Gió Vĩnh Cửu

CHƯƠNG 23 – HẠNH PHÚC ĐÃ PHẢN BỘI GIÉC



Trên màn ảnh hình tròn của trạm trung tâm sóng dâng lên cao rồi đổ xuống. Một con cá bay vổ đôi cánh óng ánh đang lao xuống. Đại dương uốn cong phô mình đến tận chân trời, như được rắc một lớp bụi vàng. Đâu đấy giữa khoảng xa xăm mờ ảo, Giéc Đen đang ngắc ngoải. Nó đã không may. Trong lúc săn cá nục vàng cạnh bờ của các đảo Dừa, Giéc và mấy con cá kình đã say mồi và lọt vào vùng xoáy giữa các tảng san hô ngầm. Phần lớn cá bị chết vì nước bắt đầu xuống, cá kình bị mắc kẹt giữa các tảng san hô ngầm. Chỉ còn một vài con bị thương trong đó có Giéc là đã thoát lưới.
Đội đenphin bơi qua. Trong bóng tối nhập nhoạng của gian phòng, những tia nước làm lóa mắt. Những đenphin sắp xếp đội hình như một đàn sếu, thở hổn hển. Chúng đi tìm Giéc Đen. Phía trên đầu chúng chiếc tàu lượn cỡ nhỏ của tàu “ Con mực “ lơ lửng trong bầu trời xanh lơ, báo cho chúng tôi biết mọi việc đang diễn ra bên dưới sống tàu. Chiếc tàu lượn bay cùng hướng với đội đenphin, nhưng vượt lên trước chúng. Sóng nổi bọt xanh xô dẫn đến chỗ chúng tôi. Bất thình lình mặt nước bị che lấp bởi những cánh chim mòng biển, hải âu, quân hạm. Một cảnh quen thuộc.
Đoàn quân hộ tống đám tang. Trong nháy mắt, đám mây chim tản ra và trong cái khoảng trống vừa mới hình thành lấp loáng làn nước ngầu máu đỏ. Lũ cá mập đang ria thịt con cá kình ngắc ngoải.
Cánh chim lại khép kín cái khung cảnh hãi hùng. Chiếc tàu lượn bay xa, ở đây chả làm được gì cả. Bất giác lại nhớ đến con Achinla tội nghiệp.
Đàn chim thưa dần. Những con mòng biển rít lên giận dữ bay về phía đông. Các đenphin và tàu lượn cũng bay về phía đó. Đàn cá mập cũng lao theo. Lại một cảnh chết chóc thứ hai. Con cá kình bị thương để lại sau nó một vệt máu màu hồng. Những con cá mập đã vây quanh nửa vòng, nhưng vẫn sợ không dám đến gần. Một con cá mập bơi lén đến cạnh, con cá kình chớp mắt quay lại và lập tức con cá mập kia bị đờ ra. Con cá kình không động đến nó mà quay ngược 360°. Đàn cá mất hút. Con cá kình tiếp tục bơi. Những con cá mập lại bơi theo và giữ một cự ly xa hơn trước.
hầu hết mọi người trên đảo đều tập trung ở trạm điều khiển trung tâm. Paven Mêphôđiêvích ngồi ngả người trên chiếc ghế của trực chính. Những người còn lại đứng thì thào trao đổi cảm tưởng.
Con cá kình bị thương và những con cá đuổi theo nó biến mất sau rìa màn ảnh. Mặt nước phẳng lặng thấp thoáng ánh mặt trời. Những con chim quân hạm dang rộng cánh lượn trên mặt biển. Thân những con cá mập lấp loáng trong làn nước pha ánh mặt trời như đúc bằng đồng. Đàn cá rất đông cùng lao về một hướng.
Côxchia nói to:
– Mình cảm thấy thương con cá kình.
Paven Mêphôđiêvích nhìn cậu ta, gật đầu tán thành.
