Phân Tâm Học Nhập Môn

Chương 3 – Phần 18 (Hết)



Phương pháp trị liệu phân tâm học

Các bạn hẳn biết đề tài của cuộc nói chuyện hôm nay là gì. Các bạn đã hỏi tại sao trong trị liệu trong phân tâm học chúng ta lại không dùng lối ám thị trực tiếp, một khi chúng ta công nhận rằng ảnh hưởng của chúng ta chỉ dựa trên sự hoán chuyển nghĩa là sự ám thị? Trước sự có mặt của sự ám thị các bạn hồ nghi về giá trị các khám phá của chúng ta về phương diện tâm lý. Tôi đã hứa là sẽ trả lời bạn từng chi tiết một.

Sự ám thị trực tiếp là sự ám thị chĩa mũi dùi vào sự phát hiện triệu chứng, là cuộc đấu tranh giữa uy quyền của các bạn và những lý do của trạng thái bệnh hoạn. Dùng sự ám thị là các bạn không để ý đến các lí do này, các bạn chỉ buộc người bệnh không được diễn tả những lí do này bằng các triệu chứng. Việc bạn có đặt người bệnh trong trạng thái thôi miên không, không phải là điều quan hệ. Chính Bernheim đã nhận xét rằng sự ám thị là sự kiện cần thiết trong thôi miên, mà thôi miên lại chỉ là hậu quả của sự ám thị trong trạng thái thức vì cho rằng trạng thái thức cũng đưa đến kết quả như trong sự ám thị thôi miên.

Vậy trong vấn đề này các bạn chú trọng đến vấn đề nào hơn: những dữ kiện của thí nghiệm hay những nhận xét về lý thuyết? Chúng ta bắt đầu bằng những dữ kiện của thí nghiệm. Tôi là học trò của Bernheim ở Nancy năm 1899 và đã dịch cuốn sách của ông về sự ám thị ra tiếng Đức. Trong nhiều năm tôi đã dùng thôi miên để chữa bệnh đi kèm với sự ám thị tự bảo vệ, và với sự khảo sát người bệnh theo phương pháp của Bernheim. Vậy tôi có đủ kinh nghiệm để nói về thôi miên hay ám thị. Nếu đúng như một câu phương ngôn về y khoa, phương pháp trị liệu lý tưởng là phương pháp có tác dụng nhanh, đúng và không làm người bệnh khó chịu thì phương pháp của Bernheim ít nhất có được hai trong ba điều kiện này. Phương pháp này có thể đem áp dụng rất nhanh cho người bệnh, nhanh hơn phương pháp phân tâm học nhiều, không làm mệt người bệnh, không đưa lại một sự khó chịu nào. Đối với một ông thầy thuốc mà cứ áp dụng mãi một phương pháp, làm mãi một vài công việc để làm mất đi triệu chứng rất khác nhau mà không hề biết gì về ý nghĩa và tầm quan trọng của những triệu chứng này, quả là một điều chán nản. Đó là công việc của một anh lao công, chả có gì là khoa học, có vẻ như làm phù thuỷ, ảo thuật; tuy vậy người ta vẫn tiếp tục làm công việc đó vì lợi ích của người bệnh. Nhưng phương pháp này thiếu điều kiện thứ ba, nghĩa là không chắc chắn nốt. Chỉ trong ít lâu là bệnh lại tái phát hay được thay thế bằng bệnh khác. Người ta lại dùng thôi miên, nhưng dùng thôi miên mãi đâu có được: theo lời những người có thẩm quyền thì dùng thôi miên mãi, người bị thôi miên sẽ mất hẳn tính độc lập, dần dần quen với thôi miên như quen với thuốc ngủ vậy. Ngay cả trong những trường hợp rất hiếm, người ta thu lượm được một vài kết quả đầy đủ và lâu dài người ta cũng không biết tại sao, theo điều kiện nào, kết quả đó được tiếp tục. Có một lần tôi đã thấy một bệnh rất nặng mà tôi đã chữa khỏi sau khi dùng thôi miên, tái phát đúng vào thời kỳ người bệnh bắt đầu ghét tôi. Tôi lại chữa khỏi, khả năng hơn lần trước và người bệnh lại trở lại có cảm tình với tôi. Nhưng bệnh lại phát lại lần thứ ba khi người bệnh lại ghét tôi. Một nữ bệnh nhân khác được tôi dùng thôi miên chữa khỏi nhiều lần đột nhiên nhảy lên ôm lấy cổ tôi trong khi tôi đang chữa cho nàng đúng vào lúc đang lên cơn thần kinh. Dù muốn dù không, đứng trước sự việc đó, chúng ta cũng phải đặt lại vấn đề về thực chất và nguồn gốc của sự ám thị.

