Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 2 – Phần 5



7/ Dựa vào hai tính chất này của giấc mơ, chúng ta có thể tiếp tục so sánh giấc mơ và hành vi sai lạc. Trong hành vi sai lạc chúng ta phân biệt một khuynh hướng gây rối và một bị gây rối, rồi có một sự dung hòa giữa hai khuynh hướng này. Trong giấc mơ sự việc khuynh hướng bị gây rối cũng là khuynh hướng đi ngủ. Còn khuynh hướng bị gây rối là sự kích động tinh thần, nghĩa là ý muốn được thỏa mãn: thực ra chúng ta không biết có sự kích động nào khác có thể quấy rối giấc ngủ nữa. Vậy giấc mơ cũng là kết quả của một sự dung hoà, sự điều đình giữa hai khuynh hướng. Trong khi ngủ chúng ta thỏa mãn một ý muốn: chính vì thỏa mãn ý muốn đó mà chúng ta tiếp tục ngủ. Có một sự thỏa mãn nửa vời và một sự huỷ diệt nửa vời của hai khuynh hướng.

8/ Các bạn hãy nhớ lại có lần chúng ta hy vọng có thể dùng sự kiện có những giấc mơ trong lúc thức để giải thích các giấc mơ. Thực tế, những giấc mơ trong khi thức này chả là gì hơn sự hoàn thành những ý muốn về tham vọng hay tình ái: nhưng có điều những ham muốn đó chỉ là những ý nghĩ chứ không xuất hiện dưới hình thức ảo giác của đời sống tinh thần. Vì thế trong tính chất của giấc mơ chúng ta chỉ giữ lại tính chất nào không được chắc chắn trong khi tính chất kia biến mất vì thuộc giấc ngủ và không thể được thực hiện trong khi thức. Ngay trong lời nói thông thường, người ta cũng có vẻ cho rằng tính chất cơ bản trong giấc mơ là sự thực hiện những ham muốn. Vậy, nếu những biến cố sống động trong giấc mơ chỉ là những biểu ngữ bị biến dạng và sở dĩ có được là nhờ có tình trạng giấc ngủ, nghĩa là những giấc mơ trong khi thức về đêm, thì chúng ta hiểu rằng sự hoàn thành giấc mơ đưa lại hậu quả là huỷ bỏ những sự kích động ban đêm và thỏa mãn ham muốn, bởi vì hoạt động của những giấc mơ trong khi ý thức cũng ngụ ý một sự thỏa mãn ham muốn và sở dĩ xảy ra là chỉ cốt thỏa mãn sự ham muốn này thôi.

Những lỗi khác cũng diễn tả một ý tưởng tương tự. Ai chẳng biết câu tục ngữ: “Con lợn mơ bèo, con mèo mơ chuột.” và câu hỏi: “Thế con gà thì mơ gì?” và câu trả lời: “Con gà mơ thóc.” Như vậy, tức là ngay cả khi xuống thấp một bậc nữa, nghĩa là từ đứa bé xuống đến giống vật, ngay chính câu tục ngữ cũng thấy rằng nội dung của giấc mơ là sự thỏa mãn một nhu cầu. Rồi còn biết bao nhiêu câu nói cùng một ý nghĩa “Đẹp như trong mơ” hay “Tôi chưa bao giờ mơ thế bao giờ”, hay là “Đó là một điều tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến ngay cả khi trong những giấc mơ táo bạo nhất.” Rõ ràng là người ngoài phố đã nghĩ về giấc mơ của mình như thế nào rồi. Cũng có những giấc mơ hãi hùng, những giấc mơ có nội dung buồn rầu khổ sở, nhưng quần chúng không chấp nhận cho đó là giấc mơ. Quần chúng cũng có ý nghĩ đến những giấc mơ bực mình nhưng trong đầu óc quần chúng thì giấc mơ cụt thun lủn vẫn là sự thỏa mãn một ham muốn dễ chịu nào đó. Chưa hề bao giờ có những giấc mơ trong đó những chó, lợn hay anh ngỗng mơ thấy mình bị đem thọc tiết cả.

