách này, nơi phân tích sáu triệu chứng sợ hãi!). Bạn không thể hành động theo phương hướng đã chọn một cách có hiệu quả nếu không biết cách khắc phục hoàn toàn và vô điều kiện những triệu chứng đó.
Hôn nhân không hạnh phúc. Đây là nguyên nhân thất bại khá phổ biến. Quan hệ trong hôn nhân là quan hệ gần gũi và chặt chẽ nhất giữa người với người, bởi vì nó liên quan đến những khía cạnh sâu kín nhất của cuộc sống, và vì thế phải hết sức hài hoà. Nếu không, thất bại sẽ đến ngay lập tức. Hơn thế nữa, ngay việc chọn vợ (hoặc chồng) cũng đã có thể là sự thất bại, chỉ mang lại sự nghèo đói và bất hạnh và giết chết cả những tham vọng cuối cùng.
Cẩn thận quá mức. Những người không sử dụng cơ hội của mình thì chỉ được hưởng của thừa. Cẩn thận quá đáng cũng tồi tệ không kém gì thiếu nghiêm khắc. Cần đề phòng cả hai thái cực. Thông thường, cuộc đời vẫn tự cho các cơ hội.
Chọn bạn kinh doanh không đạt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thất bại phổ biến nhất. Nếu bạn bán dịch vụ của mình, cần chọn ông chủ tương lai thật cẩn thận. Ông ta, trước hết phải là người thông minh, thứ hai phải là người thành đạt, thì khi đó tấm gương của ông ta mới kích thích được bạn. Bởi vì chúng ta bao giờ cũng cố bắt chước những người có quan hệ chặt chẽ trong công việc chung. Hãy vào làm việc cho những người đáng giá.
Định kiến. Định kiến là một trong những hình thức thất bại. Người có định kiến bao giờ cũng mang dấu ấn của sự dốt nát. Người thành đạt tự do trong tư tưởng và không sợ điều gì.
Chọn nghề không đạt. Làm việc mà không có sự thích thú thì không thể thành đạt được. Nếu bạn bán dịch vụ của mình, bước đầu tiên trong hành động của bạn là lựa chọn nghề nghiệp, chức vụ. Nói cách khác, lựa chọn công việc mà bạn có thể hiến dâng toàn bộ thân mình.
Không đủ nỗ lực. Người mà chỗ nào cũng có mặt thì không ở đâu được lâu. Không tài thánh nào kịp ở tất cả mọi nơi được. Hãy tập trung nỗ lực vào mục tiêu chính được xác định cụ thể.
Thói quen hoang phí quá đáng. Sự phung phí chưa bao giờ dẫn ai đến thành đạt, bởi vì nó luôn đi kèm với nỗi sợ hãi nghèo đói. Hãy tự rèn mình tính tiết kiệm: cất đi một phần thu nhập. Tiền gửi ngân hàng – đó là cơ sở để tự tin. Nếu con người không có tiền, anh ta thường xuyên buộc phải chấp nhận cái mà người ta đưa, và chấp nhận mà vẫn phải cám ơn.
Thiếu hưng phấn. Hãy thử làm điều gì đó thiếu hào hứng cho chúng tôi xem! Ngoài ra, không gì dễ lây lan bằng hưng phấn cho nên con người có hưng phấn có thể thâm nhập tất cả các nhóm và các tập thể khác nhau.
Không dung hợp. Người không chịu nổi những sự vật nào đó, như người ta vẫn thường gọi là loại cố kiết, ít khi lên được cao. Tính thiếu dung hợp của một người có nghĩa là người đó không còn tiếp thu được kiến thức mới nữa. Sự thiếu dung hợp nặng nề nhất liên quan đến các định kiến chính trị, chủng tộc và tôn giáo khác nhau.
Thiếu hợp tác. Nhiều người đánh mất vị trí và địa vị của mình cũng chỉ vì không biết hợp tác với những người khác. Nguyên nhân này thường hay đi kèm với những sai lầm khác. Nhà doanh nghiệp và nhà lãnh đạo hiểu biết không bao giờ chấp nhận những nhược điểm này ở nhân viên của mình.
