Người Cũ Còn Thương

ĐẤT



Người ta không yêu đất, không ghét đất, chỉ là ghét là yêu những con người gắn trên vùng đất đó. Như có gã tình nhân tên Sài Gòn, tính tình trái khí trái nết, nhiều lúc chảnh chọe, hống hách, nhiều lúc dịu dàng, thấy thương.
Sáng dậy, gã thênh thang nắng, thênh thang gió, cho những người yêu gã biếng nhác trườn dài trên ghế sofa quán cafe sang chảnh. Có khi cả đám chả làm gì, ngoài cái việc mạnh ai nấy cầm cái điện thoại thông minh, cắm cúi nhấn nhấn, lâu lâu ngẩng mặt cười với nhau một cái để chụp hình đăng lên mạng xã hội. Cũng có đứa lén chụp hình một mình, đăng lên kèm dòng chữ “Sài Gòn đông người mà vẫn thấy cô đơn” dù rằng bên cạnh nó đang là người với người bồn bộn.
Ban trưa gã nắng. Dân chúng kêu gào Sài Gòn chỉ có hai mùa, một mùa nắng, một mùa nắng thấy mẹ thấy cha. Gã cười khẩy, đâu quan tâm nên vẫn tiếp tục nắng cho mấy đứa tình nhân tức càng thêm tức. Long nhong xe giữa trưa, thấy tình nhân Sài Gòn ai cũng hai ba lớp áo, nào áo mỏng áo, áo dày, nào váy chống nắng chống nóng, nào khẩu trang, găng tay, vớ da chân… hẹn người tình Sài Gòn, nhớ trừ hao đâu đó dăm ba phút để người ta còn đứng lột bớt đồ giữa đường để đi lên chỗ hẹn.
Chiều, Sài Gòn dập dìu sóng người tan sở, đường đông nghẹt người ta lấn chen. Thỉnh thoảng đụng nhau cái rầm, thôi thì đường đông có ai muốn, cúi đầu xin lỗi một tiếng rồi đi là được, vậy mà cũng đâu chịu làm theo, nhất định cứ lôi ba má nhau ra mà nặng lời, để rồi nhào xuống, dẫn nhau vô trong lề, cởi cái nồi cơm điện trên đầu ra làm vũ khí rồi đánh nhau như phim chưởng. Tình nhân Sài Gòn nhiều khi hung hăng đến lạ.
Tối Sài Gòn nhiều khi nhàm chán. Dân nào nơi khác tới chơi thì thấy đất này vui vẻ, dân nào lớn từ lòng Sài Gòn lớn lên thì nhiều tối tự hỏi, biết phải đi đâu đây. Lòng vòng cũng nhiêu đó chỗ, ăn xong bữa tối ở cái quán nào đó, không cafe tiếp thì chui vô cái rạp chiếu phim, diễn kịch, chui vô cái phòng trà nghe hát nhạc trẻ nhạc vàng nhạc tím nhạc xanh, chui vô cái sân khấu hình cái trống coi mấy màn tấu hài lặp đi lặp lại. Mà không vô mấy chỗ đó, thiệt cũng không biết đi đâu bây giờ.
Khuya Sài Gòn không bao giờ ngủ. Giờ nào ra đường cũng thấy người ta ngồi xếp thành hàng, có quán trà sữa của ông bố già sau lưng cái nhà hát bự. Tụi trẻ xách đàn ra ngồi nghêu ngao hát, quên sầu quên đời. Có đêm quán ế, ông bố già cũng bày đặt đàn hát tham gia, giọng ông già trầm đục, nghe như từ cái thời nào đứng hát vọng về mấy câu ủ ê.
“Phòng trà Mỹ Trân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly, Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cafe. Giọt buồn không tên lén qua tâm tư đê mê, mình thức đêm thật khuya…
Qua ngày đó, tôi nghe người nói anh lên đường xa thật rồi. Tôi buồn nhớ, tim đau rạn vỡ ôi thương anh thương nhất đời…”
