Trong khi không khí mát dịu toả ra khắp các đồng ruộng và vầng trăng từng giờ từng giờ lùi về phía chân trời, đôi tình nhân nằm nghỉ trên tấm nệm cỏ dưới làn ánh sáng nhạt, lạc trong trạng thái yêu đương, thiu thiu rồi cả hai chìm trong giấc ngủ. Thức dậy, họ lại tìm nhau và ngủ tiếp ôm ấp nhau một lần cuối cùng, họ nằm đó, mệt lả Lise ấp mình trong cỏ khô, thở khó nhọc, Goldmund nằm ngửa, không động đậy, lơ đãng nhìn lên nền trời tai tái. Cả hai người cảm thấy buồn mênh mông chỉ có qua giấc ngủ mới giải toả được. Họ lại chìm sâu và vô vọng trong trạng thái ấy, khát khao muốn được ngủ một lần nữa, như thể họ bị mãi mãi trừng phạt phải thức, và trong những giờ cuối cùng ấy họ càng thấy thèm, rất thèm yên giấc như mọi người trước đây.
Mở mắt, Goldmund thấy Lise đang mải sửa lại mái tóc đen của nàng. Cậu nhìn nàng trong chốc lát với vẻ lơ đãng, chưa tỉnh ngủ hẳn.
– Em thức dậy rồi? cậu hỏi.
Nàng quay phắt lại nhìn chàng, bỗng nhiên có điều gì đó khiến nàng hoảng sợ.
– Em phải đi thôi – Nàng nói, buồn và lúng túng – Em không muốn đánh thức anh dậy.
– Em thấy đó, anh đã tỉnh ngủ. Chúng ta phải đi rồi sao? Có phải chúng ta không nhỉ?
– Phần em, vâng – Lise đáp – Nhưng anh, anh ở tu viện.
– Chỗ của anh không còn ở tu viện nữa. Anh cũng như em, chỉ một thân mình.
Anh không có mục đích trong cuộc sống. Đương nhiên anh đi với em.
Nàng quay mắt nhìn phía khác.
– Goldmund, anh không thể đến với em. Em phải trở về lại với ông chồng của em. Hắn sẽ đánh em vì đã ngủ đêm ở ngoài. Em sẽ bảo là em lạc đường. Nhưng tất nhiên hắn không tin đâu.
Bấy giờ, Goldmund nghĩ rằng Narcisse đã nói trước với mình điều ấy. Và lời tiên tri đã khớp với sự thực.
Cậu đứng lên và chìa tay với cô bạn
– Anh nhầm. Anh cứ tưởng hai chúng ta còn cùng ở với nhau. Nhưng có phải quả thực em muốn để cho anh nằm ngủ và trốn đi, không một lời từ biệt?
– Ôi! Em sợ anh sẽ giận và có thể đánh em. Mặc cho ông chồng em đánh đập em, đó là khuôn phép. Nhưng em không muốn phải đòn từ bàn tay anh.
Cậu nắm tay cô bạn.
– Lise, anh không đánh em, bây giờ và không bao giờ. Em có muốn đi theo anh thay vì ở với chồng em, cứ để hắn đánh em?
Nàng liền giật bàn tay ra.
– Không, không, không đâu! – Nàng thét, hoà trong nước mắt.
Bởi nhận thấy rõ lòng cô gái muốn rời khỏi mình, và muốn thú nhận các đòn đau của chồng hơn là các lời dịu ngọt của mình, cậu buông bàn tay cô ra. Nàng khóc tấm tức. Nàng bỏ chạy. Nàng thoát thân, hai bàn tay ôm lấy khuôn mặt giàn giụa nước mắt. Cậu không nói gì và đưa mắt trông theo cô gái. Cậu xót thương nhìn cô băng qua đồng cỏ đã thu hoạch, theo tiếng gọi và dưới tác động của một sức mạnh nào đó, một sức mạnh cậu chưa hề biết nhưng thấy cần quan tâm lo lắng. Cậu xót thương cô gái và cũng có phần xót thương cho mình, dường như cậu không có chút may mắn, cậu lại một mình, ngốc nghếch, bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy. Mặt khác, cậu còn mệt và cần ngủ chưa bao giờ cậu thấy mình kiệt sức đến thế. Cậu còn nhiều thì giờ để gánh lấy các nhọc nhằn. Vậy là cậu lại ngủ, khi thức giấc thì mặt trời đã lên cao.