Sở hữu tài sản mà bạn không tự kiếm ra được bằng chính mồ hôi nước mắt của mình (đặc biệt đối với những người giàu có do thừa kế). Sở hữu của cải không xứng đáng sẽ từng bước dẫn đến kết cục đáng buồn – chưa từng có thành công, và tức là thành công sẽ không đến! Giàu có bất ngờ còn nguy hiểm hơn nghèo túng.
Cố tình không trung thực. Hãy giữ gìn danh dự từ khi còn trẻ! Đánh mất nó rất dễ. Tất nhiên cũng có khi do sức ép của hoàn cảnh hoặc do lo sợ phải chống đỡ với những khoản lỗ khổng lồ, con người không còn cách nào khác, buộc phải khôn lỏi và lo tháo gỡ. Nhưng đó là trường hợp đặc biệt! Còn những người cố tình đi theo con đường đó thì không còn hy vọng gì. Sớm hay muộn điều bí mật cũng sẽ lộ tẩy và có thể đánh mất uy tín suốt cả cuộc đời, không nói gì đến tự do.
Tự phụ và hư danh. Những tính chất này đi từ xa đã rõ như những ngọn đèn hiệu, cảnh báo tất cả mọi người: hãy tránh xa con người này ra! Thành công cũng có thể tạm thời mỉm cười với anh ta, nhưng kiểu gì thì anh ta cũng sẽ chịu thất bại.
Tin vào bói toán thay vì suy nghĩ và cân nhắc các sự kiện. Đa số mọi người rất thờ ơ, lười và không thích tìm hiểu các sự kiện thật ra rất đáng suy nghĩ và cân nhắc. Họ nghe theo ý kiến của người khác, ý kiến mà rất nhiều khi chỉ dựa trên giả thuyết hoặc suy luận rất thô thiển và hời hợt.
Thiếu tiền. Đây cũng là một nguyên nhân thất bại tương đối phổ biến trong số những người bắt đầu công việc mà thiếu hậu phương và sự ủng hộ, và khi sai lầm không thoát khỏi những phiền toái lớn. Nếu có thể, ngay từ đầu bạn phải có được sự ủng hộ, hoặc phải tích đủ tiền để kịp thời sửa sai và gây danh tiếng tốt trong thế giới doanh nghiệp.
30-33. Những mục này chúng tôi đề nghị bạn tự điền, nếu bạn thấy còn có những nguyên nhân đặc biệt nào ngăn cản bạn trở thành triệu phú.
Trên đây là ba mươi ba nỗi bất hạnh gây nên bi kịch cuộc đời mà tất cả những người đã cố thử nhưng sai lầm và vấp ngã đều biết rất rõ. Nếu như danh sách trên không nói với bạn được điều gì, thì hãy đề nghị ai đó trong số những người gần gũi của bạn, người biết bạn khá rõ, hãy nhờ anh ta cùng bạn phân tích từng điểm một, và đừng có phật ý! Nhưng cũng có thể, có người sẽ thích tự mình làm điều này hơn. Phần lớn mọi người không nhìn được mình từ khía cạnh bên ngoài như những người khác nhìn vào. Có thể, bạn không có trong số đó.
TỰ MÌNH QUẢNG CÁO CHO MÌNH?
Một trong những thán từ cổ xưa nhất của loài người có lẽ là: Hãy nhận biết mình! Nếu bạn buôn bán thành đạt, bạn phải biết rõ đặc thù của công việc đến từng chi tiết. Trên thị trường dịch vụ cá nhân cũng vậy thôi. Bạn phải biết rõ các điểm yếu của mình để có thể khắc phục hoặc hoàn toàn triệt tiêu. Bạn phải biết sức mạnh của mình bởi vì đã bán dịch vụ thì phải hình dung được mình sẽ dùng phẩm chất của mình để thu hút sự chú ý như thế nào. Nhưng chỉ có thể nhận biết được chính bản thân mình nếu bạn đào bới thật kỹ và phân tích chính xác.
