Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông

Phần II – Cuộc Thẩm Vấn – VII. Cuộc Hỏi Cung Vợ Chồng Quận Chúa Andrenyi Được Mời



Vợ chồng Quận công Andrenyi được mời đến nhưng chỉ có Andrenyi đến một mình, không có vợ. 

Đó là một người đàn ông đẹp trai, vai rộng, người cao khoảng 1m80. Ông mặc một bộ đồ may cắt rất sắc sảo. 

– Tôi có thể giúp gì được ông? 

– Chắc ông hiểu, – Poirot nói, sau biến cố đêm qua, bổn phận của tôi là phải nói chuyện với tất cả những hành khách trên tàu. 

– Dĩ nhiên rồi. Nhưng tôi nghĩ rằng tôi và vợ tôi cũng không giúp gì nhiều cho các ông vì chúng tôi ngủ suốt đêm qua. 

– Ông có biết danh tánh của nạn nhân không: 

– Hình như đó là một người đàn ông người Mỹ …một người có gương mặt không gây thiện cảm, ngồi ở bàn ăn kia lúc ăn trưa phải không ạ? 

Vừa nói, Quận công Andrenyi vừa hất đầu về phía bàn Ratchett và Mac Queen đã ngồi tối qua. 

– Phải chính ông ta đấy. Tôi muốn biết xem Quận công có biết tên ông ta không? 

– Hoàn toàn không. Nếu ông muốn biết rõ họ tên ông hãy xem thông hành của ông ấy. 

– Tên trên thông hành chỉ là tên giả. Thật ra tên nạn nhân là Cassetti, kẻ đã bất cóc trẻ con ở Mỹ. 

Vừa nói, Poirot vừa quan sát nét mặt của Andrenyi. Nhưng ông ta hoàn toàn thờ ơ và nói rất tự nhiên: 

– Đây là một điều giúp ích cho cuộc điều tra đấy! Nước Mỹ thật bí hiểm. 

– Chắc ông đã sang đấy rồi. 

– Tôi đã sống một năm ở Washington. 

– Chắc ông biết gia đình Armstrong. 

– Armstrong … Armstrong … Tôi không còn nhớ nữa. Tôi gặp biết bao nhiêu người! Quay lại vấn đề, ông cần biết gì? 

– Tối qua ông đã về phòng lúc nào? 

Hercule Poirot liếc mắt nhìn tấm sơ đồ để trước mặt. Vợ chồng Quận công Andrenyi ở 2 phòng. 

– Một phòng đã dọn trước trong khi chúng tôi dùng bữa tối tại toa ăn. Chúng tôi đã trở lại phòng chưa được sửa soạn để nói chuyện một lúc … 

– Phòng nào? 

– Phòng số 13. Chúng tôi đã chơi bài. Khoảng 11 giờ, vợ tôi đi ngủ. Nhân viên đã làm giường cho tôi và tôi cũng đi ngủ cho đến sáng. 

– Ông có nhận thấy tàu đã ngừng chạy không? 

– Không, mãi cho đến sáng tôi mới biết. 

– Còn bà nhà? 

Quận công Andrenyi mỉm cưới: 

– Vợ tôi không bao giờ đi ngủ trên tàu mà không uống thuốc ngủ. Tối qua cô ấy cũng đã uống để ngủ. Tôi xin lỗi là không cho ông biết chi tiếc gì đặc sắc hơn. 

Poirot đưa cho Quận công một tờ giấy và cây bút mực: 

– Đây chỉ là một thủ tục bình thường, thưa Quận công. Xin ông vui lòng ghi tên vào đây và địa chỉ. 

– Có lẽ tôi nên viết thì hơn vì tên và chỗ tôi ở khó viết đối với những người không thành thạo tiếng nước tôi. 

Viết xong Andrenyi trao lại tờ giấy cho Poirot và đứng dậy. 

– Chắc vợ tôi cũng không cần thiết phải đến đây vì cô ấy cũng chỉ khai như tôi thôi. 

Mắt Poirot chợt lóe sáng. 

– Có lẽ thế, tuy nhiên tôi vẫn thích gặp bà nhà. 

– Tôi đã nói với ông là vô ích mà, giọng Quận công bỗng trở nên bực dọc. 

– Ồ, chỉ là một thủ tục bình thường thôi. Tôi cần làm một bản tường trình đầy đủ về cuộc điều tra. 

– Thôi cũng được. 

Andrenyi lộ miễn cưỡng. Ông ta ra khỏi phòng. 