Trước mặt cậu các đồng ruộng, các vùng đất, các bãi phơi rơm khô, và khu rừng mờ mờ đằng sau nơi này hẳn có các trang trại, cái cối xay, một ngôi làng một thành phố. Lần đầu tiên thiên hạ trải ra ở đó, rộng mở trước mặt cậu, chờ đón cậu, sẵn sàng tiếp nhận, chăm sóc cậu, làm cho cậu khổ đau. Cậu không còn là một học sinh nữa theo kiểu nhìn các sự vật qua cửa sổ, cuộc ra đi của cậu không còn nữa là một cuộc dạo chơi nhất thiết rồi lại trở về. Thế giới này mênh mông, bây giờ đã trở thành một thực tại, một phần của bản thân cậu, số mệnh của cậu tựa vào nó, trời của cậu là trời của thế giới ấy, thời gian trôi qua ở đó, nó chi phối cậu. Cậu quá bé nhỏ trong cái thế giới rộng lớn ấy; quá bé nhỏ, cậu đi trên đường như một chú thỏ rừng, một con bọ hung, xuyên qua không gian mông mênh xanh thẫm và lục diệp của nó. Không có tiếng chuông đánh báo thức, báo giờ kinh lễ, giờ lên lớp, giờ ăn.
Ôi! Cậu cảm thấy đói! Giá có được một tô sữa, một bát cháo – những kỷ niệm quyến rũ! Dạ dày cậu cồn cào như của một con chó sói đói ăn. Cậu đi qua một đám ruộng lúa mì mới chín tới – Cậu boc vỏ, bỏ vào mồm, nhai ngẫu nghiến mấy hạt qua kẽ răng, lại tuốt thêm và nhét các bông lúa vào túi quần. Bắt gặp mấy quả phỉ còn xanh, cậu cắn ngon lành đánh cộp vào lớp vỏ và hái mang theo một vốc.
Rồi lại đến cái khu rừng, các đồi thông, các hàng cây sồi và cây tần bì, có cả vô số cây trái mà nơi đây, cậu dừng lại, hái ăn giải khát. Trong các loại cỏ lá nhỏ và nhọn sac trên đường rừng có cả cây hoa chuông màu xanh, những con bướm nâu bay lượn dưới ánh mặt trời rồi trở chúng kéo đi theo đường ZicZắc và biến mất. Trong một khu rừng như thế Nữ thánh Genièvre từng sống. Cậu luôn thích thú với câu chuyện ấy. Ôi! Giá được gặp bà thì hạnh phúc bao nhiêu! Có thể ở cuối khu rừng có một nhà tu khổ hạnh với vị linh mục già nhiều râu sống trong một hang đá hoặc một gian lều bằng vỏ cây. Cũng có thể có cả những người đốt than ở đó. Cậu sẵn lòng làm quen với họ. Và nếu có cả bọn kẻ cướp, hẳn chúng sẽ không đụng đến cậu. Được gặp những con người, bất kỳ họ là ai cũng đều tốt. Nhưng cậu biết rõ có thể còn phải tiếp tục đi lâu nữa trong rừng, hôm nay, ngày mai, có thể nhiều ngày nữa, mà chẳng gặp một ai. Cả điều đó nữa, Goldmund phải chấp nhận nếu đó là số mệnh của cậu. Đừng suy nghĩ làm gì, hãy để cho cái sự vật qua đi như chúng muốn.
Nghe một con gõ kiến đánh chan chát mỏ vào một thân cây bên đường, cậu để ý nhìn xem. Đã lâu, cậu đâu có phí công rình làm gì.
Rốt cuộc cậu đã quan sát được trông thấy một mình trên thân cây vừa gõ vừa bám lần lên và hừ cái đầu nó lại, không biết mệt. Đáng tiếc người ta không chuyện trò được với các thú vật! Hẳn là vui nếu gọi được chú gõ kiến, nói với nó đôi lời dễ thương và có lẽ học được một số chi tiết về cuộc sống của nó trên cây, công việc làm, cái niềm vui của nó. Ôi! Giá như có thể biến hoá, thay hình đổi dạng!