Có điều khó hiểu là tại sao từ trước tới nay những nhà khảo cứu những giấc mơ không hề để ý rằng nhiệm vụ chính của những giấc mơ là thực hiện một ham muốn. Họ quả có để ý đến đặc tính này nhưng không một ai đã có ý nghĩ công nhận rằng chính nó là một tính cách bao quát và dùng làm khởi điểm cho việc giải thích các giấc mơ. Tôi hiểu điều gì đã ngăn họ làm thế.

Bây giờ các bạn hãy nghĩ đến những kết quả quý báu mà chúng ta đã đạt được một cách dễ dàng trong khi khảo sát những giấc mơ trẻ con. Chúng ta biết rằng nhiệm vụ của các giấc mơ là trông nom cho giấc ngủ, rằng giấc mơ là kết quả của sự gặp nhau giữa hai khuynh hướng trái ngược: một khuynh hướng nhu cầu ngủ, không thay đổi trong khi khuynh hướng kia tìm cách thỏa mãn một sự kích động tinh thần. Chúng ta có bằng chứng chứng tỏ rằng giấc mơ là một hành vi tinh thần có ý nghĩa, chúng ta biết giấc mơ có hai tính chất chính: sự thỏa mãn một ham muốn và đời sống tinh thần ảo giác. Được biết các khái niệm đó, hơn một lần chúng ta có vẻ như quên rằng mình đang khảo cứu về phân tâm học. Ngoài việc so sánh với những hành vi sai lạc, chúng ta chưa làm được gì đặc biệt. Bất cứ một nhà tâm lý học nào, dù không hề biết đến phân tâm học chăng nữa, cũng có thể giải thích các giấc mơ trẻ con như chúng ta vừa làm. Nhưng tại sao chưa có một nhà tâm lý học nào làm việc đó cả?

Nếu chỉ có trẻ con mới nằm mơ thôi thì vấn đề đã được giải quyết rồi. Chúng ta chẳng còn gì phải làm nữa, chả cần phải hỏi han gì người nằm mơ, chả cần phải đưa vô thức vào làm gì, chẳng cần phải đưa sự tự do liên tưởng ra làm gì. Chúng ta đã nhiều lần nhận thấy rằng có nhiều đặc tính lúc đầu tưởng rằng có tính chất tổng quát nhưng thực ra chỉ thuộc vào một loại giấc mơ nào đó thôi. Chúng ta cần biết là những đặc tính chung trong những giấc mơ trẻ con có vững chắc hơn hay không, có liên hệ gì đến những giấc mơ không được rõ ràng hơn không và nội dung có dính dáng gì đến những biến cố xảy ra ban ngày không? Theo quan niệm của chúng ta thì những giấc mơ đó đã bị biến dạng đi quá nhiều khiến cho chúng ta không thể có ý kiến gì chắc chắn về chúng ngay được. Chúng ta sẽ thấy là muốn cắt nghĩa những biến dạng đó chúng ta cần dùng đến kỹ thuật phân tâm mà chúng ta không dùng đến trong khi tìm hiểu những giấc mơ trẻ con.

