Phân Tâm Học Nhập Môn

Nhập đề – Phần thứ nhất: Những hành vi sai lạc



Không biết bao nhiêu người trong các bạn đã đọc sách hay nghe nói đến môn phân tâm học. Nhưng vì đầu đề của những bài học này là “Nhập môn phân tâm học” nên tôi bị bó buộc phải cho rằng các bạn chưa hề biết gì về vấn đề đó và cần được hướng dẫn trong những bước đi chập chững lúc đầu.

Nhưng chắc chắn bạn cũng biết môn phân tâm học là một phương pháp y học chữa trị những bệnh thần kinh. Nhưng tôi muốn chứng tỏ bằng một thí dụ là ở đây sự việc không những không xảy ra như ở các ngành khác trong y học mà còn xảy ra theo một đường lối khác hẳn. Thông thường mỗi khi đem một phương pháp mới trị cho người bệnh, chúng ta hãy cố gắng giấu không cho người bênh biết những bất tiện của phương pháp đó và thuyết phục là chúng ta có nhiều may mắn để thành công. Nhưng khi đem phương pháp phân tâm học ra điều trị, chúng ta phải làm khác hẳn. Chúng ta phải cho người bệnh biết những nỗi khó khăn, thời gian chữa chạy lâu dài, và những sự cố gắng và hi sinh mà chúng ta đòi hỏi ở họ; về kết quả cuối cùng mà chúng ta không thể nào hứa trước với họ là phương pháp có kiến hiệu hay không một phần lớn nhờ vào thái độ, sự thông minh, sự vâng lời và lòng kiên nhẫn của người bệnh. Tất nhiên chúng ta có nhiều lý do để giải thích thái độ bất thường đó mà sau này các bạn sẽ hiểu hết tầm quan trọng của nó.

Chắc hẳn các bạn sẽ không phật lòng với tôi khi tôi bắt đầu bằng cách coi ngay các bạn là những người mắc bệnh thần kinh. Tôi không khuyên các bạn trở lại giảng đường này một lần thứ hai nữa. Tôi sẽ phải làm cho các bạn quen với những điều còn khiếm khuyết trong việc giảng dạy môn phân tâm học, với những khó khăn sẽ gặp nếu muốn có một ý niệm các nhân về môn học đó. Tất cả những điều bạn đã học được từ trước, tất cả những thói quen suy nghĩ của bạn sẽ làm cho bạn trở thành người thù địch môn phân tâm học. Bạn sẽ biết là bạn phải làm gì để vượt qua ý tưởng chống đối tự nhiên đó. Tất nhiên tôi không thể nói trước rằng bạn sẽ biết những gì về môn phân tâm học khi tham dự vào những buổi diễn giảng này, nhưng có điều chắc chắn là việc đến để học hỏi không thôi chưa đủ để các bạn có thể khảo cứu hay điều trị theo phương pháp phân tâm. Nếu trong các bạn có người nào không muốn dừng lại ở những bước đầu mà muốn đi xa hơn nữa, tôi sẽ khuyên họ không nên làm thế. Bởi vì, trong tình trạng hiện thời, người nào chọn môn phân tâm học làm sự nghiệp của đời mình thì sẽ không bao giờ nổi tiếng trong trường Đại học và khi ra trường để hành nghề. Người đó sẽ gặp ngay trong xã hội chung quanh mình những người vì không hiểu mô tê gì về vấn đề, sẽ nhìn họ bằng con mắt nghi ngờ, thù địch, sẵn sàng làm đủ mọi điều để phá phách họ. Chỉ cần nghĩ đến những điều để xảy đến cùng với những cuộc chiến tranh, bạn sẽ hiểu số người lòng ma dạ quỷ đó đông như thế nào.

Nhưng dù sao cũng có những người bị lôi cuốn bởi những ý tưởng mới mẻ, bất chấp những sự bất tiện vừa được trình bày. Nếu có những bạn nào thuộc dạng người đó và muốn trở lại đây một lần thứ hai nữa bất chấp những lời báo trước của tôi thì họ sẽ được hoan nghênh. Nhưng dù sao các bạn cũng cần biết đến những khó khăn đó là những khó khăn nào và đấy là những điều mà tôi sắp nói cho các bạn nghe.

