Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối
Chương 10
Từng có một bữa tiệc ở nhà Bob Storms. Anh ta mời Louki và tôi đến, cùng những người khác: Annet, Don Carlos, Bowing, Zacharias, Mireille, La Houpa, Ali Cherif và anh chàng mà chúng tôi đã thuyết phục bỏ Trường Mỏ. Những người khách khác nữa, nhưng tôi không quen. Anh ta sống ở ke Anjou trong một căn hộ mà tầng trên là một cái xưởng rộng mênh mông. Anh ta tiếp đón chúng tôi ở đó để đọc một vở kịch mà anh ta muốn dàn dựng: Hop Signor! Hai chúng tôi tới trước những người khác và tôi thấy choáng trước những giá nến soi sáng căn xưởng, những con rối dây Sicile và Flamand treo trên xà nhà, những tấm gương và những đồ gỗ kiểu Phục hưng. Bob Storms mặc chiếc áo nhung màu đen. Một ô cửa kính lớn nhìn xuống sông Seine. Bằng một cử chỉ đầy bao bọc, anh ta quàng tay quanh vai Louki và vai tôi rồi nói với chúng tôi cái câu nghi lễ của anh ta:
Thưa những người đồng hành của các ngày xấu trời
Tôi chúc các bạn một đêm tốt lành.
Rồi anh ta rút từ trong túi ra một cái phong bì, chìa cho tôi. Anh ta giải thích với chúng tôi rằng đó là chìa khóa nhà anh ta ở Majorque và rằng chúng tôi phải đến đó càng sớm càng tốt. Và ở lại đó cho tới tháng Chín. Anh ta thấy rằng chúng tôi không được khỏe khoắn cho lắm. Một bữa tiệc kỳ cục làm sao… Vở kịch chỉ có một hồi và các diễn viên đọc xong nó khá nhanh. Chúng tôi ngồi xung quanh họ. Thỉnh thoảng, trong thời gian đọc, theo một ra dấu của Bob Storms, tất cả chúng tôi phải hét lên, như thể đang ở trong một dàn đồng ca: “Hop, Signor…!” Rượu chảy tràn trề. Và cả các thứ chất hiểm độc khác nữa. Một khu buffet đã được dựng lên ở ngay giữa phòng lớn tầng dưới. Đích thân Bob Storms phục vụ đồ uống trong cốc lớn và ly tròn bằng pha lê. Càng lúc càng thêm đông người. Tới một lúc, Storms giới thiệu tôi với một người đàn ông cùng tuổi nhưng bé nhỏ hơn anh ta rất nhiều, một nhà văn Mỹ tên là James Jones mà anh ta bảo là “hàng xóm cùng tầng gác” của mình. Rốt cuộc Louki và tôi không còn biết rõ mình đang làm gì giữa tất cả những người lạ này nữa. Ngần ấy người bắt gặp ở đầu cuộc đời chúng ta, những người sẽ không bao giờ biết điều đó và chúng ta sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại nữa.
Chúng tôi lách qua đám đông về phía cửa. Chúng tôi chắc chắn rằng trong đám hỗn độn này không ai nhận ra rằng chúng tôi bỏ đi. Nhưng vừa bước qua cánh cửa phòng khách thì Bob Storms đã tới chỗ chúng tôi.
“Thế nào cơ… Các bé định bỏ tôi mà đi đấy à?”
Anh ta vẫn nở nụ cười quen thuộc của mình, một nụ cười rộng ngoác khiến anh ta trông giống một nhân vật nào đó của thời Phục hưng hoặc của Thế kỷ Vĩ đại, với bộ râu và vóc dáng cao lớn, Rubens hoặc Buckingham. Và thế nhưng, một nỗi lo lắng vẫn lộ ra trong cái nhìn của anh ta.
“Các bạn không bị buồn chán quá đấy chứ?”
“Không hề,” tôi nói với anh ta. “Rất vui mà. Hop Signor…”
Anh ta dang rộng cả hai tay ôm lấy vai Louki và tôi, như đã làm lúc trước ở trên xưởng.
“Nào, tôi hy vọng ngày mai sẽ được gặp các bạn…”
Anh ta kéo chúng tôi về phía cửa, vẫn ôm lấy vai chúng tôi.
“Và nhất là, phải sang Majorque thật sớm để hít thở không khí nhé… Các bạn cần điều đó đấy… Tôi đã đưa các bạn chìa khóa nhà rồi…”
Trên thềm, anh ta nhìn hai chúng tôi một lúc lâu. Rồi anh ta đọc cho tôi câu thơ:
Bầu trời giống túp lều rách của một rạp xiếc nghèo.
