Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông

Phần III – Hercule Poirot Vận Dụng Những Chất Xám – VII. Danh Tính Của Mary Debenham



Mary Debenham bước vào, đầu hất về phía sau như thách thức. Mái tóc đen để lộ vầng trán cao, nét mặt kiêu hãnh, tất cả dánh điệu đài các của Mary giống như những hình tượng được khắc trên những mạn tàu. 

Mary liếc sang Arbuthnot trước rồi nói với Poirot. 

– Ông muốn gặp tôi. 

– Thưa cô, tôi muốn biết lý do tại sao cô đã nói dối tôi sáng nay? 

– Tôi? Tôi nói dối ông? Tôi không hiểu ông muốn nói gì? 

– Cô đã giấu với tôi rằng lúc thảm kịch xảy ra cho gia đình Armstrong cô đã nói là cô chưa bao giờ sang Mỹ. 

Poirot thấy Mary sắp hốt hoảng nhưng cô ta trấn tĩnh lại ngay. 

– Vâng, đúng thế! 

– Thưa cô, không phải thế. 

– Ông không hiểu rồi, tôi nói là tôi đã nói dối ông điều đó. 

– À, cô nhận à? 

Mary Debenham mỉm cười. 

– Dĩ nhiên, vì ông đã làm tôi lộ tẩy. 

– Ít ra lần này cô đã thành thật. 

– Bắt buộc thôi! 

– Cô cho phép tôi hỏi lý do của sự dè dặt này. 

– Hình như cũng dễ hiểu thôi thưa ông. 

– Đối với tôi thì không. 

Bằng mộT giọng bình tĩnh Mary nói: 

– Tôi phải kiếm ăn. 

– Vậy thì sao? 

Mary nhìn thẳng vào mặt Poirot. 

– Như vậy là ông không biết đến sự khó khăn của một phụ nữ đi kiếm việc và sợ bị cho nghỉ việc sao? Bộ ông nghĩ rằng người ta sẽ dễ dàng trao con cái họ cho một người quản gia mà trước đây đã bị liên lụy đến một vụ án mạng và biết đâu đã có ảnh đăng trên báo. 

– Sao lại không …nếu người quản gia đó vô tội. 

– Đây không phải là một vấn đề có tội hay không, mà là một hình thức… quảng cáo. Cho đến nay, tôi khá thành công ở đời. Tôi đã tìm được chỗ làm thoải mái và lương hậu hỉnh. Chẳng lẽ tôi lại phải hy sinh cả tương lai của tôi hay sao? 

– Xin phép cô cho tôi được nhắc lại là chỉ có tôi là người có quyền đánh giá sự nói dối của cô thôi. 

Mary Debenham nhún vai. 

– Cô có thể giúp tôi nhận diện những hành khách. 

– Bằng cách nào? 

– Không thể chấp nhận được nếu cô lại không nhận ra bà Andrenyi là em gái bà Armstrong, cô học trò của cô ở New York . 

– Bà Andrenyi à? Không, cho dù đó là việc khó tin, nhưng tôi không nhận ra bà ta. Thật ra thì gương mặt bà Andrenyi nhắc tôi một khuôn mặt quen thuộc…Nhưng tôi không tài nào đặt tên được cho khuôn mặt đó. Bây giờ bà ta giống người Á Đông nhiều, nên tôi không thể nào nhận ra cô học trò bé bỏng người Mỹ của tôi. Vả lại tôi cũng chỉ nhìn bà ta thoáng qua trong toa, và tôi lại chú ý đến cách trang phục của bà ấy hơn. 

Mary mỉm cười và thở dài nói tiếp: 

– Vả lại tôi còn chuyện của tôi nữa! 

– Như thế là cô từ chối không cho tôi biết điều bí mật của cô! 

Poirot hỏi giọng dỗ dành. 

– Tôi không thể, không, không thể được. 

Và bổng nhiên Mary Debenham bật khóc. 

Đại tá Arbuthnot đứng dậy, vẻ lúng túng bước ra sau Mary. 

– Tôi …Hãy nghe tôi…- Arbuthnot ấp úng. Ông quay sang Poirot, vẻ giận dữ: 

– Tôi sẽ đập nát xương ông ra. 

– Thưa ông, – ông Bouc can thiệp. 

Arbuthnot quay sang Mary và gọi khẽ: 

– Mary … Cô nín đi. 

Mary ngẩng đầu lên và nói: 

– Không sao… Tôi bình tĩnh rồi. Ông Poirot, chắc ông không còn cần đến tôi nữa! Nếu có chuyện gì, ông cứ gọi tôi. Thật tôi kỳ cục quá! 

Mary Debenham hoàn toàn không biết gì về chuyện này …Không biết gì hết, ông hiểu chứ? Nếu ông còn dằn vặt cô ấy nữa, ông sẽ biết tay tôi! 

Arbuthnot bước nhanh ra khỏi phòng. 

– Tôi thích thấy dân Anh mất bình tĩnh, khi họ hết lạnh lùng họ rất buồn cười. Càng xúc động bao nhiêu, họ lại càng mất bình tĩnh bấy nhiêu. 

– Ôi! ông bạn thân mến, ông giỏi thật, – ông Bouc nói. – Ông đoán tài thật. 

– Sao ông lại nhìn vào dĩ vãng của họ hay thế, – bác sĩ Constantine nói: 

– Ồ, lần này thì tôi chẳng có công gì hết, bà Andrenyui đã cho tôi biết đấy. 

– Sao? Có thể nào như thế? 

– Các ông thử nhớ xem: Tôi đã hỏi bà Andrenyi về bà quản gia và cô hầu của chị bà ta. Tôi tự nhủ là nếu Mary Bebenham có liên quan đến vụ án thì cô ấy chỉ có thể giữ một trong hai nhiệm vụ thôi. 

– Phải, nhưng bà Andrenyi đã cho ông hình dáng của một người nào khác hẳn. 

– Phải…một người đàn bà đứng tuổi, to lớn, mái tóc đỏ…thật ra trái ngược hẳn với cô Debenham. Nhưng khi được hỏi đến tên của bà quản gia này, thì bà Andrenyi đã làm một việc liên hệ vô tình trong tư tưởng. Bà Andrenyi đã nói tên cô Freebody, các ông có nhớ không? 

– Có, rồi sao? 

– Chắc các ông cũng biết là ở London có một nhà tạp hóa đã giữ mộT cái tên từ nhiều năm nay trên hảng hiệu Debenham và Freebody. Bà Andrenyi đã nhớ ngay tên cô Debenham và vì sống ở London nên bà ta đã nhắc ngay đến tên Freebody. 

– Lại một điều láo nữa. Với mục đích gì? 

– Cũng do lòng chính trực. Với mong muốn làm xáo trộn các quân bài. 

– Trời ơi! – Ông Bouc nói, – nếu thế tất cả các hành khách trên tàu này đều nói láo cả sao? 

– Điều đó chúng ta sắp biết thôi, – Poirot nói.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.