Người Mặt Nạ Đen Ở Nước An Giép
VÀO SÂU TRONG ĐẤT NƯỚC AN-GIÉP
(Đội KBL gửi Số Không)
Số Không thân mến! Lần đầu tiên cả ba đứa chúng mình viết thư chung cho cậu đây. Kể cũng lạ vì không xảy ra cãi cọ gì cả. Nhưng một khi bọn mình đã có thể cùng nhau lập phương trình thì cùng nhau viết một bức thư chỉ là một chuyện nhỏ mọn, có sá kể gì đâu.
Như cậu đã thấy, trong những ngày sống trên đất nước An- giép này bọn mình đã học hỏi được nhiều điều. Nhất là cái ngày bọn mình giải bùa cho Người Mặt Nạ Đen.
Hôm ấy bọn mình đã trò chuyện rất lâu, đến tận khuya với các bạn người nước An-giép này, và mới biết rằng sự hiểu biết của bọn mình còn chưa đi đến đâu cả. Bọn mình mới lập được độc có phương trình bậc nhất. Thế mà còn những phương trình bậc hai, bậc ba, bậc bốn nữa cơ. Và phương trình bậc càng cao thì càng khó giải. Người dân An-giép nói rằng, ngay cả các nhà bác học cũng không thể học hết trong một lúc được.
Thật ra người ta đã biết phương trình bậc hai từ lâu rồi. Ngay từ thời thượng cổ, người Ba-bi-lon đã biết phương trình bậc hai. Nhà toán học cổ Hi Lạp Đi-ô-phăng còn giải được một số phương trình có bậc cao hơn nữa. Nhưng ông không tìm được cách giải thống nhất. Sở dĩ như vậy là vì, muốn giải các phương trình này phải dùng đến các số âm, số vô tỉ, số ảo. Thế mà Đi-ô-phăng lại chỉ mới biết mỗi số âm thôi, hơn nữa ông còn chưa cho là cần phải dùng đến số âm.
Nguyên do là số âm được các nhà bác học Ấn Độ phát minh ra, trước thời Đi-ô-phăng rất lâu. Người A-rập chinh phục Ấn Độ và mang theo số âm về nước mình. Nhưng các nhà bác học A-rập không ưa các số này. Ngay cả người sáng lập ra môn đại số học là Mô-ha-mét Íp-nơ Mu-xa An Khơ-va-rê-dơ-mi cũng không ưa số âm. Vì thế ông mới khôi phục số âm, biến chúng thành số dương, ông cũng chỉ thừa nhận những phương trình có đáp số dương mà thôi.
Sau thời Mô-ha-mét An Khơ-va-rê-dơ-mi một trăm năm, cũng tại thành phố Khô-rê-dơ-ma, lại có một nhà bác học cự phách khác ra đời. Tên ông ta còn dài hơn nữa cơ: A-bu Rây-khan Mô- ha-mét Íp-nơ Ác-mét An Bu-ru-ni. Bu-ru-ni là một nhà bác học bách khoa, nghĩa là ông nghiên cứu nhiều môn khoa học: toán học, vật lí học, thiên văn học, lại cả thực vật học, địa lí học, sử học, khoáng vật học – tức là khoa học về các loại đá – và nhiều môn khoa học khác nữa. Nhưng ở An-giép thì dĩ nhiên người ta quan tâm nhiều nhất đến các công trình nghiên cứu về toán học của ông. Bu-ru-ni đã giải được một phương trình bậc ba rất tỉ mỉ. Nhưng chỉ có độc một phương trình thôi!
Lại một trăm năm nữa trôi qua. Ở Trung Á xuất hiện một nhà toán học xuất sắc. Nhưng không phải mọi người đều biết ông là một nhà toán học – ông được người ta biết tiếng nhiều hơn là một nhà thơ lớn: Ô-ma Khai-am.
Thì ra khoa học và nghệ thuật nhiều khi khoác tay nhau cùng tiến bước. Những trường hợp như thế không phải là hiếm.
Ble-dơ Pa-xcan chẳng những là một nhà vật lí kiêm toán học vĩ đại, mà còn là một nhà văn. Mi-khai-lô Lô-mô-nô-xốp không những là một nhà khoa học mà còn là một nhà thơ. Nhà toán học phụ nữ Nga đầu tiên Xô-phi-a Cô-va-lép-xcai-a đã từng viết tiểu thuyết và soạn kịch bản. Nhà Soạn nhạc Bô-rô-đin, tác giả vở nhạc kịch Hoàng tử I-go, là một nhà hóa học có tài, một người bạn chiến đấu của nhà bác học Nga vĩ đại Men-đê-lê-ép.
Họ còn kể cho bọn mình nghe một câu chuyện rất thú vị nữa.
Có lẽ cậu đã đọc cuốn truyện hoang đường A-li-xơ ở xứ thần tiên rồi nhỉ? Cuốn truyện này do một nhà văn người Anh thế kỉ trước là Li-uýt Kê-rôn viết. Nữ hoàng Anh đọc thích lắm. Nữ hoàng bèn sai tìm hết các tác phẩm của nhà viết truyện tài hoa này để thưởng thức. Quần thần mang đến cả một đống sách. Nữ hoàng cầm lấy một cuốn xem, nhưng đã gấp vội vào ngay và thốt lên:
- Các người mang đến cho ta những sách gì thế hả? Toàn là những con số thôi. Chẳng thấy thần với tiên đâu cả. Mà sao tên tác giả lại là Sác-lơ Đốt-xơn chứ không phải Kê-rôn?