Đó là thí nghiệm. Những cuộc thí nghiệm này cho ta thấy khi bỏ rơi sự ám thị chúng ta không phải đã bỏ rơi một điều gì tối cần thiết. Bây giờ tôi xin phép nói vài điều nữa về vấn đề này. Lối trị liệu bằng thôi miên chỉ đòi hỏi ở người bệnh một cố gắng gần như vô nghĩa lý. Trong y giới lối chữa bệnh này được rất nhiều người bệnh thích. Người thầy thuốc nói với người bệnh: “Bạn không thiếu gì cả. Thực chất của chứng bệnh của bạn là thực chất tinh thần. Tôi có thể dùng vài lời nói và trong vài phút làm cho mọi rắc rối mất đi.” Nhưng chúng ta cho rằng, người ta không thể huy động một khối lớn sinh lực trong người bằng cách đánh thẳng vào nó mà không dùng một dụng cụ đặc biệt nào. Kinh nghiệm cho thấy là lối làm việc này không thành công trong bệnh thần kinh cũng như trong cơ khí. Tuy nhiên tôi biết lý luận này không phải là không thể bị bài bác, nghĩa là cũng có sơ hở.

Những điều hiểu biết thu lượm được trong khi nghiên cứu phân tâm học giúp cho ta nhìn thấy rõ ràng những sự khác biệt giữa sự ám thị thôi miên và sự ám thị phân tâm. Phương pháp thôi miên tìm cách bao trùm giấu giếm một cái gì trong đời sống tinh thần: phương pháp phân tâm trái lại đưa cái đó ra ánh sáng và gạt bỏ ra một bên. Phương pháp trên tác dụng bên ngoài, trong khi phương pháp dưới tác dụng như một cuộc giải phẫu. Phương pháp thôi miên sự ám thị để ngăn chặn triệu chứng không phát ra được, tăng cường sự dồn ép nhưng không động đến những sự hoạt động đưa đến sự phát sinh ra triệu chứng. Trái lại phương pháp phân tâm khi đứng trước những cuộc xung đột phát sinh ra triệu chứng, tìm cách trở về tận nguồn gốc rồi dùng sự ám thị để biến đổi theo ý muốn kết quả của các cuộc xung đột này. Phương pháp thôi miên làm cho người bệnh thụ động, không thay đổi gì cả và như thế tức là không có phản ứng gì trước một nguyên nhân mới phát sinh ra bệnh mới. Phương pháp phân tâm buộc người bệnh cũng như người thầy thuốc có những cố gắng khó nhọc để chế ngự được những sự đề kháng bên trong. Khi những sự đề kháng đó đã thất bại, đời sống tinh thần của người bệnh sẽ thay đổi lâu dài, được nâng lên một trình độ cao hơn và vẫn được bảo vệ chống lại những căn bệnh mới có thể xảy ra. Công việc chống lại mọi sự đề kháng là công việc chính yếu của phân tâm học và chính người bệnh phải làm công việc này, ông thầy thuốc chỉ dùng sự ám thị để giúp đỡ người bệnh bằng cách giáo dục anh ta thôi. Cho nên người ta có lý khi cho rằng việc chữa bệnh theo phân tâm học chính là một lối giáo dục.