– Hoàn toàn tán thành với cái tình cảm tốt, nhưng không phải bao giờ cũng có ích ấy. Những cá kình hiện đang ở trong tình cảnh khó khăn hơn đenphin vào cái hồi ta và chúng chưa hiểu biết lẫn nhau. Với những cá kình còn phức tạp hơn vì bản thân chúng cũng phức tạp hơn. Cần phải thận trọng đặt quan hệ bạn bè với chúng và khéo léo làm cho chúng tin rằng ta cần thiết cho chúng. Tôi e rằng ta chưa làm cho chúng kính trọng. Chúng là chúa tế ở biển cả. Giá có thể được tôi đã gọi chúng là những kẻ quốc gia chủ nghĩa cuồng nhiệt. Mặc dù thế nào đi chăng nữa tôi cũng hâm mộ chúng và thậm chí kính trọng chúng. Theo hình dung của tôi, Giéc tựa như một tên kẻ cướp cao thượng; và giữa bọn chúng với nhau, thì nó được coi như một lãnh tụ đấu tranh cho độc lập. Không, đúng là một dân tộc kỳ lạ! Cậu có thấy con cá kình bị thương vận dụng toàn bộ phương tiện phòng ngự của mình như thế nào không? Con cá mập bị hắt về một phía trông như cái chổi.
Côxchia hỏi:
– Cái chổi ạ? Cái chổi là cái gì ạ? Là cơ quan đặc biệt của cá kình phát ra sóng siêu âm hay sao? Hay là những xung ý chí?
Paven Mêphôđiêvích lấy tay che mặt. Ông cười, tiếng cười khùng khục hiền hậu.
Côxchia tự ái im lặng, bởi vì trên màn ảnh xuất hiện một đàn cá kình. Đàn cá bơi rất chậm. Chúng bơi xếp thành vòng bao quanh ba con cá đồng loại. Một con rất to có cái lưng đen xẫm được hai con nhỏ hơn nâng hai bên. Mọi người nhận ra con cá kình dài không ngắn hơn chín mét này chính là Giéc Đen. Chiếc tàu lượn giữ tốc độ ngang với chuyển động của đàn cá và hạ xuống thấp dần và chỉ cho chúng tôi thấy Giéc Đen và đoàn “ hộ tống “ nó đang ở rất gần. Không có những con cá này thì Giéc Đen đã chìm xuống đáy từ lâu rồi. Ở bụng và ở sườn Giéc trông thấy rõ những vết thương khủng khiếp. Vây trái rủ xuống. Cặp mắt nó thật kỳ lạ: không hề tỏ ra sợ hãi, khuất phục số mệnh, mà chỉ ánh lên ý chí vươn tới cuộc sống, sự dũng cảm kiêu hãnh.
– Tình trạng của Giéc thật nguy ngập, – Côxchia nhận xét.
Không ai đáp lời cậu ta. Đội cá “ hộ tống “ đã mệt, một cặp khác liền thay vào. Những con cá hộ tống vừa rồi lùi ra ngoài, cặp cá mới khéo léo và rất thận trọng đỡ lấy Giéc bất lực. Những con cá kình cố gắng không chạm vào vết thương của chủ soái, chúng bơi rất đều nhau và rất chậm đối với loài bơi nhanh này.
Chỉ huy tàu lượn báo cáo với thuyền trưởng tàu “ Con mực “:
– Cá kình cầm cự ở tốc độ năm, sáu hải lý. Một tiếng rưỡi nữa chúng sẽ đến đảo san hô và sẽ rẽ vào một trong những vũng biển ở đây. Chắc hẳn chúng quyết định chạy chữa cho chủ soái của mình ở đó. Chiếc “ Con mực “ không thể lách vào bất cứ một vũng nào: kênh khúc khuỷu và khá hẹp. Ít nhất vào như vậy cũng là liều lĩnh.
– Cậu định thế nào?
– Phải kìm chúng lại trước khi các cậu đến.
– Nhưng còn cá mập?
– Mười phút nữa đenphin sẽ đến đây.
– Vậy khi nào chúng đến, các cậu phóng ngay thuốc xuống.
– Được.
– Cậu có cảm thấy tình trạng của Giéc rất xấu không?
– Có, nhưng nó vẫn giữ nguyên tư thế. Mặc dù bị thương sượt vào đá ngầm, nhưng nó vẫn là thủ lĩnh. Bọn kia nghe nó không dám cưỡng lại. Nó vừa cử ba con cá kình đi đuổi cá mập. Các cậu thấy đấy cái lũ quỉ này đông biết chừng nào!
– Hơi nhiều. Nhưng nếu không thật cần thiết, không nên sử dụng phương tiện khẩn cấp.
