Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông

Phần I – Những Dữ Kiện – VII. Nạn Nhân



Theo sau là bác sĩ Constantine, Poirot bước sang toa kế tiếp và vào phòng nạn nhân. Người phục vụ mở cửa cho họ bằng chìa khóa của mình. 

Poirot hỏi khi bước vào phòng : 

– Có gì bị xê dịch không ? 

– Không một vật gì được di chuyển. Tôi cũng tránh không lật xác nạn nhân lại khi khám xét. – Bác sĩ 

Constantine nói. 

Poirot nhìn xung quanh một cách vừa ý. 

Điều làm cho ông chú ý trước tiên là cái lạnh khủng khiếp đang tràn vào phòng qua cửa sổ vẫn còn mở. 

– Ôi, lạnh quá. – Poirot thốt lên. 

– Tôi nghĩ là nên để mọi vật ở đúng vị trí cũ nên đã không đóng cửa. – Bác sĩ Constantine vừa nói vừa cười. 

Poirot xem xét cửa sổ. 

– Ông có lý đấy. Không có ai ra khỏi nơi đây bằng ngả này. Cánh cửa sổ này mở là cố tình làm cho ta lầm tưởng. Tuyết đã làm hỏng ý định của kẻ sát nhân. 

– Không có dấu vết, điều đó chứng tỏ là người ta đã xóa hết vết tích. Nếu có, thì chúng cũng không cho ta biết thêm gì vì đó cũng chỉ là dấu tích của Ratchett. Ở thời đại chúng ta thì những kẻ sát nhân không ngờ nghệch đến thế. Thời chúng ta hãy kéo cửa kính này xuống, không thôi thì cứ như là ở trong tủ lạnh. 

Sau khi kéo cửa sổ xuống, Poirot quay sang nhìn xác chết. 

– Ratchett nằm ngửa. Cái áo ngủ dính đầy máu được mở tung ra. 

– Tôi muốn xem tình trạng những vết thương. – Bác sĩ Constantine giải thích. 

Poirot cúi xuống bên xác chết rồi ngẩng lên, nhăn mặt nói: 

– Trông thật ghê rợn. Kẻ sát nhân phải đứng ở đây và đâm nhiều lần. Có tất cả bao nhiêu vết thương nhỉ ? 

-Tôi đếm được mười hai vết. Một hay hai nhát chỉ là những vết trầy thôi. Vả lại ba nhát cũng đủ làm nạn nhân chết rồi. 

Có một cái gì đó trong giọng nói của bác sĩ Constantine làm Poirot ngạc nhiên. Poirot thấy bác sĩ đang nhíu mày nhìn xác Ratchett. 

– Ông vừa tìm thấy một điều gì bất ổn phải không ? Ổng hãy cho tôi biết điều gì làm ông ngạc nhiên đi. 

– Tôi nhận thấy có một sự kiện lạ lùng. 

– Điều gì ? 

– Ông hãy nhìn hai vết đâm này, vết này và vết kia (vừa nói Constantine vừa chỉ hai nhát đâm cho Poirot) chúng rất sâu … chắc phải chạm vào động mạch, vậy mà chúng lại không rộng ; Bình thường hai vết này phải gây ra xuất huyết nhiều, vậy mà . 

– Điều đó chứng tỏ ? 

– Rằng Ratchett đã chết một lúc rồi mới bị đâm hai nhát này … nhưng điều đó thật vô lý. 

– Trừ phi, – Poirot trầm ngâm nói, – tên sát nhân tưởng là nạn nhân chưa chết, đã trở lại đâm tiếp hai nhát này cho chắc ăn. Nhưng giả thuyết này không hợp lý chút nào. Bác sĩ còn thấy thêm gì không ? 

– Có, còn một chi tiết nữa. 

– Chi tiết gì ? 

– Ông thấy vết thương này chứ … dưới cánh tay phải, gần vai. Hãy cầm lấy bút chì của tôi và hãy thử đâm như thế đi. 

