Những chiếc chân giả của nó cứng lại, bây giờ trông như rađiôliaria, – Côxchia nói. – Thật là thú vị nó sẽ thoát khỏi cảnh này như thế nào.
Trên màn ảnh bắt đầu thay đổi hình ảnh. Những con amip mất hẳn sắc vẻ của mình. Sau những lần phân tách chúng chỉ còn lại phần lớn là những mao cứng.
Những tấm ảnh mới: một trong những con cháu của amip trở nên giống như con nhím biển…
Người thuyết minh giải thích:
– Sự sản sinh ra những bản chất mới không dựa trên những điều kiện tồn tại. Đặt con vật vào vị trí tới hạn.
– Chẳng lẽ nó sẽ thoát ra được à? – Côxchia hỏi. – Thật khó tin làm sao! Những mao trạng sẽ giết nó… Đúng như vậy!
Trên màn ảnh những sinh vật giống hệt con nhím. Bây giờ đã hoàn toàn cứng đờ.
– Tấn bi kịch đã kết thúc, – người thuyết minh nói giọng đượm buồn. – Những con amip không đủ sức sống để chống lại phóng xạ. Chúng không thể tái tạo những phân tử đã bị tổn thất ở các mắt xích axit nuclem. Những anh chị em cùng sinh ra với chúng lại ở trong hoàn cảnh thuận lợi hơn.
Trên nền xám sáng của màn ánh giữa những con nhím thấy xuất hiện những căn túc trùng hoàn toàn bình thường. Chúng chậm chạp thay đổi hình dáng, những cái “ chân “ co vào duỗi ra, bọc lấy những vi khuẩn, tự phân chia, tái tạo những phiên bản hoàn toàn giống mình.
– Tắt máy đi, – Côxchia nói, – biết rồi. Một loại thì mất đi tính miễn dịch đầu tiên chống phóng xạ; còn loại kia giữ lại được tính đó từ khi phóng xạ được coi là nguồn gốc của năng lượng. Chuyện cũ rồi! Cậu hãy vui lòng tắt máy đi. Giờ đây mọi cái đó được trình bày ở trình độ phân tử. Cậu có tắt máy đi hay là để… – Cậu ta giơ tay ra màn ảnh, hơi nhổm dậy rồi lại ngồi xuống.
Tôi muốn được xem hết phim. Côxchia đã nói không đúng là cậu ta hiểu cả. Đoạn đầu ghi công việc đúng là biết rồi và chẳng có gì độc đáo, nhưng đoạn sau hứa hẹn một cái gì đó mới mẻ. Điều đó nói rõ trong chương trình: “ Những số liệu mới về ảnh hưởng của việc phóng xạ tới các cơ cấu di truyền của tế bào “.
Côxchia không chịu im:
– Nào hãy nén bớt cái bản tính lười của cậu đi! ít ra thì cậu cũng sai cô Pênhêlôpa.
– Pênhêlôpa đang nạp điện, cậu biết thừa rằng cô ta không được phép tiến hành những thao tác tế nhị như vậy.
Pênhêlôpa xuất hiện trước cửa. Mắt cô ta nhắp nháy dò hỏi. Sau lưng cô lòng thòng sợi dây điện có phích cắm.
– đây cậu trông đây! – Côxchia mừng rỡ. – Nào Pênhêlôpa, hãy đi tắt cái máy đầy tiếng ồn ào và những Cơ quan đơn bào này đi.
Mắt Pênhêlôpa nhấp nháy liên hồi.
Tôi đành phải can thiệp để khỏi làm tội làm tình Pênhêlôpa tội nghiệp. Tôi sai cô ta đi lấy nước chè. Cô làm việc với sự hối hả hàng ngày của mình, nhưng lần này không đánh vỡ và cũng không làm đổ tung toé.
Côxchia quay lưng lại màn ảnh và cảm ơn người máy, cầm lấy chén nước. Cậu ta chậm rãi uống từng ngụm rồi nói:
– Hôm nay cậu ngồi an nhàn trong buồng lái trực, còn bọn mình thì vất vả. Ngay từ sáng sớm bọn mình đã phải cùng Paven Mêphôđiêvích và toàn đội đenphin đên đảo san hô vành khăn để tìm những dạng đột biến mới, nhưng không thấy gì đáng chú ý. Điều này ông già rất mừng. Ông nói rằng công việc của chúng ta không đến nổi tồi như nhiều người tưởng. Bà Mẹ Đất có sẵn dự trữ không bao giờ kiệt. Còn đối với việc đi trệch ra khỏi định mức thì ông cụ coi trường hợp này như là những thí nghiệm về cái sự kiện kỳ diệu chưa được giải thích mà ta vẫn gọi là sự sống. Ông cụ triết lý và luôn luôn có tâm trạng đầy lạc quan, hi vọng. Đó là cái gì? Rèn luyện ý chí hay ông cụ làm theo chương trình? Và khả năng làm việc của ông cụ mới dồi dào làm sao! Không, mình không sao đóng nổi vai trò một bác học kiệt xuất, một con người hạnh phúc, cho dù biết rằng trong con người mình chứa đầy bóng bán dẫn.
