Các công việc của Narcisse tìm hiểu điều bí mật của Goldmund đã lâu chưa đem lại kết quả. Đã lâu, thầy thử đánh thức cậu dậy, chỉ vẽ cho cậu cách giãi bày, nhưng dường như không được gì.
Từ những điều cậu nói ra về nguồn gốc, về xứ sở của cậu thời thơ ấu, không một hình ảnh nào có thể hình thành. Cuộc sống diễn ra với sự hiện diện của một ông bố mà bóng dáng luôn mờ mờ, các đường nét không rõ ràng, nhưng đứa trẻ kính nể ông; và với huyền thoại về một bà mẹ mất tích hoặc đã chết từ lâu, chỉ còn là một cái tên không để lại chút dấu vết. Biết đọc trong cái tâm hồn, Narcisse dần dần nhận biết chú bạn của mình thuộc loại những người đã mất đi một phần quá khứ, những người bị áp lực của sự ràng buộc hoặc điều phù phép nào đó, đành phải nhẫn nhục quên đi phần nào. Thầy biết rằng các câu hỏi giản đơn hoặc những lời khích lệ giản đơn trong trường hợp này không có tác dụng. Thầy cũng thấy mình đã quá trông vào sức mạnh của lý trí và đã nói quá nhiều để chẳng được ích lợi gì.
Nhưng vẫn còn có phần không phải vô bổ, đó là tình yêu thương đã liên kết thầy với chú bạn và thói quen trong cuộc sống đời thường. Mặc dù bản tính của họ có những điều khác biệt sâu sắc cả hai người đã học với nhau được rất nhiều; giữa hai bên, cùng với ngôn ngữ của lý trí, dần dần hình thành một cách nói của tâm hồn, một lối diễn đạt bằng các dấu hiệu, giống như giữa hai khu vực cư trú có hẳn một con đường xe cộc và người cưỡi ngựa đi lại, nhưng cạnh đó trở ra nhiều con đường mòn, các đường đi bằng các ngõ ngách đổi hướng: các con đường mòn của những người yêu nhau, các lối đi chưa thành hình rõ ràng của chó và mèo. Được làm phong phú bởi tình cảm mến thương trí tưởng tượng của Goldmund dần dần tìm được cách thâm nhập bằng những con đường kỳ ảo vào tư duy của anh bạn và trong ngôn ngữ của anh; và về phía Narcisse, thầy học được cách hiểu và cảm nhận không qua lời nói các lối nhìn và xử sự của Goldmund. Chầm chậm trong ánh sáng của tình thương yêu, các quan hệ tiếp xúc mới gắn kết tâm hồn người này với tâm hồn người kia, sau đó mới biểu hiện bằng lời nói. Cứ thế, cả hai điều lấy làm lạ, một ngày nghỉ, một câu chuyện trong thư viện giữa bạn bè, những dịp để họ thấu hiểu nhau tận đáy lòng, đã phát hiện cho họ thấy ý nghĩa của điều đó và chiếu rọi ra xa những làn ánh sáng mới.
Họ bàn với nhau về thuật chiêm tinh mà trong tu viện người ta không thực hành và cấm không được truyền bá. Narcisse giải thích rằng thuật chiêm tinh là một cố gắng để sắp xếp thành một hệ thống hàng nghìn tính khí đa dạng của những con người và các số phận, các định mệnh của họ. Lúc ấy Goldmund lên tiếng:
– Anh cứ nói mãi về các khác biệt; dần dà em nhận ra đó là điều làm nổi rõ hơn cả, đặc điểm của anh. Khi anh nói về sự khác biệt lớn, thí dụ tồn tại giữa anh và em, em luôn luôn có cảm tưởng điều khác biệt không là gì ngoài tính kỳ lạ của anh cứ bám lấy để phát hiện ở khắp nơi các điều khác biệt.
Narcisse: – Hẳn là em đúng. Những điều phân biệt không quan trọng lắm đối với em, đối với anh, quả thật lại là điểm duy nhất đáng kể. Bằng cả con người của mình, anh là một bác học, số mệnh của anh là khoa học. Và làm khoa học, để nói theo cách của em, chẳng là gì khác, cứ bám lấy để phát hiện ra các điều dị biệt. Người ta không có cách nào tốt hơn để xác định thực chất của nó. Đối với những người như anh, các nhà khoa học, không có gì quan trọng hơn là thiết lập các điều phân biệt; khoa học là nghệ thuật về các điều phân biệt. Cho nên, phát hiện ra ở mỗi người các tính cách phân biệt người ấy với những người khác, như vậy là học tập để biết người ấy.
Goldmund: – Ôi, vâng. Người đang mang đôi guốc của nông dân: đó là một nông dân. Người kia mang một vương miện trên đầu: đó là một ông vua. Hiển nhiên đó là những điều phân biệt, nhưng chúng ở trong tầm tay một đứa trẻ mà chẳng cần gì đến cả cái khoa học của anh.
Narcisse: – Chỉ có nhà vua và người nông dân mặc áo quần giống nhau, đứa trẻ mới không biết phân biệt.
Goldmund:- Khoa học cũng không biết phân biệt.