Poirot hạ mạnh cánh tay xuống. 

– Tôi hiểu. Với tay mặt thì gần như không thể đâm được như thế. Muốn như vậy ta phải gần như bẻ quặt cổ tay lại. Nhưng nếu đâm bằng tay trái thì. 

– Đúng đấy ông Poirot ạ, vết đâm này phải do tay trái gây ra. 

– Như vậy tên sát nhân của ta thuận tay trái à ? Đâu đơn giản thế được, phải không bác sĩ? 

– Ông có lý đấy ông Poirot ạ. Một vài vết đâm rõ ràng được gây ra bởi tay phải. 

– Hai sát nhân à. Đèn có được bật sáng không nhỉ ? – Poirot đột ngột hỏi. 

– Thật khó nói. Mỗi sáng, nhân viên tàu cúp cầu dao lúc 10 giờ. 

– Chúng ta hãy thử xem công tắc, – Poirot nói. 

Poirot xem công tắc đèn trần và đèn ngủ cạnh giường. 

– Như thế là tất cả đèn đều đã được tắt. Chúng ta đang đứng trước giả thuyết kẻ sát nhân thứ nhất và kẻ sát nhân thứ nhì như Shakespeare nói. Tên sát nhân thứ nhất đâm xong nạn nhân ra khỏi phòng sau khi đã tắt đèn. Tên sát nhân thứ hai lọt vào phòng và trong bóng tối không biết là công việc đã có người đến trước làm rồi, đâm thêm ít nhất là hai nhất nữa. Ông nghĩ sao về ý kiến này ? 

– Tuyệt quá – bác sĩ Constantine thốt lên – ông nghĩ thế à ? Như thế là tôi yên trí – Chỉ sợ rằng đã nói lên một điều vô lý thôi. 

– Vậy thì làm thế nào để giải thích hai vết đâm sau này ? 

– Tôi cũng chưa biết. Còn thêm chi tiết nào về việc có hai tên sát nhân không ? 

– Tôi nghĩ có thể chứng minh điều đó. Một vài nhát đâm cho thấy sự yếu đuối thiếu sức mạnh và ý chí …trong khi đó nhát này và nhát kia (ông ta chỉ hai vết đâm đã khép lại) đòi hỏi một sức mạnh thể xác. 

– Theo ông thì chỉ có một người đàn ông mới có thể đâm như thế à ? 

– Tôi gần như chắc chắn điều đó. 

– Một người đàn bà không làm được sao ? 

– Một phụ nữ còn trẻ, tràn đầy sức sống, một lực sĩ thì có thể được. Đặc biệt là nếu cô ta đang bị xúc động mạnh. Nhưng theo lời, thì điều ấy hầu như không thể xảy ra được. 

Poirot im lặng. 

Ngạc nhiên, bác sĩ Constantine hỏi ;. 

– Ông hiểu quan điểm của tôi chứ? 

– Vâng, – Poirot nói – Tất cả đều rõ ràng ! Kẻ sát nhân là một người đàn ông khỏe mạnh, nếu yếu, đó là một người đàn bà. Hắn có thể thuận tay phải, tay trái. Ôi ! Thật buồn cười. – Poirot tiếp bằng một giọng tức giận. 

– Còn nạn nhân ? Nạn nhân thì sao ? ông ta không hét à ? ông ta có giãy giụa, có chống cự không ? 

– Luồn tay dưới gối, Poirot rút ra khẩu súng lục mà Ratchett đã cho ông xem. 

– Đầy đạn, bác sĩ hãy xem đi !. 

Cả hai người đều nhìn quanh phòng. Quần áo của Ratchett treo ở máng áo cạnh vách. Trên bàn có nhiều đồ dùng khác nhau. Trong một cái ly là hàm răng giả của Ratchett và cạnh chai nước suối là một cái ly không, một bình nước một gạt tàn đựng những mẫu xì-gà, những mảnh giấy bị đốt cháy; và hai que diêm đã được sử dụng. 

