Chuyện tình New York

37.



Hôm nay tôi sẽ vẽ ngọn hải đăng bằng cả hai tay. Nếu tôi chỉ vẽ tay trái thì nó sẽ rất buồn, mà nếu vẽ bằng tay phải thì lại vui quá Tôi sẽ vẽ bằng cả hai tay, vì bức tranh này, có cả mềm vui và nỗi buồn tôi gửi vào cho Ryan.

Gần cuối tháng tư, thời tiết bắt đầu ấm áp, hoa nở rất nhiều, đặc biệt là hoa đào Nhật Bản. Thường tới tháng năm mọi người sẽ sang New Jersey để ngắm cả vườn hoa đào nở tuyệt đẹp. Trên đảo còn có rất nhiều bụi cây hoa đỏ mọc đầy ven sông, khung cảnh bình yên hiếm thấy.
Sang tuần tới, theo lời khuyên của Billy tôi sẽ xuống tiệm của người bạn nọ để bắt đầu làm việc. Nhưng tôi xin ở lại tiệm của Billy đến giữa tuần, để nói thêm chuyện về Lavender đã. Nếu tôi đi bây giờ, tôi sẽ ít cơ hội nói chuyện với Billy hơn, mặt đối mặt tỉ tê vẫn thích hơn nhiều Tôi muốn biết thêm về cả Josh nữa, thực sự là tôi muốn biết anh ta đã liên quan thế nào tới việc Lavender dính vào nghiện ngập. Tôi đã rất hâm mộ mối tình của họ, trong sâu thẳm tôi luôn hy vọng Josh là một người thực sự “vô tội và mong cho mối tình của họ sẽ được “cập bến”. Giá tôi có thể ngồi nói chuyện với Ryan tử tế về Josh, chỉ tiếc là bây giờ thì không thể.
Sáng thứ hai, có một điều bất ngờ là tôi nhận được điện thoại của Hugo, nói rằng anh ta và ban nhạc rất xúc động khi nghe tôi hát, hy vọng một ngày nào đấy thật gần sẽ được nghe tôi hát nữa. Tôi cám ơn, ngập ngừng nửa muốn nói chuyện về Ryan, thì anh ta hỏi luôn:
“Hai người đang có chuyện đúng không?”
“À đúng”.
“Cái anh chàng chơi piano cho em là bạn trai cũ của em à?”
Tôi ngạc nhiên vì sao anh ta lại “dám” hỏi như thế, và sao lại biết nhanh thế, không lẽ Ryan mà cũng đi buôn lung tung.
“Làm sao mà anh biết?”.
“Ryan nói với tôi mà”.
“Tại sao anh ta lại đi nói với anh cả chuyện như thế?”.
“À không, ý tôi là, tôi bảo Ryan đưa em về nhà, nhưng anh ta lại quay lại và nói rằng bạn trai cũ của em sẽ đưa em về nhà”.
“Cũng không phải là chuyện gì to tát đúng không?”.
“Không, nhưng này, đừng cãi nhau, em rất đáng yêu chúng tôi không muốn mất em!”
Tôi thấy xúc động vì Hugo. Thực ra đây là lần nói chuyện lâu nhất giữa tôi và anh ta, vừa rồi tôi còn nghĩ tất cả cái bọn Jess, Hugo, Gar là về một phe cơ. Tôi muốn hỏi thêm cả về Garbriel nữa, nhưng nghĩ thế nào tôi cảm ơn và không nói chuyện nữa.
Tôi dự định hôm nay sẽ nhấm nháy rủ Billy đi ăn tối chỉ có tôi và anh ấy để tiện nói chuyện, hôm nay tôi sẽ là người chủ động. Nghĩ lại ngày trước thật buồn cười vì tôi đã lảng tránh đi mọi lời mời, bây giờ lại đòi gặp riêng. Qua một khoảng thời gian người ta cũng đã hiểu nhau hơn.
Tôi hỏi: “Em muốn nói chuyện với anh về Lavender, có được không?”.
“Tất nhiên  là được, em muốn giúp đỡ nhỏ hả?”
“À dạ tất nhiên, tối nay rỗi không, anh đi ăn được chứ?”
Billy thoáng vừa lưỡng lự vừa hơi ngạc nhiên về lời đề nghị: “Bạn trai em có tới không?”.
“À không, hôm nay chỉ có anh em mình thôi, có chuyện gì… thú vị anh kể cho em nhé”.
Ý tôi là tò mò cả chuyện tình yêu của anh ấy với bà Mei nữa.
“Trời trời, anh thì làm chi có chuyện thú vị đâu”.
Billy cũng đã đồng ý, tôi thấy nhẹ nhõm vì sẽ được hỏi han thật nhiều hôm nay.
Nhưng mà, chiều, mới 3 giờ, thấy Billy có điện thoại và hớt hải chạy ra ngoài. Lát sau, anh ấy quay lại, đưa chìa khóa tiệm cho cô làm cùng và nói rằng cô ấy về sau khóa tiệm cho anh ấy, bảo tôi cứ ở lại hay về thì tùy, lỡ hẹn hôm nay rồi, vì anh ấy có việc phải đi gấp