Tôi tưởng đã làm cho các bạn hiểu được sự khác biệt giữa hai phương pháp nói trên trong việc dùng sự ám thị. Dựa vào sự biến đổi từ ám thị sang chuyển hoán, hẳn các bạn đã hiểu tại sao lối chữa chạy theo phương pháp thôi miên lại không chắc chắn trong khi lối phân tâm lại có thể giúp cho ta theo dõi từng kết quả một. Khi áp dụng thôi miên học chúng ta lệ thuộc vào khả năng hoán chuyển của ngời bệnh mà không có cách nào tác dụng được đối với khả năng này. Sự hoán chuyển của người bị thôi miên có thể có tính cách tiêu cực hay song đường: người bệnh có thể dùng vài thái độ đặc biệt để tự bảo vệ đối với sự hoán chuyển: chúng ta tác dụng trực tiếp đến sự hoán chuyển, gạt bỏ những cái gì chống đối lại nó và chĩa mũi dùi theo chiều hướng ta muốn. Chúng ta có thể lợi dụng sức mạnh của sự ám thị và sự ám thị trở nên dễ bảo hơn trong mức độ nào mà anh ta chịu nhận sự hướng dẫn đó.

Nhưng các bạn sẽ nói là mình muốn gọi cái động lực nói trên là hoán chuyển hay ám thị cũng được không có gì quan hệ. Không phải vì thế mà ảnh hưởng mà người bệnh phải chịu không làm cho chúng ta hồ nghi giá trị khách quan của những điều ta đưa ra. Điều gì có ích cho phương pháp trị liệu lại có hại cho nghiên cứu. Lời bài bác này luôn được đưa ra để chống lại phân tâm học, nhưng dù có sai lầm đi nữa thì người ta cũng không thể gạt bỏ nó được như một điều gì vô nghĩa lý. Nhưng nếu lời bác bỏ này đúng thì tất cả những đề luận của phân tâm học liên can đến những ảnh hưởng của đời sống, sự sống động tinh thần, đến vô thức đều coi như nước lã ra sông hết, chỉ còn lại một phát hiện trị liệu dùng ám thị đặc biệt công hiệu thôi. Những người đối nghịch với chúng ta nghĩ như thế đó. Họ cho rằng những đề luận của chúng ta về đời sống tình dục, về tầm quan trọng của đời sống này chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng lệch lạc của chúng ta và chính chúng ta đã thúc đẩy người bệnh nói những điều họ đã nói. Chúng ta dễ dàng bác những luận điệu này bằng thí nghiệm hơn là bằng lý thuyết. Người nào đã áp dụng phân tâm học sẽ hiểu rằng người ta không thể nào ám thị người bệnh đến mức đó được. Tất nhiên muốn cho người bệnh theo một lý thuyết nào, tin theo điều sai lầm nào của người thầy thuốc không khỏi là một điều khó. Người bệnh trong trường hợp đó cũng chẳng khác gì người thường, như một người học trò chẳng hạn; chỉ có điều trong một trường hợp này người ta dùng ảnh hưởng tác dụng không phải trên căn bệnh mà là trên trí thông minh của người bệnh. Người ta chỉ có thể giải quyết cuộc xung đột và tiêu huỷ sự đề kháng bằng cách gây ra cho người bệnh những biểu tượng đợi chờ trùng hợp với sự thực. Điều gì trong sự ám thị của người thầy thuốc không phù hợp với sự thực phải được gạt bỏ ngay và thay thế bằng những đề luận đúng hơn. Người ta dùng một kỹ thuật thích hợp và chăm chú để ngăn không cho sự ám thị có những hiệu quả nhất thời, nhưng dù sao những hiệu quả này có xuất hiện chăng nữa thì cũng chẳng sao vì không bao giờ chúng ta ngừng lại ở một kết quả đầu tiên. Sự phân tích sẽ không chấm dứt một khi những điểm tối tăm chưa được đưa ra ánh sáng, những lỗ hổng trong trí nhớ chưa được san bằng, mọi trường hợp dồn dép chưa được điều chỉnh lại. Những kết quả quá nhanh chóng sẽ thành những trở lực hơn là những điều kiện thuận tiện cho công việc phân tích và khi người ta huỷ bỏ sự hoán chuyển đi, người ta sẽ huỷ bỏ luôn sự thành công nói trên. Chính đặc điểm này chứng tỏ sự khác biệt với lối chữa chạy thuần tuý ám thị, giữa những kết quả do phân tâm học và do sự ám thị thu lượm được. Trong lối chữa bằng sự ám thị, khác lối phân tâm học, sự hoán chuyển được nâng niu, gượng nhẹ không ai dám động đến: phân tâm học trái lại tìm cách tác động hẳn vào sự hoán chuyển, lột mặt nạ của nó và phân hóa nó mặc dù nó có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào. Sau khi chữa xong bằng phân tâm học, sự hoán chuyển phải bị tiêu diệt, hậu quả sẽ lâu dài, sự thành công không dựa trên sự ám thị giản dị và thuần tuý mà trên các kết quả thu lượm được do sự áp dụng ám thị: huỷ diệt sự đề kháng bên trong, thay đổi các điều kiện nội tâm người bệnh.

