Chuyện tình New York

20.



Trên đường trở về nhà, mặc dù thấy thoải mái hơn sau khi trút với Hạnh và vì Ryan đòi về ngay vì lo cho tôi, nhưng tôi thấy vẫn không được vui.

You only stop dreaming when you are dead.
Tôi quyết định nghỉ ngơi ngày hôm sau. Không đi đâu hết, một phần vì thiếu ngủ mấy hôm rất mệt mỏi, một phần vì tôi muốn lang thang một mình đôi chút cho thảnh thơi đầu óc. Thú thực rằng, từ trước tới giờ tôi chưa bao giờ có bạn trai, và tới mức bị khủng bố tinh thần thế này thì lại càng chưa bao giờ. Nên dù có tỏ ra ghê gớm đến mấy thì tôi cũng không tránh khỏi nhiều lo lắng và suy nghĩ. Tôi chợt nghĩ tới ông già hay ngồi ven sông. Đã mấy hôm quên mất ông già này. Tôi có một cảm giác rất yên bình khi ngồi nói chuyện và tâm sự với ông ấy. Tôi muốn gặp ông già để nói chuyện, hỏi ông xem, tôi phải làm gì bây giờ.
Buổi sáng, tôi đi bộ ra ven sông chứ chưa ăn uống gì. Trời càng ngày càng đẹp hơn. Đã sang tháng ba nên hoa bắt đầu nở và cây bắt đầu lấm chấm xanh.
Sau một mùa đông khô cằn băng giá, những mầm non lại lóc ngóc bò dậy phủ lên mặt đất một luồng sinh khí mới. Nó tạo cảm giác của sự hy vọng. Giống như tâm trạng con người, có những lúc tuyệt vọng và u ám, nhưng sau mỗi lần đau đớn, khổ sở, lòng người lại hồi sinh. Tựa như tất yếu của thời tiết, của bốn mùa, của cuộc sống.
Hôm nay ông già của tôi có thêm một người bạn mới đang đứng nói chuyện. Đó là một người phụ nữ đứng tuổi có phong thái vừa cổ điển vừa hiện đại, tất khó tả, nhưng toát lên một vẻ thông minh và cá tính lạ kỳ. Nhìn là tôi cũng muốn bắt chuyện ngay được rồi. Vừa nhìn thấy tôi, ông ồ lên và nhanh chóng giới thiệu:
“Đây là cô bé tôi vừa nói với vô. Kin đấy!” (nháy mắt một cái).
“Đây là Michelle, đạo diễn cinema”.
“Ôi wow thật ạ? Hay quá?” Tôi thốt lên. “Cô đang bàn để dựng tiểu thuyết của ông ấy thành một bộ phim đúng không?”.
“À, có thể, lại sao không?”
Người phụ nữ tên Michelle quả thật rất cá tính và thông minh. Mặc dù mang chức danh là đạo diễn cinema nhưng ở bà toát ra điều gì đó khắc khổ và bình dân, chứ không lung linh như những đạo diễn Mỹ tôi vẫn thường hay tưởng tượng. Michelle tham gia chỉ đạo sản xuất mấy chương trình thời sự của đài NY 1, đài tin nổi tiếng nhất của New York. Dự định “tâm sự” với ông già này hôm nay đổ bể vì có thêm nhân vật thứ ba, nhưng cũng thú vị chán. Michelle cũng sống trên đảo và bà nói rằng có dăm ba lần nhìn thấy tôi, rằng tôi là cô gái châu Á ấn tượng nhất ở trên đảo. Tôi cảm thấy rất hãnh diện.
“Thế bây giờ cháu đang làm gì thế hả Kín?”
“Đi chơi loãng quãng, kiếm ít tiền và sẽ quay trở lại Việt Nam để học đại học”.
“Oh, tuyệt nhỉ. Có thể đến nước Mỹ chỉ để đi chơi loăng quăng, ha ha”.
