Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 6



Chúng ta đã nói rằng những triệu chứng bệnh thần kinh chỉ là sự thỏa mãn có tính cách thay thế, nhưng việc dùng cách nghiên cứu những triệu chứng này để khẳng định đề luận này nhiều khó khăn. Đề luận này chỉ có thể chứng minh được khi nói đến sự thỏa mãn dục tình, chúng ta phải kể cả những sự thỏa mãn bằng những phương pháp bất thường nói trên, vì những triệu chứng đó xảy ra quá nhiều. Không có một người bệnh thần kinh nào lại không có khuynh hướng đồng tính luyến ái, rất nhiều triệu chứng bệnh thần kinh chỉ là cách phát biểu của khuynh hướng tiềm tàng này thôi: điều nhận xét này khiến cho bọn người đồng tính luyến ái không thể tự cho rằng mình là những con người đặc biệt. Kẻ nào vỗ ngực tự xưng là đồng tính luyến ái chỉ là người ý thức được bệnh của mình mà thôi, nhưng số người này không thấm vào đâu so với số người mà sự đồng tính luyến ái tiềm tàng trong tâm trí. Chúng ta bắt buộc phải coi sự đồng tính luyến ái như một cái nhọt trong đời sống tình ái, tầm quan trọng của nó càng ngày càng to khi ta tiến gần đến đời sống này. Tất nhiên sự khác biệt giữa đồng tính luyến ái và đời sống tình dục bình thường không phải vì thế mà mất đi; nếu giá trị lý thuyết của sự đồng tính luyến ái có giảm đi chăng nữa giá trị thực tế của nó vẫn tồn tại. Ngay bệnh paranoia (bệnh thần kinh có đặc tính tự cao tự đại, ích kỷ ghê gớm, luôn luôn tinh thần tỏ ra bất trắc, hay nghi ngờ, cáu kỉnh) cũng chỉ là một mưu toan chống lại những sự đồng tính luyến ái quá mạnh. Chắc các bạn còn nhớ tới người bệnh, trong khi bị ám ảnh thường bắt chước cử chỉ của chồng sống xa mình: việc này xảy ra luôn luôn đối với những người bị bệnh thần kinh. Tuy đó không phải thực sự là đồng tính luyến ái nhưng nó cũng hội tụ đủ các điều kiện của sự đồng tính luyến ái.

Bệnh náo loạn thần kinh thường phát sinh các triệu chứng ở khắp các cơ quan trong thân thể và làm rối loạn sự hoạt động của các cơ quan này. Trong chứng bệnh này có đủ mọi khuynh hướng sa đọa tìm cách thay thế cơ quan sinh dục bằng những cơ quan khác, hoạt động tương tự như cơ quan sinh dục. Chính nhờ khảo sát triệu chứng của bệnh thần kinh này, chúng ta mới tìm ra được quan niệm rằng mọi cơ quan trong thân thể, ngoài nhiệm vụ thông thường ra còn giữ một vai trò giống như của cơ quan sinh dục, nhiều khi mạnh đến nỗi làm rối loạn các sự hoạt động bình thường của cơ quan đó. Có rất nhiều cảm giác, triệu chứng của bệnh náo loạn về thần kinh tập trung của các cơ quan không liên quan gì đến vấn đề sinh dục cả và điều này cho ta biết về tính chất của chúng: chúng là sự thỏa mãn tình dục sa đọa bằng những cơ quan không phải là cơ quan tình dục nhưng hoạt động như những cơ quan này. Luôn luôn chúng ta thấy những cơ quan thu nhận đồ ăn và cơ quan bài tiết trở thành những cơ quan kích động tình dục. Nhận xét này cũng tương tự như nhận xét của chúng ta về sự sa đọa, chỉ có điều khác là trong sự sa đọa những hành vi sa đọa có thể nhận được thấy một cách dễ dàng, không sao lầm được trong khi trong sự náo loạn thần kinh, chúng ta phải bắt đầu bằng cách giải thích những triệu chứng, rồi cho những khuynh hướng tình dục sa đọa này vào trong vô thức chứ không cho là chúng có trong ý thức của người bệnh.

