Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 3



Các bạn nào muốn tìm hiểu sẽ ngạc nhiên khi thấy sao nhiều tài liệu thế, nhưng các bạn cũng sẽ gặp một vài khó khăn. Ý nghĩa của một triệu chứng nằm trong các liên quan với đời sống thầm kín của người bệnh. Triệu chứng càng có tính cách cá nhân bao nhiêu, chúng ta càng cần giải thích những liên quan đó bấy nhiêu. Mỗi khi đứng trước một tình trạng không có ý nghĩa hay trước một hành vi không có mục đích rõ ràng, chúng ta phải cố tìm ra ý nghĩa và mục đích đó. Hành vi ám ảnh của người bệnh chạy từ phòng này qua phòng khác rồi bấm chuông gọi người hầu phòng thực có tính điển hình cho những triệu chứng này. Nhưng nhiều khi chúng ta cũng thấy có những triệu chứng có đặc tính khác. Những triệu chứng này phải được coi như điển hình cho bệnh thần kinh, vì giống nhau trong mọi trường hợp, sự khác biệt giữa cá nhân bị xóa nhòa đến nỗi chúng ta không thể gắn liền chúng vào với đời sống cá nhân của người bệnh hay đặt chúng trước những tình trạng có thực. Lễ nghi của người bệnh thứ hai có tính điển hình nhiều hơn nhưng cũng có nhiều tính cá biệt làm cho chúng ta có thể giải thích được lịch sử của trường hợp đó. Nhưng tất cả những người bị ám ảnh đều có khuynh hướng lặp đi lặp lại một cử chỉ, làm cho cử chỉ này thành nhịp nhàng, tìm cách tách bạch cử chỉ đó ra. Phần lớn bọn họ có thói quen rửa tay. Những người bệnh sợ ra phố, không phải là những sự ám ảnh, có thể coi như những chứng náo loạn thần kinh, hay sự lo âu phập phồng, thường lặp đi lặp lại mãi mãi một vài cử chỉ đến chán nản: sợ những nơi tù túng, những nơi ở ngoài trời rộng, những đường phố dài ngoằng mãi không hết. Họ có cảm tưởng được che chở khi đi cùng một người quen hay nghe tiếng xe đằng sau lưng. Nhưng đằng sau những triệu chứng chung này, mỗi người đều có những tính cá biệt nhiều khi hoàn toàn trái ngược nhau. Có người sợ đường phố chật hẹp, người khác sợ đường phố rộng, có người chỉ đi ra ngoài khi có ít người qua lại, có người chỉ đi ra ngoài khi có nhiều người ngoài phố. Sự náo loạn thần kinh cũng thế tuy có nhiều điểm cá biệt nhưng cũng có nhiều điểm điển hình có tính cách chung làm cho rất khó tìm ra cội rễ khi khảo sát lịch sử của người bệnh. Chúng ta dựa vào những tính cách điển hình có thể đoán bệnh. Nếu trong một trường hợp náo loạn thần kinh chẳng hạn, chúng ta có thể gán cho một trường họp điển hình một biến cố cá biệt nào đó, ví dụ như một sự nôn oẹ vào nhiều sự nôn oẹ khác, chúng ta sẽ bị lạc hướng khi sự phân tích cho thấy trong một trường hợp khác sự nôn oẹ lại bắt nguồn ở một biến cố cá nhân có tính cách khác hẳn. Lúc đó chúng ta sẽ phải công nhận rằng những sự nôn oẹ do sự náo loạn thần kinh gây ra có những nguyên nhân mà chúng ta không biết, vì những sự kiện do sự phân tích đưa ra chỉ là những duyên cớ bị lợi dụng khi cần đến.