Một chàng trai trẻ xin đến làm việc cho một nhà doanh nghiệp nổi tiếng đã thể hiện sự dốt nát về chính bản thân mình như sau. Lúc đầu anh gây được ấn tượng khá tốt. Nhưng ấn tượng này hoàn toàn tiêu tan sau khi người quản lý hỏi xem lương bao nhiêu thì anh ta cho là đủ. Chàng trai trả lời rằng anh ta chưa nghĩ về con số cụ thể (chứng tỏ thiếu mục tiêu rõ ràng trong cuộc đời). Người quản lý liền bảo: Chúng tôi sẽ trả cho anh đúng giá trị của anh, và cho anh một tuần thử thách.
Tôi không đồng ý, – chàng trai trả lời, – bởi vì ngay ở chỗ làm cũ tôi đã được trả nhiều hơn giá trị của tôi rồi.
Hãy nhớ suốt đời: nếu bạn đã muốn bàn về vấn đề tiền lương trong công việc hiện nay hoặc muốn tìm công việc mới, bạn phải chắc chắn rằng giá trị của bạn lớn hơn so với số tiền lương bạn hiện đang được nhận.
Muốn có tiền (và ai mà chẳng muốn có nhiều hơn) là một chuyện, mà đáng giá nhiều hơn – là chuyện hoàn toàn khác! Nhiều người lẫn lộn nhu cầu của mình với khả năng của mình. Nhu cầu về tài chính của bạn với giá trị của chính bạn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Giá trị của bạn phụ thuộc vào khả năng phục vụ hoặc thiên tài tổ chức của bạn, nếu bạn có thể thôi thúc mọi người cũng làm việc như vậy.
ĐIỀU KIỆN CỦA BẠN THẾ NÀO?
Nếu bạn bán dịch vụ, thì việc tổng kết tự kiểm điểm hàng năm đối với bạn cũng quan trọng chẳng kém gì việc kiểm kê cuối năm đối với nhà thương nhân. Hơn thế nữa, việc phân tích hàng năm giúp giảm sai lầm và tăng hiệu quả làm việc, rèn luyện những phẩm chất cần thiết. Bạn sẽ nhận thấy ngay mình có tiến bộ hay dẫm chân tại chỗ, hoặc thậm chí còn thụt lùi mấy bước. Đương nhiên, người thành đạt bao giờ cũng là tấm gương tốt. Phân tích hàng năm cho thấy được tất cả những thành tích của bạn, và nếu như trong vấn đề nào đó có tiến bộ, thì tiến bộ đó thật sự là như thế nào. Nếu bạn muốn bán dịch vụ thành công, thì sự tiến bộ hàng năm, dù cho có chậm chạp, cũng cực kỳ cần thiết.
Bạn nên tổng kết vào cuối năm để có thể tự chúc mừng mình, ít nhất là trong ý nghĩ, nếu bạn có những thành tích nào đó. Để giúp bạn tự phân tích, chúng tôi đưa ra những câu hỏi mà bạn sẽ tìm thấy dưới đây. Bạn nghiên cứu và trả lời, và hãy để cho ai đó, người không cho phép bạn tự đánh lừa mình, kiểm tra lại các câu trả lời.
HAI MƯƠI TÁM CÂU HỎI CHO CHÍNH MÌNH
Tôi đã đạt được những mục tiêu tự đặt ra trong năm nay (mỗi năm bạn có thể đặt ra cho mình một nhiệm vụ nào đó, đó là một bộ phận trong mục tiêu chính cuộc đời của bạn) hay chưa?
Tôi đã phục vụ mang tính chuyên nghiệp tối đa chưa, hay còn có thể cải tiến chất lượng hơn nữa?
Tôi đã làm đủ khối lượng dịch vụ mà tôi có khả năng chưa?
Hành vi của tôi có còn điều gì đáng chê trách trong khi hợp tác với người khác không?
Tôi đã khắc phục được thói quen chần chừ chưa, và nếu rồi, thì ở chừng mực nào?
Tôi đã cải thiện được tính tình của mình chút nào chưa, và nếu rồi, thì bằng cách nào?
Tôi có đủ cương quyết đi đến cùng trong khi thực hiện kế hoạch của mình hay không?
Tôi có ngay quyết định cuối cùng trong tất cả các trường hợp không?
Tôi đã khắc phục được cả sáu dấu hiệu sợ hãi chưa? (Xem chương cuối).
Tôi có quá cẩn thận hoặc ngược lại, quá cẩu thả trong khi lựa chọn phương tiện dẫn đến mục đích hay không?