Nửa đêm về sáng, Sài Gòn giao ca. Mấy gã uống bia lề đường ngà ngật say dìu nhau ra xe taxi, lên xe máy lượn vòng về nhà, mấy xe kẹo kéo nhạc sống cũng lầm lũi đẩy xe về xóm trọ vùng ven, vừa đi vừa lẩm bẩm tính coi cả tối nay hát khô cổ bán được bao nhiêu ngàn. Trên lề đường, báo giấy xếp lớp chờ người tới cầm giao cho kịp sáng. Hàng quán bên đường cũng bắt đầu dọn ra trong cái ngái ngủ còn sót lại từ đêm.
Sài Gòn giao ca, nghèo giàu giao thoa, người ta giao cái trăn trở trong lòng cho nhau, kẻ ngủ vùi tìm mơ, kẻ thức sống lại thực tại.
Đất Sài Gòn lạ, tình nhân của đất cũng lạ, có người tốt cũng có kẻ khùng kẻ điên. Như bữa chạy xe ngay cái bùng binh bự, thấy có tấm biển người ta ghi sẵn, “Chị em nào đi bệnh viện Từ Dũ thì đi thẳng hết đường này, quẹo trái, thấy tòa nhà to có hình mẹ bồng con là tới.” Bên dưới còn có thêm dòng biên nho nhỏ, “Còn hông biết thì đi xe ôm, tui chở.” Tình nhân đất Sài Gòn bận sống, bận thở, bận bon chen nhưng vẫn rảnh đủ thì giờ dành cho những người cùng yêu đất này như mình.
Cũng như có chiều nọ trên đường về nhà, thấy giữa đường có tấm tôn lợp mái nhà bằng nhựa nằm bắt ngang, xe chạy vù vù, cán trúng kêu lộp bộp, văng lung tung, vậy mà không ai thèm tới lượm đi. Có thằng nhỏ, mặt cười ngu ngơ, lon ton chạy ra kéo tấm tôn vô trong lề để xe không cán trúng, khỏi tai nạn. Vậy mà má thằng nhỏ la nó, “Thằng khùng, muốn chết hả mậy?” Ờ, đúng là thằng khùng lo chuyện thiên hạ.
Yêu người Sài Gòn, là yêu cái cafe sớm lười biếng, yêu cái nắng nóng ban trưa, yêu cái kẹt xe buổi chiều, yêu cái loanh quanh buổi tối và yêu mấy đêm không ngủ. Yêu cái phóng khoáng, chịu chơi, dân dã. Yêu cái thật lòng có sao nói vậy, yêu cái vùng vẫy khỏi nghèo, khỏi đói, yêu cái mùi mồ hôi nồng nồng, yêu cái khói bụi bám trên quần áo thương quen.
Chia tay người Sài Gòn, là sáng nằm dài, ngẩng mặt nhìn đồng hồ thấy hai cây kim như mình với nó, một vòng tròn chỉ chạm được một lần rồi cứ vậy lướt qua nhau mãi. Là trưa không còn suy nghĩ sợ nó đi nắng về nhức đầu hay cảm. Là chiều khỏi ngóng coi nó nhắn tin khi về đến nhà hay chưa, là tối không còn ai đưa đi dạo, là khuya quên luôn cái sương sớm đằng sau xe.
Sài Gòn chia tay, bi nhưng không lụy. Buồn thì buồn đó nhưng quên cũng nhanh. Đám bạn thân nhắn tin, báo chia tay, tụi nó chỉ ồ lên hai chữ “Nữa hả?” rồi thôi. Cafe, bia bọt. Dắt díu nhau đi mấy cái trung tâm mua sắm, để rồi về nhà nhận ra thêm một thực tế, chia tay không chết, chia tay mà hết tiền mới đáng chết. Lại lo cày như con trâu để trả nợ mấy cái thẻ màu vàng màu bạc có sức cám dỗ chết người.
Sài Gòn biết, người ngoài kia đầy, cơ hội cũng nhiều, nên người đã muốn đi thì không nên giữ, vì nếu muốn ở lại họ đã không cất bước mà đi.
Đất Sài Gòn sống nhanh, chết trẻ, hoang dại, tìm vui… Dễ đến, dễ đi, dễ nhớ cũng dễ quên rồi lại dễ dàng tìm một giấc mơ mới.
Đất Sài Gòn nói rộng không rộng, nói chật không chật. Người ta yêu nhau rồi, giận hờn xa nhau, nhiều khi muốn gặp lại mà tìm hoài không thấy gặp. Người ta yêu nhau rồi, giận hờn chia tay, lòng muốn quên nhưng sao nhìn đâu cũng thấy người như người cũ.
Bởi, đất không nhau, đất thành đất đau là vậy…

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.