Gió Vĩnh Cửu

CHƯƠNG 16 – MỘT SINH VẬT THAY HÌNH ĐỔI DẠNG PHỨC TẠP



Qua máy dò âm dưới nước Prôtây báo tin rằng cách chúng tôi khoảng một trăm mét xuất hiện một con cá nhám voi chưa được tiêm chủng. Tôi giảm tốc độ. Côxchia giương súng. Chiếc tàu khẽ tròng trành. Côxchia đứng trên mũi, dang rộng chân.
– Cứ giữ tốc độ như thế! Con cá đây rồi! – cậu ta bấm cò súng, hầu như không ngắm. Ngọn lao xuyên dọc vây lưng, lá cờ hiệu đen-vàng ở đuôi lao phất phới trước gió. – Được! – Côxchia nói với giọng khàn khàn. – Không trệch một phát. thế mà cậu cứ nói!
Mặc dù tôi chẳng nói gì cậu ta cả, nhưng cũng đồng tình, gật đầu tán dương cậu ta đã đột nhiên trổ tài đặc biệt của mình.
– Cá nhám voi ở đằng lái! – một đenphin trinh sát nào đó báo tin.
Tôi quay ngoặt tàu lại và chầm chậm lái tàu quan sát bên ngoài qua tấm kính chắn gió. Những con cá nhám voi đang lao tới. Bên mang một con lủng lẳng ngọn lao có cờ hiệu; ở một con khác không thấy có.
– Việc của cậu đấy! – Côxchia nói. – Chất lượng công việc rất tồi. Ai rắc ống thuốc xuống sườn cá đấy? Chẳng thấy tăm hơi chúng đâu cá. Giá mà chúng mình đang ở phía bên kia thì mình sẽ quẳng thêm một phần nữa.
Một ngọn lao vút đi. Côxchia nói:
– Được! – và phấn chấn hẳn lên vì kiêu hãnh. Quả thật cậu ta là quán quân về môn bắn lao có thuốc tiêm chủng.
“ Bắn cá nhám voi! “ – Tôi nghe thầy tín hiệu của Tavi và hướng con tàu bơi chậm theo tiếng gọi của nó với tốc độ không quá mười dặm. Tốc độ lớn có thể gây tai nạn vì ở đằng trước lấp lánh những tấm lưng vằn lốt hổ của các cá nhám voi. Đành phải bơi rộng vòng, hay hoàn toàn bơi chậm lại. Con cá nhám voi nào mà chúng tôi thấy cũng đều lủng lẳng chiếc lao có cờ hiệu. Những chiếc lao này còn bám vào chúng hai ngày đêm nữa, cho đến khi chúng tôi tiêm chủng xong. Trong thời gian này những thuốc tiêm chủng tan vào bạch cầu và chiếc lao bị nước cuốn đi.
Sau những lần tiêm phòng cho cá voi, đã phát hiện được những dấu hiệu biến đổi ít nhiều trong máu của cá nhám voi. Bệnh tật tuy chưa xảy ra, nhưng đề phòng có thể xuất hiện rất nhanh và lúc đó chúng tôi sẽ mất đi một nguồn dự trữ lớn lao những sinh vật sống. thuốc chủng làm tăng tính bền vững của các cơ quan sinh sản máu, giúp cho việc tạo ra tính miễn dịch, tránh những phát sinh ác tính và những bệnh truyền nhiễm. Những loại tiêm chủng này được tiến hành trước hết nhằm mục đích phòng bệnh.
Trên màn ảnh điện thoại truyền hình hiện ra khuôn mặt vui vẻ của Pêchia Xamôilỗp:
– Công việc ra sao? – cậu ta hỏi.
– Tuyệt! Côxhia đã hoàn thành công việc bắn thể thao.
– Đừng có nói là thể thao! – Côxchia công phẫn. – Mình không cất nổi tay đây.
A ha! Có lẽ đấy là lần gần chót. – tiếng lao rít lên và tiếp theo: – Được!
Pêchia nói:
– Bọn mình bắn không bằng các cậu. Các cậu đành phải giúp bọn mình một tay.
– Ờ, đồ láu cá, – Côxchia khoái trá đáp lại.