Vì thế cho nên chúng ta đi đến kết luận nản lòng là nếu nhớ những sự kiện và biến cố sống động đối với người bệnh, chúng ta đã đi đến một vài sự giải thích thỏa đáng về ý nghĩa các triệu chứng thần kinh, về phương diện cá nhân thì chúng ta đã không tìm được ý nghĩa của những triệu chứng điển hình xảy ra luôn luôn. Ngoài ra tôi cũng chưa đưa ra cho các bạn xem được hết những khó khăn gặp phải mỗi khi muốn phân tích thực rõ ràng những triệu chứng. Tôi sẽ không nói đến nhiều sự khó khăn đó không phải vì muốn cho công cuộc của mình có vẻ tốt đẹp nhưng chính vì không muốn làm loạn óc các bạn trong buổi đầu tiếp xúc này. Chúng ta chỉ mới đi những bước đầu chập chững trong công việc tìm hiểu ý nghĩa của các triệu chứng, chúng ta phải tạm hài lòng với những kết quả thu lượm được và chỉ tiến dần về phía những điều chưa biết. Tôi an ủi các bạn bằng mọi cách nói rằng, giữa những triệu chứng nói trên không thể nào có sự khác biệt dược. Nếu những triệu chứng cá nhân chắc chắn phụ thuộc vào những biến cố sống động của người bệnh thì những triệu chứng điển hình cũng phụ thuộc vào những biến cố điển hình, nghĩa là chung cho mọi người. Những tính chất khác tìm thấy đều đều trong các người bệnh chỉ là những phản ứng tổng quát thường xảy ra đối với người bệnh, ví dụ như những sự lặp đi lặp lại một cử chỉ nào đó và lòng đa nghi trong triệu chứng bị ám ảnh. Tóm lại chúng ta chẳng có lý do gì để nản lòng trước khi biết được những kết quả thu lượm được về sau này.

Trong thuyết về giấc mơ chúng ta cũng gặp những khó khăn tương tự. Nội dung rõ ràng của giấc mơ cũng có sự khác biệt cá nhân to lớn, chúng ta đã trình bày là sự phân tích giúp được cho ta những gì chứa đựng trong nội dung đó. Nhưng cạnh những giấc mơ cá nhân có những giấc mơ điển hình xảy ra giống nhau hoàn toàn đối với mọi người. Đó là những giấc mơ có nội dung đồng nhất rất khó giải thích: ví dụ như người ta nằm mơ thấy mình bị ngã, bay lên, lượn đi lượn lại, bơi lội, thấy mình bị ngăn trở hay trần truồng, và nhiều giấc mơ hồi hộp lo âu khác có thể giải thích nhiều cách khác nhau tuỳ theo từng người, nhưng không giải thích được tại sao nó lại có tín cách điển hình và đều đều chán nản như thế. Trong những giấc mơ này cũng như trong chứng bệnh thần kinh điển hình chúng ta thấy có những chi tiết cá nhân, thay đổi luôn luôn, nếu mở rộng quan niệm này ra chúng ta có thể đưa chúng vào khung cảnh của những giấc mơ khác mà không cần làm một điều gì mạnh mẽ cả.

Vô thức có thể coi như một tác động gây thương tích

Trong những dòng trên tôi đã nói với các bạn rằng tôi không muốn dùng làm khởi điểm cho công trình khảo sát của chúng ta những điểm nghi ngờ mà là những dữ kiện chúng ta đã đạt được. Hai câu chuyện phân tích trong phần trên có những kết quả rất hay mà tôi chưa nói đến.

Thứ nhất: Cả hai người bệnh đều cho ta cảm tưởng là họ bị ràng buộc vào một mảnh đời quá khứ của họ. Họ không thể tách rời ra khỏi quá khứ đó cho nên không để ý gì đến hiện tại cũng như tương lai. Họ chìm sâu vào căn bệnh của họ cũng như những người muốn vào nhà tu kín để trốn tránh số mệnh không đẹp đẽ. Đối với người bệnh thứ nhất nguyên nhân của mọi điều đau khổ chính là sự bất lực của ông chồng trong đêm tân hôn. Chính trong những triệu chứng của căn bệnh hiện rõ ra ngoài mà ta thấy rõ bà làm như thế nào trong công việc phán đoán thái độ của chồng: Những lời gỡ tội cho chồng, tha thứ cho chồng, nâng chồng lên cao, rồi tiếc rẻ vì mất chồng. Dù hãy còn trẻ, hãy còn giữ được tuổi xuân, bà dùng đủ mọi cách thực tế hay tương tượng để trung thành với chồng. Bà không tiếp người lạ, không để ý đến cách ăn mặc, ngồi xuống ghế rồi mà không đứng lên được một cách dễ dàng, ngập ngừng khi phải ký tên, không thể tặng cho ai một vật gì cả, muốn chứng tỏ rằng bà ta không thể cho người khác một thứ gì của mình.