Cậu chợt nghĩ có đôi lúc vào những giờ rảnh rỗi, cậu có vẽ, dùng bút chỉ phác thảo trên tấm bảng con của nhà trường nào cái đoá hoa, cây lá, các con vật, cái điều người cậu thường chơi như thế rất lâu, và đôi khi như một vị Thượng đế con, cậu sáng tạo các sinh vật, theo trí tưởng tượng của mình: Trên đài một chiếc hoa, cậu đặt vào những con mắt và một cái miệng; từ một chùm lá trên một cành cây, cậu tạo hình các bộ mặt, lắp một đầu người trên một chiếc cây. Nhiều bữa cậu ngồi cả tiếng đồng hồ liền, say sưa vui thú với trò chơi ấy. Sử dụng khả năng kỳ diệu của mình, cậu vạch ra những đường nét, lấy làm lạ nhận ra bộ mặt mình vừa vẽ lại là một chiếc lá cây, đầu một con cá, đuôi một con chồn, lông mày một con người. Nay cậu nghĩ, như vậy, hẳn mình có thể có khả năng như trước đây, biến hoá các đường nét trong các trò chơi trên chiếc bảng con. Goldmund sẽ vui bao nhiêu được hoá thành một chú gõ kiến, có thể trong một ngày, có thể một tháng, cậu sẽ sống trên các ngọn cây từ trên cao bám vào các thân cây nhẵn, gõ chiếc mỏ cứng vào vỏ cây trong khi tì mạnh bằng bộ lông ở đuôi. Cậu sẽ nói bằng ngôn ngữ của các chú gõ kiến và từ vỏ cây lấy ra bao thức ăn ngon lành. Tiếng đập của chú gõ kiến vào gỗ làm vang lên một âm thanh gãy gọn nghe thú vị.
Goldmund gặp nhiều thú vật trên đường đi trong rừng. Những chú thỏ rừng đột ngột tung mình ra khỏi bụi cây khi cậu bước đến gần chúng đăm đăm nhìn cậu, quay ngoắt lại và trốn chạy biến, cụp đôi tai, thoáng hiện như một vệt sáng mang theo chiếc đuôi. Trong một khu rừng thưa, cậu bắt gặp một con rắn lớn nằm bất động, bởi vì đó không phải là con vật sống mà chỉ là bộ da nó đã lột. Cậu cầm lên, ngắm nghía: dọc sống lưng là một hình hoa văn đẹp màu nâu và xám, ánh mặt trời chiếu xuyên qua đó như một váng nhện. Cậu nhìn lại chăm chăm với đôi mắt đen nhánh đầy lo âu qua kẽ hở hẹp các hàng mi rồi lượn sát đất, bay biến. Bọn chim cổ đỏ và chim sẻ khướu nhiều vô số. Trong một góc rừng, có một ao nước đầy màu lục diệp, lũ nhện dài chân chạy loăn quăng qua lại liên hồi, như thể bị ma ám trong những trò chơi không sao hiểu được, bên trên, mấy con chuồn chuồn có cánh màu sẫm không ngừng bay lượn. Và đến một lúc – đã muộn lắm – cậu trông thấy hay đúng hơn chỉ còn nhìn thấy các tán lá rung động, chao đảo; có những tiếng cành cây gãy, và trên nền đất nhão tung toé có bóng một con thú lớn vụt chạy với cả trọng lượng của nó qua một lùm cây có thể là một con nai, có thể là một con lợn rừng, cậu không xác định rõ. Còn lâu sau đó, cậu nghỉ chân và lấy lại hơi thở sau cơn sợ hãi, phập phồng đưa mắt dõi theo dấu con thú, trong khi đã tự bao giờ tất cả chìm trong im lặng.
Cậu không tìm ra đường để có thể ra khỏi rừng, phải qua đêm lại ở đó. Trong khi tìm một đám rêu làm nơi đặt lưng cậu thử tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu cậu không ra khỏi rừng mà phải sống nơi đây mãi mãi. Đối với cậu, điều ấy hiện ra như một bất hạnh lớn. Sống bằng những quả mọng, dù sao cũng có thể; cũng có thể nằm ngủ trên rêu; và rồi hẳn cậu sẽ thành công dựng lên một chiếc chòi, thậm chí có lẽ làm ra lửa. Nhưng sống hoài, luôn luôn chỉ có mình giữa bốn bề tĩnh mịch những thân cây triền miên, sống giữa các muông thú chạy dong trước mặt và mình không thể chuyện trò với chúng được, quả là buồn không chịu nổi. Không trông thấy người, chẳng nói với ai một lời chào buổi sáng, hoặc chúc ngủ ngon, không thể đắm chìm nhìn vào những cặp mắt và gương mặt, không thể ngắm các cô thiếu nữ không còn được hưởng một nụ hôn, không được chơi trò quyến rũ và bí ẩn của những làn môi và cơ thể, ôi! Không sao tưởng tượng nổi! Nếu đó là số phận dành cho mình, Goldmund nghĩ, cậu sẽ tìm cách trở thành một con thú, một con gấu hoặc con nai cho dù phải trả giá cho niềm hạnh phúc vĩnh cửu. Làm một con gấu và yêu một nàng gấu, cũng không tồi, dù sao cũng còn hơn là bảo tồn lý trí, ngôn ngữ và những gì khác còn lại để rồi sống với cả cuoc đời ấy, cô độc, buồn bã, không tình yêu.