Tuy nhiên, cũng có cả một loạt những giấc mơ không biến dạng giống như những giấc mơ trẻ con xuất hiện như những sự thực hiện của ham muốn. Đó là những giấc mơ do những nhu cầu về cơ thể gây ra trong cuộc đời của mỗi người: đói khát, dục tình. Những giấc mơ đó là sự thực hiện những ham muốn do những kích động bên trong gây nên. Một em bé gái 19 tháng mơ thấy một thực đơn trong đó em đã thêm tên vào (Anna F.. dâu, quả mâm xôi, trứng tráng, canh): giấc mơ này là kết quả của một ngày nhịn đói sau khi ăn không tiêu vì đã ăn quá nhiều dâu và quả mâm xôi. Bà em bé này, 70 tuổi, đã phải nhịn ăn suốt ngày vì đau thận, nằm mơ thấy được mời đi ăn tiệc ở nhà bạn bè và ăn những món rất ngon. Những quan sát được thí nghiệm đối với những người tù, hay những người trong đoàn thám hiểm chịu nhiều thiếu thốn chứng tỏ rằng những giấc mơ của họ đều diễn tả sự thực hiện các nhu cầu không được thỏa mãn trong đời thực. Trong cuốn Antarctic (Cuốn 1, trang 336, 1904), Otto Nordenskjold nói về những người trong đoàn thám hiểm như sau: “Những giấc mơ của chúng tôi, nhiều hơn bao giờ, đầy ý nghĩa ở chỗ bao giờ chúng cũng cho biết lòng ham muốn của chúng tôi hướng về cái gì. Ngay cả những người bạn xưa nay rất ít khi nằm mơ cũng kể cho chúng tôi nghe những giấc mơ rất dài mỗi buổi sáng khi chúng tôi họp nhau lại để trao đổi những kinh nghiệm mới nhất trong việc khảo sát trí tưởng tượng. Những giấc mơ này đều liên quan đến thế giới bên ngoài lúc đó ở xa chúng tôi hàng ngàn dặm nhưng cũng liên quan đến đời sống hiện tại của chúng tôi. Những giấc mơ đó luôn luôn xoay quanh vấn đề ăn và uống. Một người xưa nay thường mơ được dự một bữa tiệc to, rất khoan khoái nếu sáng ra anh được kể lại cho chúng tôi nghe là đêm qua anh đã nằm mơ thấy một bữa ăn gồm có ba món, một người khác nằm mơ thấy được hút những núi thuốc, một người khác nằm mơ thấy tàu mình chạy bon bon trên những dòng sông tự do. Một người khác nằm mơ thấy rất ý nghĩa: anh chàng bưu tín viên đến đưa thư và cắt nghĩa tại sao anh lâu đến thế, nguyên do là anh đã đưa lầm địa chỉ thành ra mãi mới tìm được những lá thư đã lầm. Tất nhiên là trong khi ngủ chúng ta bận bịu về nhiều điều khó làm hơn nữa, nhưng trong giấc mơ của chính tôi và của các bạn, tôi thấy trí tưởng tượng nghèo nàn đến làm mình ngạc nhiên. Nếu chúng ta ghi lại được tất cả những giấc mơ đó, chúng ta sẽ có những tài liệu có ích hơn cho tâm lý học. Nhưng mọi người đều hiểu dễ dàng là giấc ngủ của chúng tôi được chúng tôi hoan nghênh ghê lắm vì chúng đã cho chúng tôi những điều ham muốn của lòng mình.” Tôi trích lại đây mấy dòng nữa của Du Prel: “Mungo Park, một trong chuyến du lịch qua Phi châu, trong khi bị đói lả vẫn mơ màng đến những thung lũng và vùng cỏ xanh nơi quê hương. Trenck, bị đói cũng mơ thấy mình ngồi trong nhà trước một cái bàn đầy món ăn ngon. George Back, người dự vào cuộc thám hiểm đầu tiên của Franklin luôn luôn và đều đặn nằm mơ thấy mình được ăn những bữa cơm linh đình, và sau này vì quá thiếu thốn đã chết đói.”

Những ai buổi chiều ăn nhiều gia vị, bị khát, thường mơ thấy mình đang uống nước. Tất nhiên không thể nào dùng giấc mơ để bỏ được cái cảm giác đói khát, lúc tỉnh dậy bao giờ người ta cũng phải ăn hay uống thực sự. Về phương diện thực tế, giấc mơ trong những trường hợp này chả giúp gì cho chúng ta cả, hay giúp rất ít, nhưng thực sự giấc mơ giúp cho giấc ngủ được tiếp tục mặc dầu những kích động luôn luôn cố làm cho ta tỉnh dậy. Khi nhu cầu kém cường độ thì tác dụng của giấc mơ cũng kém đi.