Trông Billy hớt hải, tôi nhìn thấy Sheryl ở trong xe ô tô của anh ấy Thoáng lo lắng, chả biết có liên quan tới Lavender không? Tôi hỏi với theo: “Lavender hả anh?” “À… không, à… ” Rồi đi mất, nhanh như cắt.
Tôi phì phì và ngó lơ ra ngoài, tự nhiên thấy trong lòng trống rỗng. Cô Lyn “đồng nghiệp” nói tôi ở lại cùng cô ấy cho tới 5 giờ rồi về cả thể, cô ấy ngại ngồi một mình. Tôi cũng đã định về thật, nhưng đành ở lại. Thật may, lúc đấy có mấy cô khách du lịch từ bang khác sang lạc vào tiệm, tôi tha hồ được wax lông mày và vẽ móng tay.

Họ là khách du lịch nên cũng hiền lành và thoải mái, họ khen tôi trông lạ và có cái khuyên mũi thật là xinh. Đám khách đó làm tôi vui hẳn, được nói chuyện nhiều nữa, cho tôi bớt suy nghĩ.
Gần về, Ronie gọi điện, anh ta bảo sao hôm nay tôi vẫn chưa muốn đi làm ở chỗ đó hay sao? Quả thật khó xử vì không biết là sẽ làm ở chỗ bạn của Billy hay một chỗ đông khách như ở chỗ Ronie, mà xem chừng chỗ đó khó chịu đấy.