Poirot cầm lấy tấm thông hành, nó có ghi rõ tên và chức vụ của Andrenyi, ngoài ra còn thêm: có vợ theo, tên Elene Maria, tên con gái (khi chưa lập gia đình): Goldenberg. Một nhân viên bất cẩn đã làm dây một vết mờ trên tấm thông hành. 

– Coi chừng đấy, – ông Bouc nói, đây là thông hành ngoại giao. Ông hãy dè đặt. Họ không thể dính líu đến một vụ án mạng. 

– Ông cứ yên tâm, tôi sẽ rất tế nhị. 

Bà Andrenyi xinh đẹp bước vào toa ăn. 

– Các ông muốn gặp tôi ? – Bà ta hỏi giọng rụt rè. 

– Thưa bà Quận công, đây chỉ là một thủ tục bình thường, mong bà thông cảm. 

Poirot đứng dậy, khẽ cúi mình và chỉ cho bà Ardrenyi cái ghế trước mặt. 

– Tôi muốn biết tối qua bà có trông thấy hoặc nghe một cái gì có thể làm sáng tỏ cho vụ án không ? 

– Không thấy, và nghe bất cứ một cái gì thưa ông. 

– Phải, tôi hiểu. Tôi sẽ không giữ bà lâu nữa. 

Bà Andrenyi vội vã đứng dậy. 

– Một phút nữa thôi bà. Những chi tiết trên giấy thông hành của bà có đúng không ? Tên bà khi chưa lấy ông nhà, tuổi … 

– Rất đúng thưa ông. 

– – Bà làm ơn ký tờ xác nhận này. 

Bà Andrenyi ký bằng nét chữ hơi xiên xiên Elena Andernyi. 

– Bà có đi cùng với ông nhà sang Mỹ không ? 

– Thưa không. (bà Andrenyi đỏ mặt mỉm cười). 

Lúc đó chúng tôi chưa lấy nhau. Chúng tôi mới thành hôn từ một năm nay thôi. 

– Xin thành thật cảm ơn bà. À, nhân thể, ông nhà có hút thuốc không ? 

Bà Andrenyi chăm chú nhìn Poirot. 

– Thưa có. 

– Hút ống điếu à ? 

– Thưa không, nhà tôi hút thuốc lá và xì gà. 

– Cám ơn bà nhiều. 

Trong vài giây, bà Andrenyi nhìn Poirot với cặp mắt đẹp và sâu thẳm dưới hàng mi dài và đen làm nổi bật nước da trắng xanh. Đôi môi tô đậm hé mở, bà Andrenyi có vẻ ngạc nhiên : 

– Tại sao ông lại hỏi tôi câu này ? 

– Như bà biết, một thám tử luôn luôn tò mò. Vì như bà có thể cho tôi biết màu áo khoác ngoài của bà không ? 

Bà Andrenyi bật cười : 

– Màu bắp. Điều đó có quan trọng không ? 

– Rất quan trọng thưa bà. 

– Như vậy ông thực sự là thám tử à ? 

– Vâng thưa bà. 

– Tôi cứ ngỡ là không có một cảnh sát nào trên tàu trong suốt cuộc hành trình qua Nam Tư … có nghịa là trước khi đến Ý. 

– Thưa bà, tôi không thuộc lực lượng cảnh sát Nam Tư, mà là một thám tử quốc tế. 

– Có lẽ ông thuộc liên đoàn các thám tử. 

Bằng một giọng đầy kịch tính, Poirot dõng dạc nói : 

– Tôi là người quốc tế. Tôi làm việc thường xuyên ở Luân Đôn. Bà biết nói tiếng Anh chứ ? 

– Có, nhưng rất ít. 

Một lần nữa, Poirot lại cúi xuống. 

– Tôi không giữ bà lại thêm nữa. Như bà thấy đó, cuộc phỏng vấn vừa rồi không có gì là kinh khủng cả. 

Bà Andrenyi mỉm cười, cúi đầu chào và ra khỏi phòng. 

– Bà ta đẹp thật ! – ông Bouc nói – Nhưng cuộc điều tra của chúng ta không tiến triển nhiều. – Ông Bouc khẽ thở dài. 

– Phải đấy. hai vợ chồng đều không hay biết gì. 

– Bây giờ chúng ta mời anh chàng người Ý nhé ? – Ông Bouc đề nghị. 

Poirot không trả lời ngay. Ông đang nhìn vết mờ trên tờ thông hành ngoại giao Hung.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.