– tiếng đồn về cậu lừng lẫy khắp đại dương. Các sinh vật cao đẳng của biển đã nói điều đó với bọn mình. Dù sao thì cậu cũng không nên tớn mũi lên. Bọn mình cũng có đôi điều đáng khen đây. Xin mời.
Trên màn ảnh hiện lên màu sắc lạ lùng của những chiếc “ tàu chiến Bồ Đào Nha “. Đó là những con phadalia, anh em với giống sứa. Những con phadalia bình thường có màu xanh phớt nhạt hồng với cái chỏm màu hồng nhạt, còn những con này lại đỏ rực có đốm đen.
– Các cậu hãy chúc mừng một loại mới đi! – Pêchia nói.
Chúng tôi chúc mừng Kỳ và Pêchia gặp dịp may hiếm có.
– Chúng mình đang chờ đợi sự giúp đỡ anh em đây, – Pêchia cười trong màn ảnh. Rõ ràng là cậu ta háo hức muốn được nói về những chiếc “ tàu chiến Bồ Đào Nha “. – Những con này không những có màu sắc kỳ lạ, mà hình dáng cũng vậy, – cậu ta thông báo và mời chúng tôi đến “ vùng chắn “ của mình.
– Đúng là những con người may mắn; – Côxchia ngắm bắn tiêm chủng cho con cá nhám voi tiếp theo. – Có vấn đề cần phải suy nghĩ…
Ngoài Tavi, Prôtây và Khôkhơ còn cả một đội đenphin nữa đến giúp chúng tôi. Chúng dàn thành một tuyến rộng trải khắp “ vùng chắn “ để tìm cá nhám voi chưa có cờ hiệu, rồi báo lên theo dây chuyền. Công việc của chúng tôi dễ dàng hơn vì khi có nhiều mồi, cá nhám voi không sục sạo nhiều lắm ở “ vùng chắn “, mà chỉ bơi đi bơi lại kiếm ăn trong một khoảng không rộng lắm, phần nhiều là ở độ nông gần mặt nước.
Côxchia đứng choãi chân trên mũi tàu, nhìn về xa xa nheo mắt dưới vành mũ lưỡi trai. Cậu ta mặc một chiếc sơ mi màu tuyết trắng và một chiếc quần soóc cùng màu. Trông cậu ta giống một người đi săn thời xưa, khi cuộc sống gia đình, thị tộc, bộ lạc phụ thuộc vào cánh tay cứng rắn, cặp mắt tinh tường, sức mạnh và sự dẻo dai của người đó. tất cả những cái đó rõ ràng là có trong con người Côxchia ở mức độ khá đầy đủ. Phẩm chất này ăn sâu vào trong từng tế bào của Hệ thống thần kinh của cậu ta từ lâu đã bị lãng quên, đến nay chợt trổi dậy. Mãi suy nghĩ về điều đó, tôi liên tưởng đền gian phòng thí nghiệm của mình, đến cuốn phim mới nhất tôi xem cùng với Paven Mêphôđiêvích.
– Tặc, tặc, tặc! – Nào hãy quay lại lần nữa. – Ông thấy yêu cầu soát lại một lần nữa và nói: – Anh bạn ạ! có một cái gì đó đã xuất hiện. Cậu có thấy siêu vi trùng của cậu có vẻ khác thường không?
Tôi thú nhận là chẳng thấy gì mới cả. Những gì thấy được tôi đều vừa ý và đang chuẩn bị một thí nghiệm mới để khẳng định những kết quả trước đây.
– Anh bạn yêu quí của tôi! Anh giống như một người đãi cát tìm vàng chưa có kinh nghiệm, đãi cát và tự lấy làm hài lòng với những vụn sắt, không nghĩ rằng sâu hơn một mét nữa là có vàng thôi. Nào cố lên lần nữa. Có thể chúng ta sẽ chạm đến vàng.
Chúng tôi xem lại lần thứ ba.
– Trên những tấm ảnh này, không thấy siêu vi trùng. Anh đã giết chết nó, – Paven Mêphôđiêvích tiếp tục, – và anh có thấy rằng tế bào đã làm sao chưa, quá trình sống của nó bị ngừng trệ. Tại sao?
