Suy nghĩ và làm giàu

Chương 15 phần 4 [Hết]



CÂU HỎI ĐỂ TỰ PHÂN TÍCH

Bạn có hay phàn nàn về sức khoẻ của mình không? Nếu có, thì do nguyên nhân gì?

Nếu có thể, bạn có hay tìm lỗi ở người khác không?

Bạn có hay sai lầm trong công việc không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn thường nói chuyện như thế nào, châm biếm cay độc hay tấn công?

Bạn có cố tình tránh tiếp xúc với ai không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn có hay khổ sở vì bệnh khó tiêu không? Nếu có, thì do nguyên nhân gì?

Bạn có cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, còn tương lai thì vô vọng không?

Bạn có thích nghề mình làm không? Nếu không, thì tại sao?

Bạn có hay cảm thấy thương hại mình không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn có hay ghen tỵ những người hơn bạn trong một lĩnh vực nào đó không?

Bạn hay dành thời gian cho những ý nghĩ về thành công hơn hay về thất bại hơn?

Cùng với sự trưởng thành, tính tự tin của bạn tăng lên hay giảm đi?

Bạn có rút ra bài học từ những sai lầm của mình không?

Bạn có cho phép họ hàng hoặc người quen gây lo âu hồi hộp cho bạn không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn có hay lúc thì bay bổng chín tầng mây, lúc thì lại chìm đắm trong đáy sâu vô vọng không?

Ai gây cảm hứng cho bạn nhiều nhất? Tại sao?

Bạn có hay cam chịu những người tác động tiêu cực đến bạn hoặc làm bạn ngã lòng, thậm chí nếu có thể tránh được?

Bạn có chăm chút cho vẻ ngoài của mình không? Nếu có, thì lúc nào và ra sao?

Bạn có biết quên mọi lo lắng bằng công việc, tức là bận rộn đến mức không còn thời gian để bực bội nữa?

Bạn có gọi mình là kẻ thiếu lập trường và yếu ý chí vì đã cho phép người khác suy nghĩ hộ mình không?

Bạn có bao giờ coi thường việc tẩy rửa, làm sạch cơ thể cho đến khi táo bón biến bạn thành kẻ bẳn gắt và giận dữ không?

Những lo âu hồi hộp mà lẽ ra có thể tránh được có thường hay khuấy động bạn không, và tại sao bạn phải chịu đựng như vậy?

Bạn có hay dùng rượu, thuốc phiện hoặc thuốc lá để trấn an tinh thần không? Nếu có, thì tại sao thay vì điều này bạn không huy động sức mạnh ý chí?

Có ai gây sự bạn không? Nếu có, thì nguyên nhân gì?

Bạn có mục đích chính trong đời không? Nếu có, thì đó là mục đích gì? Bạn đã lập kế hoạch để thực hiện nó như thế nào?

Bạn có mắc phải nỗi sợ hãi nào không? Nếu có, thì loại nào, hay những loại nào?

Bạn có biện pháp nào tự vệ chống lại những tác động xấu không?

Bạn có thường xuyên tự kỷ ám thị để hướng nhận thức của mình vào những việc làm tích cực không?

Bạn quý gì hơn – những giá trị vật chất hay khả năng kiểm soát ý nghĩ của mình?

Có dễ dàng ảnh hưởng đến bạn bất chấp suy luận riêng của bạn không?

Ngày hôm nay có bổ sung được gì có giá trị cho kiến thức và trí tuệ của bạn không?

Bạn có nhìn thẳng vào thực tế đang làm bạn trở nên bất hạnh không, hay bạn lẩn tránh trách nhiệm?

Bạn có phân tích sai lầm và thất bại của mình nhằm rút ra bài học không, hay bạn cho rằng không cần làm điều này?

Bạn có thể kể ra những điểm yếu gây cho bạn thiệt hại lớn nhất không? Bạn làm gì để khắc phục những điểm yếu này?

Bạn có sẵn sàng thông cảm với những người đến với bạn để tâm sự về những nỗi lo âu của họ không?

Theo kinh nghiệm sống của bạn thì điều gì giúp bạn tiến lên phía trước nhiều hơn – những bài học của bản thân hay tác động của người khác?

Sự hiện diện của bạn có luôn tác động xấu đến những người khác không?

Thói quen nào của người khác làm bạn bực bội nhất?

Bạn tự có ý kiến riêng hay bạn cho phép mình chịu ảnh hưởng của người khác?

Bạn có biết cách có được tâm trạng chống lại mọi tác động làm bạn nản chí không?

Nghề bạn làm có tiếp thêm cho tâm hồn bạn lòng tin và niềm hy vọng không?

Bạn có ý thức rằng mình có được một sức mạnh tinh thần đủ để chống lại mọi nỗi sợ hãi không?