Trên chiếc đệm rêu của mình, trước khi ngủ, cậu lắng tai nghe một cách hiếu kỳ và lo âu, hàng nghìn tiếng động bí ẩn và không sao hiểu được, của đêm tối trong rừng. Giờ đây, đó là đồng bọn của cậu, cậu phải sống với chúng, làm quen với chúng, cùng đọ sức và thích ứng với chúng. Giờ đây, cậu dự phần vào thế giới những con chồn và những con hoẵng, các cây lảnh sam và cây thông, phải chung sống bình đẳng với chúng, cùng chia sẻ không khí và mặt trời với chúng, đón đợi bình minh mới và cùng chịu đói với chúng, trở thành khách của chúng.
Sau đó, cậu ngủ, nằm mơ thấy các muông thú và bao nhiêu người, còn mình là một con gấu cắn xé Lise dưới những bàn tay vuốt ve. Giữa đêm, cậu thức giấc trong một nỗi kinh hoàng vô cớ, đắm chìm trong lo lắng, và suy nghĩ miên man, tâm trí đảo lộn. Cậu chợt nhớ ra hôm qua và hôm nay mình đã đi ngủ mà không cầu kinh ban đêm. Cậu ngồi dậy, quỳ gối trên chỗ nằm, đọc hai lần các kinh cầu nguyện buổi tối cho hôm qua và hôm nay. Không lâu sau đó, cậu chìm trong giấc ngủ.
Sáng ra, cậu đưa mắt rảo nhìn xung quanh giữa vùng rừng cây to: Cậu quên mất mình đang ở đâu. Nỗi lo ở rừng bấy giờ nguôi đi; cậu lao vào niềm vui mới sống trong rừng, và tiếp tục hành trình, đi về phía mặt trời. Một lát sau, cậu gặp con đương xuyên rừng rất bằng phẳng qua những cây linh sam trắng rất to, rất cao tuổi, thẳng đứng, một số cây đã bị hạ. Rảo bước, cậu bỗng nghĩ đến các cây cột ở ngôi nhà thờ lớn trong tu viện, ở ngôi nhà thờ ấy và chiếc cổng chính u ám hôm nào cậu thấy anh bạn Narcisse biến mất tăm – từ bao giờ nhỉ? Mới hôm nào?
Chỉ mới hai ngày và hai đêm, cậu đã ra khỏi vùng rừng. Cậu vui mừng nhận ra các dấu vết về sự có mặt của những con người: Các vùng đồng ruộng đã được gieo trồng, các giải đất lúa mạch và lúa yến mạch, các đồng cỏ, và xuyên qua đó đây là một con đường mòn hẹp có thể trông thấy từ xa. Goldmund hái mấy bông lúa mạch và nhai từng hạt. Các cánh đồng có những bàn tay người chăm sóc tiếp đón cậu ân cần. Sau những hôm đi giữa rừng rậm, nay mọi cái đều có vẻ trở nên văn minh, dễ gần gũi: Con đường nhỏ, lúa kiều mạch, các cây cúc lam khô trắng…
Bây giờ cậu đi gặp những con đường! Chừng một tiếng đồng hồ sau, cậu đi qua một cánh đồng, bên đường gặp một cây thánh giá. Cậu quì xuống, cầu nguyện. Đi quanh một ngọn đồi, cậu bỗng đứng dưới một cây đoạn rợp bóng, vui sướng nghe tiếng róc rách chảy từ một bồn nước qua một đường ống bằng gỗ vào một chiếc máng dài cũng bằng gỗ. Cậu uống mấy hớp nước lạnh mát dịu, nhìn thích thú mấy cây cơm cháy trĩu trái chín mọng đã khô xỉn quấn với rơm rạ chìm trong dòng nước. Sâu đậm hơn các dấu hiệu dễ thương ấy về sự hiện diện của những con người, tiếng rống ngân dài của một con bò cái làm cho cậu xúc cảm. Âm vang ấy đến với cậu cũng tốt lành, ấm áp, thân thiết như một lời chào hoặc mừng đón.