Louki và tôi bước xuống cầu thang, và anh ta cứ đứng đó nghiêng người xuống qua lan can. Anh ta đợi tôi đọc cho anh ta một câu thơ, để đáp lại câu của anh ta, như chúng tôi vẫn quen làm. Nhưng tôi không tìm ra được câu nào.
Tôi có cảm giác mình lẫn lộn các mùa vào với nhau. Vài hôm sau bữa tiệc ấy, tôi đi cùng Louki tới Auteuil. Tôi thấy như thể đang là mùa hè, hoặc giả mùa đông, một trong những buổi sáng trong vắt lạnh, có nắng và bầu trời xanh. Cô muốn đến thăm Guy Lavigne, người từng là bạn trai của mẹ cô. Tôi thích ở ngoài đợi cô xong việc. Chúng tôi hẹn nhau “trong một tiếng nữa”, ở góc phố có xưởng sửa chữa ô tô. Tôi tin chúng tôi có ý định rời Paris vì chùm chìa khóa mà Bob Storms đã đưa cho chúng tôi. Đôi khi, trái tim thắt lại với ý nghĩ về những thứ hẳn đã có thể nhưng lại không xảy ra, nhưng giờ đây tôi vẫn tự nhủ rằng ngôi nhà vẫn trống, đợi chúng tôi. Buổi sáng ấy tôi thật hạnh phúc. Và nhẹ. Và tôi cảm thấy ngây ngất say. Đường chân trời ở thật xa trước chúng tôi, nơi đó, về phía vô định. Một xưởng ô tô ở cuối một phố vắng. Tôi tiếc vì đã không đi cùng Louki đến chỗ ông Lavigne ấy. Có lẽ ông sẽ cho chúng tôi mượn một chiếc ô tô để chúng tôi xuôi xuống phương Nam.
Tôi nhìn thấy cô bước ra khỏi cánh cửa nhỏ của xưởng. Cô giơ tay vẫy tôi, chính xác giống như lần trước, khi tôi đợi họ, cô và Jeannette Gaul, hồi mùa hè, trên các ke sông. Cô tiến về phía tôi với cùng bước đi uể oải ấy, có thể nói rằng cô bước đi chậm lại, như thể thời gian chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Cô khoác tay tôi và chúng tôi đi dạo trong khu phố. Chính đây là nơi một ngày nào đó chúng tôi sẽ sống. Vả lại chúng tôi vẫn luôn luôn sống ở đây đấy chứ. Chúng tôi đi theo những phố nhỏ, chúng tôi đi qua một bùng binh vắng hoe. Làng Auteuil êm ái tách ra khỏi Paris. Những tòa nhà màu nâu đồng hay màu be này hoàn toàn có thể nằm ở Côte d’Azur, và những bức tường kia, ta tự hỏi liệu đằng sau chúng có một khu vườn hoặc rìa một khu rừng hay không. Chúng tôi đi tới quảng trường Église, trước bến tàu điện ngầm. Và ở đó, giờ đây thì tôi có thể nói là mình chẳng còn gì để mất nữa: tôi cảm thấy, lần duy nhất trong đời, Quy hồi Vĩnh cửu có nghĩa là gì. Cho tới tận lúc ấy, tôi vẫn đang gắng sức đọc các tác phẩm về chủ đề này, với nhiệt tâm của một người tự học. Mọi thứ xảy đến đúng trước khi bước xuống các bậc cầu thang của bến tàu điện ngầm Église-d’Aureuil. Tại sao lại là chỗ đó? Làm sao tôi biết được và điều áy chẳng có chút quan trọng nào. Tôi đứng lặng một lúc siết lấy cánh tay cô. Chúng tôi ở đó, cùng nhau, ở cùng một chỗ, vĩnh viễn, và cuộc dạo chơi của chúng tôi ngang qua Auteuil, chúng tôi đã thực hiện trong hàng nghìn hàng nghìn cuộc đời khác. Không cần phải xem đồng hồ đeo tay. Tôi đã biết đang là giữa trưa.
***
Chuyện xảy đến vào tháng Mười một. Một thứ Bảy. Cả sáng lẫn chiều, tôi ở phố Argentine để viết về các vùng trung tính. Tôi muốn đắp thêm cho bốn trang giấy, từ đó mà viết ra ít nhất ba mươi trang. Hẳn sẽ giống như một viên tuyết lăn, rồi thì tôi sẽ đến được một trăm trang. Tôi hẹn Louki ở quán Le Condé vào lúc năm giờ. Tôi đã quyết định trong những ngày tới sẽ rời khỏi phố Argentine. Tôi thấy như thể mình đã được chữa lành hoàn toàn khỏi những vết thương thuở nhỏ và hồi niên thiếu và, kể từ nay, chẳng còn lý do nào nữa để trốn chui trốn lủi trong một vùng trung tính.