– biết rồi, chúng mình cần phải giữ trạng thái cân bằng sinh vật…
chỉ huy tàu lượn và thuyền trưởng tàu “ Con mực “ tiếp tục nói chuyện với nhau vài phút nữa, nhưng tiếng họ bị át đi bới tiếng kêu của đàn mòng biển bay qua…
Những con cá kình xử sự rất lạ lùng khi những con đenphin có trang bị lao điện xuyên qua đội ngũ cá mập bơi tới. Lũ cá kình thường quen coi những người anh em cùng máu là món ăn của mình, nhưng lần này chúng chẳng hề để ý đến các đenphin, mà chỉ vây lấy Giéc Đen thành một bức tường, nhẫn nại bơi tới hòn đảo. Các đenphin dàn đội hình chiến đấu xông vào tấn công cá mập. Đại bộ phận cá mập chạy tán loạn, lặn xuống sâu. Chỉ có những con cá mập vằn hổ là tuy lánh đi, nhưng vẫn luẩn quẩn quanh đàn cá kình. Loài cá mập này luôn luôn bị cái cảm giác đói, đánh bạt mọi bản năng của nó: mùi máu đã lôi cuốn chúng đến chỗ này. Và chúng đã phải đền tội. Những đenphin phát ra tiếng rít chiến đấu, tổ chức cuộc săn ưa thích của mình. Chúng căm ghét cá mập từ hàng triệu năm nay. Lần này đenphin không tấn công chúng bằng mõm, không dùng cả lao điện và súng điện, mà chỉ dùng máy định vị làm váng óc, thôi miên chúng và những con cá mập kia bị tê liệt ngỏng đuôi lên, biến thành những chiếc phao sống.
– Nhìn kìa, Prôtây, – Côxchia reo lên khi nhận ra bạn mình.
Tôi cũng cố tìm Tavi giữa những thân hình lấp loáng trong bọt biển và những tia nước, nhưng không sao thấy, mặc dù tôi có thể nhận ra nó giữa hàng ngàn đồng loại của nó.
chỉ huy tàu lượn cho chúng tôi biết về trận trừng phạt cá mập xong, liền tiếp tục hướng ống kính về phía cá kình quan sát.
Nhưng ống thuốc tròn trặn rắc xuống như mưa đá tan ra nhanh chóng biến nước biển thành màu xanh lá cây. Hình thành một khoảng xanh rộng lớn mà ở giữa là đàn cá kình. Chúng lờ đờ, ngủ thiếp đi. Những con mòng biến càn rỡ, thô lỗ, rít lên đinh tai tranh mồi ở trên không. Giéc Đen lấy hết sức để chống lại cơn buôn ngủ; nó dựa chiếc vây lành lên lưng một con bên cạnh đã ngủ mơ mơ màng màng…
Người máy thông tin chuyển hình sang khu vực cánh đồng phù du quen thuộc, nơi chăn cá voi. Từ trên màn ảnh Machinđa nhìn chúng tôi bằng cặp mắt ti hí, “ cười “ phô bộ ria mép tuyệt đẹp dài hàng thước.
Trong khi chiếc tàu “ Con mực “ đang ì ạch kéo chiếc phao sà lan có chứa cá kình đến chỗ chúng tôi, thì mọi sinh viên thực tập, có nghĩa là tôi, Côxchia, Pêchia Xamôilốp, Kỳ cũng như Ninxen, Lagơrănggiơ, Trauri Xinkhơ, Corinhtơn cùng bắt tay vào sửa soạn chỗ ở cho khách. Trong vũng biển của chúng tôi có một bến nhỏ có đủ thuyền thể thao và tàu. Đáy bến là đá ba-dan, cửa vào vũng biển hẹp đến mức ngay cả những hôm dông bão ở đây vẫn lặng sóng. Trước kia, khi chưa giam Giéc Đen ở đây, không một ai trong chúng tôi biết được rằng cái vũng biển nhỏ thuận tiện này được những người xây dựng đảo dùng làm bể thí nghiệm, chứa đenphin. Hồi đó trong các nhà bác học còn tồn tại một quan điểm phản động cho rằng trong trường hợp tốt nhất có thể biển đenphin thành gia súc và sử dụng chúng như những con chó.
Những sinh vật cao đẳng ở biển bị hành hạ trong hàng ngàn bể thí nghiệm mà chẳng hiểu những sinh vật hai chân với cặp vây dài vụng về ấy muốn gì chúng.