Sự ám thị càng theo nhau xuất hiện bao nhiêu chúng ta càng phải chống lại những sự đề kháng luôn luôn đe dọa biến thành hoán chuyển tiêu cực (nghĩa là đối nghịch) bấy nhiêu. Những kết quả do phân tâm học thu lượm được, mà người ta cho là sản phẩm của sự ám thị thực ra bắt nguồn ở một nơi ở trên hết mọi điều nghi ngờ. Những người đảm bảo cho chúng ta chính là những người điên và vọng tưởng: những người này không ai có thể nói là đã chịu ảnh hưởng của sự ám thị được. Điều họ kể ra cho ta nghe phù hợp với kết quả do công trình nghiên cứu về vô thức trong bệnh thần kinh hoán chuyển cung cấp và xác nhận tính đúng đắn và khách quan về các điều giải thích của chúng ta. Các bạn sẽ không sai lầm khi tin tưởng vào phương pháp phân tâm.

Bây giờ chúng ta bổ túc sự trình bày về phương pháp trị liệu về phương diện lý thuyết. Người bệnh thần kinh không có khả năng hưởng thụ và hành động: không hưởng thụ được vì khát dục của anh ta không hướng về một đối tượng nào có thực; không hành động được vì anh ta buộc phải tiêu phí nhiều sinh lực để giữ gìn khát dục trong tình trạng dồn ép và chống đỡ với sự tấn công của khát dục. Bệnh anh ta chỉ khỏi khi không còn xung đột giữa cái tôi và sự khát dục nữa, khi cái tôi đã chế ngự được khát dục. Nhiệm vụ của phương pháp trị liệu là làm cho khát dục thoát khỏi những sự ràng buộc hiện thời không do cái tôi kiểm soát và đặt khát dục trở lại vị trí phụng sự cái tôi như trước. Khát dục của người bệnh thần kinh nấp ở đâu? Câu trả lời rất dễ: nó bị trói buộc vào những triệu chứng vì chỉ có triệu chứng mới cung cấp cho nó sự thỏa mãn thay thế duy nhất. Vậy phải tóm lấy các triệu chứng, tiêu huỷ chúng đi, nghĩa là làm công việc mà người bệnh đòi hỏi.