Tôi bước đi cho đến bến tàu điện ngầm Étoile. Đó là tuyến đường mà chúng tôi vẫn thường đi, Louki và tôi, để tới các cuộc họp của Guy de Vere, tuyến đường mà chúng tôi đã đi bộ lần theo vào buổi đầu tiên. Trong khi đi qua sông Seine, tôi nhận ra là có rất nhiều người dạo chơi trên lối đi Thiên Nga. Đổi tàu ở La Motte- Picquet-Grenelle.
Tôi xuống ở Mabillon, và đưa cái nhìn về phía quán La Pergola, như chúng tôi vẫn luôn luôn làm. Mocellini không ngồi đằng sau ô kính.
Khi tôi bước vào Le Condé, các kim của cái đồng hồ hình tròn trên bức tường trong góc chỉ đúng năm giờ. Thường thì, ở đây, lúc ấy là giờ hoang vắng. Các bàn trống, trừ bàn cạnh cửa, có Zacharias, Annet và Jean-Michel. Cả ba ném về phía tôi những ánh mắt kỳ khôi. Họ không nói gì. Khuôn mặt Zacharias và khuôn mặc Annet bệch ra, hẳn là vì thứ ánh sáng rọi vào từ ô cửa kính. Họ không đáp khi tôi cất lời chào. Họ chăm chăm vào tôi những cái nhìn lạ lùng, như thể tôi đã làm một điều gì đó xấu xa. Môi Jean-Michel mím chặt lại, và tôi cảm thấy anh muốn nói chuyện với tôi. Một con ruồi đậu trên mu bàn tay Zacharias và anh đuổi nó đi bằng một cử chỉ nóng nảy. Rồi anh nhấc cốc lên uống, một hơi cạn luôn. Anh đứng dậy bước về phía tôi. Anh nói với tôi bằng giọng vô hồn: “Louki. Cô ấy đã nhảy qua cửa sổ.”
Tôi sợ mình nhầm đường. Tôi đi theo ngả đại lộ Raspail và phố cắt qua nghĩa trang. Đến cuối đường, tôi không biết nữa mình phải tiếp tục đi thẳng hay theo phố Froidevaux. Tôi theo phố Froidevaux. Kể từ giây phút đó, trong đời tôi đã có một sự vắng mặt, một khoảng trắng, nó không chỉ gây cho tôi cảm giác trống rỗng, mà tôi còn không thể chịu đựng được khi nhìn. Toàn bộ khoảng trắng ấy làm tôi choáng ngợp, một ánh sáng sống, rạng ngời. Và sẽ cứ như chế, cho đến kết cục.
Rất lâu sau, ở Broussais, tôi đang ở trong một phòng chờ. Một người đàn ông trạc ngũ tuần, tóc muối tiêu chải hất ra sau và vận một chiếc măng tô cổ chéo, cũng đang ngồi đợi trên một cái ghế băng, phía bên kia căn phòng. Ngoài ông và tôi, không còn ai khác nữa. Y tá đến bảo với tôi rằng cô đã chết. Ông tiến lại gần chúng tôi như là có liên quan gì. Tôi nghĩ đó là Guy Lavigne, bạn trai của mẹ cô và là người cô đã đến thăm ở Auteuil, tại xưởng ô tô của ông. Tôi hỏi ông: “Ông là Guy Lavigne?” Ông lắc đầu.
“Không. Tôi tên là Pierre Caisley.”
Chúng tôi cùng nhau đi ra khỏi Broussais. Trời đã tối. Chúng tôi bước đi cạnh nhau dọc phố Didot.
“Còn anh là Roland, có phải không?”
Tại sao ông lại biết tên tôi? Tôi khó nhọc bước đi. Cái khoảng trắng ấy, cái ánh sáng rạng ngời trước mắt tôi ấy…
“Cô ấy không để lại thư à?” tôi hỏi ông.
“Không. Không gì cả.”
Chính ông là người đã kể cho tôi mọi chuyện. Cô ở trong phòng với một người tên là Jeannette Gaul, biệt danh Đầu Lâu. Nhưng làm thế nào mà ông biết được biệt danh của Jeannette? Cô đi ra ban công. Cô vắt một chân qua lan can. Cô kia cố giữ cô lại bằng cách níu lấy vạt áo ngủ dài của cô. Nhưng đã quá muộn. Cô có đủ thời gian thốt ra vài từ, như thể cô nói với chính mình để tăng lòng can đảm:
“Xong rồi. Để mặc đi.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.