Tôi nói với Ronie: “Cái chỗ đó có vẻ ồn ào mọi người có vẻ không được có cảm tình với em cho lắm”. “Trời, đâu có đâu, mà sợ gì, có anh nè, ai làm gì em. Em cứ tới đó làm việc của mình và kiêm tiền thôi, họ cũng cần mình mà!”. Ronie nói cũng có lý. Tôi đang nghĩ, nếu hôm sau tôi gặp Helen ở tiệm spa thì tôi sẽ “nịnh” cô nàng đó bằng chết để may ra bà mẹ Lucy của cô ta sẽ bớt ghét tôi hơn.
Tối nay N. có buổi biểu diễn, anh ấy vẫn muốn tôi đến xem nhưng mà tôi thấy ngại. Định bụng về nhà hôm nay và ở nhà ngủ thôi, cả sáng tôi đã gà gật. N. gọi điện hỏi tôi có muốn đến xem không? Tôi nói không, anh ấy nói thế tối biểu diễn xong sẽ qua thăm tôi. Tôi bảo khi nào qua thì gọi, tôi sẽ xuống.
Không thể phủ nhận rằng tôi đang rất nhớ Ryan, và cả Lavender nữa. Hình ảnh của họ cứ hỗn độn và thay phiên nhau trong đầu, thành ra xem chừng tôi cứ hơi ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Tôi gọi thử cho Lavender bao lần mà không được. Tôi thậm chí còn có ý nghĩ hay gọi điện cho Ryan hỏi số của Josh để nói chuyện, nhưng nghĩ hơi buồn cười nên thôi.
Chiều trở về đi dọc những bụi hoa đỏ ven sông, thật là thích. Chẳng thấy ông già đâu cả, hơi hụt hẫng, tôi chỉ ước gặp ông ấy bây giờ mà thôi. Khi gần về đến nhà, tôi thấy một người đàn ông đang ngồi vẽ cảnh Manhattan, tôi ngó lơ và chợt nhớ ra bức tranh về ngọn hải đăng chưa tới đâu của mình. Hôm nay cũng sớm, lại ấm nữa, tôi chạy vụt về nhà lấy giấy màu đạp xe về cuối đảo quyết tâm ngồi vẽ. Tôi đang có niềm hy vọng rằng nhờ bức tranh này tôi sẽ có cớ nói chuyện lại với Ryan.
Tôi ngồi đo đạc và vẽ rất nắn nót từng tí một. Hôm nay tôi sẽ vẽ ngọn hải đăng bằng cả hai tay. Nếu tôi chỉ vẽ tay trái thì nó sẽ rất buồn, mà nếu vẽ bằng tay phải thì lại vui quá Tôi sẽ vẽ bằng cả hai tay, vì bức tranh này, có cả mềm vui và nỗi buồn tôi gửi vào cho Ryan.
Nhưng tôi chỉ ngồi được có hơn hai tiếng phải ngừng lại, chỉ đủ phác thảo cái khung. Trời nhá nhem và ánh đèn vàng vàng không đủ cho tôi vẽ và nhìn rõ một số chi tiết. Nhưng thế cũng đủ cho tôi thấy rất vui. Đã gần 8 giờ, tôi không thấy buồn ngủ nữa, nhưng nghĩ tới chốc gặp N. cũng thấy hơi oải. Tôi muốn gặp Ryan cơ, Ryan Ryan Ryan. Tự mình đả đảo trong đầu.
Đợi đến 10 giờ, tôi buồn ngủ quá và lăn ra ngủ. Hình như N. gọi vào di động không thấy tôi nhấc nên gọi về nhà, bố mẹ bảo tôi ngủ rồi nên anh bảo thôi khi khác chúng tôi gặp nhau.
Hôm sau tôi xuống spa, mang tâm lý ngại ngùng. Bây giờ xuống đây thấy ngại quá, ngại với bà Mei, với Helen. Nhưng hôm nay không có bà Mei hay Sheryl, chỉ có Helen. Helen không niềm nở nói chuyện với tôi, cứ gườm gườm, giống y như mẹ mình vậy. Tuy hơi ngại nhưng tôi tỏ ra rất vui tươi và cười nói với Helen, nhiệt tình giúp đỡ cô nàng lấy cái này cái kia. Rồi tôi chủ động nói:
“Chủ nhật vừa rồi bạn trai Helen dẫn tớ xuống tiệm của mẹ Helen đấy, tiệm đông khách ghê”.
“Có nghe nói rồi”, Helen giọng lạnh tanh.
“Helen bực tớ hay sao thế? Tớ tình cờ gặp Ronie và nói chuyện tiệm, Ronie hẹn tớ ở đó xem tiệm, tớ muốn đi tìm chỗ nào đông khách thử việc”. Tôi “thanh minh”.
“À tôi không bực chi đâu mà. Chỗ mẹ tôi cũng đông, nếu thích thì xuống đó làm, nhưng mà phải làm khá cơ, xuống đó mà chưa giỏi thì khó đấy”.
Câu nói đầy “cảnh báo” và pha giọng hơi khinh miệt. Tôi đoán Helen đang ghen ngấm ngầm. Có khi hôm nọ mấy mẹ con họ ngồi nói xấu tôi, thảo nào mắt tôi cứ giật giật, lại có một quyết định đột biến như thế.
Nghĩ đến đây, tôi lẳng lặng đi ra ngoài, nhấc máy gọi điện cho Ronie:
“Anh hỏi bà chủ cho em làm ở đó 5 ngày một tuần có được không? Nếu nhận em sẽ đi làm bắt đầu từ thứ năm này?”.
Ronie cuống quít nói hỏi ngay và sẽ gọi lại cho tôi. Mẹ con họ ghét tôi thì tôi sẽ sang đó làm cho tới khi ghét không chịu được phải đuổi tôi đi thì thôi, tự nhiên thấy bực mình khủng khiếp.
Quay vào, mặt tôi cũng phì phị, tôi không toe toét nữa, cứ bằng như quý báu lắm vậy. Helen tỏ ra khó chịu càng rõ hơn. Cô nàng còn tỏ ra khó chịu với tôi khi lúc vào nhà vệ sinh thấy hết giấy, kêu tôi dùng hết không gọi thêm. Tôi cau mày, từ sáng tới giờ tôi chỉ vào đó rửa tay đúng một lần. Ôi những con người ghê gớm.
N. lại gọi điện, nói rằng tối nay anh ấy muốn gặp tôi chia tay. Sáng thứ tư cả đoàn đã bay sang Cali biểu diễn tiếp rồi quay lại Nga, anh ấy muốn gặp tôi đi ăn cho ra hồn một bữa. Nhưng một lần nữa tôi lại lỡ hẹn đi ăn với N., vì anh nói anh ấy vẫn phải biểu diễn, có thể tan muộn, và chắc chắn mong tôi đừng ngủ để gặp tôi tối nay trên đảo. Tôi nói rằng tôi sẽ không ngủ.
Xin về sớm vì Helen quá khó chịu, một phần cũng muốn tranh thủ trời sáng vẽ tranh tiếp, đang còn hứng thú. Lúc tôi ngồi vẽ, mấy cô cậu bé nho nhỏ cứ chạy quanh ngồi xem rồi cười, cả mấy người lớn cũng đứng cạnh xem. Tôi cứ phải ngước mặt lên liên tục để mỉm cười lại với họ. Họ gật gù khen và theo dõi tôi khiến tôi thấy rất thoải mái.
10 rưỡi N. đến. Anh nói mình vừa biểu diễn xong lúc 9 rưỡi. Cầm đến cho tôi một bó hoa và một ít quà Nga mà bây giờ mới có dịp đưa, một cái khăn, một bộ búp bê gỗ và hai cái đĩa CD nhạc giao hưởng có sự tham gia của anh. Tôi nói với anh đi dọc ven sông rất thích, và ngắm hoa dưới ánh đèn vàng nữa. Anh khen đảo thật là đẹp, thật là may mắn vì tôi đang được ở đây. Hôm nay tôi nói ít còn N. thì nói nhiều.

