Phân Tâm Học Nhập Môn

Phần thứ ba: Thuyết tổng quát về chứng bệnh thần kinh



Phân tâm học và thần kinh học

Tôi sung sướng khi lại được tiếp tục câu chuyện với các bạn. Trước đây tôi đã nói cho các bạn nghe về quan niệm phân tâm học của các hành vi sai lạc và giấc mơ. Ngày nay tôi muốn các bạn làm quen với những hiện tượng chứng bệnh thần kinh, những hiện tượng này có hơn một điểm tương đồng với những hành vi sai lạc cũng yêu cầu các bạn có một thái độ như đối với các hiện tượng trên. Trước đây tôi không hề tiến thêm một bước nào trước khi được sự đồng ý của các bạn; tôi đã thảo luận nhiều và đã giải hết những điều thắc mắc của bạn; tôi đã tin cậy ở các bạn và lẽ phải của các bạn để tiến được những bước tiến quyết định. Ngày nay sự việc không thể xảy ra như thế nữa, bởi một lẽ rất thường: Hành vi sai lạc và giấc mơ đối với các bạn không phải là những hiện tượng xa lạ gì, các bạn có thể cũng có những kinh nghiệm giống như của tôi. Nhưng phạm vi chứng bệnh thần kinh đối với các bạn hoàn toàn mới lạ. Nếu không phải là thầy thuốc các bạn chẳng làm sao biết thêm được gì ngoài những điều tôi nói cho các bạn nghe, trong khi sự phán đoán chỉ có giá trị khi người đưa ra phán đoán đó quen thuộc với các vật liệu được đưa ra ánh sáng.

Tuy nhiên các bạn đừng cho rằng tôi sẽ nói cho các bạn nghe những điều có tính giáo điều, tôi cũng không bắt buộc các bạn phải đồng ý với tôi vô điều kiện, nếu các bạn tưởng lầm thì sẽ xảy ra nhiều điều tai hại lắm. Tôi không hề có ý muốn bắt buộc ai công nhận những điều mình nói, tôi chỉ muốn kích thích các bạn, làm tan những thành kiến. Khi nào vì thiếu thốn tài liệu mà bạn không giải quyết được vấn đề gì, bạn đừng vội tin, hay vứt bỏ ý tưởng này hay ý tưởng khác. Các bạn chỉ cần ngồi nghe và lĩnh hội những điều nghe nói. Có được vài điều tin tưởng đâu phải là chuyện dễ, những điều nào đến với mình một cách quá dễ dàng thường là những điều chẳng có giá trị gì. Chỉ có những người nào dầy công làm việc đêm ngày trong bao nhiêu năm ròng rã, tự mình làm đi làm lại biết bao nhiêu thí nghiệm cá nhân mới mẻ, kỳ thú mới có quyền tự cho là mình biết được nhiều điều. Về phương diện trí thức, những quan niệm hấp tấp, chớp nhoáng, những sự phán đoán vội vàng dùng được gì? Những tiếng sét ái tình chỉ có trong phương diện tình cảm thôi. Chúng ta không đòi hỏi thân chủ của chúng ta tin tưởng vào sự hiệu nghiệm của phương pháp phân tâm học, hay đứng về phía chúng ta. Nếu họ làm như thế chúng ta sẽ bị nghi ngờ, chúng ta chỉ yêu cầu họ có một thái độ bi quan khoan hoà. Vậy các bạn hãy thử để cho thấm dần trong lòng mình những ý niệm về phân tâm nào đó những quan niệm khác nhau này hòa hợp với nhau, liên kết với nhau để hợp thành một quan niệm cuối cùng có tính quyết định.

