Tôi bật người dậy, tung chăn và nhẩy ra khỏi giường, nhưng chiếc còng níu chân tôi lại khiến tôi ngã đập mặt xuống sàn.
Những tiếng thét thất vọng của Quell âm vang trong phòng, xoáy vào đầu tôi như những mũi kim châm. Bỗng tiếng la thét đổi thành tiếng sặc nước, rồi tắt hẳn khiến căn phòng thêm ghê rợn: Hopper đã bóp chết con mồi.
Tôi không dám nhìn về phía giường của hắn nữa. Quả là những tiếng vật lộn và la thét vừa rồi đã làm cho tôi sợ. Tôi lê người ra khỏi thành giường và đặt được một chân còn tự do xuống đất. Cơn sợ hãi khiến cho tôi khó thở và người run lên như một ông già vừa tham dự buổi khiêu vũ tự do. Tôi vươn người lại cái tủ, mấy ngón tay đã chạm được vào miếng tay cầm của ô kéo trên, thì nghe như có tiếng gầm gừ ngay sau lưng. Tôi mong ước suốt đời mình sẽ không bao giờ nghe thấy những tiếng như thế nữa. Tôi căng người ra để cố kéo được cái ngăn ra, khiến cổ chân còn bị giữ trong còng trầy hết cả lớp da. Cái ô kéo rơi xuống đất chứa đầy băng và gạc. Tôi cúi xuống, đưa tay run lẩy bẩy gạt đám bông băng ra để tìm cái chìa khóa.
Có tiếng ầm ừ sau lưng tôi. Tôi cảm thấy như các mạch máu trong người bỗng bị đông cứng, nhưng cố gắng không quay lại. Cái chìa khóa nằm giữa một chồng gạc làm mắt tôi sáng lên tia hy vọng. Tôi nhảy lên giường tra chiếc chìa khóa vào khe nhỏ của cái còng và quay nhẹ. Có tiếng động nhỏ, chiếc còng mở ra. Cổ chân tôi vừa được tự do nhưng bị trầy da chảy máu. Vậy mà tôi không cảm thấy đau đớn gì cả.
Tôi sung sướng nhảy một cái ra giữa nhà, nhưng vội đứng sững ngay lại. Hopper đang giương mắt nhìn tôi chằm chằm qua cái xác của Quell. Cảnh tượng thật khủng khiếp. Hopper đã cắn đứt mạch máu cổ của anh ta nên phần vai và ngực anh bê bết máu. Hai mắt anh lờ đờ nhìn tôi vẫn còn thể hiện sự hoảng hốt và tuyệt vọng của những giây phút vừa qua.
Hopper nói giọng thì thào:
– Đưa cho tao cái chìa khóa. Chiều nay còn nhiều đứa chết! – Tôi nhảy lùi lại phía sau. Tới lúc này tôi mới rõ thực chất của con người tôi. Tôi vẫn tự hào, cái thằng Malloy to con này là con người thép, chẳng chịu khuất phục ai, chẳng sợ cái gì. Vậy mà bây giờ mặt tôi xanh như tàu lá, mồ hôi chảy ròng ròng từ trên trán xuống mặt, bụng thì đau thắt lại như có cả khối chì bên trong.
Hopper lại nói như ra lệnh:
– Đưa chìa khóa đây, nếu không ta cũng giết mi luôn.
Hắn gạt xác của Quell xuống rồi nhoài người ra sàn, bò lại phía tôi mặt méo đi vì những cơn co giật. Dưới ánh đèn mờ dịu trong phòng, tôi thấy mép hắn bóng lên màu đỏ máu.
Tôi chú ý đi theo đường vòng ra cửa để tránh Hopper. Hắn hét to:
– Seabright! Không được ra, đưa chìa khóa đây!
Nhưng tôi đã vặn được quả đấm cửa. Vừa lúc tôi lùi lại để mở cửa ra thì Hopper hét to lên một tiếng và nhảy chồm lại phía tôi.