Narcisse: – Có lẽ, có biết đó. Khoa học khôn hơn đứa trẻ, cần đồng ý với nhau về điều ấy, nhưng kiên nhẫn hơn khoa học không chỉ bằng lòng ghi chép các đặc tính nổi bật nhất.
Goldmund: – Một đứa trẻ thông minh cũng vậy. Nó sẽ nhận ra nhà vua theo con mắt nhìn và dáng đi của ông ta. Tóm lại các nhà bác học các anh, các anh kiêu kỳ các anh luôn tự tin ở mình, còn chúng tôi, chúng tôi ngốc hơn các anh. Người ta có thể rất thông minh mà không có sự hỗ trợ của khoa học. Narcisse:- Anh sung sướng là chú bắt đầu nhận ra mình. Em sẽ không chậm lắm để nhận ra rằng, khi anh nói đến sự khác biệt giữa em và anh, anh không nghĩ đến trí thông minh. Anh không nói em thông minh hơn hay ngốc hơn, tốt hơn hay xấu hơn: anh chỉ nói là em khác.
Goldmund: – Dễ hiểu thôi. Nhưng anh không chỉ nói sự khác biệt về tính cách, anh còn hàm ý về các điều khác biệt trong số phận dành cho mỗi người chúng ta. Thí dụ, vì sao anh có một số mệnh khác em? Cũng như em anh là một người ki-tô-giáo. Cũng như em, anh quyết tiến đến cuộc sống tu hành. Anh cũng như em, là con trai của Chúa nhân từ của chúng ta. Mục đích của cả hai chúng ta giống nhau: sự cực lạc vĩnh hằng. Số mệnh của chúng ta giống nhau, trở về với Chúa.
Narcisse:- Rất đúng. Trong sách giáo lý Kitô-giáo, quả thực một người có giá trị bằng người khác, nhưng trong cuộc sống thì không. Người tông đồ được sùng ái tựa đầu lên ngực Chúa Cứu Thế, và người tông đồ kia, kẻ phản bội Người, cả hai theo anh, họ không có cùng một số mệnh.
Goldmund: – Narcisse, anh nguỵ biện. Không phải theo con đường ấy mà chúng ta sẽ gần nhau người này với người kia.
Narcisse: – Không có con đường mà theo đó chúng ta có thể gần nhau.
Goldmund: – Em không nói như thế
Narcisse: – Anh nói điều ấy như anh suy nghĩ. Chúng ta đâu có gần nhau giữa những người này người khác bằng mặt trời và mặt trăng, biển và đất liền. Bạn thân mến, hai chúng ta là mặt trời và mặt trăng, biển và đất liền. Mục đích của chúng ta không phải là hoà tan người này trong người kia, mà phân định ở người này và người kia những gì là chúng ta, và mỗi người học lấy để nhìn và để đem lại vinh dự cho điều thực sự tồn tại; điều trái ngược và điều bổ sung cho bạn của mình.
Goldmund cúi đầu, sững sờ, buồn ra mặt.
Sau cùng, cậu tuyên bố:
– Có phải vì vậy mà anh thường không coi trọng các ý tứ của em?
Narcisse ngập ngừng một chốc rồi đáp lại với một giọng rõ ràng và gay gắt: – Chính vì điều ấy. Goldmund thân mến, em cần phải tạo thói quen trong việc đó, chỉ có bản thân em là anh coi trọng. Hãy tin vào điều ấy, anh coi trọng mỗi âm điệu tiếng nói của em, mỗi cử chỉ, mỗi nụ cười của em. Nhưng các ý tưởng của em, anh ít coi trọng hơn. Ở em, anh xem trong những gì anh cho là thiết yếu và cần thiết. Vì sao em muốn là đối với các ý tưởng của em anh coi trọng nhiều, trong khi em nhận được bao nhiêu các khả năng thiên phú khác?
Goldmund mỉm cười chua chát:
– Em nói đúng mà! Đối với anh, em luôn luôn như một đứa trẻ con.
Narcisse không nhân nhượng:
– Anh coi một số phận trong các ý tưởng của em như của trẻ con. Em nhớ không chúng ta nói khi hồi là một đứa bé có lương tri của nó không hề ngốc hơn một nhà thông thái. Nhưng khi đứa trẻ muốn nói một từ về khoa học, nhà thông thái không coi trọng điều nó nói ấy.
Goldmund cãi lại mạnh mẽ:
– Anh cũng chế giễu em khi chúng ta không nói về khoa học. Vậy đó, anh luôn làm như thể cả lòng hiếu đạo, mọi cố gắng của em để tiến bộ trong học tập cũng như ý muốn của em sống cuộc đời tu hành đều chỉ là những trò trẻ con.
Narcisse nhìn chú bạn của mình với một vẻ trang trọng:
– Anh trọng em khi em là Goldmund. Nhưng không phải lúc nào em cũng vậy. Nguyện vọng tha thiết nhất của anh, đó là em hoàn toàn là Goldmund. Em không phải là một nhà bác học, em không phải là một tu sĩ. Một nhà bác học một tu sĩ, những người như vậy được thánh tạo với thứ gỗ không đắt giá mấy. Em tưởng là em quá kém thông thái đối với anh, chẳng mấy là nhà Lôgíc học, hoặc lòng mộ đạo của em không được khá nồng nhiệt. Nhưng không! Em đối với anh quá ít là bản thân em.