Trong số các hình thức của bệnh thần kinh bị ám ảnh, hình thức quan trọng nhất là những hình thức bị áp lực của những khuynh hướng sa đọa; những triệu chứng này chính là những phương pháp chống lại những sự ham muốn hay mô tả sự giằng co giữa ý chí thỏa mãn và ý chí chống lại. Nhưng sự thỏa mãn thay vì dùng con đường ngắn nhất để đạt mục đích lại phát hiện trong cử chỉ của người bệnh bằng những con đường quanh co làm cho người bệnh phải chịu biết bao nhiêu điều đau khổ. Những hình thức khác thường phát hiện bằng những cử chỉ mà người bình thường chỉ làm với tính cách sửa soạn trong việc giao cấu: người bệnh muốn nhìn, sờ soạng, tìm tòi trong những nơi thầm kín nhất. Vì thế nên chúng ta có thể cắt nghĩa được tại sao người bệnh lại rất sợ khi có người sờ mó đến mình. Có rất nhiều cử chỉ của những người bị ám ảnh lặp đi lặp lại cử chỉ thủ dâm, và cử chỉ thủ dâm như các bạn dã biết, thường đi kèm với nhiều hình thức khác nhau của những hành vi tình dục đi sai chiều hướng.

Tôi có thể dễ dàng nói đến nhiều liên quan nữa giữa sự sa đọa và chứng bệnh thần kinh, nhưng những điều vừa nói đủ dùng cho công việc của chúng ta rồi. Nhưng chúng ta không nên gán cho những triệu chứng, sự có mặt và cường độ của khuynh hướng sa đọa của loài người một tầm quan trọng quá mức. Chắc các bạn có nghe nói rằng có người mắc bệnh thần kinh chỉ vì không được thỏa mãn về tình dục. Lúc đó nhu cầu về tình dục sẽ đi vào con đường bất thường. Về sau các bạn sẽ biết sự việc trong những trường hợp này xảy ra như thế nào, nhưng ngay từ bây giờ các bạn đã hiểu rằng những khuynh hướng sa đọa sau khi bị dồn ép sẽ tái xuất hiện mạnh mẽ hơn là nếu chúng ta không gặp trở ngại trong việc thỏa mãn tình dục một cách bình thường. Đối với những sự sa đọa rõ ràng người ta cũng nhận thấy một ảnh hưởng tương tự. Những sự sa đọa này thường xuất hiện trong trường hợp sự thỏa mãn tình dục gặp những sự trở ngại không vượt qua được vì một vài nguyên nhân xã hội nhất thời hay có tính cách lâu dài. Có những trường hợp trong đó sự sa đọa không liên quan gì đến những điều kiện kể trên và chỉ là hình thức bình thường của cá nhân trong việc thỏa mãn tình dục.

Chắc các bạn có cảm tưởng rằng thay vì vạch rõ những liên quan giữa tình dục bình thường và tình dục sa đọa ra, chúng ta chỉ càng làm cho chúng tối tăm thêm lên thôi. Các bạn hãy chỉ nghĩ đến những điều sau đây nếu quả đúng là trong những người không được thỏa mãn tình dục bình thường, chúng ta thấy xuất hiện những khuynh hướng sa đọa và những khuynh hướng này không thể xuất hiện được nếu không có việc ngăn trở trong việc thỏa mãn tình dục thì chúng ta phải công nhận là dù sao trong những người nói trên cũng đã có sẵn mầm mống của những sự sa đọa đó rồi, nghĩa là những sa đọa đã tiềm tàng sẵn trong người họ từ lâu. Công nhận thế xong, chúng ta nói đến những sự việc mới khác mà tôi đã báo trước trong những dòng trên. Phân tâm học phải chú trọng đến đời sống tình dục của trẻ con vì nhận thấy rằng những kỷ niệm về ý tưởng xuất hiện trong những người bị bệnh thần kinh bao giờ cũng đưa họ quay trở lại những năm đầu tiên của thời thơ ấu. Kết luận của chúng ta đều được chứng minh bằng những điều quan sát được trong trẻ con. Và chúng ta thấy rằng tất cả những khuynh hướng sa đọa này đều bắt nguồn trong thời thơ ấu, rằng trẻ con có trong mình chúng những mầm mống của các khuynh hướng sa đọa này. Nói tóm lại, tình dục sa đọa không là gì khác hơn là tình dục của trẻ con được phóng đại và phân chia thành những khuynh hướng đặc biệt khác.