Bác sĩ Constantine cầm lấy cái ly và ngửi. 

– Đây là những bằng chứng về việc bất động của nạn nhân. 

– Người ta đã cho ông ấy uống thuốc ngủ ả ? 

– Phải. 

Poirot nhặt hai que diêm và xem xét kỹ. 

– Ông có tìm thấy gì không ? – Bác sĩ Constantine hỏi . 

– Hai que diêm này có hình dáng khác nhau. Một que có đầu dẹp hơn que kia. 

– Những que đầu dẹp được bán trên tàu. 

Poirot lục túi của Ratchett và kéo ra một bao diêm, ông lấy một que so sánh với hai que diêm đã được sử dụng. 

– Que diêm có đầu tròn là do Ratchett đốt. Thử xem ông ta có que diêm dẹp không? 

Poirot lục soát lại, nhưng vô hiệu. 

Cặp mắt của Poirot nhanh nhẹn và soi mói như mắt chim không bỏ sót một góc nào của căn phòng. 

Bỗng nhiên Poirot kêu lên và cúi xuống lượm một vật gì trên thảm : Một mảnh vải mỏng có thêu chữ “H” ở góc : 

– Đây là khăn tay của một người đàn bà, bác sĩ Constantine nhận xét. Anh xếp tàu đã không lầm khi nói có một người đàn bà trong vụ này. 

– Do một sự ngẫu nhiên, cô ta đã để rơi chiếc khăn tay, – Poirot giải thích, – cứ giống như trong tiểu thuyết hay trong những phim trinh thám. Và để làm cho công việc của chúng ta dễ dàng hơn, chiếc khăn tay lại có chữ đầu. 

– Một dấu hiệu hơi thừa, phải không? 

Giọng của Poirot làm bác sĩ Constantine ngạc nhiên. Không đủ cho ông ta có thì giờ hỏi, Poirot lại cúi xuống đất. Lần này thì ông lượm lên một cái nạo ống điếu. 

– Vật này có lẽ của ông Ratchett, – bác sĩ Constantine nói. 

– Tôi không tìm thấy ống điếu, thuốc lá và hộp đựng thuốc ở trong túi nạn nhân. 

– Trong trường hợp này thì hai vật ấy cũng là những tang vật. 

– Đúng thế. Và nó đến thật đúng lúc. Lần này là đồ dùng của một kẻ hay hút thuốc. Chúng ta không nên than vãn vì thiếu manh mối. Chúng rất nhiều nữa là khác. Không hiểu vũ khí giết người đâu nhỉ ? 

– Tôi chẳng thấy dấu vết nó. Có lẽ tên sát nhân đã mang theo rồi. 

– Vì lý do gì ? 

– Điều đó thì. 

Bác sĩ Constantine lại tìm một lần nữa trong túi nạn nhân. 

– Ủa, tôi không để ý đến cái này. 

Từ trong túi áo, ông lôi ra một cái đồng hồ bằng vàng. Cái vỏ đã bị móp méo và kim đồng hồ chỉ 1 giờ 15. 

– Ông thấy đấy, chúng ta biết giờ xảy ra án mạng rồi. Dự đoán của tôi khá đúng. Vụ ám sát xảy ra giữa 12 giờ khuya và 2 giờ sáng và tôi đã thêm : khoảng 1 giờ sáng. Và đây là bằng chứng vụ án xảy ra lúc 1 giờ 15. 

– Có thể, rất có thể!. 

Bác sĩ Constantine đưa mắt nhìn Poirot dò hỏi. 

– Xin lỗi ông Poirot, nhưng tôi không hiểu ông. 

– Tôi còn chưa hiểu tôi, và tôi hoàn toàn không hiểu gì về vụ án này. Điều đó làm tôi rất ngạc nhiên. 

Buông một tiếng thở dài, Poirot cúi xuống bàn và nhìn những mảnh giấy đã bị đốt cháy. 

– Điều tôi cần bây giờ, – Poirot nói, – là một hộp đựng mũ theo mốt cổ điển. 

