Ở Quán Cà Phê Của Tuổi Trẻ Lạc Lối

Chương 5



Bên ngoài, trời tối. Tôi không đưa được ý nghĩ của mình rời khỏi người đàn ông tại căn nhà tầng trệt của hắn, dưới ánh sáng tàn hại của ngọn đèn. Hắn có ăn gì đó trước khi đi ngủ không? Tôi tự hỏi chẳng biết ở đó có một cái bếp hay không nữa. Lẽ ra tôi nên mời hắn đi ăn tối. Có thể nếu thế, chẳng cần tôi phải đặt cho hắn câu hỏi nào, hắn cũng sẽ thốt ra một lời, một sự thú nhận hẳn giúp được tôi tìm ra Jacqueline Delanque mau chóng hơn. Blémant vẫn nhắc đi nhắc lại với tôi rằng rồi sẽ tới lúc mỗi con người, ngay kẻ rắn nhất, “phun ra điều đó”: đó là câu nói quen thuộc của ông. Việc của chúng ta là đợi khoảnh khắc ấy với một sự kiện nhẫn tuyệt cùng, dĩ nhiên phải đồng thời tìm cách khích nó bật ra, nhưng bằng cách gần như khó nhận thấy, Blémant bảo: “bằng những cú chích kim thật tinh tế”. Kẻ đó phải có cảm giác mình đang ở trước mặt một linh mục nghe xưng tội. Khó lắm. Nghề nghiệp là như thế. Tôi đi đến cửa ô Maillot và muốn đi bộ thêm một lúc nữa trong bầu không khí ấm áp của buổi tối. Thật không may, đôi giày mới làm cổ chân tôi đau rất dữ. Vậy nên, trên đại lộ, tôi bước vào quán cà phê đầu tiên và chọn một trong những cái bàn gần ô cửa kính. Tôi cởi dây và tháo giày bên chân trái, cái chân bị đau hơn. Khi cậu phục vụ bàn tới, tôi không kháng cự lại cái khoảnh khắc ngắn ngủi của lãng quên và êm ái mà một cốc Izarra xanh hẳn sẽ mang lại.

Tôi rút cái phong bì từ trong túi ra và nhìn thật lâu hai bức ảnh chụp tự động. Giờ đây cô ta đang ở đâu? Trong một quán cà phê, giống như tôi, ngồi một mình bên bàn? Hẳn cái câu ban nãy hắn thốt ra đã khiến tôi có ý nghĩ đó: “Chúng tôi đang cố tạo ra những mối liên hệ…” Những cuộc gặp trên phố, tại một bến tàu điện ngầm vào giờ cao điểm. Khoảnh khắc ấy lẽ ra người ta phải dùng còng tay tự buộc mình vào với nhau. Mối liên hệ nào kháng cự nổi đợt sóng người cuốn ta đi, làm ta trôi dạt? Một văn phòng vô danh nơi người ta đọc cho một thư ký đánh máy tạm thời chép một bức thư, một căn nhà tầng trệt ở Neuilly với những bức tường màu trắng trống trơn gợi lên cái mà người ta gọi là “một căn hộ chứng nhân” và là nơi người ta sẽ không để lại chút dấu vết nào của sự lướt qua… Hai bức ảnh chụp tự động, một chụp thẳng, một chụp nghiêng… Tạo ra những kết nối với mấy thứ đó ư?

Có một người có thể giúp tôi trong cuộc tìm kiếm này: Bernolle. Tôi đã không gặp lại gã kể từ thời Blémant, trừ một buổi chiều cách đây ba năm. Tôi đang bước ngang sân trước nhà thờ Đức Bà để đi ra bến tàu điện ngầm. Một gã trông như cầu bơ cầu bất bước ra từ Hôtel-Dieu, ngang qua tôi. Gã mặc một cái áo gió hai bên ống tay rách tướp, một cái quần ngắn trên mắt cá, chân trần nhét trong đôi xăng đan cũ. Gã để râu ria lởm chởm và có mái tóc đen quá dài. Thế nhưng tôi nhận ra gã ngay. Bernolle. Tôi đi theo gã với ý định nói chuyện với gã. Nhưng gã đi rất nhanh. Gã bước qua ngưỡng cánh cửa lớn của sở cảnh sát. Tôi do dự mất một lúc. Đã quá muộn để bắt kịp gã. Thế nên, tôi quyết định đợi gã, tại đó, trên vỉa hè. Dù có thế nào thì chúng tôi cũng từng trẻ trai cùng nhau.

Gã bước ra vẫn từ cánh cửa đó trong chiếc măng tô màu xanh lính thủy, cái quần flanen và đôi giày màu đen buộc dây. Không còn là con người lúc trước nữa. Gã có vẻ khó chịu khi tôi lại gần. Gã đã cạo râu sạch sẽ. Chúng tôi bước đi dọc theo ke sông, không nói năng gì. Khi đã ngồi bên bàn trong quán Le Soleil d’Or cách đó một quãng, gã tâm sự với tôi. Người ta vẫn dùng gã cho các công việc cung cấp thông tin, ôi, chẳng nhiều nhặn gì, một công việc chỉ điểm và rình rập trong đó gã vào vai những tay cầu bơ cầu bất để nhìn và nghe rõ hơn những gì xảy ra xung quanh mình: quanh quẩn trước các tòa nhà, tại các khu chợ đồ cũ, ở Pigalle, quanh các nhà ga và thậm chí ở khu Latin. Gã nở nụ cười buồn bã. Gã sống tại một căn hộ độc phòng ở quận XVI. Gã cho tôi số điện choại. Không lúc nào chúng tôi nhắc tới quá khứ. Gã đã đặt cái túi du lịch của mình lên băng ghế bên cạnh. Hẳn gã sẽ rất ngạc nhiên nếu tôi nói tôi biết nó đựng gì: một cái áo gió cũ, một cái quần quá ngắn, một đôi dép xăng đan.

***

Cùng buổi tối cái hôm trở về từ cuộc gặp ở Neuilly ấy, tôi gọi điện thoại cho gã. Kể từ khi chúng tôi gặp lại, tôi có thỉnh thoảng nhờ vả gã tìm các thông tin mà tôi cần. Tôi yêu cầu gã tìm cho một ít chi tiết cụ thể liên quan đến cô gái mang tên Jacqueline Delanque, vợ của Choureau. Tôi không có nhiều điều để nói cho gã về người này, ngoài ngày sinh và ngày cưới với một người tên là Choureau Jean-Pierre, 11 đại lộ Bretteville ở Neuilly, liên danh – quản lý ở hãng Zannetacci. Gã ghi lại. “Chỉ có thế thôi à?” Gã có vẻ thất vọng. “Chắc trong sổ khung cũng chẳng có gì đâu”, gã nói bằng giọng cao ngạo. Khung. Tôi thử hình dung phòng ngủ của vợ chồng Choureau tại Neuilly, cái căn phòng lẽ ra tôi đã phải nhìn qua cho tròn ý thức nghề nghiệp. Một căn phòng trống vắng mãi mãi, một cái giường chỉ còn lại KHUNG [12].

[12] Ở đây tác giả chơi chữ: từ “sommier” được dùng theo cả hai nghĩa: khi Bernolle dùng từ này thì nó ám chỉ sổ sách của cảnh sát, còn trong suy nghĩ của nhân vật Caisley thì “sommier” mang nghĩa khác: bộ khung của cái giường (chưa có nệm); đoạn trên được gắng gượng dịch như vậy nhằm giữ một chút ý vị của nguyên bản.

Những tuần sau đó, Choureau gọi điện cho tôi nhiều lần. Hắn luôn luôn nói bằng giọng vô hồn và luôn luôn vào lúc bảy giờ tối. Có lẽ vào giờ ấy, một mình tại tầng trệt của mình, hắn cần nói chuyện với một ai đó. Tôi bảo hắn hãy kiên nhẫn. Tôi có cảm giác hắn không còn tin vào điều đó nữa và dần dà chấp nhận rằng vợ hắn đã biến mất. Tôi nhận được một bức thư từ Bernolle:

Caisley thân mến,

Chưa tìm thấy gì trong sổ sách. Cả về Choureau lẫn Delanque.

Nhưng sự tình cờ hóa ra lại hữu dụng: một công việc thống kê giấy tờ nhàm chán mà người ta giao cho tôi tại sở cảnh sát quận IX và quận XVIII đã cho phép tôi tìm thấy giúp anh vài thông tin.

Hai lần liền, tôi bắt gặp “Delanque, Jacqueline, 15 tuổi”. Lần đầu tiên, trong giấy tờ của sờ cảnh sát khu Saint-Georges cách đây bảy năm, lần thứ hai thì vài tháng sau đó, khu Grandes-Carrières. Lý do: Trẻ vị thành niên lang thang.