Bị ảnh hưởng của các sự kích động về tình dục, giấc mơ hiến cho người nằm mơ những sự thỏa mãn có vài tính chất đặc biệt cần chú ý. Nhu cầu sinh lý không bị phụ thuộc vào đối tượng của nó một cách chặt chẽ như đói và khát, có thể được thỏa mãn thực sự bằng cách xuất tinh. Nhưng vì một vài sự khó khăn liên quan đến đối tượng này, giấc mơ đi cùng với sự thỏa mãn nhu cầu thực sự thường có nội dung mơ hồ biến dạng. Việc vô tình xuất tinh làm cho việc xuất tinh rất có ích cho sự khảo sát các sự biến dạng của giấc mơ. Tất cả các giấc mơ của người lớn mà đối tượng là những nhu cầu, ngoài sự thỏa mãn nhu cầu còn có một cái gì thêm nữa bắt nguồn ở những sự kích động tinh thần cần được giải thích.

Chúng ta không hề khẳng định rằng, những giấc mơ người lớn rập theo kiểu những giấc mơ trẻ con chỉ là những phản ứng đối với những nhu cầu thúc bách đã kể trên. Chúng ta biết là có những giấc mơ người lớn ngắn ngủi rõ ràng chịu sự ảnh hưởng của một vài tình trạng đặc biệt cũng bắt nguồn ở những sự kích động rõ ràng của tinh thần. Ví dụ như những giấc mơ mà trong đó người ta chờ đợi một sự gì: sau khi sửa soạn xong xuôi để đi du lịch, hay thu xếp để đi dự một buổi dạ hội, hay một buổi diễn thuyết hay đi chơi thăm ai, chúng ta nằm mơ là đã đạt được mục đích, đang dự dạ hội hay đang nói chuyện với người định đi thăm. Ví dụ như những giấc mơ mà người ta có lý khi gọi là những giấc mơ lười biếng: nhiều người muốn kéo dài thêm giấc ngủ, nằm mơ thấy mình bước ra khỏi giường, rửa mặt, đánh răng, làm việc này việc nọ, trong khi thực sự vẫn tiếp tục nằm ngủ. Điều đó chứng tỏ họ chỉ thích dậy trong mơ hơn là dậy thực. Nhu cầu ngủ thường là một yếu tố trong sự cấu thành giấc mơ, thường tỏ ra rõ ràng trong loại giấc mơ kể trên và được coi là yếu tố chính. Nhu cầu ngủ cũng được xếp ngang hàng với những nhu cầu khác của cơ thể.

Tôi đưa các bạn xem bản sao một bức tranh của Shwind hiện ở hành lang Schack ở Munich để cho các bạn biết với một sức mạnh trực giác nào nhà họa sĩ đã cho thấy nguồn gốc của một giấc mơ là do một tình trạng đặc biệt. Đó là bức “Giấc mơ của người tù” và tất nhiên không có nội dung nào khác hơn là sự vượt ngục. Điều mà nhà họa sĩ đã diễn tả được một cách tài tình đó là sự vượt ngục phải bắt nguồn từ cái cửa sổ, vì chính ánh sáng ngoài cửa sổ là sự kích động chấm dứt giấc mơ của người tù. Những anh lùn đứng lên vai nhau tượng trưng cho những vị trí liên tiếp mà người tù cần có để nâng mình đến cửa sổ, và nếu tôi không lầm thì anh chàng lùn trên cao nhất đang cưa cái chấn song, điều mà người tù muốn làm quá, trông rất giống anh ta.

Trong tất cả các giấc mơ, trừ những giấc mơ trẻ con hay có tính cách trẻ con, sự biến dạng chính là một sự trở lực cho chúng ta. Chúng ta không thể nói rằng chúng là những sự thực hiện các điều ham muốn như chúng ta muốn tưởng: nội dung rõ ràng của chúng không cho biết gì về sự kích động tinh thần phát sinh ra chúng, chúng ta cũng không thể chứng tỏ rằng có phải chúng muốn gạt bỏ hay tiêu huỷ sự kích động này hay không. Những giấc mơ này cần được giải thích, phân tích, sự biến dạng cần được lập lại, nội dung rõ ràng của chúng phải được thay thế bằng nội dung tiềm tàng: chỉ lúc đó chúng ta mới có thể biết rõ ràng những dự kiện có giá trị đối với giấc mơ trẻ con có giá trị đối với mọi giấc mơ hay không?