Mặc dù cuộc nói chuyện ấy Goldmund rút lui ngượng ngùng, thậm chí bị tổn thương nhưng qua mấy hôm, bản thân cậu không kém tỏ ra mong muốn tiếp tục trao đổi. Lần này Narcisse đạt kết quả vạch ra với chú bạn các điều khác biệt vốn phân định giữa họ với nhau, một hình ảnh mà chính Goldmund đã thừa nhận.
Narcisse nóng người trong khi chứng minh cảm thông Goldmund bữa nay cởi mở hơn với các lời diễn giải của bạn và vui lòng tiếp thu. Thầy biết mình đã có tác động đối với chú em. Theo đà thành công, thầy nói nhiều hơn so với dự định, cuốn hút theo câu chuyện của mình:
– Em thấy đó, – thầy tiếp tục, – chỉ có một điểm mình được lợi thế hơn chú. Anh có đôi mắt mở còn em thì chỉ nửa thức nửa tỉnh hoặc đôi khi hoàn toàn ngủ. Anh đánh thức dậy một con người, mà với cả lương tâm và lý trí của mình người ấy đang tự biết rõ hơn bản thân, tự biết các điểm mạnh và các điểm yếu thầm kín của mình vốn thoát ra khỏi lý trí, và đang biết tính đến chúng. Hiểu điều đó, ấy là ý nghĩa có thể có được với em qua cuộc gặp này của chúng ta. Goldmund, ở em, bản tính và tư duy, thế giới được ý thức và thế giới các mơ mộng tách riêng bởi một vực sâu. Em quên mất tuổi ấu thơ của em. Tâm hồn em từ những chiều sâu thẳm đang tìm để chiếm lại em. Nó còn làm em đau đớn cho đến khi nào em hiểu ra lời gọi của nó. Đến thế là đủ! Như anh đã nói với chú, mình hơn chú ở chỗ mình thức tỉnh hơn chú. Về điểm này, mình vượt chú cả trăm khuỷu tay, vì thế mà mình có thể giúp ích chú. Về tất cả những gì khác, bạn thân mến, chắc chắn chú vượt mình. Nói cho đúng hơn, chú sẽ vượt mình khi chú tìm lại được bản thân chú.
Goldmund nghe với sự ngạc nhiên, nhưng về điều “em đã quên mất tuổi thơ của em” cậu giật nẩy mình như thể bị một mũi tên bắn phải. Narcisse theo thói quen thường nhìn xuống trong khi nói hoặc nhìn thẳng về phía trước như để tìm các từ nghĩ dễ hơn, nên không để ý đến cử động ấy của chú bạn. Thầy cũng không nhận thấy nét mặt của Goldmund bỗng nhiên co giật và tái xanh.
– Em! Em mà hơn anh! – Cậu lúng túng trong mồm, muốn nói điều gì đó, cả bộ mặt trở nên sững sờ.
– Hẳn rồi, – Narcisse tiếp tục nói các bản tính kiểu như em, những con người được phú cho các giác quan tinh tế, những người có tâm hồn, các nhà thơ, những người cả cuộc đời là tình yêu, đều hầu như luôn luôn hơn chúng tôi vốn do trí tuệ chi phối. Theo nguồn gốc của mình, chú đứng về phía thân mẫu. Chú sống trong trạng thái trọn vẹn của bản thể. Sức mạnh của tình yêu, khả năng đi vào chiều sâu các sự vật là phận của chú. Chúng tôi, những người trí thức, mặc dù chúng tôi thường có vẻ lãnh đạo và cai quản các bạn, chúng tôi không sống trong sự trọn vẹn của bản thể, chúng tôi sống trong các điều trừu trượng. Những người như chú, là toàn vẹn sự sống, tinh chất nước quả, vườn hoa của tình yêu, xứ sở tươi đẹp của nghệ thuật. Các bạn sống ở nhà các bạn trên mặt đất, còn chúng tôi thì ở thế giới các tư duy. Các bạn có cơ vấp phải rủi ro đắm chìm trong nhục cảm, chúng tôi thì nghẹt thở trong sự trống không. Em là nghệ sĩ, anh là nhà tư tưởng. Em ngủ trên trái tim một bà mẹ, anh thì thức giữa sa mạc. Anh là mặt trời chiếu sáng cho mình; em là trăng sao lấp lánh. Các cô gái ám ảnh các cơn mộng của em; với anh, là các học sinh…
Goldmund mở to mắt, nghe Narcisse nói với một vẻ say sưa, ngây ngất. Hơn một trong những lời nói ấy đã chạm vào cậu như một lưỡi gươm. Các lời sau cùng làm cho cậu tái mặt, cậu nhắm mắt. Và khi Narcisse nhận ra điều ấy, lo lắng, muốn đặt ra các câu hỏi, thì Goldmund nói với một giọng liu líu, mặt mày nhợt nhạt:
– Đã một lần em xỉu trước mặt anh, và không sao cầm được nước mắt, anh còn nhớ không? Không thể để tái diễn như vậy. Em sẽ không bao giờ tha thứ cho mình như vậy; em cũng không tha thứ cho anh. Anh hãy nhanh chóng đi đi, để cho em được một mình. Anh đã nói với em những điều đáng ghê sợ.