Cái giường rung lên nhưng không xê dịch, Hopper đổ người xuống, các móng tay của hắn cào xuống mặt sàn cách tôi không đầy một mét.
Người tôi run bắn lên và tôi gần như ngã chúi xuống ngoài hành lang. Khi tôi đóng cửa phòng lại, Hopper còn hú lên một tiếng hú man rợ. Tôi đứng như trời trồng một lát, chân run lẩy bẩy, ngực đập theo trống làng. Mãi sau mới lấy lại can đảm, men theo tường đi qua cửa bốn căn phòng để tới cuối hành lang. Bàn tay tôi đẫm mồ hôi vẽ thành một vệt trên tấm cao su lát tường trước khi nắm được vào quả đấm. Nhưng giật mãi không được. Căn phòng được khóa chắc chắn không khác gì những lăng tẩm của vua Ai Cập!
Ý nghĩ phải quay trở lại căn phòng đẫm máu vừa rồi làm tôi rùng mình sợ hãi. Tôi tì vai vào cửa, cố sức đẩy ra nhưng việc làm của tôi cũng giống như động tác húc đầu vào bức tường thành ở bên Tàu vậy. Tôi đi ngược lại cuối hành lang, đứng nhìn cái cửa sổ. Muốn bẻ một thanh chấn song phải có một cái giũa thật tốt và nửa ngày làm cật sức. Tôi lại ước ao có một cái gậy cao su, để đứng núp vào một bên, chờ có một nhân viên nào đó mở cửa đi ra. Thế mới biết, Malloy cũng có nhiều sáng kiến!
Tôi quay lại, đi dọc theo hành lang. Cửa phòng thứ nhất không khóa. Tôi mở cửa bật đèn ngó vào. Bên trong đồ đạc sơ sài nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Tôi đoán đây là phòng của Quell. Tôi bước vào, thấy một áo choàng trắng trên mắc áo, mặc vào người và chú ý tìm một vật gì đó để làm vũ khí, nhưng chẳng kiếm được cái gì cả.
Phòng bên cũng không khóa. Ở đầu một cái giường nom khá bẩn, có tấm hình một cô gái mặc đồ tắm hai mảnh nhỏ xíu treo trên tường. Cô ta cười với tôi, nhưng tôi không đáp lại. Đây chắc là căn phòng của Bland.
Tôi bước vào, mở tủ thấy có một bộ quần áo thường phục và một đôi giày. Tôi liền cởi bỏ bộ quần áo đang mặc, thay vào bộ đồ của Bland. Tuy hơi rộng, nhưng nếu cần phải đấu sức, mặc như thế này nhất định tốt hơn đi chân đất với bộ quần áo ngủ rồi. Tôi còn nhìn thấy trong ngăn kéo dưới cùng một cái gậy cao su và một chai Uýtki. Tôi gài chiếc gậy vào thắt lưng rồi mở chai rượu, tu luôn một ngụm. Vị rượu êm như nhung, nhưng khi chảy tới dạ dày của tôi lại truyền cho tôi sức nóng âm ỉ của trái mìn sắp nổ.
Tôi nghĩ bụng “Rượu gì mà ngon thế!” rồi lại tu thử một ngụm nữa. Vẫn tuyệt như lúc nãy. Tôi thấy người tỉnh táo và khỏe hẳn ra. Tôi vừa định mở cửa bước ra ngoài thì
nghe thấy có tiếng động: Cô ta không trông thấy tôi, dù lúc đi qua chỉ cách tôi vài centimét. Cô mở cánh cửa ở gần cuối hành lang bước vào trong một căn phòng mờ tối rồi khép cửa lại. Tôi nín thở, chờ đợi. Thời gian trôi qua, cơn mưa đổ sập xuống ngoài trời, rơi xuống mọi vật kêu lộp độp. Tôi không muốn dùng vũ lực với cô y tá trừ trường hợp thật bất đắc dĩ vì tôi vốn dĩ là một người có tình cảm hơi nhu nhược. Tôi không đánh phụ nữ bao giờ mà thường thường bị họ uy hiếp nhiều hơn.