Khó khăn thứ nhất gắn liền ngay vào việc giảng dạy môn phân tâm học. Trong khi học y khoa, các bạn đã quen được nhìn thấy, ví dụ như những chuẩn bị về cơ thể học, những chất hiện ra sau một phản ứng hóa học, sự co rút của một bắp thịt khi gân bị kích thích. Sau này bạn sẽ được quan sát người bệnh, những dấu hiệu bệnh hoạn của người này, và trong nhiều trường hợp bạn còn được tận mắt nhìn thấy vi trùng bệnh nữa. Về môn giải phẫu, bạn sẽ tham dự vào những lần mổ xẻ, và có khi chính bạn cũng làm những công việc đó. Và ngay cả trong các bệnh về tinh thần các bạn cũng đứng trước một người bệnh, theo dõi sự thay đổi trên nét mặt của họ, và bạn sẽ có dịp quan sát thật nhiều điều làm cho bạn xúc động và ghi nhớ mãi mãi. Vì thế, một vị giáo sư đại học chỉ giữ địa vị một người hướng dẫn, một thông dịch viên theo bạn để giải thích như dẫn bạn vào trong viện bảo tàng của ông ta, trong khi bạn trực tiếp với những sự việc mà bạn cho là mới mẻ.

Khổ một điều là trong môn phân tâm học sự việc xảy ra khác hẳn. Khi điều trị một người bệnh trong môn này, người thầy thuốc chẳng làm gì khác hơn là trò chuyện với người bệnh. Người bệnh nói, kể cho bạn nghe những biến cố xảy ra trong đời họ, những cảm tưởng hiện thời, những ý muốn, những sự cảm động trong đời họ. Người thầy thuốc để ý hướng dẫn những tư tưởng của người bệnh, nhắc nhở cho anh ta nhớ lại, hướng sự chú ý của anh ta về một hướng nào đó, giải thích cho anh ta nghe, quan sát xem anh ta có hiểu hay không những phản ứng gây cho anh ta. Vì những người bệnh thường thường là vô học, chỉ quen với những điều mắt thấy tai nghe, hay sờ mó được, y như xem chiếu bóng nên không bao giờ ngần ngại gì mà không tỏ vẻ nghi ngờ sự kiến hiệu của một lối trị bệnh chỉ bằng những lời nói có vẻ như đầu Ngô mình Sở. Sự nghi ngờ chỉ trích này không hợp lý chút nào. Không phải rằng chính những người bệnh đó cũng biết rằng có những người bệnh lúc nào cũng tưởng rằng mình có những triệu chứng này hay triệu chứng khác ư? Trong thời cổ xưa những lời nói được coi như những trò phù thủy và bây giờ cũng vẫn còn giữ được những quyền lực như ngày xưa. Chỉ cần nói một tiếng là một người có thể làm cho một người khác sung sướng hay đẩy họ vào chỗ tuyệt vọng. Vị giáo sư dùng tiếng nói để truyền những hiểu biết cho học trò, nhờ những tiếng nói mà một diễn giả đã lôi cuốn được thính giả. Chính những tiếng nói đã gây ra những xúc động và là những phương sách mà loài người thường dùng để gây ảnh hưởng với đồng loại. Vì những lẽ đó chúng ta không nên tìm cách giảm bớt giá trị của những lời nói trong môn trị liệu về tinh thần, và chúng ta chỉ nên tham dự với tính cách bàng thính vào những cuộc nói chuyện giữa người thầy thuốc và người bệnh trong phân tâm học.

Nhưng dù chỉ muốn tham dự với tính cách bàng thính thôi cũng không được. Câu chuyện giữa những người bệnh và thầy thuốc không thể để cho người ngoài nghe và không thể dùng để biểu diễn. Tất nhiên trong những giờ giảng dạy, người ta có thể đưa ra trước các sinh viên một người bệnh thần kinh để họ nói cho nghe những điều đáng phàn nàn và những triệu chứng bệnh hoạn của họ. Nhưng chỉ có thế thôi. Chỉ khi nào giữa người bệnh và người thầy thuốc có một sự thông cảm đặc biệt thì người bệnh mới cho người thầy thuốc biết những điều người này cần biết. Mỗi khi thấy một người lạ, dù chỉ là một người không tỏ ra tò mò, người bệnh cũng im ngay không nói gì nữa. Bởi vì những điều cần biết là những điều thầm kín trong đời người bệnh, những điều họ cần giấu không cho người khác biết và sau là những điều mà họ cũng không thú với chính họ nữa.