Lắng tai, cậu đến gần căn nhà tranh, nơi phát ra tiếng kêu ấy. Một thằng bé, với mái tóc hung và đôi mắt xanh trong sáng ngồi bệt dưới đất trước cửa bên mình có một hũ nước, luôn tay vốc nước nhồi với đất, bôi bết nhầy nhụa cả ha chân. Cười vui hớn hở, hắn nắm chặt mớ đất nhão trong hai bàn tay, nhìn nước bùn chảy qua các ngón tay, vắt thành những viên hình cầu.
Chào cậu bé – Goldmund lên tiếng rất niềm nở. Thằng nhóc nhướng mắt thấy người lạ, nó há mồm nhăn nhó bộ mặt non choẹt béo tròn và ba chân bốn cẳng chạy lẩn tránh, mồm không ngớt eo éo. Goldmund nhìn theo nó rồi bước vào gian nhà bếp. Đang đúng trưa mà bên trong tối tăm, ban đầu cậu không nhìn được gì cả. Cậu gọi, lễ phép chào hỏi chủ nhà. Không ai đáp lại. Nhưng ngay tiếp đó, một giọng yếu ớt, giọng người già vỗ về thằng bé đang hoảng sợ. Cuối cùng, từ trong bóng tối, một bà cụ nhỏ nhắn với vẻ mắt hiền từ bước ra, đưa một bàn tay lên ngang tầm mắt nhìn người khách.
– Chúa cho con được chào mẹ – Goldmund nói, – và mong các thánh thần trên thiên đàng ban phước lành cho mẹ nhân hậu. Ba ngày rồi hôm nay con mới lại thấy mặt người.
Với đôi mắt viễn thị nhìn ngơ ngác, bà cụ hỏi, hơi ngập ngừng:
– Vậy chú muốn gì?
Goldmund trao bàn tay mình cho bà cụ, nhè nhẹ vuốt ve bàn tay bà.
-Thưa bà, cháu muốn chào bà, xin được nghỉ ngơi một chốc, và giúp bà nhen lửa. Nếu được, bà cho cháu một mẩu bánh mì, cháu cần ăn nhưng không gấp đâu.
Sát tường có một chiếc ghế dài, cậu ngồi xuống, trong khi bà cụ cắt một lát bánh mì đưa cho thằng bé. Lúc này nó chăm chú, tò mò nhìn người khách lạ, tuy vậy có vẻ vẫn sẵn sàng khóc và bỏ chạy. Bà cụ cắt một khoanh bánh mì nữa và trao cho Goldmund.
– Đội ơn bà. Chúa lòng lành trả ơn cho bà.
– Cháu đói lắm hả? – Bà cụ hỏi?
– Thưa không, bụng cháu đang đầy những quả.
– Vậy cháu cứ ăn đi. Cháu từ đâu đến?
– Thưa từ Mariabronn, từ tu viện – Cháu có phải là linh mục không?
– Thưa không. Cháu là một học sinh, rời trường ra đi.
Bà cụ nhìn hơi cậu mỉa mai, lắc lắc đau trên chiếc cổ gầy nhăn nheo. Bà để cho cậu nhai nốt mấy miếng, đưa tay dắt thằng bé ra sân, rồi trở vào nhà, tò mò quay lại hỏi:
– Cháu có biết chuyện gì mới không?
– Cháu không rõ mấy. Bà có biết cha Anselme không?
– Không. Ông ấy thế nào?
– Ông cụ đang ốm.
– Ốm ư! Ông ấy sắp chết à?
– Cháu không rõ. Ông cụ đau chân, không đi lại được.
– Mặc kệ! Để cho ổng chết. Ta phải đi nấu cháo đây. Giúp ta chẻ ít củi.
Bà cụ trao cho cậu một khúc củi lãnh sam đã sấy rất khô và một con dao. Cậu chẻ từng mảnh nhỏ theo như bà cụ yêu cầu và nhìn bà xếp mấy lẻ, thổi vào đám tro nóng cho đến khi lửa bốc cháy. Cẩn thận, bà đặt lên trên các củi lãnh sam mấy miếng củi cây sồi rừng, bếp lửa bùng lên, chiếu sáng trong gian nhà đã mở các cửa. Bà treo một chiếc nồi lớn đen sì dưới sợi dây xích sắt ám khói móc sẵn trong ống khói.