Trong khi đó trên màn ảnh đang diễn ra cuộc sống sinh sôi nảy nở của tế bào. Từ những phân tử chuyển động hỗn loạn xuất hiện những quả cầu khổng lồ. Chúng phóng lên, rung rinh vì những lực ở bên trong. Bất chợt vỏ các quả cầu vỡ ra, bắn tung toé, rồi lại bắt đầu nãy sinh những chồi mới nhỏ xíu, óng ánh. Việc tổng hợp anbumin đang tiến hành.
– Cậu quên mất các qui luật của tính hiếu khách, – Côxchia ngái ngủ nói. – Trước mắt mình là một món hổ lốn nào đó gồm những amip, nguyên sinh chất và những con rắn chim lợn. Thôi, tốt hơn hết chúng ta hãy lắng nghe bão táp. Giọng người thuyết minh trịnh trọng chẳng khác gì giọng thầy tu. Cậu có nghe thấy gió hanh đang hát không? cuối cùng gió hanh cũng bỏ cái giọng thì thầm tình cảm của mình. Cậu xem kìa, nó muốn dứt hòn đảo của chúng ta ra khỏi những chiếc neo cố định đấy.
– Cha ông chúng ta cũng đã từng kinh hoàng để cho nỗi sợ hãi và lòng tôn kính những hiện tượng thiên nhiên giữ lại trong tiềm thức của chúng ta, mặc dù chúng ta biết rằng mình đang ở một nơi thật an toàn tuyệt đối. Côxchia này, mình cứ hình dung những con người sống giữa những mỏm đá trơ trọi, hay thảo nguyên mà gặp phải bão táp nhỉ. Đêm tối. Sét đánh xuống mặt đất, đập vụn và làm cháy đất đá, rung chuyển cả đất trời! Những luồng mưa lạnh đổ xuống như một bức tường dày đặc. Có thể chết vì sợ hãi mà không biết nguyên nhân vì đâu. Dù sao, con người vẫn chống chọi được với không chỉ một mối đe dọa. Con người tự hỏi: làm thế nào? Họ chế ngự được mọi sợ hãi. Mình hình dung thấy người xưa khoác tấm da gấu ở hang, đứng trước những người cùng bộ lạc ngã sấp mặt xuống đất, giơ chiếc rìu đá lên đe dọa ông Trời. Có lẽ cho đến bây giờ chưa có người nào tạo nổi một bức tranh, một pho tượng hay một bộ phim về cảnh sinh hoạt này. Mà nên làm mới phải. Cậu có nhớ Paven Mêphôđiêvích đã nói gì không?
– “ Mọi cái trong con người các anh nào trí tuệ, nào sức mạnh và khả năng phân biệt cái đẹp và cái xấu, chiến đấu và chiến thắng đều không phải của các anh. Những cái đó là di sản của cha ông mà các anh đã nhân nó lên rồi truyền lại cho con cháu “.
Tôi cũng thôi nhìn màn ảnh. Thực ra mọi cái diễn ra trên đó tôi cho là vụn vặt, không đáng kể so với bão táp đang rung chuyển hòn đảo và bức tranh do Côxchia dựng lại.
Tất nhiên là mệt rồi. Tôi nghĩ: “ Cần phải đưa Côxchia đi ngủ. Cần phải tắm táp và nằm nghỉ “.
Bất ngờ những tế bào đang quay lộn trên màn ảnh biến mất. Vài giây sau trên đó chỉ còn lại lờ mờ một màu xanh lơ. tiếp đó là mẹ tôi, ông tôi và cáchia hiện ra.
Chúng tôi chồm dậy, lao tới màn ảnh.
Mẹ tôi cười xin lỗi.
Ông tôi nhìn chúng tôi dò xét.
cáchia hớn hở vẫy tay:
– Anh Ivan, anh Côxchia! Hôm qua được xem con “ rắn chim lợn “ của các anh. Trông nó tội nghiệp quá. Sao các anh lại giết nó?
– Em không thấy nó ở dưới nước đấy! – Côxchia ra vẻ bực bội và tìm ra câu trả lời kịp thời. – Suýt nữa nó cắn chân Ivan.
– Cái con vật bé tí ấy à?
– Ảnh truyền không chính xác đâu. Giá em mà được xem nó lao vào các anh như thế nào. Cái đuôi nhọn của nó đâm chết người đấy. Đợi một chút anh cho xem một bức ảnh màu. Em sẽ được thấy cả một đàn “ rắn chim lợn “ giữa một rừng san hô, chứ không phải như cái ảnh chỉ có mình nó.
