Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông

Phần II – Cuộc Thẩm Vấn – X. Cuộc Hỏi Cung Người Ý



Với một nụ cười lém lỉnh, Poirot nói. 

– Và bây giờ chúng ta sẽ làm vừa lòng ông Bouc. Hãy mời anh chàng người Ý vào đây. 

Antonio Foscarelli nhanh nhẹn bước vào toa. Gương mặt rám nắng của anh ta hiểu lộ sự thoải mái hoàn toàn. 

Anh ta nói thông thạo tiếng Pháp. 

– Anh tên là Antonio Foscarelli ? 

– Thưa vâng. 

– Hình như anh đã nhập quốc tịch Mỹ? 

– Vâng, cho tiện công việc làm ăn. 

– Anh đại diện cho hãng xe hơi Ford à? 

– Phải… 

Sau đó Foscarelli kể lễ tỉ mỉ công việc làm ăn của anh ta, quan niệm của anh ta về nước Mỹ, điều kiện kinh tế… v… v… 

Gương mặt rạng rỡ, Foscarelli lau mồ hôi trán bằng khăn tay. 

– Như các ông thấy đấy, tôi làm ăn lớn. Tôi thích nghi với thời đại và tôi có khiếu về thương mại. 

– Như vậy anh đi đi về về giữa nước Mỹ và Châu âu đã mười năm nay rồi à ? 

– Vâng. Tôi vẫn còn nhớ lần đầu tiên tôi đi tàu thủy đến Hoa Kỳ. Xa ơi là xa ! Mẹ tôi và em gái tôi… 

Đến đây Poirot cắt ngang dòng tư tưởng của Foscarelli. Ông hỏi: 

– Trong khoảng thời gian anh ở Mỹ, anh có quen với người đàn ông bị giết đêm qua không ? 

– Chưa bao giờ ! Nhưng tôi biết hạng người này… bề ngoài có lẽ khả kính, lúc nào cũng ăn mặc gọn gàng nhưng tất cả chỉ là bề ngoài. Theo kinh nghiệm của tôi. Không cần phải biết rõ, tôi cũng có thể đoán hắn ta là một tên vô lại. Tôi chỉ nói ý kiến riêng của tôi thôi. 

– Hoàn toàn đúng. Poirot nói. Ratchett là Cassetti kẻ bắt cóc trẻ con. 

– Tôi đã bảo mà ? Đoán người qua nét mặt là nghề của tôi mà. Trong kinh doanh, đó là một năng khiếu cần thiết. 

– Anh có nhớ vợ Armstrong không ? 

– A… không nhớ rõ lắm. Hình như vụ một đứa bé, một đứa con gái thì phải. 

– Vâng, đấy là một vụ khủng khiếp. 

Foscarelli là người đầu tiên không đồng ý về cách nhận xét này, anh ta nói: 

– Thực ra những vụ như thế thường xảy ra ở Mỹ. 

Poirot cắt ngang. 

– Anh có bao giờ thấy một người trong gia đình Armstrong không ? 

– Không. Hình như không. Nhưng tôi đã gặp bao nhiêu khách hàng. Để tôi cho ông một con số nhé; chỉ riêng năm ngoái thôi, tôi đã bán ba… 

– Thôi xin anh đừng đi xa vấn đề của chúng ta. 

Foscarelli khoác tay để xin lỗi. 

– Xin lỗi, xin lỗi. 

– Anh hãy cho tôi biết anh đã làm gì tối qua, sau bữa ăn. 

– Sẵn sàng. Tôi đã ngồi tại đây rất lâu để nói chuyện với anh chàng người Mỹ cùng bàn. Một người đại diện cho hãng ru-ban đánh máy. Sau đó tôi về phòng. Chẳng có ai trong phòng. Thằng chó chết John Bull ở cùng phòng với tôi đã sang phòng chủ hắn. Sau đó hắn trở về, nhưng không làm cách nào cho hắn hở môi ngoài hai chữ có và không. Dân Anh sao mà lầm lỳ thế. Hắn cứ ngồi đọc sách ở góc phòng cho đến khi anh nhân viên đến làm giường. 

– Hai phòng 4 và 5 phải không ? – Poirot hỏi. 

– Đúng đấy, phòng cuối cùng. Tôi lên kút sét trên vừa đọc sách vừa hút thuốc. Hình như thằng cha người Anh bị nhức răng. Hắn ta uống thuốc nhưng vẫn rên rỉ. 

– Sau đó tôi ngủ thiếp đi. Nhưng cứ mỗi lần thức giấc là lại nghe hắn rên rỉ. 

– Anh ta có ra khỏi phòng không ? 

– Hình như không. Nếu có tôi đã biết. Ánh đèn ngoài hành lang đánh thức và cứ làm tôi nghĩ đến quan thuế kiểm tra. 

– Anh ta có nói cho anh nghe về chủ của anh ấy không? Anh ta có vẻ gì không ưa ông ta không ? 

– Tôi đã bảo là hắn câm như hến mà. 

– Khi nãy anh nói là hút thuốc… ống điếu hay xì gà ? 

– Thuốc lá thôi. 

Poirot mời Foscarelli một điếu. 

– Anh đã bao giờ đến Chicago chưa ? ông Bouc hỏi. 

– Ồ, có…. một thành phố hết ý… nhưng tôi biết New York, Washington và Detroit nhiều hơn.. Còn ông, ông đã đến Mỹ chưa ? Chưa à ? tôi khuyên ông nên đến để biết. 

Poirot đưa cho Foscarelli một tờ giấy và nói: 

– Anh hãy viết tên và địa chỉ thường trực của anh vào đây. 

Foscarelli viết bằng những nét chữ lớn. Anh ta đứng dậy tươi cười và nói: 

– Xong rồi à ? Các ông không cần đến tôi nữa. Xin chào. Mong rằng tuyết sẽ không giữ chúng ta ở đây lâu nữa. Người ta đợi tôi ở Milan… 

Nói xong Foscarelli bước ra khỏi phòng. 

– Poirot nhìn ông Bouc. 

– Anh chàng này sống rất lâu ở Mỹ. – Ông Bouc nói. 

– Những người Ý nói láo tài lắm và họ thích dùng dao. Tôi ghét dân Ý. 

– Tôi biết rồi, – Poirot vừa nói vừa cười. 

– Tuy nhiên tôi cũng xin nhắc ông là chúng ta không hề có một chứng cớ nào buộc tội anh chàng người Ý của ông cả. 

– Vậy thì ông nghĩ gì về tâm lý của các dân tộc ? Bộ người Ý không đâm kẻ thù của họ bằng dao sao ? 

– Lẽ dĩ nhiên… nhưng thường trong khi cãi vã kia. Nhưng, theo tôi, vụ án này đã được chuẩn bị lâu và chu đáo. Vụ án này không phải là hành động của một người Ý. Tôi tìm thấy ở đây dấu hiệu của sự suy tính lạnh lùng đã có từ trước… đó là hành động của một người Anh. 

Poirot cầm lấy những thông hành còn lại và nói: 

– Nào chúng ta hãy mời cô Mary Debenham.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.