Narcisse rất cảm động. Thầy đã để cho các lời nói của mình lôi cuốn mình đi. Thầy có cảm giác mình đã phân giải tốt hơn so với bình thường. Bây giờ, thầy lấy làm ngạc nhiên nhận ra có điều gì trong các cách nói của mình đã chạm vào da thịt bạn ở một chỗ nào đó. Thầy cảm thấy xót xa để bạn chỉ một mình trong giờ phút như vậy, hơi do dự trong mấy giây đồng hồ. Vầng trán của Goldmund hằn lên mấy vết nhăn, hiểu là trong lòng chú muốn thấy thầy liền rời khỏi với vẻ ngượng ngùng, để cho bạn ở đó một mình như chú đang cần.
Lần này trạng thái kích thích quá độ, và tâm hồn Goldmund không vơi nhẹ đi bằng nước mắt. Ý thức đã nhận một vết thương sâu và không sao lành được, như thể anh bạn đã bất ngờ đâm một lưỡi dao vào giữa ngực mình, cậu dừng lại, thở rất khó nhọc, tim quặn thắt đến muốn chết, mặt trắng bệch như một tấm khăn, hai bàn tay mất cảm giác. Cũng lại nỗi thống khổ trước đây, duy có điều sâu đậm hơn. Cậu lại cảm thấy khó thở, buộc mình phải nhìn thẳng ở trước mặt một cảnh tượng ghê rợn, một điều gì đó không thể tha thứ được. nhưng lần này các tiếng khóc nấc có tính giải toả không đến giúp cậu vượt qua cơn thử thách. Đức mẹ của Chúa tôi! Vậy chuyện gì đây? Có ai cắt cổ cậu chăng? Ai giết cậu sao? Những lời khủng khiếp nào đã nói lên điều đó?
Cậu phì phò tuôn ra những hơi thở nặng nhọc. Như một người bị đầu độc, cậu ngập tràn cảm giác trút bỏ được một cái gì đó chết người đã vào sâu trong cậu. Với cái cử động của người bơi lội, cậu thoát ra khỏi gian phòng và trốn chạy không ý thức vào những góc im lặng nhất, hoang vắng nhất trong tu viện, qua các hành lang, các bật cấp, ra ngoài trời, tìm lấy không khí tự do. Cậu đến tại nơi ẩn lánh sâu nhất của tu viện, ở dãy hàng hiên để đi dạo. Bên trên các bồn cây xanh, mặt trời bừng chiếu sáng loáng, xuyên qua bầu không khí nơi đó các công trình bằng đá giữ lại sự mát mẻ, nơi đó hương thơm hoa hồng toả ngát, dịu dàng và lững lờ.
Không nghi ngờ gì, Narcisse vừa thực hiện điều từ lâu thầy đã có ý định. Thầy gọi đích danh con quỷ đã ám chú bạn của mình, và đương đầu với nó. Một lời nào đó trong câu chuyện của Narcisse đã đánh thức dậy điều bí mật, gây ra một cơn đau ê ẩm. Hồi lâu, Narcisse lang thang trong tu viện, đi tìm chú bạn của mình nhưng không thấy ở đâu cả.
Goldmund đứng dưới một trong các chiếc vòm nặng nề dẫn từ hàng hiên để đi dạo ra ngôi vườn nhỏ. Từ mỗi chiếc cột chống đỡ mái vòm, ba cái đầu thú vật, đầu chó hoặc chó sói bằng đá giương những cặp mắt tròn nhìn cậu. Nỗi đau dày xé lòng cậu ghê gớm, cậu đang tìm một con đường đi đến ánh sáng đến với lý trí. Trong khi máy móc nhìn lên bên trên đầu của mình, cậu nhận ra một trong các mái với ba cái đầu con vật, và liền có cảm giác ba con thú ấy nằm trong người mình, trong ruột mình, sủa và giương tròn những con mắt dữ tợn.
“Mình sắp chết” cậu cảm nhận vô cùng hoảng sợ. Ngay sau đó, run lên vì lo âu, cậu tự bảo: “Mình mất trí rồi, ba cái mõm thú vật đang cắn xé mình”.
Cậu quỵ xuống thở hổn hển ở chân cây cột. Nỗi đau sâu nặng, tột độ. Quanh mình cậu, tất cả trở nên mờ nhạt; ngất xỉu, cậu nằm đó áp má trên nền đất, vơi nhẹ như đã mong muốn trong trạng thái hư ảo.
