Tôi thường chơi trò ghép hình để giải trí. Có khi tôi phải mất cả tháng trời mới ghép được hoàn chỉnh một cái hình nguyên trước đây là một áp phích quảng cáo. Kinh nghiệm của trò chơi cho tôi thấy những mảnh ghép rất nhỏ, nhiều khi lại rất quan trọng để tìm thấy cách dựng lại toàn bộ tấm hình đã được cắt ra thành bao nhiêu mảnh. Bởi vậy, khi nghiên cứu công việc gì, tôi thường chú ý tới những chi tiết thoạt đầu tưởng như không đáng chú ý tới.
Tôi ngồi trước bàn làm việc đã hơn một giờ. Văn phòng đóng cửa, mọi người đã ra về. Tôi đọc đi đọc lại danh sách những người có liên quan tới các sự việc xảy ra ở gia đình Crosby. Cái tên Sherill chợt làm tôi chú ý. Tôi tự hỏi: “Tại sao Janet cắt đứt quan hệ yêu đương với Sherill, một tuần trước khi ông Crosby chết?”. Việc này hình như chẳng có gì quan trọng, nhưng biết đâu lại chẳng có liên quan tới toàn bộ các sự việc xảy ra? Để biết rõ, cần phải tìm nguyên nhân của sự tan vỡ. Ai có thể giúp tôi trong việc này trong khi chưa biết Sherill là ai. Tôi lại nhìn vào danh sách: John Stevens người quản gia của gia đình Crosby. Bà giám đốc cơ quan tìm việc làm Martha Bendix có cho tôi biết Stevens bây giờ làm cho gia đình Wainwright. Tôi dở cuốn danh bạ điện thoại, tìm được dễ dàng số điện. Chỉ vài giây sau đã có tiếng nói ở bên kia đầu dây.
– Tư gia ngài Wainwright.
– Tôi xin gặp ông John Stevens.
Vài giây sau, một giọng nói khác qua máy:
– Tôi là Stevens. Xin cho biết ai cần gặp tôi.
– Tôi là Malloy. Tôi mong được gặp ông để hỏi về một chuyện cần thiết liên quan tới gia đình Crosby.
Im lặng. Một lát sau, lại có tiếng nói:
– Tôi không hiểu có cần thiết hay không. Vả lại, tôi chưa hề quen ông và việc bình luận hay cung cấp tin tức về người chủ của mình có lẽ là không nên.
– Tôi là giám đốc công ty Universal Services. Tôi muốn trình bày với ông những lí do thật đúng đắn về việc này, sau đó nói hay không là tùy ông quyết định.
Lần này, sự im lặng kéo dài hơn.
– Thôi được, tôi sẽ gặp ông nhưng không hứa trước với ông điều gì đâu.
– Thế là tốt rồi, thưa ông. Tôi sẽ đợi ông hồi chín giờ ở góc đường Jefferson và Felman. Tôi đội mũ và đọc tờ “Herald buổi chiều”.
Tôi đặt ống nói xuống bàn, đứng dậy đi đóng các cửa và tâm trí lại nghĩ tới cô y tá Gurney. Còn hai tiếng nữa mới tới giờ hẹn nên tôi có ý định tạt qua tiệm cà phê Finnegan. Tôi khóa cửa đi theo hành lang tới phòng thang máy. Một người thấp, to ngang, đứng tựa lưng vào tường đang chăm chú đọc báo. Gã có màu da hơi sẫm, mặc bộ đồ màu xanh nước biển. Chiếc áo vét tông đã nhẵn ở khuỷu tay còn chiếc sơ mi thì không còn giữ được màu trắng sạch nữa. Tôi nghĩ thầm có lẽ hắn là dân gốc Ý.
Hắn bước vào phòng thang máy sau tôi. Tới lầu ba, phòng thang máy ngưng lại đón Willet. Ông ta phớt lờ tôi như chưa từng gặp mặt mà giơ một tờ báo lên chăm chú đọc. Tôi cười thầm nghĩ rằng, ông ta quá nhút nhát. Thôi cũng được, chủ yếu là ông ta chịu mọi tiền chi phí. Tới dưới nhà, tôi mở cửa đi ra, dừng lại ở quầy báo mua một tờ Harald Evening, cốt để Willet ra ngoài đường một mình không có tôi đi bên cạnh. Ông ta bước lên một chiếc xe hơi lớn, chắc chắn như xe bọc thép. Gã người Ý ngồi xuống một chiếc ghế đặt ở hành lang, trong khi đó tôi bước ra ngoài bằng lối cửa sau và đi tới tiệm Finnegan.