Bây giờ hẳn các bạn nhìn những sự sa đọa bằng con mắt khác và không thể không công nhận rằng những sự sa đọa quả có liên quan chặt chẽ với đời sống tình dục của con người. Nhưng các bạn chỉ đến được đó với biết bao nhiêu sự ngạc nhiên và thất vọng. Trước hết các bạn có ý muốn phủ nhận hết: nào sự kiện rằng trẻ con cũng có một đời sống tình dục, nào tính cách đứng đắn của các sự tìm tòi của chúng ta, nào quyền của tôi được thấy giữa những điều chúng ta lên án như một sự sa đọa và thái độ của trẻ con có một cái gì giống nhau. Tôi muốn nói cho các bạn rõ vì lý do nào các bạn muốn phủ nhận hết rồi sau đó sẽ nói về toàn thể những điều nhận xét của tôi. Nói rằng trẻ con không có một đời sống tình dục – gồm đủ mọi thứ như kích động tình dục, nhu cầu thỏa mãn tình dục – và đời sống này chỉ đột nhiên xuất hiện vào năm chúng 12 hay 14 tuổi, tức là đưa ra một nhận xét không thể nào có thực về phương diện sinh lý, chẳng khác gì cho rằng trẻ con không hề có cơ quan tình dục và cơ quan này chỉ xuất hiện khi chúng đến tuổi dậy thì thôi. Điều xuất hiện vào tuổi dậy thì chỉ là cơ năng sinh sản dùng một guồng máy thân thể và tinh thần có sẵn trong đứa bé để đạt mục đích. Chính vì bạn lầm lẫn tình dục và sinh dục nên bạn mới không hiểu được những vấn đề tình dục, sa đọa và chứng bệnh thần kinh. Điều lầm lẫn này rất tai hại. Điều ngạc nhiên là điều lầm lẫn này lại bắt nguồn ở sự kiện rằng các bạn cũng đã là trẻ con và chịu ảnh hưởng của giáo dục ngăn cấm bạn có những ý tưởng đó. Về phương diện giáo dục, xã hội thường tự gán cho mình nhiệm vụ chính là ngăn cản, kìm hãm bản năng tình dục khi nó xuất hiện như một nhu cầu sinh sản, giới hạn sự hoạt động của nó, ép nó phải theo ý chí của một cá nhân và sự đè nén của xã hội. Xã hội cũng quan tâm đến việc ngăn chặn sự phát triển của bản năng tình dục cho tới khi đứa bé đạt tới một trình độ chín mùi nào đó trong xã hội vì khi đến tuổi đó rồi, giáo dục không còn ảnh hưởng gì đến đứa bé nữa. Nếu xuất hiện quá sớm, tình dục sẽ gạt bỏ những hàng rào ngăn cản và cuốn đi hết những kết quả mà giáo dục đã phải khó nhọc lắm mới đạt được. Nhiệm vụ ngăn chặn bản năng tình dục không phải là một công việc dễ dàng: có khi chúng được thực hiện quá sớm hoặc quá ít. Nền tảng của xã hội loài người có tính cách kinh tế: vì không đủ phương tiện để cho mọi người trong xã hội không làm mà cũng sống được, xã hội bắt buộc phải hạn chế số người sống trong xã hội và làm cho họ quên những đòi hỏi về tình dục, dùng nghị lực về tình dục cho sự làm việc. Chúng ta đứng trước nhu cầu cần thiết để sống của mọi thời, phát sinh ra từ khi có loài người và tồn tại mãi cho tới bây giờ.