Tôn giáo có hướng được tâm hồn của bạn đến với những ý nghĩ tích cực không?

Bạn có cho rằng chia sẻ những lo âu của người khác là nghĩa vụ của mình không? Nếu có, thì tại sao?

Nếu bạn đồng ý với câu ngạn ngữ: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã hoặc Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng thì bạn sẽ biết gì về mình nhờ quan sát các bạn bè của mình?

Bạn có thấy mối liên hệ nào giữa những người bạn quan hệ chặt chẽ nhất với những nỗi khó chịu của bạn không?

Có thể nào một người mà bạn coi là bạn mình lại chính là kẻ thù tai hại nhất của bạn do những tác động tiêu cực của anh ta đối với bạn không?

Bạn dùng những tiêu chuẩn nào để đánh giá ai là người có ích , còn ai là người có hại đối với bạn?

Trí tuệ những người xung quanh bạn cao hơn hay thấp hơn bạn?

Trong 24 giờ của một ngày, bạn dành bao nhiêu thời gian cho:

Công việc,

Ngủ,

Nghỉ ngơi giải trí,

Thu thập kiến thức hữu ích,

Ngồi không?

Trong số người quen của bạn, ai là người gây cho bạn:

Cảm hứng,

Cảnh giác,

Thất vọng?

Lo lắng lớn nhất của bạn là gì? Tại sao?

Khi người ta cho bạn một lời khuyên không mất tiền, bạn tiếp nhận vô điều kiện hay bạn phân tích động cơ của họ?

Bạn muốn gì hơn cả? Bạn có định thực hiện mong muốn đó của mình không? Bạn có sẵn sàng hy sinh mọi thứ khác vì mục đích chính này không? Mỗi ngày bạn dành bao nhiêu thời gian cho việc thực hiện mong muốn đó?

Bạn có hay thay đổi ý định của mình không? Nếu có, thì tại sao?

Bạn có luôn làm đến cùng những việc mình đã bắt đầu không?

Thành công của người khác, danh hiệu, bằng cấp và tài sản của họ có tác động đến bạn không?

Những điều người khác nói và nghĩ về bạn có ảnh hưởng đến bạn không?

Bạn có cố làm vừa lòng người khác chỉ vì địa vị xã hội hoặc tài chính của họ không?

Bạn xếp ai là người vĩ đại nhất của nhân loại? Người đó hơn bạn ở điểm nào?

Bạn dành bao nhiêu thời gian để nghiên cứu các câu hỏi này và trả lời? (Để phân tích và trả lời các câu hỏi này cần ít nhất không dưới một ngày).

Nếu bạn trả lời trung thực tất cả các câu hỏi trên đây, bạn sẽ biết rõ về mình hơn đa số những người khác. Hãy nghiên cứu các câu hỏi này thật cẩn thận, tuần nào cũng suy nghĩ về nó trong thời gian vài tháng, và bạn sẽ sửng sốt về khối lượng thông tin hết sức quan trọng về chính bản thân mình mà bạn sẽ nắm được khi trả lời trung thực những câu hỏi đó. Nếu bạn thấy không chắc chắn lắm về một vài câu nào đó, hãy xin lời khuyên của những người biết rõ bạn, đặc biệt là những người chẳng có lý do gì để nịnh bạn, và hãy thử nhìn nhận mình bằng con mắt của họ. ấn tượng sẽ rất mạnh.

 

ĐIỀU DUY NHẤT MÀ BẠN CÓ THỂ KIỂM SOÁT ĐƯỢC

Bạn có thể kiểm soát được một điều duy nhất – đó là những ý nghĩ của mình. Đây là thực tế đáng kể nhất và gây hưng phấn mạnh nhất trong tất cả những điều loài người biết được! Nó phản ánh bản chất tuyệt diệu của con người.

Đặc quyền thần thánh này là phương tiện duy nhất giúp bạn điều khiển số phận của mình. Nếu bạn không biết cách điều khiển nhận thức của mình thì có thể cầm chắc rằng bạn chẳng thể điều khiển nổi cái gì khác. Nếu bạn thiếu quan tâm đến tài sản của mình thì mong rằng đó chỉ là tài sản vật chất. Nhận thức – đó là vốn quý tinh thần của bạn! Hãy gìn giữ và sử dụng nâng niu cho đúng với tầm cỡ cao quý của nó. Để làm việc này, bạn có sức mạnh ý chí.

Rất tiếc là luật pháp không bảo vệ chúng ta chống lại những người vô tình hay hữu ý đầu độc nhận thức người khác bằng những ý nghĩ tiêu cực. Hình thức hoạt động phá hoại này cần phải bị trừng phạt nặng nề, bởi vì nó cản trở người khác phấn đấu để giành lấy số của cải vật chất mà luật pháp cho phép.