Theo yêu cầu của bà, Goldmund đi lấy nước ở giếng, vớt váng kem sữa, và ngồi trong bóng tối đầy khói, nhìn ngọn lửa bập bùng, bên cạnh bà già với bộ mặt xương xẩu và nhăn nheo thấp thoáng ẩn hiện qua ánh lửa đỏ. Sau bức vách ngăn bằng những tấm ván, cậu nghe tiếng con bò cái quơ mõm tìm cái ăn trong máng và cọ mình vào tường ngoài chuồng. Cậu thấy vui. Cây đoạn, giếng nước, ngọn lửa bập bùng dưới chiếc nồi, ngọn lửa lùa, tiếng trệu trạo nhai cỏ của con bò và những tiếng nó cọ sát vào tường gian nhà bếp sáng mập mờ với chiếc bàn và tấm ghế gỗ dài, bà cụ già luôn tay bận rộn, tất cả đều đẹp và tốt lành, đượm mùi thức ăn và sự yên bình, con người và hơi ấm của cuộc sống gia đình. Ở đó còn có hai con dê và cậu được bà già cho biết ở sau nhà, trong chuồng bà còn nuôi hai con lợn, và bà là bà nội của người nông dân, cụ cố của thằng bé có tên Kuno. Chú nhóc chốc chốc bước vào nhà nhưng không hề mở miệng, nó đưa mắt nhìn vẻ còn lo lắng nhưng không khóc nữa.
Người nông dân về cùng với cô vợ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy trong nhà có người lạ. Ngờ vực, anh ta kéo tay Goldmund ra ngoài cửa để xem cho tường mặt. Rồi anh ta cười, vỗ nhẹ thân mật trên vai bạn và mời cùng ăn chiều. Họ cùng ngồi, mỗi người chấm bánh mì vào tô sữa cho đến gần cạn, bấy giờ người nông dân uống nốt.
Goldmund ướm hỏi, mong có thể ở lại đến sáng mai, ngủ nhờ dưới mái nhà của họ – Không – người đàn ông đáp – trong nhà không có chỗ nhưng ở bên ngoài thì có nhiều cỏ khô rải đầy khắp nơi, muốn ngủ ở đâu cũng được.
Người phụ nữ ngồi bên đứa trẻ, không tham gia vào câu chuyện, nhưng trong bữa ăn, đôi mắt tò mò ấy không ngớt choán lấy người trai trẻ không quen biết, mái tóc và gương mặt ấy lập tức gây ấn tượng với chị ta. Để ý đến chiếc cổ trắng đẹp, đôi bàn tay bóng bẩy và các cử chỉ thanh lịch, chị ta thấy hài lòng với người khách có vẻ chững chạc và tao nhã, lại rất trẻ! Nhưng đặc biệt giọng nói của người khách lạ có sức thu hút và gợi tình với chị ta, một giọng nói đàn ông trẻ trung có âm điệu du dương kín đáo, toả hơi ấm ra chung quanh và dịu dàng chiếm lĩnh trái tim, như ôm lấy người ta trong bàn tay vuốt ve trìu mến. Chị ta cứ muốn lưu lại đấy để nghe cho thoả dạ.
Sau bữa ăn, người nông dân ra làm lụng ngoài chuồng bò, Goldmund ra khỏi nhà, đi rửa tay ở bồn nước, rồi ngồi tựa vào tường để hóng mát và nghe nước chảy róc rách. Cậu còn chưa dứt khoát, nói cho đúng là không có gì để làm ở đây, nhưng vẫn chưa muốn rời chân ra đi. Bấy giờ chị vợ người nông dân bước ra một tay xách chiếc xô để hứng nước. Chờ được nửa xô nước cô nói nhỏ:
– Nếu tối nay anh còn muốn ở gần đây, khuya tôi sẽ đem cho anh ăn. Đằng kia, sau đám lúa đại mạch có cỏ khô đến mai người ta mới dọn. Anh còn ở chứ?
Cậu nhìn khuôn mặt cô ta có nhiều đốm hoe, đôi mắt mở to trong sáng và ấm áp, nhìn cô xách nước với cánh tay khoẻ mạnh. Đáp lại bằng một nụ cười, cậu tỏ dấu hiệu đồng ý trong khi cô đi vào nhà với xô nước đầy trong bóng tối. Tim cậu tràn ngập sự biết ơn và vui sướng. Cậu vẫn ngồi đó, lắng tai nghe nước chảy. Một chốc sau, cậu vào nhà, tìm người chủ trang trại, bắt tay chào và từ biệt bà cụ, cảm ơn họ. Trong căn nhà nhỏ, pha lẫn các mùi bếp lửa cháy mùi đen toả khói và mùi sữa. Cho đến mới đây, đối với cậu nó còn là một chốn nương thân, một mái ấm, bây giờ thì mọi thứ đều trở nên xa lạ. Cậu chào mọi người rồi ra đi.