Ngày hôm ấy không đem lại cho tu viện trưởng chút vui nào. Một lần nữa, có hai ông tu sĩ cao niên nhất vốn đố kỵ nhau đã lâu, cùng gặp, rất kích động, la lối om sòm, tố cáo và gây gổ với nhau điên cuồng vì những chuyện không đâu. Tu viện trưởng nghe hai cụ nói, rất lâu, cảnh cáo các cụ nhưng vô hiệu, đành mời các cụ đi, trao cho mỗi cụ một hình phạt khá nặng, còn bản thân mình cảm thấy nhọc công vô ích. Mệt nhoài, ông lui về nhà thờ nhỏ trong hầm mộ, cầu nguyện hồi lâu mà vẫn không lấy lại được sự thư thái. Bấy giờ, hấp dẫn bởi hương thơm kín đáo của cụm hoa hồng, ông đi về phía mái hiên để đi dạo, mong được hít thở không khí dễ chịu hơn. Ở đó ông gặp cậu học trò Goldmund nằm sóng sượt bất tỉnh trên nền đất. Ông buồn bã nhìn chàng trai, hoảng sợ trước bộ mặt tái xám tàn tạ ấy bình thường vốn trẻ trung và thanh tú. Hôm nay như là xúi quẩy. Ông cố đỡ chàng trai dậy, nhưng không đủ sức. Thở dốc, ông già đi gọi hai thầy dòng trẻ đến để khênh chàng trai xuống bệnh xá. Ông cho người đi tìm cha Anselme, người lo chạy chữa cho các bệnh nhân. Đồng thời ông cho gọi Narcisse đến ngay.
– Thầy biết chưa? – Ông hỏi.
– Thưa về Goldmund? Cha kính mến, có ạ. Con vừa nghe tin cậu ấy ốm hay bị tai nạn, và người ta vừa đưa đi.
– Đúng. Ta vừa bắt gặp cậu nằm sóng sượt ở đầu hành lang để đi dạo. Đúng ra bấy giờ cậu ấy không có gì để làm ở đó. Không phải là tai nạn. Cậu ta bị bất tỉnh. Ta không hài lòng. Dường như không phải con xa lạ với chuyện đã xảy ra, hay chí ít con cũng có biết điều đó. Cậu ta chẳng phải là bạn thân thiết của con sao? Vì vậy ta cho gọi con. Nói đi!
Bởi luôn làm chủ thái độ và ngôn ngữ của mình. Narcisse báo cáo vắn tắt về cuộc nói chuyện hôm nay với Goldmund và về tính chất gay gắt đáng ngạc nhiên trong thái độ cậu ta tiếp thu các lời nói của mình. Tu viện trưởng bắt đầu tỏ ý có điều ông không được hài lòng.
– Đó là những câu chuyện kỳ lạ, ông nói trong khi cố gắng tự trấn tĩnh. Câu chuyện thầy vừa kể cho ta hay, có thể nói hầu như đó là một sự can thiệp vào cuộc sống nội tâm của người khác, thầy đã thực hiện vai trò của một cha nghe xưng tội. Thế nhưng thầy chưa phải là cha nghe xưng tội của Goldmund. Thầy chưa nhận các dòng. Làm sao thầy nói được như một người khuyên nhủ với một học sinh về những đề tài chỉ thuộc trách nhiệm một hiệu trưởng? Các hậu quả xấu xảy ra, thầy thấy đó.
– Thưa cha kính mến, các hậu quả chúng ta chưa biết đến, – Narcisse nói với giọng bình tĩnh và chắc chắn. – Sự phản ứng lại mạnh mẽ của cậu ấy làm cho con hơi sợ, nhưng con không nghi ngờ các kết quả tốt sẽ theo sau cuộc trò chuyện ấy của chúng ta đối với Goldmund.
– Chúng ta sẽ xem sau. Ta không nói về các hậu quả lúc này, nhưng ta nói về cách hành động của thầy. Điều gì đã đưa thầy đến những câu chuyện như vậy với Goldmund?
– Thưa, như cha biết, cậu ấy là bạn của con. Đối với cậu ấy, con có một tình thương đặc biệt và con nghĩ, con nhìn thấy rõ cậu ấy. Cha nhắc nhở cách đối đãi của con với cậu ấy là của một cha nghe xưng tội, con không hề lạm dụng một quyền lực tôn giáo. Con chỉ nghĩ rằng con hiểu cậu ấy hơn cậu ta tự hiểu mình.
Tu viện trưởng nhún vai:
– Ta biết. Đó là biệt tài của thầy. Chúng ta hy vọng thầy sẽ không gây ta tổn thương nào. Goldmund có ốm không? Ta muốn nói, ở cậu ấy, có điều gì không ổn chăng? Cậu ấy có suy yếu đi không? Cậu ấy ngủ kém? Ăn không ngon? Theo một cách nào đó, cậu ấy đau đớn?
– Thưa không. Cho đến nay, cậu ấy khoẻ mạnh. Thể lực tốt.
– Còn về mặt khác?
– Về tinh thần cậu ấy đang đau khổ, chắc hẳn thế. Cha biết điều đó, cậu ta đang ở độ tuổi bắt đầu cuộc đấu tranh chống lại bản năng tình dục.
– Cha biết, cậu ấy đã mười bảy tuổi.
– Thưa mười tám. Quả là mười tám. Hơi muộn. Nhưng cuộc đấu tranh ấy là chuyện bình thường. Ai cũng trải qua. Không thể nói vì thế mà cậu ấy đau khổ về tinh thần.