Sự kiểm duyệt giấc mơ

Sự khảo sát các giấc mơ trẻ con đã cho chúng ta biết nguồn gốc, đặc tính và nhiệm vụ của giấc mơ. Giấc mơ là một phương tiện tiêu huỷ những sự kích động (tinh thần) quấy rối về giấc ngủ, sự tiêu huỷ này được tiến hành nhờ sự thỏa mãn có tính cách ảo giác. Về những giấc mơ người lớn, chúng ta chỉ mới cắt nghĩa được có một loại, đó là những giấc mơ có tính chất trẻ con. Còn về những giấc mơ khác, chúng ta không hề biết gì về chúng, tôi có thể nói rằng chúng ta không hiểu chúng. Chúng ta đạt được một kết quả tạm thời mà chúng ta không nên coi thường: mỗi khi cho một giấc mơ nào dễ hiểu thì giấc mơ đó xuất hiện như một sự thỏa mãn một nhu cầu có tính cách ảo giác. Sự trùng hợp này không thể là ngẫu nhiên hay không đáng để ý.

Khi đứng trước một giấc mơ loại đó, chúng ta thường cho rằng đó là một sự biến dạng của một nội dung mà chúng ta chưa hề biết. Công việc của chúng ta là phân tích, tìm hiểu sự biến dạng này.

Sự biến dạng của giấc mơ làm cho giấc mơ có vẻ như kỳ lạ và khó hiểu. Chúng ta muốn biết nhiều điều lắm: về nguồn gốc, tính cách sống động của sự biến dạng này, nó tiến hành ra sao và có mục đích gì. Chúng ta có thể nói rằng sự biến dạng của giấc mơ là kết quả của công việc làm trong giấc mơ. Chúng ta mô tả công việc và tìm xem những động lực nào đã thúc đẩy công việc đó.

Các bạn hãy nghe đây, một giấc mơ do bà bác sĩ V. Hug kể lại mà người nằm mơ là một bà già, học rộng và được mọi người quý mến. Giấc mơ này chưa từng được mọi người giải thích. Bà bác sĩ cho rằng đối với những người khảo cứu về phân tâm học thì không cần có sự giải thích. Ngay người nằm mơ cũng không giải thích nhưng đã xét đoán rồi kết án làm như bà ta có thể giải thích được vậy. Chính bà ta tuyên bố: “Một người đàn bà 50 tuổi mà mơ mộng kỳ quái, kinh khủng như vậy, tôi là một người đàn bà chẳng còn có điều gì lo nghĩ hơn là lo cho con.”

Và bây giờ đây giấc mơ là những công việc làm trong tình ái: “Bà ta đến nhà thương quân đội, bảo người tuỳ phái là muốn gặp ông y sĩ trưởng xin việc làm. Bà nhấn mạnh đến chỗ công việc đến nỗi người hạ sĩ quan cho ngay rằng đó là những công việc về tình ái. Thấy người đã có tuổi, anh ta hơi ngập ngừng trước khi cho bà ta vào. Nhưng thay vì đi vào phòng ông y sĩ trưởng, bà lại vào trong một phòng bên trong có nhiều viên sĩ quan và bác sĩ quân y khác đứng hay ngồi quanh một cái bàn dài. Bà nói với một người trong bọn họ và người này hiểu ngay. Bà nói như sau: “Tôi và nhiều bạn gái khác trong thành phố Viên chúng tôi sẵn sàng.. cho binh sĩ, sĩ quan không phân biệt…” Nói xong bà ta (vẫn trong giấc mơ) nghe tiếng xì xào.