Tôi đã hỏi Leoni xem có gì liên quan đến các khách sạn không. Cách đây hai năm, Delanque Jacqueline đã ở khách sạn San Remo, 8 phố Armaillé (quận XVII) và khách sạn Métropole, 13 phố Étoile (quận XVII). Trong đống giấy tờ của khu Saint-Georges và khu Grandes-Carrières thì có chi tiết cô ta trú ngụ ở nhà mẹ, 10 đại lộ Rachel (quận XVIII).

Hiện giờ cô ta ở khách sạn Savoie, 8 phố Cels, quận XIV. Mẹ cô ta mất đã bốn năm nay. Trên giấy khai sinh do tòa thị chính Fontaines-en-Sologne (Loir-et-Cher) cấp, mà tôi gửi cho anh bản sao ở đây, có ghi cô ta không có bố. Mẹ cô ta từng là nhân viên sắp đặt chỗ ngồi cho khách tại Moulin-Rouge và có một người bạn trai, một người tên Guy Lavigne gì đó, làm việc ở xưởng sửa chữa ô tô La Fontaine, 98 phố La Fontaine (quận XVI) từng giúp đỡ bà ta về mặt vật chất. Có vẻ như Jacqueline Delanque không làm một công việc thường xuyên nào.

Đây, Caisley thân mến ạ, là tất cả những gì tôi thu lượm được cho anh. Tôi hy vọng sắp tới sẽ được gặp anh, nhưng với điều kiện là không phải trong lúc tôi đang ăn vận cho công việc. Hẳn Blémant sẽ cười rất dữ về cái trò đóng giả làm kẻ cầu bơ cầu bất này. Anh thì cười ít hơn một chút, tôi nghĩ thế. Còn tôi thì không cười tẹo nào.

Cố gắng lên nhé,

BERNOLLE

Tôi chỉ còn lại một việc là gọi điện thoại cho Jean-Pierre Choureau để nói với hắn rằng bí ẩn đã được làm sáng tỏ. Tôi cố nhớ xem chính xác là vào thời điểm nào mình đã quyết định không làm việc ấy. Tôi đã bấm những chữ số đầu số điện thoại của hắn nhưng rồi đột nhiên bỏ máy xuống. Tôi thấy lòng mình nặng trĩu trước viễn cảnh phải quay trở lại cái tầng trệt Neuilly đó vào cuối buổi chiều như lần trước, rồi cùng hắn chờ bóng tối buông, dưới ngọn đèn chụp đỏ. Tôi giở tấm bản đồ Taride vẽ Paris cũ kỹ mà tôi vẫn luôn luôn để trên bàn làm việc, trong tầm tay với. Vì giở nó ra xem quá nhiều, tôi thường xuyên làm rách các mép và, lần nào cũng vậy, tôi lấy băng dính dán lên chỗ rách, như băng bó cho một người bị thương. Quán Le Condé. Neuilly. Khu Étoile. Đại lộ Rachel. Lần đầu tiên trong cuộc đời chuyên nghiệp của mình, tôi cảm thấy nhu cầu phản kháng trong khi tiến hành cuộc điều tra. Phải, tôi đi, theo chiều ngược lại, con đường mà Jacqueline Delanque đã theo. Jean-Pierre Choureau thì chẳng tính đến làm gì nữa. Hắn chỉ là một vai phụ và tôi thấy hắn đi xa mãi mãi, xách trên tay một cái cặp màu đen, về phía trụ sở hãng Zannetacci. Xét cho cùng, người duy nhất đáng quan tâm là Jacqueline Delanque. Từng có rất nhiều Jacqueline trong đời tôi… Hẳn cô ta sẽ là người cuối cùng. Tôi lấy tàu điện ngầm, tuyến Bắc-Nam, như người ta hay nói, tuyến nối đại lộ Rachel với quán Le Condé. Các ga cứ trôi qua, còn tôi lội ngược thời gian. Tôi xuống ở Pigalle. Và tại đó, tôi bước đi trên dải đất giữa đại lộ bằng bước chân nhẹ nhõm. Một buổi chiều rải nắng thu, ta những muốn tạo lập các kế hoạch cho tương lai và cuộc đời như thể sẽ bắt đầu lại từ con số không. Dù thế nào đi nữa, chính ở vùng này cuộc đời cô ta đã bắt đầu, cuộc đời của cái cô Jacqueline Delanque ấy… Tôi thấy như thể mình đang có hẹn với cô ta. Đến quảng trường Blanche, tim tôi đập hơi mạnh một chút và tôi thấy cảm động và thậm chí e ngại. Lâu lắm rồi tôi không cảm thấy điều này. Tôi tiếp tục tiến lên trên dải đất bằng bước đi mỗi lúc một gấp gáp hơn. Tôi hoàn toàn có thể vừa nhắm mắt vừa bước đi trong cái khu phố thân thuộc này: Moulin-Rouge, Le Sanglier Bleu… Biết đâu nhỉ? Tôi đã bắt gặp cái cô Jacqueline Delanque ấy cách đây rất lâu, trên vỉa hè bên tay phải khi cô ta đến gặp mẹ ở Moulin-Rouge, hoặc giả trên vỉa hè bên tay trái vào giờ tan lớp của trường trung học Jules-Ferry. Đây rồi, tôi đã tới nơi. Tôi đã quên mất rạp chiếu phim nằm ở góc đại lộ. Nó tên là Mexico và không phải tình cờ khi nó mang cái tên ấy. Cái tên khiến bạn cảm thấy ham muốn đi xa, lang bang hoặc trốn chạy… Tôi cũng đã quên mất sự im lặng và bình thản của đại lộ Rachel dẫn thẳng đến nghĩa trang, ta đâu nghĩ đến nó, tới nghĩa trang ta tự nhủ đi hết đây sẽ ra được vùng nông thôn, và thậm chí với một chút may mắn còn ra được một lối đi dạo bên bờ biển.

Tôi dừng chân trước nhà số 10 và, sau một lúc do dự, bước vào bên trong. Tôi những muốn gõ vào cánh cửa gắn kính của phòng người gác cổng, nhưng rồi tự ngăn mình lại. Ích gì nào? Trên tấm biển nhỏ dán trên một ô vuông cánh cửa là các ký tự màu đen tên những người thuê nhà và tầng ở của mỗi người. Tôi rút từ túi trong áo vest ra quyển sổ và cái bút, rồi chép lại những cái tên:

Deyrlord (Christiane)

Dix (Gisèle)

Dupuy (Marthe)

Esnault (Yvette)

Gravier (Alice)

Manoury (Albine)

Mariska

Van Bosterhaudt (Huguette)

Zazani (Odette)

Cái tên Delanque (Geneviève) bị gạch đi và thay thế là Van Bosterhaudt (Huguette). Mẹ và con gái từng sống trên tầng sáu. Nhưng khi gập quyển sổ lại tôi biết tất cả những chi tiết này sẽ chẳng giúp được gì cho mình hết cả.

Bên ngoài, ở tầng trệt của tòa nhà, một người đàn ông đang đứng trên ngưỡng một cửa hiệu bán vải mang biển La Licorne. Khi ngẩng đầu nhìn lên tầng sáu, tôi nghe thấy ông ta nói bằng giọng the thé:

“Ông tìm gì, thưa ông?”

Lẽ ra tôi phải đặt cho ông ta một câu hỏi về Geneviève và Jacqueline Delanque, nhưng tôi biết những gì ông ta hẳn sẽ đáp lại tôi, không gì khác ngoài những thứ rất vớ vẩn, những chi tiết nhỏ bé của “bề mặt”, như Blémant vẫn nói, mà không bao giờ đi đến tận tầng sâu mọi sự. Chỉ cần nghe cái giọng the thé và nhìn thấy cái mặt chồn cùng sự cứng rắn trong ánh mắt của ông ta: không, chẳng có gì để hy vọng ở ông ta hết, trừ các “thông tin” mà một chỉ điểm viên đơn thuần hẳn sẽ cung cấp. Hoặc giả, ông ta sẽ bảo với tôi rằng ông ta chẳng hề biết cả Geneviève lẫn Jacqueline Delanque. Một cơn điên giận lạnh lẽo xâm chiếm lấy tôi khi đứng trước cái tay có khuôn mặt chồn cáo này. Có lẽ với tôi ông ta đột nhiên trở thành đại diện cho tất cả những kẻ tự nhận là nhân chứng mà tôi đã thẩm vấn trong các cuộc điều tra của mình, bọn họ chẳng bao giờ hiểu gì ở những điều họ đã thấy, vì ngu ngốc, độc ác hoặc thờ ơ. Tôi lê bước nặng nề đến đứng sững trước ông ta. Tôi cao vượt ông ta chừng hai mươi xăng ti mét và nặng gấp đôi trọng lượng ông ta.