Quan hệ của tôi với các bạn hàng hoặc đồng nghiệp có tốt không? Nếu không, thì trong đó tôi có lỗi phần nào?
Tôi có phung phí năng lượng vô ích và không tập trung được sức lực vào điều quan trọng hay không?
Tôi có hoà hợp với mọi người và loại bỏ được định kiến và thành kiến trong nhận thức của mình không?
Bằng cách nào tôi còn có thể tăng khả năng phục vụ của mình?
Tôi có thiếu kìm chế đối với một số điểm yếu của mình không?
Tôi có quá tự cao và tự ái, công khai hoặc ẩn hình, hay không?
Quan hệ của tôi với các bạn hàng hoặc đồng nghiệp có được như họ mong muốn không?
Quyết định của tôi thường dựa vào đâu: phỏng đoán, ước đoán hay phân tích chính xác các sự kiện có thật?
Tôi có thói quen cân nhắc thời gian, thu- chi và chi ly đúng mực hay không?
Tôi đã tiêu phí bao nhiêu thời gian cho những nỗ lực không đúng hướng, để đạt những mục tiêu thứ yếu thay vì sử dụng đúng mục đích hơn?
Tôi phải tính toán thời gian và thay đổi thói quen như thế nào để đạt được thành tích lớn hơn trong năm tới?
Tôi có lỗi gì không, và có phải tất cả các sai lầm tôi đều sửa chữa do suy nghĩ chín chắn không?
Bằng cách nào tôi có thể mở rộng danh mục dịch vụ và cải tiến chất lượng phục vụ?
Tôi có bất công với ai không, và nếu có, thì nguyên nhân do đâu?
Nếu tôi phải trả tiền để mua dịch vụ của mình thì tôi có tự hài lòng không, hay tôi sẽ sang mua của người khác?
Tôi chọn nghề nghiệp có chính xác không, và nếu không, thì tại sao?
Những người sử dụng dịch vụ của tôi có hài lòng không, và nếu không, thì tại sao?
Nếu xuất phát từ những nguyên tắc dẫn đến thành công thì thành tích hôm nay của tôi được xếp hạng như thế nào?
Hãy trả lời trung thực và khách quan, nếu cần hãy nhờ người khác giúp đỡ. Muốn kiểm tra kết quả của bạn, hãy nhờ những người không sợ nói thẳng sự thật với bạn.
Khi đọc hết chương này, nếu bạn thấm nhuần được toàn bộ thông tin cần thiết, thì bạn đã sẵn sàng lập kế hoạch bán dịch vụ của mình. Từ chương này chúng ta đã biết cụ thể tất cả các nguyên tắc quan trọng nhất trong việc lập kế hoạch bán dịch vụ cá nhân, bao gồm tất cả các thuộc tính đặc trưng của công tác lãnh đạo, những dấu hiệu thất bại chủ yếu, những lĩnh vực hoạt động cần cung cách lãnh đạo mới, những nguyên nhân chủ yếu của việc xích mích hàng ngày, và những câu hỏi quan trọng nhất cần đặt ra cho mình khi tự kiểm điểm.
Chúng tôi đưa ra những điều rất chi tiết chỉ vì một nguyên nhân duy nhất: nếu con người bắt đầu danh nghiệp bằng con đường phục vụ, thì trong hoạt động của mình, anh ta không thể tránh khỏi một vấn đề nào trong số những vấn đề đã nêu. Cả những người đã đánh mất hết của cải, cả những người mới chỉ bắt đầu kiếm tiền đều không có cách nào ngoài con đường bán dịch vụ. Vì thế rất cần phải biết cách cư xử trong trường hợp này hay trường hợp khác, biết cách đạt hiệu quả cao nhất.
Quyển sách này không chỉ giúp bạn trên thị trường dịch vụ, nó còn giúp bạn có được lời khuyên của những người thông minh và giỏi giang. Quyển sách này vô giá đối với các giám đốc và người điều hành, cán bộ quản lý và ông chủ tạo công ăn việc làm, cũng như những người cần lựa chọn cán bộ và lãnh đạo có hiệu quả. Các bạn không tin à? Hãy trả lời hai mươi tám câu hỏi và tự mình hiểu ra điều đó.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.