Vì vậy, dù chỉ muốn tham dự như một bàng thính thôi vào một lần trị bệnh về phân tâm, bạn cũng không làm được. Bạn chỉ có thể nghe nói về phương pháp đó thôi và muốn nói cho thật đúng thì bạn chỉ có thể nghe người khác nói lại thôi. Chính vì chỉ được nghe qua một người thứ hai mà bạn khó lòng phán đoán được cho chính xác. Tất cả đều phụ thuộc vào chỗ bạn có thể tin cậy vào người nói cho bạn nghe những điều đó tới mức nào.

Ví dụ: không phải bạn đang ngồi nghe một bài học về môn phân tâm học mà là một bài học sử ký về đời sống và sự nghiệp của Đại đế Alexandre. Bạn có những lý do gì để tin rằng những điều giáo sư sử học đang giảng dạy là đúng với sự thực? Mới nghe ra thì có vẻ như ông giáo sư sử còn đang ở trong một tình trạng không đáng tin bằng ông giáo sư phân tâm học, bởi lẽ ông giáo sư sử học chưa từng được tham dự vào sự nghiệp của Đại đế Alexandre trong khi ông giáo sư phân tâm học ít nhất cũng nói cho bạn nghe những điều do chính ông ta nhận thấy. Nhưng có một sự việc làm cho chúng ta có thể tin cậy nơi ông giáo sư sử học được. Ông giáo sư sử học có thể yêu cầu bạn đọc những bài của các nhà văn đồng thời với những việc xảy ra trong lịch sử hoặc cũng khá gần với những sự việc đó, nghĩa là những cuốn sách của Plutarque, Diodore, Artien… Nhà sử học cũng có thể đưa cho các bạn xem những bản chụp các đồng tiền, những pho tượng các vị vua hay một bức hình thời Popée họa trận đánh Issos. Nói thực ra tất cả những tài liệu đó chỉ chứng tỏ rằng có nhiều thế hệ trước đã tin tưởng là có Đại đế Alexandre thực và những chiến công của ngài cũng có thực luôn, và những nhận xét này có thể mở đường cho bạn trong công việc phê bình sử liệu. Bạn có thể kết luận là những điều mà người ta nói về Đại đế Alexandre không đáng tin cho lắm và nhất là không thể được kể lại với mọi chi tiết cần thiết; vậy mà tôi không tin rằng bạn có thể rời phòng diễn thuyết ra về mà vẫn nghi ngờ rằng có lẽ Đại đế Alexandre không có thực. Sự lý luận của bạn dựa trên hai điểm chính sau đây: điểm thứ nhất: diễn giả không có lý do gì để khuyến khích bạn tin vào những điều mà chính ông ta không cho là đáng tin; điểm thứ hai: tất cả những sách về sử học mà chúng ta có trong tay đều giống nhau hay gần giống nhau về những điều diễn giả đã trình bày. Nếu bạn khảo cứu đến những nguồn gốc cũ kỹ hơn nữa, bạn cũng sẽ để ý đến những yếu tố vừa kể nghĩa là những lý do đã thúc đẩy những nhà sử học và phù hợp giữa những lời chứng nhận của họ. Trong trường hợp Đại đế Alexandre thì kết quả làm bạn yên tâm hơn hẳn trường hợp của Moise hay Nemrod chẳng hạn. Còn về những điểm nghi ngờ và tự hỏi xem những phúc trình của một nhà phân tâm học đáng tin cậy đến mức nào thì sau đây bạn sẽ có nhiều dịp để phán đoán.