Đối với người bệnh thứ hai, nguyên nhân là mối tình thắm thiết đối với người cha trong tuổi dậy thì rồi kéo dài mãi về sau. Cô gái đi đến kết luận là không thể lấy chồng một khi chưa khỏi bệnh. Nhưng chúng ta có đủ lý do rằng, chính vì muốn ở gần cha và không muốn lấy chồng nên cô ta mới bị mắc bệnh.

Chúng ta phải tự hỏi bằng cách nào và bằng đường lối nào người ta có thể có một thái độ hết sức kỳ lạ và bất lợi như thế đối với cuộc đời; giả dụ như thái độ đó là một đặc tính chung cho mọi thứ bệnh thần kinh chứ không riêng cho hai người bệnh này. Quả đó là một đặc tính chung cho mọi bệnh thần kinh có một tầm quan trọng rất cao trong thực tế. Người bệnh náo loạn thần kinh của Breuer bị ám ảnh ngay trong thời kỳ người cha bị chết và cô ta bị ốm nặng. Dù đã khỏi bệnh cô ta cũng gần như không còn muốn sống nữa; dù sức khỏe đã trở lại bình thường cô ta cũng không muốn sống như những người đàn bà khác. Phân tích kỹ những triệu chứng và những hậu quả của trường hợp từng người bệnh, chúng ta thấy rằng người nào cũng quay về dĩ vãng. Trong phần lớn trường hợp họ thường chọn một thời kỳ rất sớm của đời họ, những năm đầu tiên của tuổi ấu thơ, có khi ngay cả thời kỳ còn bú sữa.

Những người mắc bệnh thần kinh vì bị thương trong trận chiến vừa qua cũng tương tự như những người bệnh của chúng ta trong những thí dụ trên. Trước chiến tranh cũng có nhưng trường hợp tương tự như thế xảy ra sau những tai nạn xe lửa hay những tai nạn ghê gớm khác. Tuy nhiên những người bị bệnh thần kinh vì bị thương cũng không thể đem so sánh với những người bệnh bị thần kinh tự nhiên như những người nói trên. Chúng ta chưa thể xếp họ vào loại đó, tôi hy vọng là một ngày kia sẽ có điều muốn nói với các bạn về họ. Nhưng hai loại người bệnh này giống nhau hoàn toàn ở điểm này: cả hai bị bệnh vì bị thương hay vì tự nhiên đều trở về thời kỳ tai nạn xảy ra, làm cho họ bị thương. Trong giấc mơ họ thường sống lại cảnh đó: trong những trường hợp bị lên cơn động kinh cơn nào cũng làm cho họ quay trở lại thời kỳ đó. Người ta có thể cho rằng những người bệnh không sao quên được tình trạng bị thương đó và tình trạng này lúc nào cũng như đứng sừng sững trước mặt họ như một công việc hiện thời, cấp bách; quan niệm này đối với chúng ta quan trọng vì nó mở đường cho một quan niệm kinh tế về những sự hoạt động tinh thần. Ngay chữ bị thương cũng chẳng có nghĩa gì khác hơn là một nghĩa kinh tế. Chúng ta gọi bằng danh từ đó một cách biến cố trong một thời gian ngắn đem lại cho đời sống tinh thần một số kích động quá nhiều khiến cho ta không thể dùng những phương sách thông thường để gạt bỏ được chúng, và hậu quả của tình trạng này là gây ra những sự rối loạn lâu dài trong việc sử dụng nghị lực của con người.