“Công việc của cô thú vị quá, ý cháu là, làm đạo diễn cinema”.
“À thực ra công việc của tôi là dạo diễn tin nhưng ước mơ của tôi là phải được là một đạo diễn diện ảnh nữ. Tôi biết bây giờ còn mơ ước thì muộn quá, nhưng chúng ta chỉ ngừng mơ và ngừng làm việc khi chúng ta chết mà thôi!”
Oh, lại một quan điểm tuyệt vời. Có bao giờ chúng ta quá già để thực hiện ước mơ của mình nhỉ? Có lúc con người thật là nhiều hoài bão nhưng họ lo rằng mình không còn thời gian để thực hiện. Đúng rồi, còn sống ngày nào thì còn có thể làm được việc ta muốn ngày đó. Nếu cứ ngồi mà lo thì sẽ chẳng bao giờ làm được việc gì.
Không thử không thể biết. Có những câu nói tôi chưa hiểu hết ngay lúc đó nhưng về lâu dài nó là nguồn động lực và là quan điểm sống lúc nào mà không biết. Và bạn biết không, bây giờ Michelle đã là một đạo diễn phim ảnh thực sự, chuyên sản xuất các show cho trẻ con ở Walt Disney Chanel, chứ không còn đứng chỉ đạo đọc tin tẻ nhạt trong trường quay nữa. Michelle đã ước được như vậy hơn 20 năm rồi và ba năm kể từ ngày gặp tôi lần ấy, ước mơ của bà đã thành sự thật! Một bài học đáng giá. Chả bao giờ là quá già để ước mơ, nếu thực sự cố gắng.
Cả buổi chiều, tôi nằm ngủ. Tôi mệt nhưng ngủ lại không được ngon lắm, giấc mơ của tôi tràn ngập hình ảnh của Ryan. Đặc biệt là nụ cười và bộ râu quai nón mờ mờ rất quyến rũ của anh. Chỉ vì Ryan có râu quai nón mà sau này bất kỳ khi nào tôi gặp một chàng trai tóc dài và có râu quai nón là tôi giật mình và mang theo một sự cảm tình kỳ lạ. Tới mức, sau này, về Việt Nam, có một lần, đi trên phố, đang phóng lơ đãng thì tôi tình cờ phát hiện ra một người đàn ông, anh ta còn trẻ, có khi chỉ bằng tôi, có râu quai nón và mái tóc dài rất đẹp. Thực sự nếu để ý thì nét nào cửng đẹp, đẹp đến giật mình, đẹp đến xót xa, vì sao, vì đó là một người đàn ông bị… tâm thần, đứng ngẩn ngơ lang thang trên hè phố. Nhưng tôi cược rằng ai để ý sẽ phát hiện ra đó là một người đàn ông đẹp. Và đêm đó tôi cũng đã mơ về người đàn ông này. Tôi mơ rằng, tôi sẽ đem anh ta về nhà, tắm rửa sạch sẽ, “trang trí cho thật đẹp trai, rồi dẫn ra phố chơi, đầy tự hào như ngày nào tôi đi với Ryan. Nhưng thật tiếc, giấc mơ lãng mạn của tôi bị cắt phụt bởi một chi tiết, đó là người đàn ông trong mộng của tôi theo đúng nghĩa này, cứ đi một phát chàng lại dừng lại… lục thùng rác. Khổ thế đấy!”.
Sau cơn mộng mị buổi chiều, tôi tỉnh giấc. Hôm nay tôi ở nhà nên sẽ phải nấu cơm. Cả ngày hôm nay không có điện thoại, lạ thật. Thế rồi tôi phát hiện ra tôi đã tắt hết cả tiếng chuông mà quên không bật lại. Nhưng tôi thấy lo, bật lại Garbriel lại gọi thật là phiền phức, tôi không muốn bố mẹ tôi biết chuyện. Vẫn thấy có cả một quả nặng ức chế đè nghẹt, tôi chợt nghĩ tới Hạnh, bạn thân của tôi đang học bên St Johns ở bên Queens. Có thể tối nay tôi sẽ sang nhà bạn ấy để buôn chuyện cho giải tỏa tâm lý. Hạnh là bạn người Việt hiếm hoi của tôi ở đây, chúng tôi đã ở cùng với nhau bên New York ngày bé, và giờ đang ở bên này để học cao học.