Thói thường bất kỳ một hiện tượng tiến bộ mới nào nảy sinh cũng đều gặp cản trở của những người không hiểu biết, đôi khi còn của cả những người không muốn thoát khỏi tù ngục của những hình tượng cổ hủ. Lịch sử cho chúng tôi biết được rằng loài người đã phải trả cái đó bằng một giá thế nào. Ở trường hợp này mọi việc đều trôi chảy. Trong khi những người ủng hộ “ bể chứa ngăn cách “ các đenphin đã xây dựng những “ vùng chắn “ – những bể thí nghiệm, thì những nhà bác học của khuynh hướng tiến bộ đã lập từ điển ngôn ngữ đenphin, nghiên cứu tâm lý của các sinh vật cao đẳng ở biển. Họ đã chế tạo các máy đầu tiên để phiên dịch tiếng nói đenphin sang tiếng Nga, tiếng Anh và từ những tiếng này sang tiếng đenphin.
Trên hòn đảo trôi không cần đến bể thí nghiệm. Những đenphin được đưa vào ở trong vũng biển của hòn đảo như những người anh em có trí tuệ, những người bạn tin cậy, những người cộng sự với con người trong việc nghiên cứu cuộc sống vô cùng phong phú, đa dạng dưới đại dương. Còn “ vùng chắn “ định dành cho chúng, thì người ta biến thành bến cho những chiếc tàu nhỏ.
sửa soạn chỗ ở cho những cá kình đòi hỏi chúng tôi chỉ phải rào cửa ra của “ bến “ bằng một lưới thép không gỉ. Muốn thể phải khoan vài lỗ vào tường đá ba-dan để vít lưới. Trên đảo đã tìm được những dụng cụ hảo hạng. Và khi tàu “ Con mực “ đến thì lưới đã dăng xong.
Trong trại điều dưỡng của đenphin không tìm được một chỗ thích hợp nào có thể chứa Giéc Đen. Đành phải xây dựng cho nó một bể nhỏ ngay ở gần bến có mái che trên bờ và trang bị cả dụng cụ giải phẫu.
Hai bác sĩ của chúng tôi là Máckơ, giống một chàng trai tóc đã điểm bạc cùng vợ là Nôra – một người đàn bà cao lớn, dáng dấp kẻ cả, giọng nói êm dịu không rời khỏi Giéc Đen bị thương. Họ đang chờ các nhà giải phẫu. Còn các nhà giải phẫu đã bay từ Xêvátxtôpôn, Tôkiô và Xan – Phơranxixcô đến đây. Họ đến đảo vào buổi tồi. Đoàn người vui vẻ, hóm hỉnh. Thay xong bộ quần áo màu tuyết trắng đã khử trùng, họ xuống bể bắt tay vào hội chẩn. Sau đó thì mổ. Có mười ba nhà phẫu thuật tham gia vào việc. Hai mươi sáu trợ lý, trong đó một số xuống bể, số còn lại đứng trên bờ quanh những chiếc bàn để dụng cụ và thuốc men.
Tôi và Côxchia nằm trên mái che nhòm qua lỗ thông gió theo dõi việc mổ xẻ, mãi cho đến khi chiếc mũ nồi lâu chưa được chải sạch của Côxchia rơi vào tay một nhà giải phẫu đang định lấy dụng cụ. Không chờ phản ứng của các bác sĩ, chúng tôi vội trườn bằng bụng xuống, rón rén ra bờ vũng biển bàn bạc về những sự việc xảy ra mấy ngày qua. Trong giảng đường dưới nước đang chiếu phim của những đenphin quay phim những cảnh chúng thám hiểm biển Đỏ thời gian gần đây.
Paven Mêphôđiêvích ngồi trong buồng bên cạnh máy dò âm dưới nước. Ông nhìn màn ảnh qua cửa kính và chăm chú nghe thuyết minh phim. Trong buồng dễ thở: máy điều hòa nhiệt độ phát ra luồng không khí mát mẻ. Trông thấy chúng tôi, thầy giáo lặng lẽ gật đầu chỉ cho chỗ ngồi. Chúng tôi xem quang cảnh vùng bờ biển Đỏ khoảng mươi phút. Trong phim hầu như không có cảnh dưới nước.