Ngoài ra các bạn không nên cho rằng điều tôi trình bày với các bạn về phân tâm học có một tính cách vụ lợi nào. Đó chỉ là một sự kiện bắt nguồn ở thực nghiệm, một sự quan sát trực tiếp hay hậu của những công trình quan sát hay thực nghiệm này. Chính những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực khoa học sẽ giúp chúng ta biết những công trình khảo cứu của chúng ta đã đầy đủ chưa, có hợp lý không. Riêng tôi, dựa vào cuộc sống khá dài và hai mươi lăm năm kinh nghiệm, tôi có thể cam đoan với các bạn là tôi đã phải làm việc rất cần cù mới có thể có được một mớ kinh nghiệm xã hội, quan điểm của tôi về môn phân tâm học. Tôi luôn luôn có cảm tưởng rằng những đối thủ của tôi không nhận ra những điều đó, và cho rằng những ý kiến của tôi chỉ là những ý kiến chủ quan có thể chống đối được dễ dàng. Tôi quả thực không hiểu thái độ này. Có thể là các thầy thuốc ngại không muốn giao thiệp quá thân mật với những thân chủ mắc bệnh thần kinh của họ, không thèm chú ý đến những lời họ nói nên không thể lợi dụng được những điều này để tìm ra những hiểu biết có giá trong việc trị liệu, không thể đưa ra được những điều quan sát giúp cho họ đạt được những kết luận có tính cách tổng quát hơn. Tôi sẽ cố tránh không đả động đến những sự cãi vã vô ích trong phạm vi những bài học này. Tôi không tin là bút chiến có thể dùng được việc gì. Bút chiến chỉ là con đẻ của lối lý luận giáo điều ngày xưa của người Hy Lạp, sở dĩ không thành công vì người ta đã quá chú trọng đến lối biện chứng. Riêng tôi, tôi cho rằng những cuộc bút chiến trong phạm vi khoa học chả đưa đến kết quả gì, cụ thể nhất là chúng thường có khuynh hướng đề cao cá nhân. Từ trước tới nay, tôi chỉ có thảo luận gay go với một nhà bác học thôi, đó là nhà bác học Lowenfeld ở Munich và kết quả của cuộc thảo luận đó đã làm cho chúng tôi trở thành hai người bạn sau khi đã là đối thủ của nhau. Vì không tin rằng những cuộc bút chiến sau này cũng đưa đến kết quả khả quan như thế nên tôi đã không làm lại cuộc thí nghiệm.

Các bạn có thể cho rằng thái độ lẩn tránh những cuộc bút chiến như thế chứng tỏ là mình không đủ lý lẽ để bào chữa, hay một thái độ ngoan cố. Tôi trả lời nghi vấn đó là một khi người ta đã dày công học hỏi khảo cứu để đưa ra một quan niệm khoa học, người ta có đủ can đảm để tự bào chữa và giữ nguyên quan điểm của mình chống lại với bất cứ trở lực nào. Tôi cũng cần thêm rằng, tôi đã nhiều lần hoàn bị quan điểm của tôi, nhiều lần thay đổi ý kiến và lần nào cũng công bố những sự thay đổi đó công khai trước mắt mọi người. Hậu quả của sự thành thực đó ra sao các bạn có biết không? Có người không hề chú trọng đến những điều thay đổi đó và tiếp tục chỉ trích tôi về những quan điểm mà tôi không còn giữ nữa. Người khác lại cho rằng thay đổi như thế chứng tỏ là người ta không thể tin cậy nơi tôi được, vì kẻ nào luôn luôn thay đổi quan niệm của mình thì không đáng được tin cậy và những điều thay đổi này cũng chẳng có giá trị gì hơn những điều đưa ra từ trước. Nhưng kẻ nào cứ giữ nguyên quan niệm của mình từ đầu đến cuối lại bị chính những người đó cho là ngoan cố, cứng đầu cứng cổ. Đứng trước hai thái độ đó, tôi thấy chẳng còn gì khác hơn là “đường ta ta cứ đi”. Tôi nhất định cứ tiếp tục con đường đã vạch sẵn, không có điều gì ngăn cấm tôi thay đổi một vài quan điểm tuỳ theo đà tiến triển của khoa học, mặc dù vẫn giữ nguyên những ý tưởng căn bản trong môn phân tâm học.