Muốn tiêu huỷ triệu chứng phải quay trở về nguồn gốc của chúng, làm sống lại sự xung đột gây ra các triệu chứng đó, hướng cuộc xung đột này về một hướng khác, lợi dụng những yếu tố không thuộc quyền sử dụng của người bệnh trong thời kỳ phát sinh ra triệu chứng. Sự xét lại diễn biến của sự dồn ép chỉ có thể làm từng phần bằng cách theo dõi những dấu vết mà nó để lại. Điều tối yếu trong công việc chạy chữa là đi từ thái độ đối với ông thầy thuốc, từ sự hoán chuyển tạo ra một ấn bản mới của những cuộc xung đột cũ làm cho người bệnh giống như thời kỳ phát sinh ra bệnh, nhưng lần này phải huy động động lực tinh thần sẵn sàng có để tìm ra một giải pháp khác. Sự hoán chuyển vì vậy trở nên một bãi chiến trường trong đó mọi động lực đấu tranh với nhau đều phải nhập cuộc.

Tất cả khát dục và sự đề kháng với khát dục đều tập trung trong thái độ người bệnh đối với ông thầy thuốc; vào dịp đó nhất định sẽ có sự tách bạch giữa những triệu chứng và khát dục, những triệu chứng sẽ không còn dấu vết gì của khát dục nữa. Thay thế vào bệnh, chúng ta sẽ còn một sự hoán chuyển do chúng ta tạo ra và nếu bạn thích hơn, có một bệnh về sự hoán chuyển thay vào chỗ của những đối tượng vừa phức tạp vừa không thực của khát dục, chúng ta có một đối tượng duy nhất cũng ly kỳ không kém: đó là ông thầy thuốc. Những sự ám thị do ông thầy thuốc đưa ra sẽ làm cho sự tranh đấu chung quanh đối tượng này tiến đến giai đoạn tinh thần cao nhất, thành ra chúng ta chỉ còn đứng trước một cuộc xung đột tinh thần bình thường. Chống lại một sự dồn ép mới không cho nó xuất hiện ra, chúng ta chấm dứt sự tách đôi cái tôi và khát dục, tái lập tính cách duy nhất của tinh thần. Khi khát dục rời khỏi đối tượng nhất thời là ông thầy thuốc, nó không thể quay trở lại với các đối tượng ngày xưa nữa; nó sẵn sàng phục vụ cái tôi lại. Những sức mạnh mà người ta phải chống lại trong công việc trị liệu này là: một đằng là sự chống đối lại một vài chiều hướng của khát dục, phát hiện dưới hình thức khuynh hướng dồn ép; một đằng sự dai dẳng bám riết của khát dục vào những đối tượng của nó mà nó không sẵn lòng rời bỏ.

Công cuộc trị liệu vì thế chia làm hai giai đoạn: trong giai đoạn thứ nhất khát dục tách rời khỏi các triệu chứng để định cư trên sự hoán chuyển, trong giai đoạn thứ hai sự tranh đấu diễn tiến chung quanh đối tượng mới để sau cùng làm cho khát dục thoát khỏi đối tượng này. Kết quả thuận lợi này chỉ có thể có được khi trong cuộc xung đột mới này, người ta thành công trong việc ngăn cản sự xuất hiện của một sự dồn ép mới, nếu không khát dục sẽ lấp vào trong vô thức và lại thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Nhờ có ảnh hưởng của sự ám thị cái tôi sẽ biến đổi đi và sự biến đổi này sẽ giúp chúng ta đạt được kết quả thuận lợi nói trên. Nhờ phân tâm học biến vô thức thành hữu thức nên cái tôi mới lớn mạnh hơn, nhờ những lời khuyên bảo của thầy thuốc, cái tôi sẽ tỏ ra khoan dung hơn đối với khát dục dành cho khát dục một vài sự thỏa mãn và do đó người bệnh sẽ bớt e dè khát dục hơn, vì người bệnh có thể thoát khỏi được khát dục nhờ sự hoán chuyển. Sự diễn tiến như trên càng đến gần tình trạng lý tưởng vừa được mô tả bao nhiêu thì sự thành công trong công việc chữa chạy càng chắc chắn bấy nhiêu. Điều làm cho sự thành công bị hạn chế là một đàng sự khát dục không đủ mềm mỏng để có thể rời khỏi dễ dàng những đối tượng mà nó bám vào; đằng khác là sự cứng rắn của bệnh nác-xít chỉ chịu sự hoán chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác trong một giới hạn nào đó thôi. Điều làm cho các bạn hiểu rõ tính cách sống động của lối chữa bệnh, hơn nữa là việc chúng ta có thể nắm trong tay tất cả sự khát dục đang tìm cách thoát khỏi cái tôi bằng cách kéo một phần sự khát dục về với chúng ta bằng sự hoán chuyển.