– Thưa cha kính mến, không phải chỉ vì thế. Nhưng từ trước, đã lâu rồi, Goldmund có điều khó ở trong tâm tư. Vì vậy mà các cuộc chiến đấu ấy đối với cậu nguy hại hơn ở những người khác. Cậu ấy đau đớn, theo con nghĩ, vì đã quên mất một phần dĩ vãng của mình!
– Sao? Phần nào vậy?
– Thân mẫu cậu, những gì liên quan đến bà ấy. Thưa, bản thân con cũng không biết gì hơn. Con chỉ biết hẳn đó là nguồn gốc bệnh tình của cậu ta. Goldmund cho rằng mình không biết gì về thân mẫu ngoài việc cậu ấy mất mẹ quá sớm. Nhưng cậu tỏ ra có cảm giác lấy làm xấu hổ về thân mẫu của mình. Thế nhưng hẳn là của bà, cậu đã kế thừa những gì cậu được phú cho; những gì cậu có thể kể về ông bố không cho thấy có thể có được một người con trai thanh tú, thông minh, khác thường như thế. Tất cả các điều ấy, con không biết bởi vì cậu ta không nói với con, nhưng con suy ra từ một số dấu hiệu.
Lúc đầu, tu viện trưởng hơi cười thầm về các điều nhận xét ấy – đối với ông, chúng có vẻ là câu chuyện của một chú nhãi kiêu kỳ với hắn ta thì việc gì cũng rối rắm và làm cho người khác mệt, vì ông cũng suy nghĩ… Ông nhớ lại về thân phụ của Goldmund, con người hơi trịnh trọng và xa cách. Trong khi nghĩ về chi tiết ấy, ông cũng nhớ lại đôi câu của người bố đã nói về bà mẹ Goldmund. Theo như ông bố nói với cha, bà ấy làm cho ông ta xấu hổ, bà đã bỏ ông ta. Qua đứa con trai bé bỏng ông ta cố quên đi kỷ niệm với người vợ và các tật xấu thằng bé có thể thừa hưởng của mẹ nó. Ông ta cho là mình đã thành công trong việc ấy và con trai ông sẵn sàng dâng hiến cuộc sống của nó cho Chúa Trời để chuộc lại cái lỗi lầm của người mẹ.
Chưa bao giờ tu viện trưởng bực dọc với Narcisse như hôm nay. Tuy nhiên, ông nhan thấy anh chàng mơ mộng hão này đã đoán biết đúng, như thể quả thật anh ta hiểu rõ Goldmund!
Để chấm dứt câu chuyện, Narcisse lại hỏi về tình hình đã xảy ra hôm nay và nói:
– Cơn xúc động mạnh đã chế ngự Goldmund, con không nhìn thấy trước. Con lưu ý với cậu ấy là cậu không tự biết bản thân, quên mất tuổi trẻ của mình và thân mẫu. Hẳn là một lời nào đó của con đã chạm vào cậu và thâm nhập trong các vùng bóng tối mà từ lâu nay cậu đã đấu tranh. Goldmund như thể hoá đá. Cậu ấy nhìn con như thể không biết con nữa, và cũng không tự biết mình. Con nói với cậu ấy nhiều lần là cậu ta đã ngủ và không thực sự thức giấc. Bây giờ thì cậu đã tỉnh ngủ, con không hề nghi ngờ điều đó.
Cha bề trên cho Narcisse lui, không bị quở trách, nhưng lúc này không được phép đi thăm người ốm.
Trong khi ấy cha Anselme đặt chàng trai bị ngất nằm trên giường, và ở trực bên cạnh. Làm cậu tỉnh lại bằng các phương sách dùng bạo lực, đối với cha đó không phải là biện pháp chỉ định. Người ốm có vẻ mặt rất dễ mến. Bộ mặt nhăn nheo của ông già ân cần ghé sát chàng trai mới lớn lên. Ông bắt mạch và nghe nhịp tim. “Chắc là thằng nhóc ngốn thứ gì đó chưa biết được, thí dụ quá nhiều trái chút chít hoặc một loại của ngốc nghếch nào khác, rồi ta cũng biết thôi”. Ông không xem được lưỡi. Cha rất thương Goldmund, nhưng không thể cảm được anh bạn của cậu, một con người còn trẻ làm thầy giáo quá sớm. “Chắc là Narcisse có dính dáng gì đó trong chuyện ngốc nghếch này. Nhưng chàng trai tươi vui có đôi mắt sáng, đứa con dũng cảm của đất trời này cần gì đi kết bạn đúng với nhà bác học kiêu kỳ, nhà văn phạm hợm hĩnh ấy mà theo con mắt anh ta, tiếng Hy Lạp của anh ta có tầm quan trọng hơn mọi thứ trên đời…”.