Sự tương tự này khuyến khích chúng ta gọi những biến cố sống động của những người bệnh của chúng ta là những biến cố gây xúc động. Do đó chứng bệnh thần kinh có một tính cách rất giản đơn: chứng bệnh thần kinh có thể được đồng hóa với một vết thương và giải thích được bằng cách cho rằng người bệnh không đủ khả năng phản ứng với một biến cố tinh thần có tính cách tình cảm sâu đậm một cách bình thường. Đó chính là điều Breuer và tôi đã công bố năm 1893 – 1895 trong một công thức đầu tiên tóm tắt những kết quả đạt được sau những công trình khảo sát mới. Trường hợp đàn bà sống xa chồng phù hợp với quan niệm này. Vết thương tinh thần do sự bất lực của ông chồng gây ra chưa thành sẹo nên bà ta luôn luôn nhớ lại vết thương này. Nhưng ngay trong trường hợp thứ hai người con gái có cảm tình thắm thiết với người cha quan niệm của chúng ta đã có điều gì không dễ hiểu. Trước hết, lòng thương của một đứa con gái đối với cha là một việc rất thường xảy ra và là một tình cảm rất dễ bị chế ngự cho nên danh từ bị thương có vẻ như không có nghĩa gì; sau nữa, tình cảm này lúc đầu chẳng có tác dụng gì tai hại và chỉ xuất hiện sau khi bị bệnh thần kinh thôi. Do đó chúng ta phải cho rằng sự thực phức tạp hơn chúng ta tưởng nhưng dù sao cũng không phải vì những lẽ đó mà quan niệm về vết thương của chúng ta không có giá trị: nó sẽ có một địa vị khác và chịu những điều kiện khác.

Vì thế chúng ta rời bỏ con đường chúng ta đi. Trước hết, con đường này không dẫn chúng ta đi xa và chúng ta còn phải học hỏi nhiều trước khi biết nó dẫn ta đi đâu. Về việc quay trở lại một thời kỳ trong quá khứ, chúng ta còn một nhận xét nữa là sự kiện này vượt qua giới hạn của bệnh thần kinh. Bệnh thần kinh quả có những sự quay trở về như thế nhưng không phải sự quay trở về nào cũng gây ra bệnh, không đồng hóa với bệnh và không len lỏi vào trong đời người bệnh. Một thí dụ trong sự trở về này có thể tìm thấy trong nỗi buồn làm cho người ta rời bỏ hẳn quá khứ vào tương lai. Nhưng sự buồn rầu khác hẳn bệnh thần kinh. Nhưng trái lại cũng có những bệnh thần kinh được coi như hình thức bệnh hoạn của sự buồn rầu.

Cũng có khi sau một biến cố làm rung chuyển cả đời họ, nhiều người thất vọng đến nỗi không còn nghĩ gì đến hiện tại và tương lai nữa, chỉ chú trọng đến quá khứ thôi. Nhưng không phải vì thế mà họ là những người mắc bệnh thần kinh. Cho nên dù vấn đề bị thương có quan trọng và xuất hiện luôn luôn như thế nào chăng nữa chúng ta cũng sẽ không dùng nó để biểu thị bệnh thần kinh.

Thứ hai: kết quả của công trình khảo cứu không có giới hạn về sau. Nói về người bệnh thứ nhất chúng ta đã trình bày là cử chỉ bị ám ảnh của bà ta không có ý nghĩa gì và bà ta đã gắn liền vào đó những kỷ niệm thầm kín của cuộc đời. Chúng ta đã nghiên cứu những liên quan giữa cử chỉ này và những kỷ niệm kia rồi dựa theo tính chất của những kỷ niệm này để tìm ra ý muốn của cử chỉ kia. Nhưng lúc đó chúng ta đã gạt ra ngoài một chi tiết đáng được chú ý. Trong khi người bệnh làm những cử chỉ ám ảnh như thế, bà ta không hề biết gì về biến cố phát sinh ra cử chỉ đó. Liên quan giữa những điều bà ta làm biến cố ra sao bà ta không hề hay biết, bà đã nói thực khi nói rằng bà ta không rõ nguyên nhân nào đã thúc đẩy mình làm việc đó. Thế rồi bị ảnh hưởng bởi phương pháp trị bệnh, một ngày kia bà biết rõ liên quan đó và nói cho chúng ta nghe. Nhưng bà ta vẫn không biết gì về nguyên nhân của cử chỉ đó: đối với bà ta chỉ có vấn đề sửa chữa một biến cố đáng buồn trong quá khứ và nâng chồng lên một bậc cao hơn. Chỉ sau một sự chữa chạy lâu dài bà mới biết được lý do đó chính là lý do độc nhất khiến cho bà đã có những hành động ám ảnh nói trên.