Bác sĩ Constantine không hiểu gì về câu nói của Poirot. Không để ông hỏi, Poirot mở cửa và gọi nhân viên phục vụ. 

– Có bao nhiêu bà du lịch trong toa tàu này ? 

– Anh đếm trên đầu ngón tay. 

– Một, hai, ba … sáu thưa ông. Bà Mỹ già, bà Thụy Điển, cô gái người Anh trẻ, quận chúa Andrenyi và công chúa Dragomiroff với người hầu phòng của bà. 

Poirot suy nghĩ một lúc. 

– Tất cả những bà này đều có hộp đựng mũ chứ ? 1 

– Thưa ông vâng. 

– Anh đem đến cho tôi hộp đựng mũ của bà người Thụy Điển và của cô hầu phòng. Hãy nói với họ là thuế vụ đòi xét hay là anh hãy bịa cho họ mọi lý do cần thiết. 

– Tất cả sẽ ổn thôi thưa ông. Hiện giờ thì cả hai bà đều không có trong phòng. 

– Vậy, anh hãy làm nhanh đi. 

Anh ta đi một lúc và trở lại với hai hộp đựng mũ. Poirot mở hộp của cô hầu phòng sau khi xem xong ông đẩy qua một bên. Khi mở hộp đựng mũ kia ra, ông reo lên vui mừng. Lấy những cái mũ ra một cách cẩn thận, ông trông thấy những cuộn nhỏ bằng kim khí mảnh. 

– Đây, cái chúng ta cần đây rồi. Cách đây mười lăm năm, tất cả những hộp đựng mũ đều được làm theo kiểu này. Người ta gắn mũ với những kim dài vào những cuộn này. 

Vừa nói Poirot vừa gỡ hai cuộn ra. Sau đó ông lại để những cái mũ vào chỗ cũ. 

Cánh cửa vừa đóng lại, Poirot quay sang bác sĩ Constantine. 

– Ông hiểu chứ ? tôi không phải là người dựa vào hoàn toàn cách làm việc của những chuyên viên trong một vụ án. Tôi nghiên cứu khía cạnh tâm lý, những vết tay hay đến những tàn thuốc lá. Nhưng trong trường hợp này, tôi sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của một nhà khoa học (như ông đây). Trong phòng này đầy những dấu hiệu nhưng làm thế nào để biết là chúng không phải do kẻ sát nhân tạo ra. 

– Đến đây tôi không còn hiểu được ông nữa. 

– Đây nhé, một ví dụ. Chúng ta tìm thấy một khăn tay phụ nữ. Có thật là một người đàn bà đã làm rơi nó không ? Nếu kẻ sát nhân là một người đàn ông, hắn có thể đã lý luận, như sau :” Để cho người ta lầm tưởng thủ phạm là một người đàn bà, ta sẽ đâm nạn nhân vài nhát trông có vẻ nhẹ và vô hại. Sau đó ta sẽ để rơi khăn tay này, chắc chắn họ sẽ tìm ra nó”, đó là giả thuyết thứ nhất . Một giả thuyết khác: một người đàn bà là sát nhân và đã làm rơi một cái nạo ống điểu. Chúng ta có thể kết luận ra hai kẻ, một nam và một nữ đã hành động một cách độc lập và dù vô ý để quên một vật có thể giúp ta nhận diện ra họ. Sự trùng hợp này khó tin lắm. 

– Cái hộp đựng mũ giữ vai trò gì ở đây ? 

– Chúng ta sắp nói đến nó đây. Như tôi đã nói lúc này, cái đồng hồ ngừng chạy, chiếc khăn tay, cái nạo ống điếu có thể là những dấu vết thật hoặc giả tạo. Cho đến gíờ phút này, tôi chưa khẳng định được điều gì. Nhưng tôi đã tìm ra một dấu tích mà theo tôi không phải là giả tạo. Tôi muốn nói đến que diêm dẹp đầu. Theo tôi, người ta đã dùng nó để đốt một mảnh giấy bất lợi hoặc một cái thơ mà lời lẽ có thể cho ta biết danh tánh của kẻ sát nhân. Tôi sẽ cố gắng làm sáng tỏ điều này. 