Cô y tá ra khỏi phòng, đi tới cuối hành lang, rút một chiếc chìa khóa ra khỏi túi, cho vào ổ khóa và mở cánh cửa lớn. Tôi nhìn thấy một cầu thang đi xuống tầng dưới, vội chạy tới. Nhưng cô ta đã đóng cửa lại.
Tôi tự an ủi: “Dù sao mình cũng chưa muốn thoát khỏi nơi đây ngay bây giờ. Thử vào phòng vừa rồi coi, may ra…”.
Tôi rút chiếc gậy cao su ra, cầm ở tay rồi rón rén mở cửa vào căn phòng cô y tá vừa ra. Căn phòng này giống hệt như phòng của tôi bị nhốt cùng Hopper.
Trong phòng chỉ có hai giường. Trên giường kê đối diện với cửa ra vào có một người đàn bà đang nằm. Làn ánh sáng nhẹ của ngọn đèn ở đầu giường chiếu từ trên cao xuống cho thấy màu da của người bệnh cũng gần trắng như màu tấm khăn trải giường. Mớ tóc màu vàng xõa ra trên gối. Người đàn bà nằm im lìm, mắt nhìn lên trần nhà như kẻ đang ở tình trạng tuyệt vọng không cùng.
Tôi đẩy cửa rón rén đi vào rồi đóng cửa lại. Tôi sợ cô ta sợ hãi, sẽ kêu to lên, nhưng những tấm cao su dán vào tường và cửa làm cho tôi yên trí. Nếu cô ta la lên, cũng không ai nghe tiếng. Nhưng cô ta không kêu, còn tôi, tôi vẫn rụt rè chờ đợi, không muốn làm cô ta hốt hoảng. Cô đưa mắt từ từ chuyển từ trên trần, tới bức tường đi xuống rồi dừng lại ở chỗ tôi đứng. Bốn mắt chúng tôi nhìn nhau.
Người phụ nữ trẻ nhìn tôi quan sát, hai mắt mở to, đường gân trên thái dương dần dật. Tôi có lấy giọng thật êm nhẹ.
– Chào cô!
Tôi lại cười, ra vẻ thật hiền lành dễ thương, theo đúng truyền thống, của dòng giống họ hàng Malloy. Cô ta không la hét, không định bám lên trần để chạy trốn, nhưng da mặt vẫn tiếp tục có chỗ nhẩy nhẩy.
– Tôi là một thám tử, tới đây để đưa cô về nhà.
Bây giờ đứng ngay bên cạnh, tôi có thể nhận thấy con ngươi mắt cô màu lơ lơ có một lỗ đồng tử rất nhỏ. Chứng tỏ cô bị chích thuốc nhiều nên lúc nào cũng ở trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Cô ta bảo tôi.
– Tôi không có quần áo. Họ đã lấy hết của tôi rồi.
– Tôi sẽ kiếm cho cô. Bây giờ, cô thấy trong người có khỏe không?
Cô ta lắc đầu qua lại trên gối, rồi nói:
– Khỏe. Nhưng tôi không nhớ tôi là ai nữa. Cái ông tóc trắng đã bảo rằng, tôi bị mất trí nhớ. Ông ta là người rất tốt, đúng không?
– Để tôi xem đã. Nhưng cô có muốn về nhà không? Có chứ.
– Tôi không có nhà nữa. Người ta đã đánh mất địa chỉ của tôi, và đang đi tìm. Ông đã tìm thấy chưa?
– Rồi. Bởi vậy tôi mới tới đây để đón cô.
Cô ta cau mày, suy nghĩ rồi hỏi:
– Vậy ông có biết tôi là ai không?
– Cô tên là Anona Freedlander, đã sinh sống ở San Francisco.
– Vậy à? Thế mà tôi không nhớ nữa.
Cô ta duỗi một cánh tay trần ra khỏi chiếc mền để vuốt tóc. Tôi để ý thấy vô số vết chích nhỏ trên làn da trắng.