Tôi vào tiệm trong không khí ồn ào. Mới đi được hai bước thì Olaf Kruger người điều khiển lò quyền Anh ở Prince Street đã tới bắt tay tôi:
– Hê! Vic! Lâu quá không gặp nhau, hay anh giận gì tôi đấy. Ra quầy làm một chầu đi.
Tôi nháy mắt chào Finnegan trong khi Olaf đu người lên ngồi trên một chiếc ghế cao. Tôi nói với anh chàng huấn luyện viên đấm bốc:
– Tớ vừa coi mấy trận đấu mà không gặp cậu. Tay đấm Ohara có vẻ sung sức nhỉ?
Olaf huơ tay cho Finnegan nhìn thấy và gọi, giọng the thé:
– Ê, hai uýtki nhé!
– Rồi quay lại, nói tiếp – Ohara hả? Ừ, nó hăng lắm, nhưng không biết giữ sức. Thế nào cũng có ngày gặp một tay biết phòng thủ, thế là hết đời! Tớ đã bảo nó nhiều rồi mà nó không chịu nghe.
Chúng tôi đã ăn xong hai cái bánh mì kẹp thịt thì Hughson, phóng viên tờ Herald lại ngồi cùng chúng tôi và gạ uống thêm một chầu nữa. Anh chàng này người cao, mảnh, tóc hói và đôi mắt lúc nào cũng như mệt mỏi. Vạt áo trước của anh lỗ chỗ vết cháy của tàn thuốc và nặng mùi những mẩu xì gà “bắt được” ở những nơi công cộng. Anh đã góp cùng chúng tôi dăm ba câu chuyện về đấm bốc thì Olaf chợt hỏi:
– Này, anh có biết cái vụ Dixie Kid không? Hắn đánh nhau hả?
Hughson nheo mũi, bảo:
– Tôi cũng chưa rõ, vì hỏi hắn không chịu nói. Chỉ biết qua một tay tài xế đậu ở cảng Kid đã bơi từ ngoài xa vào bờ và tới hôm nay, một mắt hắn thâm quầng vì cú đấm.
– Nếu hắn bị ném từ trên tầu “Mộng Mơ” xuống, thì cũng là một bài học cho hắn thôi – Olaf tỏ ra không có cảm tình với Kid.
Hughson thọc mấy ngón tay vàng vì khói thuốc vào túi, bảo:
– Hôm qua Kid đã lớn tiếng với Sherill trên tàu “Mộng Mơ”. Sau đó bị bốn người quăng xuống nước. Nghe nói rằng, nếu phen này Sherill thúc bách thì Kid đến tiêu mất vì anh ta nợ nần quá rồi.
Olaf gật đầu tán thành và nói thêm:
– Tôi nghĩ rằng, Sherill có thể dùng vũ lực nữa đấy.
Hughson không tán thành, lắc đầu nói:
– Tôi đã bảo Kid, không việc gì phải sợ. Tay Sherill không dám gây chuyện to ra đâu.
Tôi ra hiệu cho Finnegan mang thêm rượu lại và hỏi Hughson:
– Sherill là ai vậy?
– Không phải chỉ có anh mới hỏi, mà rất nhiều người muốn biết rõ về hắn. Nghe đâu trước kia hắn cộng tác kinh doanh với hãng Selby, bòn rút được một món tiền để tậu một cái nhà hàng nhỏ ở đường Rossmore. Sau đó, không biết làm sao đã hứa hôn được với con nhà triệu phú Crosby, rồi tự nhiên mất tăm. Gần đây, hắn trở thành chủ nhân của con tàu “Mộng Mơ”, loại tàu ba trăm tấn, bỏ neo ngoài khơi, nơi giáp ranh thành phố này với địa phương bên cạnh. Quanh chiếc tàu của hắn là cả một đội tàu tắc xi nhỏ, đưa đón khách, toàn là loại sộp cả.
Olaf góp ý thêm:
– Trên tàu không chỉ là trò đỏ đen đâu nhé. Có cả một tá con gái phục vụ nữa. Ở ngoài khơi, hắn tránh được sự kiểm soát của địa phương và thả sức thu tiền.
Tôi cố giữ nét mặt không thay đổi, nhưng trong lòng thì thật vui, vì chẳng tốn công sức gì mà lại vớ được nguồn tin đang khao khát. Tôi làm bộ ước ao:
– Khoái nhỉ. Ước gì mình có cơ hội để lên tàu.