Có lẽ kinh nghiệm đã chứng tỏ cho các nhà giáo dục thấy rằng công việc kìm hãm tình dục của thế hệ mới chỉ làm được khi người ta không chờ đợi tuổi dậy thì mà bắt đầu ngay từ những năm đầu tiên của thời thơ ấu, bắt trẻ con phải chịu kìm hãm nhu cầu tình dục để sửa soạn cho tuổi dậy thì. Để đạt mục đích đó người ta ngăn cấm không cho trẻ con hoạt động tình dục, đổi hướng những hoạt động này với hy vọng làm cho đời sống của chúng ta trở thành vô dục, để rồi dần dần người ta tin tưởng rằng đời sống trẻ con không có tình dục thực. Lòng tin tưởng này đã được khoa học xác nhận. Để cho những điều mình dạy khỏi mâu thuẫn với điều mình muốn, người ta đã không để ý gì đến hoạt động tình dục của trẻ con – và điều này không dễ gì thực hiện nổi – hoặc người ta làm cho khoa học có một quan điểm khác về vấn đề. Đứa bé được coi như trong sạch, ngây thơ và kẻ nào nói trái lại sẽ bị coi là kẻ phạm thượng, phạm đến những tình cảm thiêng liêng và âu yếm nhất của nhân loại.

Chỉ có trẻ con mới không bị lừa bởi những quy ước đó; chúng luôn luôn đòi hỏi quyền lợi của chúng và chứng tỏ rằng, đối với chúng, con đường trong sạch là con đường dài chưa đi đến. Có điều lạ là ngay cả những người không chịu công nhận là trẻ con cũng có dục tình lại là những người để ý nhất đến việc giáo dục chúng về tình dục và lên án gắt gao những sự phát hiện của dục tình nơi chúng. Ngoài ra, về phương diện lý thuyết thực thú vị khi nghĩa rằng năm năm đầu tiên trong thời thơ ấu, vào tuổi mà trẻ con ít có thành kiến hơn về tình dục lại là những năm bị mây mờ của sự mất trí nhớ che phủ nhiều nhất, đám mây mờ này chỉ có phân tâm học mới quét đi được. Tuy vậy tuổi này là tuổi có thể có một vài hình thức giấc mơ.