Người thuyết minh nói:
– Như ta đã biết, con người không thể uống nước có pha nhiều muối. Họ uống nước ngọt có lượng muỗi không đáng kể. Các bạn thấy trên bờ có những nhà máy khổng lồ, lọc muối khỏi nước biển…
Các đenphin cũng có những cử chỉ như con người khi theo dõi các phim tài liệu quay từ Mặt trăng, sao Hoả, sao Kim. Tất cả bọn chúng đều sinh trưởng ở trong vũng biển hay ở gần hòn đảo trôi; chúng thường chỉ nhìn thấy phần bờ thấp của các đảo san hô. Bờ biển Đỏ làm chúng ngạc nhiên, sửng sốt quá sức tưởng tượng bình thường. Từ những móm đá, những bãi cát đều toát lên cảm giác nóng nực, mùi vị chết chóc của sa mạc. Ở đây, ngay trên bờ biển chẳng có nước và tất nhiên cũng chẳng có cả sự sống.
Vì vậy, khi thấy xuất hiện một thành phố trắng chìm trong các vườn cây, tiếng thở phào nhất loạt vang lên trên vũng biển một cách sửng sốt.
Tôi nhớ được mây câu thoáng nghe thầy trong “ phòng chiếu bóng “.
– Đấy là đá, – một bà mẹ giải thích cho con trai hay con gái sự xuất hiện của một thành phố chao động trên màn ảnh. – Chúng mọc lên không cần nước và con người ở trong đó.
– Như cá vẹt trong cái đám san hô ấy à?
– Đúng, đúng… Xem đi và đừng làm phiền đenphin khác…
Từ trên sóng nước người quay phim ghi lại cảnh bãi tắm với hàng ngàn người trên cát và dưới nước.
Khắp bốn phía giọng nói của đenphin vang lên trong máy dò âm dưới nước.
– Họ bơi chậm quá!
– Mình luôn luôn muốn giúp họ.
– Mình sẽ chẳng bao giờ đồng ý mặc da của người khác.
Paven Mêphôđiêvích cười:
– Các cậu nghe thấy chứ? Có sự cảm thông với nhau trong thế giới tinh thần. Quả thật, quá trình cảm thông qua chậm do sự khác nhau trong nhận thức cùng một hiện tượng như nhau. Giờ đây tâm hồn chúng đang bay bổng chưa từng có. Giai đoạn này tôi muốn so sánh với thời kỳ của những phát kiến vĩ đại về địa lý. Đó là thời kỳ mà chúng ta, những con người sống trên “ cát “ – như những động vật dưới biển thường gọi, đã trải qua. Hồi đó chúng ta tiếp nhận kích thước của mặt đất và đại dương ở dạng tổng thể cũng như những người châu Âu chúng ta nhìn thấy dân châu Mỹ, châu úc và châu Đại dương. Các cậu hãy tin rằng đối với Crixtỗp Côlông, Magienlăng, Giêm Cúc nhìn những người đó thật bí ẩn, khó hiểu như thế nào, thì cũng như chúng ta nhìn những động vật dưới biển ngày nay và ngược lại. Và các cậu cứ tin rằng cuối cùng cho đến khi nào các cư dân từ những hệ mặt trời khác đến thăm chúng ta, hay chúng ta có thể vượt được hơn bốn năm ánh sáng để đến sao Thiên lang thì sự bất ngờ đó sẽ không đến nổi lớn lắm, vì chúng ta đã quen với những sự bất ngờ trên Trái đất… – Ông thầy trầm ngâm rồi hỏi:
– Giéc – Bàn tay sắt của các cậu thế nào rồi?
– Họ đang khâu, – tôi trả lời.
Côxchia hỏi lại:
– Sao lại Bàn tay sắt ạ?
– Lúc tôi còn trẻ có một võ sĩ quyến Anh tên như thế. Do liên tưởng mà tôi bỗng nhớ đến anh ta. Thanh niên sùng bái anh ta, coi anh ta như một mẫu thần tượng. Vinh quang đã giết anh ta như nhiều người khác thời xưa. Điều đó cũng đang xảy ra với Giéc của các anh. Giá nó xử sự khiêm tốn, nhã nhặn hơn một chút, không khoe khoang tài ba của mình thì có lẽ đã không bị sa vào cái vũng biển này.
– Nhưng như thế thì nó chết vì vết thương mất! – Côxchia nói. – Giá thầy trông thấy nó bị rách toạc từng mảng da như thế nào.