– Cô có thể ra khỏi giường không?
– Tôi chỉ buồn ngủ thôi.
– Được rồi. Cô cứ ngủ đi, cho thật khỏe. Chúng ta chưa cần đi ngay đâu.
– Tôi đã nói với ông, tôi không có quần áo. Ngay cả chiếc áo ngủ, tôi cũng đã vứt nó lại ở bồn tắm rồi.
– Không sao, cô cứ yên trí. Bao giờ cần đi, tôi sẽ kiếm đủ đồ cho cô mặc.
Cô ta nhắm mắt lại rồi lại cố gắng mở ra, nói:
– Ông tử tế với tôi quá. Ông tên là gì? Để tôi cố nhớ. Trí óc tôi tồi quá!
– Malloy! Thám tử Vic Malloy!
Mắt cô khép lại. Tôi cúi xuống xem những phản ứng của cô và giữa lúc tôi đã yên trí cô đã chìm đắm vào giấc ngủ rồi, thì cô lại cất tiếng nói như trong mơ:
– Tôi không thể thức tỉnh lâu được… Cô ấy đã giết… ông có biết không? Trước mắt tôi… Cô ấy đã nâng súng lên và bóp cò. Thật khủng khiếp!
Lần này thì cô ta ngủ thật. Liều thuốc mà người nữ y tá vừa chích cho cô vừa rồi đã nhấn chìm cô vào một thế giới lãng quên ít nhất cho tới ngày mai. Nếu tôi tìm được cách trốn khỏi nơi đây, tôi sẽ bế cô theo bằng cách quấn cô trong một cái chăn. Nếu cô tự đi được, phải kiếm cho cô bộ quần áo.
Có một cái tủ ngăn gần đấy. Tôi lại mở tủ thấy bên trong có một cái áo choàng mặc lúc đi ngủ, một đôi dép và hai cái vali. Tôi mở cái vali có đề tên tắt: A.F. và thấy bên trong có đủ một bộ đồ hoàn chỉnh cho phụ nữ. Kèm thêm một bộ quần áo của nữ y tá.
Trong một cái túi nhỏ ở cạnh bên trong nắp vali có một quyển sổ nhật ký nhỏ màu xanh.
Tôi dở nhanh và đọc lướt. Nhật ký không ghi liên tục nhưng cái tên “Jack” được nhắc tới nhiều lần. Tôi đoán, có thể đây là Jack Brett, người thủy thủ đào ngũ mà có lần Mifflin đã nói với tôi.
24-1: Đi coi xinê với Jack (7,45g)
28-1 – Ăn chiều ở nhà hàng Etoile. Hẹn Jack đóng lúc 6,30 giờ.
29-1 – Cùng nghỉ cuối tuần ở nhà.
Bẵng một thời gian không ghi cho tới tháng ba.
10-3 – Không có tin tức gì về Jack.
12-3 – Bác sĩ Salzer đề nghị mình phục vụ ở một nơi đặc biệt. Mình đã nhận lời.
16-3 – Bắt đầu làm việc tại Crestways.
18-3 – M. Crosby chết.
Phần cuối cuốn sổ để trống như số phận của Anona kể từ ngày buồn đáng ghi nhớ từ đó tới nay. Cô ta đã nhận tới Crestways để phục vụ cho một người nào đó trong gia đình Crosby, và bị mang đi nhốt lại tại căn phòng này đã hai năm rồi, bị liên tục chích thuốc ngủ hoặc dược liệu khác để làm cho óc cô quên hết những gì, lẽ ra cô không nên biết. Những cảnh tượng hãi hùng nào đó, vẫn còn in đậm trong trí cô.
Tôi chăm chú nhìn khuôn mặt bình thản của cô gái. Có thể trước kia, cô là một người ngay thẳng, can đảm và cương quyết không dễ mua chuộc bằng tiền, khó khuất phục bằng chức quyền. Rất có thể, cô đã yêu cầu phải báo việc đó với cảnh sát, pháp luật. Và thế là người ta đã nghĩ cách buộc cô phải im hơi, lặng tiếng.