Sự định cư của khát dục trong lúc chữa chạy và sau khi chữa xong, không hề cho ta biết gì về điểm định cư của nó trong thời kỳ bệnh nặng. Giả dụ như trong khi chữa bệnh, chúng ta nhận thấy có sự hoán chuyển khát dục đến người cha và chúng ta đã tách rời được nó ra khỏi người cha để hướng dẫn về ông thầy thuốc chẳng hạn: chúng ta sẽ lầm lớn nếu cho rằng người bệnh đau khổ vì khát dục của mình đã định cư trên người cha một cách vô thức. Sự hoán chuyển của người cha chỉ là bãi chiến trường trên đó chúng ta tóm được khát dục, nhưng không phải khát dục có mặt trên chiến trường ngay từ lúc đầu, nguồn gốc của nó ở chỗ khác. Bãi chiến trường chưa hẳn đã là một vị trí quan trọng của địch quân. Sự bảo vệ kinh đô của địch quân không nhất thiết phải được tổ chức ngay cửa ngõ kinh đô đó chỉ sau khi huỷ diệt được sự hoán chuyển cuối cùng, chúng ta mới biết được khát dục đã định cư ở đâu trong thời kỳ chữa bệnh.

Đứng về phương diện lý thuyết của khát dục, chúng ta có thể thêm một vài điều liên quan đến giấc mơ. Giấc mơ của người bệnh thần kinh cũng như những hành vi sai lạc về những kỷ niệm của họ giúp cho chúng ta biết rõ được ý nghĩa của các triệu chứng và tìm được nơi định cư của khát dục. Dưới hình thức thỏa mãn mong muốn vào những đối tượng nào mà khát dục đã bám vào để thoát khỏi sự kiểm soát của cái tôi. Vì thế cho nên sự giải thích giấc mơ giữ một vai trò quan trọng trong phân tâm học và trong nhiều trường hợp trở thành phương sách chính trong việc nghiên cứu. Chúng ta biết rằng giấc ngủ có kết quả là thả lỏng một phần nào cho sự dồn ép. Vì sự kìm hãm nhẹ hơn nên sự ham muốn trong giấc mơ có thể có một hình thức rõ ràng hơn sự ham muốn xuất hiện dưới hình thức triệu chứng trong khi thức. Vì thế cho nên việc nghiên cứu giấc mơ mở đường cho chúng ta hiểu rõ vô thức bị dồn ép mà trong vô thức đó lại có mặt sự khát dục thoát khỏi được sự kiềm chế của cái tôi.