– Những sản phẩm của sự phân hủy…
-… tác động đến nó?
– Vâng… Có thể…
– thế, nếu như trong quá trình cộng sinh lâu dài siêu vi trùng trở nên cần thiết? Hãy hình dung xem nó thực hiện những chức năng quan trọng cho sự sống biết chừng nào.
– Men?
– Có thể. tế bào buộc ký sinh phải hoạt động. Nó trở thành gia súc. thế nào, có thể như thế chứ? Thiên nhiên còn có những việc bất ngờ hơn thế nữa…
– Ivan, cậu ngủ gật à? Suýt nữa đâm phải cá nhám voi. – Côxchia kéo tôi ra khỏi chuyện ở phòng thí nghiệm. – Mình kể cho hắn nghe năm phút liền, thế mà hắn thì cứ ngơ ngác. Cậu sao thế, không thể chia tay với những siêu vi trùng của cậu hả?
Tôi đã định nói một vài điều về chuyện này, nhưng Côxchia khoát tay:
– Men! Chất xúc tác! Sự chuyển hóa biện chứng! Cậu cứ lảm nhảm bên tai mình những điều đó suốt cả buổi sáng. Thôi, hãy làm ơn làm phúc! Không phải lúc nào mình cũng nói cho cậu về những nguyên tử kim loại nặng. Còn trong lĩnh vực này công việc phức tạp hơn… Đừng tranh cãi. Ông già nói rằng minh vớ phải một món khó nuốt… Dừng lại! Lùi ngay về phía sau!
Côxchia bắn thêm vài phát, xong ngồi xuống cạnh tôi.
– Cậu thử tưởng tượng xem, hai mươi ba giờ mười phút hôm qua Vêra gọi mình, – cậu ta nói, cố giấu vẻ ngượng nghịu. – Mình thấy cô ta cười trên màn ảnh của điện thoại truyền hình.
– Chúc mừng cậu! Hai mươi ba giờ mười phút! Không phải cô gái nào cũng đánh bạo tới một cuộc hẹn hò muộn như vậy đâu.
– Đừng có trêu chọc. Hoàn toàn nói về chuyện công việc. Bọn mình thỏa thuận sẽ thông báo cho nhau tất cả mọi sự kiện quan trọng. Hôm qua ở chỗ cô ấy cây hoa trinh nữ đã biết đi. Cậu có hình dung nổi cái phát kiến ấy thế nào không? Tìm được một nhân tố chuyển hóa từ thực vật đến động vật. Một tin chấn động! Hôm nay toàn thế giới sẽ nói đên chuyện đó. thế mới là phát kiến chứ. Có đâu như chúng ta. Chắc cậu còn nhớ lúc ở trên tàu “ Hải Âu “ cô ta đã nói đến vấn đề này. Nhưng khi đó vẫn còn là một bí mật khoa học. Nhiều điều chưa rõ. thế mà bỗng nhiên nó đã đi được. Cô ta cho mình xem một cây hoa trinh nữ mới. Bề ngoài nó là một cây nhỏ bé, xấu xí, trông chả ra gì. Nó bằng này này, – cậu ta dùng tay ra hiệu cái cây hoa nhỏ bé ấy. – Cao không qua hai mươi xentimét, lá mỏng, óng ánh và có một đám lông tựa như rễ phụ. Trông nó chả có gì đặc biệt. Nhưng chỉ cần thay đổi điều kiện… Vêra che kín ánh sáng, cậu thử hình dung xem, đám rễ phụ này ( hay nếu muốn, cậu cứ gọi chúng là tay ) chồng ngay xuống đất, rễ nhỏ bám lên trên mặt đất và bò đi! Gặp ánh sáng, nó chững ngay lại, rễ chui tọt xuống đất. thế có hay không chứ. Bây giờ mình mới hiểu tại sao Môkimôtô đã không muốn cùng chúng mình ra đảo. Tuy biết rằng chúng mình vốn hiếu khách, ông cũng chỉ ở một ngày rồi đi ngay. Ông ta không muốn làm cho ông già nhà mình thất vọng. Nhưng còn điều lý thú nhất minh vẫn chưa kể với cậu. Cậu có hiểu tại sao cây hoa trinh nữ mới lại bò được không? Một trường hợp cổ điển đã được lặp lại. Có một sai sót, đi trệch khỏi phương pháp thí nghiệm. Vêra làm việc với Môkimôtô từ năm thứ nhất. Ngay từ hồi đó, cô ta đã lấy một số hạt quí đem gieo trồng trên đất. Nhưng có điều là chậu hoa của cô ta bị mất hết. Trong tay lại không sẵn có, cô ta đem gieo chúng vào một mảnh đất bình thường, cạnh nhà kính trồng hoa. Và cô ta quên bẵng đi. Cũng có lần cô ta sực nhớ đến, nhưng liền quyết định để mặc cho chúng tự mọc, muốn ra sao thì ra. Trong khi đó Môkimôtô lại ra lệnh triệt để duy trì phương pháp do ông ta đề xuất, không được để những ảnh hưởng bên ngoài lọt vào. Ông ta đặc biệt sợ sự phát xạ của ngôi sao Cực Mới. Môkimôtô là người đầu tiên tìm ra ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển của thực vật. Ông lo ngại rằng những tia bức xạ làm đảo lộn mọi tính toán, phá vỡ cơ cấu di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đã thực hiện trong những giới hạn có tính toán.