“Không được quyền ngắm các mặt tiền nhà sao?”

Ông ta chăm chăm chĩa vào tôi ánh mắt khắc nghiệt và e dè. Tôi những muốn làm ông ta sợ hơn nữa.

Và rồi, để bình tĩnh lại, tôi ngồi xuống một cái ghế băng trên dải đất phân cách ở đầu đại lộ, đối diện với rạp Mexico. Tôi cởi giày bên trái ra.

Nắng. Tôi chìm đắm trong suy nghĩ. Jacqueline Delanque có thể tin cậy vào sự kín đáo của tôi, Choureau sẽ không bao giờ biết gì về khách sạn Savoie, về quán Le Condé, về xưởng ô tô La Fontaine và về cái người tên là Roland, hẳn là tay tóc nâu vận áo vest da hoẵng được nhắc tới trong quyển vở. “Louki. Thứ Hai 12 tháng Hai 23 giờ. Louki 28 tháng Tư 14 giờ. Louki với người đàn ông tóc nâu vận áo vest da hoẵng.” Suốt các trang của quyển vở này, mỗi lần bắt gặp tên cô ta tôi lại gạch dưới bằng bút chì màu xanh, và chép lại, trên mấy tờ giấy rời, mọi ghi chú liên quan đến cô ta. Kèm ngày tháng. Và giờ giấc. Nhưng cô ta không có lý gì để mà phải lo lắng. Tôi sẽ không quay trở lại quán Le Condé nữa. Thực sự, tôi đã gặp may, hai hay ba lần tôi đợi cô ta tại một trong những cái bàn của quán cà phê ấy, và ngày hôm đó cô ta đã không tới. Lẽ ra tôi phải thấy bực bội vì rình rập cô ta mà cô ta không biết, phải, lẽ ra tôi phải thấy xấu hổ vì vai trò của mình. Chúng ta có quyền gì mà bẻ khóa xâm nhập đời người khác và táo gan đến thế nào mà dám đi thăm dò vùng hạ bộ và vùng trái tim họ – rồi lại còn đòi họ thanh toán nữa… Nhân danh cái gì đây? Tôi đã cởi xong tất và giờ thì nắn bóp cổ chân. Đỡ đau hẳn. Bóng tối đã buông. Xưa kia, tôi nghĩ, giờ là lúc Geneviève Delanque đến chỗ làm việc ở Moulin-Rouge. Con gái bà một mình ở lại nhà, trên tầng sáu. Quãng mười ba, mười bốn tuổi, một tối, sau khi mẹ đi khỏi, cô ta ra khỏi tòa nhà, cẩn thận tránh để người gác cổng nhìn thấy. Ra đến bên ngoài, cô ta không đi quá góc đại lộ. Hồi đầu, cô ta chỉ đi xem các suất chiếu phim lúc mười giờ tại rạp Mexico. Rồi quay trở về tòa nhà, trèo lên cầu thang, không bật đèn hành lang, cánh cửa được khép lại nhẹ nhàng hết mức. Một đêm, lúc ra khỏi rạp, cô ta đi bộ xa thêm một chút, tới chỗ quảng trường Blanche. Và mỗi đêm lại xa hơn một chút nữa. Trẻ vị thành niên lang thang, như người ta đã viết trong hồ sơ ở khu Saint-Georges và khu Grandes-Carrières, và hai cái tên vừa rồi gợi lên trong tôi một cánh đồng ngập ánh trăng, qua cầu Caulaincourt ngay kia đằng sau nghĩa trang, một cánh đồng nơi rốt cuộc người ta cũng được hít thở không khí tự do. Mẹ cô ta đã đến tìm cô ta ở chỗ sở cảnh sát. Kể từ đó, đã có đà rồi, không một ai còn có thể giữ cô ta lại nữa. Lang thang buổi đêm về phía Tây, nếu tôi căn cứ vào vài chỉ dẫn mà Bernolle đã tập hợp được. Trước tiên là khu Étoile, rồi thì xa hơn về phía Tây, Neuilly và rừng Boulogne. Nhưng vậy thì tại sao cô ta lại cưới Choureau? Và rồi lại thêm một cuộc trốn chạy, nhưng lần này là về hướng tả ngạn, cứ như thể việc vượt qua sông bảo vệ cho cô ta khỏi một mối nguy hiểm sắp xảy đến. Nhưng cuộc hôn nhân này không phải cũng là một sự bảo vệ hay sao? Nếu cô ta có đủ kiên nhẫn để ở lại Neuilly, hẳn về lâu về dài người ta sẽ quên đi rằng bên dưới Bà Jean-Pierre Choureau còn ẩn giấu một Jacqueline Delanque với cái tên đã hai lần xuất hiện trong các hồ sơ cảnh sát.

Nhất định là tôi vẫn còn bị cầm tù trong những phản ứng nghề nghiệp cũ kỹ, những phản ứng khiến các đồng nghiệp của tôi nói rằng tôi theo đuổi các cuộc điều tra ngay cả trong khi ngủ. Blémant hay so sánh tôi với tên vô lại thời hậu chiến mà người ta gọi là “Kẻ vừa ngủ vừa hút thuốc”. Lúc nào hắn cũng để bên mép bàn ngủ một cái gạt tàn trên đó đặt một điếu thuốc châm sẵn. Hắn ngủ chập chờn và, mỗi lần thoáng tỉnh dậy, lại chìa tay về phía gạt tàn và hít một bụm khói thuốc lá. Hút xong điếu thuốc, hắn liền châm ngay một điếu khác bằng cử chỉ của kẻ mộng du. Nhưng, sáng ra thì hắn chẳng còn nhớ gì nữa và tin rằng mình đã ngủ một giấc rất sâu. Tôi cũng thế, trên cái ghế băng này, giờ đây khi trời đã tối, tôi có cảm giác mình đang ở trong một giấc mơ nơi tôi vẫn tiếp tục theo dấu Jacqueline Delanque.

Hoặc nói đúng hơn thì tôi cảm thấy sự hiện diện của cô ta trên cái đại lộ có những ánh đèn sáng lung linh như các dấu hiệu, mà tôi không biết rõ lắm là phải giải mã ra sao và cũng chẳng biết chúng hướng đến tôi từ sâu thẳm những năm tháng nào. Và với tôi những đèn đóm ấy lại còn sống động hơn nữa vì vẻ nhập nhoạng tối của dải đất giữa đường. Vừa sống động vừa xa vời.

Tôi đi tất lại, nhét lại chân vào cái giày bên trái và rời ghế băng nơi tôi sẵn sàng ngồi qua cả đêm. Và tôi bước đi dọc theo dải đất giống như cô ta, ở tuổi mười lăm, trước khi bị bắt. Nơi nào và vào lúc nào cô ta bắt đầu thu hút sự chú ý của người khác?

Jean-Pierre Choureau hẳn rồi sẽ mệt mỏi. Tôi sẽ còn trả lời hắn vài lần qua điện thoại, cung cấp cho hắn những điều mơ hồ – toàn là dối trá, dĩ nhiên. Paris thì rộng lớn và người ta rất dễ lạc dấu một ai đó ở nơi đây. Chừng nào đã có cảm giác dẫn hắn vào những hướng đi giả xong xuôi, tôi sẽ không trả lời những cú gọi của hắn nữa. Jacqueline có thể trông cậy vào tôi. Tôi sẽ để cô ta có đủ thời gian để hoàn toàn thoát thân.

Vào lúc này, cô ta cũng đang bước đi đâu đó trong thành phố này. Hoặc giả cô ta đang ngồi ở mộc cái bàn, quán Le Condé. Nhưng cô ta chẳng có gì phải e sợ hết. Tôi sẽ không đến chỗ hẹn nữa.

Mười lăm tuổi, trông tôi như đã mười chín. Thậm chí là hai mươi. Tên tôi không phải Louki, mà là Jacqueline. Tôi còn ít tuổi hơn thế vào cái lần đầu tiên tận dụng sự vắng mặt của mẹ để trốn ra ngoài. Bà tới chỗ làm quãng chín giờ tối và sẽ không về nhà trước hai giờ sáng. Cái lần đầu tiên ấy, tôi đã chuẩn bị một lời nói dối phòng khi người gác cổng bắt chợt tôi ở cầu thang. Tôi sẽ nói mình phải đi mua thuốc ở hiệu thuốc trên quảng trường Blanche.