Nhưng vẻ mặt nhí nhảnh, ngượng ngùng của các sĩ quan cho bà ta thấy là họ hiểu bà muốn gì. Bà ta tiếp tục: “Tôi biết là quyết định của chúng tôi có vẻ hơi kỳ lạ nhưng chúng tôi rất đứng đắn. Người ta không hỏi những người lính xem họ có muốn chết hay không?” Một phút yên lặng nặng nề. Ông bác sĩ ôm bà ta nói: “Thưa bà, nếu quả nhiên chúng ta tiến đến đó…” (có tiếng xì xào). Nghĩ rằng ông này hay ông khác thì cũng thế thôi, bà đã gỡ tay ông kia ra và trả lời: “Tôi đã có tuổi rồi. Tôi chưa từng ở trong tình thế này bao giờ. Dù sao cũng phải có một điều kiện: cần để ý đến tuổi tác, không nên cho một người trẻ tuổi và một bà già… (tiếng xì xào)… Vì như thế thì.. kinh quá…” Ông bác sĩ trả lời: “Tôi hiểu lắm.” Vài sĩ quan trong đó có một người đã tán tỉnh bà hồi bà còn trẻ phá lên cười, bà khách muốn được dẫn đến chỗ ông y sĩ trưởng để cho công việc được rõ ràng. Nhưng bà chợt nhận thấy rằng mình không nhớ tên ông này. Nhưng ông bác sĩ cũng kính cẩn và lịch sự chỉ cho bà một cầu thang bằng sắt, chật hẹp, xoáy chôn ốc mời bà lên gác hai. Trong lúc trèo lên bà ta nghe thấy có người nói: “Thực là một quyết định ghê gớm, dù già hay trẻ cũng vậy thôi.” Với cảm giác là mình đương làm nhiệm vụ, bà ta trèo mãi mà không hết cầu thang.

“Giấc mơ đó được thấy lại hai lần nữa cách nhau vài tuần, chỉ có thay đổi chút ít vì chẳng còn quan hệ gì.”

Giấc mơ đó diễn biến như một điều kỳ lạ ban ngày. Giấc mơ ít khi đứt quãng và có nhiều chi tiết có thể hiểu được nếu chịu khó tìm hiểu. Nhưng điều thú vị và quan trọng nhất đối với chúng ta là nó có một vài khe hở không phải ở trong những điều nhớ lại, nhưng ở trong nội dung. Có ba lần nội dung này hình như đã nói hết, lần nào lời nói của bà ta cũng bị ngắt bởi lời xì xào. Vì không hề được phân tích và giải thích nên chúng ta không thể nói gì về ý nghĩa của tiếng xì xào. Dù sao cũng có những sự ám chỉ, ví dụ như những chữ công việc ái tình có thể đưa tới một vài kết luận, hay những mẩu chuyện ngay trước khi bị tiếng xì xào cắt quãng cần được bổ túc. Thu xếp lại chúng ta thấy là muốn làm một công việc yêu nước, bà khách muốn dùng bản thân mình để thỏa mãn những nhu cầu tình ái của binh sĩ và sĩ quan. Đó là một ý kinh khủng nhất, một sự phát minh ghê gớm nhất, chỉ có điều là ý đó không được diễn tả trong giấc mơ. Trong những lúc ý tưởng đó được diễn tả thì câu nói được thay bằng một tiếng xì xào không rõ rệt, bị bỏ đi hay xóa đi.

Bạn hẳn biết rằng chính vì quá táo bạo mà những đoạn đó bị bỏ đi. Nhưng ở đâu mình nhìn thấy xảy ra một cách làm việc tương tự như thế? Ngày nay (như bài học của Freud này được giảng khi chiến tranh đang tiếp diễn) chúng ta chẳng cần tìm đâu xa. Cứ việc mở bất cứ tờ báo chính trị nào ra bạn sẽ thấy có những chỗ để trắng cắt ngang bài do lệch kiểm duyệt. Trên khoảng để trắng, tức là có những đoạn không làm vừa lòng những nhà chức trách trông nom về kiểm duyệt. Các bạn sẽ tiếc rẻ, những bài bị đục trắng mới là những bài hay, thú vị nhất.