Phía bên kia các ngôi nhà lá, cậu gặp một nhà thờ nhỏ, gần đó là một khu rừng đẹp với những cây sồi cao lớn, mặt đất đầy cỏ lúp xúp. Cậu đi lại trong bóng tối mờ mờ giữa các hàng cây. “Phụ nữ và tình yêu”, cậu nghĩ – là những điều kỳ lạ; các lời nói trở nên thừa. Quả thật cô vợ người nông dân chỉ cần một từ để chỉ cho mình nơi hẹn hò, những gì còn lại nàng đâu có diễn đạt bằng lời. Vậy làm sao đây? ừ thì với đôi mắt, và với một tiếng ngân trong giọng nói của nàng hơi ẩn ý, còn gì nữa đây làm sao hiểu được? Có lẽ là hương vị kín đáo toả ra từ da thịt nàng mà qua đó đàn ông và đàn bà cảm nhận được thì họ liền ham thích nhau.
Kỳ lạ! Cái ngôn ngữ tinh tế ấy, mình học mau chóng bao nhiêu! Đêm nay, hưởng trước niềm vui chờ đợi, mình rất tò mò muốn biết những gì sẽ phát hiện được ở người phụ nữ tóc nâu cao lớn này, các ánh mắt, giọng nói các cử chỉ, các nụ hôn của nàng – hiểu nàng khác hẳn với của Lise – giờ này: Em có thể đang ở đâu, em Lise với mái tóc cứng nước da nâu, các hơi thở gấp? Chồng em có đánh em không? Liệu em có còn nhớ đến mình không? Em tìm được một người yêu mới như mình hôm nay tìm được một phụ nữ mới? Các sự việc xảy ra sao chóng quá! Ở đâu đâu hạnh phúc cũng có trên đường mình đi, tươi đẹp, ấm áp bao nhiêu, và phôi pha đến kỳ lạ! Đây là một tội lỗi, một cuộc ngoại tình, và mới gần đây thôi mình còn cho là thà chịu chết chứ không phạm lỗi ấy. Nay đã là người phụ nữ thứ hai mình chờ đợi mà lương tâm mình vẫn câm lặng và yên tĩnh. Dù sao có lẽ nó không yên tĩnh đâu, nhưng không phải là vì ngoại tình, vì dâm ô mà tâm hồn mình đôi khi cảm thấy lo lắng, nặng nề. Đây là một điều gì khác mà mình chưa thể đặt cho nó một cái tên. Là cảm tưởng về một sai lầm không cố phạm nhưng đã mang theo bản thân vào cuộc sống trần tục. Có lẽ là điều mà trong thần học gọi là tội lỗi nguyên là?. Có thể phải, cuộc sống mang trong nó mầm mống của lỗi: Không thế thì làm sao một con người trong sạch và minh triết như Narcisse lại chịu khổ luyện chuộc tội như một kẻ bị kết án? Hoặc bản thân ta làm sao có thể giữ ở đâu đó trong các ngóc ngách sâu thẳm người mình cái cảm giac về sai lầm ấy? Vậy mình không được hưởng hạnh phúc sao? Mình chẳng trẻ tuổi, khoẻ mạnh, tự do như chim giữa các tầng không ư? Các cô phụ nữ đừng yêu mình? Không đẹp sao khi mình cảm thấy mình là người tình, mình có thể trao cho một phụ nữ cũng niềm lạc thú sâu xa ấy mà mình cảm nhận từ nàng? Mình không được hạnh phúc trọn vẹn tại sao vậy? Tại sao trong niềm hạnh phúc tuổi trẻ cũng như trong sự minh triết và trong phẩm hạnh của Narcisse nỗi đau kỳ lạ ấy, niềm lo âu, lời than phiền ấy về tính chất mong manh của niềm hạnh phúc đôi khi có thể tuột mất? Tại sao nàng khi mình phải đào bới trong đầu trầm ngâm suy tư như vậy trong khi vẫn biết rõ mình vốn chưa tưởng là một nhà tu hành?