Và bây giờ, tôi muốn trình bày cho các bạn nghe một cách rõ ràng hơn về những điều khảo cứu về đời sống tình dục của trẻ con. Để đạt mục đích đó xin phép các bạn cho tôi nói đến khái niệm của sự khát dục (libido). Sự khát dục giống như sự đói ăn nói chung. Người ta đói tức là bản năng tiêu thụ đồ ăn cần được thỏa mãn, cũng như người ta khát dục khi bản năng nhục dục cần được thỏa mãn. Chúng ta không cần cắt nghĩa những khái niệm khác như sự kích động và sự thỏa mãn tình dục. Các bạn sẽ phản đối tôi bằng cách nói rằng, những hoạt động tình dục của trẻ con mở cho chúng ta một môi trường giải thích rất rộng hầu như bất tận. Chúng ta tiến tới được những sự giải thích này bằng cách phân tích thụt lùi. Những phát hiện đầu tiên của tình dục trong đứa bé sơ sinh cũng gắn liền vào nhiều công việc khác của đời sống. Quan tâm chính của đứa bé là tiêu thụ đồ ăn. Mỗi khi ăn xong đứa bé lăn ra ngủ trong lòng mẹ, mặt lộ vẻ sung sướng thỏa mãn mà về sau này người ta thấy giống y như vẻ sung sướng thỏa mãn của người lớn sau khi thỏa mãn tình dục. Nhưng nói thế chưa đủ để đi đến một kết luận được. Nhưng ngay cả khi đứa bé no rồi chúng ta vẫn thấy nó muốn ăn nữa không phải vì cần ăn, mà chỉ vì muốn tìm khoái lạc trong công việc này thôi. Lúc đó đứa bé chỉ mút chứ không ăn. Mút xong lại lăn ra ngủ với vẻ sung sướng thỏa mãn trên nét mặt đủ cho ta thấy là việc mút vú cũng đưa đến cho nó cảm giác khoái lạc như khi bú. Rồi đến lúc đứa bé không thể ngủ được nếu nó không mút vú. Chính một bác sĩ chuyên môn về nhi khoa ở Budapest, bác sĩ Lindner là người đầu tiên đã nói đến tính chất tình dục về hành vi này của đứa bé. Những người chuyên săn sóc trẻ con có vẻ như cũng công nhận điều này là đúng. Họ biết rõ việc mút vú chẳng có mục đích gì hơn là gây khoái cảm cho đứa bé, ho thấy đó là một thói quen xấu nên tìm đủ mọi cách cho đứa bé bỏ thói quen đó bằng cách gán cho thói quen đó những cảm giác xấu xa, khó chịu. Do đó chúng ta được biết đứa bé có nhiều hành vi chẳng có mục đích gì khác hơn là gây khoái cảm cho nó. Chúng ta tin rằng nó bắt đầu có khoái cảm đó khi tiêu thụ đồ ăn nhưng chẳng bao lâu nó sẽ không cần tiêu thụ đồ ăn mà cũng có được khoái cảm. Khoái cảm đó phát sinh ra trong mồm, chúng ta gọi nơi nào trong mồm gây khoái cảm đó là miền “dục tình”, coi sự khoái cảm mút vú của đứa bé là một khoái cảm dục tình. Sau này chúng ta sẽ có dịp thảo luận về tính cách hợp lý của những danh từ đó.

Nếu đứa bé nói được, nó sẽ nói rằng việc mút vú là công việc quan trọng nhất trong đời nó. Nói thế không phải là không có lý vì khi mút vú nó thỏa mãn hai nhu cầu to lớn của đời nó. Chúng ta không thể không ngạc nhiên khi được phân tâm học cho biết hành vi đó có một tầm quan trọng đặc biệt là hành vi này cứ tồn tại mãi mãi trong đời người. Hành vi mút vú mẹ là khởi điểm cho một đời sống tình dục, lý tưởng tình dục mà sau này không bao giờ ta đạt được trong việc thỏa mãn tình dục, lý tưởng mà trí tưởng tượng của chúng ta thường gợi lại mỗi khi trong đời có lúc nào bị nhiều thiếu thốn và bị nhu cầu cấp bách thúc đẩy. Vì thế mà đôi vú của người mẹ trở nên đối tượng đầu tiên của bản năng tình dục; và tôi không thể nào hiến cho bạn một ý niệm thực đúng về tầm quan trọng của đối tượng thứ nhất này đối với những đối tượng sau đó, về ảnh hưởng sâu xa của nó trong mọi sự biến thể và thay thế ngay cả trong những miền đất xa xôi nhất trong đời sống tinh thần. Nhưng chỉ ít lâu sau đứa bé sẽ thôi không mút vú nữa mà thay bằng một phần khác trong thân thể nó như mút ngón tay hay lưỡi. Nó tự tìm thấy khoái cảm mà không cần gì đến bên ngoài, rồi nó sẽ để ý đến một miền khác trong người nó trong việc gây khoái cảm này. Không phải bất cứ miền dục tình nào trong thân thể đều có hiệu quả như nhau trong việc gây khoái cảm: vì thế cho nên đứa bé coi là một biến cố quan trọng trong đời nó khi tìm ra rằng cơ quan sinh dục của nó gây nhiều khoái cảm nhất cho nó, để rồi tìm ra con đường đưa nó đến sự thủ dâm.