– Những vết thương nghiêm trọng, nhưng hẳn là các cơ quan bên trong không bị tổn thương. Chạy chữa vài tuần nữa, nó sẽ hồi phục và lại có thể được tự do, thoải mái. Còn bây giờ tôi lo ngại cho nó… Ta hãy xem, hãy xem…
Paven Mêphôđiêvích đứng dậy và chúng tôi cũng cùng đi với ông ra khỏi căn buồng mát lạnh. Những đenphin huýt sáo náo nhiệt, vùng vẫy, chép miệng lớn tiếng biểu lộ thái độ hoan nghênh của chúng đối với cuốn phim; đồng thời chúng cố ý lắng nghe tiếng người thuyết minh mà chúng tôi nghe chẳng ra tiếng gì cả.
thấy giáo đến bể thí nghiệm đại dương, ngó nhìn vào vũng biển và nghe ngóng. Trong bể thí nghiệm đại dương con cá kình nào cũng đứng châu đầu vào lưới. Nước ở đây được dãy đèn mắc ở chân lưới trên đáy vịnh chiếu sáng. Đây là một việc làm không thừa để đề phòng trường hợp tù nhân định chạy trốn. Ngoài ra, đề phòng khả năng đó, chúng tôi còn nâng hàng rào lưới lên cao hẳn so với mặt nước. Những con cá kình ở các độ sâu khác nhau lắc lư ve vẫy những cặp vây. Một con trong bọn ngoi lên đớp không khí rồi lại lặn xuống.
– Chúng đang nghe tiếng thuyết minh ở phòng chiếu phim, – Paven Mêphôđiêvích nói, – mặc dù chúng có hiểu gì đâu. Chúng và những cư dân ở biển có tiếng nói khác nhau; nói đúng ra, chúng chỉ phát âm gần giống nhau. Biết đâu lũ cá kình chả băn khoăn về sự có mặt của đenphin mà đã từ lâu rồi chúng coi là những con mồi tất yếu của mình. Tính ăn thịt đồng loại! Chẳng có gì là ngạc nhiên. Bởi vì trước đây không lâu lắm những con người sống trên cát cũng có tính đó.
Côxchia hỏi:
– Em muốn biết, cá kinh sẽ phản ứng ra sao, lần đầu tiên nghe thấy con người nói bằng ngôn ngữ của chúng?
– Thì chắc cũng như chúng ta khi nghe thấy con mực hay con bạch tuộc nói chuyện với chúng ta chứ gì. Trí tuệ ở trình độ phát triển thấp thường bảo thủ. Ngay trong lịch sử loài người cũng có thể nêu ra khá nhiều dẫn chứng về sự trì trệ và bảo thủ. Những sự việc này đã kìm hãm sự tiến bộ tới hàng trăm năm. Gần đây tôi có nhận được một số băng ghi tiếng nói của cá kình đã được dịch. Đã hai năm nay ở Murơmanxkơ đang soạn từ điển ngôn ngữ của chúng.
– Thầy có nhớ được nhiều tiếng không? – Côxchia hỏi, lấy khuỷu tay hích tôi.
– Có nhớ đôi tiếng… Tiếng nói của chúng nghe như tiếng phì, tiếng huýt gió. Tốc độ trao đổi thông tin của chúng thật kỳ lạ. Đúng là hơn hẳn các cư dân ở biển. Thật là lạ lùng, những cá kình thoạt nhìn thì cũng là cư dân của biển, vậy mà quan điểm của chúng về thế giới và đạo đức thì lại bị hạn chế. Để khi nào có máy phiên dịch chúng ta sẽ rõ. Người ta đã hứa sẽ gửi tới đây. Nhưng hiện giờ… – Ông tiến đến gần máy dò âm dưới nước phát đi mấy tiếng huýt gió nhỏ nhẹ rung rung và búng ngón tay.
Những con cá kình lập tức rời khỏi lưới, lao vào bóng tối. Paven Mêphôđiêvích hài lòng về thành công của mình. Với giọng phô trương, ông nói:
– Chưa bao giờ tôi cho mình có tài như vậy. Tôi mới chi thử tập độ dăm phút. Thế mới biết thế nào là ảnh hưởng của môi trường. Các anh đừng có cười tôi. Thực ra vài ngàn năm trước đây dân cư của bãi cát và biển cả quan hệ với nhau rất chặt chẽ. Họ có ngôn ngữ chung, trong đó có sử dụng những tiếng huýt gió. Ngày nay tiếng nói này đã mất. Nhưng cách đây không lâu lắm rất nhiều dân tộc sống trên các bờ biển, các đảo vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng huýt gió, hoặc một thứ tiếng thô sơ, tồn tại song song với tiếng nói bình thường. Tôi có băng ghi tiếng nói của họ trao đổi với nhau ở một làng Thổ Nhĩ Kỳ trên bờ Hắc Hải hồi đó. Tôi cho Kharita nghe băng ghi âm. Nó nghe có vẻ thích thú và nói rằng có rất nhiều tiếng nó không hiểu, nhưng đó là ngôn ngữ của một dân cư ở biển, một thứ ngôn ngữ rất cổ. Thế đấy!