Dù sao, cuộc sống vẫn đẹp – Goldmund hái một bông hoa tím mảnh mai, đưa lại gần mắt mình để nhìn trong đài hoa bé nhỏ trong đó có những đường gân và những bộ phận cực kỳ tinh vi như thể sợi tóc, như thể nơi sâu kín nhất của người phụ nữ cũng như sâu trong trí não một nhà tư tưởng ngân vang sự sống và niềm lạc thú.
“Ôi! – cậu lại suy nghĩ, tại sao người ta chẳng biết gì, tuyệt đối không biết? Tại sao người ta không thể nói chuyện với chiếc hoa ấy? Nhưng hai người đàn ông thì thậm chí không thể thật sự trao đổi các ý tưởng giữa họ, chí ít, trong một dịp tình cờ may mắn cảm thụ đặc biệt. Không may mắn là tình yêu đã không cần đến các lời nói, không thế thì nó đầy rẫy những chuyện hiểu lầm và điên rồ. A! kiểu cách mà đôi mắt Lise nửa khép nửa mở như đắm chìm trong những lạc thú tràn đầy, chỉ để hé một vệt trắng qua các hàng mi nhấp nháy, điều đó không sao có thể biểu hiện được bằng hàng chục nghìn các công thức của các nhà bác học và các nhà thơ! Chẳng có gì cả, vâng, hoàn toàn không có gì có thể biểu hiện thấu đáo, suy nghĩ cặn kẽ, vậy mà người ta lại luôn có ở mình cái nhu cầu bức thiết phải nói ra, và khuynh hướng trường cửu cứ tơ tưởng.”
Cậu nhìn kỹ cành lá của cây hoa bé nhỏ; tất cả là đều được sắp xếp rất đẹp một cách khôn khéo kỳ diệu chung quanh thân cây! Các bài thơ của Virgile đẹp, cậu rất thích nhưng trong Virgile cũng có những câu thơ không đẹp bằng, không có đầy đủ ý nghĩa bằng sự sắp xếp theo hình xoắn ốc của những chiếc lá bé nhỏ ấy đơm hai bên thân cây. Thật thú vị và hạnh phúc bao nhiêu, có hành động nào làm đẹp lòng, cao quý và sâu sắc bằng nếu như một con người có được khả năng sáng tạo nên một chiếc hoa như thế! Nhưng không ai có được khả năng ấy, không một hoàng đế, giáo hoàng và một vị thánh nào.
Khi mặt trời sắp lặn, cậu lại đi, tìm nơi người phụ nữ nông dân đã chỉ cho cậu. Ngồi ở đó, cậu nghe ngóng chờ đợi biết là có một phụ nữ với tình yêu, sẽ đến với cậu thật thú vị!
Nàng lại gần, mang theo chiếc khăn vải gói một khúc bánh mì lớn và một khúc giăm bông. Nàng mở ra, đặt trước mặt cậu.
– Đem cho anh, anh ăn đi – Cô ta mời.
Để sau, bây giờ anh không đói. Chỉ đói em thôi – Ôi! Cho anh xem em mang đến những gì đẹp đẽ nào!
Nàng đem theo cho cậu bao nhiêu thứ tốt đẹp! Những làn môi dày thèm muốn, những chiếc răng chắc khoẻ sáng loáng, những cánh tay mạnh mẽ rám nắng, những dưới cổ và xuống thấp hơn, da nàng trắng và dịu dàng. Nàng không biết nói nhiều lời những từ cổ nàng phát ra điệu nhạc du dương quyến rũ. Khi nàng cảm nhận trên cơ thể mình đôi bàn tay của chàng trai, những bàn tay bao âu yếm, vuốt ve và nhạy cảm, những bàn tay nàng chưa từng được biết, người nàng run rẩy, và một thứ tiếng gừ gừ như của mèo thoát ra từ cổ họng nàng. Nàng không biết nhiều các cử chỉ yêu đương, không như Lise, nhưng có một sức khoẻ kỳ diệu, nàng ôm chặt lấy như muốn bẻ gẫy cổ chàng. Tình yêu cua nàng như một đứa trẻ háu ăn, giản dị và trong trắng, còn nguyên sức lực của nó; Goldmund trải qua với nàng một niềm hạnh phúc lớn.
Rồi nàng ra đi, thở dài quyến luyến không muốn rời chân, nhưng không thể ở lại được.
Goldmund một mình sung sướng và cũng thấy buồn. Sau đó rất lâu, cậu mới nghĩ đến món quà bánh mì và giăm bông. Cậu lấy ra ăn ngấu nghiến trong khi trời đã tối mịt.