Nêu ra tầm quan trọng của hành vi mút vú này chúng ta đã nêu ra hai tính chất cần thiết của tình dục trẻ con: tình dục này bắt nguồn ở nhu cầu to lớn trong cơ thể, có tính cách tự thỏa mãn, nghĩa là tìm thấy đối tượng ngay trên thân thể mình. Điều đó rõ ràng trong việc tiêu thụ đồ ăn cũng rõ ràng chẳng kém việc bài tiết. Việc đại tiện và tiểu tiện cũng gây cho đứa bé sơ sinh những khoái cảm và nó sẽ tổ chức công việc này để gây cho nó thực nhiều khoái cảm bằng cách kích động những nơi có thể kích động được. Lúc đó thế giới bên ngoài đối với nó, theo nhận xét tế nhị của Luou Andréas, sẽ là một chướng ngại vật, một sức mạnh thù nghịch chống lại sự hưởng thụ khoái cảm và nó dự định phải chống lại cả bên trong lẫn bên ngoài. Người ta cấm nó không được đại tiện bất cứ lúc nào nó muốn, người ta bắt buộc nó phải theo những sự chỉ dẫn của người khác. Người ta bảo là những cái gì dính dáng đến việc đại tiện và tiểu tiện đều xấu xa cần giấu giếm. Nó bị bắt buộc phải từ bỏ sự hưởng thụ khoái cảm chỉ vì xã hội giữ gìn tư cách. Lúc đầu nó không hề thấy phân bẩn thỉu, khó ngửi, nó cho phân là một phần trong cơ thể nó; nó miễn cưỡng gạt phân đi và dùng phân như một món quà biếu những người nó thích. Sau khi giáo dục đã uốn nắn được nó rồi, đứa bé bắt đầu di chuyển giá trị mà nó gán cho phân đến các quà biếu và tiền bạc. Nó tỏ vẻ rất hãnh diện về việc tiểu tiện.

Tôi cảm thấy là các bạn đang tự kìm hãm để khỏi hét lên: “Thôi đi ông ơi, ông đừng nói đến những điều kinh tởm đó nữa. Ông cho là phân trẻ con chính là một nguồn thỏa mãn dục tình mà ngay đứa bé sơ sinh cũng đã biết lợi dụng! Nói rằng phân là một thứ gì quý báu, rằng hậu môn là một cơ quan tình dục ư! Chúng tôi không bao giờ tin như thế cả. Chúng tôi hiểu tại sao những nhà chuyên môn về nhi khoa và tinh thần học lại nhất định không công nhận phân tâm học và các kết quả do phân tâm học đạt được.” Các bạn hãy bình tĩnh lại đi. Các bạn có vẻ như quên rằng nếu tôi nói đến tình dục của trẻ con là vì nó gắn liền vào sự sa đọa trong tình dục. Các bạn chắc đã thấy nhiều người lớn thích dùng hậu môn thay thế âm hộ trong việc giao cấu. Các bạn có thấy rằng có nhiều người suốt đời lúc nào cũng coi sự đại tiện như một nguồn khoái cảm vô tận hay sao? Về sự quan tâm và khoái cảm của người ta khi nhìn người khác đại tiện, các bạn chỉ cần hỏi trẻ con khi nó biết nói rồi là đủ hiểu. Tất nhiên bạn không nên làm cho chúng sợ hãi khi hỏi chúng, vì làm như thế công việc của bạn sẽ không có kết quả gì. Về những điều khác mà các bạn không muốn tin, các bạn cứ việc xét những kết quả đạt được trong việc phân tích và quan sát trực tiếp trẻ con. Nếu các bạn không thấy những điều tôi nói tức là các bạn không có thiện chí. Các bạn có thể ngạc nhiên khi thấy tôi đồng hóa hoạt động tình dục của trẻ con với nhưng sự sa đọa về tình dục. Điều đó cũng chẳng quan hệ gì, tuy liên quan giữa hai sự kiện nói trên hết sức tự nhiên vì nếu trẻ con có một đời sống tình dục thì đời sống này tất nhiên phải có tính cách sa đọa, vì tình dục này quả không liên quan gì đến việc sinh con cả. Điểm đặc biệt cho mọi sự sa đọa về dục tình là chúng không hề biết gì đến mục đích chính của tình dục và sự sinh sản. Chúng ta gọi là sa đọa bất cứ một hành vi tình dục nào không có mục đích sinh sản mà chỉ có mục đích tìm khoái lạc, không liên quan gì đến sinh sản. Chỗ rẽ của sự phát triển tình dục phải tìm trong mục đích chính của tình dục là sự sinh sản. Tất cả những cái gì xảy ra trước khi đến chỗ rẽ đó, tất cả những cái gì không đi vào chỗ rẽ đó, tất cả những cái gì chỉ có mục đích gây khoái lạc thôi đều phải được gọi bằng danh từ sa đọa và bị mọi người khinh bỉ.