Ngày xưa người ta thường không kiểm duyệt cả một đoạn như thế. Tác giả, sau khi được báo là đoạn nào đó không làm vừa lòng các nhà kiểm duyệt, thường viết lại cho nhẹ hơn đi, thay đổi chút ít, hay nói lờ mờ ám chỉ đến những điều định viết. Trong tờ báo vẫn có những điểm trắng nhưng đọc những dòng chữ còn lại, những đoạn lơ mơ ám chỉ, người ta cũng có thể đoán ra được những cố gắng của tác giả để thoát khỏi mũi kéo của kiểm duyệt.

Bây giờ chúng ta xem xét sự giống nhau này. Chúng ta cho rằng những đoạn nào bà khách không nói hay bị thay thế bằng những tiếng xì xào là bị kiểm duyệt. Chúng ta nói đến một sự kiểm duyệt nào đó của giấc mơ và sự kiểm duyệt này phải giữ một vai trò trong sự biến dạng của giấc mơ. Mỗi khi nội dung của giấc mơ có khe hở nào thì chính đó là lỗi của kiểm duyệt. Chúng ta có thể đi xa hơn và nói rằng mỗi khi có một đoạn nào trong giấc mơ mà không rõ ràng, lơ mơ trong khi có những đoạn khác rõ ràng thì đúng là chúng ta đã bị kiểm duyệt. Nhưng sự kiểm duyệt không làm một cách quá lộ liễu và ngây thơ như trong giấc mơ của bà khách. Kiểm duyệt làm việc theo lỗi thứ hai, nghĩa là có những cố gắng làm dịu đi, thay đổi đi chút ít nhưng vẫn làm cho người ta nhìn thấy được ý chính.

Giấc mơ còn kiểm duyệt theo một lối thứ ba nữa, nhưng lần này không giống lối kiểm duyệt báo chí. Chúng ta có thể phân tích một giấc mơ đã được nói trên. Chắc các bạn còn nhớ đến giấc mơ trong đó người ta đã bỏ 1.50 fl để mua ba vé hát. Trong ý tiềm tàng của giấc mơ này những yếu tố “mua trước, quá sớm” giữ vai trò quan trọng hàng đầu: lấy chồng sớm quá thực là dại dột, mua vé trước ngày trình diễn cũng là dại dột, cô em chồng vội vã đi mua đồ trang sức như thế quả là lố bịch. Không có một yếu tố nào xuất hiện trong nội dung rõ ràng của giấc mơ. Mọi sự chỉ xoay quanh việc đi xem hát và mua vé thôi. Vì trọng tâm của giấc mơ bị đẩy đi một chỗ khác, vì những yếu tố chính tập trung lại một chỗ nên giấc mơ rõ ràng khác hẳn giấc mơ tiềm tàng đến nỗi người ta không thể dựa vào các giấc mơ rõ ràng mà tìm thấy các giấc mơ tiềm tàng. Chính trọng tâm giấc mơ bị xê dịch như thế nên mới phát sinh ra sự biến dạng của giấc mơ; chính sự biến dạng của giấc mơ này đã làm cho chính những người nằm mơ cũng thấy kỳ lạ không hiểu gì về giấc mơ của mình.

Thiếu sót, thay đổi và tập trung các yếu tố, đó chính là ba kết quả của sự kiểm duyệt và sự biến dạng của giấc mơ. Sự kiểm duyệt là duyên cớ chính hay một trong các duyên cớ chính của sự biến dạng trong giấc mơ của bà khách. Còn sự thay đổi và tập trung, chúng ta quen gọi là sự xê dịch trọng tâm.