Chúng ta đã dựa vào quang cảnh trong nhà sau đêm tân hôn và những nguyên nhân thúc đẩy người bệnh do lòng yêu chồng gây nên để tìm ra ý nghĩa của cử chỉ ám ảnh. Trong khi làm những cử chỉ đó, người bệnh không hề biết đến ý nghĩa, nguồn gốc và mục đích của những cử chỉ đó. Vậy có nghĩa là trong người bệnh có cả một sự hoạt động tinh thần mà cử chỉ ám ảnh chỉ là hậu quả. Bà cũng cảm thấy hậu quả này nhưng không một điều kiện tinh thần nào đã xâm nhập được vào ý thức của bà. Bà ta hành động giống như anh chàng bị thôi miên nhận lệnh của Bernheim phải mở một cái dù trong phòng trình diễn, năm phút sau khi tỉnh dậy, đã tuân lệnh mà không biết tại sao mình làm thế. Khi chúng ta nói đến những hoạt động tinh thần vô thức, chúng ta đã nghĩ đến tình trạng vừa nói. Chúng ta thách bất cứ ai có thể khảo sát tình trạng đó một cách đúng nguyên tắc khoa học hơn chúng ta vì nếu họ làm được chúng ta sẽ hủy bỏ quan niệm về những sự hoạt động tinh thần vô thức. Cho đến khi đó chúng ta sẽ bỏ ngoài tai mọi lời bài bác cho rằng vô thức không có thực theo nghĩa khoa học của chữ này, và đó chỉ là một cách nói cho hay mà thôi. Lời bài bác này không có giá trị gì vì cái vô thức mà họ cho là không có thực lại có những kết quả rất thực và nhận thấy được sự ám ảnh.

Tình trạng của người bệnh thứ hai cũng giống như thế. Cô ta đã tạo ra một nguyên tắc theo đó cái gối không được chạm vào gỗ trên thành giường rồi theo nguyên tắc đó mà không hiểu nó bắt nguồn ở đâu, có nghĩa gì và do động lực nào thúc đẩy. Dù cô ta có phản kháng dữ dội đến đâu chăng nữa, hay không thèm để ý đến nguyên tắc đó, hay tìm cách làm trái lại, đều không ảnh hưởng gì đến việc phải cử hành đúng theo nguyên tắc đã đặt ra. Cô ta bị bắt buộc phải theo và tha hồ tự hỏi tại sao mình lại làm như thế. Trong những triệu chứng của sự ám ảnh, trong cách phát biểu và thúc đẩy đột nhiên hiện ra không ai biết từ đâu tới, chống lại ảnh hưởng của đời sống bình thường, xuất hiện như những người khách lạ đầy đủ quyền hành, như những người bất tử có mặt trong cuộc đời ồn ào của người thường, làm sao không nhận ra rằng đó là dấu vết của một vùng nào đặc biệt trong tinh thần, một vùng sống riêng biệt đối với các vùng khác, với mọi hoạt động và biểu thị của đời sống bên trong. Những triệu chứng, biểu thị và thúc đẩy đó làm cho chúng ta chắc chắn rằng có một vô thức tinh thần, và môn thần kinh học vì chỉ biết có một tâm lý hữu thức thôi nên không làm cách nào khác hơn là tuyên bố rằng biểu thị nói trên chỉ là kết quả của sự suy nhược. Tất nhiên tự chúng, những sự biểu thị và thúc đẩy này không có tính cách vô thức, cũng như những cử chỉ ám ảnh cũng không thoát khỏi cảm giác hữu thức. Những sự biểu thị và thúc đẩy đó sẽ không trở nên những triệu chứng nếu không xâm nhập vào ý thức. Nhưng những điều kiện tinh thần mà những biểu thị và thúc đẩy này phải chịu cũng như các tập thể mà sự giải thích của chúng ta đã xếp chúng vào có tính cách vô thức, ít nhất cũng cho tới khi chúng trở nên có ý thức nhờ những điều phân tích của chúng ta.