Tôi có bổn phận trình bày cho các bạn nghe về quan điểm của môn phân tâm học về các hiện tượng náo loạn thần kinh. Tôi sẽ nói đến những điểm tương đồng và trái ngược giữa những hiện tượng này và những hiện tượng đã học phần trên. Lấy thí dụ về một triệu chứng thường có trong số thân chủ, chúng ta sẽ không để ý đến những điều khổ não trong phân tâm học không thể bảo thân chủ của họ là họ chẳng có bệnh tật gì hết rồi cho họ một liều thuốc bổ. Một trong các bạn đồng nghiệp của tôi khi được hỏi về thái độ nên có đối với các thân chủ đã trả lời là “Tôi yêu cầu họ trả tôi một số tiền là bao nhiêu đó”. Vì thế cho nên những bác sĩ hành nghề phân tâm học thường không có nhiều thân chủ. Cửa phòng khám bệnh của tôi thường bọc bằng cao su và có hai lần cửa. Làm như thế không phải là không có ý nghĩa đâu. Khách hàng vào phòng khám bệnh thường quên đóng cửa phòng. Tôi luôn luôn nhắc họ phải đóng cửa phòng lại bất kể địa vị của họ trong xã hội ra sao. Đó quả là một điều khó chịu vì phần lớn họ là những người từ trước tới nay chưa hề giơ tay ra sờ vào quả đấm cửa bao giờ, vì họ luôn luôn có người mở cửa cho họ ra vào. Nhưng dù sao tôi làm thế vẫn là phải vì kẻ nào vào phòng mà không đóng cửa thường là những kẻ không được giáo dục hẳn hoi và chúng ta không có lý do gì gượng nhẹ đối với họ. Các bạn đừng vội phán đoán trước khi biết rõ câu chuyện. Thân chủ chỉ không đóng cửa phòng khi trong phòng đợi không có ai cả thôi. Nhưng khi trong phòng đợi có người là thế nào họ cũng đóng cửa rất kỹ, vì họ không muốn cho người khác nghe được những điều họ sắp nói với ông thầy thuốc.

Như thế tức là việc thân chủ không đóng cửa phòng khám bệnh không phải là việc ngẫu nhiên, không phải là không có ý nghĩa, không phải là không có một tầm quan trọng nào đó. Thân chủ thường là những người muốn nổi tiếng, muốn được người đời săn sóc. Họ thường gọi điện hỏi trước xem có thể đến vào giờ nào và tưởng tượng như có hàng dãy dài người đang đứng chờ trước cửa phòng khám bệnh. Nhưng khi đến nơi họ chỉ gặp một căn phòng trống rỗng, đồ đạc rất tầm thường. Họ bực mình, tỏ vẻ khinh thường ông thấy thuốc bằng thái độ không thèm đóng cửa có vẻ như muốn bảo thẳng ông thầy này: “Đóng cửa làm gì khi chẳng có ma nào trong phòng đợi”, rồi trong lúc khám bệnh họ thường tỏ vẻ vô lễ ngang bướng.

Phân tích thái độ này, chúng ta không biết gì hơn những điều đã biết rồi, nghĩa là thái độ đó không phải ngẫu nhiên, mà có một ý nghĩa, lệ thuộc vào một toàn thể tinh thần nhất định, dấu hiệu của một trạng thái tinh thần quan trọng. Không một thân chủ nào lại thú nhận rằng họ có ý muốn tỏ ra vô lễ với ông thầy thuốc, điều đó chứng tỏ rằng họ không hề có ý thức về việc mình làm. Có thể có người thú nhận rằng họ đã thất vọng khi nhìn thấy căn phòng đợi vắng như chùa bà Đanh, nhưng điều chắc chắn là họ không ý thức về thái độ của họ.

Tôi so sánh thái độ này với một điều quan sát được nơi một thân chủ khác. Sự quan sát này hết sức mới mẻ có thể được kể lại một cách vắn tắt tuy trong môn phân tâm học nhiều khi khó lòng tránh được những lối kể chuyện dài dòng.