kết quả hoàn toàn ngược lại. Những cây hoa trinh nữ mới biết bò. Và chỉ có những cây của Vêra. Những cây còn lại phát triển theo đúng phương pháp. Chúng ngọ nguậy những chiếc lông, tì xuống đất, nhưng vẫn đứng nguyên một chỗ. Cậu có biết Môkimôtô nói gì không? “ Một sự cẩu thả thiên tài. Có điều các anh, các chị đừng có cố ý thường xuyên lặp lại cái đó. Những trường hợp lầm lẫn phức tạp tương tự trăm năm chỉ xảy ra một lần “.
Côxchia bắn và đã bắn trượt.
Prôtây bơi lại, miệng ngậm mũi lao, đưa cho Côxchia và nói:
– Anh bắt đầu bắn như Ivan, Pêchia và Kỳ.
Đúng là một câu chỉ trích.
Côxchia lau mặt:
– Bụi nước… Được rồi, bây giờ Prôtây xem phải bắn như thế nào nhé!
Và lại trượt.
Côxchia quay quay khẩu súng trong tay, nhăn trán vẻ không hài lòng rồi cười.
– Những cây hoa trinh nữ mới làm phân tán tư tưởng…
Theo thói quen cũ tôi bắt đầu giải thích những nguyên nhân bắn trượt.
Côxchia cầm ngọn lao lao vào cá nhám voi vừa cười vừa nhìn tôi. Đến khi tôi phân tích trạng thái tâm tư cậu ta xong, cậu ta phẩy tay:
– Mọi cái đó đều nhảm nhí, anh bạn yêu quí của tôi ạ, kể cả những đơn thuốc thần hiệu của cậu, kể cả tính thích ứng lý tưởng của các xung thần kinh, và tính không thích ứng tức thời của chúng. Mình không thích bắn và chẳng có những thói quen nào được tăng cường, hay bị suy giảm đi. Có điều mình bị đám cây biết bò ấy lôi cuốn… Cậu thấy không, mình lại bắn trúng! nếu muốn biết tài năng bẩm sinh của mình trong cái công việc này của tổ tiên, thì một trong những cụ tổ xa xưa của mình là một nhà đi săn và là một người đã từng tham gia nhiều cuộc chiến tranh. Cậu đã thấy bức vẽ ông cụ đấy. Ông cụ có cái gì hao hao như ông già của chúng ta ở đây, tuy rằng cụ có râu. Trong ánh mắt có cái gì đó đặc biệt tự tin và chờ đợi một điều gì. Cậu có thấy là thầy Mêphôđiêvích luôn luôn chờ đợi một điều gì đó không?
– Ông cụ rất già… Và nói chung ông cụ có phải là một con người hoàn toàn đúng nghĩa đâu!
– Có thể ông cụ có cái gì đó không như vậy, và có những chi tiết nào đó thay thế cho các cơ quan. Nhưng não của ông cụ là não của người hay là đenphin, không một sơ đồ điện tử nào lại có nổi một sự suy nghĩ linh hoạt như vậy. Và cậu có biết cái gì kỳ lạ nhất trong cơ thể ông cụ không?