Tôi đã không quay trở lại khu phố cho đến buổi tối Roland đưa tôi bằng taxi tới nhà người bạn của Guy de Vere ấy. Chúng tôi có hẹn ở đó với tất cả những ai thường tham dự các cuộc họp. Chúng tôi vừa quen biết nhau, Roland và tôi, và tôi đã không dám nói gì với anh khi anh bảo taxi dừng lại ở quảng trường Blanche. Anh muốn chúng tôi đi bộ. Có lẽ anh đã không để ý tôi bấu chặt lấy tay anh như thế nào. Tôi bị chóng mặt. Tôi có cảm giác nếu đi ngang qua quảng trường, mình sẽ ngất xỉu. Tôi sợ. Anh, người vẫn nói suốt với tôi về Quy hồi Vĩnh cửu, hẳn anh sẽ hiểu. Phải, mọi chuyện bắt đầu trở lại với tôi, cứ như thể cuộc hẹn với những người kia chỉ là một cái cớ và người ta đã ngầm giao cho Roland trách nhiệm đưa tôi trở về chốn xưa.

Tôi thấy nhẹ cả người vì chúng tôi không đi qua trước Moulin-Rouge. Thế nhưng, mẹ tôi mất đã được bốn năm rồi và tôi không còn gì phải e ngại hết. Mỗi lần thoát ra khỏi căn hộ vào ban đêm, khi bà đi vắng tôi bước đi trên vỉa hè phía bên kia của đại lộ, vỉa hè bên quận IX. Trên vỉa hè ấy không có lấy một ngọn đèn. Tòa nhà trường trung học Jules-Ferry sẫm tối, rồi những mặt tiền các tòa nhà với cửa sổ tắt hết đèn, một quán ăn, nhưng có thể nói rằng căn phòng chính của nó lúc nào cũng nằm trong bóng tối lờ mờ. Và, lần nào cũng vậy, tôi không thể ngăn mình ném một cái nhìn sang phía bên kia dải đất giữa đường, sang Moulin-Rouge. Khi đến quán cà phê Palmiers và bước vào quảng trường Blanche, tôi không còn được tự tin cho lắm. Lại bắt đầu có những ngọn đèn. Một đêm nọ khi đi ngang qua trước hiệu thuốc, tôi nhìn thấy mẹ cùng những người khách khác, đằng sau cửa kính. Tôi tự nhủ bà xong việc sớm hơn thường lệ và sắp về nhà rồi. Nếu chạy thật nhanh, tôi sẽ về tới nơi trước bà. Tôi đứng như trời trồng ở góc phố Bruxelles để xem bà sẽ đi đường nào. Nhưng bà đã băng qua quảng trường để quay lại Moulin-Rouge.

Thường xuyên, tôi sợ và để tự trấn tĩnh tôi sẵn sàng đi tìm mẹ, nhưng hẳn là tôi sẽ làm phiền bà đang giữa lúc làm việc. Giờ thì tôi chắc rằng bà sẽ không mắng tôi, bởi cái đêm đến tìm tôi ở sở cảnh sát khu Grandes-Carrières, bà đã không buông một lời trách cứ, không hề dọa dẫm, không bài học đạo đức nào. Chúng tôi bước đi trong im lặng. Đến giữa cầu Caulaincourt, tôi nghe tiếng bà nói bằng giọng xa vời: “đứa bé tội nghiệp của mình”, nhưng tôi tự hỏi bà nói với tôi hay với chính bà. Bà đợi tôi cởi quần áo nằm lên giường rồi mới vào phòng tôi. Bà ngồi ở cuối giường, thật yên lặng. Tôi cũng vậy. Cuối cùng bà mỉm cười. Bà bảo tôi: “Chúng ta đều không nói nhiều lắm nhỉ…”, và bà nhìn thẳng vào mắt tôi. Đó là lần đầu tiên cái nhìn của bà dán lên tôi lâu tới vậy và lần đầu tiên tôi nhận ra mắt bà trong, xám hoặc xanh lợt đến như thế. Xám-xanh. Bà cúi xuống hôn lên má tôi, hay nói đúng hơn là tôi cảm thấy cặp môi bà thoáng lướt qua. Và vẫn là cái nhìn dán chặt lên tôi đó, cái nhìn thật trong và xa vắng. Bà tắt đèn rồi trước khi khép cửa nói với tôi: “Cố mà đừng tái phạm đấy nhé.” Tôi nghĩ đó là lần duy nhất một sự tiếp xúc đã được tạo ra giữa chúng tôi, rất ngắn ngủi, rất vụng về thế nhưng lại mạnh mẽ đến mức tôi thấy tiếc bởi đã không, trong những tháng tiếp theo, cố mà hướng tới bà, khi mà bà đã tạo ra mối tiếp xúc như vậy. Nhưng cả hai chúng tôi đều không phải người ưa biểu lộ. Có lẽ bà có cái thái độ bề ngoài rất thờ ơ đối với tôi ấy là bởi bà không hề có chút ảo tưởng nào về tôi. Chắc bà tự nhủ chẳng có gì nhiều để hy vọng vì tôi giống bà quá.

Nhưng hồi ấy tôi chẳng hề suy nghĩ đến chuyện đó. Tôi sống ở thì hiện tại, chẳng bao giờ tự đặt cho mình những câu hỏi. Mọi thứ thay đổi vào cái buổi tối Roland đưa tôi quay trở về khu phố mà tôi vẫn hằng né tránh. Tôi chưa hề đặt chân đến đó kể từ khi mẹ tôi mất. Chiếc taxi đi vào phố Chaussée-d’Antin và tôi nhìn thấy, ở tận phía cuối, hình khối màu đen của nhà thờ La Trinité, giống như một con đại bàng khổng lồ đang phiên canh gác. Tôi cảm thấy u uất. Chúng tôi đang tiến lại gần đường ranh giới. Tôi tự nhủ là có một tia hy vọng. Có lẽ chúng tôi sẽ rẽ sang trái. Nhưng không. Chúng tôi cứ đi thẳng, chúng tôi đi qua quảng trường nhỏ La Trinité, chúng tôi leo lên dốc. Ở chỗ đèn đỏ, trước khi vào quảng trường Clichy, thiếu điều tôi đã mở cửa xe để chạy trốn. Nhưng tôi không tài nào làm nổi điều ấy với anh.