Một sĩ quan trẻ tuổi yêu cầu tôi chữa bệnh cho bà mẹ vợ. Bà này tuy sống trong một hoàn cảnh hết sức sung sướng nhưng vẫn đầu độc cuộc sống của mình và của người khác bằng một thiên kiến chẳng có nghĩa lý gì. Bà ta khoảng chừng 53 tuổi, còn giữ được vẻ đẹp ngày xưa, dáng điệu niềm nở, dễ chịu, vui vẻ, giản dị. Bà kể cho tôi nghe chuyện của bà, bà sống rất sung sướng bên cạnh chồng, một ông Giám đốc một cơ xưởng, bà chả có điều gì phàn nàn về thái độ của chồng đối với mình. Hai người lấy nhau vì tình đã 30 năm nay, không hề xảy ra cãi cọ, ghen tuông gì. Hai người con đã lập gia đình, người chồng chưa hề có ý định về hưu. Nhưng cách đây một năm có một việc không tưởng tượng nổi xẩy ra. Bà ta nhận được một bức thư nặc danh tố cáo chồng bà dan díu với một người con gái khác. Hạnh phúc gia đình bắt đầu tan rã từ khi đó. Cuộc điều tra cho biết có một chị bồi phòng của bà ghét cay ghét đắng một người bạn cũ tuy cũng sinh ra trong hoàn cảnh nghèo nàn như mình nhưng đã thành công hơn mình, thay vì đi ở đợ như mình người bạn này đã học hỏi và trở thành một người thư ký trong xưởng của chồng bà chủ. Tổng động viên đã thu hút ra mặt trận một số nhân viên trong xưởng người bạn trở nên một nhân vật quan trọng, được ăn ở ngay trong xưởng, giao thiệp với các ông tai to mặt lớn được mọi người trọng vọng. Mụ hầu phòng tức bực tìm hết cách nói xấu người bạn cũ. Một hôm nhân dịp một ông khách ly thân với vợ, đang sống chung với tình nhân đến chơi, bà chủ nói cho mụ hầu phòng nghe là ở địa vị bà ta chắc bà ta không chịu nổi cảnh chồng có tình nhân như thế. Sáng hôm sau bà ta nhận được bức thư nặc danh nói trên. Bà ta đồ chừng tác giả bức thư chính là mụ hầu phòng vì bà biết mụ này ghét cay ghét đắng cô thư ký. Nhưng bà ta vẫn bị cái thư đó ám ảnh, bà nổi trận lôi đình, xỉ vả chồng rất thậm tệ. Ông chồng tươi cười cố trấn tĩnh vợ, nhờ hai vị bác sĩ trong gia đình và ở xưởng đến trấn tĩnh giúp mình. Mụ hầu phòng bị đuổi, người thư ký vẫn giữ nguyên địa vị cũ. Người vợ luôn luôn tuyên bố rằng mình không còn nghi ngờ gì và không để ý đến bức thư nữa. Nhưng đó chỉ là bề ngoài, mỗi khi nghe nói đến tên người con gái hay gặp người này ngoài phố là bà ta lại nổi trận lôi đình ghen tuông, bực tức.

Câu chuyện như thế đó, chả cần phải có nhiều kinh nghiệm về thần kinh mới thấy là bà ta luôn luôn tìm cách giấu giếm tình cảm thực của mình và trong thâm tâm, bà ta không hề rứt bỏ được lòng tin nơi bức thư nặc danh kia.

Thái độ của nhà thần kinh học đứng trước sự việc này ra sao? Thái độ này khác hẳn với thái độ đối với thân chủ không đóng cửa phòng khám bệnh. Nhà thần kinh học không cho thái độ không đóng cửa là quan trọng về phương diện tâm lý, đó chỉ là một sự ngẫu nhiên. Nhưng đứng trước người đàn bà ghen tuông này thì khác. Hành động của người này không quan trọng, nhưng triệu chứng của căn bệnh mới đáng để ý. Về phương diện chủ quan, triệu chứng này làm cho người đàn bà đau đớn khổ sở; về phương diện khách quan triệu chứng đó đe dọa hạnh phúc của một gia đình. Do đó nhà thần kinh học không thể không quan tâm đến. Nhà thần kinh học trước hết tìm cách xác định hiện tượng bằng một trong các tính chất thực sự của nó. Người đàn bà không phải là không có lý khi nghi ngờ người chồng. Vì kinh nghiệm cho thấy có nhiều người đàn ông tuy đã có vợ mà vẫn có những cô nhân tình trẻ. Nhưng có một vài điều khác không tưởng tượng được, như có vẻ vô nghĩa lý. Ngoài những điều nói trong thư nặc danh, người đàn bà không có lý do nào khác để nghi ngờ chồng. Bà ta biết rõ nguồn gốc của bức thư và bức thư quả thực không đáng tin chút nào. Vậy đáng lẽ bà ta phải cho rằng mình không có lý do gì để ghen tuông cả. Chính bà cũng tự nhủ như thế. Tuy nhiên, bà vẫn không thể không đau đớn chẳng khác gì có đủ chứng cớ là chồng mình ngoại tình thực. Y học gọi đó là những ý kiến ám ảnh, nghĩa là những ý kiến bỏ ngoài tai mọi lý lẽ hợp lý, đúng sự thực. Bà khách này quả đang bị lòng ghen ám ảnh. Đó là đặc tính thiết yếu của trường hợp này.