Tôi gãi cằm – một cử chỉ tự nhiên khi bận suy nghĩ việc gì – và ngắm nghía quyển sổ nhỏ để trong lòng bàn tay. Bây giờ, đã đến lúc phải trốn, và trốn cho mau.
Vừa nghĩ tới đó thì bỗng gian phòng rung chuyển và có tiếng đổ ầm ầm như bị động đất hay sụt móng nhà. Tôi nhảy tới cánh cửa, mở vội để lọt ra ngoài. Hành lang bên ngoài bụi mù vì một bức tường bị đổ. Giữa đống gạch cùng xi măng, nổi lên hai bóng người: Kerman và trung úy cảnh sát mê cá ngựa Mike Finegan! Họ đang chạy về phía phòng của Hopper, tay cầm súng ngắn. Tôi không ngăn nổi tiếng reo lên vui mừng “Hô-ô” làm cho họ đứng sững lại và quay súng về phía tôi.
Bộ mặt của Kerman đang căng thẳng bỗng biến đổi vì một nụ cười rộng mở. Cậu ta hí hửng nắm lấy tay tôi, lại còn nói lớn pha trò:
– Nhân viên “Universal Service” có mặt! Sẵn sàng chờ lệnh thủ trưởng! Có cần phải kiếm một ly sâm banh uống mừng hay không?
Mike thì chúc mừng tôi bằng một cái phát vào vai khiến tôi lảo đảo đứng không vững, nhưng cũng vội nói ngay:
– Trước tiên cần phải có một chiếc xe cứu thương để chở một cô gái trong bộ đồ đơn giản nhất như khi mới sinh ra đời, đi theo chúng ta. Nhưng các cậu làm thế nào mà lọt được vào đây?
Kerman vẫn toét miệng ra cười:
– Tụi này vừa dùng một phương pháp thật đặc biệt: nối mấy cái chấn song cửa sổ với một cái xe tải loại mười tấn! Thế nào, cô gái kia đâu?
Tôi liếc nhìn về phía cửa sổ, bây giờ chỉ còn là một lỗ thủng to tướng rồi đẩy Kerman về phía phòng Anona. Chưa đầy mười giây, chúng tôi đã quấn được tấm vải trải giường vào người Anona đang ngủ mê man, rồi vác cô ta ra khỏi phòng – Tôi bảo Mike:
– Anh bảo vệ để chúng tôi chui ra trước. Nếu cần phải nổ súng cũng đừng do dự.
Kerman chìa vai ra bảo:
– Đặt em lên đây. Còn một cái thang nữa ở dưới cửa sổ bên kia đấy. – Tôi giúp Kerman vác Anona vượt qua lỗ hổng. Một cánh tay và một cái đùi trần của cô gái thõng xuống hai bên vai Kerman lọt ra ngoài tấm vải. Anh chàng phấn khởi, vừa xuống thang vừa bảo:
– Bây giờ tớ mới hiểu, tại sao nhiều chàng trai khoái nghề lính chữa cháy thế!
Dưới chân thang ngoài đường, Paula đang ngồi trong phòng lái một chiếc camiông to tướng. Nàng giơ tay làm hiệu chúc mừng tôi.
Tôi gọi: – Xong rồi! Mike, ra đi! Lúc Mike cùng ngồi lên xe, cánh cửa lớn trong hành lang ngôi nhà mở ra, mụ y tá mặt lưỡi cày xuất hiện. Quang cảnh trong hành lang làm mụ há hốc miệng, một lúc mới kêu lên thành tiếng. Paula lập tức cho xe lăn bánh và tăng tốc độ. Trong khi Kerman ngắm nhìn Anona nằm trên sàn xe, vừa xoa xoa mấy sợi ria, vừa bảo:
– Nếu biết em xinh đến thế này, thì anh đã tới cứu sớm hơn!