Bây giờ bạn có quyền hỏi tôi là nếu không có tiêu chuẩn nào để xét đoán về giá trị của môn phân tâm học, nếu chúng ta không có cách nào để biểu diễn một trường hợp phân tâm học thì chúng ta làm thế nào để học môn đó được và nhất là để xác nhận giá trị của những điều mà môn này khẳng định. Việc học hỏi tất nhiên không phải là điều dễ, có rất ít người theo học môn này một cách có hệ thống nhưng dù sao chúng ta vẫn có những cửa ngõ để đi vào sự học hỏi đó. Trước hết chúng ta học môn phân tâm học bằng cách khảo cứu ngay chính bản thân mình. Không hẳn rằng đó là một sự tự quan sát, nhưng nếu cần đến thì chúng ta sẽ phải làm việc đó. Có cả một số hiện tượng tinh thần xảy ra luôn luôn được nhiều người biết đến, chúng ta có thể khảo cứu ngay trong người mình nếu được chỉ dẫn về phương tiện chuyên môn. Làm như thế chúng ta sẽ tiến được tới lòng tin tưởng là sự việc diễn ra trong môn phân tâm học là đúng và những điều mà môn này quan niệm không phải là sai. Tôi phải nói rằng chúng ta không thể chờ đợi ở phương pháp tự khảo cứu những tiến bộ sâu xa về môn học. Chúng ta sẽ tiến bộ mau hơn nhiều bằng cách cho một nhà chuyên môn về phân tâm học phân tích mình, rồi lợi dụng cơ hội để thấu hiểu rõ ràng về phương diện chuyên môn. Khỏi cần phải nói rằng cách học hoàn hảo này bao giờ cũng chỉ dùng cho một người thôi chứ không thể dùng trong những cuộc hội họp nhiều người.

Ngoài ra, lúc mới bước chân vào môn này, bạn còn gặp lại một khó khăn nữa, khó khăn này không gắn liền vào chính môn học đó, chính bạn là nguồn gốc của sự khó khăn đó do những điều bạn đã học trong những ngày trước khi học về y khoa. Những điều đã học từ trước tới nay đã in sâu vào trí óc bạn một chiều hướng tư tưởng làm cho bạn xa rời môn phân tâm học. Bạn đã quen lối gán cho những sự hoạt động của cơ thể và những sự rối loạn trong cơ thể này những nguyên nhân thuộc về giải phẫu, bạn đã quen đứng về phương diện hóa học hay vật lý học để cắt nghĩa, quen quan niệm sự việc theo sinh lý học trong khi chưa bao giờ bạn chú ý tới đời sống tinh thần dạt dào trong cơ thể được cấu tạo một cách thực là hoàn hảo. Vì thế cho nên bạn xa lạ hẳn với lối tư tưởng về tinh thần, có thói quen nhìn những tư tưởng này bằng con mắt nghi ngờ, không chịu cho rằng những tư tưởng đó có thể có tính cách khoa học chỉ đáng dành riêng cho những con người phàm tục không hiểu biết, những nhà thi sĩ, những triết gia của thiên nhiên của môn thần bí học. Tất cả những giới hạn đó chắc chắn có hại cho sự hoạt động của bạn trong môn phân tâm học bởi vì theo lệ thường trong tất cả những sự giao thiệp giữa người với người, người bệnh bao giờ cũng bắt đầu bằng cách trình bày cho bạn xem phương diện tinh thần của anh ta. Tôi chỉ sợ bạn sẽ bị buộc phải bỏ ra một bên những phương pháp trị liệu vẫn thường dùng cho những anh chàng phàm tục hay thần bí.