Sau nhận xét đầu tiên này, nhà thần kinh học còn quan tâm đến một sự kiện khác nữa. Nếu sự ám ảnh bỏ ngoài tai hết mọi sự thực thì tức là nó không bắt nguồn ở sự thực. Vậy nó bắt nguồn ở đâu? Những trường hợp ám ảnh nhiều không tả. Tại sao ở đây lại là sự ghen tuông? Nhà thần kinh học chẳng có gì nói với chúng ta về điểm này cả. Ông ta chỉ quan tâm đến một trong các câu hỏi của chúng ta thôi. Ông ta sẽ tìm hiểu về di truyền của người bệnh và có lẽ sẽ trả lời rằng: “Sự ám ảnh chỉ xảy ra đối với những người có tính cách di truyền. Nghĩa là có những người cha, ông đã bị chứng bệnh đó.” Nói khác đi, nếu người đàn bà này bị ám ảnh là vì bà ta đã có sẵn trong máu sự di truyền. Lời giải thích này quả rất thú vị nhưng có giải hết những điều thắc mắc không? Có còn nguyên nhân nào khác nữa không? Thường thường sự ám ảnh hay xảy ra đối với sự ghen tuông hơn đối với các sự khác; điều này có phải là một sự ngẫu nhiên không? Có tính cách võ đoán không? Có thể giải thích được không? Và có phải một khi một người đã bị ám ảnh rồi thì không làm sao cho người đó thoát khỏi sự ám ảnh đó không? Tại sao nhà thần kinh học không giảng giải rõ hơn cho chúng ta biết? Trả lời câu hỏi này chúng ta có thể nói: kẻ nào cho hơn cái gì mình có là không lương thiện. Nhà thần kinh học không có phương tiện đi sâu này, nên chẳng thể làm gì hơn là đưa ra một lời đoán bệnh không có gì chắc chắn.

Thế môn phân tâm học có làm được gì hơn không? Tất nhiên là có. Ngay cả trong trường hợp khó khăn này chúng ta cũng có thể đưa ra những sự kiện giải thích được. Chúng ta cần để ý đến chi tiết nhỏ nhặt có vẻ không quan trọng là chính người đàn bà đã là nguyên nhân gây ra bức thư nặc danh đó: chính bà ta hôm trước đã phàn nàn với mụ hầu phòng là mình sẽ khổ sở vô cùng khi biết chồng có nhân tình. Nói câu đó chính bà ta đã gợi ý cho mụ hầu phòng gửi bức thư nặc danh. Vậy sự ám ảnh không hề dính dáng gì đến bức thư cả, nó đã có từ trước trong tình trạng một mối lo âu (hay một sự ham muốn). Thêm vào đó một vài sự kiện do tôi tìm ra sau hai giờ đồng hồ phân tích. Sau khi nghe kể chuyện xong, tôi hỏi bà ta một vài điều nhưng bà ta không sẵn sàng trả lời. Bà nói rằng, bà chẳng có điều gì cần nói nữa và sau hai giờ nói chuyện bà tuyên bố là bà khỏi bị ám ảnh rồi, thấy trong người khỏe khoắn dễ chịu. Tất nhiên bà nói như thế vì cuộc nói chuyện tiếp tục. Nhưng trong hai giờ đó bà khách đã để lộ một vài điểm giúp cho ta hiểu rõ tình trạng của bà. Bà có cảm tình đặc biệt với một chàng trẻ tuổi, người con rể đã nhờ đến tôi săn sóc bà. Bà không hề có ý thức gì về cảm tình đó, vì là mẹ vợ và chàng rể nên mối cảm tình biến thành một tấm lòng âu yếm rất dễ hiểu. Chúng ta đủ kinh nghiệm để đi sâu vào cuộc đời tinh thần của người đàn bà rất tốt này. Cảm tình của bà đối với con rể kinh khủng quá nên không thể có trong ý thức bà ta được, nhưng nó vẫn tiềm tàng trong vô thức và thúc đẩy mạnh mẽ ghê gớm. Bà cần có một cái gì để thoát khỏi sự ám ảnh đó, chính sự di chuyển đề tài đã giúp bà giải quyết được vấn đề. Bà lý luận là trong khi mình có thể yêu một chàng trẻ tuổi được thì không có lý do nào khiến cho chồng mình lại không yêu một cô gái. Do đó bà không còn hối hận về tình yêu của mình nữa. Việc chồng phụ tình mình như một liều thuốc an thần dán trên một vết thương nóng bỏng. Vì không ý thức được tình yêu của mình nên bà bị ám ảnh bởi hình bóng của tình yêu này, một bóng dáng mà bà cho là rất có lợi cho mình. Mọi lý lẽ đưa ra đều không có hiệu quả gì vì chúng đâu có nhằm đúng mục tiêu, chỉ nhằm vào cái mẫu của mục tiêu đó thôi, chính cái mục tiêu này nấp trong vô thức truyền cho cái mẫu bên ngoài sức mạnh của mình.