– ở ông cụ tất cả đều kỳ lạ, khó hiểu
– ừ, nhưng cái chính nhất là ông cụ có cái gì đó trẻ hơn mình và cậu, nhưng thông minh hơn và sắc sảo hơn nữa.. Ông cụ và ông mình nhìn xa hàng thế kỷ và chờ đợi… Mình cũng đợi một cái gì đó. Đôi khi lo âu, có lúc lại thấy vui mừng. Còn cậu?
– Tất nhiên. Chúng ta luôn luôn muốn đạt đến một cái gì đó trong cuộc sống và chờ đợi những kết quả cuối cùng. Giờ đây toàn thế giới đang mong đợi cái giây phút bừng lên cuả ngôi sao Cực Mới. Nó đem lại cho chúng ta cái gì? Biata sợ rằng nhân loại sẽ bị tiêu diệt như những loài bò sát khổng lồ trong thời đại đổ đá.
– tất cả những cái đó chỉ là những hiện tượng nhất thời, chi tiết, – Côxchia nhăn mặt. – Cậu có thấy không đứng về phương diện triết học mình suy nghĩ hơi khác. Nói chung suy nghĩ về cuộc sống như về một sự mong đợi lớn lao một cái gì đó.
Tôi không hiểu ý cậu ta: Côxchia đột nhiên phơi bày trước tôi một con người hoàn toàn mới mẻ. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng cậu ta có khả năng tư duy trừu tượng những cái gì không liên quan đến những công việc hàng ngày.
– ừ, ừ, – tôi trả lời lưỡng lự.
Nhưng Côxchia đã trở lại bình thường như trước, bất thình lình chuyển sang đề tài khác.
– Sáng hôm nay mình gặp Ghêra, vợ Ninxen. Cô ta là nhà khoa học xã hội. Cô ta bay đến đây một tuần. Cô ta nhìn bọn mình như nhìn những anh hùng thời cổ và tỏ vẻ thán phục chàng Cáclơ của mình. Bọn mình cùng tắm biển với cô ta. Prôtây liền tỏ ra dịu dàng với Ghêra, còn cô ta lại nhìn nó có vẻ sợ hãi, nhưng vẫn giữ phong cách đàng hoàng. Tuy vậy, lúc Prôtây gọi tên cô ta, chỉ một tí nữa là cô ta bị ngất. Lên bờ, cô ta thú nhận không thể tin được rằng những sinh vật hình cá ấy có trí tuệ và phần não còn hoàn thiện hơn chúng ta. Cậu biết không, cô ta là nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử cổ của Ai Cập và đã dịch một đoạn biên niên sử về những hiện tượng trong vũ trụ ghi trên giấy cổ sậy và cậu có thể tưởng tượng được không, trong đó có nhắc đến sự bùng cháy của ngôi sao Cực Mới…
Trong máy dò âm dưới nước vang lên tiếng nước chảy ồng ộc, tiếng gõ rời rạc và tiếp theo là giọng nói:
– Tavi nói đây. Trong khu vực phía tây không còn con cá nhám voi nào không có cờ hiệu.
– Hãy tìm kỹ hơn, – Côxchia nói. – Tôi vẫn còn mười chiếc lao. Các bạn hãy quay sang phía đông. Chúng tôi đợi ở bãi san hô.
– Nhận lệnh.
dưới chúng tôi, ở độ sâu mười mét trải ra một bãi san hô. Đáy biển lờ mờ những đốm ánh sáng mặt trời.
Côxchia cởi quần áo ngoài, lấy mặt nạ càm lao và tuyên bố:
– Hình như mình bị khô đi vì những tia nắng nóng bỏng, cần phải thay đổi môi trường sống mới được. Ngoài việc phục hồi nhịp độ thần kinh, độ ẩm bình thường, mình lại còn ưa thích độ sâu ở đây. Có lần mình đã cùng với Prôtây và Khôkhơ dạo chơi ở đây. Rừng san hô và tảo mới ghê chứ! Đáng tiếc lúc đó bọn mình không đem theo máy quay phim. Còn cậu? – Không đợi trả lời, cậu ta nhảy xuống nước.