Các bạn hãy để tôi tiếp tục trình bày nhanh chóng về tình dục trẻ con. Những điều tôi nói về hai hệ thống cơ quan đều có thể được bổ túc bằng những cơ quan khác. Đời sống tình dục của trẻ con gồm nhiều khuynh hướng lẻ tẻ hoạt động riêng biệt không liên quan gì đến nhau, dùng chính ngay thân thể của đứa bé hay những vật bên ngoài làm nguồn khoái cảm. Trong những cơ quan mà trẻ con dùng để thỏa mãn tình dục, chẳng mấy chốc cơ quan tình dục chiếm chỗ quan trọng nhất; có nhiều người từ sự thủ dâm vô ý thức trong những năm đầu tiên cứ tiếp tục thủ dâm cho đến tuổi dậy thì hay sau tuổi dậy thì nữa, không hề biết đến gì ngoài cơ quan tình dục của chính mình trong việc thỏa mãn dục tình. Sự thủ dâm không phải là một đề tài để khảo sát, cần nhiều công trình nghiên cứu.

Dù ý của tôi là càng rút ngắn bài thuyết trình của tôi bao nhiêu càng hay bấy nhiêu, tôi cũng không thể không nói cho các bạn nghe về sự tò mò có tính cách dục tình của trẻ con. Tính tò mò này là đặc tính của tình dục trẻ con, có một tầm quan trọng to lớn trong việc tìm các triệu chứng thần kinh. Tính tò mò này bắt đầu rất sớm, có khi ngay từ năm mới lên ba. Nó không bắt đầu ở sự khác biệt giữa giống đực và giống cái vì đối với trẻ con, nhất là con trai thì trai và gái chẳng có gì khác nhau cả, chúng tin rằng con trai và on gái đều có cơ quan tình dục giống nhau. Khi một đứa con trai tìm ra ở người em gái hay người bạn gái cái âm hộ, nó không thể không cho rằng mình đã nhìn lầm vì không thể tưởng tượng được rằng một người lại có thể thiếu một cơ quan quan trọng như thế. Sau này biết rõ nó sợ hãi ghê lắm, nhất là khi nhớ lại người lớn hay dọa thiến nó mỗi khi nó làm điều lầm lỗi. Mặc cảm bị thiến này có ảnh hưởng sâu rộng đối với nó, đối với tính tình nó khi nó khỏe mạnh, đối với tinh thần nó khi nó bị ốm, đối với sự phản kháng của nó khi nó được điều trị bằng phân tâm học. Các em bé gái thường cho việc mình không có cái dương vật dài dài là dấu hiệu rõ ràng trong chứng bệnh thần kinh bắt nguồn ở chỗ người con gái không làm hết được bổn phận của người đàn bà. Đối với đứa bé gái âm hạch giữ vai trò của dương vật, vì âm hạch là trung tâm của một sự kích động đặc biệt, cơ quan giúp cho nó tự thỏa mãn về tình dục. Khi sự kích động này di chuyển từ âm hạch đến chỗ cửa âm hộ chính là lúc đứa bé trở thành ngươi đàn bà. Trong trường hợp dục tình của đàn bà bị tê liệt, âm hạch vẫn giữ nguyên tính cách nhạy cảm.