Phải một lúc sau, khi chúng tôi đi bộ dọc theo phố Abbesses về phía tòa nhà nơi có cuộc hẹn thì tôi mới bình tĩnh trở lại. Thật may mắn, Roland đã không nhận thấy điều gì hết. Thế nên, tôi tiếc là chúng tôi đã không đi bộ lâu hơn, hai người với nhau, trong khu phố. Tôi những muốn đưa anh đi thăm thú và chỉ cho anh nơi tôi sống mới cách nay sáu năm thế mà đã xa xôi vậy, trong một cuộc đời khác… Sau khi mẹ tôi mất, chỉ còn mối liên hệ duy nhất nối tôi với cái thời ấy, một người tên là Guy Lavigne, bạn trai của mẹ. Tôi đã hiểu ra rằng chính ông là người trả tiền thuê căn hộ. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp ông. Ông làm việc tại một xưởng sửa chữa ô tô, ở Auteuil. Nhưng chúng tôi gần như không bao giờ nhắc đến quá khứ. Ông cũng ít nói y hệt mẹ. Khi dẫn tôi về sở cảnh sát, họ đặt cho tôi các câu hỏi mà tôi buộc phải trả lời nhưng, thoạt tiên, tôi làm việc đó rụt rè đến mức họ bảo tôi: “Cháu không nói nhiều nhỉ”, giống như hẳn họ sẽ nói với mẹ và với Guy Lavigne nếu có khi nào hai người rơi vào tay họ. Tôi không có thói quen nghe người ta đặt câu hỏi cho mình. Thậm chí tôi còn kinh ngạc vì thấy người ta quan tâm tới trường hợp của tôi. Lần thứ hai, ở chỗ sở cảnh sát Grandes- Carrières, tôi gặp một tay cớm dễ chịu hơn người lần trước và tôi thấy rất thích cái cách ông đặt câu hỏi cho tôi. Và thế là ta được phép tâm sự, nói về mình, ai đó ở trước mặt bạn quan tâm đến những hành động và cử chỉ của bạn. Tôi ít quen thuộc với tình huống này tới mức không tìm ra từ để trả lời. Trừ các câu hỏi thật cụ thể. Chẳng hạn: Cháu đã học ở trường nào? Trường của các bà xơ Saint-Vincent de Paul ở phố Caulaincourt và trường tiểu khu trên phố Antoinette. Tôi ngượng khi phải nói với ông rằng tôi không được nhận vào trường trung học Jules-Ferry, nhưng rồi tôi hít một hơi thật sâu và thú nhận với ông điều đó. Ông bèn cúi xuống tôi và bảo, giọng rất dịu dàng, như thể muốn an ủi tôi: “Kệ cái trường trung học Jules-Ferry chứ…” Và câu nói đã làm tôi ngạc nhiên đến nỗi thoạt tiên tôi suýt bật cười. Ông mỉm cười với tôi và nhìn vào mắt tôi, một cái nhìn trong vắt giống mẹ tôi, nhưng dịu dàng hơn, chăm chú hơn. Ông cũng hỏi tình trạng gia đình của tôi. Tôi cảm thấy tin cậy và đã nói ra được với ông vài mẩu thông tin nghèo nàn: mẹ tôi xuất thân từ một ngôi làng vùng Sologne, nơi một ông tên là Foucret, giám đốc Moulin-Rouge, có đất riêng. Và chính bởi vậy mà khi còn rất trẻ, lúc mới lên Paris, bà đã tìm được một công việc tại chốn ấy. Tôi không biết bố tôi là ai. Tôi sinh ra ở đó, Sologne, nhưng chúng tôi chưa bao giờ quay trở lại. Thế nên mẹ vẫn thường xuyên nhắc đi nhắc lại với tôi: “Chúng ta không còn gốc rễ nữa rồi…” Ông nghe tôi nói và thỉnh thoảng ghi lại vài điều. Còn tôi, tôi có một cảm giác mới: nhờ cung cấp cho ông tất cả những chi tiết nghèo nàn đó, tôi được giải thoát khỏi một gánh nặng. Những điều ấy không còn liên quan đến tôi nữa, tôi đang nói về một ai đó khác và tôi nhẹ nhõm vì thấy ông ghi lại. Nếu mọi thứ được viết ra rõ ràng giấy trắng mực đen, thì nghĩa là chuyện đã xong rồi, giống như trên các nấm mồ người ta khắc tên và ngày tháng vậy. Và mỗi lúc tôi nói một nhanh thêm, các từ cứ xô đẩy vào nhau: Moulin-Rouge, mẹ tôi, Guy Lavigne, trường trung học Jules-Ferry, Sologne… Tôi chưa từng nói chuyện được với một ai. Thật nhẹ bỗng biết bao khi tất cả những từ đó chui ra khỏi miệng… Một phần đời tôi đã chấm dứt, một phần đời mà tôi bị áp đặt phải sống. Kể từ nay, chính tôi sẽ tự quyết đời mình. Mọi thứ sẽ bắt đầu kể từ ngày hôm nay, và để lấy đà cho mạnh mẽ, tôi những muốn ông gạch đi những gì vừa viết ra. Tôi sẵn sàng cho ông thêm các chi tiết khác và những cái tên nữa, nói với ông về một gia đình tưởng tượng, một gia đình đúng như tôi hằng mơ ước.

Quãng hai giờ sáng, mẹ tới tìm tôi. Ông bảo mẹ chuyện không nghiêm trọng lắm đâu. Ông vẫn đặt lên tôi cái ánh mắt chăm chú ấy. Lang thang ở tuổi vị thành niên, đó là điều đã được viết vào trong hồ sơ của họ. Bên ngoài, xe taxi đang chờ. Khi ông hỏi tôi về chuyện học hành, tôi đã quên nói với ông rằng, trong vòng vài tháng, tôi có theo học một trường xa hơn một chút ở trên cùng vỉa hè với sở cảnh sát. Tôi ở lại căng tin và cuối buổi chiều thì mẹ đến đón tôi. Đôi khi, mẹ đến muộn và tôi đợi, ngồi đó trên một cái ghế băng ở dải đất giữa đường. Chính tại đó tôi đã nhận ra rằng mỗi bên phố lại mang một cái tên khác. Và đêm hôm ấy, mẹ cũng đến đón tôi, rất gần trường, nhưng lần này thì ở chỗ sở cảnh sát. Cái phố thật lạ lùng vì mang hai tên và như thể cứ muốn đóng một vai trò trong đời tôi vậy…

Thỉnh thoảng, mẹ tôi lại lo lắng liếc nhìn đồng hồ tính tiền trên xe taxi. Mẹ bảo tài xế dừng lại ở góc phố Caulaincourt, và khi mẹ rút ra từ trong ví mấy đồng tiền, tôi hiểu mẹ chỉ còn đủ ngần ấy để trả. Phần đường còn lại chúng tôi cuốc bộ. Tôi bước đi nhanh hơn mẹ, để bà rớt lại đằng sau lưng. Rồi tôi dừng lại đợi mẹ bắt kịp. Trên cây cầu nhìn thẳng xuống nghĩa trang và là nơi từ đó nhìn được tòa nhà của chúng tôi phía dưới kia, chúng tôi dừng thật lâu và tôi có cảm giác mẹ đang lấy lại hơi. “Con đi nhanh quá”, mẹ bảo tôi. Giờ thì tôi nảy ra một ý. Có lẽ tôi đang thử lôi kéo bà đi xa hơn đôi chút khỏi cái cuộc sống chật chội của bà. Nếu bà không chết, tôi tin hẳn mình có thể giới thiệu với bà những chân trời khác.

Ba hay bốn năm tiếp sau đó, vẫn thường là cùng những lộ trình ấy, cùng những phố ấy, nhưng mỗi lúc tôi một đi xa hơn. Hồi đầu, thậm chí tôi còn không ra tới quảng trường Blanche. Mà chỉ là đi vòng vòng quanh khối nhà… Trước hết là cái rạp chiếu phim nhỏ xíu đó, nằm ở góc đại lộ cách nhà tôi vài mét, nơi buổi chiếu bắt đầu vào lúc mười giờ tối. Phòng trống, ngoại trừ thứ Bảy. Các bộ phim lấy bối cảnh những vùng đất xa xôi, như Mexico và Arizona. Tôi hoàn toàn không để ý tới cốt truyện, mà chỉ quan tâm đến các khung cảnh. Lúc đi ra, trong đầu tôi hình thành một sự pha trộn kỳ quặc giữa Arizona và đại lộ Clichy. Màu sắc của các biển hiệu sáng đèn và những ngọn đèn nê ông giống hệt như trong phim: cam, xanh ngọc bích, xanh thẫm màn đêm, vàng cát, những màu quá rợ làm tôi có cảm giác vẫn còn ở trong bộ phim hoặc trong một giấc mơ. Một giấc mơ hoặc một cơn ác mộng, điều đó thì còn tùy. Thoạt tiên đó là mộc cơn ác mộng vì tôi thấy sợ và không dám đi xa hơn nữa. Và không phải là bởi mẹ tôi. Nếu bắt chợt tôi một mình trên đại lộ, giữa đêm, hẳn cùng lắm bà cũng sẽ chỉ nói một lời trách cứ. Hẳn bà sẽ bảo tôi về nhà, bằng cái giọng bình thản của bà, như thể bà không hề ngạc nhiên khi thấy tôi bên ngoài vào cái giờ khuya khoắt này. Tôi nghĩ lúc ấy tôi bước đi trên vỉa hè phía bên kia, vỉa hè của bóng tối, vì tôi cảm thấy mẹ không còn có thể làm gì cho tôi nữa.

Lần đầu tiên họ bắt được tôi, đó là ở quận IX, đầu phố Douai, trong cái hiệu bánh mở cửa suốt đêm ấy. Khi đó là một giờ sáng. Tôi đứng trước một cái bàn cao ăn bánh croissant. Từ giờ ấy trở đi, người ta luôn luôn thấy những kẻ kỳ quặc trong hiệu bánh, và thường thì họ từ bên quán cà phê đối diện sang, quán Le Sans-Souci. Hai tay cớm vận thường phục bước vào để kiểm tra giấy tờ. Tôi không có giấy tờ và họ hỏi tuổi tôi. Tôi chọn cách nói thật với họ. Họ cho tôi lên một chiếc xe bịt bùng cùng một tay cao lớn tóc vàng mặc áo vest lông cừu lộn. Ông ta có vẻ quen biết các tay cớm. Có lẽ ông ta cũng là cớm. Đến một lúc, ông ta mời tôi hút thuốc lá, nhưng một cảnh sát vận thường phục ngăn ông ta lại: “Nó còn bé quá… không tốt cho sức khỏe”. Hình như họ xưng hô thân mật với nhau.