Tôi không phải là không biết giá trị của những điều người ta đưa ra để bào chữa cho những thiếu sót trong công việc giáo dục bạn về phương diện y khoa. Chúng ta hãy còn thiếu cái khoa học có tính cách triết học phụ thuộc có thể dùng vào những mục tiêu do những hoạt động y khoa đặt ra. Môn học Triết lý học thuần túy cũng như môn Tâm lý mô tả hay Tâm lý học thực nghiệm liên quan đến môn sinh lý học về các giác quan. Không môn nào theo lối mà người ta dạy các bạn ở trường có ích về những liên quan giữa thể xác và tâm hồn cũng như giúp cho bạn hiểu được bất cứ một sự rối loạn thần kinh nào. Ngay trong khuôn khổ của y học, môn chữa bệnh tinh thần quả cũng có mô tả những sự rối loạn và tinh thần quan sát được và tập trung chúng lại trong những lúc dễ chịu nhất, các nhà chuyên môn về tinh thần chắc cũng tự hỏi không biết những sự thu xếp của họ quả có xứng đáng được gọi là có tính cách khoa học hay không? Chúng ta không hề biết nguồn gốc, sự diễn biến cũng như những dây liên lạc hỗ tương của các triệu chứng ghi được trong các bản phân loại về bệnh lý: người ta chưa từng chứng minh được rằng những triệu chứng đó với linh hồn có một sự tương ứng nào không, và nếu có một sự thay đổi nào trong linh hồn thì những sự thay đổi này không cắt nghĩa được gì về những triệu chứng nhận thấy. Những rối loạn thần kinh này chỉ có thể được trị liệu như những biến chứng phụ thuộc của một bệnh nào đó trong cơ thể.

Sự thiếu sót, môn phân tâm học nhất định san bằng. Phân tâm học muốn hiến cho một bệnh lý về tinh thần cái căn bản mà môn này thiếu sót, hy vọng tìm ra được một môi trường hoạt động chung cho sự gặp gỡ giữa một sự rối loạn cơ thể và sự rối loạn tinh thần và làm cho sự gặp gỡ này trở lên dễ hiểu. Muốn đạt được mục đích đó, môn phân tâm học phải bỏ rơi hết mọi tiên kiến về cơ thể học, hóa học hay sinh lý học, mà chỉ chăm chú vào những khái niệm tâm lý thuần túy thôi: tôi sợ rằng bạn sẽ cho điều này là kì lạ.

Còn một khó khăn thứ ba nữa là kẻ chịu trách nhiệm không phải là bạn cũng như nhiều điều bạn học từ trước. Trong những điều kiện tiên quyết của môn phân tâm học có hai điều làm cho mọi người khó chịu và bị hầu hết mọi người bác bỏ. Một điều là do thành kiến về tri thức, một điều là do thành kiến về luân lý và nghệ thuật. Chúng ta đừng coi thường những thành kiến đó; đó là những cái có nhiều quyền lực lắm, những cái còn sống sót lại qua những giai đoạn phát triển rất có lợi, có khi cần thiết nữa của nhân loại. Những thành kiến này được bảo tồn bằng những sức mạnh về tình cảm và rất khó đánh bại.

Theo điều tiên thuyết thứ nhất thì những hoạt động tinh thần thường thường là vô thức, khi có một hoạt động nào có ý thức thì đó chỉ là những hoạt động lẻ loi, một phần nhỏ nào đó của đời sống tinh thần nói chung thôi. Về điểm này, bạn hãy nhớ lại là chúng ta, trái lại, coi những hoạt động này là có ý thức, coi ý thức như một cái gì đặc biệt biểu thị, như một định nghĩa của tinh thần và tâm lý học chính là môn học về những chứa đựng trong ý thức. Sự đồng hóa giữa tinh thần và ý thức có vẻ tự nhiên đến nỗi nếu có người tỏ vẻ nghi ngờ là chúng ta phản đối ngay. Vậy mà môn phân tâm học không thể nào không nghi ngờ về sự đồng hóa này được. Phân tâm học định nghĩa tinh thần như một cái gì gồm có những diễn biến chung cho cả tình cảm, tư tưởng và ý chí. Phân tâm học còn khẳng định một tư tưởng và một ý chí vô thức. Nhưng định nghĩa và khẳng định như thế, môn học này sẽ làm mất cảm tình của những người bạn, làm cho họ nghi ngờ rằng có lẽ đó chỉ là một khoa học thần bí, quái đản, muốn xây dựng trong bóng tối và thả câu nhờ nước đục. Tất nhiên bạn chưa hiểu tại sao tôi có thể coi là thành kiến một lời nói trừu tượng như câu khẳng định rằng: “Tinh thần tức là có ý thức”. Nhưng bạn cũng chưa thể hiểu được là sự tiến triển của môn học đã đưa ra quan điểm rằng làm gì có vô thức (cứ cho rằng vô thức có thực đi) cũng như bạn chưa hiểu được khi quan niệm như chúng ta có lợi những gì. Thảo luận về vấn đề tìm hiểu xem có nên đồng tính hóa tinh thần và ý thức không, hay nên mở rộng tinh thần ra khỏi giới hạn của ý thức có vẻ như chỉ muốn chơi chữ, nhưng tôi có thể quả quyết với bạn rằng, sự công nhận rằng có những sự hoạt động tinh thần vô thức sẽ mở cho khoa học một hướng đi mới có tính chất quyết định.