Một chặp sau, khi tu viện trưởng mở cửa bước vào, cha Anselme vẫn ngồi đó, đôi mắt chăm chăm nhìn vào mặt người bệnh vẫn chưa tỉnh lại. “Gương mặt chàng trai thanh tú không chút ma mãnh! – Ông đang nghĩ – Có ở bên cậu ta cũng vô ích, sẵn lòng chăm sóc nhưng chưa chắc đã đem lại kết quả. Hẳn có thể căn nguyên là một chứng đau bụng…” Cha có ý cho uống rượu vang nóng, hoặc có lẽ thuốc nước cây đại hoàng. Nhưng càng nhìn kỹ bộ mặt nhăn nhúm xanh tái, cha càng nghi theo một hướng khác, phức tạp hơn. Cha Anselme có kinh nghiệm. Hơn một lần, trải qua cuộc sống dài lâu của mình, cha đã thấy có những người bị ai đó ám. Cha ngại nói ra, dù chỉ thầm nói với mình ý nghi ngờ ấy. Cha chờ đợi, cha quan sát. Nhưng cha tức giận nghĩ đến nếu cậu con trai đáng thương này bị mê hoặc khi ấy chẳng cần đi đâu xa để tìm kẻ thủ phạm, và hắn hãy coi chừng!
Tu viện trưởng lại gần, nhìn người bệnh, đưa mấy ngón tay đỡ nhẹ một mi mắt.
– Có thể đánh thức cháu dậy không? – Ông hỏi?
– Tôi muốn chờ xem. Nhịp tim tốt. Xin đừng để ai đến gần cậu ta.
– Có gì nguy hiểm không?
– Tôi không tin, không có chút vết thương nào. Không có dấu bị đánh đập hoặc ngã trên cao xuống. Cậu ấy ngất xỉu. Có thể là một cơn đau bụng. Những cơn đau rất căng gây ra bất tỉnh nhân sự. Nếu là đầu độc thì phát sốt. Không, cậu ấy sẽ tỉnh lại, không nguy hiểm đến sinh mạng đâu.
– Có phải tinh thần bị tổn thương không?
– Tôi không muốn phủ nhận điều đó. Không hiểu thế nào. Có lẽ đã trải qua một cơn hoảng sợ. Biết tin có người thân chết chăng? Hay là một cuộc gây gổ dữ dội, một vụ lăng nhục? Rồi sẽ rõ thôi.
– Chúng ta còn chưa biết chuyện gì. Cha trông nom, đừng cho ai đến gần cậu bé. Tôi yêu cầu cha trực cho đến lúc cậu ta tỉnh lại. Nếu tình hình xấu thêm, xin gọi tôi bất cứ lúc nào kể cả đêm khuya.
Trước khi rời bước, ông cụ cúi xuống một lần nữa trên mình người bệnh. Ông nghĩ đến người bố và ngày cậu bé tóc hoe vàng vui vẻ và xinh trai được bố đưa đến đây. Ai cũng liền gắn bó với chàng trai! Bản thân cha cũng thích nhìn cậu. Nhưng, về một điểm, Narcisse quả thật có lý; cậu con trai này chẳng có gì giống bố! Ôi! Ở đâu cũng có chuyện phải lo lắng! Sức lực thì không mấy! Ông tự hỏi liệu có điều gì ông chưa thật coi trọng liên quan đến cậu con trai đáng thương này? Đã nhận cho cậu một linh mục nghe xưng tội thích hợp chưa? Trong tu viện không ai biết rõ về cậu bằng Narcisse, như vậy có bình thường không? Về phần mình, cha có thể giúp đỡ Narcisse không, anh ta đang tập tu, chưa phải là thầy dòng, là cha, và các ý tứ, các dư luận, tuy đánh giá cao, vẫn có điều gì đó khó chịu, hầu như không ưa. Và bản thân Narcisse từ lâu nay có chệch hướng không? Chưa biết liệu anh ta có che giấu điều gì xấu đằng sau chiếc mặt nạ dễ bảo ấy? Liệu anh ta có thể ngoại đạo không? Việc một ngày nào đó hai chàng trai này sẽ ra sao, ông sẽ có một phần trách nhiệm.
Khi Goldmund tỉnh lại, trời đã tối. Cậu cảm thấy đầu óc trống rỗng, người choáng váng. Cậu nằm trên một chiếc giường, nhưng không biết mình đang ở đâu. Ồ, cũng chẳng cần tự hỏi để biết làm gì, đối với cậu cũng thế thôi. Nhưng cậu đã ở đâu? Từ đâu đến đây? Từ đất nước xa xôi nào, qua những cuộc phiêu lưu nào? Cậu đã đi đâu đó, rất xa đã thấy nhiều điều kỳ lạ, tuyệt đẹp, dễ sợ và cũng không thể nào quên được, tuy vậy cậu chẳng nhớ gì. Ở đâu đây? Ai đó đứng trước mặt cậu, cao lớn, đau khổ, đẹp đẽ bao nhiêu – để rồi sau đó biến mất?
Từ sâu thẳm lòng mình, nay cậu nghe ở nơi ấy có cái gì đó khởi phát, cái gì đó đã diễn ra, cái gì vậy? Những hình ảnh lờ mờ từ ký ức cậu trồi lên thành những điều nhăng nhít. Cậu trông thấy những đầu chó, ba đầu chó, và cậu hít lấy hương thơm các hoa hồng. Ôi! Cậu thấy trong người khó chịu! Cậu nhắm mắt. Ôi! Đau ghê gớm! Cậu lại ngủ thiếp.