Những điều nhận thấy trong trường hợp hai người bệnh nói trên cũng là những điều nhận thấy trong mọi trường hợp bệnh thần kinh khác; trong mọi trường hợp, người bệnh không hề hay biết gì về những điều đó cả; bao giờ sự phân tích cũng cho thấy rằng những triệu chứng này chỉ là kết quả của những hoạt động tinh thần vô thức có thể trở thành hữu thức với một số điều kiện nào đó. Nếu các bạn thêm tất cả những điều này vào những điều vừa được trình bày trong đoạn trên, các bạn sẽ hiểu dễ dàng tại sao môn phân tâm học không thể bỏ qua giả thuyết về sự vô thức và tại sao chúng ta lại coi sự vô thức như một cái gì đó có thể sờ mó thấy được. Các bạn cũng hiểu luôn tại sao nhưng kẻ chỉ hiểu biết qua loa về sự vô thức, chưa hề phân tích sự vô thức bao giờ, chưa hề giải thích một giấc mơ bao giờ, chưa hề tìm hiểu ý nghĩa của một triệu chứng bệnh thần kinh bao giờ, những kẻ đó không thể coi được là những chuyên viên. Chúng ta cần nhắc lại một lần nữa: chỉ một việc có thể dùng sự giải thích để tìm hiểu ý nghĩa của một triệu chứng bệnh thần kinh cũng đủ là một bằng chứng không phủ nhận được là sự vô thức quả là một điều có thực và chúng ta cần chấp nhận sự có mặt của nó.

Nhưng như thế chưa phải là hết. Một phát minh khác của Breuer mà tôi coi là rất quan trọng cho ta biết nhiều hơn nữa về liên quan giữa vô thức và những triệu chứng bệnh thần kinh. Không những ý nghĩa của các triệu chứng này có tính cách vô thức mà giữa vô thức này và sự có mặt của các triệu chứng có những liên quan có thể thay thế nhau được. Các bạn sẽ hiểu tôi ngay, cùng với Breuer tôi khẳng định rằng: mỗi khi chúng ta đứng trước một triệu chứng, chúng ta phải kết luận rằng trong người bệnh có một vài hoạt động vô thức có chứa đựng ý nghĩa của triệu chứng này. Ý nghĩa này phải vô thức thì triệu chứng mới phát hiện ra được. Những sự hoạt động tinh thần hữu thức không phát sinh ra những triệu chứng bệnh thần kinh; một khi những hoạt động vô thức trở thành hữu thức thì những triệu chứng đó biến mất ngay. Bạn thấy rõ chưa: đó là một phương pháp trị bệnh, làm cho các triệu chứng biến mất. Chính Breuer đã dùng phương pháp làm biến mất triệu chứng để chữa khỏi bệnh cho người bệnh bị náo loạn thần kinh đầu tiên của ông. Ông ta đã tìm ra một kỹ thuật hữu thức hóa những sự hoạt động vô thức dấu giếm ý nghĩa của những triệu chứng rồi từ đó làm cho những triệu chứng này biến mất.

Sự phát minh của Breuer là kết quả không phải của lý luận mà của một sự quan sát thành công với sự giúp đỡ của người bệnh. Các bạn đừng tìm hiểu sự phát minh này bằng cách kéo nó về một sự phát minh khác; các bạn hãy chấp nhận nó như một sự kiện căn bản có thể đưa đến sự giải thích nhiều sự kiện khác. Vì thế nên tôi xin phép các bạn diễn tả sự phát minh này theo một hình thức khác.

Một triệu chứng được phát hiện để thay thế một cái gì không phát hiện ra được. Một vài sự hoạt động tinh thần vì không phát triển bình thường được để đi tới ý thức nên phải phát sinh ra một triệu chứng. Vậy triệu chứng bệnh thần kinh là kết quả của một sự hoạt động mà sự phát triển đã bị ngăn chặn làm rối loạn bởi một nguyên nhân nào đó. Triệu chứng được phát hiện để thay thế hoạt động bị ngăn chặn này và như thế đã có một sự thay bậc đổi ngôi; khi phương pháp trị liệu hủy bỏ được liên quan này tức là phương pháp đã đạt được mục đích.