Tại văn phòng sở cảnh sát, họ hỏi tên họ tôi, ngày sinh và địa chỉ của tôi, và họ ghi hết vào sổ. Tôi giải thích cho họ rằng mẹ tôi làm việc ở Moulin-Rouge. “Thế thì chúng ta sẽ gọi điện thoại cho bà ấy”, một trong hai tay cớm vận thường phục nói. Tay ghi lời khai đưa cho ông ta số điện thoại của Moulin-Rouge. Ông ta vừa quay số vừa nhìn chằm chằm vào mắt tôi. Tôi thấy rất bực bội. Ông ta nói: “Cho tôi nói chuyện với bà Geneviève Delanque.” Ông ta vẫn nhìn chằm chằm vào tôi vẻ rất nghiệt ngã thế nên tôi hạ mắt xuống. Và rồi, tôi nghe thấy: “Thôi… Không cần làm phiền bà ấy…” Ông ta dập máy. Giờ thì ông ta mỉm cười. Ông ta chỉ muốn làm tôi sợ thôi. “Lần này thì không sao,” ông ta bảo tôi, “nhưng lần tới, tôi sẽ buộc phải báo cho mẹ cô đấy.” Ông ta đứng dậy và chúng tôi ra khỏi sở cảnh sát. Tay tóc vàng mặc áo vest lông cừu lộn đang đợi trên vỉa hè. Họ cho tôi lên một cái xe ô tô, ngồi ở băng ghế sau. “Chú đưa cháu về nhà”, tay cớm vận thường phục bảo tôi. Giờ thì ông ta đã xưng hô thân mật với tôi. Tay tóc vàng mặc áo lông cừu lộn xuống khỏi xe ở quảng trường Blanche, trước cửa hiệu thuốc. Thật kỳ khôi khi ngồi một mình trên băng ghế sau một chiếc ô tô cùng cái tay đang lái xe kia. Ông ta dừng lại trước cửa tòa nhà. “Đi ngủ đi. Lần sau đừng có tái phạm nữa nhé, thưa cô.” Ông ta lại xưng hô trịnh trọng với tôi. Tôi nghĩ mình đã ấp úng mấy từ “cám ơn, thưa ông”. Tôi bước về phía cánh cổng và, đúng lúc mở nó ra, tôi quay đầu lại. Ông ta đã tắt máy, không rời mắt khỏi tôi, như thể muốn chắc chắn là tôi vào hẳn trong nhà. Tôi nhìn qua cửa sổ phòng. Cái xe vẫn dừng ở đó. Tôi đợi, trán tì vào kính, tò mò xem nó sẽ ở lại đó cho đến bao giờ. Tôi nghe tiếng máy nổ trước khi nó quay đầu rồi biến mất ở góc phố. Tôi cảm thấy nỗi hoang mang vẫn thường xâm chiếm con người tôi vào ban đêm và còn mạnh hơn cả nỗi sợ – cái cảm giác kể từ nay mình chỉ dựa được vào chính mình, không biết trông đợi vào đâu nữa. Cả mẹ lẫn bất kỳ ai khác. Tôi những muốn ông ta đứng rình cả đêm trước nhà, cả đêm ấy và những đêm tiếp sau nữa, như một người lính gác, hay đúng hơn là một thiên thần hộ mệnh trông chừng cho tôi.

Nhưng, những buổi tối khác, nỗi hoang mang tan biến và tôi sốt ruột chờ cho đến khi mẹ đi khỏi để ra ngoài. Tôi xuống cầu thang, trống ngực đập thình thịch, như thể đang đi tới mộc cuộc hẹn. Không cần phải nói dối người gác cổng nữa, không cần phải tìm ra những cái cớ hoặc xin phép nữa. Với ai đây? Và tại sao nào? Thậm chí tôi còn chẳng chắc mình có quay trở về nhà không nữa. Bên ngoài, tôi không đi theo vỉa hè bóng tối, mà đi trên vỉa hè của Moulin-Rouge. Với tôi những ánh đèn như thể còn rợ hơn trong những bộ phim về Mexico. Một cơn say chiếm lấy tôi, nhẹ đến thế… Tôi đã cảm thấy tương tự vậy vào cái buổi tối uống một ly sâm banh ở quán Le Sans-Souci. Tôi có cả cuộc đời trước mặt. Làm thế nào mà tôi lại có thể co mình lại sát những bức tường để lẩn tránh như vậy? Và tôi sợ gì cơ chứ? Tôi sẽ đi tới những cuộc gặp. Chỉ cần bước vào bất kỳ quán cà phê nào.

Tôi từng biết một cô gái, hơn tuổi tôi một chút tên là Jeannette Gaul. Một đêm bị lên cơn đau nửa đầu, tôi bước vào hiệu thuốc trên quảng trường Blanche để mua Véganine và một chai ether. Lúc thanh toán, tôi nhận ra mình không mang theo tiền. Cô gái mang mái tóc vàng cắt ngắn ấy, mặc áo gió và ánh mắt cô đã giao với ánh mắt tôi – mắt cô xanh lục – tiến về phía quầy thanh toán và trả tiền cho tôi. Tôi thấy rất phiền, không biết phải cảm ơn cô thế nào. Tôi đề nghị cô đi theo về nhà tôi để có thể trả lại tiền cho cô. Tôi vẫn luôn luôn để ít tiền trong ngăn kéo bàn ngủ. Cô nói: “Không… không… để lần sau đi.” Cô cũng sống trong khu phố, nhưng xuôi xuống phía dưới. Cô nhìn tôi, mỉm cười bằng cặp mắt màu xanh lục. Cô đề nghị tôi đi uống gì đó cùng cô, gần nhà cô, và thế là chúng tôi vào một quán cà phê – hay đúng hơn là một quán bar trên phố La Rochefoucauld. Hoàn toàn không giống không khí tại Le Condé. Những bức tường ốp gỗ sáng màu, cũng như quầy và bàn, và một dạng cửa sổ tranh kính trông ra phố. Các ghế băng phủ nhung đỏ sẫm. Ánh sáng lờ nhờ. Đằng sau quầy là một người đàn bà tóc vàng trạc tứ tuần mà cái cô Jeannette Gaul đó biết rất rõ vì cô gọi bà ta là Suzanne và xưng hô thân mật. Bà ta rót cho chúng tôi hai ly sâm banh Pim’s.

“Chúc sức khỏe”, Jeannette Gaul nói với tôi. Cô vẫn tiếp tục mỉm cười với tôi và tôi có cảm giác cặp mắt màu xanh lục của cô săm soi tìm cách đoán biết điều gì đang diễn ra trong óc tôi. Cô hỏi tôi:

“Bạn sống ở gần đây à?”

“Ừ. Phía trên kia một đoạn.”

Trong khu phố có rất nhiều địa giới mà tôi biết rõ mọi đường biên, kể cả những đường biên vô hình. Vì đang rất rụt rè và không biết phải nói sao với cô, tôi thêm vào: “Ừ, mình sống phía trên kia. Chỗ này mới chỉ là những đoạn dốc đầu tiên thôi.” Cô nhíu mày. “Những đoạn dốc đầu tiên?” Mấy từ này làm cô rối trí, nhưng cô vẫn không đánh mất nụ cười. Có phải là hiệu ứng của rượu sâm banh Pim’s hay không? Sự rụt rè trong tôi biến mất. Tôi giải thích cho cô “những đoạn dốc đầu tiên” có nghĩa là gì, cách nói đó tôi đã học được cũng giống như mọi đứa trẻ theo học các trường trong khu. Kể từ quảng trường nhỏ La Trinité trở đi là bắt đầu “những đoạn dốc đầu tiên”. Cứ lên cao mãi không ngừng cho tới lâu đài Sương Mù và nghĩa trang Saint-Vincent, trước khi lại đi xuống về phía hậu cảnh Clignancourt, hẳn lên phía Bắc.

“Bạn biết nhiều thứ thật đấy”, cô bảo tôi. Và nụ cười của cô đã chuyển sang mỉa mai. Đột nhiên cô xưng hô thân mật với tôi, nhưng tôi thấy chuyện đó là tự nhiên. Cô gọi người đàn bà tên Suzanne mang tới cho hai ly nữa. Tôi không quen uống rượu, với tôi một ly đã là quá nhiều. Nhưng tôi không dám từ chối. Để xong cho nhanh, tôi nuốt ực ly rượu. Cô vẫn quan sát tôi, im lặng.

“Bạn có đi học không?”

Tôi ngần ngừ trước khi trả lời. Tôi vẫn luôn luôn mơ trở thành sinh viên, vì thấy cái từ ấy thật thanh lịch. Nhưng giấc mơ này với tôi đã trở thành bất khả vào cái ngày tôi không được nhận vào trường trung học Jules-Ferry. Có phải vì uống sâm banh mà tôi trở nên tự tin không? Tôi cúi về phía cô và, có lẽ nhằm tăng sức thuyết phục, tôi đưa mặt mình vào sát mặt cô:

“Có, mình là sinh viên.”