Tôi từ chối. thiết tưởng ngồi đây, trong cái ghế bành thuận tiện này thật là tuyệt diệu. Tàu thong thả rập rờn trên làn sóng lăn tăn. Cứ mỗi lần nhô lên đến đỉnh sóng, tôi lại nhìn thấy chiếc tàu đông lạnh màu trắng – một chiếc trong đoàn tàu ướp lạnh phục vụ hòn đảo chúng tôi. Tàu đông lạnh hàng ngày chuyên chở sản phẩm của biển do các nhà máy của chúng tôi sản xuất. Đâu đó trên bầu trời xanh có tiếng tàu lượn rít lên. Những cái đó phần nào lôi cuốn tôi ra khói những ý nghĩ về người bạn của mình. Lúc đầu tôi tưởng rằng chỉ nghĩ đến riêng cậu ta, nhưng những thích thú của chúng tôi gắn bó với nhau đến nổi những gì liên quan đến đời sống của cậu ta, cũng liên quan đến tôi ở cùng một mức độ như vậy.
Vừa rồi cậu ta kể chuyện cây hoa trinh nữ mới của Vêra. Phát kiến này sẽ có lúc làm lu mờ cả vì sao Cực Mới. Tin tức về nó chắc hẳn đã lấp đầy các kênh thông tin từ xa. Nhưng Côxchia tạo cho sự việc này có một tính chất tâm tình và hình như cậu ta có vẻ đau khổ thay tôi tỏ ra không háo hức lắm với cả biển cả lẫn Vêra.
Tại sao cậu ta lại muốn tôi đối xử khác với cô ta? Ái chà! Chắc hằn cậu ta tin tưởng rằng mọi quan hệ của tôi với Biata đã chấm dứt và cậu ta là nguyên nhân của việc chấm dứt này! Bây giờ cậu ta muốn bù cho tôi tổn thất đó. Anh bạn của tôi đáng yêu thế đấy!
Gió hanh nổi lên. Gió thở phì phò làm gợn nếp bề mặt láng bóng của các con sóng rồi bắt đầu giật từng cơn. Tôi có cảm giác thế giới biến đổi đột ngột. Đúng thế. Bầu trời bắt đầu nhợt nhạt. Những đám mây lao đi khắp nơi, che kín mặt trời. Đâu đâu cũng vang lên tiếng rít thê lương, tiếng sóng vỗ, biến và gió bắt đầu “ to tiếng “ với nhau.
Và lúc đó trong tôi nảy ra những ý nghĩ buồn buồn. Tôi thấy giận Biata đã thiếu quan tâm đến tôi. Các kênh thông tin của họ dù có bận đến đâu chăng nữa, cô ta vẫn có thể dành được, dù chỉ một phút nói chuyện với tôi trong đài quan sát; hoặc gửi cho tôi một bức điện bằng hình ảnh ngắn gọn. Không, chắc là có chuyện gì khác thường. Bao giờ được gặp gỡ tôi sẽ thổ lộ với cô ta trước tiên. Thế là sự thật cay đắng còn hơn một cái gì mơ hồ. Lúc đó tôi cảm thấy mình đau khổ vì cô ta. Nhưng tôi không đúng. Hồi mùa đông cô ta nói với tôi: “ Tôi biết, không nên nói thêm về vấn đề này. Tôi còn chưa hiểu thế nào. Khi nào hiểu ra, tự tôi sẽ nói với anh, được chứ? “
Trong tiếng “ được chứ “ đối với tôi bao hàm sự hứa hẹn gần như “ vâng “. Tôi bắt đầu suy nghĩ về sự phức tạp của cuộc sống, về hạnh phúc, mà nếu thiếu Biata sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi buồn đến nổi có thể lao ngay xuống biển theo chân Côxchia.
Không có phương tiện nào có thể lấy lại sự thăng bằng về tình cảm đã mất đi, hơn là bơi thoải mái trong lòng biển. Những ưu phiền trần tục sẽ nhường chỗ cho những lượng cảm xúc mới và những ưu phiền đó dường như trở nên không đáng kể trong thế giới xanh lơ dưới nước…
Con chim báo bão giương đôi cánh hẹp bất động lơ lửng trên mặt biển đầy xáo động. Nó là hiện thân cho một sự cô độc, chỉ có nó và đại dương trong bầu trời này. hình tượng này làm tôi thích thú vì tôi cảm thấy mình cũng không khác một kẻ phiêu lãng đơn độc.