Giấc mơ của những người bệnh thần kinh không khác giấc mơ của người thường một điểm nào cả; không những thế chúng ta khó mà phân biệt được rõ ràng hai loại giấc mơ đó. Chúng ta sẽ vô lý khi việc tìm trong giấc mơ của người bệnh thần kinh một sự giải thích không có giá trị đối với giấc mơ của người thường. Vì thế nên chúng ta phải nói rằng sự khác biệt giữa tình trạng của trạng thái bị bệnh thần kinh và trạng thái bình thường chỉ có trong tình trạng thức của hai trạng thái đó và sự khác biệt này biến mất trong giấc mơ ban đêm. Chúng ta bắt buộc phải áp dụng cho người bình thường một số các dữ kiện dẫn xuất từ những liên quan giữa giấc mơ và triệu chứng của bệnh thần kinh. Chúng ta phải thừa nhận rằng người bình thường trong đời sống tinh thần cũng có một cái gì khiến cho giấc mơ và triệu chứng có thể phát sinh ra được và người bình thường cũng phải tranh đấu với sự dồn ép, cũng phải đem sinh lực ra để ngăn chặn những dồn ép đó. Hệ thống vô thức của người bình thường cũng chứa đựng những sự ham muốn bị chế ngự và một phần của sự khát dục cũng thoát khỏi sự kiềm chế của cái tôi. Vậy người bình thường cũng là người bệnh thần kinh tiên tiến nhưng hình như chỉ có giấc mơ là triệu chứng duy nhất có thể thành lập được. Nhưng đó chỉ là bề ngoài vì khi đem đời sống trong khi thức của một người bình thường ra nghiên cứu thực kỹ, chúng ta cũng thấy là đời sống mà ta tưởng bình thường này cũng chứa đựng rất nhiều triệu chứng thực ra không có nghĩa lý gì và không quan trọng gì trong thực tế.

Vậy sự khác biệt giữa sức khỏe bình thường và bệnh thần kinh chỉ là một sự khác biệt về đời sống thực tế và phụ thuộc vào mức hưởng thụ và hoạt động mà người đó còn làm được. Sự khác biệt này rút lại chỉ là khác biệt giữa những số lượng sinh lực còn được tự do và số lượng sinh lực bị ngưng hoạt động vì sự có mặt của dồn ép. Vậy sự khác biệt không phải về phẩm mà về lượng. Tôi không cần nhắc lại là quan điểm trên đây hiến cho ta một căn bản để tin tưởng bệnh thần kinh có thể chữa khỏi dù chúng có tính di truyền.

Đó là điều mà sự đồng nhất giữa giấc mơ của người bình thường và giấc mơ của người bệnh thần kinh giúp cho ta kết luận về đặc tính của sức khỏe bình thường. Nhưng về phương diện giấc mơ, chúng ta còn rút từ sự đồng nhất này ra một kết luận nữa đó là việc chúng ta không được tách rời giấc mơ ra khỏi những liên quan của nó đối với những triệu chứng bệnh thần kinh, rằng ta không nên tin rằng chúng ta đã mô tả được thực chất của giấc mơ khi nói rằng nó chẳng là gì khác hơn sự phát biểu sơ khai cổ lỗ của một vài ý tưởng hay tư tưởng, rằng chúng ta phải chấp nhận giấc mơ có thể cho chúng ta biết những nơi tọa lạc và định cư của khát dục có thực.

Tôi sắp chấm dứt những bài học này. Các bạn có lẽ thất vọng khi thấy tôi chỉ nói đến vấn đề về lý thuyết trong chương nói về cách chữa bệnh trong phân tâm học, mà không nói gì đến những điều kiện phải có khi bắt đầu dùng phương pháp trị liệu đó và những hiệu quả cần phải đạt dược. Tôi chỉ nói đến lý thuyết vì không hề có ý hiến các bạn một kim chỉ nam thực hành phân tâm học, tôi có lý do để không nói đến những cách làm việc và kết quả của phân tâm học. Tôi đã nói ngay trong những buổi đầu là nếu gặp điều kiện thuận tiện chúng ta đã thu lượm thực sự thành công rực rỡ trong công việc chữa chạy không kém gì những sự thành công huy hoàng nhất của môn nội thương trong y học, tôi có thể thêm rằng, những sự thành công mà phân tâm học đã thu lượm được, không một môn nào khác có thể đạt được. Nếu nói nhiều nữa sợ các bạn nghi ngờ là tôi muốn đem quảng cáo ầm ĩ để che lấp những tiếng reo hò của những kẻ thù nghịch phân tâm học. Có nhiều bạn đồng nghiệp đe dọa các nhà phân tâm học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.