Hughson cười mũi:
– Khó lắm, đừng hòng, Sherill tổ chức tàu của hắn theo kiểu một câu lạc bộ. Mỗi hội viên phải đóng hai trăm rưởi đô la tiền nhập hội, năm trăm đô la mỗi năm tiền sinh hoạt và chọn lựa rất kĩ. Đây là tổ chức chỉ dành cho bọn giàu sụ thôi.
– Vậy tay Sherill này xuất hiện ở tầng lớp nào?
– Một tay ma cô có mẽ, điển trai, tinh ranh và độc ác. Loại mắt xanh tóc quăn, cơ bắp được đàn bà mê.
– Tại sao Janet Crosby lại cắt đứt với một tay như thế nhỉ?
– Cô ta như vậy là khôn đấy. Tôi chắc cô ta đã thấy rõ con người của hắn, hắn chỉ yêu món tiền của cô ta thôi, và cô ta đã kịp rút lui.
Olaf lại nói xen vào câu chuyện, trở lại tình hình đánh đấm ở các võ đài. Tôi giơ ly rượu, uống cạn và tạm biệt mọi người.
– Tớ phải đi có việc. Hẹn gặp lại các cậu, một chầu sau này nhé. Vừa quay người lại tôi thấy ngay gã người Ý mặc bộ đồ màu tím than đang ngồi đọc báo ở bàn kế cửa ra vào. Khi tôi đẩy cửa bước ra ngoài, hắn thong thả gấp tờ báo lại bỏ vào túi và đứng dậy.
Tôi leo nhanh lên chiếc Buick mở máy cho xe ra đường. Một chiếc xe khác cũng khởi động, chiếu ánh sáng đèn pha vào chiếc kính hậu của xe tôi.
Tôi cho xe rẽ vào Prince Street. Chiếc xe bám theo tôi là một chiếc Lincoln. Không nhìn rõ người lái, nhưng tôi cũng đoán được hắn là ai. Khi vào đường Felman, lượng xe thưa thớt hơn nên tôi chạy nhanh. Nhưng chiếc Lincoln vẫn bám đuôi xe tôi, không khó khăn gì. Gần tới tiệm cà phê, nơi tôi hẹn Stevens, tôi bất chợt lái xe đi sát vỉa hè và đỗ lại. Chiếc Lincoln bị bất ngờ, đi thẳng nhưng hãm tốc độ và dừng cách xe tôi chừng năm chục mét.
Tôi vội vã rời khỏi xe, núp vào bóng tối một hiên nhà. Phía xa tên người Ý từ từ xuống xe, nhìn quanh một lát rồi đi về phía xe tôi.
Hắn đi đàng hoàng, hai tay thọc túi, cúi người ngó vào trong chiếc Buick tỏ ra không ngạc nhiên vì không thấy tôi và đi về phía cuối phố.
Tôi nhìn theo hắn một lát rồi xuống đường xe điện ngầm để đi qua hè bên kia vào tiệm cà phê. Cái đồng hồ treo trên tường chỉ chín giờ kém năm. Trong tiệm chỉ có vài khách uống: một cặp trai gái còn trẻ, hai người đứng tuổi bên một bàn cờ, hai người phụ nữ đi chợ về, để giỏ thức ăn bên chân và một cô gái ngồi một mình ở góc phòng uống sữa.
Tôi ngồi xuống ghế ở xa cửa ra vào, mở tờ Evening Herald để trên bàn, châm thuốc hút và suy nghĩ. Tên người Ý đó có ý đồ gì? Phải chăng hắn là tay chân của Salzer? Hắn theo dõi tôi gần như công khai, tôi cũng đã ghi được số biển xe của hắn để Mifflin có việc làm thêm. Tuần vừa rồi, con ngựa Apple về nhất, không biết Mifflin có ăn thua gì không. Đồng hồ chỉ đúng chín giờ. Một ông già dáng cao cao, mở cửa bước vào, nhìn quanh một lát rồi trịnh trọng tiến lại bàn tôi, dáng như đi rửa tội cho con chiên vậy. Tôi đứng dậy chào:
– Ông là Stevens? – Ông ta gật đầu.
– Tôi là Malloy. Mời ông ngồi, ông dùng cà phê nhé.
Ông đặt cái mũ kiểu quả dưa xuống một chiếc ghế, gật đầu và ngồi xuống.