– Thật à? Anh hứa đi, người vắt sữa cá voi của tôi ơi!
– Xin thề với vây cá Machinđa.
Mẹ tôi cắt ngang câu chuyện:
– cáchia, đừng làm ồn, để cho ông và mẹ còn nói chuyện. Ivan, con săn cái con quái vật có nọc độc ấy đấy chứ. Không, không, con đừng có biện bạch. Người thuyết minh nói rằng nó bị giết bằng một mũi lao của thời kỳ đồ đá. Sự việc lẽ nào có thể xảy ra như vậy!.. – Mẹ long lanh nước mắt.
Trong khoảnh khắc, mẹ tôi như phải chịu đựng những hậu quả bi thảm có thể xảy ra trong cuộc gặp gỡ của chúng tôi với con “ rắn chim lợn “. Bà là đạo diễn phim truyện, phần lớn là phim anh hùng ca. Trong những ngày tôi đi, bà đang dựng cuốn phim về những nhà nghiên cứu đầu tiên của Bắc Cực. Và kết quả là bà tặng tôi bộ quần áo có bộ phận sưởi điện.
– Ivan, mẹ sẽ đưa sự kiện đó vào phim.
– Đưa những con cá nhiệt đới vào bài ca xứ tuyết à?
– Ồ bài ca! Bài ca đó được hát lên rồi. Một cuốn phim trung bình.
Mẹ bao giờ cũng đánh giá công việc của mình như vậy và không để ý đến nó nữa, mẹ bắt tay vào việc mới.
– Hiện giờ mẹ có một công việc khác khá kinh ngạc. Mẹ quay phim cuộc thám hiểm vũ trụ “ Ngày cuối cùng trên Galatây “. Những người đó đã phải chịu biết bao đau khổ. Ba người đã chết. Không, bây giờ là bốn. Rađon chết trong đại dương vì những cái con này của các con…
Mẹ bắt đầu tả tỉ mỉ cảnh đã dựng về cái chết của người anh hùng trong lòng sâu thẳm của đại dương “ Galatây “.
Ông tôi khẽ ho và sốt ruột gõ gõ ngón tay vào thành chiếc ghế tựa thuận tiện của mình.
cáchia và Côxchia hạ giọng thích thú trò chuyện với nhau. Côxchia không tiếc sức kể tỉ mỉ về công việc của chúng tôi.
cáchia hết sức thán phục. Cô em tôi rất giống tính mẹ. Cô quên hết mọi sự trên đời, ra công nuốt từng lời, từng chữ của Côxchia. Cô ta đưa mắt nhìn tôi huơ huơ tay:
– Chỗ các anh thích quá! nhất định em sẽ đến và kết bạn với động vật cao đẳng của biển. Còn ở chỗ chúng em, các anh mà biết thì ngán lắm. Chúng em phải nuốt đủ các loại thuốc, phải tiêm phòng và còn bị bỏng rộp vì những tia phóng xạ xuyên qua nữa. Chúng em cũng có cả quần áo chống phóng xạ. Mới đây các mái nhà và các máy móc đều sơn phủ một lớp sơn đặc biệt. Chổ nào cũng thay kính. – cáchia hào hứng liếc nhìn sang mẹ tôi; lúc này bà đang kể về sự kết thúc bi thảm trên “ Galatây “. Cô ta nói tiếp: – Chúng em hầu như không được đi đâu. Riêng em được đi máy bay đến chỗ bố. Ở chỗ bố canh gác rất cẩn mật, nhưng không đến nổi buồn tẻ lắm. Suốt cả tuần chúng em sống một cuộc sống nguyên thuỷ như các anh. Chỉ có chúng em và thiên nhiên. Ngủ ngay trên bùn lầy, trong những chiếc nhà bé bồng bềnh trên mặt nước. Ngỗng, vịt, thiên nga kêu khắp nơi suốt ngày đêm. Tổ của một con thiên nga làm ở ngay cạnh cửa nhà bè của chúng em; con thiên nga mổ khá đau. Chúng em ngồi đếm chim theo cách của bố…
Ông tôi húng hắng ho và vẫy tôi:
– Cháu đã xem qua công trình của ông chưa?
Tôi hoàn toàn quên bẵng cuốn sách của ông, nên lựa lời nói sao cho ông khỏi giận:
– Chưa đọc hết.
– rất tốt. Công trình đòi hỏi phải suy nghĩ nghiêm túc. Cháu có làm tóm tắt không?
– Chưa ạ.