Trong tôi bắt đầu hình thành những dòng thơ không vần về sự tìm kiếm hạnh phúc lâu dài. Nhưng Tavi và Prôtây đã cản trở. Chúng đột nhiên ngoi lên khỏi mặt nước, phun nước phì phì và vọt qua xuống. Từ xa chúng để ý thấy dáng phiền muộn của tôi, tưởng tôi thiu thiu ngủ nên quyết định đánh thức tôi bằng cách độc đáo như vậy. Những trinh sát viên bơi đến và thông báo rằng chúng tìm thầy năm chú cá nhám voi chưa được tiêm chủng ở cách đây hai dặm.
Tôi phái các đenphin đi gọi Côxchia. Vài phút sau một mình Prôtây quay lại, hấp tấp truyền đạt lời Côxchia “ Quỉ tha ma bắt những con cá nhám voi ấy đi. ở đây còn có những vật lý thú hơn cái giống béo ị ấy. Hãy để Ivan lập tức bơi đến đây. Nếu cần tất nhiên là phải đánh thức cái gã lang thang lười biếng ấy. Mà tôi nghĩ rằng chú sẽ tìm được cách ném cậu ta rơi khỏi xuồng “.
Prôtây truyền đạt đủ mọi điều, không hề giấu giếm sự khoái trá của mình. Nó đập vây xuống mặt nước, cặp mắt nó ánh lên vẻ láu lỉnh.
– Trước hết chính cậu ta mới là kẻ lang thang, chú hãy bảo cậu ta như vậy.
“ Xin chuyển. Còn truyền đạt gì nửa “?
– Tạm thế thôi. tốt nhất chú hãy cho tôi biết ở đó có gì?
Đáng lẽ phải trả lời thì kẻ đưa tin lại nhô lên không khí huýt gió, rồi vẫy đuôi lặn xuống nước.
xuống nước tôi được gặp Tavi bơi đến gần và dừng lại cho tôi túm lấy vây, bám vào nó. Tavi đưa tôi bơi trên khu rừng san hô im lìm, làm cho những con cá có hình thù như những chiếc đĩa màu xanh xám, những con cá bướm và hàng đàn cá con hoảng sợ. Khi chúng tôi bơi đến gần, chúng lao tản mạn ra bốn phía như những tia nước nhiều màu.
Tôi gạn hỏi chuyện Tavi.
Nó không nhận thấy có gì đặc biệt ngoài lũ cá vẹt. Lũ cá này ở đây có rất nhiều, nhưng lại còn có một loài cá không ăn được; theo ý Tavi thì không có gì đáng chú ý cả.
Côxchia đang lơ lửng giữa đám lưới tảo, tay vịn vào một cành san hô.
– Nào, nhanh lên, – cậu ta nói hấp tấp. – Mình đã định gọi cậu từ lúc cách đây mười lăm phút. Tại sao lại ngắt máy dò âm dưới nước?
– Không phải mình mà là cậu.
– Thật là một sự đãng trí đáng nguyền rủa. Đúng thế, mình khao khát được sống yên tĩnh và không phải nghe những lời cằn nhằn của cậu mà. Thôi đừng có cãi nữa. Không khéo chúng mình bỏ qua mất một tạo vật đáng yêu. Tavi! Prôtây! Bơi xa ra đó năm chục mét đi, không có lũ cá không tin vào tính hiền lành của các bạn đâu.
– Chúng tôi sẽ bơi xa năm chục mét, – Tavi cam kết và báo trước như vậy. – Loài cá này có gai độc, thịt chúng không ai ăn, ngay cả cá mập cũng không ăn.
– Sao chú biết?
– Ai cũng biết, – Prôtây trả lời và bơi ra xa. Tavi bơi theo nó. Và rõ ràng là cả hai đều tự ái.
– Cậu có hiểu gì về những lời giải thích của chúng không? – Côxchia hỏi.