Chúng ta hãy tóm tắt lại những dữ kiện thu lượm được trong việc phân tích này rồi dựa vào đó tìm hiểu trường hợp của bà khách. Dữ kiện thứ nhất: ý cố định không phải là một thứ gì vô lý, không hiểu được, ý đó có ý nghĩa, có lý do, lệ thuộc vào một biến cố tình cảm trong đời sống người bệnh. Dữ kiện thứ hai ý cố định này là một sự kiện cần thiết, phản ứng chống lại một sự hoạt động tinh thần vô thức mà chúng ta đưa ra ánh sáng được nhờ một vài dấu hiệu khác. Chính vì có dây liên lạc với vô thức mà ý đó mới có tính cách ám ảnh, mới chống lại mọi lý luận hợp lý, đúng với sự thực. Ý đó còn là một niềm an ủi đối với người bệnh nữa. Dữ kiện thứ ba: nếu hôm trước người bệnh kể lể tâm tình với mụ hầu phòng chính là vì bà ta đã bị thúc đẩy bởi tình yêu thầm kín đối với con rể, tình yêu này chính là bức phông che lấp hậu trường căn bệnh. Trường hợp này giống triệu chứng được phân tích trong phần trên ở nhiều điểm, vì ở cả hai nơi chúng ta đều tìm ra được ý nghĩa hay ý muốn của sự biểu thị tinh thần, những liên quan giữa chúng ta và một yếu tố vô thức.

Tất nhiên chúng ta chưa giải quyết được một thắc mắc trong vấn đề trên. Còn nhiều vấn đề chưa tìm ra được giải pháp. Có những vấn đề không giải quyết nổi vì một vài điều kiện đặc biệt khó khăn. Tại sao người đàn bà được chồng chiều chuộng này lại đi yêu con rể? Tại sao niềm an ủi lại không có một hình thức khác hơn là bóng dáng, là sự di chuyển về phía người chồng một tình trạng đặc biệt của người bệnh? Những vấn đề đó có phải là những vấn đề gai góc không? Chúng ta có nhiều tài liệu để trả lời những câu hỏi đó. Người đàn bà này có thể đã đến tuổi hồi xuân và cần được thỏa mãn tình dục: riêng một sự kiện này có lẽ cũng đã giải thích được nhiều. Có thể là ông chồng không có đủ sức cung phụng cho bà vợ về phương diện sinh lý. Những người chồng như thế thường tỏ ra âu yếm đối với vợ và rất khoan dung đối với tính nết cáu kỉnh của vợ. Việc người bệnh yêu con rể không phải là không có ý nghĩa. Chính vì quá yêu con gái, yêu một cách say mê như người con trai yêu con gái. Nên tình yêu đó đã biến thể thành tình yêu người con rể. Tôi tưởng chẳng cần nhắc lại các bạn rằng những sự giao hợp giữa mẹ và con rể thường bị phê phán thực gắt gao trong xã hội, ngay cả trong thời cổ những sự loạn luân này cũng bị trừng trị ghê gớm. Sự loạn luân này vượt quá mức luân lý mà xã hội có thể chịu đựng được. Vì không thể tiếp tục khảo sát sau hai giờ nói chuyện nên tôi không thể nói rõ trong ba yếu tố nói trên, yếu tố nào đã giữ phần quan trọng quyết định, một trong ba yếu tố đó, hay hai, hay cả ba cùng một lúc.