Thì ra truyện “A-li-xơ ở xứ thần tiên” do nhà toán học nổi tiếng Đốt-xơn viết và lấy bút danh là Kê-rôn. Và người ta đã mang đến cho nữ hoàng thưởng thức toàn những công trình nghiên cứu toán học của ông.
Toán học không cản trở Đốt-xơn viết văn. Toán học cũng không cản trở Ô-ma Khai-am làm thơ. Mà có lẽ lại giúp ông làm thơ là khác. Tiếc rằng bọn mình chưa có dịp đọc thơ của Khai- am. Nhưng nghe nói thơ ông ngắn gọn và chính xác đến mức phải kinh ngạc. Trong một bài thơ chỉ gồm bốn câu mà nhà thơ đã khéo đưa vào một nội dung rất rộng lớn. Trong thơ ông có rất nhiều quan sát tinh vi và nhiều tư tưởng sâu sắc. Cho nên khắp thế giới người ta mới yêu thơ ông đến thế. Nhưng các nhà toán học còn ngưỡng mộ Khai-am vì ông là người đầu tiên đã nghiên cứu đến nơi đến chốn cách giải tổng quát phương trình bậc ba. Chỉ tiếc một điều là ông đã coi thường các số âm và số ảo. Cho nên lời giải của ông không được trọn vẹn.
Phải trải qua một thời gian rất dài, các nhà bác học mới hiểu được rằng không có các số ấy thì không xong. Và người ta bắt đầu áp dụng số âm, và số ảo để giải các phương trình đại số. Từ lúc ấy mọi việc mới ổn thỏa.
Đến thế kỉ thứ mười sáu, hai nhà bác học người Ý là Tác-ta-li-a và Các-đa-nô đã biết cách giải mọi phương trình bậc ba. Một nhà toán học người Ý khác là Phe-ra-ri đã nghĩ ra cách giải phương trình bậc bốn.
Trong buổi tối hôm ấy, bọn mình còn được biết nhiều điều lí thú nữa. Một lần, không thể nào kể lại hết được, vả lại cũng chẳng nhớ được đầy đủ đâu. Nhưng có một điều bọn mình hiểu rất rõ và sẽ ghi nhớ suốt đời.
Môn đại số học, tức là An-giép, đã được xây dựng qua bao nhiêu thế kỉ. Hàng trăm hàng nghìn người đã góp sức xây đắp nên môn khoa học ấy… Lúc đầu chỉ là một ngôi nhà nhỏ bé. Nhưng dần dần ngôi nhà ấy trở thành một tòa lâu đài đồ sộ, có tòa ngang dãy dọc, có những ngọn tháp cao chót vót, có những hành lang chằng chịt. Công cuộc xây dựng tòa lâu đài này vẫn chưa kết thúc và cũng không bao giờ kết thúc. Không ai biết được, liệu mình có thể đóng góp dù chỉ một viên gạch nhỏ vào bức tường của tòa lâu đài ấy hay không. Việc đó không phải ai cũng làm được. Nhưng người nào cũng đều có thể vào thăm lâu đài và tìm hiểu những cái người ta đã xây xong.
Đó là điều chủ yếu nhất mà bọn mình rút ra được. Tuy chẳng muốn làm cậu buồn phiền, nhưng tốt nhất là cứ nói thật với cậu ngay: đừng đợi bọn mình, Số Không nhé. Bọn mình đã quyết định sẽ đi tiếp. Vừa mới bước vào đoạn đầu con đường mà đã dừng lại thì tiếc lắm. Trước mắt còn biết bao điều mới lạ và hấp dẫn!
Dĩ nhiên, chúng ta sẽ còn nhiều dịp gặp nhau. Nếu phải xa nhau vĩnh viễn thì buồn thật đấy! Tất cả bọn mình, đứa nào cũng rất mến cậu, hễ có dịp là bọn mình phóng về thăm cậu ngay.
Còn bây giờ để cậu đỡ buồn, bọn mình gửi biếu cậu cái vỏ đậu. Và cả cái mặt nạ nữa, của chữ x đấy. Hắn ta rất sôi nổi nhắc đến buổi gặp gỡ cậu dạo trước. Cậu cũng có công giúp hắn tìm ra cái mặt đã mất!
À, còn một việc nữa. Pôn-sích, người đưa thư thường trực của bọn mình sẽ mang thư này đến cho cậu như mọi khi. Bọn mình để nó ở lại với cậu đấy. Có nó theo bên cạnh, cậu sẽ vui hơn trong chuyến du lịch qua nước An-giép, nếu có lúc nào đấy cậu muốn đi tới đó. Còn tạm thời thì những điều bọn mình viết trong thư cũng đủ rồi. Rau quả có vụ chứ!
Cho bọn mình ôm hôn cậu thật chặt. Gửi lời thăm bà mẹ Số Tám của cậu và tất cả các bạn Tí Hon.
Các bạn của cậu trong đội KBL: Ta-nhi-a, Xê-va và Ô-lếch.
HẾT
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.