Tôi định nấu cơm xong rồi đi luôn vì nhà Hạnh khá xa, lại phải đi bộ một đoạn. Gọi điện cho Hạnh thấy nàng OK, tôi nhanh chóng nấu cơm. Định bụng thứ hai phải mua ngay một cái di động, có gì phiền phức đổ hết vào đó tôi tự giải quyết.
Tối, tôi đến nhà Hạnh. Bắt đầu tuôn ra một tràng để trút cho bõ. Hạnh lo lắng và bảo tôi cẩn thận. Rồi tôi mượn cái di động của Hạnh để gọi cho Ryan, mách một phần thôi, phần vì tôi… nhớ anh lắm. Ryan nói rằng sẽ trở về vào thứ ba tới và sẽ gọi điện ngay cho tôi. Tôi nói về vụ Garbriel quấy rối lúc nửa đêm và điều này có lẽ khiến Ryan hơi hoảng sợ. Rồi anh nói: “Tối nay anh sẽ quay về, ý anh là anh sẽ về ngay bây giờ”. Tôi bảo anh không cần làm thế, anh đang làm gì cứ làm nốt, nhưng Ryan không nói gì nữa.
Trên đường trở về nhà, mặc dù thấy thoải mái hơn sau khi trút với Hạnh và vì Ryan đòi về ngay vì lo cho tôi, nhưng tôi thấy vẫn không được vui. Tôi quyết định, sẽ ra ven sông và hét lên một cái. Và tôi hét thật, hét đến rũ cả đầu tóc vang hết cả một khu đảo, hét xong tôi lại cười một mình. Dù sao cũng đâu có ai. Hình như trên cánh cửa một căn phòng của building chỗ tôi hét có người mở cửa sổ ngó xem đang có con điên nào quấy phá bên dưới. Hét xong, tôi lắc lắc đầu và thấy… đã. Thoải mái thật! Cảm ơn ông già viết truyện đã chỉ cho tôi cách xả cảm xúc này.
Về được 15 phút, 11 giờ đêm. Điện thoại lại réo, tôi nhấc vội. Và, bạn biết đó là ai không? Ronie đấy!
“Làm sao anh biết được số điện thoại này vậy?”.
“À thì Helen cho”.
“Ủa, cô ấy sao lại cho số điện thoại của em”.
“À, thì anh nói muốn làm quen với em nên cô ấy cho”. Thực ra, tôi đủ thông minh để biết anh ta nói dối.
Anh ta đã lấy số điện thoại này từ di động của Helen. Và tôi vốn không thoải mái cho lắm. Rồi tôi ngồi vào bàn máy tính vừa check mail, vừa nghe điện thoại qua cái giọng khó nghe của Ronie, chả ra Tây chả ra Việt, chả ra Bắc chả ra Nam. Tôi cứ ầm ừ và ngáp liên tục, chả để ý xem Ronie đang nói gì nữa vì mải xem thư. Ronie kể lể còn tôi cứ “thế à”, “ah”, “oh”. trước những dự định, ước vọng nào tương lai, nào gia đình… của chàng đang tuôn ra ào ạt. Thú thực, tôi cũng chỉ hiểu lõm bõm. Thế rồi tôi đã hoàn toàn đứng tim và tỉnh hẳn khi nghe thấy câu “tâm sự” nguyên văn sau đây:
“Em coi thường anh đúng không? Anh không phải là loại người như em nghĩ đâu. Có vẻ em chả quan tâm, em biết anh vẫn làm gì không? Anh vẫn làm ra tiền để CHO DZAI và đi DZLẾT NGƯỜI đó!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.