– Chẳng hiểu gì cả.
– ấy thế mà còn giận đấy. Mình vô tình bắt gặp con quái vật này. Cậu cố gắng đừng động đậy và im tiếng lấy một phút, hoặc tắt máy tăng âm đi. Cậu nên hiểu rằng cậu làm việc đó tức là hy sinh cho khoa học đấy.
Từ trong các hang ổ, khe ngách xuất hiện con cá hải tước và những con cá vẹt. Đặc biệt là có rất nhiều cá vẹt.
Chúng dùng hàm răng trắng của mình gặm tảo bám trên san hô. giống cá vẹt có cái mõm tù ngộ nghĩnh, nom tựa loài ăn cỏ của một hành tinh viễn tưởng. ở những nơi đó khái niệm về sự hoàn chỉnh nội dung và hình thức hoàn toàn khác.
– Cậu nhìn đi đâu đấy? – không hiểu sao Côxchia bỗng thì thầm. – Những sinh vật ở đây hoàn toàn bình thường. Cậu hãy quay đầu về bên phải. Bên phải chứ không phải bên trái đâu đấy!
cuối cùng tôi trông thấy một sinh vật, con vật này một hồi lâu cứ hiện lên trước mắt tôi.
Trong đại dương thường ít ngạc nhiên về sự đặc biệt của hình dáng và màu sắc. Nhưng cái sinh vật mà tôi vừa trông thấy vượt cả trí tưởng tượng táo bạo nhất. Những con cá vẹt và cá hải tước so với con quái vật này vẫn còn là bình thường. Các bạn hãy hình dung một sinh vật tổng hợp của cá, chim, loài bò sát và loài có vú. Trên cái thân hình dáng lớn, to béo của nó mọc lên một núm sừng, bốn vây bụng tựa như chân con chim cốc; đáng lẽ là chiếc đuôi cá bình thường thì lại ve vẩy một cái đuôi dài – bộ phận kéo dài của sống lưng. Khi nhìn vào mõm con vật này ta có một ấn tượng rất mạnh mẽ. Mõm nó dài ra như mõm lợn rừng, răng chìa ra trước vừa to vừa dữ tợn. Cặp mắt màu hoàng ngọc tuyệt đẹp càng lồi lên. Nếu dáng dấp của nó thô kệch đáng tởm, thì màu sắc của nó lại rất tao nhã. Xanh xám, đỏ rực, vàng ánh là những chất liệu cơ bản tạo thành từng mảng trên bề mặt da của nó.
– Nào, bây giờ thì cậu nói gì? – Côxchia hỏi. – Thật khó mà tưởng tượng! Con vật trông hay đấy chứ! – Côxchia nhìn tôi có ý chê trách: – Chắc hẳn cậu không nghĩ đến việc mang theo chiếc nỏ? Đành phải dùng lao vậy.
Không đắn đo và chẳng để ý đến sự phản đối của tôi, cậu ta cắm phập ngọn lao vào con vật lạ. Ngay lập tức Tavi và Prôtây xuất hiện. Chúng bơi ở bên cạnh và khuyên:
– Không được buông cán lao – nó chạy vào hang san hô mất. – Tránh xa cái đuôi ra. – Lời khuyên đó là cho tôi. Quên đề phòng, suýt nữa tôi túm lấy cái đuôi có phủ một lớp mỏng gai độc.
Côxchia nhào lộn như làm xiếc, tay không rời cán lao. Cuối cùng tôi xông vào giúp cậu ta. Cả hai chúng tôi vất vả mới lôi được con vật lên mặt nước. Những đenphin khéo léo tránh đuôi con vật, dùng mũi đẩy nó lên.
Khi chúng tôi lôi được con vật lên thuyền, nó bị biến đổi màu sắc trong không khí. Con vật mất hẳn màu sắc rực rỡ trước đó; chỉ có cặp mắt là giữ lâu vẻ trong sáng, óng ánh như hoàng ngọc.
Côxchia vừa thở vừa nói:
– Cậu có thấy rằng “ cây hoa trinh nữ mới “, “ chiếc tàu chiến Bồ Đào Nha “, con “ rắn chim lợn “ này rất giống nhau không?

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.