Sau sự kiểm duyệt, chúng ta nói đến sự sống động trong giấc mơ. Các bạn đừng tưởng tượng kẻ kiểm duyệt như một người nghiêm nghị hay một vị thần trong bộ óc để làm việc; về chữ sống động cũng vậy, đừng cho rằng đó là do một trung tâm đặt trong bộ óc mà ảnh hưởng có thể bị một sự cắt bỏ hay một vết thương nào huỷ đi. Chỉ nên nhìn thấy ở chữ đó một phương tiện liên lạc có tính sinh động. Điều đó không ngăn chúng ta tự hỏi xem sự kiểm duyệt này sẽ hoạt động đối với những khuynh hướng và do những khuynh hướng nào; chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu thấy rằng trước đây, chúng ta đã gặp sự kiểm duyệt các giấc mơ rồi mà không biết đó là cái gì.

Đó là điều đã thực sự xảy ra. Các bạn hãy nhớ lại sự nhận xét ly kỳ của chúng ta khi bắt đầu áp dụng kỹ thuật của chúng ta về sự tự do liên tưởng. Lúc đó chúng ta cảm thấy có một sự gì chống đối lại khi chúng ta cố gắng đi từ yếu tố của giấc mơ sang yếu tố vô thức mà nó đến thay thế. Sự chống đối này đúng như chúng ta đã nói, có thể thay đổi cường độ, khi thì độ mạnh vô cùng, khi chả có nghĩa lý gì. Khi sự chống đối yếu, chúng ta có rất ít công việc phải làm, nhưng khi cường độ mạnh chúng phải đi theo một dãy dài các sự liên tưởng làm cho ta càng ngày càng xa yếu tố của giấc mơ, trong khi phải đối phó với biết bao nhiêu khó khăn xuất hiện dưới hình thức của những ý tưởng bài bác phê bình chống đối lại những ý tưởng đột nhiên xuất hiện có dính dáng đến giấc mơ. Sự chống đối này chỉ là hậu quả cuả sự kiểm duyệt trong giấc mơ nên chúng ta cũng phải khảo sát cẩn thận. Chúng ta thấy ngay rằng nhiệm vụ của sự kiểm duyệt không phải là chỉ gây ra sự biến dạng trong giấc mơ mà còn liên tục giữ cho sự biến dạng đó được tồn tại. Cũng như sự chống đối luôn luôn thay đổi cường độ tuỳ theo yếu tố trong giấc mơ, sự biến dạng cũng thay đổi theo từng yếu tố. Nếu so sánh giấc mơ rõ ràng và giấc mơ tiềm tàng ta sẽ thấy có nhiều yếu tố khác lại bị thay đổi quan trọng nhiều hay ít, nhiều yếu tố khác lại du nhập luôn vào nội dung rõ ràng mà chẳng thay đổi gì cả, có khi còn mạnh lên.

Nhưng chúng ta muốn biết sự kiểm duyệt đã hoạt động bằng cách dựa vào những khuynh hướng nào và chống lại khuynh hướng nào? Để trả lời câu hỏi vô cùng quan trọng này không những đối với sự tìm hiểu các giấc mơ mà còn đối với cả đời người nữa, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy giải pháp nếu duyệt lại những giấc mơ đã được đem giải thích từ trước tới nay. Những khuynh hướng mà kiểm duyệt dùng là những khuynh hướng mà người nằm mơ trong lúc còn thức cho là của riêng mình, hợp ý mình. Các bạn có thể chắc chắn rằng khi bạn từ chối không công nhận sự giải thích đúng đắn về giấc mơ của bạn, những lý do của sự từ chối này và những lý do làm cho sự kiểm duyệt hoạt động làm cho giấc mơ biến dạng cũng như nhau. Các bạn hãy nghĩ đến giấc mơ của người đàn bà 50 tuổi nói trên. Mặc dù không biết giải thích giấc mơ của mình, bà ta cũng thấy là giấc mơ kinh khủng quá, nhưng bà ta sẽ còn buồn hơn nếu bà bác sĩ V. Hug nói cho bà ta biết những dữ kiện thu lượm được trong sự giải thích giấc mơ của bà. Những đoạn nào tục tĩu trong giấc mơ thường được thay thế bằng tiếng xì xào, sự việc đó chẳng đã chứng tỏ rằng chính người nằm mơ cũng kết án những hành vi đó sao?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.