– Nhất thiết phải tóm tắt lại. Và cháu hãy chú ý đến chương năm, ở đó có biểu đồ… kích thước của phấn hoa cây bách tán tăng lên phụ thuộc vào sự phóng xạ…
Mẹ cắt ngang câu chuyện kể về dàn cảnh, mẹ nghiêm nghị nhìn ông, xong lại nhìn sang cáchia đang hát cho Côxchia nghe một bài hát mới nào đó.
– Mẹ nghe thấy những tiếng gì đó là lạ. Có ai đó đang tru tréo. Có phải là cái con “ rắn chim lợn “ của các con không?
– Con đấy mẹ ạ, con hát bài “ Con voi vui tính “.
– Một điệu nhảy xấu! Đấy là mẹ còn chưa nói đến việc hát trong lúc người lớn nói chuyện là vô lễ. Nhưng trường hợp này…
– Đúng đây các anh ạ, có ai ở chỗ các anh đang tru tréo đấy! – cáchia mừng rỡ kêu lên.
– Gió hanh đấy! – Côxchia trịnh trọng nói. – Hãy chú ý đến cái chậu hoa lan. Mặt nước rung động. Như vậy là có thể đoán được gió thổi như thế nào; hòn đảo của chúng cháu cũng rung chuyển cả lên.
– Chao ơi, tuyệt quá! – cáchia kêu lên.
Mẹ trầm ngâm. Trên mặt bà thoáng hiện một nụ cười lơ đãng. Chắc hằn bà đã dựng xong cảnh bão táp ở “ Galatây “.
Ông nhân lúc nghĩ khuyên bảo vài điều:
– Đừng có ló mặt ra cửa, kẻo lại bị cuốn đi như phấn hoa cây bách tán đây.
Mẹ, cáchia và ông mỉm cười từ biệt, nói vài lời gì đó lắp bắp không thành tiếng. thế rồi máy tự động xin lỗi vì nhiễu và chúng tôi còn lại một mình trước màn ảnh tối sẫm.
Côxchia gieo mình xuống ghế tựa, huýt sáo bài “ Con voi vui tính “; bên ngoài cửa có gió hanh bắt nhịp. Bỗng nhiên Côxchia nói:
– Cậu thấy mình nằm ở đây, trên cái tấm giả da mèo biển tuyệt đẹp này đây. Nhưng dù sao chăng nữa mình vẫn có cái thói quen của cha ông để lại là thích nằm trên tấm da thật. Ở cái thế kỷ nhân đạo của chúng ta thì kiếm đâu ra… Không, cậu đừng băn khoăn, mình không cần gì hơn nữa đâu; có điều là ném cho mình đôi gối, tấm chăn và hai mảnh vải trải giường. Nào ta hãy tán chuyện như khi còn ở trên đồi Lênin đi. Cậu có nhớ căn phòng nhỏ nhắn của chúng mình không? Cậu đi về chỗ của cậu đi và không được đóng cửa lại.
Cậu ta lục đục khá lâu, trở mình, lẩm bẩm điều gì đó, cuối cùng thì im lặng, nhưng cũng chẳng được lâu. Cậu ta hỏi:
– Cậu chưa ngủ ư? Tấm giả da của cậu cứng lắm, tuy những chiếc giường loại này rất thuận tiện. Thuận tiện chổ nào mình cũng chẳng hiểu. Ta thử kiểm tra xem. Nói chung là tuyệt, chỉ có điều không hiểu tại sao dưới cạnh sườn mình lại có chiếc chìa khóa vạn năng của cậu. thế mà cậu lại đổ lỗi cho mình! – chiếc chìa khóa lăn lóc dưới sàn và bị đá vào chân tường. – Nó ở phía tây, – Côxchia báo cho tôi biết. – Không, trên tấm da không có chìa khóa, thật dễ chịu. Cậu biết mình đang nghĩ gì không? Mình đang nói mọi điều vớ vẫn mà chính mình cũng đang nghĩ. Cậu cũng chả đoán được đâu.
– Khó thật. Cậu có một cuộc sống tình cảm khá phức tạp! – tôi lên tiếng.
– Đừng có trêu chọc. Cuộc sống là cuộc sống. Cũng chẳng phức tạp hơn người khác. Mình nghĩ về Biata. Giờ đây, trước khi ngủ cô ta nhìn xuống Trái đất, tưởng rằng Trái đất rực rỡ và yên tĩnh. Cô ta không thể lởn vởn trong đầu óc ý nghĩ rằng gió hanh đang muốn dứt tung hòn đảo của chúng ta lên đâu.
Sau cùng cậu ta im hẳn. Chắc hẳn cậu ta nằm mở mắt và cũng suy nghĩ như tôi: “ Bao giờ thì vì sao đó xuất hiện – cái vì sao đã gây bao nhiêu rắc rối trên Trái đất và cướp mất Biata của chúng tôi? …