Những con cá kình lại đến hàng rào.
Paven Mêphôđiêvích lặp lại tín hiệu báo động, nhưng lần này chúng không hề có phản ứng gì.
– Các anh có ý kiến gì về vấn đề này? Chúng định hướng lại nhanh làm sao! Dùng cơ quan định vị của mình dò bốn phía không thấy động tĩnh gì, chúng đi đến kết luận là có kẻ nào đó nghịch ngợm trêu chúng. Trông kìa: chúng liếc nhìn tôi. Thú vị biết bao nếu bây giờ mà nghe được tiếng chúng nói với nhau nhỉ! Chắc hẳn chúng nguyền rủa tôi. Ở biển không ưa cái lối đùa vô duyên này. Báo động giả có thể mất mạng. Tôi nghĩ rằng Giéc của các anh đã vượt qua đá ngầm ( trong tình huống tương tự. Đội tàu “ Con mực “ đã săn đuổi chúng suốt một tuần lễ. Cả bộ lạc của nó mệt mỏi, kiệt sức, căng thẳng thần kinh. Giéc dẫn chúng đến một nơi an toàn tuyệt đối ở giữa các tảng đá ngầm: nước sâu, chỉ có một lối vào hẹp đảm bảo cho chúng tránh kẻ săn đuổi. Bất thình lình có tín hiệu báo động. Lối thoát duy nhất là vượt qua đá ngầm. Những con cá trẻ và nhẹ vượt thoát. Nhưng Giéc và còn một số con già bị sóng đập vào cạnh sắc của đá san hô. Già thì không may. Các cậu hãy tin tôi. Mặc dù ở tuổi nào cũng có cái ưu thế của mình. Và nếu biết sử dụng cái ưu thế đó thì cuộc sống không bao giờ mất đi cái hương vị của nó. Cái chính là mục đích. Mục đích càng khó hình dung bao nhiêu, thì cuộc sống càng toàn diện bấy nhiêu. Và cần phải có mẫu mực để chọn làm cái hướng phấn đấu kiên định. Đối với tôi Xưôncồpxki là một mẫu mực. Các cậu đã thấy ảnh ông ta trong phòng trưng bày ảnh chân dung của trường và có thể là các cậu cũng không để ý đến ông ta.
– Sao lại không. Chúng em cũng biết ông ta, – Côxchia phản đối. – Ông sống ở Caluga. Ban đầu ông không gặp may.
– “ Không gặp may “! Cậu bạn ơi, ông vốn là giáo viên trường trung học. Ông dạy vật lý. Ông ta điếc như Béttôven và cũng thiếu thốn như vậy. Các cậu không hiểu thế nào là thiếu thốn. Ông ta bị phụ thuộc vào những con người gàn dở. Thêm vào đó là sự không hiểu biết của người thân. Ông chỉ có một mình. Như sống giữa sa mạc… Không, đúng hơn là trong vũ trụ. Với một sức chịu đựng ghê gớm, ông đã làm việc cho con cháu; trong đó có cá con cháu của những kẻ đã xua đuổi, hững hờ đối với ông. Ông đã vạch cho chúng con đường đi đến các vì sao. Một loại người kỳ diệu!. – ông thầy xoa trán. – thế nào, chúng ta đừng để đánh lừa những con cá kình và đàn cá đenphin này à! Máy dò âm dưới nước đã đóng mạch. Các anh thử tưởng tượng xem những lời giải thích của người thuyết minh lẫn lộn với mấy câu đùa cợt của tôi do máy dịch đã gây cho chúng một ấn tượng như thế nào. Ha, ha, ha! thế nào, chúng ta đứng đây làm gì nhỉ?! – ông thầy nhắc lại và lôi cuốn chúng tôi đi theo.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.