Phát minh của Breuer cho đến bây giờ vẫn là căn bản của phương pháp trị bệnh bằng phân tâm học. Đề luận “Những triệu chứng sẽ biến mất một khi các điều kiện vô thức đã được hữu thức hóa” đã được mọi công trình khảo cứu về sau khẳng định, mặc dù gặp biết bao nhiêu sự phức tạp kỳ khôi và không chờ đợi nhất trong việc áp dụng vào thực tế. Phương pháp trị bệnh của chúng ta là làm sao biến vô thức thành hữu thức, phương pháp đó chỉ hữu hiệu khi làm được việc đó.

Các bạn đừng lầm tưởng rằng công việc trị bệnh như thế sẽ dễ áp dụng. Người ta sở dĩ mắc bệnh thần kinh chính vì không biết rằng bên trong mình có một hoạt động tinh thần nào đó mà đáng lẽ mình phải biết. Đề luận này làm ta nhớ lại một đề luận khác của Socrate khi ông cho rằng tội lỗi chính là kết quả của một sự ngu dốt. Một vị bác sĩ không khó khăn gì không tìm ra dễ dàng những hoạt động tinh thần mà người bệnh không ý thức được. Cho nên vị bác sĩ phải giải thoát cho người bệnh ra khỏi sự ngu dốt đó bằng cách nói cho y biết điều mình tìm ra. Vị bác sĩ phải có đủ khả năng hủy bỏ một phần nào tính cách vô thức của những triệu chứng, còn về liên quan giữa triệu chứng và biến cố trong đời sống người bệnh thì bác sĩ làm sao đoán ra được và phải chờ đợi người bệnh cho mình biết. Nhưng về điểm này, bác sĩ có thể có được tài liệu bằng cách hỏi những người sống xung quanh người bệnh để biết về những biến cố trong đời người bệnh, cả về những biến cố mà người bệnh không biết vì xảy ra trong thời thơ ấu. Hòa hợp hai phương pháp này, bác sĩ có thể trong một khoảng thời gian ngắn đạt được mục đích định đến, nghĩa là làm cho những hoạt động tinh thần vô thức trở thành hữu thức.

Kết quả như thế thực hoàn hảo, chúng ta đã đạt được những kinh nghiệm không chờ đợi. Cũng như theo Molìere có thứ củi này có thứ củi nọ, có thứ hiểu biết này, cũng như có thứ hiểu biết nọ, và mọi thứ hiểu biết đều không có giá trị tâm lý như nhau. Sự hiểu biết của bác sĩ không giống sự hiểu biết của người bệnh và không thể có cùng một hiệu quả. Nếu bác sĩ nói cho người bệnh điều hiểu biết của mình, bác sĩ không thể thành công. Hay nói cho đúng hơn, sự thành công của bác sĩ không phải ở chỗ đã hủy bỏ được những triệu chứng, nhưng là khởi đầu một sự phân tích mà những dấu hiệu đầu tiên thường do chính những điều mâu thuẫn do người bệnh cung cấp. Người bệnh biết một điều trước kia không biết, đó là ý nghĩa của triệu chứng căn bệnh của mình, vậy mà người bệnh cũng không biết gì hơn trước. Như thế chúng ta thấy rằng có hơn một sự “không biết”. Muốn biết những điều “không biết” có khác nhau ra sao, cần có những hiểu biết sâu xa về tâm lý. Nhưng không phải vì thế mà đề luận của chúng ta là: “những triệu chứng sẽ biến mất một khi ý nghĩa của chúng trở thành hữu thức” trở thành không đúng. Chỉ có điều là sự hiểu biết phải đặt nền tảng trên một sự thay đổi bên trong người bệnh, sự thay đổi này chỉ phát hiện sau một công việc tinh thần theo đuổi một mục đích nhất định. Chúng ta đứng trước những vấn đề mà sự tập hợp lại sẽ xuất hiện như một động lực trong công việc cấu thành những triệu chứng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.