Đó là những điều mà tôi chưa sửa soạn kỹ càng cho các bạn hiểu. Tôi chỉ có ý so sánh giữa hai môn thần kinh học và phân tâm học thôi. Các bạn có thấy hai môn này phản đối nhau trong điểm nào không? Thần kinh học không áp dụng phương pháp kỹ thuật của phân tâm học, không để ý đến ý tưởng cố định, chỉ cốt chứng minh rằng di truyền chính là nguyên nhân gần hay xa của căn bệnh chứ không tìm những nguyên nhân đặc biệt và gần hơn. Nhưng đó có phải là điều trái ngược không? Các bạn không thấy rằng hai môn đó không hề trái ngược nhau mà còn bổ túc cho nhau nữa sao? Hai yếu tố di truyền và biến cố tinh thần cũng thế, không hề xa nhau, trái lại, lại cộng tác với nhau chặt chẽ để đạt cùng một mục đích. Thần kinh học không thể đưa ra một lý lẽ gì để phản đối phân tâm học hết. Chính nhà chuyên môn về thần kinh học chứ không phải môn thần kinh học chống đối với môn phân tâm học. Đối với thần kinh học, phân tâm học ở vào địa vị của môn học đối với giải phẫu học: một đằng khảo cứu về hình thể bên ngoài của cơ quan, một đằng khảo cứu mô và tế bào cấu thành các cơ quan. Không thể có mâu thuẫn giữa hai môn này được vì môn này tiếp tục công việc của môn kia. Hiện nay giải phẫu học là môn căn bản của khoa học y khoa nhưng có một thời người ta đã cấm không cho mổ xẻ xác chết để khảo cứu về sự cấu thành các cơ quan bên trong cơ thể, cũng như bây giờ người ta đang kết án những người muốn khảo cứu về phân tâm học để tìm hiểu sự hoạt động của tinh thần. Nhưng mọi sự đều có vẻ hướng về một tương lai gần đây, trong đó muốn khảo cứu hữu hiệu về thần kinh học chúng ta phải biết rõ về những sự hoạt động bên trong và vô thức của đời sống tinh thần.

Môn phân tâm học thường bị chỉ trích ghê gớm, có thể gây được cảm tình của một số các bạn vui mừng nhìn thấy ở đó một phương pháp trị bệnh. Nhưng phương tiện hiện thời của môn thần kinh học không có tác dụng gì đối với những ý cố định. Môn phân tâm học có thành công hơn về phương diện này không? Không, phân tâm học cũng như mọi môn trị liêu khác không có tác dụng đối với những ý kiến này. Hay ít nhất cũng trong tình trạng hiện thời chúng ta có thể dùng phân tâm học tìm hiểu những sự gì xảy ra ở người bệnh, nhưng không có tác dụng đối với những ý kiến này. Hay ít nhất cũng trong tình trạng hiện thời, chúng ta có thể dùng phân tâm học tìm hiểu những sự gì xảy ra ở người bệnh, nhưng không có phương tiện nào làm cho người bệnh hiểu được chính mình. Trong trường hợp nói trên tôi đã không thể đi quá sâu sau hai giờ nói chuyện. Có phải là sự phân tích vì không đưa đến kết quả gì cụ thể nên phải bỏ đi không? Tôi không nghĩ thế. Chúng ta có quyền và có bổn phận tiếp tục, công việc dù chưa đạt được mục đích gì hữu ích ngay trước mắt. Sau cùng chúng ta không biết khi nào và tại đâu những điều hiểu biết rất ít ỏi của chúng ta biến thành một phương pháp điều trị. Dù môn phân tâm học bị bó tay trước những chứng bệnh thần kinh khác cũng như trước những ý kiến cố định, môn đó vẫn tỏ ra không có gì thay thế được trong công cuộc khảo cứu khoa học. Chúng ta chưa có đủ điều kiện hoạt động. Ngay chính những người chúng ta đang tìm hiểu, những người còn sống hẳn hoi và có lý do cần giúp đỡ, chúng ta cũng từ chối không chịu cộng tác. Vì thế cho nên tôi không muốn chấm dứt những bài học này mà không nói cho các bạn biết rằng, có nhiều loại rối loạn thần kinh mà chúng ta có thể trị được sau khi tìm hiểu rõ ràng hơn và môn phân tâm học, với một vài điều kiện có thể thu lượm được những kết quả khả quan chẳng kém gì những kết quả thu lượm được trong các môn khoa học khác.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.