Những người có ý nghĩ tiêu cực cố thuyết phục Thomas A.Edison là anh không thể chế tạo được thiết bị ghi và tái tạo giọng nói con người, họ nói bởi vì điều đó không thể có được. Edison không nghe theo họ. Anh tin có thể chế tạo tất cả những gì nảy sinh trong óc, và chính lòng tin này đã nâng Edison vĩ đại cao hơn hẳn những người xung quanh.

Những người có ý nghĩ tiêu cực nói với Woolwort là ông sẽ phá sản nếu cứ bán trong cửa hàng của mình các loại hàng hóa giá năm mười xu. Ông không tin. Ông biết rằng ông có thể làm mọi thứ trong phạm vi hợp lý nếu hành động dựa trên lòng tin. Ông thực hiện dự định của mình và đã trở thành chủ nhân của một gia sản trị giá hơn một triệu đôla!

Các ngài Mít đặc cười khinh bỉ Henry Ford khi chiếc ôtô thô thiển đầu tiên của ông xuất hiện trên đường phố Detroit. Nhiều người cho rằng phương tiện chuyển động như thế không thực dụng. Những người khác khẳng định rằng sẽ không ai mua xe này. Ford tuyên bố: Tôi có thể thắt thắt lưng cho cả trái đất bằng ôtô và đã làm đúng như vậy! Những người muốn trở nên giàu có cần phải nhớ rằng giữa Henry Ford và công nhân của ông ta chỉ có một sự khác nhau duy nhất: Ford có nhận thức, và ông đã điều khiển được nhận thức đó; những người khác cũng có nhận thức, nhưng họ không điều khiển được nó.

Điều khiển được nhận thức là kết quả của kỷ luật tự thân và thói quen. Hoặc bạn điều khiển nhận thức của mình, hoặc nhận thức điều khiển ngược trở lại bạn. ở đây không thể có sự thỏa hiệp. Biện pháp điều khiển nhận thức thực tế nhất là luôn luôn đặt ra cho nó một mục tiêu nhất định, gắn với kế hoạch thực hiện cụ thể. Không kiểm soát được như vậy thì không thể có thành công.

ÔNG GIÀ BAO BIỆN – NĂM MƯƠI NĂM CÂU GIÁ NHƯ

Tất cả những người không thành công đều có một đặc điểm rất chung. Họ biết tất cả những nguyên nhân làm cho mình thất bại. Bao giờ họ cũng có sẵn một sự giải thích rất đáng tin cậy, như họ nghĩ, tại sao họ không đạt được điều gì.

Nhiều câu bao biện cũng có vẻ có lý và thậm chí còn có thực tế đi kèm. Nhưng bao biện không thể thay thế được tiền bạc. Thế giới chỉ muốn biết một điều: bạn đã thành công chưa?

Một nhà tâm lý học có tiếng đã liệt kê ra danh sách những biện bạch sau đây. Đọc danh sách này, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy không ít những cái trong chương trình của chính bạn. Tuy nhiên, bạn hãy nhớ rằng đối với những người quyết định làm theo những lời khuyên trong quyển sách này, những biện bạch đó trở nên không còn cần thiết nữa.

Giá như tôi không nặng nợ vợ con, gia đình

Giá như tôi có được các quan hệ

Giá như tôi có tiền

Giá như tôi được học hành đến nơi đến chốn

Giá như tôi có việc làm

Giá như tôi có sức khoẻ

Giá như tôi có thời gian

Giá như thời buổi không đến nỗi khó khăn

Giá như người khác hiểu tôi

Giá như điều kiện khác

Giá như tôi được sống lại cuộc đời mình từ đầu

Giá như tôi không phải e ngại những điều họ nói

Giá như người ta cho tôi một cơ hội

Giá như những người khác không chống lại tôi

Giá như tôi không phải ngại ngần gì

Giá như tôi còn trẻ

Giá như tôi có thể làm những gì tôi muốn

Giá như tôi sinh ra trong nhung lụa

Giá như tôi được gặp những người đứng đắn

Giá như tôi có năng khiếu như những người khác

Giá như tôi kiên định

Giá như tôi biết tận dụng những khả năng trước đây

Giá như không ai chọc tức tôi

Giá như tôi không phải làm việc nhà và trông con

Giá như tôi tiết kiệm được một ít tiền

Giá như thủ trưởng đánh giá đúng tôi

Giá như có người giúp tôi

Giá như gia đình thông cảm cho tôi

Giá như tôi được sống ở thành phố lớn

Giá như tôi mới chỉ bắt đầu

Giá như tôi được tự do

Giá như tính tôi được như người khác

Giá như tôi không béo như thế này

Giá như khả năng của tôi được mọi người biết đến

Giá như tôi gặp may

Giá như tôi trả được hết nợ

Giá như lần đó không thất bại

Giá như tôi biết trước phải làm thế nào

Giá như không ai cản phá tôi

Giá như tôi không phải quá lo lắng như vậy

Giá như tôi may mắn hơn trong việc lấy vợ

Giá như mọi người không đến nỗi ngu ngốc như vậy

Giá như gia đình tôi không kỳ quặc như vậy

Giá như tôi tự tin

Giá như hạnh phúc không quay lưng lại tôi

Giá như tôi không bị sinh vào đúng cung bất hạnh

Giá như không phải là cuộc đời này, cuộc đời mà cứ xét đoán thế nào thì thành ra thế