Về phương diện tình dục, đứa bé quan tâm nhất đến việc tìm hiểu xem trẻ con ở đâu, vấn để này là vấn đề do con quỷ thành Thèbes đặt ra và sau này sở dĩ đứa bé quan tâm đến là vì nó sợ có em bé ra đời chiếm chỗ của nó. Chính đứa bé cũng không tin tưởng gì lắm vào cách giải thích nói rằng chính những con cò đã mang em bé đến. Chính cái cảm tưởng bị người lớn lừa dối đã làm cho đứa bé trở thành cô độc và độc lập đối với người lớn. Nhưng trẻ con không thể tự mình giải quyết được những vấn đề đó. Việc cơ quan tình dục chưa phát triển đúng mức ngăn trở không cho nó biết nhiều. Trước hết nó cho rằng sở dĩ có trẻ con là vì người lớn đã ăn một chất gì đặc biệt, và nó không biết rằng chỉ có đàn bà mới sinh con thôi. Sau này khi biết được điều này, nó cho việc ăn một chất gì để có con như một chuyện thần thoại. Lớn lên nó biết người cha giữ vai trò quan trọng trong việc sinh con, nhưng không biết vai trò đó như thế nào. Nếu tình cờ được chứng kiến một sự giao hợp, nó cho đó là một sự hành hung, một trận giáp lá cà độc ác: nó đã quan niệm sai lầm việc giao hợp. Tuy nhiên nó cũng chưa biết rõ việc giao hợp có liên quan gì đến việc trẻ con ra đời. Ngay cả khi nhìn thấy vết máu trên quần áo hay trên người mẹ, nó cũng cho đó là hậu quả của sự hành hung của cha nó đối với mẹ nó. Sau này nó bắt đầu nghi ngờ là có lẽ dương vật có giữ một vai trò gì trong việc sinh con, nhưng cũng chưa biết công dụng của dương vật ngoài việc dùng để di tiểu.

Trẻ con hầu hết đều cho rằng em bé ra đời bằng hậu môn. Khi không còn để ý đến hậu môn nữa, nó tin rằng đứa bé ra đời bằng lỗ rốn, hay ở giữa đôi vú trên ngực người mẹ. Cứ như thế dần dần càng ngày nó càng biết thêm về điểm này, dò dẫm mãi cho đến một ngày nào đó trước tuổi dậy thì, đột nhiên bàng hoàng, như bị đánh bất thần trước những câu giải đáp cho vấn đề thường làm nó bận tâm, những lời giải đáp tuy không đầy đủ nhưng cũng đủ đưa nó ra khỏi sự ngây thơ buổi đầu.

Chắc thế nào các bạn cũng nghe nói rằng, vì muốn giữ nguyên những đề luận của mình về nguyên nhân tình dục của những chứng bệnh thần kinh và tầm quan trọng của tình dục trong các triệu chứng bệnh này, phân tâm học bị bó buộc phải gán cho khái niệm tình dục một phạm vi quá đáng. Bây giờ hẳn các bạn đã có dịp xét xem điều đó có quả thực đáng hay không. Tôi chỉ mở rộng khái niệm về tình dục đủ để đưa được vào đó đời sống tình dục của những kẻ sa đọa và trẻ con. Nói khác đi tôi chỉ trả lại cho khái niệm đó tầm quan trọng nó vẫn có xưa nay. Ngoài ý nghĩa phân tâm học ra, tình dục chỉ là một khái niệm hết sức chật hẹp, chỉ dùng vào mỗi một mục đích sinh sản, nghĩa là điều người ta thường gọi là đời sống tình dục bình thường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.