Để khỏi mất thời gian, tôi ra quầy lấy hai ly cà phê rồi tự mang lại bàn. Đôi trai gái nhìn ông già rồi lại nhìn nhau cười. Họ đang chứng kiến hình ảnh một con người của thế hệ trước. Tôi mời ông hút thuốc và nói:
– Tôi rất cảm động vì ông đã nhận lời gặp tôi.
Trong lúc ông châm thuốc, tôi nhìn kỹ ông để nhận xét, quả đúng, đây là một lão bộc có lương tâm, cần mẫn và trung thành, tôi tiếp:
– Xin thú thật với ông điều này: Tôi có nhiệm vụ điều tra về cái chết của cô Janet Crosby. Có một số người không tin rằng cô ta chết vì bệnh tim.
Ông già nhỏm người dậy hỏi:
– Ai vậy? Bây giờ mới điều tra liệu có quá trễ hay không?
– Tôi chưa được công bố tên những người đó. Tuy cuộc điều tra hơi trễ nhưng chúng tôi đã thu thập được một số chứng cớ. Vậy ông có tin là Janet bị chết vì bệnh ăng-đô-các-đít không?
Ông già do dự trước khi trả lời:
– Việc đó tuy không liên quan tới tôi cũng xin nói thật. Cái chết của cô Janet làm tôi hết sức bàng hoàng vì Janet là một cô gái tràn trề sức khỏe. Chỉ có bác sĩ Salzer là cho rằng người như cô ta vẫn có thể bị đứt mạch máu bất ngờ.
– Ông có biết nguyên nhân tại sao cô ta cắt đứt quan hệ với Sherill không?
– Tôi chưa rõ ai giao cho ông điều tra vụ này. Dù tôi đã nghe tiếng về công ty Universal Services của ông là một tổ chức đứng đắn, nhưng tôi vẫn không muốn tiết lộ những điều riêng tư của những người tôi đã phục vụ, nếu chưa biết rõ về trách nhiệm của mình.
Tôi chưa biết làm cách nào để hỏi thêm ông già, thì không khí trong tiệm bỗng im lặng khác thường, cánh cửa ra vào bật mở. Bốn tên có màu da và dáng điệu là dân gốc Ý bước vào phòng, hai tên cầm súng tiểu liên trên tay và hai tên cầm súng ngắn, trong đó có tên mặc bộ đồ tím than đã theo dõi tôi. Những tên cầm tiểu liên trấn giữ ở hai góc phòng còn hai tên cầm súng ngắn đi lại phía bàn tôi ngồi. Ông già Stevens kêu ú ớ vì sợ hãi, định đứng dậy. Tôi nắm tay ông, thầm thì:
– Ông nên bình tĩnh, ngồi yên.
Một tay cầm súng tiểu liên quát:
– Không được ai nói! Nếu không ta sẽ bắn hết!
Mọi người sợ hãi, ai cũng cững đờ người như tượng. Người chủ tiệm đứng ở quầy rượu, tay nắm chặt cái ly, mắt mở to. Ông khách đánh cờ đang chỉ tay vào con tướng. Cô gái trẻ mặt tái mét, hai tay bưng mặt, mắt nhắm nghiền, miệng rên rỉ. Tên cướp lại gần dùng báng súng đánh vào mặt cô làm cô ta ngã sấp xuống.
Tôi biết, trong tình thế này, bọn chúng chỉ chờ có cơ hội để nổ súng. Nếu tôi có mang khẩu súng ngắn theo người, có lẽ cũng đành bó tay vì dùng súng ngắn để đối đầu với liên thanh có khác gì mang bàn chải đánh răng đi đấu kiếm.
Hai gã người Ý lầm lì đi về phía bàn tôi. Một đứa lên tiếng nạt nộ:
– Không được động đậy!
Một đứa nắm cánh tay ông già Stevens xốc dậy, bảo:
– Nào, cùng nhau đi dạo một lát, đi!
– Hãy để ông ta lại…
Tôi vừa lên tiếng thì bị một tên dùng báng súng đánh vào cằm và quát:
– Câm miệng lại!
Ông già Stevens đáng thương năn nỉ bọn chúng đừng bắt mình đi, liền bị một tên hành hung rồi kéo ra khỏi tiệm. Hai tay cướp chĩa tiểu liên vào mọi người, đi giật lùi ra ngoài đường. Bọn chúng đẩy ông già lên xe, nổ máy.
Khi chiếc xe vừa chồm lên phía trước, tôi vội nằm xoài ra sàn, vừa lúc một tràng đạn nổ về phía tôi ngồi làm vỡ tan cửa kính. Viên đạn cuối cùng làm băng mất của tôi một cái đế giày!