Cũng thế, bạn không thể ngờ rằng những điều tôi vừa nói trên với những điều tôi sắp nói lại có thể có một dây liên lạc chặt chẽ đến thế. Điều phát minh thứ hai của môn phân tâm học là khẳng định rằng, những rạo rực về tình dục, dù hiểu theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, cũng giữ một địa vị vô cùng quan trọng mà cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ đúng mức trong đời sống tinh thần, chúng chính là nguyên nhân của nhiều bệnh về thần kinh và tinh thần. Hơn thế nữa, phân tâm học còn khẳng định rằng, những rạo rực về tình dục tham dự một phần không nhỏ vào công việc sáng tạo của trí óc loài người, về phương diện văn hóa nghệ thuật và đời sống xã hội.

Theo kinh nghiệm của tôi thì sự thù ghét do sự phát minh này của môn phân tâm học gây nên chính là lý do quan trọng nhất làm cho mọi người không chịu chấp nhận môn học đó. Bạn có muốn tôi cắt nghĩa sự kiện đó như thế nào không? Chúng tôi tin rằng văn hóa đã được sáng tạo dưới sự thúc đẩy của sự cần thiết trong cuộc sống và nhiều khi lấn át cả các sự đòi hỏi của bản năng, và rồi hết đời nọ đến đời kia văn hóa cứ được sáng tạo như thế mãi vì mỗi cá nhân nào khi vào đời đều phải vì những lợi ích chung mà hy sinh bản năng của mình. Trong những bản năng bị kìm hãm không được thỏa mãn đó, những sự rạo rực về tình dục chiếm một vị trí vô cùng quan trọng: Những bản năng tình dục không bị chế ngự hẳn hoi và mỗi cá nhân nào tham dự vào công việc sáng tạo văn hóa cũng có thể gặp sự hiểm nguy là bản năng của mình sẽ chống trả lại sự kìm hãm đó. Nền văn hóa của một xã hội không có sự đe dọa nào nặng nề hơn là nhìn thấy sự xa đọa của văn hóa trước sự phóng túng của bản năng muốn quay trở về tình trạng bán khai cổ xưa. Vì thế cho nên xã hội không muốn nhắc nhở cho mình biết là mình đang đứng dựa trên những nền móng không có gì là vững chắc; xã hội không có lợi gì trong việc phải công nhận sức mạnh của các bản năng tình dục, sự quan trọng của đời sống tình dục: Xã hội đã theo một phương pháp giáo dục có mục đích làm cho mọi người không để ý đến những vấn đề đó. Vì thế xã hội không chịu đựng được những kết quả mà môn phân tâm học đã đạt được; xã hội sẵn sàng xua đuổi những thành quả đó và cho rằng chúng đáng kinh tởm về mọi phương diện. Nhưng người ta không thể dùng những lời trách móc loại đó để tiêu hủy một kết quả khách quan có tính khoa học. Những người chống đối nếu muốn người khác tán thành mình thì phải đứng về phương diện trí thức. Nhưng trí óc loài người thường sẵn sàng coi những gì mình không thích là bất công, vì thế nên họ có chống đối mình cũng là điều dễ hiểu. Do đó, xã hội biến những điều họ không thích thành những điều bất công, chống đối môn phân tâm học không phải bằng những lý lẽ hợp lý và cụ thể mà toàn bằng những lý lẽ tình cảm, dùng thành kiến của mình mà bo bo giữ những ý kiến chống đối không thèm nghe những lời biện bác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.