Poirot rời khỏi phòng và trở lại vài phút sau đó, mang theo một bếp nấu bằng alcôn và một que sắt để uốn… tóc. 

– Tôi dùng nó cho bộ ria của tôi, – Poirot giải thích. 

Ngạc nhiên, bác sĩ Constantine nhìn Poirot kéo thẳng hai miếng thiếc của ông lấy từ trong hộp đựng mũ, quấn một đầu của miếng giấy bị đốt trên một ống và trải đầu giấy còn lại lên trên. Sau đó ông cầm tất cả bằng cái kẹp và đặt trên lò đã bật. 

– Đây chỉ là một cách làm tạm bợ nhưng mong rằng sẽ thành công. 

Mảnh thiếc bắt đầu rực nóng rồi bỗng nhiên trên miếng giấy đen đã bắt đầu nổi lên những chữ như bị nung bằng lửa. Người ta có thể đọc được phần cuối của một câu : 

– … hơ đến cô bé Daisy Armstrong. 

– Điều này giúp gì ông không ? Bác sĩ Constantine hỏi. 

Mắt sáng lên, Poirot để cái kẹp xuống ;. 

– Có chứ. Bây giờ thì tôi biết rõ tên thật của nạn nhân và lý do ông ta không còn ở Hoa Kỳ nữa. 

– Ông ta tên thật là gì ? 

– Cassetti. 

– Cassetti ! … cái tên làm tôi nhớ đến, không biết rõ …, có phải đây là tên một vụ đã xảy ra tại Hoa Kỳ không ? 

– Phải, – Poirot đáp, nhưng thay vì giải thích rõ, Poirot nhìn xung quanh và kết luận : 

– Lát nữa chúng ta sẽ trở lại vấn đề. Chúng ta hãy xem kỹ một lần nữa xem có còn bỏ sót gì trong phòng này không ? 

Bằng bàn tay lanh lợi, Poirot soát lại túi của nạn nhân một lần nữa, nhưng không còn tìm thấy gì. Sau đó Poirot mở thử cửa ăn thông sang phòng bên, nhưng cửa bên kia đã cài chốt. 

– Còn một điều làm tôi ngạc nhiên, bác sĩ Constantine nhận xét. Nếu kẻ sát nhân đã trốn ra bằng cửa sổ, nếu cửa thông qua phòng bên khóa phía bên kia, và nếu cánh cửa hành lang không những khóa mà còn cài dây xích an toàn, vậy thì sát nhân đã trốn thoát bằng cửa nào ? 

– Đó là điều mà khán giả muốn biết khi xem một nhà ảo thuật trình diễn màn bị bó tay bó chân … nhốt trong tủ. 

– Ông nói sao ? 

– Tôi muốn nói, rằng, – Poirot giải thích, – nếu kẻ sát nhân muốn ta lầm tưởng hắn đã nhảy qua cửa sổ, hắn sẽ làm cách nào cho hai lối thoát kia trở nên vô dụng. Giống như nhà ảo thuật cột lấy chân nằm trong tủ,phải có cách để ra. Chúng ta phải lột mặt nạ nó. 

Nói xong, Poirot đưa tay gài chốt cánh cửa ăn thông qua phòng bên và giải thích : 

– Phòng hờ lỡ bà Hubbard tò mò muốn biết những chi tiết về vụ án để kế cho co con gái bà ta. 

Poirot nhìn qua căn phòng một lần cuối và nói : 

– Không còn việc gì phải làm nữa. Chúng ta hãy ra gặp ông Bouc.

——————————–

1Phụ nữ thời bấy giờ đều đội mũ. Để giữ cho mũ khỏi hỏng, họ đều cất mũ trong những hộp các tông lớn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.