Cái lần đầu tiên đó, tôi không hề để ý tới những người khách xung quanh chúng tôi. Không có gì chung với Le Condé. Nếu không ngại gặp lại vài bóng ma, một đêm nào đó tôi sẵn sàng quay về nơi ấy để hiểu cho rõ mình từ đâu tới. Nhưng phải thận trọng. Vả lại có nguy cơ tôi sẽ thấy quán đã đóng cửa. Đổi chủ. Tất cả những thứ này đâu có nhiều tương lai.

“Sinh viên ngành gì?”

Cô làm tôi sững lại. Sự chân thành nơi cái nhìn của cô đã khích lệ tôi.

Chắc chắn cô không thể nghĩ là tôi đang nói dối.

“Ngôn ngữ phương Đông.”

Cô có vẻ bị ấn tượng mạnh. Sau đó không bao giờ cô hỏi chi tiết về chuyện học các ngôn ngữ phương Đông của tôi, cũng như giờ học, địa điểm trường. Hẳn cô đã nhận ra là tôi không hề đi học ở trường nào hết. Nhưng theo tôi thì với cô – cả với tôi nữa – chính đó là một dạng danh xưng quý tộc mà tôi mang, và là thứ người ta đương nhiên được tập ấm mà không cần phải làm gì. Với những khách quen của quán bar trên phố La Rochefbucauld, cô giới thiệu tôi là “Nữ Sinh Viên” và có thể ở nơi ấy người ta vẫn còn nhớ chuyện này.

Đêm hôm đó, cô đưa tôi về tận nhà. Đến lượt mình, tôi muốn biết cô làm gì. Cô bảo cô là vũ nữ, nhưng sau một tai nạn thì cô buộc phải thôi công việc đó. Vũ công cổ điển à? Không, không hoàn toàn, tuy thế cô đã học qua múa cổ điển. Giờ thì tôi tự đặt cho mình một câu hỏi chưa từng lướt qua óc tôi hồi ấy: Hay cô là vũ công giống như tôi là sinh viên? Chúng tôi đi trên phố Fontaine về phía quảng trường Blanche. Cô giải thích với tôi rằng “vào lúc này” cô là “liên danh” của người đàn bà tên Suzanne, một người bạn lâu năm của cô và cũng một chút là “chị gái” của cô. Hai người cùng trông coi cái nơi cô đã dẫn tôi tới tối nay và đó cũng là một quán ăn.

Cô hỏi có phải tôi sống một mình không. Phải, một mình cùng mẹ. Cô muốn biết mẹ tôi làm nghề gì. Tôi không thốt ra cái từ “Moulin-Rouge”. Tôi đáp, giọng khô khốc: “Kế toán viên.” Dù thế nào đi nữa, mẹ tôi cũng hoàn toàn có thể là kế toán viên. Mẹ có sự nghiêm túc và kín đáo của cái nghề đó.

Chúng tôi chia tay nhau trước cổng. Không phải đêm nào tôi cũng rộn ràng trong lòng khi quay về căn hộ ấy. Tôi vẫn biết rồi một ngày mình sẽ rời bỏ nó vĩnh viễn. Tôi trông chờ rất nhiều vào những cuộc gặp mà tôi sẽ có, những cuộc gặp sẽ giúp tôi chấm dứt nỗi cô đơn. Cô gái này là cuộc gặp đầu tiên của tôi và có thể cô sẽ giúp tôi cao chạy xa bay.

“Mai ta gặp nhau chứ?” Cô có vẻ ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi. Tôi đặt nó cho cô quá đột ngột, không sao che giấu nổi sự lo lắng.

“Tất nhiên rồi. Khi nào mà bạn muốn…”

Cô hướng sang tôi nụ cười dịu dàng và mỉa mai của cô, cùng nụ cười ban nãy, vào đúng lúc tôi giải thích cho cô biết “những đoạn dốc đầu tiên” nghĩa là gì.

Trí nhớ của tôi có những lỗ hổng. Hay nói đúng hơn, một số chi tiết quay trở lại với tôi trong tình trạng lộn xộn. Từ năm năm nay, tôi không còn muốn nghĩ đến tất cả những chuyện đó. Và chỉ cần xe taxi đi ngược phố là tôi đã nhìn thấy lại các biển hiệu sáng đèn – Aux Noctambules, Aux Pierrots… Tôi không còn biết cái nơi trên phố La Rochefoucauld tên là gì nữa. Le Rouge Cloître? Chez Dante? Le Canter? Đúng rồi, Le Canter. Hẳn không người khách nào bên Le Condé từng lui tới Le Canter. Có những đường ranh giới không thể vượt qua trong đời. Thế nhưng tôi từng rất kinh ngạc vào những lần đầu tiên tới Le Conđé khi nhận ra một người khách tôi từng thấy ở Le Canter, một người tên là Maurice Raphaël và được đặt biệt danh Báo Gấm…

Tôi đã không thực sự đoán được rằng người đàn ông đó là nhà văn… Không gì phân biệt ông ta với những người chơi bài và các trò chơi khác trong căn phòng nhỏ ở góc, đằng sau tấm lưới sắt rèn… Tôi nhận ra ông ta. Về phần ông ta, tôi cảm thấy khuôn mặt tôi không gợi lên điều gì. Càng tốt. Nhẹ cả người…

Tôi chưa bao giờ hiểu nổi vai trò của Jeannette Gaul ở Le Canter. Thường thì cô nghe khách gọi đồ và phục vụ họ. Cô ngồi cùng bàn với họ. Cô quen biết đa phần trong số họ. Cô giới thiệu tôi với một tay cao lớn tóc nâu vẻ mặt phương Đông, ăn mặc rất đẹp, có vẻ là dân học hành, một tay tên Accad, con trai một bác sĩ trong khu phố. Lúc nào anh ta cũng đi cùng hai người bạn, Godinger và Mario Bay. Thỉnh thoảng, họ chơi bài và những trò chơi khác cùng cánh đàn ông nhiều tuổi hơn, trong căn phòng nhỏ ở góc. Những trò ấy kéo dài đến năm giờ sáng. Một trong các tay chơi có vẻ như là chủ sở hữu thực của Le Canter. Một người đàn ông trạc ngũ tuần tóc muối tiêu cắt ngắn, cũng ăn mặc rất đẹp, vẻ nghiêm trang, mà Jeannette bảo tôi là “cựu luật gia”. Tôi còn nhớ tên ông ta: Mocellini. Đôi khi, ông ta đứng dậy đi tới chỗ Suzanne đằng sau quầy bar. Vài đêm, ông ta thế chỗ bà tự tay pha chế đồ uống, như thể ông ta đang ở trong nhà mình và mọi người đều là khách mời của ông. Ông ta gọi Jeannette là “con trai ta” hoặc “Đầu Lâu” tôi cũng chẳng hiểu tại sao nữa, và những lần đầu tiên tôi đến quán Le Canter ông ta nhìn tôi với một chút nghi ngờ. Một đêm, ông ta hỏi tuổi tôi. Tôi khai tăng tuổi mình lên, tôi nói “hai mươi mốt”. Ông ta vừa nhìn tôi vừa nhíu mày, ông ta không tin lời tôi. “Cô có chắc là cô hai mốt tuổi không?” Càng lúc tôi càng thấy bối rối hơn và đã sẵn sàng nói cho ông ta tuổi thực của mình, nhưng cái nhìn của ông ta đột nhiên mất đi toàn bộ vẻ nghiêm khắc. Ông ta mỉm cười với tôi và nhún vai. “Thế thì ta cứ cho rằng cô hai mốt tuổi đi.”

Jeannette rất thích Mario Bay. Anh đeo kính râm nhưng hoàn toàn không phải vì thích kiểu cách. Mắt anh chịu ánh sáng kém. Hai bàn tay mảnh dẻ. Thoạt đầu, Jeannette nghĩ anh là dương cầm thủ, thuộc vào những người, cô bảo tôi, từng diễn công xe, ở Gaveau hay Pleyel. Anh trạc ba mươi tuổi, cũng như Accad và Godinger. Nhưng nếu không phải dương cầm thủ thì anh làm gì trong đời? Anh và Accad rất thân với Mocellini. Theo lời Jeannette, họ làm việc cùng Mocellini khi ông ta còn là luật gia. Kể từ đó, họ vẫn luôn luôn làm việc cho ông ta. Việc gì? Trong các hội, cô bảo tôi. Nhưng “các hội” nghĩa là gì? Ở quán Le Canter họ mời chúng tôi đến ngồi cùng bàn, và Jeannette cứ nói Accad khoái tôi. Ngay từ đầu, tôi đã cảm thấy cô muốn tôi cặp kè với anh, có lẽ nhằm củng cố những liên hệ của cô với Mario Bay. Tôi thì lại có cảm giác Godinger mới là người thấy tôi hợp nhãn. Anh cũng tóc nâu như Accad nhưng cao hơn. Jeannette biết anh không rõ bằng hai người kia. Có vẻ như anh có rất nhiều tiền và một chiếc ô tô mà lúc nào anh cũng đỗ trước quán Le Canter. Anh sống ở khách sạn và thường xuyên sang Bỉ.