Thức giấc vào lúc ảo ảnh cơn mộng tan biến và lướt ra ngoài tầm với của mình, cậu cố tìm lại hình ảnh ấy và rùng mình với một thú vị xót xa. Cậu nhìn thấy, cậu trở thành người sáng mắt. Cậu thấy thân mẫu cao lồng lộng, tươi cười, mái tóc lóng lánh. Cậu thấy mẹ mình. Đồng thời cậu tưởng chừng nghe giọng nói của bà. “Con đã quên mất tuổi trẻ của con!”. Tiếng nói nào đó? Cậu suy nghĩ và nhận ra tiếng nói của Narcisse. Narcisse ư?
Trong nháy mắt qua một tia vụt sáng làm loá mắt, cậu tìm ra lại tất cả: Cậu nhớ lại, cậu nhận thức ra. Ôi mẹ, mẹ! Bao nhiêu núi gạch ngói đổ nát, bao nhiêu đại dương của sự lãng quên đa tan biến mất tăm. Chúng để lại ở cậu những con mắt xanh trong sáng, cái nhìn vương giả của người phụ nữ cậu đã yêu quí vô bờ, của người phụ nữ cậu đã đánh mất.
Cha Anselme tựa vào chiếc ghế bành bên cạnh giường người ốm đang ngủ, cha liền thức giấc. Cha nghe người ốm cựa quậy; và nhận ra hơi thở, cha cẩn thận đứng lên:
– Có ai ở đó không? Chàng trai hỏi.
– Con của cha, con bị ngất. Đưa bàn tay cho cha xem. Chúng ta xem mạch đập của con ra sao. Con cảm thấy thế nào?
– Thưa, tốt ạ. Thưa cha Anselme con cảm ơn cha. Cha quí hoá quá. Con không đau đớn nữa. Con chỉ mệt thôi.
– Đương nhiên là con mệt. Con sẽ sớm ngủ lại thôi. Trước hết, con hãy uống một ngụm rươu vang nóng, sẵn đây rồi. Chúng ta cùng uống với nhau một cốc, con trai nhé. Vì tình bạn của chúng ta!
Ông đã cẩn thận đặt bình rượu vang nhỏ trong một chậu nước nóng.
– Thế là cả hai chúng ta đã ngủ một giấc ngon lành. – Ông thầy thuốc vừa cười, vừa nói. – Một y tá trực cũng không thể tỉnh ngủ bằng phải không con? Phải rồi, chúng ta là đàn ông mà! Nè con, bây giờ chúng ta uống một ít thứ nước thần dịu này. Không gì bằng uống lén một ngụm vào ban đêm. Chúc sức khoẻ con!
Goldmund mỉm cười, cụng ly và nhấp nháp. Rượu vang nóng pha hương quế và hoa cúc, ngọt đậm. Chưa bao giờ cậu uống thứ nước như vậy. Cậu nhớ lại có một lần cũng trong khi ốm. Bấy giờ cậu được Narcisse chăm sóc. Lần này là cha Anselme trông nom rất tận tình, cậu lấy làm cảm kích. Nằm ở đây dưới ánh sáng cây đèn con và uống một cốc vang nóng ngọt lịm với vị linh mục già thật thú vị và quyến rũ.
– Con có đau bụng không? – Ông già hỏi.
– Thưa không.
– Ủa lạ! Goldmund à. Cha cứ nghĩ là hẳn con mắc bệnh đau bụng. Vậy là không phải. Lè lưỡi cha xem nào. A, tốt thôi, lão già Anselme của con chưa rõ thế nào cả. Ngày mai con vẫn ở đây, nằm ngủ yên, cha sẽ theo dõi? Phần rượu vang của con, uống hết rồi hả? Cha hy vọng sẽ có tác dụng tốt. Để cha xem thử có còn ít nào không. Còn được nửa cốc, chúng ta chia nhau. Goldmund à, con làm chúng ta lo sợ quá. Con nằm sóng sượt ở ngoài hành lang để dạo chơi như một thây ma. Thực sự con không đau bụng sao?
Hai người cười với nhau, cùng chia đều phần rượu vang còn lại dành cho người ốm. Cha đùa vui; Goldmund nhìn cha với đôi mắt trở lại tươi sáng, vui vẻ và hàm ơn. Rồi ông già lại giường nằm.
Goldmund nằm một chốc vẫn chưa ngủ. Chầm chậm, các hình ảnh lại hiện ra trong tâm khảm cậu. Các lời nói của anh bạn lại rực sáng. Một lần nữa, bà lại xuất hiện, khắc hoạ trong hồn cậu, mẹ cậu người phụ nữ tóc hoe vàng trang nhã và rạng rỡ. Hình ảnh bà đi qua trong trí cậu với cường độ của ngọn gió nóng và khô hằng tràn về địa phương, là đám mây của sự sống và tình âu yếm đầy tràn tính khích lệ cao cả. “Ôi mẹ! Làm sao con có thể quên lãng mẹ lâu đến thế?” Cậu ngủ thiếp đi.