Anh hay kể chuyện ở bên Nga, gặp bụi cây anh cũng so với tương đương bên Nga. Anh ấy kể cả chuyện anh lái xe đưa cô bạn gái đi dưới tán cây bạch dương, đến những lúc cô đơn và chỉ có cây đàn để tập, cả cái lần “lên cơn” tập đàn một tuần liền không ăn, không uống, kiệt sức phải vào bệnh viện. N. nói anh hy vọng tôi sẽ trở về Việt Nam, và anh cũng sẽ quay về.

“Có thể một ngày nào đấy, chúng ta lại ở bên nhau như thế này, ở Việt Nam, đi dọc Hồ Gươm chẳng hạn. Anh tin chắc là như thế. Em đừng làm cho bản thân em buồn nhé, cố làm lành với bạn trai nhé, anh không muốn mang tiếng đâu đấy”.
Một buổi nói chuyện nhẹ nhàng, anh ấy được trút tâm trạng “Hy vọng bọn mình tiếp tục liên lạc và về Việt Nam chắc chắn phải gặp nhau”. Tôi dứt khoát tiễn N. ra tận bến tàu và nói rằng sẽ bắt xe buýt đỏ về nhà, dù sao trên đảo cũng rất an toàn nhưng N. vẫn tỏ ra lo lắng. N. ngập ngừng rồi chủ động nắm lấy tay tôi, anh ấy tỏ vẻ rất mãn nguyện, ghé tai tôi: “Anh vẫn ước có một ngày như thế này”.
Tới bến, Ryan từ bến bước ra, nhìn thấy chúng tôi, vẫn đang nắm tay nhau và cười nói!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.