Giá như tôi không phải làm việc nhiều như vậy

Giá như tôi không làm mất tiền

Giá như tôi sống ở vùng khác

Giá như tôi không có cái quá khứ của mình

Giá như tôi có công việc riêng của mình

Giá như người ta nghe tôi

Giá như – đó là sự thoái thác chủ yếu nhất – giá như tôi có đủ lòng dũng cảm để nhận chân con người mình thì tôi đã hiểu ra điều gì ở tôi không đúng và sửa chữa nó. Khi đó tôi có thể rút ra bài học từ sai lầm của mình và thu được điều bổ ích từ kinh nghiệm của người khác, đồng thời biết cái gì ở mình là chưa được. Giá như tôi biết chính xác là cái gì, thì tôi đã dành thời gian để phân tích những điểm yếu của mình chứ không phải để tìm kiếm sự biện bạch.

Tìm cách giải thích cho những thất bại riêng của mình có thể nói là một phong trào toàn quốc. Thói quen này xưa cũ như chính bản thân nhân loại, và nguy hiểm chết người cho thành công! Tại sao người ta bám chặt lấy sự bao biện yêu thích của mình? Câu trả lời quá rõ ràng. Họ bảo vệ sự biện bạch của mình bởi vì chính họ tạo ra nó! Biện bạch là con đẻ của tưởng tượng. Mà bản chất con người là bảo vệ cái mà óc mình nghĩ ra.

Tìm lý do biện bạch là thói quen bắt rễ rất sâu. Khó mà từ bỏ thói quen, đặc biệt là khi nó biện giải cho hành động ta làm. Platon đã nói rất chính xác: chiến thắng lớn nhất là chiến thắng chính mình. Chịu thua cái tôi thì thật là hèn hạ và nhục nhã

Một nhà triết học khác cũng phát biểu tương tự: tôi rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng tất cả những cái xấu mà tôi nhìn thấy ở những người khác đều có trong tính cách cuả tôi.

Tôi cảm thấy khó hiểu, – Elbert Habbard nói, – tại sao người ta lại tốn nhiều thời giờ để cố tình tự lừa dối mình và bịa ra sự biện bạch cho những điểm yếu của mình. Nếu sử dụng thời gian đó theo một cách khác, thì đã đủ để sửa chữa hết các điểm yếu, và lúc đó cũng chẳng cần gì biện bạch nữa.

Suy nghĩ cần ghi chép

Chia tay, tôi muốn nhắc bạn rằng: cuộc đời là chiếc bàn cờ, còn đấu thủ ngồi trước mặt bạn – là thời gian. Nếu bạn không đi, và không đi nhanh, thì quân của bạn sẽ bị thời gian ăn hết. Trước mặt bạn là đối phương không chấp nhận sự thiếu kiên quyết.

Trước đây bạn có thể tìm kiếm sự giải thích tại sao bạn không bắt được cuộc đời cấp cho bạn những thứ bạn cần, nhưng bây giờ thì tất cả mọi biện bạch đều là thừa bởi vì bạn đã nắm trong tay Chìa khoá chính mở mọi cánh cửa dẫn đến giàu sang.

Chìa khoá chính không sờ thấy được nhưng vô cùng mạnh! Để sử dụng chiếc Chìa khoá đó bạn không mất gì cả, nhưng nếu bạn không sử dụng nó – bạn sẽ phải trả giá đắt. Đó là cái giá của thất bại. Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng chiếc Chìa khoá đó, một phần thưởng hậu hĩnh sẽ chờ đón bạn. Phần thưởng đó là sự mãn nguyện đến với tất cả những người đã chiến thắng bản thân mình và bắt cuộc đời cho anh ta những thứ anh ta muốn.

Phần thưởng sẽ xứng đáng với những cố gắng của bạn. Bạn có muốn bắt đầu và tự mình khẳng định không?

Nếu chúng ta có liên quan với nhau, – Emerson bất tử đã nói, – nhất định chúng ta sẽ gặp nhau. Để kết thúc, tôi tự cho phép mượn lời của ông để nói: Nếu chúng ta có liên quan với nhau, thì tại những trang sách này chúng ta đã gặp nhau rồi.

Hết. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.