Những lỗ hổng tối đen. Và rồi các chi tiết cứ nhảy xổ vào ký ức tôi, những chi tiết cụ thể nhưng chẳng nghĩa lý gì. Anh sống ở khách sạn và thường xuyên sang Bỉ. Tối hôm trước, tôi nhắc lại cái câu ngu ngốc đó như điệp khúc một điệu hát ru mà người ta lẩm bẩm trong bóng tối để tự trấn an. Thế tại sao Mocellini lại gọi Jeannette là Đầu Lâu? Các chi tiết che giấu các chi tiết khác nặng nề hơn rất nhiều. Tôi nhớ đến cái buổi chiều, vài năm sau đó, khi Jeannette đến gặp tôi ở Neuilly. Đó là quãng mười lăm ngày sau khi tôi cưới Jean-Pierre Choureau. Tôi chưa từng bao giờ gọi được anh ta bằng cái tên nào khác ngoài Jean-Pierre Choureau, hẳn là bởi anh ta hơn tuổi tôi và chính anh ta xưng hô trịnh trọng với tôi. Cô nhấn chuông ba lần, đúng như tôi đã đề nghị. Trong thoáng chốc, tôi đã không muốn đáp lại cô, nhưng làm thế thì thật là ngẫn, cô biết số điện thoại và địa chỉ của tôi. Cô bước vào, luồn mình qua khe cửa mở hé, tưởng chừng như cô đang lén lút lọt vào căn hộ để đánh cắp đồ. Trong phòng khách, cô nhìn quanh, ngắm những bức tường trắng, cái bàn thấp, chồng tạp chí, ngọn đèn có chụp đỏ, bức chân dung mẹ Jean-Pierre Choureau treo phía trên trường kỷ. Cô không nói gì. Cô gật đầu. Cô nằng nặc muốn đi thăm nhà. Cô có vẻ ngạc nhiên vì Jean-Piene Choureau và tôi ngủ riêng. Trong phòng ngủ của tôi, chúng tôi nằm dài ra trên giường.

“Thế nào, anh ta là con nhà phải không?” Jeannette hỏi tôi. Và cô phá lên cười.

Tôi đã không gặp lại cô kể từ hồi ở khách sạn trên phố Armaillé. Tiếng cười của cô làm tôi thấy khó ở. Tôi ngại cô sẽ kéo mình quay ngược thời gian, về cái thời quán Le Canter. Thế nhưng, hồi năm ngoái khi tới phố Armaillé thăm tôi, cô tuyên bố mình đã cắt đứt quan hệ với những người khác.

“Đúng là phòng của thiếu nữ đây…”

Trên mặt tủ com mốt là bức ảnh Jean-Pierre Choureau lồng khung da đỏ sẫm. Cô đứng dậy cúi người về phía khung ảnh.

“Trông anh ta cũng đẹp trai đấy… Nhưng tại sao cậu lại ngủ riêng?”

Cô lại nằm xuống bên cạnh tôi trên giường. Thế là tôi bèn bảo cô tôi muốn gặp cô ở chỗ khác hơn là nơi đây. Tôi ngại cô cảm thấy bực bội khi có mặt Jean-Pierre Choureau. Và rồi chúng tôi sẽ không thể nói chuyện thoải mái với nhau.

“Cậu sợ tớ tới gặp cậu cùng những người khác chứ gì?”

Cô cười nhưng đó là một tiếng cười kém thẳng thắn hơn nhiều so với lúc nãy. Đúng vậy, tôi sợ, ngay cả ở Neuilly, gặp trúng phải Accad. Tôi ngạc nhiên vì anh đã không tìm ra dấu vết của tôi hồi tôi hay sống ở khách sạn, phố Étoile rồi phố Armaillé.

“Bình tĩnh đi nào… Họ không còn ở Paris từ lâu lắm rồi… Họ sang Maroc rồi…”

Cô vuốt ve trán tôi như thể muốn làm tôi dịu lại. “Tớ nghĩ cậu đã không hề kể với chồng cậu về các bữa tiệc ở Cabassud…”

Cô không hề gia giảm chút mỉa mai nào trong câu vừa nói xong. Ngược lại, tôi thấy choáng vì cái giọng buồn bã của cô. Chính bạn trai của cô, Mario Bay, cái anh chàng đeo kính râm với hai bàn tay dương cầm thủ thường hay sử dụng từ “bữa tiệc” này khi họ, Accad và anh, dẫn chúng tôi đến qua đêm ở Cabassud, một quán trọ gần Paris.

“Ở đây yên tĩnh thật… Không hề giống ở Cabassud… Cậu có còn nhớ không?”

Các chi tiết mà tôi những muốn nhắm mắt làm ngơ như người ta muốn nhắm mắt trước một luồng ánh sáng quá chói. Tuy vậy, lần trước, khi cùng Roland rời khỏi chỗ những người bạn của Guy de Vere rồi quay về Montmartre, tôi đã giữ mắt mở thật to. Mọi thứ rõ ràng hơn, sắc nét hơn, một ánh sáng dữ dội làm tôi bị quáng nhưng rốt cuộc cũng quen được với nó. Một đêm tại Le Canter, tôi ngồi bên một cái bàn, gần lối vào, với Jeannette, trong cùng thứ ánh sáng đó. Không còn ai ngoài Mocellini và những người khác đang chơi bài trong căn phòng ở góc, đằng sau tấm lưới sắt. Mẹ tôi hẳn đã về nhà từ lâu rồi. Tôi tự hỏi bà có thấy lo lắng vì sự vắng mặt của tôi hay không. Tôi gần như nuối tiếc cái đêm bà đến đón tôi ở sở cảnh sát Grandes-Carrières. Kể từ giờ, tôi có dự cảm sẽ không bao giờ bà còn có thể đến đón tôi nữa. Tôi ở quá xa. Một nỗi hoang mang xâm chiếm lấy tôi, tôi cố gắng chế ngự nó, nhưng nó vẫn làm tôi thấy khó thở. Jeannette gí sát mặt lại gần mặt tôi.

“Trông cậu xanh quá… Không ổn à?” Tôi những muốn mỉm cười để trấn an cô, nhưng lại có cảm giác mặt mình đang nhăn nhó.

“Không… Không sao đâu…”

Kể từ khi rời khỏi nhà vào ban đêm, tôi vẫn có những đợt sợ hãi ngắn hay đúng hơn là các đợt “tụt huyết áp”, như người chủ hiệu thuốc ở quảng trường Blanche từng nói, một tối nọ khi tôi cố công giải thích cho ông ta hiểu mình cảm thấy gì. Nhưng lần nào thốt ra một lời, tôi cũng thấy như thể nó sai hoặc quá mức ngờ nghệch. Tốt hơn hết là giữ im lặng. Một cảm giác trống rỗng chụp lấy tôi trên phố, đột ngột. Lần đầu tiên là trước hiệu thuốc lá, gần quán Le Cyrano. Ở đó đông người qua lại, nhưng tôi vẫn thấy không yên ổn. Tôi thì sắp ngất xỉu đến nơi mà họ thì cứ tiếp tục bước đi về phía trước chẳng buồn để tâm đến tôi chút nào. Tụt huyết áp. Cắt điện. Tôi phải cố gắng hết sức để tự nối lại các sợi dây. Tối đó, tôi bước vào hiệu thuốc lá hỏi mua tem, bưu thiếp, một cái bút bi và một bao thuốc. Tôi ngồi ngay ở quầy. Tôi lấy ra một cái bưu thiếp và bắt đầu viết. “Kiên nhẫn thêm một chút nữa nhé. Em nghĩ mọi chuyện sẽ khá hơn.” Tôi châm một điếu thuốc và dán một con tem lên tấm bưu ảnh. Nhưng gửi cho ai bây giờ? Tôi những muốn viết lên mỗi tấm bưu ảnh vài từ, những từ giúp ta trấn tĩnh: “Trời đẹp, em đang có kỳ nghỉ tuyệt vời, em hy vọng mọi chuyện của anh cũng ổn. Hẹn sớm gặp nhé. Hôn anh.” Tôi ngồi ở hiên một quán cà phê từ rất sớm vào buổi sáng, bên bờ biển. Và viết bưu thiếp cho bạn bè.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.